2 bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ về một bài thơ hoặc tác phẩm văn học

5/5 - (1 bình chọn)

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về một bài thơ hoặc tác phẩm văn học mà anh chị yêu thích

Dàn ý mẫu

I. Mở bài

– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm: Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Độc Tiểu Thanh kí là một trong những bài thơ chữ Hán đặc sắc của Nguyễn Du thể hiện sự thương xót cho số phận của người phụ nữ tài hoa bạc mệnh.

– Khát quát những cảm nhận chung về tác phẩm đó: Là bài thơ hay và đem lại nhiều suy tư trong lòng người đọc

II. Thân bài

1. Hai câu đề: Cơ duyên gặp gỡ của Nguyễn Du và Tiểu Thanh.

– “Tây Hồ”: Nơi nổi tiếng với cảnh đẹp và cũng là nơi diễn ra cuộc đời buồn tủi của Tiểu Thanh.

– “Tẫn thành khư”: Cảnh đẹp Tây Hồ trở nên hoang vắng, trơ trụi đìu hiu.

→ Cái đẹp tự nhiên bị hủy hoại cũng chính là sự hủy hoại của cuộc đời Tiểu Thanh.

– Hình ảnh “mảnh giấy tàn”: Mảnh giấy còn xót lại của thơ Tiểu Thanh

→ Cái đẹp tài hoa, cái đẹp nghệ thuật, những giá trị tinh thần bị hủy hoại.

– Tâm trạng của nhà thơ “thổn thức”

→ Xúc động, nghẹn ngào, hẫng hụt, mất mát trước sự lụi tàn của cảnh và vật.

⇒ Hai câu thơ tái hiện lại cảnh và vật ở Tây Hồ – bị tàn lụi theo thời gian, điều đó làm nảy sinh nỗi xót xa, tiếc nuối cho Nguyễn Du

⇒ Nguyễn Du là người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm.

2. Hai câu thực: Cuộc đời và số phận Tiểu Thanh.

– Hình ảnh ẩn dụ: “Son phấn”, “văn chương”

    + “Son phấn”: Tượng trưng cho sắc đẹp của Tiểu Thanh

    + “Văn chương”: Gợi tài năng và tâm hồn của nàng Tiểu Thanh

→ Hai hình ảnh nhắc tới nỗi đau muôn thuở của những kiếp “hồng nhan bạc phận”.

→ Liên hệ đến số phận nàng Kiều, Đạm Tiên, người cung nữ, ca kĩ trong những sáng tác của Nguyễn Du đều có chung số phận với Tiểu Thanh, xinh đẹp tài năng nhưng phải chịu bất hạnh.

– Nguyên nhân của sự bất hạnh

    + “Son phấn có thần chôn vẫn hận”: “Thần” – thần thái, linh hồn và sự linh thiêng của người đã khuất, “hận” – đau khổ, xót xa không được siêu thoát.

→ Tiểu Thanh có chết cũng vẫn không thể giải thoát khỏi bể khổ của cuộc đời.

    + “Văn chương vô mệnh đốt còn vương”: Văn chương là vật vô tri cũng bị đốt bỏ, nhưng nó vẫn có sức sống lâu bền

→ Văn chương Tiểu Thanh còn xót lại khiến người đời sau thấu hiểu tài hoa của nàng.

→ Tiểu Thanh chỉ có thể bị vùi dập về thể xác, tâm hồn và tài năng của nàng thì còn mãi với thời gian.

⇒ Hai câu thơ tái hiện cuộc đời tài hoa, bạc mệnh của Tiểu Thanh, đồng thời cho thấy sự thương xót, đồng cảm của Nguyễn Du.

