✅ Tony buổi sáng (Phần 4)

5/5 - (1 bình chọn)

Ứng xử với tiền

Xưa có anh nông dân nọ có cuộc sống thanh nhàn bên gia đình, bên nương rẫy và 1 dòng suối trước nhà. Một con quỷ đi ngang qua, thấy thế nên quấy phá. Nó biến đất đai thành cằn cỗi, dòng suối khô cạn nước, rồi thình lình lại mưa tầm tã nước lũ dâng cao, rồi hoá phép côn trùng cắn phá mùa màng. Nhưng đều thất bại vì người nông dân luôn chăm chỉ biến mọi nghịch cảnh thành thành tựu. Nó về về tâu với quỷ vương, quỷ vương chỉ nó giả làm người thu mua nông sản, vô mua với giá rất cao. Người nông dân thấy lợi nên bán hết nông sản dự trữ trong nhà, rồi nó bày nên đi thu mua của người xung quanh rồi bán cho nó, hưởng chênh lệch. Người nông dân thấy quá lợi, bỏ việc đồng áng, trở thành thương nhân, đầu tiên cũng mua bán tử tế nhưng vì để kiếm tiền nhanh, ông trở thành gian thương, mua nông sản rồi chuyển qua đầu cơ đất đai và nhanh chóng giàu sụ, vì người châu Á ham đất ham nhà, rất dễ kiếm tiền từ sở thích sở hữu riêng này. Khi có tiền, ông dùng tiền mua chức lý trưởng rồi hào trưởng rồi quan huyện, rồi bắt đầu sống cuộc sống dư dật, dọn cả nhà lên thị trấn sinh sống.

Ăn quen nhịn không quen, những món ăn cơm rau củ ngày xưa đã chuyển thành tôm thịt cá, rồi năng lượng trong người nhiều, tiếp xúc nhiều nên người nông dân bắt đầu thê thiếp trai gái, rồi các quan hệ với tầng lớp nha lại địa phương khiến người nông dân thích thú với rượu chè hút thuốc phiện mỗi đêm. Đôi ba lần quay ngang nhà cũ, ông nghĩ mãi không biết vì sao mình lại có thể sống trong điều kiện tồi tàn như vậy. Bà vợ quen làm lụng tay chân, quen cho lợn cho gà ăn mỗi ngày chuyển thành tay bài khét tiếng trên phố, con cái biến thành công tử tiểu thư cưỡi ngựa đi rong chơi cả ngày, thấy ai ngứa mắt là sinh sự. Tiểu quỷ thấy vậy về báo với quỷ vương, quỷ vương nói vậy là đã thành công, mày thấy khó khăn không triệt được một người thì mày lấy lợi ích ra mà triệt. Hiếm ai trên đời vượt được chữ THAM. Để rồi mày xem kết quả.

Các bạn thân mến, người xưa có câu “Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước để đo lòng người“. Nhưng hãy lấy tiền ra đo, một số lòng người đo được bằng tiền. Nhiều người có thể giữ mình ở mức vài ba triệu, nhưng thay đổi trước vài ba tỷ. Nhưng cũng có kẻ trước tiền bạc dù vạn tỷ cũng không hề gục ngã, vẫn giữ vững giá trị và bản lĩnh của mình. Tiền bạc là chủ đề rất khó, nên các bạn trẻ cần chuẩn bị một thái độ ứng xử phù hợp để có thể bắt nó làm nô lệ, làm phương tiện để mình đạt được mission của cuộc đời. Nếu không, nó sẽ trở thành ông chủ, sai khiến mình, khiến mình khổ tâm đến cùng cực.

Tony có một người bạn học chung cấp 1, sau đó Tony chuyển trường. Bẵng bao nhiêu năm mất liên lạc, bạn ấy tự tìm đến. Lúc đó Tony vừa mở công ty. Bạn đến kể chuyện 2 đứa ngày xưa tắm mưa thế nào, rồi hoàn cảnh phải nghỉ học ra sao…Tony rất quý nên giữ lại, 3 ngày đãi tiệc nhỏ, 5 ngày đãi tiệc lớn. Tony chỉ bạn cách làm sổ sách giấy tờ, hy vọng là bạn làm thủ quỹ cho công ty. Mình đi bán hàng cả ngày, có một người thân tín quen biết từ lâu giữ tiền giùm thì cũng yên tâm. Đi thu tiền khách hàng, lần nào cũng bình thường, vài ba triệu, bạn đem về đầy đủ. Có lần bạn thu 50 triệu, chiều đó mọi người trong công ty ngồi đợi mãi. Rồi bạn về rất khuya, bảo là bị rớt mất lúc đổ xăng, thề thốt khóc lóc um sùm, viết giấy cam kết sẽ trả lại sau 5 năm, và tới giờ không liên hệ lại. Tony mất ngủ cả mấy đêm cân nhắc cách giải quyết, vì biết bạn dùng số tiền đó để đổi lấy xe tay ga bạn hằng ao ước. Cuối cùng Tony quyết định không làm lớn chuyện, vì giá trị của bạn ấy chỉ là 50 triệu. Đúng mức giá ấy, bạn đã bán mình. May mắn là mình chỉ mất 50 triệu chứ sau này làm thủ quỹ mà tiền hàng hoá lên đến mấy tỷ, không biết ra sao.

Lúc thành lập 30 nhóm tình nguyện, có nhiều chuyện bây giờ mới dám nói. Có bạn đến với chương trình với tâm rất sáng, 1-2 triệu tiền lãi thì nộp vô nhóm ngay, nhưng thấy lãi 20 triệu thì vội vã rời nhóm để tự kinh doanh, lên miền núi mua đặc sản về thành phố bán, ngày kiếm mấy triệu quá dễ. Có nhóm bán được vài chục triệu thì chia nhau, ban tổ chức nói gì cũng không nghe, nói “mấy người không có quyền”. Có nhóm kiếm được vài ba chục triệu thì đòi “cho mỗi bạn 1 cặp vé về quê ăn tết, vì tiền này là công sức các bạn”. Có bạn thì lấy tiền nhận mua nho giùm rồi không chuyển hàng khiến nhóm kia khóc lóc, dù chỉ có mấy triệu đồng, khộ quá khộ, giá trị con người gì có chút xíu.

Dù các hiện tượng này chỉ là cá biệt trong 400 tình nguyện viên đợt rồi, nhưng thế mới thấy, đụng tới tiền bạc, kẻ non bản lĩnh sẽ bộc lộ bản chất, bản năng thắng lý trí. Dù hôm trước nghe chuyện, người này sẽ phê bình người kia, nhưng đến khi có chút tiền trong tay, chính mình lại hành xử khác. Có bạn mượn tiền của Tony xong để khởi nghiệp, có ba trăm triệu, Tony gọi lại thì không nghe máy, nhắn tin không trả lời, một đi không trở lại như dũng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch Thủy. Cho mượn thì biết trước là đã mất, nên Tony chuẩn bị tinh thần, không bị sốc gì cả. Và may mà mình giàu có quá, nấm rơm cứ tưới nước là “mọc lên như nấm” bán được khối tiền, chứ làm ăn khó thì cũng đã lao tới nhà chúng nó, sống mái một phen…

Như câu kết luận “human nature is changeable” trong cuốn sách “how money changes the way we think and behave”, việc mất quan hệ với những cá nhân ấy không để lại chút nuối tiếc nào. Khi lòng tham nổi lên, chính bản thân mình sẽ nghĩ là mình đúng, còn người khác sai hết. Tính tham lam sẽ khiến chúng ta bỗng dưng có gương mặt trở nên xôi thịt, ánh mắt sẽ đảo tròng liên tục, nhìn gian gian. Cái lạ là càng nghĩ về tiền, thì lại càng kiếm không ra. Các bạn khó kiếm tiền là do khôn quá, thử một lần bớt khôn mà nghĩ cho người khác xem sao.

Nhiều người nói “nếu tôi trúng số độc đắc, tôi sẽ mua cái này cái kia cho người nghèo..” thì thực tế tới lúc đó mới biết được. Phần lớn lúc trúng xong sẽ suy nghĩ “nó nghèo kệ nó, tiền này của mình” nên sẽ dùng mua nhà mua cửa, đổi xe, đi du lịch,..những cái lợi cho bản thân mình và gia đình mình thôi. Có người nói, nếu tôi thành tỷ phú, tôi sẽ vẫn là tôi…thì chỉ khi nào giàu có mới biết được có đúng hay không.

Tony có một chị bạn, chị có căn nhà ông bà để lại nhưng bị mất hết giấy tờ, giờ muốn có sổ hồng để bán phải truy lục rất khó, chồng chéo mấy chục người thừa kế ở nước ngoài phải từ chối tài sản thông qua hợp pháp hoá lãnh sự nên chị nghĩ chắc không bao giờ được. Chị thuê một ông luật sư, nói anh giúp em, em mà có căn nhà này coi như món tiền trên trời rơi xuống, em sẽ chia cho anh 1/3. Ông luật sư làm 2 năm mới xong giấy tờ. Có sổ hồng trong tay, có người trả giá căn nhà 300 tỷ nên chị thấy tiếc. Gặp Tony, chị kể ối cái này dễ ẹt, chị tự làm cũng được, hồi đó chị ngu quá nên mới nhờ luật sư, trường hợp này quá dễ mà ông luật sư không nói, coi như là lừa chị. Chị chỉ đồng ý cho 100 triệu thôi. Ông luật sư đâm đơn, thắng kiện vì văn tự rõ ràng. Chị gần như hoá điên, lảm nhảm cả ngày, dù ĐƯỢC 200 tỷ trong tay nhưng chị chẳng quan tâm vì mãi nghĩ đến việc đã MẤT 100 tỷ. “Đồng tiền đi liền khúc ruột“, cứ chiều chiều, chị kêu tài xế đánh xe Audi chở chị ra bờ sông vừa ngồi ăn mắc-ca vừa xoã tóc ngồi khóc đến sưng mắt, tức tối khôn nguôi. Khi hoàng hôn buông tím ngắt, khi bìm bịp lẻ bạn kêu khắc khoải đến nao lòng, thì chị mới trở về biệt thự 20 tỷ, trả thù ông luật sư. Chị rửa hình ông ấy ra, soi trên ngọn đèn, lấy kim chọt. Tối chị lấy kim chọt miệng thì sáng mai ông luật sư sưng miệng. Tối chị chọt bụng thì ông luật sư đau bụng, chị chọt chân thì ông ấy bị đau chân, có bữa không biết chị chọt chỗ nào mà ông luật sư chỉ còn mạnh toán hoá, môn sinh môn lý tự dưng yếu quá yếu…

(còn tiếp, các bạn đọc tiếp bài này trong cuốn Trên Đường Băng tái bản).

Một lần nhấc bổng thế gian

Mình là người hay ra quyết định lạ lùng, đầu tiên là bản thân mình từ thời còn là học sinh tiểu học. Nhiều lần sai lắm, ví dụ thay vì đi con đường quen thuộc đến trường, một sáng nọ ngủ dậy, mình quyết định đạp xe đi đường khác, và hậu quả là tới trường bị trễ, bị bảo vệ không cho vô, bị ghi vắng, hạ hạnh kiểm. Bị tới cả chục lần nhưng mình vẫn không sợ. Phần thưởng cho mình là có 1 lần đi trên con đường khác thì thấy nó ngắn hơn, đi ngang qua một ngôi nhà có hồ sen đẹp nao lòng.

Năm 18 tuổi, quyết định chọn ĐH là quyết định độc lập lớn nhất đầu tiên. Năm lớp 12, trước quyết định học gì, bao nhiêu người lao vô góp ý. Người bảo mày học giỏi vậy nên vô Bách Khoa ngành tin học, người bảo y dược, người bảo kỹ sư, người bảo sư phạm…Nhưng mình chỉ nói “dạ con/em ghi nhận”, rồi âm thầm làm hồ sơ thi duy nhất 1 trường, trong bụng nói nếu rớt thì sẽ đi làm công nhân, hoặc học trung cấp nghề nào đó chứ cũng không lãng phí luyện 1 năm thi lại. Đời có bao nhiêu đâu, hem đủ trình độ thì thôi, hem hy sinh thời gian quý giá để ngồi học cái mình không hề ưa thích. Bạn bè mình lúc đó nộp lúc 5 trường ĐH, ngành nghề lung tung cả, nếu đậu hết thì lựa trường có điểm chuẩn cao nhất mà học, bất chấp khả năng cá nhân hay đam mê. Ba má mình lúc đó rất buồn, nói miết, phân tích này nọ như không có tiền đi thi đâu, con nghĩ lại đi, con cái không nghe thì giận hờn đủ kiểu, nói không hiếu thảo, con cái gì không nghe lời cha mẹ,…

Mình một mình bắt xe lên thành phố đi thi, mọi thứ lặng lẽ cho được việc của mình (Các bạn tham khảo lại bài Mùi Kiệu trong cuốn Cà Phê Cùng Tony). Với cha mẹ ông bà, chữ “hiếu” trong thời đại mới có nghĩa là mình yêu thương họ, kính trọng họ, biết ơn họ, có trách nhiệm giúp đỡ họ, nhưng không có nghĩa là mọi thứ nhất nhất của họ mình đều nghe theo. Mình không bao giờ “ngoan ngoãn” cho họ sắp xếp cuộc sống của mình, “bố trí” mình học ngành này ngành kia, “cơ cấu” mình vô làm chỗ này chỗ nọ, “mai mối” mình lấy người nọ người kia. Không, không bao giờ có chuyện đó. 18 tuổi là mình phải giành lấy quyền tự lập, tự quyết. Quan hệ gia tộc sẽ luôn vui vẻ bền vững khi không ai “can thiệp vào nội bộ của nhau”. Họ chưa bao giờ là doanh nhân lớn, chưa bao giờ làm danh tướng, chưa bao giờ leo lên những đỉnh cao của sự nghiệp của họ, chưa hề có công ty nhà máy xí nghiệp gì chẳng hạn…thì lời khuyên của họ chẳng thể nghe theo.

Mình LÀ NGƯỜI DUY NHẤT BIẾT RÕ MÌNH. Lúc ba má mình làm căng, lôi mọi ràng buộc ra để phủ quyết việc 1 đứa trẻ non dại ra quyết định, mình chỉ nói có 1 câu vầy mà ba má im lặng, đó là “con 18 tuổi rồi, có chứng minh nhân dân, biết cái gì hợp pháp hay bất hợp pháp để mà làm, mà chịu trách nhiệm pháp lý. Ba má sinh con ra, nuôi con khôn lớn, con không lựa chọn được, nên một lòng kính trọng yêu thương. Nhưng bây giờ con chọn nghề, sau này chọn vợ, chọn chỗ ở, chỗ làm, công việc…con xin phép được tự quyết. Mọi lời khuyên của người khác con chỉ ghi nhận, kể cả ba má. Con sai lầm thì con sẽ trả giá, con không để người khác nuôi mình, có tay có chân, làm mọi thứ để đủ mua cơm bỏ vô bụng”. Thoạt đầu họ cũng bị sốc, vì quen hình ảnh một cậu bé ngoan hiền bé bỏng, nhất nhất vâng lời, tự dưng giờ ra đứng giữa nhà mà ăn nói kiên quyết như vậy. Nhưng cuối cùng, dưới sự lì lợm bảo vệ quan điểm của mình, đất không chịu trời thì trời cũng phải đành chịu đất, chấp nhận mang tiếng “bất hiếu, mất dạy, cứng đầu, ngu ngốc,…” chấp nhận hết, ai nói cũng không sợ. Mình chả làm gì sai, chỉ quyết định nghề nghiệp của mình mà sao mọi người làm quá lên vậy. Nếu từ con thì con sẽ ra đi, nợ ân tình sẽ trả sau chứ không thoả hiệp giữ lấy bất cứ mối quan hệ nào nếu nó cản trở ham muốn tột bậc của đời con. Mình đã tuyên bố rõ ràng như thế và xách giỏ đi.

Để có thể tồn tại, trong 5 năm học ĐH, mình đã không từ cái nghề gì mà làm ra tiền chính danh hợp pháp. Từ tiếp thị dầu gội đầu tới từng nhà đến bán nước mắm, đến làm lịch, đến phụ giữ xe, bán quán, mở cửa khách sạn… Năm cuối thực tập trong một công ty thủy sản, lương chỉ có 800k đồng/tháng. Năm đó, dù có khách sạn 4 sao nhận làm tiếp tân trả lương 1.5 triệu (hồi đó vàng chỉ có 5 triệu/lượng) nhưng mình từ chối, vì hem có mê ngành du lịch. Sau này vừa tốt nghiệp, có đi phỏng vấn thử các tập đoàn đa quốc gia, lương 300 đô khởi điểm, mình cũng từ chối. Bạn bè nói “mày là đứa khùng số 1 Việt Nam, mày gàn dở, đồ ngu như bò”. Thôi kệ. CHỈ MÌNH HIỂU MÌNH. Vì phải làm theo đúng cái đã đam mê tột cùng, còn lương bổng, tiền bạc, sống ở đâu thì chẳng được.

Ngày tốt nghiệp, mình xin công ty nghỉ làm 1 ngày để đi nhận bằng. Tối đó, đem cái áo cử nhân về nhà bỏ vô tủ, tự nhiên mất ngủ. Ngồi ngẫm nghĩ lại quãng đời sinh viên của mình, thấy bàn tay chai sạn hết, và còn dư được 3 cây vàng. Ngồi mân mê, nhớ những lần đi giữ xe đạp bị ăn trộm mất phải đền, ngồi khóc cả tiếng đồng hồ, những lần đi bán hàng dầu gội đầu, đạp xe rần rật chạy vạy trong mưa, trong nắng, leo lên các chung cư gõ cửa tiếp thị bị chủ nhà ra đuổi, chửi mắng sỉ nhục đủ kiểu, mình thấy 3 cây vàng này thật quý giá, là mồ hôi nước mắt của mình. Trong đầu lúc đó cũng suy nghĩ, hay là đổi chiếc xe máy mới. Nhưng nghĩ lại, bạn bè mình bây giờ cũng vừa tốt nghiệp, tay trắng cả, mình cũng tay trắng luôn đi, chứ tự nhiên xuất phát điểm của mình vượt trội thế này coi sao được.

Mình quyết định xách ba lô đi xuyên Việt một chuyến, dự kiến chỉ 1 tháng trước khi đi về đầu quân cho 1 tập đoàn lớn nào đó của nước ngoài để học cách làm ăn của họ. Chuyến xuyên Việt này cũng không có dự trù trước, khi tới vùng đất nào đẹp thì ở lại lâu, không đặt trước khách sạn hay tàu xe gì cả, tự ứng phó cho thêm phần thú vị. Nhưng mình rủ bạn bè không ai đi, hỏi mấy chục đứa, ai cũng có lý do dù rất thích. Thấy mệt, mình ra tiệm vàng bán mẹ 3 cây vàng, gửi vô ngân hàng nông nghiệp, tới đâu cũng rút được vì hệ thống ngân hàng này có tới từng huyện. Rồi mua vé tàu đi Huế, liên hệ bạn bè coi có ai về Huế làm việc không. Đêm trăng ra biển Thuận An tắm, rồi Vĩ Dạ Thanh Long chi cũng ghé thăm. Rồi đi Quảng Bình nằm dài trên bãi biển Nhật Lệ, vô Quảng Trị ngồi nhậu nghêu với mấy ông đánh cá ở Cửa Tùng, chèo thuyền trên sông Thạch Hãn, thuê xe chở đi coi động Phong Nha Kẻ Bàng với dòng sông Son huyền thoại. Rồi đi vô Hội An, chiều chiều đạp xe xuống biển Cửa Đại ăn cháo đậu xanh giò heo, “núa giọng Quoảng” trêu chọc mấy chị bán hàng. Đi Mỹ Sơn với tour du lịch của bọn Tây ba lô. 5 năm cày cuốc, mấy đồng đó là bao mồ hôi nước mắt của một đời sinh viên, coi như “tạm biệt gấu Misa nhé, mai em vào lớp 1 rồi”, thôi xài hết, lấy hết tiền enjoy mỗi phút giây mình sống, mỗi vùng đất mình đặt chân đến, thấy nơi nào cũng thân thương. Sau này mình đi làm sẽ có rất nhiều tiền, mình luôn trong lòng nghĩ như vậy, tập tính buông bỏ cho nó hào sảng. Nên mặt vẫn cứ hất lên trời. Sau khi cả tháng lang thang chơi ớn rồi, lần này không đi tàu lửa nữa, sợ ngồi ê mông. Bữa ở sân bay Đà Nẵng chuẩn bị check-in, trong túi còn đâu có hai ba chục ngàn, thay vì mua dĩa cơm ăn, mình mua luôn thanh kẹo chewingum nhai nhóc nhách cho vui miệng.

Sau khi làm cho tập đoàn đa quốc gia, rồi đi làm cò xuất khẩu, để dành được 7000 USD, mình quyết định tham gia hội chợ London để có khách, coi như đi chơi châu Âu cho biết. Đó là canh bạc lớn nhất, vì lúc đó, 7000 USD là có thể mua 1 miếng đất nhỏ. Người thân nói mày chưa có nhà có cửa, sao không mua miếng đất phòng thân, an cư mới lạc nghiệp. Tư duy Tây nó có vậy đâu, cần gì “an cư” mới “lạc nghiệp”, nhà thuê ở thì có sao, bữa nay sống thành phố này mai sống tỉnh kia, mốt dọn đi nước nọ, vui vẻ, thoải mái là do não tích cực chứ hem phải sở hữu cái nhà Ở mà hạnh phúc. Mình không nghe ai (mà không có thành tựu) khuyên bảo cả, quan điểm của mình khác, nghe theo họ sẽ giống họ. Sách báo cũng vậy, mình chỉ đọc của những doanh nhân lớn quốc tế, chủ tập đoàn Hyundai, Samsung, Ford, Toyota, Honda….chứ không đọc sách hay báo của người vô danh.

Thời ngây ngô, làm gì mình cũng hay kể cho mọi người. Xong họ nhảy vô phân tích. Nào là việc tìm khách chưa chắc có, mà riêng vé máy bay đi Anh khứ hồi đã là bao nhiêu đô, một gian hàng nhỏ trong hội chợ quốc tế hết bao nhiêu đô, rồi khách sạn bèo nhất ở London cũng cả trăm bảng, rồi phải ra Hà Nội phỏng vấn visa nữa, 2 chuyến bay ăn ở mà chưa biết có visa không. 7000 USD chỉ có khoảng 4000 bảng, mình thì to nhưng chỉ là lương 1 tháng của người ta bên đó. Đừng đi, nghe lời anh. Đừng đi, nghe lời chị. Ba má mình nghe nói đi nước ngoài cũng gọi điện cản (hồi đó còn thơ ngây, đi nước ngoài cũng gọi điện thông báo chia sẻ), cả gia đình một hai bắt mình vô ngân hàng làm để ỔN ĐỊNH. Nhưng mình không thích ổn định. Ổn định để làm gì, tính cách mình bùng nổ như vậy mà “sáng chiều chỉ có 1 việc giống nhau, lặp đi lặp lại thì 3 ngày đã héo hon mà chết”. “Có phúc làm quan, có gan làm giàu”, xưa nay người ta đúc kết vậy rồi. Những đội thương thuyền người Hà Lan, người Hoa, người Ấn đến Hội An, Vân Đồn… từ thế kỷ 15-16, tàu gỗ với mấy miếng vải buồm, sóng to gió lớn thế nào chả biết vì có dự báo thời tiết gì đâu, bỏ mạng trên biển là bình thường. Nhưng như vậy thì người ta mới giàu, mới có các con đường tơ lụa lưu thông hàng hóa quốc tế. Mình cứ sợ không dám đi đâu, thì chỉ ngồi sau lũy tre vớt bèo nuôi lợn, mất gà thì chửi hàng xóm, thèm đạm thì đập chết con Vàng nấu rựa mận lá mơ lông, mua chiếc Dream thì dựng trước cửa lau chùi miết, ngó coi có ai ngang qua thì kêu vô thăm quan “tài sản”, mất dăm ba chục triệu đã lộn gan lên đầu. Mệt mệt mệt, mình khác. Chết vì lý tưởng sống là cái chết rất đáng.

Mình chưa bao giờ sợ mất tiền, mất thì làm lại. Cảm giác tiếc tiền cũng có nhưng nhanh chóng kết thúc để nghĩ ra cách làm tiền nhiều hơn. Và mình cũng không chơi với người mở miệng nói đắt nói rẻ, đầu óc họ nghĩ về tiền nhiều mới dùng 2 từ đó. Rủ đi đâu bất kỳ, dù là đi cà phê hay đi chơi, cứ ai chần chừ là mình tìm cớ bye liền. Não họ vẫn còn nỗi sợ, không đáng kết bạn, sẽ bị lây lan bệnh do dự. Ngày xưa mình dám ngủ công viên để thi đại học, giờ thời thế đổi thay, mình không đi hội chợ quốc tế thì làm sao có khách mà xuất khẩu? Lúc phỏng vấn visa đi Anh, nhân viên đại sứ nói mày trẻ măng, đẹp trai, hoạt ngôn lanh lợi, tiếng Anh tốt như vậy nguy cơ ở lại rất cao, hãy chứng minh là mày sẽ trở về Việt Nam đi. Mình trề môi dài cả thước, nói tao không hài lòng về câu hỏi này. Tao là một doanh nhân trẻ của một quốc gia độc lập, tao có human legacy riêng, tụi mày phải tôn trọng chứ sao hỏi vậy. Nếu cần quốc tịch của tụi mày thì tao sẽ bỏ mấy triệu bảng ra mua, với tao, bất cứ cái gì nếu cần thiết thì sẽ mua chứ không xin. Nghe vậy, tụi nó mặt tái ngắt, gập đầu nói Ok sir, your visa will be approved. Cái nó hẹn 3 ngày sau tới lấy, mình liền nói tao cũng không hài lòng về câu trả lời này. Tụi nó bu lại hỏi ủa sao không hài lòng miết vậy người ơi, mình nói tao muốn chiều nay có luôn, vì tối tao phải về Cần Thơ, mai phải bán phân bán nấm. Nó nói ok ok, còn xin chụp hình chung, xin nắm tay bẹo má, xin số điện thoại add FB Zalo mà mình đâu có cho. Dễ gì cho (Đoạn này vừa đu dây điện vừa viết chứ thời đó mà có FB Zalo gì, xạo bà cố).

Thế rồi mình sang London, gian hàng trong hội chợ mình đã thuê và chuyền tiền trước, treo mấy băng rôn in từ Việt Nam lên, bày hàng hóa của mình ra, vài gói phân bón mẫu, mấy tờ leaflet in màu lòe loẹt. Bận cái “áo vét chú rể” đi thuê ở hiệu cho thuê đồ cưới, đeo cái cà vạt màu kem, cứ thấy cây phong nào ra lá vàng là đứng chụp hình, rồi bày đặt đi coi Chelsea đồ. Giờ nhìn cái hình cũ chụp chỗ Stamford Bridge mà cười muốn rụng rốn, nhìn quê lòi. Chỉ có gương mặt là hết sức thanh tú, gặp ai cũng nhảy ra “hello, welcome to Vietnam” nên khách bu lại coi. Mình chuyện trò bằng thứ tiếng Anh trong Chim Lai 1 (Streamlines 1), tụi nó nói tiếng Anh mày giống trong sách quá. Nhưng khách quốc tế nể phục lắm, vì mới có hai lăm tuổi mà tự mình mang hàng sang rao bán, ghi trên danh thiếp là “founder/owner” thì “không phải dạng vừa đâu”…

(còn tiếp, mua sách về coi đi, đọc sách giấy biên tập kỹ nên nhớ lâu và tư duy ngôn ngữ tốt hơn coi trên mạng. Hiện có nhiều trang bán hàng online nhập sách giả và bán tràn lan, nên NXB Trẻ lưu ý các bạn mua sách đúng ở đây nhé:

Chuyện mua nhà ở Mỹ

Mùa này năm ngoái, Tony sang Eo Lay gặp đứa em con ba nuôi của Tony ở Seoul, nó mới lấy vợ nên Tony qua thăm vợ chồng nó. Nó đang ở Chicago, nhưng nó bảo anh bay thẳng Eo Lay đi rùi em xuống, anh không nên đi Chicago, lạnh teo hết. Mùa đông, người về hưu thường sắm cái xe to, ăn Noel xong là lái từ từ xuống các bang phía dưới, đến tháng 3 mới quay về, khi tuyết đã tan và xuân bắt đầu ấm áp.

L/A là tên viết tắt của Los Angeles, người Mỹ đọc Eo-lay, chứ không phải Eo Ay. Mấy lần Tony đi Long An, cũng giả bộ mở FB ghi check in ở Eo Lay, ai cũng nể, tưởng đi hải ngoại.

Tp Eo Lay xinh đẹp với ánh nắng cận nhiệt như mật ong rót vàng trên những thảm cỏ xanh mướt, những cây cọ cao vút. Tony đến Eo Lay nhiều lần, lần nào cũng ở khu người Thái gần Hollywood, vì thích đồ ăn ở đây. Ban đêm đi cà phê, cả thành phố nhộn nhịp với các nghệ sĩ sống hết mình trong các quan bar. Còn ban ngày thì Tony có sở thích đi Beverly hills và Malibu mua nhà, 2 khu này là dân nghệ sĩ nổi tiếng đang ở. Nói mua chứ có tiền moẹ đâu, giả bộ đi để coi mỹ thuật kiến trúc (lĩnh vực yêu thích nhất của Tony) và cách quản lý bất động sản của Mỹ.

Bữa trên đồi Beverly Hills, khu toàn là celeb (người nổi tiếng) ở cả, nên xe người lạ vào phải xin phép. Cái Tony gọi điện đến một Realtor, tức nhà môi giới bất động sản, nói tao là ngôi sao K-Pop, qua đây mua nhà. Nó hăm hở hẹn dắt đi liền. Để đóng tròn vai là nghệ sĩ K-pop, tối đó Tony phải lên mạng, coi mấy Ụ Pa chơi kiểu tóc hay quần áo gì là mình mua y chang, chỉ có điều hàng Tàu dỏm. Sáng đó, thằng Lee qua đưa Tony đi, nhìn Tony nó suýt ói mấy lần, nói trời ơi nhìn anh y chang diễn viên Bi Rain lúc đau bụng. Realtor nói đây là của ca sĩ X, của nghệ sĩ Y,…nhưng Tony có biết ai là ai đâu, lúc nó chỉ 1 căn đấu đít với biệt thự của Britney Spears thì Tony hát liền bài “Baby one more time”, hay đi ngang nhà Celine Dion thì Tony vút cao ngay “My heart will go on”. Thằng Realtor nói hay quá Tony, mày đúng là một nghệ sĩ vĩ đại chỉ tiếc là hát sai tông. Cứ vô nhà mẫu (open house) của họ là Tony ngồi xuống salon, bắt tréo cái chân, chụp rồi gửi về nhà đăng tin lên FB cho người ta nể, nói dạo này sống quý tộc quá mợi. Không biết ăn cái gì mà ham danh hám sĩ thế không biết.

Cứ thấy miếng đất trống, Tony hỏi giá, nói mua để dành đầu cơ kiểu Việt Nam. Cái tụi nó nói không được, đất đai mua là phải sử dụng để sản xuất kinh doanh cho nền kinh tế phát triển, nếu không xây thì sẽ bị đánh thuế mỗi năm 1 cao hơn, có khi chục năm để đó là tiền thuế cao hơn tiền đất, nước nào cũng vậy mà. Còn nhà ở, tao mua để đó được không, nó nói cũng vậy. Căn đầu tiên là để ở, mày mà mua căn thứ 2 trở đi là trở thành nhà đầu tư, phải đóng thuế hàng năm mấy ngàn đô đó. Trừ khu vực cực sang như Beverly Hills, các khu dân cư khác đều là nhà do công ty xây dựng theo quy chuẩn, ngang dài bao nhiêu, chừa trước chừa sau chừa hông bao nhiêu mét, chứ không có được tự xây như ở ta. Việc phân lô bán nền như ở Việt Nam sẽ dẫn đến một bộ mặt đô thị xấu xí, và người dân cũng tốn thời gian xây nhà (thay vì 1 công ty xây dựng sẽ xây đồng loạt 500 căn, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng bộ hạ tầng, người dân chỉ việc dọn vô ở, dành thời gian làm việc khác). Việc phân lô bán nền, cho mua bán căn nhà thứ 2 mà không đóng thuế, cho phép mua đất để trống đó thoải mái…sẽ khiến nền kinh tế gặp khó trong tương lai vì dòng tiền sẽ nằm ở bất động sản thay vì đưa vào sản xuất kinh doanh, phải nhanh chóng sửa lỗi này nếu không muốn tương lai phải trả giá.

