Phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo (Bài văn mẫu 1)

5/5 - (1 bình chọn)

Đề bài: Phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

Bài văn mẫu

   Nhà vua, nhà thơ Lê Thánh Tông từng viết:

    Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo

    (Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê)

   Chẳng phải ngẫu nhiên mà bậc minh quân nhà Lê lại viết về bậc khai quốc công thần – Nguyễn Trãi như thế. Nhìn lại cuộc đời đầy vinh quang mà thảm khốc của Ức Trai, càng thấy tấm lòng ấy sáng rực cả non sông, chiếu sáng muôn đời. Từ cuộc sống trần thế đến văn chương, nhân cách, đức độ và cống hiến của ông luôn trọn vẹn. Mà một trong những điều làm nên sự toàn đức toàn tài đó chính là tư tưởng cốt lõi cả cuộc đời ông – tư tưởng nhân nghĩa. Bản Bình Ngô đại cáo, một áng văn chính luận xuất sắc của Nguyễn Trãi đã thể hiện sáng ngời tư tưởng ấy.

   Xuất phát từ một quan niệm đạo đức Nho gia, nhân nghĩa được hiểu là cách ứng xử tốt đẹp giữa người với người trong xã hội. Quan niệm này chủ yếu nhấn mạnh tới cách hành xử thuộc về lối sống cá nhân, một trong những điểm rất nhân văn của đạo Nho. Thế nhưng trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi lại viết:

    Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

    Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

   Vẫn là nhân nghĩa ấy, nhưng Ức Trai lại đưa ra cách hành xử không còn ở góc độ cá nhân nữa, mà là yên dân mang tầm quốc gia, dân tộc. Muốn thực hành nhân nghĩa tức là phải làm cho nhân dân có được cuộc sống yên ổn, bình an. Cái gốc của nhân nghĩa là ở nhân dân. Đây là điều hoàn toàn mới mẻ. Vẫn biết Nguyễn Trãi luôn hành động, cống hiến cuộc đời mình cho dân, tôn thờ dân, nhưng không nghĩ rằng ông lại việc “lấy dân làm gốc” để luận bàn về việc nhân nghĩa thông thường. Cách hành xử đơn thuần ấy qua thẩm thấu của một trái tim quảng đại, một nhân cách lớn luôn biết lo cho dân trở thành một lý tưởng xã hội, một đạo lý ở đời. Điều này khiến chúng ta liên tưởng tới Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập viết ở thế kỉ XX, cũng “suy rộng ra” từ những quyền rất cơ bản của con người, thành quyền chính đáng của dân tộc. Có lẽ cả Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều nhìn nhận những vấn đề có tính triết lý thực ra lại bắt nguồn từ những điều yêu cầu rất đỗi bình thường. Vì vậy khi Nguyễn Trãi đưa ra quan điểm nhân nghĩa ở tác phẩm này, giá trị của tư tưởng ấy trở nên to lớn, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của hệ thống lí luận tư tưởng dân tộc Việt Nam.

   Tuy nhiên, nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi đề cập tới ở đây không hề chung chung, trừu tượng mà nó là việc nhân nghĩa, tức là phải hành động để luôn luôn duy trì sự yên ổn của nhân dân. Cứ vậy thì trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, sống dưới cảnh ngang tàng, bạo ngược của kẻ xâm lăng, nhân nghĩa chính là trừ bạo. Người thực thi nghĩa vụ này là quân điếu phạt, sức mạnh của quân đội mới đủ sức để đánh đuổi kẻ thù.

