Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Cảnh ngày hè (Bài văn mẫu 1)

5/5 - (1 bình chọn)

Đề bài: Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi.

Bài văn mẫu

     Quốc âm thi tập tập thơ chữ Nôm sớm nhất của văn học trung đại, bao gồm 254 bài thơ. Đây là tập thơ đặt nền móng cho sự phát triển của thơ tiếng Việt. Nội dung tập thơ không chỉ cho thấy vẻ đẹp người anh hùng Nguyễn Trãi với tấm lòng yêu nước thương dân, mà còn cho thấy một tâm hồn thi sĩ rất đỗi yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Vẻ đẹp nhân cách thi sĩ ấy được thể hiện một cách rõ nét qua bài thơ số 43 (được biên soạn đặt tên là Cảnh ngày hè), nằm trong mục Bảo kính cảnh giới, phần Vô đề của tập “Quốc âm thi tập”.

     Bức tranh thiên nhiên ngày hè hiện lên vô cùng sống động, đẹp đẽ. Thời gian Nguyễn Trãi lựa chọn miêu tả là vào cuối ngày lầu tịch dương. Đây là khoảng thời gian được nhiều nhà thơ lựa chọn miêu tả để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình như Bà Huyện Thanh Quan:

    “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

    Dặm liễu sương sa khách bước dồn”

     Hay câu thơ của Nguyễn Du:

    “Chim hôm thoi thót về rừng

    Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành”

Nếu câu thơ trên phảng phất nỗi buồn trong khoảnh khắc ngày tàn, thì trong câu thơ của Nguyễn Trãi, tuy thời gian đã về chiều nhưng vạn vật vẫn căng tràn sức sống. Bức tranh thiên nhiên rộn rã, tươi tắn, dạt dào sức sống. Trong khoảnh khắc nhàn tản, suốt một đời bận rộn lo toan cho dân, cho nước, Nguyễn Trãi lắng lòng mình, đem tất cả sự tinh tế, nhạy cảm để nắm bắt vẻ đẹp tràn đầy sức sống của thiên nhiên:

    Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.

    Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

    Hồng liên trì đã tiễn mùi hương

    Lao xao chợ cá làng ngư phủ

    Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

     Nguyễn Trãi đã vận dụng tất cả các giác quan, để cảm nhận mọi vẻ đẹp của thiên nhiên. Trước hết là cảm nhận về thị giác, Nguyễn Trãi nhận thấy sự căng đầy sức sống của vạn vật. Hệ thống động từ đã được vận dụng hết sức linh hoạt: đùn đùn: có dòng nhựa sống đang ứ căng trong thớ vỏ của hoa hòe, phun trào ra hết lớp này đến lớp khác; giương: tán lá xòe rộng ra để che rợp cả khoảng không rộng lớn; phun: dòng nhựa đang tràn trề và phun trào lên, tạo thành màu đỏ rực rỡ của hoa lựu; tiễn có nghĩa là dư ra. Sự cảm nhận bằng thị giác còn thể hiện qua sự tinh tế khi ông phát hiện ra các màu sắc khác nhau của tạo vật: Sắc xanh (xanh thẫm) của cây hòe đang tỏa tán khắp nơi; màu đỏ rực rỡ của hoa lựa. Màu đỏ này ta đã từng bắt gặp trong câu thơ của Nguyễn Du:

    Dưới tăng quyên đã gọi hè,

    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

     Câu thơ của Nguyễn Du thiên về tạo hình, câu thơ của Nguyễn Trãi nói được sức sống của hoa lựu: Cả dòng nhựa tràn trề, ứ căng phun trào hết lớp này đến lớp khác trên những bông hoa lựu. Xen vào đó là sắc hồng dịu dàng của những cánh sen thanh cao, tao nhã. Tất cả các màu sắc ấy đang được tắm mình trong màu vàng nhạt của ánh trời chiều sắp tắt. Sự hòa phối tinh tế của màu sắc khiến bức tranh tươi sáng, tràn đầy nhựa sống hơn.

     Không chỉ dừng lại ở cảm nhận thị giác, Nguyễn Trãi còn cảm nhận thiên nhiên bằng thính giác, với các từ láy giàu giá trị biểu cảm: âm thanh lao xao của người mua kẻ bán tấp nập, rộn ràng, náo nhiệt. Cho thấy cuộc sống phồn vinh, no đủ của người dân; âm thanh dắng dỏi chính là do tiếng ve tạo nên bản đàn rộn ràng. Biện pháp đảo cấu trúc, từ láy tượng thanh được đảo lên vị trí đầu câu “lao xao”, “dắng dỏi” để nhấn mạnh vào sự náo nhiệt ấy. Thiên nhiên tràn trề sức sống vào thời điểm cuối ngày. Ngoài ra ông còn cảm nhận thiên nhiên bằng khứu giác và thính giác. Đó là hương thơm nồng nàn, ngát hương mà dịu dàng lan tỏa trong khắp không gian của hoa sen.

     Để làm nổi bật vẻ đẹp của bức tranh ngày hè, Nguyễn Trãi đã vận dụng linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật. Nghệ thuật đảo ngữ: lao xao, dắng dỏi nhấn mạnh làm bật lên không khí đông vui của cuộc sống. Ngôn ngữ giàu tính tạo hình, sử dụng thành công từ tượng hình, động từ. Kết cấu bài thơ có sự biến đổi khiến cho bài thơ luôn có sự mới mẻ về tiết tấu, nhịp điệu.

     Với tình yêu thiên nhiên nồng nàn mà tinh tế, tác giả đã cảm nhận đầy đủ nhất những vẻ đẹp thiên nhiên nơi làng quê thanh bình. Thiên nhiên qua cảm nhận của Nguyễn Trãi trở nên vô cùng sống động, tất cả mọi sự vật hiện tượng có sự hài hòa tuyệt đối giữa màu sắc, đường nét, âm thanh và ánh sáng. Qua những cảm nhận tinh tế, nhạy cảm ấy ta thấy được tình yêu thiên nhiên tha thiết, sâu nặng của ông.

Bài thơ Cảnh ngày hè (dàn ý + 20 mẫu)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*