Ở các nước, một khu khoảng 500 nhà thì sẽ có trường học cấp 1, bệnh viện nhỏ (kiểu trạm xá), siêu thị tiện ích… để người dân không phải đi xa. Mua nhà phải chứng minh nguồn gốc tài chính, không có chuyện cầm 100 tỷ đi mua nhà thoải mái như ở Việt Nam. Làm gì ở các nước phát triển, cũng phải nhờ luật sư tư vấn, mình mà tiếc tiền cho họ thì sau này tốn kém còn hơn. Nhiều người Việt Nam qua, ma lanh, nhờ realtor đưa đi rồi sau đó tự liên hệ với ý nghĩ là cắt cò, sẽ được lợi vài đồng, ai dè sau này trả giá vì tội tham vặt. Mà trên đời, ai tham thì chẳng phải trả giá.

Bạn realtor hỏi mày định mua căn nhà bao nhiêu, Tony nói lấy tao căn 10 triệu đô trở lên, chứ dưới giá đó sợ sống không quen. Nó nói my god, lâu lắm rồi mới có một celeb chịu chi như vậy. Nó cứ vặn vẹo hỏi là mày làm gì bên Hàn Quốc, giọng không hay, ngoại hình cũng thường mà sao mày giàu có vại. Tony nở nụ cười bí hỉm đúng kiểu châu Á.

Đâu được một tuần cái ớn, nói đứa em thôi tao không ở Eo Lay nữa, tao đi Cựu Kim Sơn, tức Sans Francisco để ăn tôm hùm. Tôm hùm trên SF rẻ òm, đâu có 16 đô 1 con to đùng, ăn 2 cái càng tôm là lòi họng. Tạm biệt nó để nó ra sân bay về Chicago lại, tự mình tìm đường xoay sở. Từ LA lên SF, có xe đò người Việt nhưng bữa đó Tony không đi, vì đang đóng phải nghệ sĩ Hàn Quốc mà, lỡ ai thấy thì chết, nên phải ra bến xe Greyhound đón chuyến sớm nhất là 6h sáng. Bến xe Greyhound nằm ở khu đông của L/A, vốn có tỷ lệ crime (tội phạm) cao nhất Eo Lay. Khu Đông L/A lại nằm không xa khu phố thương mại với các building cao tầng, gần khu Korean Town và Little Tokyo của dân Nhật. Cái Tony search tìm khách sạn gần nhất để trú, sáng mai lội bộ qua bến xe cho nhanh. Ai ngờ đó là khu người da đen nghiện ngập, dân vô gia cư và trộm cướp trú ngụ. Khách sạn đó, tối đó chỉ có mình Tony là người châu Á.

Vô check in, trả tiền phòng xong cái nó kêu mày tự lên phòng đi. Tony lên tới phòng thì 2 thằng cao đâu 2 mét giúp mang hành lý lên, ra giá luôn mày phải boa tao mỗi đứa 10 đồng. Má ơi, Tony nhìn ánh mắt gian xảo của tụi nó, lại đeo khoen tai khoen mũi, rồi nhìn ra cửa sổ, thấy xung quanh toàn các kho chứa hàng, chỉ có khách sạn này lẻ loi, mới tự nghĩ, nếu tối nay, có chuyện gì, sao đi SF ăn tôm hùm được.

Đúng như Tony dự đoán, đâu khoảng 9 tối, đang nằm coi ipad, bỗng nghe tiếng súng nổ bùm bùm ngay con phố trước cổng khách sạn. Tiếng chạy rầm rập lên lầu xuống lầu. Tiếng mấy bà da đen khóc gọi 911 vang dội. Tony núp trong cửa sổ nhìn ra, thấy đâu cả tiếng đồng hồ mà xe cảnh sát vẫn chưa tới. Cảnh sát L/A cũng sợ chỗ này, cứ chờ tụi nó xử xong thì tới lượm xác chứ cũng không muốn dây vào.

Tony quyết định rời khách sạn trong đêm. Nhưng trong đêm tối, phải làm sao để thoát thân. Bèn vận dụng hết i ốt của một cựu sinh viên Há Vợt ra, gọi cho thằng Lee, nó đang ở sân bay để bay về Chicago, nói cứu anh. Nó nói thôi được rồi, em sẽ nói nhóm Hàn Quốc ở Korean Town gần đó tới. Ở khu này, bọn da đen chỉ nể bọn Hàn Quốc. Nó kể, cách đây đâu chục năm, bọn vô gia cư ở đây lộng hành lắm. Cứ sinh viên Châu Á đi lạc xuống là tụi nó tổ chức hấp diêm. Rồi có lần tụi này mò lên Korean Town tấn công các nhà hàng Hàn Quốc, đòi bảo kê. Tụi Hàn Quốc tức quá, mới về nước đem qua đâu mấy chục giang hộ cộm cán Seoul, võ thuật cao cường, bắn súng trăm phát trăm trúng. Bữa đó tụi da đen lại mò lên phá, bị tụi Hàn Quốc tổ chức đu trên mái nhà bay xuống, đấu súng ác liệt, quánh cho môi răng lẫn lộn, nằm xếp lớp như cá mòi, sau đó chở về đổ đống trước nhà kho. Vì không giết chết nên tụi da đen ở đây cũng biết ơn tụi Hàn Quốc, từ đó tình hình yên ổn hẳn.

Tony sửa soạn vali để đi. Nó 5 phút sau phone lại, nói có anh Park, vô địch võ Taekwondo Hàn Quốc đang làm việc cho một ông chủ ngành dệt may sẽ xuống đón. Tony mừng rỡ, ngồi chờ, lòng hồi hộp hem bít làm sao để thoát ra một đám con nghiện đang ngồi lố nhố dưới sảnh khách sạn kia.

Nhưng tính toán của Tony đã bị chậm một nhịp. Đâu 5 phút sau, có tiếng gõ cửa. Tony mở cửa, một cậu thanh niên đang bị truy đuổi lao vào, tay đầy máu, thở hổn hển nói Tony đóng cửa lại giúp nó (còn tiếp)…

2013

Thư giãn cuối tuần: Chân, thiện và bây giờ là MỸ

1. Một bữa, Tony tung ra chính sách khuyến mãi, mua 1 số lượng phân bón nhất định của hãng Phượng Tím sẽ đưa đi Hàn Quốc giải phẫu thẩm mỹ. Đâu chừng 1 tháng sau, doanh số đạt được hết sức nhanh chóng. Nông dân cả nước hăng hái thi đua xài phân của Tony dưới sự giúp sức của hệ thống đại lý rộng khắp. Thiệt là bá đạo, đúng là đi hạc Ha Vợt về, các cty phân khác cạnh tranh sao lại.

Thật ra thì các mẹ, các chị ấy thiếu gì tiền…để phẫu thuật thẩm mỹ, ở Sài Gòn hay Thái Lan là vô tư, nhưng đi tận Hàn Quốc và có người theo làm phiên dịch, lại có óc thẩm mỹ để tư vấn như Tony thì các mẹ các chị yên tâm. Cơ hội ngàn năm có 1. Đâu 2 tháng sau thì Tony dắt đoàn đi, khoảng 15 chị, Bắc Trung Nam đủ cả.

À kể vụ làm visa trước đã. Vì các chị ấy đi Hàn Quốc lần đầu nên phải lên xếp hàng cho lãnh sự coi mặt phỏng vấn. Ké Tony dắt họ lên. Chu cha nó đông hết biết (Nó ở đây là cái lãnh sự quán). Tony cao lòng ngòng, đứng vượt trội giữa 1 hàng phía trước và 1 hàng dài phía sau, toàn phụ nữ, phần lớn ở quê lên, mặc quần áo xanh đỏ tím hường, quánh kem Bông Lúa cái mặt trắng thiệt trắng nhưng cái cổ đen thui, tay cầm cái hộ chiếu vân vê. Một đoàn xếp hàng song song toàn thanh niên nam giới, gương mặt ngơ ngác, mặc áo đồng phục, đội mũ trắng có chữ Suco gì đó, chắc đi theo diện xuất khẩu lao động. Các khách hàng của Tony từ từ tiến vào khu vực làm visa. Chị Năm ở Bạc Liêu xếp đầu tiên, chị ấy năm nay 70 tuổi, già cả nên ưu tiên xếp trước. Thấy nhân viên lãnh sự hỏi 2 3 lần mà chị vẫn không trả lời được, nên Tony mới nhảy lên trợ giúp. Cô nhân viên người Hàn Quốc hỏi bằng tiếng Việt lơ lớ, anh hỏi giùm bà ấy là động cơ nào khiến bà ấy tới tuổi này mà còn đi HQ? Tony nhìn lên trên mới thấy dòng chữ dán trên tấm kính “lấy chồng Hàn Quốc, nộp tại đây”.

2. Rồi nửa đêm cũng ra sân bay để đi Hàn Quốc. Chuyến bay của Air Korea. Chu cha mấy tiếp viên nữ đẹp hết biết. Ăn nói vui vẻ, cả đêm cứ bưng cái khay nước đi qua đi lại, ai uống gì thì lấy uống. Đoàn Tony đến nơi thì trời đã sáng, lạnh teo bugi. Chiều thì cả đoàn đến bệnh viện thẩm mỹ để khám. Tới nơi mới thấy người Việt Nam, Trung Quốc, Philippines….quá trời, đứng ngồi lố nhố. Bác sĩ gọi vô chụp hình và họ sẽ chỉnh sửa qua máy vi tính trước. Hình người đẹp quốc tế treo khắp nơi, để khách chọn kiểu. Kiểu Triệu Vi, Kim Nam Joo và Phạm Băng Băng là các kiểu được thích nhứt. Cánh mũi người Việt ai cũng to, do đó thu gọn lại là rất phổ biến. Độn lên 1 chút. Mắt 2 mí rồi nên chỉ mở rộng và dài ra, cấy thêm lông mi và lông mày dài đến thái dương. Đôi môi phải chín mọng, bĩu ra cho nó khinh đời. Răng thì veneer 1 lớp để trắng sáng lấp lánh, 2 cái khểnh 2 bên. Hút mỡ để thu hẹp cái nọng dưới cằm. Da dày quá thì mài cho nó mỏng. Nếu bị mụn thì sẽ phải xử lý mụn 1 ngày với máy hút chân không. Mặt thịt chằm dằm hay ú nu sẽ được tùng xẻo bớt để thanh tú. Móc 1 cái hố bên má để lòi núm đồng tiền. Theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc, mặt càng nhỏ càng dài càng đẹp.

Mấy chị nói thôi để mấy chị hùn tiền lại cho Tony vô làm cái gì đó, sẵn ngồi đợi làm luôn đi em. Tony nói ồ dé, vào kiểm tra, nó chụp hình ở cả chục góc độ, rồi vẽ đồ thị phân tích đạo hàm tích phân rồi nói thôi khỏi, gương mặt mày thanh tú quá rồi, các tỷ lệ hợp lý quá rồi, can thiệp bằng dao kéo sẽ hỏng vẻ đẹp trời cho. Đúng là trung tâm thẩm mỹ có lương tâm và mấy ụ pa này có trình độ thẩm mỹ cao. Nên chỉ ra ngồi chợ Dong Daemun mua sắm và ra Gang Nam nhậu với mấy thằng đệ, chờ mấy chị ấy xong thì dắt về.

Xong về VN. Nhân viên hàng không bên sân bay Hàn Quốc hẻm cho lên máy bay, nói đoàn ca sĩ hải ngoại này đi về nước hát sao hem có giấy phép biểu diễn. Dân du lịch, du học sinh và lao động xuất khẩu bu lại xin chữ ký, nhưng thắc mắc vì thấy chị Năm Bạc Liêu gương mặt rõ ràng là Phạm Băng Băng, mà body hem phải? Nhân viên check in thì hem chịu làm thủ tục, nói hình trong hộ chiếu với ngoài đời khác nhau. Tony nói đây không phải là đoàn ca sĩ đâu, đại lý bán phân cả đấy. Có giấy của bệnh viện thẩm mỹ nè. Họ hẻm tin, nói bán phân sao đẹp vậy, còn bắt hát nghe thử. Các chị bèn hand-in-hand tốp ca bài “Hát về cây lúa hôm nay”. Rất tha thiết. Và cả sân bay Incheon, hành khách lẫn nhân viên hàng không, đều ói xanh mặt.

“Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa

Và người trồng lúa, cho quê hương

Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế

Tình yêu bắt đầu, từ đôi mắt

Ngày mai bắt đầu, từ hôm nay….”

2013

Cái đêm hôm ấy

(viết tặng riêng cho phái đẹp và phái không đẹp nhưng tò mò)

“Chào Tony

Tôi tên L, năm nay 46 tuổi, vẫn gọi Tony là dượng theo cách gọi của 2 đứa con tôi. Dù tôi biết dượng lớn hơn tôi có 4 tuổi, nhưng nhận thức và trải nghiệm của dượng nhiều hơn tôi gấp trăm lần. Tôi nhận ra sự già dặn và thiện tâm trong từng câu chữ, dù tưng tửng vui vui.

Thú thật với dượng là tôi mới bắt đầu trả lời câu hỏi “Tôi là ai” cách đây hơn 1 năm. 45 năm, nửa đời người (tôi hy vọng mình thọ 90 tuổi), tôi toàn sống cho người khác. Tôi học chuyên Hoá ở một trường cấp 3, rồi học bác sĩ đa khoa, rồi chuyên khoa, rồi lấy chồng và sinh con. Chồng tôi cũng là bác sĩ, ngoài công việc ở bệnh viện lớn, tôi và chồng có phòng mạch riêng ở nhà và có 1 nhà cho thuê. Trong mắt người khác, tôi là sự hoàn hảo về mọi gia đình lẫn sự nghiệp.

Nhưng sâu thẳm, tôi không thấy nghề Y phù hợp với mình. 18 tuổi tôi nào có biết hướng nghiệp là cái chi chi. Tôi là đứa học giỏi nhất dòng họ lúc đó nên mọi người hướng thi Y, vô làm bệnh viện để có gì giúp đỡ. Tôi đậu một cách nhẹ nhàng. Cách tuyển bác sĩ chỉ dựa vào việc giải bài tập của 3 môn học khối B (Toán, Hóa, Sinh) tôi thấy sai sai thế nào. Như tôi, lúc đó tay chân lóng ngóng, vụng về chưa bao giờ nấu ăn, cầm dao gọt xoài còn không được (mẹ làm hết mọi việc, tôi chỉ việc ngồi giải đề), rồi thấy máu là sợ (dù giờ rất quen), và bản lĩnh thần kinh không vững lắm. Khi trực, nửa đêm đang ngủ có ai đánh thức dậy để cấp cứu là tôi khó chịu, làm nhưng không vui. Mọi việc chuyên môn tôi cũng làm có kết quả tốt nhưng không thăng hoa, không vươn tới đỉnh cao được. Tôi nghĩ ngành đặc thù như ngành Y ở nước mình cần tham khảo cách tuyển bác sĩ của Âu Mỹ ấy. Lớp tôi có nhiều bạn mắt rất kém, hoặc nói lắp, bị đãng trí bác học (tình trạng quên cái này cái kia vô thức) hoặc tính tình bảo thủ cực đoan, hay tự ái khi bị góp ý chẳng hạn…thì làm sao mà thành công xuất sắc trong nghề Y? Nhiều người cứ khăng khăng hiểu biết cũ của mình, dù thế giới đã xuất hiện các quan niệm rất mới, có khi ngược lại 180 độ, thì tội người khác. Thôi tôi lại lan man sang nghề nhiều quá, mục đích thư này lại là một câu chuyện khác.

Một buổi tối nọ, đang trực đêm, tôi chợt nghe 2 người nhà bệnh nhân đứng ngoài hành lang nói chuyện. Đại ý là nhiều bác sĩ trẻ làm ở bệnh viện tôi mấy năm rồi mà vẫn chưa được ký hợp đồng chính thức, do mấy “cây đa cây đề” ở đây không chịu nhường chỗ. Tụi nhỏ bây giờ tiếng Anh rào rào, đọc tài liệu chuyên môn nước ngoài mới nhất, chỉ có kinh nghiệm là thua thôi. Nhưng thời đại này, việc tạo ra các thành tựu y khoa mới, hoặc cập nhật nó, mới có giá trị – một ông kết luận.

Tôi nghe mà bàng hoàng, hóa ra mình đang làm kỳ đà cản mũi tụi nhỏ. Công tâm tự mình nhận xét, tôi thấy mình không có đam mê, tuổi tác sức khỏe nhiệt huyết mọi thứ cũng đã giảm, càng ngày càng mệt mỏi. Và đêm trực định mệnh đó, tôi ra một quyết định quan trọng. 45 năm ngắn ngủi còn lại mà tôi tồn tại trên trái đất với hình hài này, tôi sẽ sống đúng với bản thân mình. 27 năm gắn bó với nghề Y từ lúc là cô sinh viên Y khoa, tôi nhận được sự đào tạo tốt và đã trả ơn cho đời. Như vậy là đủ. Nếu tiếp tục làm thêm với thái độ này, có khi tôi còn phá hoại, vì cả chục năm rồi, tôi không còn hào hứng đọc tài liệu chuyên môn mới. Nếu tiếp tục nghề, tôi sẽ mắc sai sót, cái không cho phép ở nghề này. Nhưng cũng cân nhắc quyền lực và tiền bạc mình đang có. Tôi chợt nhớ câu nói của dượng trong cuốn Trên Đường Băng “buông là một sức mạnh lớn hơn cả sức mạnh lấy vào“. Tối đó, tôi ngồi viết thư xin ra khỏi ngành trong sự ngỡ ngàng của bao người. Tôi tiến cử một em bác sĩ trẻ thay thế vị trí của tôi, ngày chia tay, em nhìn tôi với ánh mắt biết ơn vô hạn.

Tôi quyết định đi theo nghề mà tôi đam mê, có năng khiếu và làm ra tiền, đó là nghề cắm hoa. Nghe buồn cười không dượng? Tôi năm nào cũng đoạt giải cắm hoa trong các cuộc thi 8/3 do cơ quan tổ chức, và yêu thích việc cắm hoa đến lạ kỳ, có thể ngồi làm từ sáng đến chiều mà không mệt. Nhìn thành quả của mình, tôi cứ lâng lâng thế nào ấy. Chồng tôn trọng quyết định của tôi, vì biết tôi xưa nay đã “gồng mình” làm bác sĩ. Tôi đến nhà văn hóa phụ nữ tỉnh học lớp cắm hoa căn bản, rồi nâng cao, sách báo tài liệu Tây Tàu gì tôi cũng tha về, ngồi đọc ngấu nghiến, làm xong lẵng hoa, nửa đêm tôi còn đi đến nhà bạn bè tặng cho họ. Bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên, rồi đến các công ty, các sự kiện, nhà hàng, khách sạn…cũng đặt hàng. Nghề này cần năng khiếu và óc thẩm mỹ, dù nguyên tắc cơ bản ai cũng có thể nắm được. Tôi mở cửa hàng hoa sau 6 tháng vì đơn hàng nhiều quá, chồng tôi đuổi nói em ra mở tiệm đi, đừng biến cái nhà này thành “hoa viên”. Tôi một mình lang thang đến các chỗ hẻo lánh xa xôi, vừa làm từ thiện vừa lựa cỏ cây hoa lá hoang dã trong tự nhiên. Dù chỉ là một bụi lau sậy nhưng tôi nhìn ra “chất thơ” của nó, thế là nhờ người ta cắt, phơi khô, phun vẹc ni hoặc keo để giữ dáng, rồi mang về. Tôi lên mạng coi, nhờ bạn bè ở nước ngoài mua hạt giống “kỳ hoa dị thảo” gửi về, rồi nhờ bà chị trên Đà Lạt trồng giùm. Tiết kiệm từ tiền bán hoa, tôi mua được 2 công đất nông nghiệp trên đó để trồng mấy loại hoa hạt cườm, thuỷ ngân, kim ngân, đuôi rồng, đuôi phụng, yến oanh…và trăm loại hoa khác mà chỉ riêng tôi có.

Tôi học tiếng Anh lại từ năm 2014, lúc đọc cuốn Cà Phê cùng Tony, vì mê dượng quá mà tôi học chứ không rõ là để làm gì. Nhưng ai dè nó giúp tôi trong nghề này lắm. Tháng 10 năm ngoái, tôi sang Osaka Nhật Bản học một lớp ngắn hạn 2 tuần về nghệ thuật cắm hoa, người Nhật là đỉnh của đỉnh về nghệ thuật này. Tôi mang theo các nguyên liệu quê nhà, mấy cô bên đó ngạc nhiên vô cùng, vì lạ mắt quá. Các nước ôn đới chỉ quanh quẩn các loại hoa hồng tulip oải hương…; cây thì chỉ có thông, tùng, bach quả, lá phong, nho, cam, táo, lê….không trăm nghìn cây cỏ hoa lá như xứ nhiệt đới mình. Sau khi đi về, bạn tôi bên đó đòi mua rơm rạ, cỏ lau, lục bình, mía dại, quả dứa non, dừa, cau, hạt cà phê….Tôi tiến hành phơi khô, sấy sạch vi khuẩn và bảo quản túi hút chân không, họ qua Việt Nam xách tay về, lần mấy chục ký, để cắm hoa, trang trí nội thất. Tôi không đọ được với dượng về những container hàng xuất khẩu, nhưng tiết lộ với dượng là tiền lãi của tôi rất khá. Một buồng cau bên này có mấy chục ngàn, tôi phơi khô sấy xong họ mua mấy trăm đô còn nói rẻ. Phu nhân mấy ông giám đốc trưởng phòng tập đoàn này nọ, tiền chồng mang về họ chi tiêu mấy cái hoa hòe này kinh khủng lắm dượng.

Các bà các cô giới thiệu nhau, tôi bắt đầu bán được vô các cửa hàng bán đồ cắm hoa ở Tokyo và cả Seoul Hàn Quốc. Phụ nữ bên đó khi kết hôn xong ít đi làm, chỉ ở nhà nội trợ, nên tôi xuất khẩu ngày càng nhiều. Tôi ra làng gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận để đặt riêng các loại chậu hoa, bình cắm riêng cho mình xuất khẩu, dù số lượng chưa nhiều. Hiện cửa hàng tôi có 5 em phụ việc, ở Đà Lạt có 3 người trồng và thu mua hoa, ở Đồng Nai, Trà Vinh, Đồng Tháp mỗi tỉnh có 2 người chuyên thu mua cỏ, lục bình, lác, rơm rạ, cành que cây khô, đá, sỏi, đất sét, bùn non, gáo dừa, vỏ quả ca cao, vỏ quả mít, quả sầu riêng, dừa nước, thốt nốt, tre trúc….Bình hoa của tôi thường có chủ đề về miền nhiệt đới, rắc mấy hạt ca cao hay cà phê phía dưới, trông đẹp lắm dượng.

Như vậy tôi đã trở thành người cho việc, giải quyết được 14 lao động rồi nhé, chưa kể shipper, mỗi em mỗi tháng cũng được hơn chục triệu, và sẽ nhận tiếp cả chục em nữa cũng có đam mê “hoa hòe” như tôi. Tôi đã đủ ăn đủ mặc rồi thì sẽ tới lúc giúp người khác thoát nghèo. Tôi không khởi nghiệp, chỉ là đi theo trái tim mình, tôi thấy mình đi đúng hướng, ngày nào cũng vui vẻ, yêu đời, trẻ đẹp, thanh tú (khóc).

Tôi không cần dượng PR làm gì. Tôi chỉ muốn viết thư này cảm ơn dượng, một người dù hư cấu không thật (như dượng nói) nhưng tạo ra những thành tựu kinh tế có thật cho đất nước (cụ thể tôi thấy trường hợp của tôi). Tôi mua sách của dượng rất nhiều và tặng tất cả những người thích đọc sách tôi quen. Tôi tin là dân tộc Việt Nam rồi sẽ giàu có lên, văn minh lên và nắm tay nhau bước ra năm châu một cách đầy kiêu hãnh. Nhất quyết sẽ như thế.

P/S: Khi nhận được email báo dượng đã đọc, biên tập và sẽ đăng bài này, chồng tôi nói sao chuyện làm ăn em đi kể hết vậy, người ta bắt chước làm thì sao. Tôi nói anh phải “văn minh hào sảng”, thị trường thế giới mênh mông, tài năng em chút xíu còn kiếm được vài chục ngàn đô mỗi tháng, giải quyết được chục lao động thất nghiệp ở các làng quê xa xôi. Biết đâu có bạn trẻ nào đó giỏi hơn, làm cả nhà máy xuất khẩu nguyên liệu cắm hoa trang trí nội thất từ mấy cái bỏ đi của nông sản nước mình thì sao. Giới trẻ bây giờ, ai ai cũng có thành tựu.

Môn đọc sách là môn bắt buộc cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở (cấp 2) ở SingaporeXưa nay, các trường ở Âu, Mỹ, Nhật, Hàn, Sing….đều khuyến khích các học sinh đọc sách với việc đầu tư thư viện ngày càng nhiều đầu sách (trường tự mua và các phụ huynh đóng góp, các tổ chức doanh nghiệp tặng). Trường học hơn nhau trong chất lượng đào tạo không phải các kỳ thi học sinh giỏi (vì cái này phụ thuộc vào cá nhân các em nhiều hơn là dấu ấn của trường), mà là cơ sở vật chất của trường gồm số đầu sách có trong thư viện, diện tích sân tập thể thao (trường có hồ bơi, sân bóng các loại….), nhà hát (để các em yêu thích nghệ thuật tập biểu diễn). Nói về một trường phổ thông chuẩn như ở các nước tiên tiến, hiện nước ta chỉ có trường Hoàng Việt ở Đăk Lăk là có thể đúng chính xác (chưa biết là trường này đã có nhà hát và dàn nhạc cổ điển, nhạc nhẹ chưa, nếu có thì là đủ chuẩn quốc tế, các trường cần cử người đến đây tham quan để về đầu tư giống vậy). Ở các trường phổ thông ở các nước tiên tiến, không có hoạt động dự giờ trong giáo viên. Bài tập về nhà không phải là các môn tính toán hay các môn học ở lớp mà là môn ĐỌC SÁCH và viết báo cáo về sách đã đọc (review sách). Các bạn sẽ phải tự tìm sách mà đọc (có thể trong thư viện hoặc đi mua hoặc tự down trên mạng về) và báo cáo lại thầy cô cho điểm. Thầy cô sẽ gợi ý chủ đề sách cho các bạn đọc theo từng lứa tuổi. Ví dụ tiểu học thì sẽ đọc về tự nhiên (ví dụ về sự hình thành núi lửa, sự biến mất của khủng long…), còn cấp 2 cấp 3 là các vấn đề con người như nhân sinh quan, tình yêu, lý tưởng sống, khởi nghiệp, nhân cách, đạo đức, tâm lý, phiêu lưu mạo hiểm….Hiện nhiều nước đã cắt bớt các phần khó của các môn tự nhiên ra khỏi chương trình dạy (ai muốn học thì lên cao đẳng ĐH để học) để đưa môn ĐỌC SÁCH vào chương trình học bắt buộc bên cạnh thời gian môn thể chất chiếm 1/3 thời gian học ở trường. Ví dụ học sáng từ 8h đến 10h30 là học sinh nghỉ, rồi chơi vận động đến khi ăn trưa, sau đó nghỉ trưa và học buổi chiều tới khoảng 3h, và từ 3h-4h lại tiếp tục các môn vận động hoặc tới giờ đọc sách. Hình ảnh cả lớp ngồi im mỗi người một cuốn sách trên tay thật đẹp, sau này sẽ hình thành thói quen đọc sách cho các công dân trong xã hội.Nhưng đất nước phát triển về kinh tế lẫn xã hội đều có tỷ lệ dân chúng đọc sách nhiều, như Bắc Âu, Bắc Mỹ, Tây Âu, Nga, Israel, Hungary, Nhật…Đọc sách sẽ giúp xã hội hiền lành tử tế hơn, bình tĩnh hơn, trưởng thành hơn. Người ưa đọc sách sẽ hiểu biết và ứng xử đẳng cấp hơn người không đọc (tất nhiên rồi). Tất cả bắt nguồn từ thói quen đọc sách có trong môn Đọc Sách từ thời tiểu học của họ. Điều này đơn giản, chúng ta hoàn toàn có thể học tập theo được chứ không phải quá khó, quá thiếu thốn như ngày xưa đến nỗi không có sách cho học sinh đọc. Các trường có thể tự chủ mở 1 phòng thư viện và kêu gọi phụ huynh góp sách, các nhà xuất bản tặng sách hoặc tự sắm sửa dần. Phụ huynh tặng con, các trường tặng phần thưởng cuối năm….nên là những cuốn SÁCH chứ đừng những cuốn tập vở như mấy chục năm qua nữa. Học sinh sinh viên phải có thói quen đi thư viện, đi nhà sách và ai cũng phải có tủ sách của riêng mình, dù thật nhỏ trong góc nhà, nhưng phải có. Các tập đoàn doanh nghiệp có thể làm 1 cú marketing lớn như là xây 10,000 thư viện toàn quốc cho các trường tiểu học, vừa được tiếng, vừa giúp ích cho thế hệ sau này. Và Bộ Giáo Dục phải cân nhắc đưa môn đọc sách vô chương trình học của các bạn, cả thế giới đã làm vậy, chúng ta không thể làm khác.

https://www.straitstimes.com/opinion/why-reading-should-be-a-compulsory-subject-in-school?fbclid=IwAR3jxgxaN_P_x-nnf7PNHbi30QHWLSiGwvhgc67nrDGVuR1WienWTnxiUJc

Thắng mình mới khó

Tương truyền Khổng Tử có lần gặp Lão Tử, xong về Khổng Tử biết mình kém mấy bậc mới đạt được tầm vóc tiêu dao tự tại như Lão đại nhân. Chân lý của Lão Tử có thể đọng trong 1 câu nói mà mấy ngàn năm qua, loài người đang vật lộn trong bể khổ nhân sinh không thấm được “Ham thắng người thì loạn trí, ham thắng mình thì bình tâm”.

Một trong những cái khó nhất của “thắng mình” là thắng được lòng tham. Trong 3 cái độc nhất trần gian (tam độc) là tham, sân, si thì THAM dẫn đầu về độ kịch độc. Hám lợi ích vật chất, muốn lấy vào cho bản thân, tức tham lam, còn nghĩ nhiều cho người khác, muốn mọi người cùng hưởng lợi ích thì là tham vọng. (Ví dụ có tiền trăm tỷ ngàn tỷ mà mua siêu xe, biệt thự, biệt phủ, cặp với chân dài, ăn của ngon vật lạ… chỉ cho bản thân mình sướng là tham lam, còn mình thì sống đơn giản, dùng tiền đó đầu tư mở nhà máy xí nghiệp cho muôn người ở quê có việc làm thì là tham vọng). Tham lam sẽ có nhiều của cải, tài sản còn tham vọng thì sẽ có được nhiều thành tựu để đời.

Tham lam khiến loài người đau khổ từ cổ chí kim. Nhiều người nghĩ mình sẽ không bao giờ trở thành con người như thế, nhưng là do họ chưa có điều kiện tiếp xúc với lợi ích vật chất và 2 chữ kim-tiền. Có 1 cái nhà, đổi cái to hơn, thêm cái nữa, rồi thêm miếng đất, thêm miếng nữa. Có 1 đứa con rồi ráng thêm đứa nữa, ráng thêm đứa nữa. Ban đầu nghĩ là nếu làm được bao nhiêu tiền đó, tôi sẽ nghỉ, nhưng không mấy ai nghỉ khi đạt đến con số đó, vì lúc đó, lòng tham sẽ mở ra để người ta chặc lưỡi “thôi làm tiếp tí nữa, rồi sẽ buông”. Buông bỏ là đỉnh cao của đẳng cấp, muốn là buông ngay chứ không phải vì “làm hết nổi nên buông”. Con người làm để có vật chất cho bản thân và xã hội, nhưng xác định bản lĩnh, đẳng cấp, tâm, tầm….chính là SỐ LƯỢNG HỌ LẤY CHO MÌNH. TRI TÚC (biết đủ) là từ chỉ có người thanh cao trong xã hội mới hiểu và làm theo được. “Đủ” là một từ vô cùng khó, hiếm ai xác định được. TÔI ĐÃ ĐỦ CHO CÁ NHÂN TÔI, BÂY GIỜ TÔI LÀM, LÀ PHỤNG SỰ CHO NGƯỜI KHÁC, giúp người khác có việc làm, có áo ấm, có cơm ngon. Đời ai dám nói được câu này, thì lập tức thành đại nhân.