3. Hai câu luận: Cảm nhận chung về kiếp người tài hoa

– “Nỗi hờn kim cổ”: Nỗi oan khuất tồn tại xuyên suốt bao nhiêu thế hệ. Đó là nỗi oan của Tiểu Thanh nói riêng, nỗi oan của con người tài hoa bạc mệnh nói chung

– “Trời khôn hỏi”: Nỗi oan lạ lùng, không thể hỏi trời

→ Nỗi xót xa đau đớn, bất lực của Nguyễn Du trước hiện thực ngang trái.

– “Phong lưu”: Phong vận, phong thái của con người tài hoa

– “Án phong lưu”: Cách gọi thể hiện sự đau đớn của Nguyễn Du về tài hoa và nhan sắc, là bản án, hình phạt mà kẻ bất hạnh phải gánh lấy.

– “Khách tự mang”: Đồng nhất phận mình với phận kẻ tài hoa. Đau khổ, bất hạnh bởi chính sự đồng cảm của kẻ liên tài.

→ Sự đồng cảm cao độ, thương người như thương mình, thương mình lại càng thương người của Nguyễn Du.

4. Hai câu kết: Câu hỏi của Nguyễn Du

– Nội dung câu hỏi: Hỏi Tiểu Thanh nhưng thực chất là hỏi đời, hỏi chính mình.

    + Khoảng thời gian 300 năm: Không chỉ là con số ước lệ mà là khoảng cách thời đại của Tiểu Thanh và Nguyễn Du.

→ Nguyễn Du tạo mạch nối trong suy tưởng từ 300 năm trước đến 300 năm sau để tìm một tâm hồn, một tiếng nói đồng điệu.

    + Nguyễn Du băn khoăn bây giờ ông đứng đây để thương xót, đồng cảm với cuộc đời, văn chương Tiểu Thanh, 300 năm nữa có ai thấu hiểu được ông.

– “Tố như” – tên tự của nguyễn Du: Tự xưng tên mình trong thơ chính là cách để ông thể hiện cái tôi chính mình – cách viết hiếm có trong văn học trung đại.

⇒ Thể hiện tâm trạng cô đơn, lo lắng, buồn rầu, bất an của Nguyễn Du. Muốn được khẳng định bản thân nhưng không thể.

5. Nghệ thuật

– Thể thơ thất ngôn bát cú, ngắn gọn, xúc tích

– Nghệ thuật đối, câu hỏi tu từ, biện pháp ẩn dụ

– Ngôn ngữ triết lí trữ tình.

III. Kết bài

– Khái quát nội dung và nghệ thuật của bài thơ

– Mở rộng: Đề tài về người phụ nữ, về những số phận tài hoa bạc mệnh trong thơ Nguyễn Du rất phong phú. Liên hệ Truyện Kiều, Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du.

Bài văn mẫu 1

   Mùa thu, mùa luôn gợi biết bao nhớ thương trong lòng người. Tiết trời không còn những cơn mưa phùn của mùa xuân, không nóng bức như mùa hạ và không còn cái giá lạnh của mùa đông. Mùa thu là sự hài hòa của tất cả các mùa trên, cũng bởi vậy mà tâm hồn nhạy cảm của các thi nhân viết về đề tài mùa thu rất nhiều. Trong số những bài thơ viết về đề tài này ta không thể không nhắc đến Sang thu của Hữu Thỉnh. Bằng một vài nét bút tài hoa ông đã phác họa những biến chuyển của đất trời từ cuối hạ sang thu.

    Thu sang lòng ai chẳng vương vấn, bởi chút hoa sữa nồng nàn, bởi hương cốm mới tinh khôi, mỗi người, mỗi thi nhân đều có những dấu hiệu riêng để cảm biết mùa thu. Mùa thu là mùa của cây ngô đồng, lá phong đỏ trong thơ cổ:

    Ngô đồng nhất diệp lạc

    Thiên hạ cộng chi thu

    Hay mùa thu với dáng liễu thướt tha trong thơ Xuân Diệu:

    Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

    Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

    Đây mùa thu tới, mùa thu tới

    Với áo mơ phai dệt lá vàng

    Còn với Hữu Thỉnh thì sao, ông lấy dấu hiệu gì trong vô vàn những tín hiệu trên để cảm nhận khoảnh khắc thu sang. Chúng ta hẳn sẽ cảm thấy thật bất ngờ trước những cảm nhận c, tín hiệu của riêng ông khi mùa thu đến:

    Bỗng nhận ra hương ổi

    Phả vào trong gió se

    Sương chùng chình qua ngõ

    Hình như thu đã về

    Tín hiệu báo thu về của ông thật đặc biệt. Có lẽ lần đầu tiên trong thi ca mới lấy tín hiệu hương ổi bình dị, dân dã để báo hiệu thu đã sang. Hương ổi nhẹ nhàng đi cùng với từ “bỗng” gợi cho ta cảm giác đột ngột, ngỡ ngàng. Dường như một buổi sáng thức dậy, bỗng thấy bước chân thu ngập ngừng trước ngõ. Hương thu “phả” vào gió se se lạnh, làn hương ngọt ngào, đậm đà như sánh lại. Không chỉ vậy, hương ổi còn gợi nên điều gì đó rất đỗi thân thuộc, yêu dấu của làng quê Việt Nam, hương thu của Hữu Thỉnh thật lạ, thật độc đáo. Bằng đôi mắt nhạy bén của người nghệ sĩ, Hữu Thỉnh còn nhận thấy những làn sương mỏng nhẹ, “chùng chình” đi qua ngõ. Với nghệ thuật nhân hóa đã có thấy dáng vẻ, tâm trạng của những làn sương thu. Chúng đi chậm chạp, như còn lưu luyến, luyến tiếc điều gì đó của mùa hạ, nửa muốn sang thu, mà nửa lại muốn ở lại.

    Đối diện với khoảnh khắc thu sang, lòng người cũng ngỡ ngàng, dường như còn chưa tin rằng thu đã về: Hình như thu đã về. “Hình như” nhân vật trữ tình còn băn khoăn, chưa chắc chắn, bởi những tín hiệu thu về vẫn còn mơ hồ và ít ỏi quá. Có lẽ cần những tín hiệu rõ ràng hơn, đầy đủ hơn như là một xác tín cho mùa thu. Chỉ với hương ổi, làn gió se và chút sương lãng đãng, nhân vật trữ tình đã mơ hồ, mong manh nhận ra những dấu hiệu của mùa thu, qua đó cũng cho thấy tâm hồn tinh tế nhạy cảm của thi nhân. Lời thơ vừa ngỡ ngàng, vừa reo vui trước khoảnh khắc thu sang.

    Không gian mở rộng dần, không chỉ còn là không gian thôn vườn, ngõ xóm mà đã có sự rộng mở ra không gian sông nước, bầu trời: Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã. Con sông tất bật với dòng phù sa nhuốm đỏ, ngày đêm cuồn cuộn chảy đã được thay thế bằng con sông hiền hòa hơn, tĩnh lặng hơn, dòng sông khi sang thu trở nên trong trẻo, êm đềm. Nghệ thuật nhân hóa khiến con sông dường như được nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả. Đây đồng thời cũng là hình ảnh của con người được nghỉ ngơi sau bao khói bom, lửa đạn chiến tranh. Vận động ngược chiều với con sông chính là những cánh chim tất bật vội vàng bay về phương Nam tìm hơn ấm, tránh cái lạnh của mùa đông phương Bắc sắp đến. Tâm hồn ông thật tinh tế và nhạy bén, bởi đã nhận ra những biến chuyển tế vi nhất của thiên nhiên vạn vật.