   Ngay từ mở đầu bài cáo, tư tưởng nhân nghĩa đã hiện lên một cách rõ ràng, cụ thể. Nguyễn Trãi thể hiện trực tiếp và coi đó là mạch nguồn chi phối toàn bộ bản “tuyên ngôn”. Ông khẳng định, không có nhân nghĩa không có nước Đại Việt hôm nay. Bởi nước Nam dựng xây Tổ quốc bằng các yếu tố thiết lập trên tinh thần nhân nghĩa. Có nền văn hiến, có lãnh thổ, có phong tục, có lịch sử, có hào kiệt,… đều từ cái gốc nhân nghĩa mà ra. Dân ta gìn giữ chủ quyền, đấu tranh không mệt mỏi cũng để cho dân được hưởng độc lập, tự do. Quốc gia nào lớn bé gì có ý đồ xâm lược đều động chạm vào quyền lợi độc lập của dân, mà chưa kể lịch sử đã ghi nhận những việc, những chứng cớ đã từng như thế và những kẻ ấy đã bị trừng trị thích đáng. Nhân nghĩa là đứng lên bảo vệ dân, giữ gìn đất nước cũng được coi là hành động chính nghĩa sáng ngời. Vì thế ngay khi mở đầu bài cáo, tư tưởng nhân nghĩa đã được Nguyễn Trãi xác lập được coi như là một cơ sở đạo lý, pháp lý hùng hồn nhất. Bài cáo từ đây đã có nền móng vững trãi, sắc bén để đi đến tuyên ngôn độc lập.

   Giáo sư Đinh Gia Khánh từng nhận xét: “Tư tưởng nhân nghĩa này không mơ hồ, nó gắn chặt với chủ nghĩa yêu nước”. Đúng vậy, nếu ở phần đầu bài cáo cơ sở lí luận được soi chiếu từ tư tưởng nhân nghĩa thì đến những phần sau một quá khứ đau thương mà rất đỗi anh hùng cũng được khơi dậy từ đó. Nhân nghĩa là việc cốt lõi để dân được yên. Vậy mà thời khắc rối ren của lịch sử năm ấy, dân đâu có được yên. Mượn cớ chính sự phiền hà của nhà Hồ mà quân cuồng Minh thừa cơ gây họa. Chúng mang theo những luận điệu xảo trá, dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế suốt hai mươi năm trời để ngang nhiên tiến vào Đại Việt để vơ vét của cải, để ép buộc dân lành, đến cả côn trùng, cây cỏ cũng chẳng tha. Trong Bài 8 – Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi viết: “Mượn tiếng điếu dân phạt tội, kì thực làm việc bạo tàn, lấn cướp nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn xóm làng không được yên ổn. Nhân nghĩa mà lại thế ư?”. Đứng trên lập trường của nhân dân, dưới ánh sáng của nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã viết nên một bản cáo trạng đầy đau đớn, phẫn uất. Trước tòa án nhân nghĩa, âm mưu và hành động của giặc Minh không thể dung tha.

   Vẫn bằng điểm tựa ấy, nhà văn đã dựng lại bức tranh lịch sử đầy tráng lệ, hào hùng về quá trình chinh phạt gian khổ và tất thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Xuyên suốt phần tái hiện lại quá trình ấy, nhân nghĩa vẫn là tư tưởng soi đường và nó được đẩy thành:

    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

    Lấy chí nhân để thay cường bạo.

   Đại nghĩa – chí nhân được hiện thân qua hình tượng vị chủ tướng Lê Lợi – vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Cũng bởi nhân nghĩa mà Người đã vượt qua bao gian khổ, nuốt căm hờn và nung nấu ý chí đấu tranh. Để từ đó ngọn đuốc nhân nghĩa chói ngời làm nên những trận đánh liên tiếp, rung chuyển cả đất trời. Người đọc cảm nhận được khí thế hừng hực, ngút ngàn của quân ta được đặt trong thế tương phản đối lập với sự thất bại thảm hại nhục nhã, ê chề kẻ địch. Ta sĩ khí đã hăng/ quân thanh càng mạnh, càng đánh quân ta đã hăng lại càng hăng. Địch mới mấy trận đầu mà đã nghe hơi mà mất vía, nín thở cầu thoát thân thì rồi sau này có tiếp thêm quân chi viện cũng cứ thế mà nối tiếp nhau những thất bại. Cảnh thảm hại của kẻ thù trên chiến trường là minh chứng hùng hồn cho kết cục làm trái với nhân nghĩa luân thường. Chứng cớ trong quá khứ còn ghi:

Lưu Cung tham công nên thất bại,

    Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.

    Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,

    Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.

   Giờ đây lịch sử lặp lại, thậm chí có phần thê thảm hơn:

    Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế,

    Ngày hai mươi, trận Mã An, Liễu Thăng cụt đầu.

    Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong,

    Ngày hăm tám, thượng thư Lí Khánh cùng kế tự vẫn.

   Đó là cái giá phải trả cho những kẻ làm việc trái với nhân nghĩa cũng chính là công lao to lớn của quân điếu phạt Lam Sơn đã thành công trong việc lo trừ bạo để cho đất nước thanh bình, dân chúng được an yên. Chiến thắng ấy là tất yếu, là chiến thắng của tinh thần nhân nghĩa, của đội quân nhân nghĩa.

   Và quân đội Lam Sơn rất xứng đáng là đội quân nhân nghĩa. Bởi cách hành xử đối với kẻ thua cuộc của tướng sĩ Lam Sơn đầy tính nhân văn, là việc làm chưa từng thấy xưa nay: Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh. Vậy hóa ra nhân nghĩa đâu chỉ bởi cho dân mình yên ổn, mà còn tạo cơ hội sống cho kẻ thù khi chúng thua cuộc. Việc cấp cho chúng năm trăm chiếc thuyền, vài nghìn cỗ ngựa… khiến giặc chẳng những thua trong đau đớn, nhục nhã mà còn thêm sợ hãi, nể phục hơn. Nhân nghĩa là cao thượng, bao dung. Mãi sau này, khi giặc Mĩ thua ta cũng được cấp nơi ăn ở, máy bay để chúng trở về nước. Phải chăng nó bắt nguồn từ truyền thống sâu xa, giàu tính nhân nghĩa có từ thời Lam Sơn đại thắng?

   Có thể thấy Nhân nghĩa là tư tưởng tiềm ẩn mà có người gọi là “mỏ quặng quý” phải khai thác, đào sâu, còn cái lộ thiên là lòng yêu nước, thương dân. Thật vậy, nhân nghĩa của Nguyễn Trãi gắn chặt với tư tưởng trung quân ái quốc, “dân vi bản” (lấy dân làm gốc). Lòng yêu nước thương dân là hiện thực hóa, cụ thể hóa cho tinh thần nhân nghĩa sáng ngời của Ức Trai. Bởi vậy, mới có quân điếu phạt lo cho dân yên, mới có chân lý độc lập chủ quyền để đập tan ý đồ xâm lăng của kẻ xấu, mới có một bản cáo trạng đanh thép đối với giặc Ngô đã chà đạp, tàn nhẫn với nhân dân ta và mới có một chặng đường gian nan mà vẻ vang của nhân dân bốn cõi chống lại kẻ thù. Lòng yêu nước thương dân đã mang tới một tinh thần nhân nghĩa giàu tính nhân văn, biểu hiện cao cả của chủ nghĩa nhân đạo, vốn là truyền thống đạo lý của dân tộc, cũng là một trong những nội dung quan trọng của giai đoạn sau trong văn chương trung đại.

   Nguyễn Trãi – Ức Trai đã ra đi trong một nỗi oan khiên thảm khốc, đau đớn, xót xa xé lòng… đó là những cảm xúc của bất kỳ người dân Việt Nam nào khi nhớ đến ông. Chỉ có thể là tư tưởng nhân nghĩa cả đời mà ông theo đuổi, cả đời ông cống hiến, xả thân đã thấm nhuần non sông, soi tỏ biết bao thế hệ con cháu Việt Nam thì chúng ta mới có cảm xúc trào dâng nghẹn ngào đến như vậy. Và mỗi lần như thế, cũng chỉ cần đọc lại Đại cáo bình Ngô để thêm một lần thấu hiểu giá trị to lớn mà tinh thần nhân nghĩa Ức Trai để lại cho muôn đời.

Đại cáo bình Ngô

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*