Những ai ngồi ngẫm lại bản thân mình, thấy đã có 1 và nhận biết là đã đủ cho 1 kiếp người, cố gắng làm cho người khác cũng được đầy đủ giống mình, thì tự dưng được đời kính trọng, phong thánh, phong bồ tát…Mà thật ra, họ chẳng bao giờ cần danh hiệu này, trong lòng họ thấy hạnh phúc là được.

Câu chuyện sáng nay khá hay trên báo Tuổi Trẻ, của tác giả Nguyễn Quang Thân, dẫu có mấy ý cũng không hợp lý vào thời nay (ví dụ nói người khác chứ không thấy nói mình, nhân sinh quan cũ của góc nhìn Á Châu), nhưng nhìn chung là rất đáng đọc.

Khi nói về lòng tham, kỳ lạ là người tầm thường hay nghĩ về người khác, và chỉ trích người khác, không mấy ai chịu nhìn bản thân mình, tự chỉ trích chính mình, để từ đó sống tốt hơn, thoát ra khỏi vòng xoáy của sự đau khổ. Bạn đọc xong bài này, hãy nghĩ về mình, đừng nghĩ và bàn luận về người khác. Mình không đủ tư cách đâu, vì có đủ thanh cao mới dám nói người. Có bàn luận, thì bàn luận về chính mình thôi. Sự thanh cao của bản thân, thật ra, chỉ ONLY mình biết là “có” hay “không” mà thôi.

Bạn tự trả lời câu hỏi này đi, bạn đang tham lam hay tham vọng vậy? Và lao động để có thành tựu đi, hơn chính mình ngày hôm qua.

https://tuoitre.vn/long-tham-long-tham-vo-do-491394.htm?fbclid=IwAR0ubFkpY0q_JWFTY6zHVS14pYWR5WtXKU_0GYqZbAYnrX5kAbNReGwxgUw

Công thức nấu ăn: Tuot De Tony

Cà chua là loại quả được sử dụng nhiều nhất trong chế biến thức ăn, Tây, Tàu, Âu, Á…Nguồn gốc từ Peru, Nam Mỹ, sau đó cà chua theo chân người Tây Ban Nha đến Việt Nam. Như vậy, thời vua Lý vua Trần trước đó, dù là vua chứ cũng chưa có ăn được cà chua mà giỏi lắm là cà pháo, canh mùng tơi rau dền chứ hẻm có cà rốt súp lơ gì, mãi sau này theo chân bác sĩ Yersin mới đến nước ta.

Cà chua là “nhà máy dinh dưỡng” với mọi loại vitamin và khoáng chất, trừ cà chua xanh chúng ta không nên dùng vì họ cà nói chung đều có chất solanin, có thể gây ngộ độc, chất này sẽ biến mất hoàn toàn khi cà chín tức chuyển sang màu. Ăn cà chua chín rất rất tốt cho sức khỏe, nếu là cà chua sạch thì nên ăn sống, xay sinh tố húp. Tony lúc ở châu Âu, suốt ngày ăn đồ Tây, chả có rau rác gì, thế là bị apple fertilize (táo bón). Cái qua phòng bạn người Ý chơi, thấy nó ăn nên bắt chước, ngày nào cũng ăn vài quả, nên tiêu hóa rẹt rẹt, da dẻ đẹp tươi trắng hồng như Ụ pa Hàn Quốc. Người Ý khôn lắm, họ biết cà chua là sản phẩm làm đẹp người nên món ăn nào họ cũng ăn rất nhiều cà chua, đó là bí quyết của vẻ đẹp của trai thanh gái tú thành Rome. Người Ý đẹp nhất châu Âu vì họ sử dụng cà chua gấp 3 lần các dân tộc khác. Người Hồng Công, dù cũng gốc Hoa, nhưng đẹp và khỏe mạnh gấp chục lần người đại lục vì họ tiêu dùng cà chua kinh khủng.

Hôm nay mình học chế biến món tương ớt để chấm thịt, cá khô, mực khô, mì gói…để tiêu thụ nhiều cà chua cho các farm nhé.

Cà chua: 1kg, gọt vỏ, bỏ ruột và hạt.

Ớt: 2-4 lạng tùy người thích ăn cay hay không. Xẻ rãnh, bỏ ruột/hạt, không cần gọt vỏ. Ai gọt vỏ quả ớt được thì cứ gọt.

Tỏi: 1 lạng, lột sạch (tỏi đã ngâm giấm 1 tháng sẽ ngon hơn tỏi tươi).

Dấm, muối: 1 muỗng canh.

Đường 2 lạng.

Rượu đế (trắng): 2 muỗng canh.

Đem cà chua và ớt, tỏi luộc với 1 lít nước, cứ bỏ vô 1 ít rồi vớt ra, bỏ cái sau vô, đừng bỏ vô luộc cùng 1 lúc nước không đủ ngập. Luộc khoảng 2 phút là được. Sau đó bỏ TOÀN BỘ nguyên liệu trên kể cả nước luộc vào máy xay sinh tố, xay cho mịn. Sau đó bỏ vào nồi, bắc lên bếp, mở lửa nhỏ từ từ và đảo kẻo bị cháy khét. Khi nó sôi lục bục thì là OK, mọi vi khuẩn trong đó đã chết, mình sẽ tắt bếp, để nguội. Vì có rượu/giấm/tỏi/ớt gây ức chế vi khuẩn mốc meo nên có thể bảo quản được 3 tháng không cần tủ lạnh, nếu bỏ chai thuỷ tinh để tủ lạnh thì được 6 tháng.

Hiện chỉ có mấy nhãn hàng tương ớt trên thị trường thôi, mình vẫn chen chân được, đam mê thì làm thử trăm lần sẽ ra công thức ưng ý. Làm nhãn hàng “Tuot de Tony” đi (tuot là tương ớt, chứ hẻm phải “tuột”, tui chỉ đường cho làm ăn mắc mớ gì đòi tuột tui?).

Chúc các bạn 1 cuối tuần động tay động chân, dọn dẹp nhà cửa, trồng cây trồng hoa, đóng tủ sách đóng kệ….sau đó thì chế biến món Tuot de [tên bạn] nhé

2013, TnBS

Mỗi tuần một cuốn sách quý

Thu Giang là 1 học giả nổi tiếng của Việt Nam mà các bạn nên đọc. Dẫu vẫn có 1 số tư tưởng không hợp lý trong thời đại mới (nhất là về làm ăn, khởi nghiệp, đánh giá về văn minh phương Tây có thể do tác giả chưa được sống lâu với người Tây phương ở nước ngoài,….) nhưng tư tưởng về học hành và kiến thức thì QUÁ TUYỆT.

Ở Pháp, học sinh cấp 3 người ta đã cho học Triết học. Nước ta thời thuộc Pháp cũng vậy. Môn Triết sẽ phân loại học sinh để ai nên đi tiếp con đường học vấn cao thâm hàn lâm nghiên cứu, ai nên đi theo con đường ứng dụng xã hội. Tú tài là 1 bằng cấp có giá trị.

Đọc và hiểu vì sao có những người không chịu đọc sách, mua sách tặng họ thì họ nói “thà dắt tôi đi ăn 1 tô phở còn hơn”. Vì nhận thức của họ, miếng ăn quan trọng hơn trí khôn của nhân loại.

Nào, chúng ta cùng đọc và suy ngẫm hôm nay

————————————–

“A. THẾ NÀO LÀ NGƯỜI HỌC THỨC?

Có cử nhân, giáo sư, tiến sĩ…cũng còn bị người ta mắng cho là đồ “vô học”. Như thế thì “người có học” là người như thế nào?

Tôi có quen nhiều bạn kĩ sư điện, thế mà trong nhà có thiết bị hỏng, phải đi tìm những anh thợ máy đến sửa. Nếu ta bảo họ giảng nghĩa về điện học, thì họ sẽ làm cho ta điếc óc…Tôi có biết nhiều ông giáo sư, thế mà trong khi dạy học, họ không biết áp dụng một nguyên tắc sư phạm nào cả; học trò vẫn than phiền là giờ dạy của họ buồn ngủ muốn chết. Tôi cũng có thấy vài ông đậu bằng tiến sĩ hay thạc sĩ triết học, thế mà cách ăn ở với đời dại như một người ngu, không hiểu chút gì về tâm lí của con người cả.

Nếu có hơn là họ hơn về lí thuyết nhưng phần thực tế…họ đâu có hơn gì một con “Vẹt “. Nói cho đúng hơn, họ chỉ có “học” mà không có “hành”. Học là để biết. Biết, mà không thực hành được, vận dụng được, cũng chưa gọi là “biết “. Tri và hành cần phải hợp nhất mới được gọi là người “có học thức “. Đầu tiên là cho cá nhân họ

Người xưa có ví: “Con chiên (cừu) ăn cỏ, đâu phải để mà nhả cỏ, mà là để biến thành những bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu, đâu phải để mà nhả dâu, mà là để nhả tơ…” . Học mà không “tiêu hóa “, có khác nào con chiên nhả cỏ, con tằm nhả dâu. Người ta rồi cũng chẳng khác nào cái máy thu thanh, chỉ lặp lại những gì kẻ khác đã nói.

Vậy, chữ “học thức” chỉ dành cho những bộ óc thông minh biết đồng hóa với những điều mình đã học. Như thế thì, học nhiều và học thức không giống nhau.

Chúng ta thường đánh giá con người theo bằng cấp của họ, những bằng cấp ấy phần nhiều là những bằng cấp trí nhớ: kẻ nào nhớ giỏi thì thi đậu. Sự nhận xét sai lầm này gây không biết bao tai họa cho loài người hiện thời.

B. HỌC ĐỂ LÀM GÌ?

Ta phải quan sát chung quanh ta, ta sẽ thấy có hai hạng người: học vì tư lợi, và học theo đam mê.

Hạng học vì tư lợi, chiếm rất đông. Họ học một nghề nghiệp nào là để tìm một kế sinh nhai. Cái ý muốn thiết thực này cũng là cái ý muốn chính của các bậc làm cha mẹ khi gởi chúng đến trường. Mà chính các học sinh (người đọc bài này), đa số chỉ có một mục đích ấy: nắm lấy bằng cấp để tìm lấy một con đường sinh kế.

Bên những nhà “tập sự ” vị lợi ấy, chúng ta cũng thấy có nhiều kẻ, ngay tuổi còn thơ, họ ham học mà không phải để kiếm tiền, không phải để tìm địa vị, cũng không phải để tìm danh vọng…Chiều theo ý của cha mẹ, hoặc vì hoàn cảnh bắt buộc mà phải chọn một nghề nào, kì thực họ không để chút tâm hồn nào nơi ấy cả. Họ là một công chức sở hối đoái mà họ say mê thi phú hay âm nhạc. Họ là một kỹ sư mà họ mê say lịch sử hay văn chương. Họ là một luật sư mà họ mê say toán học. Có kẻ, ngoài giờ phải lo lắng làm việc theo nghề nghiệp của mình để kiếm ăn, cũng ráng dành một vài giờ để học những môn không lợi ích gì cho cái đời vật chất của mình cả, khi thì đọc triết học, khi thì đọc sách nghiên cứu về văn chương, lắm khi “tập tễnh” cầm bút viết văn hay hội họa…

Hai hạng người trên đây, ai có lí? Ai vô lí? Thật cũng khó mà trả lời. Cái thích của người này chưa chắc cũng là cái thích của người kia.

Lại còn có người nọ thích không học gì cả , thì sao? Họ sẽ nói: “Đời người ngắn ngủi, học cùng không học thì có khác gì nhau. Anh thích khoa học, tạo hóa ban cho anh nhiều năng khiếu, thì anh thành nhà bác học giúp đời… Còn tôi không có năng khiếu chi cả, cố mà nhồi vào sọ những cái học hỏi của kẻ khác, cố mà sản xuất những tác phẩm không hơn gì những bài làm của học sinh…thì phỏng có lợi ích gì! Ta hãy cứ tìm lấy những hạnh phúc rẻ tiền không cần dụng công nhọc sức chi cả có hơn không! Anh đọc truyện Kiều, anh thích, tôi đọc tiểu thuyết ba xu, tôi thích. Anh thích nhạc cổ điển, anh thích nhạc Âu Mỹ. Tôi, tôi nghe vọng cổ, tôi xem hát bội. Anh đọc tiểu thuyết cổ điền của Đông Phương, tôi cũng biết mê say kiếm hiệp. Vậy, thì cũng chưa chắc cái sướng của anh hơn cái sướng của tôi…”

Ta phải trả lời với họ cách nào?

Ta hãy can đảm nhìn ngay sự thật; có nhiều kẻ họ sống hết sức hạnh phúc trong sự ngu dốt và ở không của họ. Họ ghét đọc sách, họ ghét suy nghĩ, họ ghét làm việc bằng tinh thần: một vấn đề hoàn toàn thuộc về bản chất…

Geothe, lúc mà danh vọng của ông lên đến tột độ, ngày kia dạo trên bờ sông thành Naples gặp một tên ăn mày nằm ngủ phơi mình trong ánh nắng…Ông dừng chân, tự hỏi:

“Ta và anh ăn mày này, ai hạnh phúc hơn ai ?”. Thật, cũng khó mà trả lời cho dứt khóat.

Nếu bạn là người chịu theo phái “ăn rồi nằm ngửa nằm nghiêng, có ai mướn tớ, thì khiêng tớ về…” Nghĩa là theo phái thích “ăn không ngồi rồi” và cho đó là hạnh phúc nhất đời, thì xin mời bạn hãy để quyển sách này xuống. Nó không phải viết cho bạn. Thú thật, tôi không đủ tài để thuyết phục bạn. Sách này viết ra, là cho những ai cùng đồng một ý kiến với tôi, cho rằng hạnh phúc của Geothe hơn hạnh phúc của anh ăn mày, hay nói đúng hơn, Geothe cao trọng hơn anh ăn mày (vì anh ta có thành tựu, có trải nghiệm khắp chốn, có để lại cho đời, tên tuổi có được lịch sử ghi danh).

Như thế, ta thấy rõ mục đích của sự học là gì rồi. Học, là để mưu hạnh phúc, nghĩa là để làm cho mình càng ngày càng mới, càng ngày càng cao, càng ngày càng rộng. Học, là tăng gia sự hiểu biết của mình, là mở rộng tâm hồn của mình bằng cách thu nhận sự hiểu biết cùng những kinh nghiệm của kẻ khác làm của mình. Có khác nào một đứa trẻ mới sinh, cân không đầy hai, ba kí…thế mà nhờ càng ngày càng lớn đến năm, sáu chục kí…trong khoảng vài mươi năm sau? Phải chăng nhờ rút lấy không khí, món ăn, món uống…mà tiến từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh. Bởi vậy, trước đây tôi có nói: “Học cũng như ăn “.

Ăn mà không tiêu, thì có hại cho sức khoẻ. Học mà không tiêu hóa thì có hại cho tinh thần. Học mà đến mực dường như quên hết cả sách vở của mình đã học thì cái học ấy mới thật là “nhập diệu”. Herriot nói: “Học thức là cái gì còn lại khi mình đã quên tất cả”.

Một nhà tâm lí học có nói: “Quên là điều kiện cần thiết của Nhớ “. Một điều gì học mà mình còn cố nhớ, là nó chưa được nhập vào tâm. Chỉ khi nào mình không cần nhớ mà nó vẫn tự nhiên hiển hiện trong tâm trí mình thì môn học ấy mới được gọi là đã được tiêu hóa. Tôi còn nhớ, lúc còn học thi, gần đến ngày thi, tôi băn khoăn nói với cha tôi: “Sao con học nhiều quá mà nay dường như con không nhớ gì cả. Con sợ quá “. Cha tôi cười bảo: “Đấy là con đã học “mùi” rồi. Quên tức là nhớ nhiều rồi đó. Con hãy yên tâm …”. Thật đúng như lời. Ngày thi giám khảo hỏi đâu, tôi trả lời liền đó.

Trang Tử nói: “Người bắn cung mà còn để ý đến việc bắn cung của mình là người bắn chưa tinh. Kẻ bơi mà còn để ý đến động tác của mình là người chưa giỏi. Phải biết quên thị phi đi, thì cái tâm mình mới thông suốt được cái lẽ thị phi…(Tri vong thị phi, tâm chi thích dã)”. Hiểu được câu nói này của Trang Tử là hiểu được cái diệu pháp của Phép Học rồi vậy.

C. THẾ NÀO LÀ BẬC THIÊN TÀI?

Nói đến những bậc thiên tài nhiều người đã tưởng tượng họ như kẻ phi thường, cô phong độc tú…xa hẳn với loài người. Thực ra cũng không có gì lạ giữa họ và chúng ta cho lắm; có nhiều kẻ còn tệ hơn chúng ta nhiều về vấn đề thể chất lẫn tinh thần nữa. Họ chỉ khác ta có một điều thôi: họ có một đức tin kiên định về phương pháp làm việc của họ . Họ tin rằng với sự cần cù nhẫn nại và cách làm việc có phương pháp. Theo họ “thiên tài chỉ là một sự nhẫn nại bền bỉ lâu ngày ” mà thôi.

Thế nhưng họ đã để lại cho đời những kỳ công vĩ đại là nhờ đâu? Vì họ biết cách làm việc có phương pháp, có nghệ thuật. Muốn học cho thâm, muốn gây tạo những công trình to tát cũng phải cần đến thời giờ. Một giọt nước con, mà với thời gian đã điêu khắc cả dải Hoành Sơn, Tuyết Lãnh…

Nếu các bạn xem kĩ đời niên thiếu của các bậc vĩ nhân đã làm vẻ vang cho Tổ quốc họ và cho cả nhân loại, các bạn sẽ thấy, khi các ông ấy còn là học sinh đâu phải là những học sinh đứng vào hạng nhất trong lớp. Có khi họ lại là những anh học sinh “hạng bét ” là khác. Có nhiều kẻ, chính các ông thầy của họ cũng không để ý đến họ nữa. Nhưng, một ngày kia, một tình cờ run rủi, bỗng dưng cảm khích như Malebranche, sau khi đọc quyển “Traite’ de lHomme của Descartes”, đem hết nghị lực lao đầu vào sự học, nhẫn nại, cố gắng cho tới ngày tài hoa xuất hiện.

Trong lúc ấy, trong lúc nhiều người may mắn đi vào các trường ĐH để tản mác trí lực của họ trong những cuộc đua chọi bằng cấp và địa vị cao sang quyền quí, thì trong bóng tối, trong im lặng, thành tựu của người vĩ đại như tiếng sấm đêm đông…làm cho mọi người kinh khủng. Công trình sự nghiệp của bạn chẳng khác nào những hòn đảo kia, từ lượng cát đắp bồi, bỗng trồi lên mặt nước, một cách vững vàng như con núi.

Những bậc vĩ nhân đều hiện lên một cách từ từ và lặng lẽ như thế. Họ nhẫn nại mà đi từng bước một; nhưng một bước của họ là một bước chắc chắn.

Leo núi cao, những kẻ nào háo thắng, vội vàng sẽ không bao giờ đi tới đỉnh được. Họ sẽ đuối sức và bị bỏ lại giữa đường. Ông Newton nói: “Nếu tôi có phát minh được một đôi điều gì, cũng là nhờ nghĩ ngợi mãi một việc và đem việc ấy mà quan sát đủ mọi phương diện. Nếu những phát minh của tôi có được chút ích lợi cho đồng bào là do sự cần cù và đeo đuổi mãi theo một ý nghĩ mà không thôi vậy “.

Nhất là họ không bao giờ hiếu danh, hối hả trong công việc học hỏi và nghiên cứu của họ. Những vĩ nhân có thành tựu, họ không có học vị học hàm.

Người ta bảo rằng lúc Paster thi đại học, chỉ đậu hạng ba hạng tư gì đó. Năm ấy, ông không chịu vào đại học. Học thêm một năm nữa, kì thi năm sau ông đứng đầu. Ông tự cho rằng sức còn yếu, nên cần học lại thêm một năm nữa, đâu có muộn gì, bởi theo ông cần nhất là phải có thật tài hơn là hối hả trong công trình học vấn. Thật có khác với đầu óc tâm tưởng của phần đông chúng ta ngày nay, bao giờ cũng không muốn cướp thời gian và thành công mau lẹ”.

D. ĐẶC TRƯNG CỦA NGƯỜI CÓ HỌC LÀ GÌ?

Học là để cho đầu óc và tâm hồn càng ngày càng cao hơn, rộng hơn…có cao, có rộng thì mới tránh được cái nạn “thiên kiến”, “chấp nhất” của những đầu óc hẹp hòi. “Óc hẹp hòi”, theo Charles Baudoin, “là những đầu óc không thưởng thức nổi những gì mình không ưa thích”. Ông lại nói: :Từ sự không có văn hóa đến lòng thiên chấp, chỉ có 1 bước mà thôi”.

Người có văn hóa cao là người mà tâm hồn thật cao rộng, dung nạp được tất cả mọi ý kiến dị đồng, không có những thành kiến hay tư tưởng một chiều, bao giờ cũng nhìn thấy tất cả mọi mặt trái của sự đời. Bởi vậy, muốn có được một tâm hồn cao rộng ít ra phải có một nền học thức rộng đủ mọi mặt, kẻ nào tin tưởng một cách quả quyết rằng chỉ có mình nắm được chân lí tuyệt đối là kẻ không thể có lòng khoan dung rộng rãi.

Học rộng sẽ giúp ta đi từ “tuyệt đối luận” qua “tương đối luận”, biết vượt lên trên những lập trường eo hẹp hạn định của một hệ tư tưởng khác không hợp với lòng ưa thích của mình. Người học thức rộng là người biết thưởng thức tất cả mọi hình thức văn hóa bất luận đông tây kim cổ. Người có học, sẽ có đầu óc rộng mở, không hay phán xét, đánh giá người khác theo góc nhìn và vốn hiểu biết xưa nay (thường nhỏ nhoi) của mình. Họ ghét, họ giận…cả ngày người khác chỉ vì người khác không diễn tiến đúng theo ý họ”

(Trích đoạn trên nằm trong cuốn TÔI TỰ HỌC (THU GIANG NGUYỄN DUY CẦN))

Những dòng văn tuyệt tác dành cho người biết chữ

“Einstein – bộ não kiệt xuất nhất của loài người từ xưa đến nay từng nói: “Những người có khối óc vĩ đại luôn phải đối mặt với những chỉ trích kịch liệt từ những kẻ mang đầu óc tầm thường.”

Người có khối óc vĩ đại là người đầu tiên là phải có tư chất, tức thông minh, hiểu được logic (điều kiện cần), nhưng cái giúp họ VĨ ĐẠI là đã DÁM ước mơ (tức có NGHĨ đến) và HÀNH ĐỘNG để biến những ước mơ thành hiện thực (điều kiện đủ là hành động, tức LÀM).

Người vĩ đại làm điều tốt cho người khác (dù không quen) chứ không chỉ là cho bản thân họ, gia đình họ như người tầm thường. Họ dám khác biệt, dám bước ra khỏi số đông đang lầm lũi từng ngày trong những niềm mơ vụn vặt, hẹp hòi (bằng cấp, nhà xe, địa vị, danh tiếng, rượu ngon, gái đẹp, chủ nghĩa vật chất đơn thuần….).

Những kẻ có khối óc nhỏ nhoi tự giam cầm mình trong những lo lắng. Họ đinh ninh rằng, nếu người khác thành công, người khác sẽ lấy mất đi phần của họ. Họ nào chịu mở to con mắt ra để thấy rằng vũ trụ này ắp đầy thịnh vượng, ai càng giúp người khác thì càng giàu có, càng hạnh phúc, càng thành công. Người càng ích kỷ, càng nghĩ cho mình, càng cố gắng lấy vô cho bản thân, cho gia đình gia tộc….thì càng khổ tâm vì đầu óc nhỏ.

Nói cho cùng, vết hằn sâu nhất trong tim óc của những kẻ tầm thường là nỗi sợ về chính họ. Họ sợ họ sẽ chẳng thể nào làm được điều gì lớn lao như ta sẽ làm. Mang nỗi sợ ấy trong lòng, họ sẽ tìm đường trút hết mọi thất vọng, cay cú bằng những lời công kích, gièm pha, soi mói, nhạo cười, chỉ trích những gì ta đang làm, đơn giản là ta làm không giống họ, suy nghĩ không giống họ.

Những người có đầu óc lớn thường không bận lòng với những tiếng vo ve của thiên hạ. Họ không hoài công giải thích những điều lớn lao hay những điều họ làm cho những kẻ tầm thường, non nớt. Mãi mãi họ không hiểu hoặc sẽ mỉa mai. Không nên tốn thời gian để tâm đến người tầm thường nói gì, kệ họ, nhận thức thế nào thì nói ra thế ấy thôi, không nên xem trọng.

Chừng nào ta còn bận lòng với những gì người khác nghĩ về mình, thì ta vẫn còn giao trọn đời mình vào tay kẻ khác”.

(*) Trích từ sách “Shut up, Stop whining, Start living” của Larry Winget, người dịch: Nguyễn Thế Tuấn Anh, các bạn tìm đọc.

Mong muốn tột bậc và duy nhất của bạn là gì?

Lý Gia Thành, bậc thầy kinh doanh châu Á từng nói, “Khi bạn có trong tay từ 1 triệu đô (tức khoảng 23 tỷ VND) trở lên, việc bạn ra quyết định dùng số tiền đó làm gì sẽ thể hiện năng lực triết học trong con người bạn”.

Nếu ngày đó, chú Hoài trong bài báo này đem 200 tỷ đi mua đất ở Sài Gòn hay Hà Nội, thì giờ chú có rất nhiều tiền. Cũng có nhiều người quyết định vậy, giờ cái họ mua được là đất, nhà và hết. Họ không mua được sự kính trọng và lòng yêu thương từ bao nhiêu con người để có 1 CÔNG ĂN VIỆC LÀM, vốn là cái ƯỚC MƠ TỘT BẬC của người có trí tuệ tầm tầm ở quê nghèo. Mình có tiền thì tạo ra 1 nhà máy xí nghiệp hay resort để tặng cho họ ước mơ đó. Họ sẽ quý trọng mình cả đời luôn, người Trà Vinh yêu quý chú Thanh Mỹ bây giờ hay người Đồng Tháp vẫn đỏ hoe mắt khi nhắc đến chú Bên (chủ thương hiệu gạo Cỏ May, người xây tặng 1 ký túc xá và tài trợ cho sinh viên Nông Lâm ăn học). May mà Quảng Bình có chú Hoài, bớt mấy ngàn người dân quê cứ Tết là ra bắt xe vô Nam, vào Bình Dương Sài Gòn xin việc. Mỗi tỉnh nước ta cần có khoảng 1000 chú Hoài như thế, như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, cứ một thành phố nho nhỏ là có hàng ngàn doanh nhân lớn, tạo ra cả vạn việc làm/doanh nghiệp. Quốc gia nào cũng cần người như vậy.

Ở những ĐH lớn trên thế giới mà đào tạo ra tinh hoa, lãnh đạo và quản lý lớn, họ luôn tuyển chọn kỹ 1 người với một câu hỏi rất khó đó là “RỐT CỤC, CÁI GÌ LÀ MỤC TIÊU TỐI THƯỢNG, LÀ HAM MUỐN TỘT CÙNG VÀ DUY NHẤT CỦA BẠN?”. Bạn có thể ngẫm nghĩ 1 ngày rồi trả lời không?

Những giáo sư bậc thầy sẽ đọc bài luận của mình, thấy mình lấy phương tiện làm mục tiêu thì họ biết mình còn chưa chín chắn, hoặc đầu óc be bé xinh xinh (kiểu như người nói mục tiêu của em là cái nhà ở phố, là việc làm ổn định, là tiền, là 1 vợ 2 con ba lầu bốn bánh, là đi chơi, là giúp đỡ người khác mà thực tế là chưa bao giờ giúp cái gì…). Ai có đam mê tột cùng 1 cái gì đó, thì họ mới dồn sức mà hướng dẫn cho ra thành tựu. Ví dụ: đam mê sản xuất xe đạp, đam mê nuôi kỳ nhông, đam mê trồng và chế biến cà phê, đam mê záo dục, đam mê du lịch, đam mê xây dựng, đam mê kiến trúc, đam mê may thêu đan, đam mê nghệ thuật, đam mê làm thầy giáo, đam mê thành doanh nhân công ty đa ngành và tỷ phú đô la, đam mê thành võ sư, đam mê thành nhà nghiên cứu khoa học,…

Khi một người biết ƯỚC MUỐN TỘT CÙNG CỦA HỌ là gì, thì họ sẽ từ chối các con đường khác, chấp nhận đánh đổi để phụng sự và cống hiến, dấn thân và xả thân cho cái ước muốn tột bậc ấy. Không do dự, không chần chừ, không xét lại, không dùng dằng, không lo lắng, không nghĩ tới rồi nghĩ lui, không nửa tin nửa ngờ, không có chuyện vừa muốn vừa hem muốn,….Người thập thò chả bao giờ đi đến đâu cả, chắc chắn 100%. Mình sinh ra để sống, sinh ra để làm hay sinh ra để thập thập thò thò? Nói phát đứng dậy đi luôn, làm luôn, chết bỏ. Chứ ngồi nghĩ, ngẫm rồi nghĩ, nghĩ rồi ngẫm, hỏi người này người kia, tư vấn gia đình bạn bè, thì 99.99% sẽ THÔI.

Còn nếu bạn đọc những dòng chữ trên mà chưa có bất cứ ước muốn tột bậc nào, thì bạn là người ĐA MỤC TIÊU, thay đổi đam mê và công việc xoành xoạch, sau này mới hối tiếc là QUỸ THỜI GIAN ĐỜI NGƯỜI NGẮN QUÁ.

Người đa mục tiêu, nay thích này mai thích khác, sẽ nghĩ đến 2 chữ “nghỉ việc” khi khó khăn. Giống như hôn nhân tình yêu vậy, ai nghĩ đến 2 chữ “chia tay” khi mâu thuẫn quan điểm thì quan hệ đó tính bằng ngày. Đã nghĩ đến 2 chữ “bỏ cuộc” thì sẽ bỏ cuộc khi hơi mệt mệt. Một khi trong đó có hai chữ đó thì khó mà theo đuổi đến tận tận cùng cùng. Giống mấy đứa khởi nghiệp mà nói, không làm được thì đóng, thì sure sẽ đóng, làm chơi sao No 1 được. Khi làm việc với 1 người, thấy làm sống chết, thì biết là họ xem việc đang làm là “CAREER” (nghề nghiệp), đào tạo kiểu khác. Còn thấy làm cũng tốt, cũng hoàn thành nhiệm vụ, nhưng chỉ tới mức đó thì họ coi công việc họ đang làm là JOB (việc làm), đào tạo kiểu khác.

Mình đừng chỉ thấy làm tốt, lanh lợi, có kiến thức, nhiệt tình mà cân nhắc lên làm quản lý hay hạt giống lãnh đạo. Họ phải có tư chất, tức phải có triết lý sâu, sống đam mê 1 cái gì đó đến vô tận thì mới không bỏ cuộc nửa chừng vì đi du học hoặc đổi ngành. Họ làm rất tốt, có trách nhiệm cao….nhưng trong lòng vẫn hoài nghi, không tin trọn vẹn thì không có theo đến tận cùng. Ai cứ doạ nghỉ, ý định nghỉ…thì không nên giữ. Cần gì hỏi lý do, vì lý do gì cũng không thể khiến ta bỏ cuộc nếu đã có 1 mục đích tối thượng.