    Nhưng có lẽ hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất chính là hình ảnh: Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu. Đám mây mùa hạ được hữu hình hóa, vừa thực lại có nét gì đó rất hư ảo, đã tái hiện được những bước đi của thời gian. Nhưng cái đặc sắc hơn chính là việc Hữu Thỉnh lấy cái hữu hình là đám mây để nói về cái vô hình là thời gian. Thời gian một khái niệm trừu tượng, không thể nắm bắt, đo đếm vậy mà có cái “vắt mình” của đám mây dường như thời gian hạ – thu đã có ranh giới rõ ràng, hữu hình. Đám mây trở thành cầu nối giữa hai mùa, khiến chúng trở nên liền mạch, không bị đứt đoạn. Đám mây cũng như làn sương vẫn còn luyến tiếc mùa hạ, vẫn chưa muốn chia tay mùa hạ, nhưng lại cũng mang trong mình mong muốn khám phá mùa thu bí ẩn, trạng thái ấy khiến cho đám mây mới chỉ “vắt nửa mình sang thu”. Khoảnh khắc giao mùa hiện lên tinh tế qua những câu thơ giàu thật chất tạo hình, ẩn sau thời gian chuyển tiếp từ hạ sang thu là hình ảnh đời người lúc sang thu.

    Sang khổ thơ cuối, những biến chuyển của thiên nhiên ngày một rõ nét hơn: nắng vẫn còn nhưng nhạt hơn, dịu hơn, không còn gay gắt như mùa hè; cơn mưa rào mùa hạ chợt đến chợt đi cũng vơi dần, bớt dần. Những từ ngữ chỉ mức độ “vẫn còn” “vơi” “bớt” được sắp xếp giảm dần cho thấy mùa hạ đang nhạt dần, mùa thu ngày càng rõ nét hơn. Mùa thu đã hiện hình giữa đất trời.

    “Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi” đây là phút giây suy ngẫm, chiêm nghiệm của Hữu Thỉnh trước khoảnh khắc giao mùa của thiên nhiên cũng là thời điểm giao mùa của con người. Con người khi đã từng trải, đi qua nhiều giông bão của cuộc đời thì họ cũng trở nên vững vàng, trưởng thành hơn trước những vang động của cuộc sống.

    Sang thu của Hữu Thỉnh với ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, tự nhiên ông đã cho người đọc thấy vẻ đẹp của thiên nhiên lúc giao mùa, những nét thu thật thu của đất Bắc. Nhưng đằng sau bức tranh thu sang còn là những suy ngẫm, chiêm nghiệm về khoảnh khắc đời người sang thu.

Bài văn mẫu 2

   Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là một bài thơ trong trẻo, thiết tha. Nó là phần tinh tuý nhất của một con người luôn khát khao cống hiến, khát khao sống có ý nghĩa. Nó là tiếng lòng của nhà thơ và cũng là của tất cả những ai ham mê cái cuộc sống trần gian rất đẹp đẽ này.

    Mùa xuân nho nhỏ ra đời khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh. Chắc hẳn, vào những ngày cuối cùng ấy, sau những chiêm nghiệm về cuộc sống với tất cả tình yêu, Thanh Hải muốn tiếp tục cất lên tiếng hót của “con chim chiền chiện” để góp nên một “mùa xuân nho nhỏ” cho cuộc đời, cho con người và cho đất nước yêu thương.

    Với thể thơ 5 chữ, với cách ngắt nhịp nhanh, gọn mà vẫn có độ dư ba, bài thơ đã dâng lên trong lòng tôi cảm giác rộn ràng, náo nức. Những gam màu trong trẻo, những hình ảnh đẹp, tươi sáng và đầy sức sống trong mỗi câu thơ cứ thấm dần vào trái tim tuổi trẻ của tôi.

    Mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước được nhà thơ cảm nhận trong sự căng đầy của nhựa sống, trong nhịp sống đang hối hả và trong sự tươi non mơn mởn của những hi vọng vào tương lai. Giữa màu xanh yên bình của dòng sông xuân, sắc tím biếc cuả bông hoa không hề lạc lõng, chông chênh. Nó bám chắc vào lòng sông như một sợi dây vô hình làm nên sức sống. Trên cái nền màu dịu êm của “sông xanh” và “hoa tím biếc”, tiếng hót trong vắt của con chim chiền chiện vút cao, ngân vang đến bất tận đến trời xanh. Từng tiếng, từng tiếng chim trong veo hay tiếng nhịp thở của khí xuân hoà vào trời đất, vang vọng vào trong lòng người như những “giọt tâm hồn” sáng long lanh. Tiếng hót ấy khiến ta không thể dửng dưng mà khiến ta phải thốt lên tiếng gọi rủ về cái khát khao muốn nắm bắt, muốn “đưa tay hứng”.

    Không tách mình khỏi khí xuân của thiên nhiên, đất nước trong công cuộc chuyển mình đi lên cũng rộn ràng, hối hả. Sức sống của đất nước không chung chung, trừu tượng mà nó biểu hiện ra ở “sức xuân” của mỗi con người. Mùa xuân trên lưng lính, lộc xuân trong tay người nông dân. Mỗi bước đi của người gieo thêm một chồi biếc, một mầm non. Và cứ thế, sức xuân của đất nước lại dâng lên như những lớp sóng xôn xao. Đất nước phấn chấn, hứng khởi trong một nhịp thở mới, hối hả khẩn trương. Niềm tin mới của dân tộc được chắp cánh từ truyền thống bốn nghìn năm dựng nước. Thế nên, dẫu biết có những vất vả và gian lao nhưng cả nước “vẫn đi lên phía trước” với một quyết tâm không mệt mỏi.

    Những câu thơ của Thanh Hải đầy ắp hình ảnh, màu sắc và âm thanh. Nó tạo nên một không khí sôi nổi, háo hức, phơi phới vui tươi. Nó là một bức tranh tươi sáng sắc màu, là một bản nhạc rộn ràng tiết tấu trong trẻo, ngân nga và gợi cảm. Điều đặc biệt là: bức tranh thiên nhiên, bức tranh đất nước đầy sức sống ấy đã được nhà thơ cảm nhận khi ông đang ở vào cái giây khắc sắp lìa đời. Trên giường bệnh, nhà thơ vẫn mở rộng hồn mình, lắng nghe và đón nhận tất cả những thanh âm xao động của cuộc sống ngoài kia. Ông vẫn lắng nghe từng bước đi rất khẽ của đời. Bốn bức tường của phòng bệnh không thể ngăn cách cuộc đời với nhà thơ, những cơn đau của bệnh tật không làm giảm ý chí, bầu nhiệt huyết và niềm tha thiết yêu đời trong trái tim của người nghệ sĩ. Cái nghị lực phi thường ấy đáng để ta phải nâng niu và trân trọng xiết bao.

    Bài thơ khép lại trọn vẹn trong tâm hồn và sự say sưa của người đọc bằng một ước nguyện thật chân thành và mãnh liệt biết bao. Nó thực là một khát khao đang bùng cháy: muốn được làm một nhành hoa như bông hoa tím biếc kia, muốn làm con chim hót vang trời những giọt long lanh như con chim chiền chiện. Cái khát khao không hề gợi một chút gì về hình ảnh khổ đau của một con người đang chết. Nó giống cái mãnh liệt và rạo rực của một sức thanh xuân đang tràn trề nhựa sống và khát khao cống hiến cho đời.

    Nhiều người đã từng đồng ý với tôi rằng: những người trẻ tuổi đọc Mùa xuân nho nhỏ có thể tìm ra lý tưởng sống cho mình, còn với những người đã dâng cả tuổi thanh xuân cho đất nước thì vẫn thấy mình còn có thể làm được nhiều hơn. Mùa xuân nho nhỏ quả đã không chỉ là niềm say mê của riêng tôi. Nó xứng đáng là một bài thơ hay trong tủ sách quý của muôn người.

Viết bài làm văn số 1

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*