Người trẻ, có quyền lựa chọn công việc và nghề nghiệp. Nếu thấy đủ kiên định về nghề nghiệp đó, thì chọn. Còn không nên mạnh dạn say NO. Trạng thái tinh thần (mood) thì lúc lên lúc xuống, sự cố thì luôn xuất hiện, trở ngại thì vô vàn, thị phi thì luôn đầy rẫy nhưng trong đầu mình phải chưa bao giờ nghĩ đến việc “thôi không làm nữa”, hoặc đổi mục tiêu ban đầu. Mission là sứ mạng mình sinh ra trên trái đất, chết đi để lại cái gì….chứ không phải nay mission này, mai mission khác, hay mission là nhà cửa tiền bạc. Cái đó là phương tiện để đạt cái mission. Còn ai mục tiêu tối thượng là tiền, thì họ sẽ bất chấp để có nó. Nhưng sau đó, phải biết, tiền đó là để làm gì? Chỉ có người đủ sâu sắc, có nền tảng triết học, tức phải rất sâu, rất chắc…thì mới trả lời được.

Ngàn năm, bao nhiêu người giàu có rời trái đất, những chẳng để lại bất cứ cái gì. Dinh thự lâu đài rồi cũng tan hoang, đất đai rộng lớn như Thành Cát Tư Hãn rồi cũng có còn đâu, tiền bạc cứ “người mất thì của mất”. Như bao doanh nhân thật sự trên thế giới, họ làm chết bỏ, nhưng mục tiêu là để lại 1 thương hiệu công ty cho người đời sau khai thác, như những sáng lập Nestle, Coca Cola, Toyota, Hyosung, Hyundai, Bosch, Ford, Boeing, Airbus…

Người chủ đời sau có thể không phải con cái gia đình dòng họ, vì có thể người nhà ko đủ tài, hoặc đam mê cái khác. Nhưng người sáng lập ra thương hiệu đó, mãi mãi được nhớ ơn như Mr Lipton ngày xưa đã tạo ra trà Lipton huyền thoại vậy.

Hy vọng có vài bạn trong 1 triệu độc giả ở đây hiểu, để chúng ta sẽ có những tỷ phú tự thân thế hệ 8x, 9x (thế hệ 6x, 7x đã có rồi) tầm cỡ thế giới, vang danh thiên hạ.

https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/doanh-nhan-vo-minh-hoai-nguoi-bien-cat-thanh…-vang.htm?fbclid=IwAR2730ecLFYVE6Ho5cRp894vzvulN-f1b3rlWn_eSSYmjbi9hJAovlN8cLk

Năm 2004, Tony làm việc 6 tháng ở Hongkong, đi theo một ông chủ một tập đoàn đa ngành trị giá khoảng 500 triệu đô Mỹ để học việc, học nghề, học hệ tư tưởng và quan điểm để thực hiện bằng được ước mơ của mình. Mọi người gọi ông là Lão Hồng, 70 tuổi, gia đạo vợ con lẫn kinh doanh đều ngon lành rực rỡ. Tuổi già của lão Hồng khá thong dong, rảnh là đào tạo thế hệ trẻ, chỉ dẫn nên làm cái gì ở đâu để có thành tựu. Thời gian học với ông (thông qua công việc làm trực tiếp, tự quan sát, tự rút ra bài học chứ không ai ngồi dạy-học thụ động như mình nghĩ) là thời gian quý giá trong cuộc đời mình, khi trí não được khai thông. Có một bài học mà Tony nhớ mãi, xin chép lại gửi các bạn trẻ

————————————————————

1. Người xưa đúc kết, nên tránh “con thầy, vợ bạn” nếu có chí nam nhi. Thuở xưa, phải đến nhà thầy đồ trong làng học, những anh học trò vì đem lòng yêu con thầy mà không chú tâm. Chưa kể khi chia tay, thì nghỉ học luôn vì ngại. Sự nghiệp dang dở. Chỉ có 24h/ngày, não phải duy lý, tập trung, ý chí thì mới đạt được mục đích của việc đi học là đi tìm kiến thức, ngộ ra kiến thức, hiểu sự vật, sự đời. Những ông giáo sư yêu sinh viên, thì đều là do cả hai yếu đuối. Khi yêu học trò, ông sẽ đánh mất sự khách quan trong việc truyền dạy. Cô ấy làm bài tốt, cho điểm 10 thì ngại bị dị nghị. Cô ấy làm bài tệ, cho 1 thì cổ khóc, giận, đòi chia tay nghỉ học. Các học trò khác thì luôn không tin tưởng, cỡ nào cũng cho là ông ấy thiên vị, sẽ không nể phục nữa. Còn bạn bè chơi với nhau là nghĩa. Vợ bạn đẹp nhưng là hoa có chủ, chớ có động lòng. Vì nghĩa sẽ hem còn. Sau này, khi doanh nghiệp cơ quan ra đời nhiều, người ta thêm ba cái đại kỵ là

“Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan.

Chớ có dây vào sẽ tan hoang.

Sự nghiệp muôn đời không thành tựu.

Tâm mòn trí kiệt bởi lo toan”

Chỗ làm là chỗ để làm việc. Đầu óc phải rạch ròi, dứt khoát, mạnh mẽ, không nuông theo cảm xúc để hiệu quả công việc đạt tối ưu. Chỗ học là để học, chỗ chơi là để chơi. Đừng đem toán đại số vô karaoke ngồi giải, cũng đừng biến chốn quan trường, thương trường, chiến trường thành tình trường. Có tình cảm yêu đương vô đó, mọi thứ sẽ không còn đúng bản chất nữa. Khách hàng, nhà cung cấp,….quan hệ phải trả đúng vị trí của nó là quan hệ đối tác, partnership. Nhân viên, người cùng làm….là đồng nghiệp, là co-workers. Quản trị các mối quan hệ rất khó, ai có bộ não không nhập nhèm mới có sự nghiệp tốt đẹp.

Bạn làm chủ hay quản lý, khi phát hiện nhân viên dưới quyền yêu nhau, họ sẽ tìm cách mời 1 trong 2 đi. Vì không mời thì khi chúng nó chia tay, 1 trong 2 cũng sẽ nghỉ việc. Love is blind, yêu là mù quáng, lúc đó ai cũng nói sẽ cố gắng tách bạch, yêu để thăng hoa làm việc tốt hơn. Nhưng sau này các bạn nhìn lại, sẽ hiểu. Chưa có ai cặp bồ nhau trong công sở mà làm việc tốt hơn hết. Vì có tình cảm, công việc sẽ có sự ưu tiên, ưu ái, hoặc ngại ngùng khó nói. Hẻm lẽ trong cuộc họp, mình phê bình em nó gay gắt, tối nó giận, không cho hun, bắt hứa mai hem được phê bình em nữa nhoa. Chuyện tối qua cãi nhau, sáng lên cơ quan tiếp tục gầm gừ, nói câu nào nghe cũng ghét. Hoặc đang làm thì yêu quá yêu, hóc môn dâng cao, thì toàn tin nhắn chat qua skype khen quần khen áo, khen tóc đẹp, trưa đi ăn xong đi họp giao ban trong nhà nghỉ, chứ đầu óc đâu mà đấu trí với đối tác khách hàng. Chưa kể khi cặp nhau, các đồng nghiệp khác sẽ e ngại, cô lập, tẩy chay, vì sợ ghen. Hoặc công sở cơ quan luôn có xì xầm, thêu dệt, nói đùa trêu chọc, không còn tự nhiên. Gặp mặt nhau sáng, trưa, chiều, tối…thì sẽ ớn dần. Gặp mặt quá nhiều, va chạm trong công việc, va đập những cái tôi lớn…rồi đa số sẽ chia tay nhau bằng “Đơn xin thôi việc”.

Người khôn khéo nên từ chối các lời tỏ tình của đồng nghiệp vì “tớ với bạn là đồng nghiệp, quan hệ chúng ta là công việc. Những người ở công sở mà tán tỉnh đồng nghiệp thì thế nào trong tương lai cũng sẽ “chứng nào tật nấy, ngựa quen đường cũ”. Vì họ thấy mình dễ thương, giỏi, sinh lòng yêu thương thì dễ gì không có đồng nghiệp mới dễ thương hơn, giỏi hơn mình. Nhiều anh đi làm hay thả thính, cô nào dễ dãi, ngây ngô thì cắn câu, quan niệm đàn ông con trai lỗ lã gì. Ấy xong, chàng đưa vô list thành tích khoe trên bàn nhậu, hôm sau, cả công ty sẽ biết nốt ruồi của cô ấy nằm ở đâu.

Đi làm, là đi đến chỗ đó để làm.

2. Những người chủ lớn, khi khai nghiệp, người vợ hoặc người chồng nếu giỏi, thì có thể giúp sức ban đầu, rất ngắn, 6 tháng 1 năm, xong rút. Công ty mà cả chồng cả vợ làm quản lý, kiểu chồng giám đốc vợ phó giám đốc hay kế toán trưởng, thì chỉ là công ty tầm tầm, không bao giờ lớn mạnh được vì không có nhân viên giỏi. Người giỏi không chấp nhận vô làm ở các công ty gia đình trị. Việc công ty mà “để chị vể hỏi ý ảnh, anh về hỏi ý chị..” thì còn lâu mới chuyên nghiệp. Có bữa công ty không ai ký hợp đồng vì giám đốc và kế toán đều ở nhà làm đám giỗ. Báo cáo cuối năm, ngoài doanh số lợi nhuận, giám đốc còn thông báo tin vui là phó giám đốc có thai, đại hội cổ đông phải hoãn vì chủ tịch hội đồng quản trị đi đẻ.

Có một công ty du lịch lớn của một chú nọ khá giỏi, bà vợ tự dưng một ngày nằng nặc đòi vô làm, ông chồng sợ vợ quá nên cũng đành chịu. Bà vô làm kế toán, mà mắt cứ đảo qua đảo lại, thấy cô nào xinh xinh là tìm cớ chửi, sợ gần gũi chồng. Riết rồi nhân viên bỏ đi hết, còn lại 1 đám người vừa xấu vừa dở, chịu đựng bà ấy để kiếm lương mỗi tháng.

Các bạn xem những doanh nhân tầm thế giới. Vợ Bill Gates chỉ làm từ thiện. Vợ Mark Zuckerberg làm y tế. Vợ chú tỷ phú A nuôi con ở Singapore, chồng toàn tâm toàn ý điều hành tập đoàn ngàn tỷ ở Việt Nam. Vợ chú tỷ phú B chỉ giữ một tỷ lệ nhỏ cổ phần trong tập đoàn, chưa bao giờ xuất hiện ở công ty hay công chúng. Vợ chồng có thể đứng tên trong HĐQT nhưng chớ tham gia điều hành chung nếu muốn công ty đột phá. Nếu vợ giỏi thì tách hẳn một lĩnh vực riêng mà làm. Ví dụ chồng chủ nhà băng, vợ chủ công ty du lịch mía đường hay vàng bạc đá quý. Có thể chồng làm chủ tịch, vợ làm CEO hoặc ngược lại, hoặc chung trong hội đồng quản trị nhưng không được điều hành chung, chỉ là cổ đông góp vốn. Vậy mới làm lớn được. Nghe tới đoạn này của Lão Hồng, Tony ý kiến liền, nói ở VN, có công ty vợ chồng cùng điều hành chung mà làm ăn tốt lắm, “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Ổng nói “giai đoạn tát nước thì được, lúc xây thành lớn thì sẽ đánh nhau”, nhân viên sẽ bị rối giữa “lệnh ông, lệnh bà”. Tao làm từ năm 15 tuổi, năm nay 70, trải qua hàng trăm sự việc, nhìn thấy hàng nghìn trường hợp xung quanh. Mày sẽ thấy họ ra toà ly hôn, phiên toà không phải là dân sự là mà phiên toà kinh tế, ở đó, 2 vợ chồng sẽ tranh nhau quyền điều hành doanh nghiệp. Đơn giản là rừng chỉ nên có 1 con hổ, ra quyết định kinh doanh, kinh nghiệm như tao đây mà luôn luôn ra quyết định sai tới 50%, có những lần làm mất cả trăm triệu đô vô một business mới, nếu vợ tao có mặt ở đây, chắc bà ấy nóng mặt mà không giữ được bình tĩnh mất. Vợ mà, business tốt thì vui vẻ, thấy mất tiền thì lo lắng rồi quan điểm quản trị khác biệt, cách làm khác biệt, không ai chịu nghe ai, rồi sẽ chia tay ầm ĩ. Bản lĩnh, nhận thức cỡ nào cũng vậy à. Nếu làm nhỏ thì OK, làm lớn không được. Ông nói điều này với Tony năm 2004.

3. Khi làm sếp, phải có tâm thế của người làm sếp để nhân viên đối tác nể phục. Thấy công ty nào có mùi chim chuột, thấy sếp cặp thư ký, chân dài chân ngắn ra vô, ông chủ hay con cái toàn xì căng đan với hot girl thì chớ mua cổ phần hay làm ăn với họ. Vấn đề là thời gian quý báu, thương trường khốc liệt, họ có toàn tâm toàn ý cho công việc đâu. Thua lỗ và đóng cửa là điều tất yếu. Đi gặp bàn bạc công việc, mà thấy dắt bồ, dắt vợ, dắt thư ký hay có cái mùi cá nhân gì đó, thì cũng nên cẩn trọng. “Quân cơ bất khả lộ”, việc quân chỉ có người làm trực tiếp mới được phép biết, tuyệt đối không hé răng với người nào. SỐNG ĐỂ DẠ, CHẾT MANG THEO, CHUYỆN CƠ MẬT CHỈ MÌNH BIẾT, AI CÓ TỐ CHẤT VẬY MỚI LÀM NÊN ĐẠI NGHIỆP. Xưa trong chiến tranh giữa Tưởng và Mao, bên Mao kỷ luật, ai làm gì thì biết đó, vợ không biết ngày mai chồng có ra đi hay không, chỉ sáng sớm thấy dậy sớm thay đồ đi thì mới biết sáng đó ra trận. Còn bên Tưởng, kế hoạch họp xong về, mấy ông tướng đem kể cho vợ và tình nhân biết hết. Vợ đi làm đẹp, đi coi bói kể cho người ta nghe là “chồng tui mai đi đánh trận ở vùng Tứ Xuyên, mới nhập về lô vũ khí này”, rồi tình nhân và vợ quánh ghen, lên báo kể hết thâm cung bí sử của mấy ông tướng ra. Bí mật quân cơ lộ ra hết, rồi thua trận. Lão Hồng ví dụ vậy. Giờ trong thương trường cũng là chiến trường, ai làm mới được biết, không được hé răng chuyện làm ăn dù là vợ con bồ bịch của mình.

Người đàng hoàng tử tế, quan hệ nào họ rạch ròi quan hệ đó. Đồng nghiệp cần phải tôn trọng nhau, không được tán tỉnh mà biến thành tình nhân. Tài năng cỡ Bill Clinton mà còn ngã ngựa vì gái công sở, vì nàng thực tập sinh Monica nữa là người thường như các bạn. Đường đường tổng thống, Bill phải lên tivi điều trần về tình dục trong chỗ làm, rồi đứng trước máy nói dối thề thốt này nọ. Bà vợ Hilary cũng vạ lây, sau đi ứng cử, bị chất vấn suốt vụ này. Còn nàng Monica thì tội nghiệp hơn, tài giỏi lắm cô mới được vào làm thực tập sinh Nhà Trắng, xong thân bại danh liệt, phải qua London tìm việc vì ở Mỹ người ta tẩy chay, chế nhạo. Ở châu Á còn ác miệng hơn. Bất cứ ai có sự tự trọng và khôn ngoan cũng sẽ nói không với tình công sở.

4. Người Mỹ họ có câu “dont shit where you eat”, chỗ kiếm ăn không phải chỗ hẹn hò, chỗ ăn đừng có ị. Giới chủ người Hoa thì dạy con, muốn thành công trong sự nghiệp, không nhức đầu mệt mỏi, sống một đời viên mãn hạnh phúc, thì niệm chú 8 chữ: “tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”. Bạn nào hay coi phim Hongkong sẽ nghe họ nói suốt.

Cấm xe máy

Thập niên 60-70, xe Vespa bán ở châu Á khá nhiều. Honda thì có chiếc xe 67 (năm ra đời) cho nam, rồi Honda Dame cho phụ nữ. Người Hàn Quốc lúc đó cũng đi xe máy, ai có tiền mới mua được xe. Nhưng đến giữa thập niên 70, chính quyền các thành phố lớn ở Hàn Quốc như Seoul, Busan kêu gọi người dân hạn chế đi xe máy vì sẽ khiến chúng ta không thể phát triển vĩ đại được như Nhật Bản, người dân vui vẻ chấp nhận bỏ xe, lội bộ vài km để dùng xe buýt. Ban đầu họ triển khai cấm xe ở 1-2 con phố trung tâm, buộc toàn bộ dân cư đang sinh sống hay làm việc trong tuyến đường đó chuyển sang đi bộ và đi xe buýt, dù có khi đứng chờ cả 15-30 phút lúc ban đầu, sau này mới tăng dần chuyến lên. Ban đầu bến cách bến tới 3-4km, sau này bến dày đặc hơn, gần nhau hơn. Người có tiền thì khuyến khích mua xe ô tô Hàn Quốc sản xuất, nhưng phải trả chi phí lăn bánh trên đường, tiền đỗ xe ở các bãi đậu xe trong trung tâm thành phố rất cao (tới khoảng 5 USD/h) để lấy chi phí này bù đắp qua cho phương tiện công cộng. Ai muốn đi nhanh, tiện lợi cá nhân, ít thời gian và lười đi bộ thì phải bỏ nhiều tiền ra. Ai nhiều thời gian hay không có nhiều tiền thì đi phương tiện công cộng, rẻ nhưng chậm. Cũng chính vì vậy mà đường phố Seoul hay Busan bây giờ, chúng ta chỉ thấy xe ô tô và xe buýt trên phố. Xe buýt chạy 1 lane riêng, sát với vỉa hè để có thể đón, trả khách dễ dàng. Các trạm xe buýt đều có mái che để che mưa che nắng, có lối đi cho khách đi bộ trên vỉa hè, cũng có mái che để khách lội bộ từ các toà nhà đến trạm một cách tốt nhất. Một thành phố, CÁI ƯU TIÊN ĐẦU TIÊN LÀ CHO KHÁCH BỘ HÀNH, ĐI TRÊN VỈA HÈ. Singapore, Hàn Quốc là 2 nước làm tốt nhất về các lối đi có mái che cho khách bộ hành.

Sau này họ mới đầu tư tàu điện ngầm, nhưng khi dân cư đã quen với xe buýt. Sống ở thành phố, là phải đi bộ nhiều, phải dùng phương tiện công cộng. Còn xe máy cá nhân chỉ phát triển ở vùng nông thôn, ở các thị trấn nhỏ. Thầy cô cha mẹ khuyên bảo nhau, thôi ráng đi bộ tí đi, để thành phố mình văn minh như các thành phố khác trên thế giới. Hiến 1 ít đất nhà mình để làm đường, thì con đường sẽ to lên, đẹp lên, mình hưởng chứ ai. Bỏ nhà ống dưới phố, đập hết cả khu phố xây thành 1 chung cư diện tích khoảng 20%, còn 80% nền đất cũ là công viên, bãi đậu xe….có phải khiến không khí thành phố bớt ô nhiễm hơn không?

Sau này Trung Quốc cũng học tập và áp dụng cho Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu…và các thành phố này trở nên tiên tiến, văn minh cực kỳ. Không còn nhà ống nhà phố nhà riêng trong nội đô, và cũng không còn xe máy và những con hẻm như ngày xưa. Người giàu phải phân phối thu nhập cho người nghèo thông qua đi ô tô phải nộp tiền vô cùng nhiều để hưởng sự tự do thoải mái trên đường. Còn không có tiền, thì đi bus hết.

Singapore cũng là một thành phố hạn chế xe máy bằng cách ai muốn sở hữu xe và lưu thông trên đường, phải đóng “phí lăn bánh” rất cao, nên người dân đi bộ chục km mỗi ngày là bình thường. Các bạn đi Singapore chơi, hay nói mỏi chân là vì vậy. Xe ô tô giá rẻ, nhưng chi phí để lăn bánh xuống đường rất đắt, phí này dùng để điều tiết cho phương tiện công cộng. Những tuyến đường xe buýt từ chỗ nghèo như ký túc xá sinh viên, khu lao động chân tay ở ngoại ô…đều được miễn phí khi đi vào trung tâm để học tập, làm việc. Tiền trợ cấp này lấy từ việc đánh thuế, phí sử dụng ô tô, xe máy cá nhân.

Myanmar, dù còn rất nghèo và mới mở cửa, nhưng thành phố Rangoon, họ cũng cấm xe máy và nếu ai đến đây 1 lần, sẽ thấy sự văn minh hơn hẳn Manila hay Jakarta, Mumbai,…những thành phố nhếch nhác, lộn xộn, kẹt xe và tắc đường kinh hoàng do mọi phương tiện đều được chạy trên phố, từ xe đạp xe máy xe ba gác xe tải xe taxi, xe buýt, xe ô tô riêng,….tranh nhau từng m đường và bóp còi inh ỏi, khói bụi nồng nặc và tất cả đều chậm. Đi chỉ vài km thôi mà mất cả giờ đồng hồ, dẫn đến hiệu quả lao động không còn tốt nữa.

Một nền kinh tế muốn phát triển, mỗi cá nhân phải quên lợi ích mình đi, sống vì người khác, phụng sự cho xã hội, cho cái chung…và mình sẽ được hưởng lợi từ môi trường xanh sạch đẹp đó. Những nơi có văn hoá chủ nghĩa cá nhân ích kỷ lớn, nền kinh tế ở đó khó mà phát triển cao được. Không ai chịu từ bỏ cái tiện ích con con của mình thì sẽ kéo nhau chậm phát triển cho tất cả. Chủ nghĩa cá nhân cũng khiến ít ai nhận ra là mình nên thay đổi từ gốc rễ là suy nghĩ của mỗi người. Chính mình tư duy cũ kỹ, ích kỷ làm chậm chính mình và người khác, chứ không phải đổ lỗi cho ai. Trong giao thông hay bất cứ vấn đề gì cũng vậy, đời thay đổi khi chúng ta thay đổi tư duy và nghĩ lớn, nghĩ cho tương lai, nghĩ cho nhau nhiều hơn. Còn nếu ai cũng nghĩ cho mình, cho nhà mình, thì đến khi hết đời mình, rồi đời con mình, vẫn chưa hưởng được một nền giao thông văn minh, hiện đại, an toàn.

https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/cam-xe-may-vao-trung-tam-thanh-pho-kinh-nghiem-xuong-mau-o-xu-nguoi-1104385.html

Chuyện chọn vợ chọn chồng

1. Hồi nhỏ, Tony thích nhất là ông Bèn. Vì coi truyện tranh, truyện nào cũng “SAU KHI ĐÁNH THẮNG QUÂN GIẶC, ÔNG BÈN LÊN LÀM VUA”. Trăm truyện như một. Sau này lớn lên chút, mới biết “bèn” là một động từ, hẻm phải tên riêng ông nào. Mấy ông giáo sư VN thì nói là phó từ, gọi vậy cho nó khoa học chứ chính xác, “bèn” là một từ chỉ hành động.

“Bèn” có nghĩa “hành động ngay lập tức sau một việc khác, nhưng hem có dự trù trước”. Quánh giặc là vì yêu nước, nhưng khi thắng rùi, lỡ rùi nên thôi lên làm vua luôn chứ không phải mục đích là quánh giặc để được làm vua. Vua đời đầu, thường là anh hùng liệt lẫm. Theo văn hoá Trung Quốc, khi làm vua, ông Bèn thường lấy hiệu là “Thái Tổ”. Rùi tiếp các đời Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Dực Tông gì đó,… (hay Tôn). Trong Cáo Bình Ngô, Nguyễn Trãi viết:

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần

bao đời gây nền độc lập

cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên,

mỗi bên hùng cứ một phương,

tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,

song hào kiệt đời nào cũng có”.

(Triệu ở đây là Triệu Đà. Quan niệm của người xưa vẫn xem Triệu Đà, vua nước Nam Việt lúc xưa là vua của nước ta, sau đó là nhà Đinh, nhà Lý, nhà Trần. Còn bên kia tương ứng là nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên).

Tây Tàu gì cũng giống nhau, ông “Bèn” lúc lập quốc thì xuất chúng, tới thời vua cuối cùng thì dở ẹc. Tỷ phú tự thân nào cũng giỏi, nhưng con cái làm mất gia sản hết, tới 70% thế hệ sau làm mất hết tiền của của thế hệ trước. Con của đại trí tuệ như Khổng Tử, Lê Quý Đôn, Pasteur, Anh-x-tanh…cũng hem thấy có gì xuất sắc. Dân gian có câu “trứng rồng lại nở ra rồng. Liu diu lại nở ra dòng liu diu”, Tony thắc mắc, Quang Toản là con Quang Trung, mà sao hẻm có chút khí chất gì giống cha. Sau này đi qua Mỹ học, những pho sách thư viện Há Vợt đã làm sáng tỏ biết bao điều. Các người thành đạt ngày xưa phần lớn chọn vợ sai.

2. Công thức mọi người hay nói là “trai tài – gái sắc”. Trai anh hùng, gái thuyền quyên. Mày tài giỏi vậy, phải lấy gái đẹp mới xứng, thành đạt rùi thì phải cưới hoa hậu, chân dài, diễn viên điện ảnh….chứ hem có cưới nữ tiến sĩ khoa học đoạt giải Nobel. Nhưng con cái của các mỹ nhân thì hem có ai đẹp như mẹ, thậm chí rất xấu nếu cha nó xấu. Các nghiên cứu di truyền học mới nhất cho thấy, đứa con thừa hưởng 80% trí tuệ từ mẹ, 20% từ cha. Ngoại hình thì ngược lại, 80% từ cha và 20% từ mẹ. Có vậy thôi là hiểu. Ông Bèn xưa tài giỏi nhưng phần lớn xấu trai, khi làm vua bèn tuyển cung phi mỹ nữ, cứ đẹp là tiến cung nên sinh ra hoàng tử công chúa công nương, nhan sắc giống cha, trí tuệ giống mẹ. Thử coi hình mấy “mặt rồng” ở mấy viện bảo tàng thì biết. Rùi các thế hệ hoàng tử tiếp tục lấy gái đẹp mà bất chấp trí tuệ. Đâu mấy đời, hoàng tử công chúa ngu dần đều, đáng buồn hơn là vẫn xấu giống ông nội ông tổ. Lúc mất triều vào tay triều đại khác, đứa nào đứa nấy ngơ ngác hỏi ủa giờ mình hết được ở hoàng cung rùi hả? Why, why? Rồi bị triều đại sau đưa lên giàn thiêu mà tưởng đi trẩy hội, còn đòi mặc đồ đẹp mang hài, quánh phấn nụ, bới tóc đồ….

Người Nhật và người Do Thái họ biết vụ này từ hồi xa xưa. Các cô gái cực kỳ thông minh, có các công trình khoa học quốc tế, các nghiên cứu khoa học xuất sắc… được khuyến khích đẻ nhiều. Còn đàn ông cao lớn đẹp trai cao trên 1.8, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, cơ thể cân đối khoẻ mạnh, thông minh lanh lợi…là gene quý (vì còn 20% xác suất là trí tuệ giống cha). Trai xấu họ nói thôi đừng sinh nhiều nhen, gái hem có trí tuệ cũng vậy, tiền đồ dân tộc không xán lạn, mày đẻ 1-2 đứa con được rồi, đừng rời trái đất và để lại quá nhiều di sản vừa xấu vừa hem khôn. Thậm chí người Nhật từ thế kỷ 17-18 họ khuyến khích các cô gái giỏi thật giỏi nên lấy chồng Tây, đẻ con rồi bồng về chứ không ở bển, bổ sung nguồn gen cao to, xoá bỏ mặc cảm “Nhật lùn”, vì so với các sắc dân châu Á khác vào thế kỷ 19 trở về trước, người Nhật là lùn nhất.

Công thức đúng phải là “trai sắc – gái tài”. Các cô gái học giỏi, có công trình nghiên cứu công bố quốc tế…nếu hẻm có nhan sắc thì đừng lo. Sẽ có các chàng trai cao to đẹp đẽ và hiểu biết đến với mình, hem Việt thì Tây, trai đẹp sẽ đứng xếp hàng cho lựa. “Nếu bạn muốn có con giỏi thì phải lấy vợ thông minh”, người Do Thái cũng có câu tục ngữ như vậy. Về hấp dẫn sinh học, thì các cô gái xinh đẹp vẫn được nhiều người săn đón hơn. Tuy nhiên, các bạn nữ yên tâm. Là phụ nữ, thời đại mới, chúng ta nên toả sáng về trí tuệ. Các trường cấp 3 nên có trường nữ như các trường Gia Long, Đồng Khánh ngày xưa (gọi là girl school) để đào tạo nhân tài. Những cô gái học giỏi thông minh cũng là nguồn gene rất quý, đối tượng của những người đàn ông hiểu biết theo đuổi. Còn không có ai thì mình cống hiến cuộc đời mình cho khoa học và nhân loại, có sao.

Còn các bạn nam, thời đại này, các bạn sẽ phải cạnh tranh nhau bằng ngoại hình. Nhan sắc là cái cần ưu tiên đầu tư. Nhan sắc ở đây hem phải là vẻ mỹ miều mỹ phẩm mặt hoa da phấn, mà đó là bộ khung cơ thể, sức bền và sự khoẻ mạnh. Phải tập luyện thể lực nhiều, ngủ sớm dậy sớm để cao to, rắn rỏi. Từ nhỏ, bớt giải bài tập luyện thi, bớt “ô mê ga tê cộng phi” trên bàn giấy, trên máy tính, nên dành 1/3 thời gian thức trong ngày để tập luyện ở sân bóng đá, bóng chuyền, hồ bơi, cưỡi ngựa, bắn cung, leo núi, đua thuyền, thám hiểm, võ thuật…Cứ dặt dẹo cái cặp kính cận 10 đi ốp, nói toàn chuyện thiên hạ trên mạng, cả ngày ngồi ôm bàn phím laptop ipad iphone, tay chân teo tóp, cơ bắp nhão nhoét, không biết làm việc nhà, nấu cơm chặt dừa không rành, sửa không nổi chiếc xe đạp trật xích, hay leo cầu thang có chút xíu đã hổn hển, thì coi như thua. Các cô gái đừng có dại mà dây vào đám bèo nhèo bạng nhạng này, rất khổ.

Các trường cấp 3 trên thế giới bây giờ cũng đang mở trường nam sinh (boy school), trong đó việc học thể lực là ưu tiên hàng đầu, sau đó là ứng xử của một nam nhân cao sang thanh lịch. Các đức tính PHẢI CÓ của một người con trai là nhường nhịn, tha thứ, bảo vệ người khác nhất là trẻ con và phụ nữ, phải nghĩ lớn, quảng đại, quân tử, không để ý tiểu tiết tiểu nông, không phán xét người khác và sợ bị người khác phán xét, không quan tâm đời tư cá nhân người ta, sẵn sàng chịu thiệt trong các quan hệ ứng xử, hào sảng và cho đi, tôn trọng kỷ luật, trung thực và chính trực, không thoả hiệp với cái xấu và sợ hãi người xấu (*.). Phụ nữ trở thành đàn ông là chuyện rất khó, nhưng đàn ông biến thành đàn bà thì rất dễ. Chỉ cần một hành động nhỏ xíu như hơn thua hay quánh phụ nữ 1 cái, bắt phụ nữ quỳ xuống này nọ, tính toán so đo thế là biến thành “thằng đàn bà” ngay. Trong tự nhiên, con đực hiếm khi tấn công con cái, dù là giành ăn. Ngay cả trí tuệ chút xíu như loài gà, gà trống nó vẫn nhường gà mái, không đá. Bạn sẽ chẳng thấy bao giờ thấy gà trống đá gà mái dù con mái nó hung dữ cỡ nào. Never.

3. Và dù hình thức dung mạo thế nào, người sở hữu những tính cách trên (*) được gọi là người có mái đầu lớn, ngược lại là người tầm thường nhảm nhí tiểu nhân tiểu nông. Nhật là một nước nhỏ về diện tích và dân số, nhưng là một dân tộc lớn. Vì nó tập hợp những mái đầu lớn. Xã hội càng nhiều trai sắc, gái tài…thì xã hội đó càng phát triển. Sắc ở đây là sự khoẻ mạnh, tài ở đây là thành tựu.

Hôm bữa kể cho mấy đứa gia nhân ở villa công thức này, tụi nó nói “con thà lấy gái đẹp mà dở, còn hơn là gái thông minh mà hem đẹp”. Đẻ con ngu cũng được, nhưng con không thể cặp bồ được với đứa xấu. Rồi Tony nói Ok, mày sẽ phải làm cật lực nuôi con vì nó sẽ dở giống mẹ nó. Một đứa còn nói, con sẽ lấy 1 cô vợ “vừa đẹp mỹ miều, vừa thông minh xuất chúng”, vẫn có feeling cảm giác sinh học tốt khi họp giao ban, mà con cái của con vẫn giỏi, trên đời có cô gái nào vừa đẹp vừa thông minh cho con lấy hem dượng? Tony bèn đáp: Cũng có, nhiều là đằng khác, nhưng không đến lượt mày. Mày ôm cái laptop và facebook online cả ngày, cái tôi to đùng, mở miệng là “tính con”, “con chỉ chấp nhận….”, “con thích nhất là, con ghét nhất là…” thì có 1 XX bất kỳ chịu lấy đã là may. Ngồi đó mà lựa với chọn.

4. Các bạn nữ lưu ý. Tag ai mà đọc bài này thấy không dài mới nên tag, chứ còn đòi tóm tắt, chữ nhiều không đọc thì trí tuệ lèo tèo, chơi chi đám đó. Còn thấy cậu trai nào mà mà không ưa vận động, không dành 1-2h trong ngày để vận động thể lực thì đừng quen, lấy nó về sẽ sớm thành goá bụa, mắc công đi lấy chồng 2.

Một bài báo hay cho những người dậy sớm.

Ad từng là một học sinh lớp thường mặc dù học trường chuyên (trường chuyên có các lớp chuyên, những bạn giỏi nhất về môn đó sẽ học ở đó, gồm chuyên Anh, chuyên Toán, chuyên Văn, chuyên Hoá, chuyên Lý, chuyên Sinh, chuyên Tin, và vài lớp thường giống như các lớp trường phổ thông khác). Mình từng học rất đều, giỏi đều các môn cho đến khi một ngày cuối học kỳ 1 lớp 10, mình nhận ra là việc giỏi đều như vậy, không có gì hay ho cả. Vua không biết mặt, chúa chẳng biết tên. Thế là mình lên kế hoạch tấn công 3 môn Toán, Văn, Anh Văn để vượt qua nhóm lớp chuyên kia, vốn là những bạn từng đoạt học sinh giỏi này nọ. Coi như thử thách đầu đời của mình, mình vốn thích challenge mà.

Mình chơi trước môn toán cho học kỳ 2 năm lớp 10 bằng cách ngồi mày mò đọc hết sách giáo khoa Toán cho cả lớp 11 và lớp 12, nghĩ mãi, cho đến không hiểu mới đi hỏi mấy anh lớp trên. Và lên mạng ngồi đọc các bài toán bằng tiếng Anh, các tạp chí toán học, các trang web diễn đàn về toán. Mình chấp nhận mấy môn khác đều rơi xuống dưới 7.0 hết để đầu tư môn Toán. Thời gian dành cho nó vô cùng nhiều, chỉ sau học trên trường, đi ngủ và đá bóng. Đầu năm lớp 11, mình thi thử vào lớp chuyên Toán và bất ngờ là đạt điểm cao nhất, cao hơn các bạn lớp toán cũ (cứ cuối năm là trường mình bắt thi lại, ai lớp chuyên mà điểm thấp bị đẩy ra lớp thường, vài cá nhân xuất sắc lớp thường sẽ vô lớp chuyên) nhưng mình xin không học vì lý do cá nhân trước sự ngạc nhiên của bao người. Họ càng ngạc nhiên vì mình chỉ tự học chứ không đến nhà thầy học thêm như các bạn khác. Thật ra là lớp 11, mình chuyển hướng sự tập trung khác là làm chủ tiếng Anh, lúc đó cũng khá nhưng không gì nổi trội.

Mình lên kế hoạch học tiếng Anh tới 10h/ngày, bắt đầu lại từ cuốn Anh văn lớp 6. Không sót 1 câu, 1 chữ trong đó, rồi tiếp tục mày mò học không sót bài nào đến cuốn Anh văn lớp 12. Xong thì mới lên youtube nghe các bài giảng của thầy cô nước ngoài trên đó. Rồi mình xin tiền mẹ bỏ 399 ngàn học 1 khoá tiếng Anh online trên mạng, để mấy thầy nước ngoài sửa mình phát âm. Đi đâu mình cũng đeo headphone để nghe. Môn viết là môn khó nhất, mình viết và gửi lên một diễn đàn, có mấy anh chị sửa, rồi mình học lại cách sửa. Một thời gian thì mình hiểu, muốn viết tốt thì đọc nhiều, học thuộc cấu trúc câu, cách người ta diễn đạt. Đúng 1 năm, mình đã chinh phục tiếng Anh đến mức chính bản thân mình cũng ngạc nhiên, vì lần đầu tiên ngồi xem phim Mỹ, không nhìn phụ đề vẫn hiểu. Cuối năm 11, mình đăng ký thi học sinh giỏi môn tiếng Anh và đoạt giải nhì toàn quốc, trong khi các bạn lớp chuyên Anh phần lớn chỉ đậu giải khuyến khích. Mình chưa 1 ngày được học với 2 ông thầy giỏi nhất đang dạy lớp chuyên, tất cả đều do mình tự học. Mấy cô bạn lớp Anh thấy mình vừa học giỏi vừa đẹp trai, cái say mê mình quá, mà mình cũng chảnh chảnh không chịu vì sợ dính vô yêu đương, tốn thời gian cho năm quan trọng cuối cấp, không làm được việc lớn. Để chuyện yêu đương ở ĐH.

Lớp 12 thì mình qua học Văn để mục tiêu là thủ khoa ĐH khối D1 năm đó, và mình cũng kịp đoạt giải nhất văn cấp tỉnh, thi cho vui thôi mà đoạt giải vì không có gì để áp lực cả. Năm đó, mục tiêu thủ khoa ĐH không thành vì bỗng dưng xuất hiện mấy ngọn núi ở mấy tỉnh xa xôi, họ giỏi quá mình giỏi không lại nên chỉ dừng ở tốp 10 người có điểm thi cao nhất.

Và mình đã thành công, mình MUỐN LÀ ĐƯỢC vì khả năng tập trung và tự học của mình. Khả năng tiếng Anh của mình đã giúp mình tìm được 1 suất học bổng toàn phần ở ĐH nước ngoài, tiếng Anh tốt giúp mình học ngôn ngữ khác nhanh chóng. Và trình độ Toán đã giúp mình rất nhiều trong việc học ở bên này vì mình đang học ĐH về kỹ thuật công nghệ. Còn kỹ năng viết văn đã giúp mình thi đậu và trở thành 1 trong 7 admin lừng danh của fanpage TnBS. Và thời học sinh, ngoài giờ học, mình vận động nhiều, ăn nhiều (dù bạn bè trường chuyên mình phần lớn lười vận động nên bạn nào cũng nhỏ xíu, đeo cặp kính cận nặng trịch) nên mình rất cao to dù cha mẹ mình tầm vóc bình thường. Giờ sống bên Tây, mình bắt tay bạn bè quốc tế không có nhón người lên. Tất cả đều là do mình tự nghĩ ra và tự đầu tư cho bản thân mình lúc bé.

Qua câu chuyện vừa bịa như thật, thật như bịa trên (vài tâm hồn đồng điệu trên mạng hay vài bạn học sinh trường cũ sẽ nhớ mình là ai), hy vọng sẽ phần nào giúp các bạn hiểu rõ bài báo rất hay dưới đây. Đây là 6 đặc điểm vừa là tố chất, vừa là rèn luyện (cho người có ý chí đạt MAX) để có thể làm nên nghiệp lớn. Mọi học sinh phổ thông mà học giỏi hay sinh viên ĐH ở Đức (nước mình đang theo học) đều được nói rõ 6 cái này, bạn nào làm được thì bật lên thành vĩ đại. Dân tộc nào càng nhiều công dân có 6 đặc tính này thì đó là 1 dân tộc lớn.

Các ông chủ lớn cũng biết 6 đặc điểm này mà nhận dạng tinh hoa, tuyển dụng để làm hạt giống lãnh đạo về sau. Cho nên bài này, theo mình nghĩ là các bạn nên lưu lại để dành đọc dần, ngẫm nghĩ tới lui và bắt tay vào hành động để bản thân mình có được 6 tố chất đó.

Nếu bạn thấy ai giỏi mà không có thành tựu gì, thì chắc chắn họ đã thiếu 1 vài đặc tính trong đó. Ai có 6 cái này, đều rực rỡ cả. Họ muốn, là đủ năng lực để làm. Họ muốn, là dám làm. Mà đã làm, thì đầu tư thời gian và kiên trì bất chấp mọi thứ. Mình thấy học giỏi nhất là người tự học.

Hàm số f(muốn) = có năng lực + dám + kiên trì.

Biết không đủ năng lực và không dám, thì thôi, muốn làm gì cho tốn thời gian nghĩ ngợi. Giống mấy bạn tào lao, muốn thôi là muốn mà làm chẳng được cái gì ra hồn, vì không có năng lực hoặc không dám hoặc chẳng kiên trì đến cùng cùng tận tận….

Mạnh dạn chơi khô máo.

Admin 7

https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/6-dac-diem-cua-nguoi-lam-nen-su-nghiep-lon-20180703071626537.htm

Những con chim ở Hà Lan

Năm 2006, Tony đi Hà Lan học về nông nghiệp. Từ thứ 2 đến thứ 6, Tony ở trong ký túc xá, cuối tuần Tony xin ra ở homestay với gia đình ông Rob và bà Iris, khoảng trên 70 tuổi, cựu giáo sư ĐH. Khi về hưu, ông bà mua nhà ở một ngôi làng cách Amsterdam 2h lái xe chứ không ở thủ đô. Thôn quê Hà Lan đẹp như tranh, có những mương nước, thảm cỏ xanh tươi, những cây thông cây tùng vươn cao, hoa nở khắp nơi. Người dân ở đây, cứ rảnh rỗi tí xíu là ra cắt xét bớt cỏ, nhặt lá rụng gom lại. Cứ sáng thứ 7 là Tony đi về ở nhà ông bà, đạp xe đi mua bí ngô, bắp cải, táo… mà nông dân đem bán phía trước nhà, rồi về nấu nướng dọn dẹp nhà cửa, phụ ông làm rượu phụ bà làm sữa chua.

Có lần, Tony thấy trong vườn nhiều chim quá, nên định bụng sẽ làm ông bà bất ngờ. Từ 10h sáng đến 4h chiều sáng thứ 7 hôm đó, Tony tìm mọi ngóc ngách, hỏi khắp Amsterdam nhưng cái “bird cage” (cái lồng chim) là một từ không ai hiểu, gần tối mới bắt xe bus về. Bà Iris hỏi sáng giờ đi đâu, Tony mới kể lại sự tình. Nghe xong, ông Rob nhìn Tony như thực thể lạ ngoài hành tinh, còn bà Iris xua tay khí thế. Mày và tao, không ai muốn ở tù, không ai muốn bị giam cầm cả, đúng không. Con chim sinh ra có đôi cánh, nó phải tự do bay lượn. Mày bắt nó nhốt vô có 1 khoảng không gian bé tẹo, có cho nó ăn nó uống cao lương mỹ vị gì, cái lồng có đẹp cách mấy cũng có ý nghĩa gì với nó. Tony cãi, nói đó là thú vui của người phong lưu châu Á, bậc vua chúa ngày xưa còn bắt cả hổ cả voi trên rừng về nuôi trong vườn thượng uyển, bắt gái đẹp về nhốt đầy trong cung, cái gì mình cũng SỞ HỮU hết, thích lắm. Các cụ hưu trí hay tổ chức “thi chim”, mỗi ông 1 cái lồng mang ra, ngày ngày uống trà ngắm nghía, nghe tiếng nó hót. Ông Rob nói sao quan điểm gì ích kỷ vậy, giam hãm 1 vật thể khác để lấy làm vui sao. Tao ở đây cũng thích nghe chim hót, nên 2 vợ chồng tao đi siêu thị, việc đầu tiên là ghé quầy mua hạt kê. Cứ mỗi buổi sáng, dù trời lạnh thế nào, ông bà cũng dậy sớm, quấn khăn đi ra trước nhà, trên mấy cái cây có mấy túi vải. Ông bà sẽ đổ hạt kê vào đó. Cầm ly cà phê ngồi trong nhà nhìn ra, thấy chim nó ăn vui mắt lắm, rồi tiếng líu lo gọi nhau. Khi mặt trời lên, chúng sẽ bay đi, sống cuộc đời tự do chao liệng. Rồi sáng hôm sau, chúng sẽ về. Trẻ em ở phương Tây từ bé đã nhìn thấy cách sống như vậy từ ông bà cha mẹ, nên rất yêu thiên nhiên, chim muông, cây cỏ…và hình thành lòng bác ái và văn minh, đã qua rồi thời kỳ mông muội xâm chiếm thuộc địa và vơ vét của cải, gây chiến tranh khắp nơi vì lòng tham. Người ham sở hữu sẽ dẫn đến lòng tham. Lòng tham thì tỷ lệ nghịch với sự tử tế.

Nhân cách = 1/lòng tham.

Ai tham lam thì dù giỏi giang cỡ nào cũng sẽ đánh mất trí khôn vì chạy theo sở hữu. Hết đất rồi tới nhà, chức vụ danh vọng tiền tài cứ thêm mãi không bao giờ biết đủ. Tham lam tỷ lệ thuận với sự sợ mất. Ai càng tham thì càng sợ mất, càng sợ mất nên càng cố giữ. Càng cố giữ thì lo lắng nhiều.

Lòng tham = sợ mất = cố giữ = lo lắng.

Người thế hệ mới, họ mua 1 cái nhà nhỏ đủ để ở, tiền nếu có thì đầu tư để có thành tựu gì đó GIÚP NGƯỜI. Người có tài thì mở nhà máy xí nghiệp cho người ta cơ hội việc làm, không có tài thì đóng góp vô quỹ từ thiện. Sở hữu nhà đất xe cộ, kể cả vợ chồng con cái, khi vượt quá số lượng 1, khiến con người mãi mãi khổ đau (theo công thức toán học trên, ví dụ 2 vợ là bắt đầu rắc rối, 2 con trở lên là phải chia sẻ yêu thương và tài sản để lại khiến chúng nó sẽ mâu thuẫn nhau trong việc giành thừa kế, nhất là khi đã lập gia đình riêng. Hoàng tử công chúa ngày xưa chết chủ yếu là do anh em giết, chứ không phải giặc, những ông vua càng đông vợ và đông con càng rắc rối nhức đầu, ngoài đời chúng ta cũng vậy, ông nào ham nhiều vợ nhiều bồ nhiều con thì càng khổ tâm lúc già). Tony nghe xong, nhận thức được vấn đề liền (tui thấy 1 cái gì đó hợp lý, lập tức nhận thức thay đổi thậm chí 180 độ so với quan điểm ngày hôm qua), tự thấy thẹn thùng xấu hổ. Nghĩ đến những cái bể nuôi cá nhỏ ở nhà, những lồng chim của các cụ tổ hưu và cả những cung phi mỹ nữ heo hắt một đời trong lầu son gác tía của các hoàng đế Á châu mà bất giác buông tiếng thở dài.

Ông Rob nói do đọc sách nhiều nên tao biết. Ngày xưa phương Đông có 3 văn hóa lớn là Ba Tư, Trung Hoa và Ấn Độ. Nước nào gần địa lý với các nước đó đều bị ảnh hưởng. Nước mày nằm cạnh Trung Hoa thì ảnh hưởng văn hóa của họ, có gì lạ đâu. Có điều, lịch của người Trung Hoa cổ là lịch mặt trăng, tức âm lịch, tính theo chu kỳ mặt trăng quay quanh quả đất, để làm nông nghiệp quy mô nhỏ. Vì mặt trăng có sức hút tạo thủy triều, tạo con nước lớn ròng cày bừa đổ ải. Tụi tao phương Tây theo dương lịch, tức chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời. Tụi tao tính chính xác hơn, 4 năm thì sai 1 ngày, nên phải bù vô vào ngày 29/2. Còn tụi mày, tính theo mặt trăng, thì sai số lớn, bù vô cả tháng, gọi là tháng nhuận. Ánh sáng mặt trời thì rõ còn mặt trăng thì yếu ớt, nhìn mọi thứ ảo ảo mờ mờ. Nhận ra vấn đề này, hơn 150 năm trước, người Nhật quyết định từ bỏ lối nghĩ Á Châu với thuyết Thoát Á Luận (lý luận thoát Á) nên họ mới có mọi thứ của ngày hôm nay, mới là dân tộc da vàng duy nhất trong khối G7. NHIỀU TRÍ THỨC CAO CẤP CỦA NHẬT SỐNG TỐI GIẢN (minimalism), CHUNG CƯ NHỎ THẬT NHỎ, NHÀ 2 NGƯỜI THÌ 2 CÁI BÁT, 2 ĐÔI ĐŨA, 2 CÁI GỐI, VÀI BA BỘ ĐỒ…DÙ HỌ CÓ TRIỆU ĐÔ LA, NHƯNG ĐỀU DI CHÚC LÀ CHẾT SẼ CHUYỂN VÔ QUỸ TỪ THIỆN. Người Nhật ít tham nhũng (tham lam), chỉ có ham làm bởi vì muốn khẳng định giá trị bản thân chứ không phải vì ham tiền.

Ngay cả ở Trung Quốc bây giờ, nhiều trí thức cũng đã thoát văn hóa Trung Hoa cũ. Người cấp tiến ở đó vẫn theo hệ văn minh phương Tây mới, nơi mà hạnh phúc mỗi thực thể được ưu tiên, kể cả cây cỏ chim muông. Văn hoá nghĩ về người trước khi nghĩ về mình, không còn ham sở hữu vật chất tầm thường nữa. Và cộng sinh, win-win, cùng nhau hạnh phúc. Giàu, phải nghĩ lớn để làm giàu, tạo ra công ăn việc làm cho người ta và thành tựu để đời, chứ không phải cho hưởng thụ cá nhân. Tony ơi, sau này mày về nước, mày cố gắng đừng lấy của thiên nhiên, có sinh con thì 1-2 đứa là đủ, đừng phá rừng đừng đào hầm mỏ, đừng ngăn sông làm thủy điện, đừng bắt chim trời về nhốt trong lồng, đừng làm giàu bằng cách mua qua bán lại đất đai nhà cửa, nó cũng giống như đánh bài thôi, tiền từ người này qua người khác chứ không tạo giá trị thật sự cho xã hội. Làm gì giúp người thì làm cho bằng được. Chết là hết, mình hoả táng cho sạch sẽ, tuyệt đối không lấy đất đai để làm chỗ chôn cất. Đất đai là của người sống, mình chết rồi chẳng tạo GDP nữa mà chiếm đất để chôn cái xác hữu cơ đó là tội ác. Mày hãy làm giàu bằng sản xuất ra cái gì đi, làm giàu bằng đầu óc, bằng những cái mới mẻ sáng tạo. Chưa có quốc gia kinh tế phát triển nào dựa trên nền tảng là bất động sản và tài nguyên thiên nhiên cả. Với mỗi cá nhân, phải sống thật văn minh, phải dốc hết trái tim với người khác, với thiên nhiên, với cuộc đời.

Tony ngồi nghe mà thấm. Thời gian lang thang khắp thế giới, trải nghiệm ở nhà người bản địa là cái mình học nhiều nhất, chứ không phải kiến thức hàn lâm. Vì kiến thức thì ở Việt Nam cũng học được, nhưng trải nghiệm về văn hóa, văn minh phương Tây…thì phải tiếp xúc, sống chung với họ mới có. Nhiều bạn du học về nhưng không khá hơn mấy, vì cách học của các bạn sai, cứ tưởng ra nước ngoài chăm chăm học chữ như kiểu cũ ở mình, và thế là có cái bằng loại giỏi, nhưng sau đó không làm việc tốt được, nhận thức không thay đổi mấy, không thể trở thành người trí thức. Trí, là phải thức (Người trí thức là người có nhận thức và hiểu biết sâu sắc về xã hội, tâm thế luôn học hỏi và thay đổi, sẵn sàng buông bỏ những nhận thức cũ kỹ lạc hậu, áp dụng những quan điểm mới vào cuộc sống của mình).

Sáng nay ngồi ở quán cà phê Le Dalat, nhìn bầy chim sẻ đang líu ríu trên mái ngói nhà thờ Con Gà, Tony thấy nhớ Hà Lan quá đỗi. Những kỷ niệm về đất nước này bỗng dưng tràn ngập trong tâm trí, Tony bèn chuyển qua nói tiếng Hà Lan dù trình chỉ bập bẹ vỡ lòng sai be bét. Ik kan de tijd dat ik in de Neitherlands niet vergeten. Ik mis de kleine straatjes, de wegen met esdoorns, de herfst en de winter, de personen die ik hield. Ik mis de heer Rob en mevrouw Iris en de vogelkooi verhaal. Ik mis en ik mis…

P/S: Đọc lại 2-3 lần sẽ cảm được và thay đổi nhận thức rất sâu sắc. Trọn bộ Trò chuyện cùng ông

Chông chênh tuổi 25

“Con là T.A, năm nay 25 tuổi, độ tuổi chông chênh nhất của đời người. Ở lứa tuổi này, người ta mới đủ trưởng thành để biết cuộc đời mình ra sao, nhưng cũng bàng hoàng nhận ra hiện tại có quá nhiều lối rẽ. Rẽ trái, phải hay đi thẳng bây giờ? Ai có được misssion, biết ham muốn tột bậc của mình là gì thì mới kiên định con đường đi, trở nên xuất chúng. Còn lại, cứ nhấp nha nhấp nhổm với đa mục tiêu, rồi thành hạng xoàng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, không xuất chúng được.

Con học chuyên Anh ở một trường cấp 3 nổi tiếng ở Sài Gòn, rồi vào ĐH ngoại thương. Khi ra trường, con đậu vào chương trình quản trị viên tập sự của một công ty đa quốc gia. Họ cho con 2 năm rèn luyện ở mọi phòng ban, nhằm đào tạo cán bộ quản lý. Họ đào tạo vô cùng tốt, nhiều bài học vô cùng hay. Các sếp đến từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh,…với lịch sử cơ chế thị trường hàng trăm năm, nên chiêu trò của họ cũng lắm. Người tiêu dùng một quốc gia nông nghiệp mới đi lên như nước mình, chỉ biết rơi vào vòng xoáy của các chương trình quảng cáo PR hát hò của họ, chỉ biết dốc hầu bao để mua và mua. Lương tháng của công nhân nhà máy ở mình chỉ có 5-6 triệu chứ sẵn sàng bỏ nửa tháng lương mua mấy sản phẩm của công ty con, dù không phải là hàng hoá thiết yếu.

Tình cờ con đọc cuốn Trên đường băng trên một chuyến bay. Có một câu dượng viết mà làm con bàng hoàng, đó là sinh viên ngoại thương tức được đào tạo về xuất nhập khẩu, ra trường không làm xuất khẩu giúp người dân mình bán hàng Made in Vietnam với giá cao, mà cứ lao vô các phòng marketing các công ty nước ngoài để nhận lương tháng mấy trăm đô. Mà đúng thế thật, con học xuất nhập khẩu, cũng bill tàu, cũng thư tín dụng, cũng vận tải này nọ…nhưng quên hết rồi. Nước mình tới 70% là nông dân, nông sản làm ra cứ đổ đống, hoặc lũ lượt chờ ở cửa khẩu Tân Thanh, điệp khúc được mùa mất giá. Suy nghĩ điều này khiến con day dứt mãi. Lớp con, các bạn phần lớn đi làm tài chính ngân hàng kiểm toán, marketing, dạy tiếng Anh, đi làm sale cho các hãng tàu, còn lại đi du học lên thạc sĩ. Tụi con được đào tạo để trở thành cán bộ XNK mà sinh viên tốt nghiệp phần lớn làm trái nghề hết dượng ơi.

Hai năm qua, con thật sự là trải qua một công việc mà bạn bè mơ ước, nhưng con thấy tẻ nhạt. Hàng ngày lên ngồi họp hành với sếp Tây sếp Tàu, các buổi uống rượu trong các khách sạn 5 sao với đối tác với hoá đơn cả chục triệu, các buổi tập huấn ở nước ngoài gọi là team-building chứ thật ra là đi du lịch, xài tiền…. Nhiều lúc con nghĩ đến những cô gái chàng trai trong các công xưởng hầm hập nắng, tăng ca ngày đêm, tháng cầm mấy triệu bạc và vui mừng khôn xiết, sao con thấy chạnh lòng. Rồi con đi các tỉnh chơi, thấy bà con hái thanh long cho bò ăn, cà chua đổ đống, điều tiêu xơ xác tiêu điều, cà phê bao bao chất cao ngất…chỉ vì phụ thuộc vài thương lái bán cho các thành phố lớn và xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc. Một bác nông dân ở Di Linh nói với con sao mấy cô học cao hiểu rộng, tiếng Tây tiếng Tàu rành rẽ vậy mà không giúp tụi tui. Tụi tui là nông dân ít chữ, một nắng hai sương, cắm mặt vô đất làm ra những cái này, nhưng giờ không biết bán cho ai. Tụi tui biết là thế giới ngoài kia rộng lớn, người ta mua nhiều, nhưng không dám đi. Tiếng không biết, thủ tục không rành,…

Sau chuyến đi Di Linh đó, con về suy nghĩ để chọn một lối rẽ khác. Ngày con nhận được thông báo là chương trình tập sự kết thúc, được vô phòng marketing làm với mức lương cao…thì cũng là ngày con thông báo xin nghỉ việc. Mấy sếp ngạc nhiên lắm, vì thấy con đủ năng lực, cống hiến trong 2 năm đó hết mình, đóng góp khá nhiều cho công ty. Các sếp chỉ cho con thấy gương thành đạt của thế hệ các anh chị các khoá trước đang làm cho các tập đoàn đa quốc gia, ai cũng có xe hơi, chung cư cao cấp, ăn mặc sành điệu…Nhưng con không thấy đam mê như vậy nữa. Con muốn xuất khẩu nông sản, đồng thời tạo dựng một cơ sở vững chắc để mình nghỉ hưu khi tuổi bước qua 40. Con nghĩ đã đến bên kia con dốc của khả năng lao động, mình nên đầu tư có một mức thu nhập ổn định, chứ tóc bạc rồi mà phải vật lộn với báo cáo, giờ bấm thẻ, ăn trưa vội vã vào làm, 10h giờ đêm còn ở văn phòng bàn bạc kế hoạch này kế hoạch kia, rồi đi nhậu đi nhảy với các agency (công ty quảng cáo)…sao con thấy mệt quá. Nhường lại cho đàn em nó làm, mình chỉ tham gia quản lý, hoặc đi dạy, hoặc nghỉ hưu, rong chơi chăm lo gia đình. 20 năm quần quật cho công ty nước ngoài, nghỉ hưu ở tuổi 44-45 là được rồi dượng ơi. Bữa nhậu đó con nói hết tâm tư của mình. Sau khi nghe con nói, ông sếp người Ấn Độ trầm ngâm không nói gì, còn ông sếp Mỹ thì nâng ly lên chúc mừng con, ổng nói đó là sự trưởng thành về tư duy của mày rồi đó. Chỉ có chị sếp người Việt, sau khi uống 1 hồi, chị bắt đầu xỉn và khóc khi con đề cập đến sứ mạng (mission) của cuộc đời. Chị nói chị từng có suy nghĩ như vậy, nhưng vòng xoáy cơm áo gạo tiền không cho phép chị dứt bỏ công việc hiện tại để theo giấc mơ. Chị còn 2 đứa con đang học trường quốc tế với mấy trăm triệu đồng/năm, còn cha mẹ già phải chăm sóc, còn mấy cái chung cư trả góp. Chị quen với tháp ngà ở đây, giờ lăn lộn từ đầu theo mission ngày xưa cũng khó….

Con đậu vào một Văn phòng đại diện công ty nông sản của Mỹ ở quận 1, nhưng không làm. Vì làm ở văn phòng trên phố, cái mình biết chỉ là phần ngọn. Con quyết định xuống một tỉnh miền Tây làm cho một công ty xuất khẩu nông sản, bắt đầu từ con số không tròn trĩnh. Ai cũng nói con khùng. Ba mẹ con cũng nghĩ con bị thần kinh nặng. Bạn trai con cũng nói con đi là ảnh bỏ, ảnh không thể rời xa Sài Gòn, ảnh nói đã bỏ quê lên đây học rồi thì có điên mới trở về quê, đi Mỹ thì trốn bên Mỹ có thẻ xanh mới về, mình phải khôn, lo cho mình trước, ai nói gì nói, đầu óc chim sẻ, thóc ở đâu ngon thì tìm tới mà ăn thôi. Ảnh nói “có nhà lầu ở quê cũng không bằng ngồi lê ở phố”, dù ngột ngạt khói bụi chen lấn nhưng mình tranh thủ, chen lấn với người ta, chờ thời. Bạn trai con ảnh ra trường 3 năm rồi, lương cũng có mấy triệu, chả có tương lai gì nhưng kiên quyết không đi tỉnh khác, có đổi công việc cũng xoay vòng ở trung tâm quận 1 để “chờ thời”. Con thì không rõ là thời gì nên quyết tâm đi. Kệ, bỏ hết. Con biết con đường trở thành doanh nhân là con đường cô độc, mấy ai hiểu mình. Con lặng lẽ đón xe xuống dưới đó, thuê nhà gần công ty và bắt đầu một cuộc sống mới.

Hàng ngày, con đọc tài liệu hướng dẫn nông dân trồng xoài, trồng nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, rau củ quả…. theo tiêu chuẩn GlobalGAP và ký hợp đồng bao tiêu. Con tiếp các đối tác nước ngoài sang mua hàng, dắt nó đi ăn uống, hỏi cho ra lẽ quy chuẩn hàng đủ tiêu chuẩn vô siêu thị Âu Mỹ Nhật Trung Đông. Rồi con làm chứng từ xuất nhập khẩu, lên phòng thương mại xin giấy chứng nhận xuất xứ, giấy khử trùng này nọ. Con tham gia coi việc xử lý sơ chế đóng gói, đã nắm được bí mật vì sao nông sản để cả tháng trên tàu đi sang tới nước ngoài vẫn không bị chín rục hay hư hỏng…Con còn theo cả mấy anh tài xế xe container chở hàng lên cảng Sài gòn để xuất khẩu, ai cũng nhìn con ái ngại vì thân gái dặm trường mà bản lĩnh quá, người ta tưởng con phóng viên không đó dượng. Con lao vô làm thủ tục xuất, rành rẽ 6 câu chỉ trong có 3 tháng thui. Làm việc dưới tỉnh, nhiều lúc cũng buồn, cũng nhớ thành phố quay quắt. Sài Gòn là nơi con sinh ra lớn lên, đã quá quen thuộc với hàng cây góc phố quán cà phê và bao nhiêu bè bạn. Nhưng con suy nghĩ lại, mình ấp ủ làm một cái gì đó lớn lao, một tập đoàn xuất khẩu nông sản của riêng mình, mình phải bắt đầu từ dưới bưng biền, từ cánh đồng, từ nhà máy, từ một cô công nhân xếp loại đóng gói. Chứ nào có ai làm chủ nhà máy mà bước ra từ bàn phím và cao ốc máy lạnh bao giờ? Có vài ba cơ hội du học nhưng con cũng không quan tâm vì phải toàn tâm toàn ý cho sứ mạng lớn lao của đời mình. Con bỏ gia đình, bỏ bồ, bỏ các cơ hội khác….để theo đuổi 1 mục tiêu duy nhất thôi đó dượng. Con thấy ai “đa mục tiêu” cái gì cũng muốn thì đều chỉ có thể đạt được “những thành công nho nhỏ” mà thôi. Hồi đi học, học sinh nào mà học tiếng Anh 1 h gấp sách học toán 1h, rồi đàn 1h, bơi 1h, võ 1h,…thì đều nhàn nhạt hết. Còn ai giải toán 12/24h không chán mới thành Ngô Bảo Châu, ai đánh đàn say mê 14/24h mới thành Đặng Thái Sơn, cả ngày trên sân tập mới thành Messi, Ronaldo,….NĂNG LỰC CỦA 1 NGƯỜI LÀ KHẢ NĂNG TỰ HỌC, TỰ ĐAM MÊ. Ai đợi training mới biết, có thầy mới học được là còn dở. Còn ai mà bị gia đình ép, nhắc nhở việc học hay làm thì thua.

Con mới trở về từ hội chợ nông sản châu Âu. Con bận áo dài, đội nón lá, nói tiếng Anh như chim hót và vui vẻ như hình ảnh của Dượng ở London á. Con gặp ai cũng “ú oà, cút hà” cho khách hết hồn rồi nói “welcome to Vietnam”. Một tuần ở bển, con toàn hẹn gặp khách Tây để tiếp thị. Ăn sáng cũng hẹn tiếp khách, sau đó ra gian hàng, ăn trưa cũng hẹn khách, rồi quay lại gian hàng, ăn tối hẹn 2-3 khách luôn. Con về khách sạn lúc 1h đêm, may mà thành phố lớn ở châu Âu 1h sáng cũng như 1h chiều, vẫn nhộn nhịp. Con chốt được 10 hợp đồng, mức cao nhất mà công ty con làm được xưa nay ở một kỳ hội chợ. Tự dưng, con nể mình quá cơ, sao ở đâu ra một đứa con gái vừa giỏi lại vừa xinh đệp (cái này con bị lây từ dượng, dượng cắt đoạn này kẻo con bị ném đá).

Bữa nay con rảnh, đang ngồi quán chờ khách xuống đây ăn trưa, mà khách bị kẹt xe ở cao tốc Trung Lương nên con mới có thời gian viết như vầy á. Miền Tây đóng góp tới 90% nông sản và thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam, mà có mỗi độc đạo quốc lộ 1A chật chội thì kẹt xe kinh khủng. Nước mình cần phải bỏ ngân sách đầu tư cả chục cao tốc ở miền Tây thì sẽ giúp xuất khẩu nông sản gấp chục lần, rồi đóng góp lại cho ngân sách nhanh chóng. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho miền Tây, nước mình sẽ có nhiều đô la hơn.

Và cuối thư, con xin cám ơn hai cuốn sách của dượng. Có dượng, con đã tìm đúng mission của cuộc đời mình. Có dượng, tuổi 25 của con đã không còn chông chênh”.

Tảng đá đầu tiên cản bước đường của người trẻ là gì?

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,

thì đừng có trách trời gần trời xa”.

1. Nếu như Mr Bean là cây hài số 1 bên phương Tây thì Châu Tinh Trì (Stephen Chow) là vua hài của phương Đông. Anh là diễn viên, đạo diễn và chủ hãng phim Thái Tinh, chủ chuỗi fastfood, thương hiệu nước hoa, thời trang và một vài toà nhà ở Hongkong. Forbes HK ước tính tài sản của anh khoảng 300 triệu đô la Mỹ và hiện anh đã bí mật chuyển phần lớn sang quỹ từ thiện, bản thân vẫn ăn cơm bình dân và đeo khẩu trang đi xe đạp. Câu chuyện quỳ xuống khi còn trẻ để xin vai diễn của họ Châu, dù là 1 vai quần chúng, khiến bao người phải ngẫm nghĩ. Anh nói, khi cần tôi sẵn sàng làm mọi thứ để được trao cơ hội lao động, đã chọn làm thì chấp nhận tất cả, đã chơi là đánh đổi và trả giá. Một là lên đỉnh vinh quang cao nhất, hai là an phận hạng xoàng, không có “vẻ đẹp người về nhì, vẻ đẹp Á quân Á hậu”. (Cái quỳ của họ Châu là thái độ sẵn sàng xả thân để có cơ hội thi thố năng lực, khác với cái quỳ để xin ăn, luồn cúi xu nịnh để được danh lợi của người hèn hạ. Khác nhau về bản chất). Quỳ không phải vì người mà là vì ý nghĩa lớn hơn. Quỳ trước tượng tâm linh là vì đức tin, quỳ cầu hôn là sự tôn kính với tình yêu, cái quỳ của họ Châu là sự dấn thân trước lý tưởng của nghề nghiệp đã chọn.

Nếu bạn đã từng đi thực tập sinh hoặc đi làm ở Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel…thì bạn mới biết, để nhận được một đồng tiền công, các ông chủ tư bản đã vắt kiệt sức mình ra sao, các ông chủ nhỏ đã khôn vặt thế nào, các ông chủ lớn đã khôn khéo ra sao,…Đó là chuyện hơn cả bình thường. Ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày, mày không múa thì chúa lạnh lùng giật bát cơm lại, múa chậm bị chửi như tát vô mặt. Xin đừng hụt hẫng. Đó là bài học lớn ghi sâu vô não, để sau này mình làm sếp, mình sẽ áp dụng cái hay của ông này, mình sẽ không hành xử giống ông kia.

Sang Anh sang Mỹ du học, dù là trường top như Harvard, mình sẽ thấy nó chẳng có gì hay ho, cũng chỉ là những kiến thức mình đã biết. Sinh viên không phải lúc nào cũng nằm sõng soài trên bãi cỏ như trong catalogue quảng cáo du học. Quảng cáo mà, chỉ những đứa trẻ ngờ nghệch mới tin là dầu đó gội xong thì tóc suôn mượt như cô người mẫu. Đi học ở nước ngoài, cái người ta cho mình đâu phải là kiến thức mà cứ cắm cúi học và học. Cái cần lĩnh hội là phương pháp TỰ HỌC, văn minh phương Tây, khả năng tự xoay sở, tự thích nghi, cảm giác đắng cay tủi nhục trong những tháng ngày tha hương. Một ngày còn visa sống ở xứ người là một ngày enjoy, chứ không phải đếm ngày đếm tháng rồi hát bài “còn bao lâu, cho thân thôi lưu đày chốn đây” một cách tiêu cực.

Vô một công ty làm, dù là công ty số 1 VN hay số 1 thế giới, mình sẽ thấy không giống như mình tưởng tượng, chán kinh khủng. Mình chỉ nhìn lúc họ party ăn uống, họp hành, sự kiện, bài viết…chứ vô trực tiếp làm mỗi ngày mới biết sự thực. Hoa hậu lộng lẫy qua trang điểm và ánh đèn sân khấu, cứ vô phòng ngủ của cổ sẽ biết nhan sắc thật. Ông A bà B trên báo thấy giàu có lung linh, thì cứ làm việc rồi biết họ đối xử thế nào, tiền bạc là cái dễ thấy nhất. Mà đối xử thế nào thì đều là bình thường, người đủ triết học sẽ nhận ra TỐT HAY XẤU chẳng qua chỉ là nhận định riêng trong 1 giai đoạn ngắn. Hụt hẫng, chán nản, tụt mood miết là cảm giác chỉ có ở những đứa trẻ con. AI CHO MÌNH VỠ MỘNG SỚM CHÍNH LÀ THẦY TỐT. Ngay cả bản thân mình cũng có lúc suy nghĩ và hành động không tốt đẹp mấy, THÌ NGƯỜI TA CŨNG RỨA. Khi nào bạn biết “nhân vô thập toàn”, cứ 1 người có bản chất lương thiện là được chấp nhận, thì khi đó bạn thực sự lớn lên.

Nếu 1 lần được trao cơ hội (nhất là cơ hội nghề nghiệp), nhất định phải làm đến “khô máo”. Có thể mình không thành công, vì năng lực không phù hợp, nhưng cảm giác gắng sức mỗi ngày để leo tới đỉnh núi là trải nghiệm quý báu. Thi đấu thể thao, mục đích là để chinh phục đỉnh núi của sự thách thức, chứ không chỉ là để cho khoẻ.

2. Châu Tinh Trì có nói, để có danh có phận, bạn phải vượt qua cái ngại ngùng cố hữu hay sĩ diện của dân châu Á, mình vô danh, có ai biết đâu mà. Đừng để cái tôi lớn mà hỏng cuộc đời đi. Hạ thấp mình xuống, để người ta cho mình cơ hội. Chảnh chảnh, cứ nghĩ mình ngon, rồi sau mới thấy thất bại toàn tập, chưa giàu đã già, KHÔNG CÓ THỜI GIAN SỬA LỖI. Mình chả là gì trong 7.5 tỷ người trên trái đất này dù từng giỏi nhất trường cấp 3, nhất trường ĐH, giải nhất toàn quốc, từ nhỏ được bao nhiêu người khen giỏi khen đẹp. VN là 1 chấm nhỏ xíu trên bản đồ thế giới, nhất VN có là gì với thế giới đâu. Mình đến hay đi, thế giới không có gì khác biệt. Ngày bạn chết, trái đất vẫn quay, người ta vẫn sống, mọi thứ vẫn như cũ, bồ cũ sẽ có người yêu mới. Bạn rời công ty, người ta sẽ thuê người mới, chứ không có doanh nghiệp nào đóng cửa vì nhân sự nghỉ việc. Chỉ có cái tôi mình to đùng, nghĩ tới nghĩ lui và suy diễn phức tạp khiến bạn mất cơ hội (hiện bạn đang nghĩ là MÌNH SẼ CHO NÓ BIẾT MẶT). Mặt bạn có mấy tỷ người biết mà bạn tự ái (mà bạn đang nghĩ là tự trọng), bạn nổi giận, bạn tụt mood hay tụt cái gì thì kệ bạn. Người ta chỉ vinh danh người có thành tựu. Mình ngồi đó mà “em ngại, em thấy sao sao, em cho rằng, em rút lui vì đó là chỗ em không thích, vai này em không thèm diễn, job này em không thèm làm, chỗ này em không thèm ở, phải X thì em mới Y”…thì sẽ có người khác trám vào ngay, nhân loại đông như kiến cỏ. Cứ lên lầu cao nhìn xuống phố thì sẽ thấy người lúc nhúc trên đường. Mình có là ai, là ai?

Những tuổi trẻ biết cúi đầu, hạ cái tôi càng thấp thì càng trưởng thành nhanh chóng. Tiếp viên Japan Airlines quỳ xuống đưa thuốc nếu hành khách bị say máy bay. Cả đoàn tiếp viên đứng múa dỗ 1 đứa trẻ đang khóc. Khách vừa đại tiện bẩn thỉu trong toilet, những cô gái xinh đẹp đó lao vào ngay để chà rửa, tay cầm giấy lau phân còn dính trên bồn, chả thấy gớm gì. Đó là nghề nghiệp của người phục vụ, phải làm tốt trách nhiệm, phải yêu nghề. Rồi xuống phố, sang trọng giàu có thế nào, hộ chiếu Nhật Bản được miễn visa bao nhiêu nước không biết, nhưng khi làm thì phải dấn thân. Còn tiếp viên nhiều hãng cứ hất mặt lên trời, làm phục vụ mà cứ sợ người khác coi thường, thấy mệt. Đi làm sale bị khách chửi đuổi mà chán nản buồn rầu thì do sĩ diện quá, cái tôi lớn quá. Nhận 1 vị trí mà không làm tròn nhiệm vụ thì mới đáng trách. Quỳ chỉ là 1 động tác biểu hiện I CAN DO EVERYTHING. Quỳ xin cơ hội lao động không hề nhục, chỉ có quỳ để xin ăn mới bị khinh khi.

3. Cứ không phạm pháp hay hại người, là mình OK làm. Cha mẹ mình không là doanh nhân có nhà máy xí nghiệp, bản thân không có trí óc siêu việt để có thể tự tạo ra cơ hội, phải đổi não. Lao ra đường nhặt rác nhặt phân, quỳ xuống để sau này đứng thẳng lên, cúi đầu lúc trẻ để về già ngẩng cao. Những ông chủ tiệm nail lớn nhất ở Mỹ ở Anh, có tài sản hàng triệu đô la, Tết đi du thuyền sang trọng mấy chục ngàn đô, nhưng quay về tiệm, họ sẵn sàng quỳ xuống ngồi giũa móng chân thúi quắc của khách hàng để lấy vài chục đô. CỨ CÓ THÀNH TỰU, CÓ TIỀN THÌ TỰ ĐỘNG ĐỜI PHÂN LOẠI. Chủ hãng kềm lớn từng mài kềm trên phố. Lý Gia Thành từng dọn toilet. Cô chủ một ngân hàng lớn từng đi làm ô sin. Việt Vương Câu Tiễn, Tôn Tẫn nếm phân, Hàn Tín luồn háng, mật đắng cỡ nào cũng nếm, gai đau cỡ nào cũng có thể nằm lên. Nói em sẵn sàng nếm mật nằm gai, mà mùi thức ăn này nồng quá em ăn không vô, chỗ ngủ này nóng quá, chỗ làm kia buồn quá, bà kia nhìn mặt không ưa, ông kia nhìn thấy sợ, em không cảm thấy thoải mái, đến cả mẹ em còn chưa mắng em….thì thôi xin chia buồn. Em chắc chắn sẽ nằm trong đám đông một đời chật vật dưới chân núi. Đỉnh vinh quang chỉ dành cho người có năng lực thích nghi đạt MAX, cái tôi đạt MIN.

Vứt cái tôi qua một bên thì mới hoà hợp được với người khác. Mình nghĩ “gì thì gì chứ mình không bao giờ quỳ, có cho thì mình cũng không thèm,…” thì sẽ có người khác thèm. “Ai quỳ mà được cơ hội thi thố tài năng thì nhục nhã, kệ họ, tôi không quan tâm” thì chỉ là lý do nguỵ biện cho sự bất tài và cái tôi lớn của mình mà thôi, chứ trong lòng vẫn “quan tâm thấy mẹ”, “thèm chết cha” luôn, tại vì sĩ diện quá mà không có. Cái QUỲ của Châu Tinh Trì ở đây chính là THÁI ĐỘ với đời. Người trong lý thuyết đi ra thường sẽ không thể hiểu được cho đến khi bị đời trét phân lên mặt (lý do các doanh nghiệp cực sợ sinh viên mới ra trường, đặc biệt đứa được cha mẹ chu cấp đều đặn tiền hàng tháng đi học ĐH mà không bươn trải làm thêm). Thái độ quyết định sự thành công chứ không phải IQ EQ PQ gì sất ráo. Thái độ luôn quan trọng hơn so với trình độ, đến tuổi nào đó bạn mới hiểu ra thì đã quá già.

NẾU CHỈ CÓ 1 CƠ HỘI MÀ TỚI 2 NGƯỜI CẦN, THÌ HÃY CHO NGƯỜI TRẺ ĐANG QUỲ XUỐNG. Có mỗi động tác quỳ xuống mà không làm được, không dám làm, không chịu làm, thì đừng nói chi chữ PHỤNG SỰ, CỐNG HIẾN, DẤN THÂN, LÝ TƯỞNG SỐNG, SỨ MẠNG CUỘC ĐỜI. Người không có triết lý sống trên đời thì nhàn nhạt, vô vị như nước ốc. Gặp người có cái tôi to đùng thì thôi đừng bàn chuyện kinh bang tế thế (kinh tế) với họ.

Hãy để họ tiếp tục lớn lên.

Cà phê sáng mùng 5

Các bạn đọc bài báo này nhé, đọc đi đọc lại 2 – 3 lần, sẽ hiểu và nghiệm ra nhiều lời giải cho bài toán cuộc sống cá nhân mình.

1. Bạn trẻ đọc để chọn bạn. Nếu một người sinh ra trong một gia đình quá chiều chuộng, thì có mầm mống của sự vô ơn và ích kỷ. Lưu ý chỉ là từ “mầm mống”. Có lên được thành “cây cái tôi to đùng” hay bị triệt tiêu mất là do bản lĩnh, ý chí và sự tiếp nhận những bài học từ xã hội.

2. Ai cũng phải tôn trọng sự tự do của 1 người cá thể khác. Con cái, vợ chồng, bồ bịch, gia tộc,…cũng chỉ là những quan hệ người-người, không ai sở hữu ai. Con cái chưa bao giờ là tài sản của cha mẹ như quan niệm Á Đông xưa nay. Họ là một thế giới riêng, cần được tôn trọng. Tình thân vĩ đại nhất là biết buông tay đúng lúc. Tình yêu chân chính kỳ thực lại là bớt yêu và kiểm soát đời nhau.

3. Đã trên 18 tuổi rồi thì phải tự chủ nhất là tự chủ tài chính và có nhân sinh quan, thế giới quan riêng, khách quan trong mọi thứ, tự chơi tự làm tự chịu tự trả giá, hình thành tố chất tự quyết. Việc nghe lời khuyên từ người khác (kể cả cha mẹ, thầy cô, bạn bè, đàn anh đàn chị, sếp…) là rất nguy hiểm vì nếu người khuyên là 1 người không thông minh, hoặc ít đọc sách, ít đi lại, ít trải nghiệm, ít lăn lê bò trườn và chưa bị xã hội vả vào mặt, chưa có thành tựu gì, hoặc họ có tư duy tiêu cực thì coi như đời mình xong phim. Họ khuyên sai, tư vấn sai thì sao? Mình nghe theo là mất đi cơ hội của cuộc đời mình, chỉ bản thân mình mới biết mình có gì, cần gì, làm thế nào. Nhân loại đông, cơ hội thì ít, nên cơ hội mới là cái khó tìm nhất trần gian. Sẽ chẳng bao giờ có 2 cơ hội giống nhau, chỉ nên dùng mọi kiến thức, trực giác và cả sự may mắn của mình để quyết định khi có ngã ba đường.

Nếu có nghe lời tư vấn hay khuyên, thì chỉ nghe người có thành tựu trong lĩnh vực đó nói. Họ tư duy đúng mới có thành tựu trong lĩnh vực đó, mình muốn giống vậy thì mình nghe theo, làm theo cái quan điểm riêng của họ. Jack Ma nói về làm giàu trên mạng, Lý Quang Diệu nói về quản lý, George Soros nói về đầu tư, cha mẹ mình có cuộc sống hôn nhân viên mãn thì mình mới nghe quan điểm của họ về đề tài hôn nhân, cha mẹ mình không có cơ nghiệp gì thì nghe lời về nghề nghiệp, sẽ giống họ mất. Đi học ĐH quản trị kinh doanh, mà thầy giáo dạy kinh doanh nói nên làm cái này, không nên làm cái kia mới kiếm được tiền, trong khi ổng nghèo kiết xác, chưa có doanh nghiệp và thương hiệu nào nổi tiếng, thì liệu quan điểm của ông ấy có đúng không. Bạn biết.

Không nghe người không có thành tựu, họ tư duy sai mới không có gì cả. Mà nhóm người này, thì dồi dào lời khuyên lắm. Vì rảnh quá rảnh.

https://cafebiz.vn/tinh-yeu-kieu-bao-boc-thuong-tao-ra-nhung-nhung-con-nguoi-vo-on-cach-thuong-yeu-dung-dan-nhat-la-nen-bot-yeu-di-20180108113402883.chn

Thanh xuân tươi đẹp

1. Bên hồ nước, có 2 người đang ngồi câu. Một người liên tục quăng mồi ra xa rồi kéo lại, vô cùng thích thú. Người kia buông cần, ngồi tư lự. Người đầu tiên bắt được cá, anh lại gắn mồi để câu tiếp, rồi hào hứng nói: hôm nay tôi ước sẽ câu được 1 ngàn con cá hồi. Người kia đề nghị:

– Louis à, nếu được 1 ngàn con cá, anh có thể cho tôi 1 nửa?

Louis: – Không.

– Vậy 1/4 nhé?

– Cũng không.

– Vậy 10 con?

– Không, xin lỗi bạn – Louis lắc đầu.

– Vậy con cá ươn nhất? Anh có cả ngàn con, anh hào sảng cho tôi 1 con ươn nhất đi mà? – Anh bạn nài nỉ.

– Này bạn thân ơi. Một con tôi cũng không cho. Tôi không tiếc cá, chỉ tiếc là bạn đã quá lười để có một mơ ước cho riêng mình.

Lời bình: 1000 con cá hồi là ước mơ của Louis, không phải anh bạn kia. Anh kia không giỏi câu cá, không đam mê câu nhưng vì muốn cá nên anh cũng vác cần theo. Câu chuyện này nằm trong sách giáo khoa của nhiều nước, với tựa đề là “đừng vay mượn ước mơ”. Đề thi tự luận các ĐH lớn hay ra câu “Đọc câu chuyện trên và hình dung cuộc sống của bạn vào năm 50 tuổi. Và để có cuộc sống như vậy, ngày mai bạn sẽ phải làm cụ thể những gì?”.

Có nhiều người trẻ tư duy phụ thuộc, đến cả ước mơ của mình cũng không biết, lý tưởng sống không có, đam mê gì không rõ, mission sứ mạng cuộc đời mù tịt. Đầu óc của những người này chưa trưởng thành do chưa va chạm xã hội, chưa tiếp xúc trường đời. Làm việc với nhóm này, mệt mỏi lắm vì ba bữa là nó nghỉ việc, tư duy sai hết trơn hết trọi mà cứ khăng khăng là mình nghĩ đúng.

Nhiều bạn Tết này về quê, xách xe đi lang thang 1 vòng, rồi cà phê tâm sự với bạn bè. A nói: “tao thấy địa thế khu này ngon, hùn vốn làm cái resort với tao không”, B đáp “thì ông mở đi, nhớ cho tôi suất bảo vệ”, C hào hứng “Mày sau này làm đại gia nhớ nhận con tao vô làm”. Nghe na ná chuyện xin 1 con cá. Thật bé mọn làm sao, đứng dậy trả tiền cà phê rồi về chứ nói chi với mấy người đó, kéo tầm mình xuống thấp.

2. Ad chợt nhớ cô bạn học ngày xưa. Cô học giỏi, nhưng không xuất sắc. Cô chỉ thích nghề nuôi trồng thuỷ sản, nhưng cha mẹ muốn con mình trở thành bác sĩ. Từ lớp 10, cô phải học lệch khối B. Năm đầu tiên, thi Y, cô thiếu 1 điểm. Năm sau thiếu nửa điểm. Rồi cô theo đuổi cho bằng được, vì thấy người ta nói “đã muốn thì vũ trụ hợp sức lại giúp”, “đừng bao giờ bỏ cuộc, ông X 62 tuổi còn mở cửa hàng thức ăn nhanh kia mà”. Năm thứ 3, cô vẫn thiếu nửa điểm, năm thứ 4, vẫn không đủ điểm. Chịu hết nổi, cô vô ĐH khác với đầu óc của người bất đắc chí. Tổng cộng 8 năm cô mới cầm cái bằng cử nhân sinh học trên tay. Lúc này, bạn bè cô đã đi làm, đi du học du lịch vòng quanh thế giới, khởi nghiệp, lập gia đình,….

Trong cuốn “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, có 1 ý khá hay là quỹ thời gian đời người chỉ có nhiêu đó, tính toán phân bổ kỹ. 18-22 tuổi, lứa tuổi sung mãn nhất đời người, từ 5h sáng đến 12h đêm chỉ ngồi đạo hàm tích phân, phân biệt 3 lọ hoá chất năm nào cũng bị rơi mất nhãn, phép lai A lớn b nhỏ của mấy con ruồi giấm thì y chang việc Tấm ngồi nhặt thóc và gạo trộn chung. Tấm quá lanh lợi, thấy mất thời gian thì lập tức tổ chức khóc lóc để tìm quyền trợ giúp từ ông Bụt, mặc đồ đẹp đi thả thính, giả bộ rớt giày đồ….Chi phí cơ hội lớn nhất là quỹ thời gian gắn vô việc học & làm cái mà mình không có 1 chút đam mê. Dù là tri âm tri kỷ, dù là cha mẹ anh chị em thương nhau nhất, thì ước mơ mỗi người cũng mỗi khác, không thể “tao cho mày ước mơ này”.

Bạn mình đã tốn 5 năm để có 1 tấm thẻ xanh, 10 năm để có một quốc tịch khác, giờ về hưu ở tuổi 60 mới thấy hối tiếc vì đã lãng phí NĂNG LỰC THANH XUÂN. Anh biết năng lực thời tuổi trẻ đủ để mở một nhà máy hay resort hoành tráng ở quê nhà, vào lứa tuổi làm không biết mệt. Nhưng anh đã dùng thời gian đó ở xứ người làm một việc chẳng có gì thú vị, trí óc lúc tốt nhất đã không được khai thác tối ưu. Nếu anh thích cuộc sống ở bên đó thì cũng tốt, nhưng anh không thích, cũng lại không quyết đoán để về. Anh nghe mọi người khuyên là cần nó để được miễn visa nhiều nước, cho con cái học hành….nhưng khi có được thì đã đến tuổi gió heo may, không đi đâu nổi, chỉ muốn về quê sống. Con cái tiếp cận giáo dục xứ người, đang học nửa chừng ớn là nghỉ ngang, chọn 1 hòn đảo gần châu Phi để làm việc, anh nói nó không nghe. Cái nhà ở bển để cho thuê, rồi bán. Giờ anh về làng cũ ở Quảng Trị làm farmstay cho khách nước ngoài, đi nhặt trứng gà mỗi sáng. Dù chỉ kiếm có vài ngàn đô la mỗi tháng từ du khách nhưng anh thấy rất vui, chỉ tiếc là hem về sớm để mở tập đoàn ngàn tỷ xứng danh đáng mặt anh tài. Khi có tiền nhiều thì con cái đi du học nước nào cũng được, đặt vé máy bay khoang hạng nhất thì đi đâu cũng được làm thủ tục ưu tiên, làm chủ nhà máy ngàn nhân công thì nước nào chẳng cấp visa cho đi, họ chào mời mình qua xài tiền. Có tiền triệu đô thì mua quốc tịch nước nào cũng được, không cần 15 năm lưu lạc đời Kiều. Anh nhận ra là chết thì chôn chỗ nào cũng trên trái đất, cũng có toạ độ, xác hữu cơ cũng thành cát bụi hư vô.

3. Chọn nghề, chọn bạn đời, chọn chỗ làm, chọn nơi sống….phải là ước mơ của mỗi cá nhân. Bi kịch sẽ bắt đầu nếu chúng ta không có bản ngã riêng, sống theo sắp đặt của cá thể khác. Não không đủ trí để nghĩ khác. Cứ nghe ai nói, anh muốn A, anh muốn B, anh thích nông nghiệp, anh thích du lịch, anh thích công nghệ cao, anh thích giáo dục, anh thích ô tô…..thì mình lập tức bị cuốn theo và nói “Em cũng đam mê vại”.

Thời đại 4.0 rồi mà vẫn có trường hợp “cha mẹ đặt đâu con nằm đó” kiểu Thánh Gióng. Nhưng Gióng cũng chỉ nghe lời cha mẹ khi dưới 3 tuổi thoai, Gióng lên 3 là Gióng lập tức vươn vai thoát ly gia đình. Mô tuýp đúng của tuổi trẻ phải là: Tèo bỏ sĩ diện nhảm nhí và lười biếng cố hữu, quyết lấy sức dài vai rộng ra để đi theo chương trình vừa làm vừa học ở nước ngoài. Tèo mở youtube karaoke hát vang bài “Lạy mẹ con đi” (vì không nhớ lời), rồi nói “Mong mẹ giữ gìn sức khoẻ. Phen này con đi, xxyyzz”. Vừa dứt lời, bà mẹ liền nói: “Con lên đường bình an, mau chóng thành tựu. Người ta giàu người ta ăn nho Mỹ, còn mình nghèo, chỉ mong con đưa mẹ sang Mỹ ăn nho. Đi đi con trai, làm đàn ông chớ có luỵ tình với đàn bà, chớ có bịn rịn luyến lưu. Làm tướng thì phải ra trận suốt, lâu lâu tạt về thăm mẹ thăm vợ thăm con rồi tiếp tục chinh phục muôn dặm thương trường”. Truyện xưa nào cũng thấy có câu “bà mẹ liền nói” mấy câu động viên chứ làm gì có đoạn “bà mẹ liền giữ tay lại, hem cho đi”. Các bà vợ cũng lặng lẽ nấu xôi luộc trứng, nhét đầy hành lý cho chồng lên đường, quẹt nước mắt tiễn đưa chứ hem có bà vợ nào giữ rịt chồng lại, đàn ông đàn ang ai lại quanh quẩn lúc thúc “sáng xách xe đi, tối xách về”. Mà bây giờ, con gái cũng làm nữ tướng được. Bay đi bay đi, hỡi những cánh chim đại bàng, chớ làm đời gà trong chuồng chầu chực người cho ăn rồi tức nhau tiếng gáy, tiếng cục tác. Gia đình là bến cảng yên bình ghé về thăm sau những chuyến hải hành năm châu bốn bể. Đi xa vài năm rồi trở về nơi mình đã sinh ra, đã lớn lên, với một tâm thế khác, mở cái gì đó ra làm. Làm ông chủ ở quê nghèo là tạo phúc tạo đức lớn nhất, từ thiện lớn nhất. NGƯỜI MÀ CHO người khác cơ hội việc làm thì thật đáng được xã hội kính trọng, tôn vinh.

Thanh xuân, khi chưa có gia đình cũng nên có 1 lần đón xuân xa xứ, luộc bánh chưng bánh tét giữa tuyết trắng trời. Mùng 1 vẫn đi làm đi học bình thường, tối về gọi video call để tâm sự, hát vang trên facetime: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con”. Tưởng bà mẹ khóc lóc như mấy bà già xưa, ai dè BÀ MẸ LIỀN NÓI: “Oh no no. Mẹ đang trong spa làm mặt. Tiền con gửi về, mẹ sẽ đi du lịch. Tết nhất là dịp cánh phụ nữ nước ta cùng nhau du xuân con ạ. Giờ mẹ nghĩ lại rồi, đời người hữu hạn, ước mơ đi đâu thì đi ngay. Con cũng vậy nhé, trẻ khoẻ thì đi du lịch mạo hiểm đi, leo núi Hymalaya, chinh phục Nam cực đồ. Mẹ thì già yếu, không thể bận áo bà ba đu dây bay qua sông Amazon, cưỡi lạc đà băng qua sa mạc Sahara, nhảy sky diving, bungee chúc đầu tiếp đất, trekking núi cao như các con được. Làm cật lực rồi đi chơi thật xa thật nhiều như tuổi trẻ các nước khác, cho xứng thanh xuân. Trên đường thiên lý, kết bạn với những con đại bàng giữa trời xanh, yêu và lấy tầm cỡ đại bàng mái cho mẹ”.

GIA ĐÌNH, VỚI NHIỀU ÔNG CHA BÀ MẸ, TÌNH THƯƠNG MÙ QUÁNG Á CHÂU LÀ RÀO CẢN ĐẦU TIÊN NGƯỜI TRẺ PHẢI VƯỢT QUA. Họ không cho mình đi xa hay mạo hiểm, vì SỢ BỊ LỪA. Họ sẽ khóc, sẽ bệnh, sẽ ngất, sẽ cấp cứu, sẽ doạ tự tử, tuyệt thực, sẽ từ con, chửi là bất hiếu, nếu biết vậy sẽ bóp mũi chết khi mới đẻ…., sẽ LÀM CĂNG THẲNG LẮM, để ràng buộc theo ý họ. Tuổi trẻ bản lĩnh là sẽ phải giải quyết được vấn đề này. Nếu tề gia không xong, thì đừng mong kinh bang tế thế. Trình và bản mình không đủ để làm cái gì hết. Kiếm tiền đủ mua thức ăn đã là thành công vang dội rồi.

Cà pháo, cà chua, cà rốt và cà phê (bài dài nhưng rất đáng đọc đi đọc lại)

Dịch hạch là căn bệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, có thời điểm làm giảm 2/3 dân số châu Âu và 1/3 dân số Trung Quốc (Cái chết đen, thế kỷ 14). Chính bác sĩ Yersin là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn này và các nhà khoa học về sau khống chế nó hoàn toàn, nên cả thế giới rất biết ơn nhà khoa học Yersin. Điều thú vị là, Yersin dành cả cuộc đời từ lúc trưởng thành cho đến lúc mất đi gắn bó với 2 chữ Việt Nam.

Tốt nghiệp tiến sĩ y khoa với đề tài bệnh Lao, nhưng Yersin và thầy hướng dẫn của mình là giáo sư Roux nổi danh với phát minh ra vắc xin bạch hầu. Thành tựu của ông khiến thiên tài Louis Pasteur chú ý và được nhận vào làm ở viện Pasteur Paris danh giá. Nhưng máu thám hiểm trong người khiến ông nằng nặc xin nghỉ việc để đi làm thuỷ thủ tàu viễn dương “dù chưa có kinh nghiệm đi biển bao giờ”. Ông nói “đời mà không đi, thì còn gì là đời”.

Các lần đi thám hiểm và quay lại Pháp, ông đều được Louis Pasteur “mời ăn tối và nghe báo cáo”, “thấy thú vị trước các thông tin mới mẻ do Yersin kể”. Pasteur yêu cầu ông hãy làm gì thì làm cho trọn vẹn để “vang danh thiên hạ, giúp nhân loại”. Vâng lời thầy, Yersin xách đồ đạc lên tàu vượt ngàn hải lý, mặc cho gió bão khôn lường. Hình ảnh học trò khăn gói xuống thuyền dọc ngang quả đất sau khi học xong là hình ảnh vô cùng đẹp của những người có LÝ TƯỞNG SỐNG.

Sang Việt Nam, ông làm bác sĩ trên tàu giữa Sài Gòn, Manila, Hải Phòng rồi sau đó định cư ở Nha Trang, sau một lần tàu cập bến và ông phải lòng với cảnh sắc nơi đây. Đầu thế kỷ 20, ông tham gia hội đồng sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Y Khoa Đông Dương (nay là Y Hà Nội), xây dựng toàn bộ giáo trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ, quy hoạch các bệnh viện ở các tỉnh thành khắp Việt Nam theo khoảng cách địa lý để “ai bị bệnh cũng có chỗ gần nhất mà đến trị kịp thời”. Nhưng Hà Nội cũng chỉ có thể giữ chân ông được 2 năm. Ông quay trở lại Nha Trang, thực hiện chuỗi những ngày làm khoa học và thám hiểm khắp núi rừng Đông Dương. Ông là người đã tìm ra cao nguyên Lang Biang và quy hoạch Tp Đà Lạt, xây dựng viện Pasteur Đà Lạt và phát triển mạnh hơn cho viện Pasteur Sài Gòn, Hà Nội. Trại ngựa nuôi lấy huyết thanh sản xuất vắc xin của ông nằm ở suối Dầu là trại ngựa thuốc lớn nhất châu Á khi đó. Ông còn cho trồng cây ký ninh để trị bệnh sốt rét. Ông từng mong muốn Diên Khánh là nơi sản xuất thuốc men cho cả Đông Dương.

Ông cũng là người thực nghiệm nhiều giống cây cao su, ca cao, cà phê (thậm chí ông cho thử nghiệm cây điều từ Brazil và tiêu đen từ Ấn Độ ở nông trại của mình nhưng lúc đó chưa thành công), và bây giờ chúng ta đã có hàng tỷ đô la xuất khẩu từ các nông sản này. Ông mang nhiều giống cây ôn đới trồng ở khu vực Đà Lạt vừa khám phá, như cà rốt súp lơ su su lay-ơn cẩm tú cầu xà lách xông cà chua….(hầu như tất cả các loại rau củ mang tiếng Pháp). Ông còn nuôi thử cừu, trồng thử nho ở Phan Rang, nuôi thí nghiệm đà điểu ở Ninh Hoà, gà Tây (turkey) ở Đồng Nai, tuy chưa thành công nhưng sau đó có người triển khai tiếp. Ông cũng là 1 triệu phú nhờ có nhiều farm trồng cao su xuất bán cho hãng lốp xe Michelin và đồng thời là cổ đông lớn của ngân hàng HSBC. Ông cho rằng “tôi phải kiếm tiền kiểu khác chứ không tài nào cầm được tiền của các bệnh nhân”. Toàn bộ tiền lãi của ông đến nay vẫn còn và vẫn bí mật chuyển đều đặn về 1 quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học.

Với tầm nhìn vĩ đại, bác sĩ Yersin không chỉ làm khoa học mà còn giỏi nhiều thứ. Ngoài việc mang sang cho chúng ta bao nhiêu giống cây trồng vật nuôi mới lạ, khám phá và xây dựng Sapa Đà Lạt Bà Nà…thành những nơi du lịch nghỉ dưỡng, ông còn tham gia quy hoạch đô thị khu trung tâm Sài Gòn Hà Nội Nha Trang Đà Nẵng Hải Phòng, ranh giới các tỉnh….mà chúng ta ngày nay hay có cụm từ “ngày xưa người Pháp đã quy hoạch chỗ này là, chỗ kia là..”. Ông đã giúp người Việt chúng ta có được nền tảng kinh tế ban đầu từ một nước thuần nông lạc hậu, những công trình về hạ tầng, giáo dục, y tế. Do chính quyền Pháp khi đó rất tín cẩn ông, vì ông đi nhiều khám phá nhiều. Hầu như mọi ngóc ngách ở Lào, Việt Nam và Campuchia đều có dấu chân ông. Núi cao vực sâu, thú dữ, bệnh tật…không hề làm ông nản bước. Ông luôn yêu cầu Pháp phải xây dựng ít nhất ở mỗi tỉnh một trường trung học lớn và 1 bệnh viện đủ để chữa trị hết cho cư dân tỉnh đó. Ông còn yêu cầu chính phủ Pháp đầu tư tiền để xây đường sắt Bắc Nam từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn, hiện chúng ta vẫn còn đang khai thác. Con đường quốc lộ 1A thời đó là con đường đất nhỏ xíu (gọi là con đường cái quan) bề rộng chỉ có 2-3 mét từ thời chúa Nguyễn đã được ông “bày vẽ” cho kè đá, rải nhựa, mở rộng nâng cấp để xe ô tô có thể chạy được. Ông nói phải ưu tiên làm con đường to nhất, tốt nhất gọi là quốc lộ, chạy ngang qua hết các tỉnh ven biển để người dân tỉnh nào cũng có thể hưởng lợi từ giao thông. Đường sắt leo dốc Phan Rang đi Đà Lạt cũng là ông tư vấn cho toàn quyền Doumer làm. Các trạm khí tượng từ Sapa đến Mẫu Sơn đến Bạch Mã, các ngọn hải đăng ngoài biển mà chúng ta thường nói “do Pháp xây” là do ông chọn vị trí. Những gì ông có thể nghĩ ra, ông đã làm tất cả cho người Việt. Không rõ dải đất hình chữ S này, dân tộc này có gì mà khiến ông yêu thương đến thế.

Ông sống 1 mình, giản dị ở Nha Trang đến cuối đời, 1 cuộc đời đầy ắp những chuyến đi thám hiểm và thành tựu, sự kính trọng và thương yêu. Nha Trang cũng là nơi tiếp cận điện ảnh đầu tiên của nước ta do ông mang về chiếu. Có lần khi trẻ con vào nhà ông xem phim và nghịch phá những chậu hoa quý, gia nhân toan ra mắng nhưng ông bảo “thôi đừng la trẻ nhỏ, mình lớn tiếng chúng sẽ sợ”. 1 lần ông lái xe hơi trên đường, 1 người dân bất cẩn lao vào xe ông và bị tai nạn. Dù lỗi của người đi bộ rành rành nhưng ông chạy xuống giúp họ băng bó, xin họ tha thứ và kiên quyết trả lại xe cho chính phủ, đi xe đạp, vì theo ông “dân chúng xứ này chưa quen luật lệ nên đi lại vô tư, mình đi xe đạp có va chạm thì cũng nhẹ để không gây thương vong cho họ”. Có lần ông lên Tây Nguyên tìm thuốc, người dân tộc đã bắt ông, định hành quyết. Nhưng họ nhìn vào mắt ông, thấy một sự chân thành và thiện lương kỳ lạ, họ lại thả ông ra. Ông sau đó chữa trị bệnh cho cả buôn làng và gửi thuốc men lên cho họ đều đặn. Ngôi nhà của ông là trại tế bần khổng lồ cho người sa cơ lỡ vận, ốm đau, bệnh tật, đói kém….của khắp vùng, mở cửa suốt ngày suốt đêm. Ông không có vợ con vì dâng hiến phụng sự cả đời cho khoa học, nhưng người ta kính yêu ông như cha mẹ ruột.

Trong khi nhiều trí thức Việt Nam đi Pháp để hưởng thụ sự văn minh có sẵn của xứ người, ông như cá bơi ngược dòng. Dù quê hương ông là đất nước Thuỵ Sĩ giàu có và xinh đẹp, dù tốt nghiệp trường Y Paris và là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới, ông vẫn khăn gói xuống tàu đi đến một miền đất nghèo xa lạ. Ông nói “tôi mãi mãi là một công dân Pháp, nhưng tôi yêu Việt Nam và sẽ phụng sự tính mạng và cuộc đời tôi cho họ”.

Giây phút cuối đời, ông nhờ người quản gia dìu ông ra phía cửa sổ, nhìn về phía biển, nhìn những con sóng vỗ ghi dấu 1 cuộc đời dọc ngang, rồi trút hơi thở cuối cùng. Nghe tin ông mất, người dân Nha Trang vội vã bỏ hết công ăn việc làm để lo hậu sự. Tàu bè ngoài biển ngưng mọi hoạt động đánh bắt trong nhiều ngày, cập bến vô xóm Cồn, như cha mẹ mình mất vậy. Những phụ nữ tiểu thương bán cá đã bỏ hết cá mắm tiền bạc danh lợi mỗi ngày, cởi cái nón lá Việt Nam quen thuộc và tự động lấy khăn tang đeo lên đầu. Người dân vừa đi vừa khóc, đám tang dài hàng cây số để đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Di chúc ông ghi giản dị “Tôi muốn được an táng ở Suối Dầu, mộ thật nhỏ và nằm úp xuống, đầu quay về phía biển. Ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) đừng cho ai đem thi hài tôi đi nước khác. Mọi tài sản xin tặng hết cho Viện Pasteur và những người cộng sự lâu năm đã làm việc với tôi”.

Người dân khắp nơi yêu quý ông, nhất là người Hongkong, nơi ông đã giúp hàng triệu người dân ở đây thoát khỏi nỗi kinh hoàng do dịch. Úc từng mời ông sang thành lập viện Pasteur cho họ nhưng ông đã từ chối. Nhiều nước tìm mọi cách mời ông đến làm việc với điều kiện làm việc và bổng lộc hậu hĩnh, nhưng ông vẫn khăng khăng quay về dải đất hình chữ S mà ông trót yêu thương. Năm 1943, trí thức toàn thế giới, đặc biệt giới Y khoa và giới thám hiểm đã bày tỏ sự thương tiếc vô hạn về một tài năng, một nhân cách lớn lao của nhân loại, một trái tim nhân ái đã ngừng đập.

Nếu bạn đã từng 1 lần được tiêm chủng, chích ngừa hay thậm chí ăn cà rốt, uống cà phê, đắp mặt cà chua (trước đó thì người Việt chúng ta chỉ có cà pháo….để ăn với mắm tôm, hem có đắp mặt được, kkk nói vui cho bớt khóc nè) thì hãy biết ơn BS Yersin nhé. Công lao của ông với dân tộc mình, với đất nước mình là không bao giờ kể hết. Các bạn có thể đọc thêm tư liệu về bác sĩ Yersin để thấy những tranh cãi lặt vặt, những suy nghĩ tầm thường đã phí thời gian cuộc đời mình. Sách giáo khoa nên bổ sung nhiều bài học về ông để các thế hệ mãi mãi biết ơn (vì chúng ta chưa tổng hợp tài liệu sau nhiều năm tháng chiến tranh). Lòng biết ơn là thước đo của sự văn minh, ở mỗi cá nhân và cả dân tộc. Các bạn đang đọc những dòng chữ này hãy nhớ là mình sống được đến giờ cũng từ những liều vắc xin của ông…

Và mỗi người, nếu đọc được những dòng chữ trên thì hãy học tập ông ở tinh thần PHỤNG SỰ, CỐNG HIẾN. Không nhỏ hẹp, vun vén cá nhân, cái xe – cái nhà – miếng đất – bằng cấp – chức vụ – công danh, thẻ xanh, tiền tài mang về cho vợ cho con tầm thường nữa. Mạnh dạn vẫy vùng biển rộng trời cao, dấn thân, xả thân vì MỘT LÝ TƯỞNG SỐNG của riêng mình. Bỏ quê hương đi đến chỗ phồn vinh thì dễ, quay về làm cho nó giàu sang văn minh thì mới khó. Mà khó cỡ nào, mình quyết tâm là làm được hết. Cuối đời, mình tự hào vì đã góp phần vô việc MAKE A BETTER VIETNAM.

Phàm làm người, ai càng sớm tìm được lý tưởng sống, thì càng có một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn, không hối tiếc.

Xuân Kỷ Hợi, 2019

Du xuân và ăn Tết

Âm lịch (còn gọi là nông lịch, lịch âm, lịch tính theo chu kỳ quay của mặt trăng quanh quả đất) là phát minh quan trọng của người Trung Quốc cổ đại lưu vực phía nam sông Trường Giang, gắn liền với việc lấy nước tưới tiêu (mặt trăng có sức hút với trái đất, tạo nên thuỷ triều và con nước ròng, nước lớn, lấy nước đổ ải.,…). Ngày đầu năm mới (Nguyên đán-元旦) của lịch âm này rất quan trọng với họ và các nước chịu ảnh hưởng văn hoá của họ như Hàn, Nhật, Việt từ xa xưa. Nhưng sau này do kinh tế phát triển, tự động người ta sẽ điều chỉnh cách nghĩ về năm mới của lịch âm chứ không nên kêu gọi bỏ Tết âm lịch. Người Nhật và người Hàn hiện nay xem lunar new year chỉ là một dịp holiday (1-3 ngày tuỳ nước, có khi Nhật họ không cho nghỉ luôn) giống như người phương Tây có kỳ nghỉ golden week (từ Noel tới tết dương lịch). Một số đông người Trung Quốc cũng bắt đầu xem đây là thời gian đoàn tụ gia đình, thay vì về ùn ùn về quê thì họ đưa gia đình ở quê đi du lịch cho hết các thắng cảnh trong nước trước, rồi sau đó thì ra các nước xung quanh. Con cái nhiều gia đình đã đi du học và đi làm ở nước ngoài, nên Tết thay vì con đi về quê thì họ kéo cả gia đình sang bên kia thăm con luôn (vì thường sẽ không được nghỉ dịp Tết ở các nước phương Tây, có thì chỉ được 1-2 ngày). Ở Trung Quốc, họ đổi từ “Nguyên Đán” (元旦) thành tên gọi cho ngày 1/1 dương lịch, còn 1/1 âm lịch thì đã chuyển qua gọi là Xuân Tiết (春節), tiết-tức lễ, có vùng đọc là tết. Bạn nào nghiên cứu kỹ văn hoá Trung Hoa bằng chính các sách viết bằng chữ Hán sẽ hiểu rõ.

Những lễ nghi, tục lệ như cúng kính, lễ hội trước và sau Tết âm lịch cũng đã được cắt giảm triệt để. Một số vùng phía nam Động Đình Hồ cũng có tục lệ đưa ông Táo chầu trời như ở Việt Nam nhưng đã bỏ thủ tục thả cá, thả chim phóng sinh vì không phù hợp nữa (xưa ở nông thôn, xung quanh là ruộng đồng thì phù hợp, nay đô thị hoá rồi. Vì nhu cầu phóng sinh mà dẫn đến nghề nuôi ươm cá con và nuôi chim nhốt lồng để bán, nhưng chim – cá này sẽ lập tức chết khi ra môi trường tự nhiên, càng thả càng ảnh hưởng môi trường). Có vô số điều thay đổi ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tâm linh là sâu thẳm đức tin trong mỗi trái tim, không phải bày biện ra ngoài. Hiện nay, bên trong gian thờ của chùa, đền, miếu mạo đã cấm thắp hương (đốt nhang), chỉ có thể thắp hương bên ngoài sân, và họ cũng đã bỏ hoàn toàn hủ tục đốt vàng mã. Thậm chí người già ở nước này đã chủ động yêu cầu con cháu, sau này trăm tuổi thì phải làm đám ma nhỏ thật nhỏ, hoả táng cho tiết kiệm đất và văn minh, không cần làm đám giỗ cúng kính gì nữa để có nhiều thời gian lao động học tập và sinh sống, cứ gắn bó cả đời với cái mộ thì sao dọc ngang quả đất làm nên thành tựu cho đời. Người sống mới quan trọng, lúc sống cống hiến hết mình, hưởng thụ văn minh và sống đẹp, chết thì ai cũng như nhau, công bằng hết. Nam nữ cũng bình quyền, không còn chồng chúa vợ tôi, đàn ông ăn nhậu đàn bà nấu nướng dọn dẹp suốt trong các ngày Tết. Tết không còn là dịp để ĂN thoả thuê như ngày xưa đói kém. Xuân, khí trời cảnh sắc tươi đẹp, là để đi du ngoạn, ngao du sơn thuỷ, cho cha mẹ ông bà (còn sống) ăn của ngon vật lạ, chứ bày lên bàn thờ khi họ mất rồi còn ý nghĩa gì. Cha mẹ ông bà một đời quanh quẩn 1 chỗ, Tết là dịp mình nghỉ làm, rồi đưa họ đi ra thế giới rộng lớn bên ngoài có phải là hiếu đạo hơn không. Sum họp đoàn tụ gia đình ở 1 nơi xa, nơi đâu có gia đình cùng nhau thì nơi đó có Tết, không nên câu nệ tiểu tiết tục lệ phải thế này thế kia nữa. Dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng nhà cửa không phải là việc cuối năm mới làm mà là việc mỗi ngày. Những chậu hoa cho đẹp trong nhà cũng là việc quanh năm, vì đời sống tinh thần phải nâng lên, ngày nào cũng vui như Tết. Tết xưa người ta hỏi “TẾT NAY ĂN GÌ” còn bây giờ là “TẾT NAY ĐI ĐÂU”. Tết là người và người có thời gian để gặp gỡ hỏi thăm nhau, đi chơi vui vẻ cùng nhau chứ bày ra nấu nướng, cúng rồi ăn, ăn rồi cúng, rồi ngồi đánh bài cả ngày thì hết mất thời gian du xuân rất uổng.

Ăn và ở (thức ăn và cái nhà) cũng chỉ là 2 nhu cầu cơ bản con người thôi, không nên đặt nặng nó nữa. Các thành phố ở Trung Quốc, người ta cũng vui vẻ ở hết nhà chung cư để dành đất cho sản xuất kinh doanh, trừ khu ngoại vi rất xa. Các bạn đi Trung Quốc rồi sẽ khó mà tìm được biệt thự hay nhà phố ở giữa Thượng Hải, Bắc Kinh, Thẩm Quyến….Số lượng những người cấp tiến ở Trung Quốc bắt đầu đông lên. Khi kinh tế phát triển, đời sống khá giả, người ta sẽ tự động nghĩ khác, làm khác, tìm sự an vui cho người đang sống (dương, dương thế, dương lịch) hơn là các tục lệ vì người đã khuất (người âm, âm trần, âm lịch). Chết là hết. Tất cả. Chỉ những ai có thành tựu cho đời, di sản để lại của họ vẫn có thể giúp đỡ người khác, tấm lòng cao cả lúc sinh thời lay động trái tim tha nhân, thì khi họ mất đi, sẽ được người dương thế nhắc đi nhắc lại, ca ngợi mãi mãi. Một cách tự động. Trời cho “hưởng dương” bao nhiêu năm thì cố gắng giúp người khác, tiền bạc vật chất lẫn cơ hội. Thu vén mãi về mình, gia đình mình thì chết cũng không có ý nghĩa gì, mà con cháu còn mất cơ hội làm ăn vì bao nhiêu “gia lộc” đã bị tiền nhân lấy hết. Lấy ít thôi, chừa cho con cháu lấy nữa.

Bạn ngẫm nghĩ về cuộc đời mình, gia đình mình, người xung quanh và có quyền chọn cách sống khác đám đông, khác lẽ xưa nay, vun vén thời gian để làm cái này cái kia, đi chỗ này chỗ kia, đó là quyền của cá nhân bạn, gia đình bạn. Cả năm lao động vất vả rồi, mấy ngày này lại bày thêm đủ thứ gánh nặng không đâu vì hủ tục của mấy ngàn năm trước thì cũng tiếc. Thời đại phân tử nano, internet, 4.0, bay ra không gian rồi, đặt chân lên mặt trăng rồi mà não vẫn giữ nếp cũ sao được, cái nào hay ho, văn minh và nhẹ gánh nặng cho con người mới giữ. There’s no Ms Hằng (and Mr Cuội) on the moon. Lịch sử luôn quay theo hướng phải bỏ tập tục cũ (không phù hợp) để có mới, cái mới sẽ lạ lẫm hoặc chưa chuẩn, nhưng rồi sẽ điều chỉnh cho chuẩn. Mục tiêu tối thượng của con người, dù dân tộc nào, tôn giáo gì cũng giống nhau, đó là MƯU CẦU HẠNH PHÚC.

https://vnexpress.net/7-trieu-nguoi-trung-quoc-ra-nuoc-ngoai-tron-tet-nguyen-dan-3877299.html

Đời người, rốt cục cái gì làm bạn sướng nhất?

Xưa trong CLB tình nguyện, để đáp lại tấm lòng tốt của các bạn trẻ nên D Tony có hứa giúp các bạn phần nào đạt được mơ ước của mình. Có bạn nói cần tiền, thì ổng đã chỉ chỗ kiếm tiền, chỉ cho cách kiếm tiền, gửi chỗ này chỗ kia làm, thậm chí cho cả vay mượn vốn để làm ăn. Sau khi bạn kiếm tiền xong thì ông cắt đứt dây chuông như Lan trong tuồng Lan và Điệp, gặp nhau cũng quăng cục lơ như chưa hề quen biết. Hỏi thì ổng nói, mục tiêu của nó vậy là xong rồi, gặp chi nữa. Mục tiêu của 1 người là làm ra tiền, thì khi có tiền, sẽ chuyển qua mua sắm ăn chơi. Nay chiếc xe 500 triệu, rồi lên chiếc xe 2 tỷ rồi siêu xe 10 tỷ, 20 tỷ. Nay chung cư 2 phòng, rồi đổi thành penhouse rồi xuống biệt thự, rồi thành biệt phủ, dinh thự. Du lịch cũng lựa mấy nơi phát triển đặng shopping, tiếp tục tha về đồ đạc mà họ cho là vật chất của xứ văn minh. Các bạn có thể theo dõi những đại gia xung quanh ta, lao nhao khoe nhau mấy cái này và HẾT.

Nhưng cũng có vài ba bạn, mục tiêu không chỉ là kiếm tiền. Họ cần tiền để làm phương tiện để đạt được 1 cái lớn lao hơn, là phụng sự xã hội, là cống hiến cho đời. Cái họ cần là lẽ sống, lý tưởng sống thì ổng vẫn còn giữ liên lạc và hướng dẫn. Có bạn kiếm được 10 tỷ, liền đầu tư cho một xưởng sản xuất con con ở quê nghèo, bày việc ra cho anh chị em, cho bà con dòng họ lối xóm chung tay vô làm để có thu nhập tốt. Có bạn kiếm được 20 tỷ, đã đầu tư 1 cái resort giữa ruộng đồng, giúp cả làng có thu nhập đô la mỗi ngày từ du khách. Đó là những người ổng nể phục thật sự.

Trong tháp nhu cầu Maslow (các bạn search là gì), nhu cầu phía dưới là sinh lý, có chỗ ăn, có chỗ ngủ (nhà cửa), an toàn (phương tiện giao thông xe hơi này nọ), nhu cầu học hành đào tạo huấn luyện cách kiếm mồi kiếm ăn…nhu cầu này không khác các loài động vật khác. Rồi tiếp đến là nhu cầu yêu thương và được yêu thương (nhu cầu này rất người), cao nhất của tháp nhu cầu con người chính là nhu cầu được cống hiến, được phụng sự cho xã hội, được giúp đỡ người khác, tự khẳng định mình có chỗ đứng trong trời đất. Ai biết được tháp nhu cầu này mà sống thuận theo nó, thì sẽ được xem là người có học, hiểu biết, sống sẽ bình an, sướng tâm. Còn nếu không, khi làm có tiền rồi, một là điên cuồng sống trong vật chất, tham mãi tham mãi, lấy vào và lấy vào, cuối cùng hậu quả rất đáng tiếc, hoặc cuộc đời chỉ có thế. Hai là thấy cứ thiếu thiếu 1 cái gì đó, sao có tiền có của rồi mà vẫn thấy không thoả mãn. Ăn 10 con tôm hùm, lái siêu xe về nhà, bù khú với đám bạn giàu có, rồi lang thang shopping ở New York London, thẻ xanh quốc tịch nước này nước kia, sướng vài bữa, rồi lại thấy buồn, thấy chán. Vì sâu thẳm trong lòng mình, một nhu cầu khác của bạn chưa được thoả nguyện.

Hãy cứ giúp người, hãy cứ cho đi….không chỉ vì người, mà còn vì mình. Đã đến lúc nhu cầu của mình là cống hiến xã hội. Không phải là từ thiện kiểu bé nhỏ xưa nay như cho người ta cơm có thịt cá hay gửi quần áo cũ, cho mãi có được đâu, cho cơm cho thịt thì họ ăn xong ngày mai lại đói, cho quần áo xong thì ngày mốt lại rách. Hãy cho họ những cơ hội việc làm, cơ hội mưu sinh để họ có thể tự mua thịt cá, tự mua quần áo, tự đi lại để mở mang đầu óc. Cho những người trẻ cơ hội phát triển bản thân, du học, thực tập, làm việc trong các đơn vị sản xuất kinh doanh…để chúng trưởng thành tư duy và học cách làm ăn, quản lý, quán xuyến, sáng tạo, kỷ luật,…và trả giá cho sự non nớt của chúng bằng tiền, thời gian, uy tín. Nhưng có sao, mình phải chịu mất cái này thì người ta mới được cái khác. Cho cơ hội là cái cho lớn nhất của một mạnh thường quân.

Còn các bạn đã làm ra tiền trong năm nay rồi, nên nghĩ lại tầng cao nhất của tháp nhu cầu Maslow. Có tiền, hãy đầu tư những cơ sở làm ăn ở những quê nghèo, những vùng sâu vùng xa, đó là cách từ thiện tốt nhất, cách phụng sự và dâng hiến tâm-tài-trí cho đời. Những tập đoàn, những doanh nhân trên thế giới, họ đều có những nhà máy xí nghiệp cơ ngơi ở vùng xa xôi hẻo lánh, kinh doanh hoà vốn hoặc bù lỗ. Họ không xem hiệu quả kinh doanh ở đó là hàng đầu, thậm chí họ lấy tiền từ việc kinh doanh có lãi của từ biz khác chuyển qua. Coi như là cho tiền người ta, một cách gián tiếp thông qua lao động.

Ai hiểu thì sẽ hiểu. Nếu “lấy vào” làm cho bạn vui sướng thì cũng không sao, bạn ở tầm mức đó. Còn ai thấy “lấy vào” vui chẳng được mấy, “cho đi” mới vui thật sự, thì hãy lẩy 1 câu Kiều.

“Vui là vui gượng kẻo là.

Ai tri âm đó mặn mà với ai”

Ai tri âm, mấy người tri âm trên cõi đời này hỡi cụ Tố Như?

Ngược chiều đám đông

Anh bán kem trong cuốn Nhà Giả Kim, lúc cuối đời sắp chết mới nhớ là “thời thanh niên mình cũng từng muốn đi đây đi đó, làm cái này cái kia” nhưng ước mơ không thành. Mỗi ngày, anh lấy 1 cây kem giá vốn 5,000 đồng, anh bán 10,000 đồng, lãi gấp đôi nên anh không bỏ được. Ngày may mắn nhất anh lãi 500 ngàn, max 1 tháng anh được 15 triệu và anh nghĩ đó là một số tiền khổng lồ. Rồi lời trăn trối cuối cùng là “hôm nay kem bán có hết không, coi chừng chảy nước”, nhắm mắt xuôi tay với thùng kem bên cạnh, mọi ước mơ tuổi thanh xuân, mọi đam mê và khát vọng đã bị mấy đồng lãi từ thùng kem đè bẹp.

Trải nghiệm trong đời ư? Nếu hỏi về nỗi lo lắng mất ăn mất ngủ nhất của anh là gì, anh sẽ chia sẻ đó là những lần bán ế cả thùng kem trị giá 1 triệu đồng, tức 50 USD. Cả mấy chục năm cuộc đời, trải nghiệm chỉ quanh quẩn thùng kem.

Nhiều bạn trẻ muốn có được đầu óc phóng khoáng và tư duy làm ăn lớn để sở hữu những tập đoàn này nọ, đọc hết gương của chú Vượng, chú Thanh Mỹ, chú Đoàn Nguyên Đức đến cô Thảo cô Lệ Khanh đến Bill Gates, Mark Zuckerberg lẫn Jack Ma….ngồi gật gù, nhưng vừa gấp trang sách lại, vẫn là những “trí khôn của ta đây” mà cha mẹ, thầy cô, bạn bè, xóm giềng…đã trang bị cho bạn từ xưa đến giờ. Óc lặt vặt, nghĩ nhỏ, nghĩ khôn, nghĩ lợi trước mắt, nghĩ ngắn hạn…không sao dứt được, thoát ra được. Cha mẹ nghèo, thầy cô nghèo, đất chật người đông…TẤT CẢ NHỮNG GÌ họ có thể nghĩ ra được chỉ là như thế, cũng khó trách. Nhưng thế hệ mình đã khác. Học đạo hàm tích phân chứ không hiểu bản chất, tư duy vẫn là toán lớp 1. Lương bên này 5 triệu có chỗ trả 5 triệu rưỡi lập tức nói dối bị bệnh nghỉ ngay để sang đầu quân, dù không thích cái ngành nghề đó. Vay mượn vài ba chục triệu của bạn bè người thân rồi biến mất. Đi mua món hàng, cô bán hàng thối thừa 50 ngàn nhưng ỉm luôn, vội vàng chạy xe đi về trong lòng vui sướng. Lái xe đổ bia xuống đường là nhặt đem về mời mọi người uống, cười vui vẻ như là tài sản của mình. Chiều 30 đứng chực chờ để ép giá tiểu thương bán hoa Tết, hoặc họ vứt thì tranh nhau nhặt mang về chưng cho đẹp. Ăn thịt cẩu thịt mèo mà ai góp ý là chống nạnh đứng chửi “tôi ăn làm gì tôi”, miệng vẫn ngậm tăm, mắt vẫn long lên sòng sọc vì giận dữ vì 1 miếng ăn. Cái gì miễn phí thì lao đến ầm ầm, đánh nhau sứt đầu mẻ trán để lấy. Người ta dùng giá cả để chọn lọc khách hàng, không muốn bỏ tiền ra mua nên chửi bới thậm tệ. Nhưng luôn miệng là “tao có tiền, nhưng mà không thèm, thấy không đáng, nên, nên….”.

Nhiều bạn còn trẻ nhưng lại bảo thủ, không dám thử cái mới dù chỉ là 1 món ăn khác với mẹ nấu hàng ngày. Không dám đi đâu xa. Chỉ có khả năng duy nhất là đón xe lên thành phố lớn, chầu chực nộp hồ sơ chờ người khác ban phát cho việc làm và lấy làm sung sướng, nói “làm chỗ ngon”. Hoặc ra trường đi làm chỗ này chỗ kia rồi copy y chang mô hình của người ta ra mở riêng cạnh tranh với chủ cũ, dù không hề yêu thích hay đam mê cái nghề đó, trái mới ước mơ dữ dội lúc trẻ của bạn.

Như anh bán kem ở trên, anh vẫn tù mù trong vòng xoáy của tư duy nhỏ hẹp. Anh không hề biết có những người y chang anh về cấu trúc sinh học cơ thể, nhưng họ làm chỉ vài phút, thu nhập bằng anh bán kem cả năm trời. Đơn giản là người ta dám đi vượt sa mạc đế đến Kim Tự Tháp tìm kiếm kho báu, còn anh thì ở mãi trong cái comfort zone, safe zone (vùng an toàn sung sướng) của mình. Rồi người ta trải nghiệm, học thêm cái mới, nạp vào cái mới trên đường đi….cái mà anh chẳng thể có được nếu chỉ đọc và nghe người ta nói lại. Như cái máy tinh để bàn, phần cứng màn hình CPU trông bên ngoài y chang như nhau, nhưng dung lượng bộ nhớ và phần mềm khác nhau nên tốc độ xử lý khác nhau, ra kết quả khác nhau. 2-3 năm trước, nhiều bạn kêu đi thực tập Israel, New Zealand là nói không, sợ chết, sợ cực, sợ lao động chân tay không xứng với mình, mình nếu đi thì phải du học trường top….Rồi 2-3 năm nay vẫn vậy, cũng đi làm văn phòng máy lạnh và nói nhiêu đó chuyện, gặp nhiêu người đó mỗi ngày. Trong khi bạn bè mình, đã có trải nghiệm với đầu óc khôn ngoan và thực dụng Do Thái, trải đắng nuốt cay với đời nên trưởng thành nhanh chóng, về nước và đã có nhiều thành tựu.

Nhiều bạn ước mơ thì lớn nhưng không nghĩ lớn, không chịu action, không sẵn sàng format lại toàn bộ để cài phần mềm mới. Không chịu nâng cấp thanh ram lên chạy nhanh hơn, nâng cấp ổ chứa nhiều dữ liệu hơn. Cái gì cũng Vũ Như Cẩn, Nguyễn Y Vân (vẫn như cũ, vẫn y nguyên). Ngôn ngữ phây bây giờ, người ta nói là Cẩn Vũ, Vân Nguyễn.

Có bạn bảo tôi bán kem cả đời có sao, miễn là thú vị, hạnh phúc. Ừ thì cũng có sao, nếu bạn không có ước mơ gì cao xa như đã nói ở đầu bài. Mơ ước làm chủ hoặc lãnh đạo cấp cao của những tập đoàn công ty nhà máy resort này nọ….nhưng không chịu đi đâu ra khỏi nội thành mỗi ngày, không chịu từ bỏ quán trà sữa và phở bò quen thuộc, không chịu từ bỏ tiền lãi bán kem hàng ngày, thì mọi ước mơ chỉ mãi là mơ ước.

Bắt đầu bằng tập tư duy đột phá, lạ lùng, không nghe người nghèo nói chuyện tương lai nghề nghiệp nữa dù đó là cha mẹ mình, thầy cô hay ai đó. Họ tư duy sai mới không có thành tựu để đời. Hãy nhớ điều đó mà nhận ra là mình nên nghe ai, không nghe ai.

Action những cái nho nhỏ trước. Đổi hướng ngủ, vứt bỏ quần áo cũ. Cái gì cũ quá vứt hết. Dốc hết tiền làm bộ răng sứ mới vì bộ răng cũ nhìn xấu. Thay đổi kiểu tóc thậm chí cạo trọc đầu. Đi hiến máu nhân đạo, bỏ máu cũ, máu ngu, máu lười, máu vô kỷ luật đi. Tái tạo 1 con người mới mẻ, mình tự sinh mình ra, lột xác hình ảnh bên ngoài lẫn tư duy bên trong. Cuối tuần thấy buồn buồn ra đón máy bay đi Lào hay Myanmar mà không cần theo lịch trình, vừa đi vừa mò, trả giá cho những lần ngu để khôn dần lên. Đi tận vùng sâu vùng xa, hẻo lánh và tính toán đầu tư cho tương lai. Tắt máy đi tu, lên Măng Đen học tiếng Anh 3 tháng cho lưu loát, tìm việc lương ngàn đô rồi làm hộ chiếu đi tung tẩy khắp nơi. Tết tranh giành tàu xe về quê, mình ngược đường đi nước ngoài như Lào, Cam, Thái chơi tết, có tiền thì đưa gia đình đi chơi. Đại loại vậy, phải đủ trí óc mà nhận biết hoàn cảnh của mình mà điều chỉnh cho nó khác lạ.

Tư duy luôn tâm niệm 1 điều: tài tử phong lưu, ngược chiều đám đông, dọc ngang quả đất…

Du xuân phương Bắc

Từ nhỏ, tính Tony nói là làm, luôn bất ngờ trong mỗi hành động và quyết định. Cách đây mấy năm, Tony tự dưng ngồi nghĩ, 20 chục năm nay ăn Tết ở nhà miết, năm nay ăn chỗ khác đi. Rồi âm thầm mua vé máy bay, đêm giao thừa chúc tết mọi người xong, đáp máy bay ra Hà Nội, thuê khách sạn ở và ăn Tết. Xong đột phá tư duy, muốn đi Quế Lâm (Trung Quốc) rồi bay về vì visa Trung Quốc multi nên vẫn còn, bỏ luôn vé máy bay chặng về. Hồi đó cũng còn nghèo, nhưng thích là chơi, không có đắn đo gì, tài tử phong lưu ai lại đi tiếc cái vé máy bay. Cứ ra quyết định là trả giá, lúc mất tiền, lúc mất thời gian, lúc mất sức khoẻ, lúc mất mối quan hệ, thậm chí mất trinh (he he)….Tony luôn cười ha hả, muốn được cái này thì phải mất cái khác chứ sao, chỉ có mấy đứa tào lao mới muốn cái này mà không chịu đánh đổi trả giá cái khác. Với mình, chỉ có mất mạng là không chơi, còn lại chơi khô máo.

Nói gì, quyết gì là làm liền chứ chần chừ do dự nó thành bệnh nan y, sau này khó làm nên nghiệp lớn. Tony ra Nguyễn Trường Tộ bắt xe qua bên kia biên giới. Ngồi xe đò lên Hữu Nghị Quan, nhà xe và hành khách nói ủa sao có cái anh này dân miền trong mà nói tiếng Trung giỏi quá, thấy nghe điện thoại nói như gió, vì vốn Hán ngữ của mình lúc đó khá là lỉu li (lỉu li là lưu loát). Mọi người say mê, bu lại hỏi thăm trò chuyện. Cái mình nói say mê cái gì, chút nữa tui bán hết mấy người qua biên giới bây giờ. Nữ thì làm vợ cho cả mấy anh em nhà người ta, còn nam thì làm phu lò gạch, 3 năm không thấy ánh mặt trời. Mọi người nghe thế sợ hãi, rơm rớm nước mắt. Tony nói ừ, tôi là người nhân hậu, yên tâm, đi biên giới phải cẩn thận chứ, mấy thằng chủ động làm quen rồi rủ đi biên giới, 10 thằng thì 9 thằng là dân buôn người.

Tony làm thủ tục qua cửa khẩu Hữu Nghị quan thì bắt xe đi Nam Ninh. Đường cao tốc từ Bằng Tường đi Nam Ninh khá tốt so với VN, nhưng so với các tỉnh khác ở Trung Quốc thì lua hâu lắm (lua hâu là lạc hậu). Xong chuyển xe đi Quế Lâm. Quế Lâm có nghĩa là Rừng quế. Lúc còn đi hạc, đọc qua sách báo mà biết, đối với dân Trung Hoa xưa, Quế Lâm là nơi tuyệt vời nhất dưới mặt đất, hơn cả Tô Hàng. Quế Lâm là 1 trong 4 thành phố được chính phủ Trung Quốc bảo vệ đặc biệt các di sản ( 3 tp còn lại là thủ đô Bắc Kinh, Hàng Châu và Tô Châu). Dòng sông Li Giang uốn quanh thành phố, núi non lô nhô như tranh thủy mạc. Tony lấy tour đi dọc sông Li Giang xuôi về phía Dương Sóc. Chu cha nó đẹp. Cứ như Hạ Long trên sông, nhưng nhiều núi hơn, nhiều hình thù hơn. Y chang trong tranh treo trên tường ở các khách sạn lớn. Cứ tưởng tượng núi này là con chó, con mèo, con voi gì đó, tiếc là bọn tào dẩu (tour guide) cầm cái loa nói ra rả nghe bắt mệt.

Đến Dương Sóc, thú vui không nên bỏ qua là xem người dân ở đây câu cá bằng chim cốc. Con cốc này được đeo một cái vòng trên cổ, và cột dây vào chân. Chim sẽ được ông chủ thả xuống nước, và lục lạo khắp nơi để mò cá. Khi có cá, vì vướng cái vòng cổ nên chim không nuốt được, lúc này ông chủ sẽ kéo chim lại thuyền, gỡ cá ra. Cứ tới con cá thứ 6 thì chim cốc sẽ được tháo cái vòng, con thứ 7 nó mò được thì cứ ăn thoải mái, vì họ tính nếu tiếp tục lấy thì nó sẽ chán, không mò nữa.

Ở Dương Sóc có 1 ngôi chùa rất cổ kính, ngay dưới chân núi mặt trăng. Ngọn núi này rất đặc biệt, trên đỉnh của nó có cái vòm do đá vôi bị xâm thực, hình mặt trăng, nom rất đẹp. Có một dòng suối chảy từ trên núi xuống, xuyên qua các tảng đá rất to. Chùa nằm vắt vẻo bên lưng chừng núi, con suối chia chùa ra làm 2 phần, có cầu đá bắc qua. Cảnh chùa khiến ai đứng xem đều cảm thấy phiêu lạc, vì nó đẹp, huyền bí, mê hoặc. Hẻm hiểu sao, bước chân Tony cứ từ từ tiến vào sân chùa, cứ như có một hấp lực nào đó. Trong sân chùa có cái cây gì cả ngàn năm, đọc từ Hán đó hẻm hiểu, thấy có rào chắn lại kỹ lưỡng lắm. Khách thập phương đông đúc vô cùng, nhưng khi vào chùa, không có cảm giác nhốn nháo như vào chùa đình miếu nối tiếng ở VN. Có lần Tony đi chùa Bà Bình Dương, lúc ấy có hội. Tony đi 1 lần và sợ hãi kinh khủng, từ đó chỉ dám đi khi vắng người. Chùa lúc lễ hội, nam thanh nữ tú người già con nít chen lấn kèn cựa, 1 người cầm 1 bó nhang nghi ngút khói, Tony dáng cao ráo thanh tú nên cứ sợ mấy bà thấp thấp lùn lùn người cầm nhang chọt vô thủng mất cái áo hiệu cả 3 trăm ngàn đồng. Lư cắm nhang có tới mấy chục cái, mọi người thi nhau cắm. Nhưng vừa cắm vô lư là có 1 ông đứng cạnh đó quơ lấy, trụng xuống nước, rồi vứt ra hàng đống trong sọt rác, rất uổng. Khói thì đặc quánh, hít về bệnh luôn, còn mùi khói vào quần áo và tóc thì thôi thôi không nói nổi. Trước sân chùa và trong điện các chùa nổi tiếng khác, quang cảnh nhốn nháo, tranh giành lộc, mua bán chim, rùa, mấy cái cây gì vàng vàng đỏ đỏ. Tiếng người la hét do bị nhang của người khác chích vào tay, vào mặt, loa thì ra rả nói chú ý coi chừng móc túi. Ăn xin thì ngồi la liệt, nhiều người là thanh niên khoẻ mạnh chả bệnh tật gì. Còn đi chùa ngoài bắc thì mấy pho tượng chỗ nào cũng bị tiền 200 đồng, 500 đồng dán chi chít, nhét đầy vào tay vào chân của tượng. Loáng thoáng nghe mấy cô nói nhau, mày nhét tiền vào đi, xin mới được chứng giám, mà toàn xin cho con tiền, cho con lấy chồng giàu, xin cho con áp phe vụ này thành công để mua biệt thự, đổi con Mẹc con Cam Rì…. Tony có hạc qua triết hạc Phật giáo, hẻm thấy đoạn nào nói về việc lên chùa xin tiền, xin danh lợi thì Phật sẽ cho cả. Người ta làm vua, rồi bỏ hết danh lợi để thành Phật, có đâu mà cho mình. Khộ quá khộ.

Trở lại vụ ngôi chùa ở Dương Sóc. Tony thấy bên trong chùa chỉ có 1 khoanh nhang vòng duy nhất, thắp trên cao, khói tỏa ra dìu dịu. Tuyệt đối không thấy lư hương ở đâu. Thùng công đức để ở cái cốc đằng sau. Ai có lòng thì đến bỏ tiền vô. Người đi vào chùa được nhà chùa sắp xếp như quầy làm thủ tục trong sân bay, có cái dây đi hình zích zắc ở ngoài sân. Thế là mọi người tự động xếp hàng và đi vào đó, chỉ có 1 chú tiểu đứng canh ở cửa, mỗi lúc chỉ cho vài người vào, họ đi ra lối khác thì mới cho người tiếp tục vào. Ở ngoài sân, cách khoảng mấy trăm mét có cái lư rất to, ai muốn đốt nhang thì cứ việc. Không gian thoáng đãng nên khói tỏa bay đi hết. Tiếng chuông lâu lâu vang lên, khói trầm bay lên quyện vào những gốc cây cổ thụ, lãng đãng trên những bậc thang lên núi cho các thầy tu luyện Kungfu, thấp thoáng các bóng áo nâu sòng trong rừng trúc….khung cảnh như trong phim chưởng.

Tony đi ra phía cái cốc bên hông, thấy có 1 chú tiểu đang đứng tỉa cây, Tony mới đến hỏi thăm. Cái chú tiểu ngạc nhiên, nói ủa từ Due Nản qua hả, thấy cốt cách có gì đó thú vị quá bèn giới thiệu đi gặp ông sư trụ trì. Ông sư trụ trì nghe chú tiểu vô báo là có người ngoại quốc đến viếng chùa, mà đẹp trai hào hoa phong nhã lắm, bèn vui vẻ tiếp đón. Tony bước vào phòng của ông. Căn phòng hơi tối, chỉ có 1 bóng đèn màu hồng rọi vào 1 bức tượng đá trong góc phòng. Sư trụ trì ngồi trên ghế, râu trắng tóc trắng, gương mặt đẹp một cách bí hiểm. Tony chào nỉn hạo, tươi cười. Ông mời ngồi, miệng nói nhưng tay chân đều không cử động. Tony nhìn bao quát 1 lượt quanh căn phòng theo thói quen óc quan sát hạc từ West Point. Những bức tranh và hình ảnh xưa về ngôi chùa treo trên tường đã hoen ố màu thời gian. Ổng mỉm cười và mời uống trà, thứ trà Oolong trồng ở Quế Lâm có vị đậm và ngọt hậu, tinh khiết cả hương đất trời.

Tony trò chuyện với ông về ngôi chùa, về đất Dương Sóc Quế Lâm, về nhân tình thế thái. 2 thầy trò chuyện trò càng lúc càng trở nên tâm đắc, ông khen Tony còn nhỏ mà có kiến thức tốt, người mà ra quyết định nhanh chóng và không đắn đo tính tới tính lui cho các việc cá nhân của mình, sẽ làm nên đại sự. Luôn có những quyết định đột phá, chủ động thì sự nghiệp càng lớn.

Đang chuyện trò thì đột nhiên, Tony cảm thấy rùng mình nhẹ (mốt bây giờ cái gì cũng nhẹ, kể cả khùng). Một luồng gió lạnh sau gáy. Đoán là cánh cửa vừa được mở, nhưng người mở rất nhẹ, hầu như không có tiếng động. Lờ mờ trong tấm kính phản chiếu 1 bóng trắng lướt vào phòng. Tony quay lại thì thấy cánh cửa đã đóng và trong phòng chả có ai ngoài sư thầy và Tony cả. Chiếc nhẫn đá Sapphire màu đen trong tay Tony tự nhiên phát sáng lấp lánh. Chiếc nhẫn đá này là Tony mua từ Myanmar (tiếng Hoa gọi là Mèn Ten, tức Miến Điện) trong 1 chuyến đi công tác. Đá saphire đen tuyền rất hiếm, độ cứng khoảng 9.5 -9.8 so với 10 độ của kim cương, trời đất cả triệu năm mới có 1 viên sapphire đen tuyền. Hôm đi vào bảo tàng đá quý quốc gia Mèn Ten, nhìn thấy nó tự nhiên mình có cảm tình, mới đi hỏi. Cô bán nói cả mấy năm nay viên này bán miết mà không ai mua, cứ trả giá xong rồi thì không mua hay thậm chí mua rồi lại trả lại. Tony biết là hữu duyên với mình, bèn mua mang về nạm bạc, đeo như là bùa hộ mệnh. Lúc cánh cửa mở, bỗng dưng thấy viên đá đen trên chiếc nhẫn nóng dần và phát sáng lấp lánh. Sư thầy ngạc nhiên, nhìn chằm chằm vào tay của Tony. Ông cất giọng “ ta muốn hỏi, thật sự con là ai?”. Tony chưa biết trả lời thế nào thì ông hỏi, “con là người Việt Nam sao lại có Mèn Ten Bảo của xứ Miến Điện trên người thế kia”….

( còn tiếp)

Thời gian sẽ trôi đi….

Cứ năm nào cũng vậy, có một số người đợi ngày cuối cùng của tháng chạp mới đi mua hoa, hòng mua với giá rẻ nhất, do áp lực về thời gian của tiểu thương. Và các tiểu thương đã quyết định đập bỏ, dọn lên xe rác chở đi thay vì cho, giảm giá như mọi năm. Điều này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội đang điều chỉnh hành vi từng ngày để sống văn minh hơn.

Có thể bạn thấy rất là chua chát, nhưng quyết định tiêu huỷ hàng hoá là quyết định bình thường của thương nhân. Hàng sở hữu của họ, họ bán hay trữ, bán đắt bán rẻ giá cả bao nhiêu hay tiêu huỷ hàng hoá là quyền của họ, luật pháp không cấm. Đừng bao giờ ngây ngô yêu cầu người ta thay đổi giá cả, sao không bán rẻ từ đầu rồi giờ đổ bỏ.

Chúng ta từng khóc thương nông dân trồng hoa. Nhưng họ thật ra chẳng có gì tội nghiệp vì các thương lái đã trả tiền xong cho họ từ dưới ruộng. Thương lái cũng chẳng tội nghiệp gì vì họ đã lãi những ngày đầu khi bán những chậu hoa đẹp cho người giàu. Người nghèo lúc này nghe giá sẽ dội ngược, bảo là hét trên trời, giận. Nhưng giá đó có người mua, cung gặp cầu. Người giàu, thay vì tốn thời gian đi tận nơi để lựa chậu vừa ý, giờ có người mang lên tận nơi, vận chuyển sỉ nên giá còn rẻ hơn, thuận mua vừa bán, phân khúc hạng sang, người có tiền, kẻ có hàng ngon nên việc bán hàng diễn ra nhanh chóng, vui vẻ. Mọi thứ vận hành trơn tru. Hoa, tranh, nhạc….là những sản phẩm tinh thần, không phải là thiết yếu, người cần thì đã sẵn sàng trích một phần thu nhập để mua rồi. Không được cho tặng miễn phí những sản phẩm văn hoá, vì người nhận miễn phí sẽ khó mà trân trọng. Khi nhu cầu đã hết, người bán nên chở hàng về kho hoặc đổ bỏ. Công ty vệ sinh đã ký hợp đồng dọn dẹp, ngay cả bỏ hết đống hoa đó, họ đã thu tiền và sẽ dọn sạch, không than phiền gì. Mọi thứ nó đã vào guồng, không như mình nghĩ.

Buffet trong các khách sạn 5 sao, toàn tôm hùm, hàu, cá hồi…đến tối, dù còn nguyên nhưng họ cũng đổ bỏ hết, không cho nhân viên vì sẽ tạo thành tâm lý phục vụ không tốt hòng mang về. Cũng không đem cho người nghèo, cơ nhỡ….vì làm ăn, không tốn thời gian phân bổ nhân sự làm việc này, chưa kể là sẽ tạo đám người chầu chực bên ngoài, hay thậm chí nhà nghèo, ăn mấy món sang rồi đau bụng, kiện thưa rồi mình đi giải quyết cũng mệt. Làm chủ phải có tư duy khác. Hàng của họ, tiền của họ, khi đổ bỏ họ còn xót xa hơn cả mình tiếc. Nhưng bỏ là phải bỏ.

Dân làm ăn không có mở miệng là tội nghiệp, thương thế. Mình cứ cảm tính, cảm xúc trong kinh tế thì hậu quả kinh khủng. “Đừng bao giờ giao cơ nghiệp vô tay người cảm tính”, người Do Thái hay người Hoa luôn dặn nhau như vậy khi lựa chọn người quản lý cấp cao.

Khách sạn có phòng có 100 ngàn/đêm nhưng cũng có phòng 100 triệu/đêm, tuỳ họ, có vi phạm pháp luật đâu mà chửi? Xấu đẹp, ngu khôn, hợp lý hay không hợp lý…là do cá nhân mình tự nghĩ. Họ bán vậy đó, công suất phòng chỉ có vài % thôi, nhưng họ không giảm giá, chuyện của người ta. Tour du lịch họ ra giá vậy, mình chửi bán “mắc quá chó nó đi”, nhưng người ta vẫn có khách riêng của người ta, “chó” có tiền đi chơi, còn mình là “người” mà không có. Khách sạn ở Đà Lạt ngày thường 200k/đêm, lễ tết lên 1 triệu/đêm thì cũng bình thường, chẳng có gì chặt chém cả. KS chỉ có 10 phòng mà 100 người cần, thì giá phải tăng tương ứng cho 10 người chấp nhận mức giá cao nhất, nếu không có ai chấp nhận, tự động giá sẽ giảm. Hiệp hội du lịch vui lòng đừng ra công văn yêu cầu khách sạn trên địa bàn cam kết không tăng giá….mà quên là quy luật thị trường. Lúc ế, hiệp hội có ra công văn sẽ bù lỗ cho người ta không? Hãy để thị trường tự do điều tiết. Cứ nói hãy bán giá sao cho vừa túi tiền. Vấn đề là túi của ai? Mình chỉ có thể biết túi của mình thôi, còn của người khác, sao biết mà suy diễn suy đoán rồi kết luận?

Mấy cái túi hàng hiệu ở các trung tâm thương mại có giá mấy chục triệu/cái, mình thấy vắng hoe, ái ngại cảm thông. Họ kinh doanh, được nhờ mất chịu. Họ lỗ, chịu hết nổi sẽ trả mặt bằng. Dân mình đi qua, nói sao không hạ giá xuống 50 ngàn/cái để bán cho dễ, chứ thấy ế tội quá em ơi. Họ treo đó là tính vô chi phí marketing, cho đám đông nhìn thấy thương hiệu, còn rẻ hơn quảng cáo trên tivi. Đám đông sao biết được chuyện đó, nên đứng coi, phán xét và khuyên răn khí thế. Với nhà buôn lớn, họ không bao giờ hạ giá vào giờ chót vì như vậy sẽ khiến cho những người mua trước thấy tiếc nuối, trách móc và có khi lại chờ giảm giá năm sau. Mà đối tượng đó mới là khách hàng thật sự, phải bảo vệ họ. Louis Vuitton (LV) hay Hermes là thương hiệu thời trang không bao giờ sale off, qua mùa lỗi mốt là huỷ.

Đừng bao giờ dạy người giàu tiêu tiền, quản lý tài chính (họ làm ra tiền, dư được tiền tức việc quản lý tài chính của họ đã rất khoa học, hiệu quả), cũng đừng bao giờ kêu gọi các người bán điều chỉnh giá theo ý mình. Rất ngây thơ, cảm tính và buồn cười.

Khủng hoảng thừa 1929-1933, hàng hoá các công ty họ đổ hết xuống biển chứ không có tặng cho ai, dù nhiều nước đang trong nạn đói, bị các nhà đạo đức học lên án là sao không thuê tàu đi tặng mấy nước đang chiến tranh. Làm chủ đau đầu muốn chết vì lỗ, ngồi đó còn thuê tàu cử người đi phân phát hàng cho chỗ đang đánh nhau. Quy luật kinh tế thị trường nó vậy, không thể lấy cảm xúc, tình cảm, hiểu biết nhỏ nhoi của mình ra phán xét được.

Thị trường nó lạnh lùng sòng phẳng. Nếu ai lỗ, thì là bài học cho họ năm sau. Kể cả nông dân trồng chuối, thanh long, tiêu điều, nuôi heo nuôi gà…. Thời đại này thông tin rộng khắp. Tính toán sai, cung vượt cầu, không biết tiếp thị hay chế biến, cứ thụ động phụ thuộc thì khi giá rẻ, đồ đống. Ngược lại. Cầu cao thì lãi nhiều, hưởng. Giải cứu nông sản là chiến dịch người ta chỉ mình cách tiêu thụ, sau đó phải tự biết làm chứ sao đợi người ta thương hại mãi? Không riêng nông nghiệp, cứ ai thụ động thì nghèo, chịu. Ai chủ động thì giàu, hưởng.

Nếu ai có đầu óc khách quan, hiểu quy luật thị trường mới kiếm tiền được. Những bạn cảm tính khó có thể làm ăn hoặc trở thành quản lý cấp cao vì không rạch ròi các quan hệ, nuông các cảm xúc, không tôn trọng khách quan vì nghe theo con tim nhiều quá. Lúc yêu thì thôi là yêu, ghét thì thôi là ghét. Cứ trong đầu ai mà còn cảm xúc ưa rồi không ưa, thích rồi ghét….thì không thể làm ăn được.

Đừng bao giờ kêu gọi ủng hộ công ty nào vì thương, mua hàng là vì nhu cầu, còn vì ủng hộ thì không lâu dài được. Cũng đừng kêu gọi tẩy chay hãng nào đó vì ghét. Lần trước có 1 hãng hàng không, vì “tội” đưa các người mẫu lên đón các cầu thủ U23 yêu thích, mà người mẫu đó do đám đông mặc định là không đẹp, nên không được “xứng” để đụng vào cơ thể thần tượng của họ, thế là nổi cơn cuồng nộ. FB khắp nơi nói sẽ tẩy chay, thề là không bao giờ đi hãng này nữa, trong đó có người bạn thân của ad. Sau đó 1 tháng, mình thấy cậu ấy vẫn ngồi cả đêm search vé giá rẻ, và khi giá vé hãng đó thấp hơn các hãng kia 100,000 đồng, cậu đã quên mất lời thề thốt khi xưa, book vé và bay, post hình lên FB khoe mua được giá hời, cười như địa chủ được mùa.

Đám đông có cảm xúc lên xuống thất thường, ầm ầm lên cơn thịnh nộ rồi quên béng, các nhà kinh tế học gọi là “não cá vàng”. Mình làm quản trị, đừng có lo lắng thái quá. Thời gian sẽ trôi đi.

Time flies.

Một bài văn miêu tả đỉnh cao

Đề bài: Miêu tả quảng cảnh phòng chờ sân bay

Em có dịp đi công tác bằng máy bay. Làm thủ tục xong và vào phòng chờ, em vừa yên tọa, bỗng giật mình bởi tiếng của một cô gái mặc áo dài xanh đứng núp trong cánh cửa, tay cầm cái mi cờ rô: “Nây đi èn gen tờ mìn, ABC è lãi, phờ nai năm bờ Oanh Oanh Phò… hát bin đì lây.”(đoán là Ladies and Gentlemen, ABC Airlines, Flight Number 114 had been delayed). Một cậu tre trẻ ngồi bên cạnh em liền chửi thề bằng tiếng Mỹ em nghe không rõ lắm, nhưng có đề cập đến máy fax. Cậu lầm bầm là hãng này nên đổi tên là Đì Lây È Lãi cho rồi, xong cậu móc điện thoại gọi điện cho người thân. Em xếp cậu này thuộc nhóm “đang mần cho công ty nước ngoài”, vì thấy nói chuyện không có câu nào mà đầy đủ tiếng Việt. Ví dụ một câu của cậu này là “Ối giời ơi nó lại đì lây (delay) rồi, nâu nít (no need) ra đón anh sớm, khi nào có i-xác- tham (exact time) anh sẽ còn-phơm (confirm) lại”.

Mấy cô mấy cậu khác thì em thấy đang chúi mũi vào cái lap tóp chắc để oánh gem chát chúa hay dạo chơi trên mạng, la hét om sòm cười nói như ở nhà riêng. Nói tiếng rất lớn dù ở chốn công cộng. Em xếp vào nhóm rành tin học.

Trong một góc, các bô lão đang hãnh diện kể cho nhau nghe về con A, thằng B của tôi… đang làm gì ở miền Nam. Lâu lâu vẫn quy thóc giá vé máy bay rồi chép miệng “đắt thế đắt thế”. Em xếp vào nhóm phu huynh có con cái Nam tiến, làm ăn có chút tiền muốn báo hiếu bằng cách ép các cụ sử dụng phương tiện giao thông hiện đại cho biết với người ta.

Một nhóm mấy bà mấy cô vội vã chạy vào quầy để mua sắm chè xanh, mơ, sấu, bánh đậu xanh…, mấy cô mậu dịch viên mặc áo dài hồng vây quanh tươi cười tiếp chuyện. Em xếp vào nhóm Hãy chọn giá đúng.

Phần lớn hành khách đắm chìm và say mê nhắn tin qua di dộng, lâu lâu lại cười hi hí. Với một số người châu Á, ĐT di động là báu vật, cứ mấy phút phải móc ra coi một lần, thấy không có ai nhắn tin thì lại bỏ lại vô túi quần. Em xếp vào nhóm Đam mê Truyền Thông.

Vài ông nhìn da trắng meng méc chắc Đài Loan, Hàn Quốc gì đó đang nói cười với mấy cô em xinh đẹp, nói về Hở Nei, Xia Lỏng, Luỳ Dẩu…Mấy cô em hạnh phúc ra mặt sau chuyến trăng mật. Em xếp vào nhóm “hôn nhân có yếu tố nước ngoài”.

Một nhóm say mê nhìn màn hình tivi đang phát chương trình gem sô gì đó thấy người chơi chạy nhảy lung tung và hai MC ra sức lùa người chơi vào cái ô cho đúng luật, dạo này gem sô nhiều quá không biết cái nào là cái nào. Kết luận: Nhóm văn hóa nghe nhìn.

Mấy khách du lịch ngoại quốc mắt xanh đang ngồi thành một góc. Tất cả im phăng phắc và mỗi người một cuốn sách trên tay. Để ý thấy người phương Tây hay đọc sách trong sân bay, nhà ga, phòng chờ… cứ có thời gian rỗi là họ đọc. Cảm giác họ chú tâm vào đọc, không có nhấp nhổm hay nôn nóng, delay là cơ hội để đọc sách. Em xếp họ vào nhóm cộng đồng văn hóa đọc.

Đợi lâu quá nên cậu trai rành sinh ngữ mon men tới ngồi cạnh đám khách Tây bắt chuyện. Cậu hỏi một bà Tây rất già đang run run cầm sách (Chắc bị Parkinson nhưng cũng bon chen vui thú reading) “hoe oa ziu phờ zôm? – đoán là where are you from?”. Bà Tây đang đọc, bị có người hỏi thì có vẻ hơi phiền nhưng vẫn gấp sách rồi mấp máy trả lời cho nó có văn hóa với người bản địa…

Quan sát tới đây thì đã quá mệt, em bèn ngủ gục. Cô cho em mấy điểm thì cho, cám ơn cô.

(Nguồn hình: Google Image, cho phép sử dụng mục đích không thương mại)

Bây chừ thì phải làm răng?

Chăm sóc răng miệng là điều vô cùng cần thiết nhé các tình yêu. Ở các nước tiên tiến, người ta luôn đi nha sĩ đều đặn mỗi 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Nếu bạn chưa bao giờ “làm sạch răng”, tiếng Anh gọi là dental cleaning, dịch ra tiếng Việt không sát lắm là “cạo vôi răng, lấy cao răng” (cạo thì nghe thấy ghê ghê), nhưng thực ra là cleaning đó, clean là động từ làm sạch, dọn sạch. Nha sĩ sẽ dùng thiết bị đặc biệt để đẩy sạch mảng bám ra khỏi chân răng. Giờ thiết bị hiện đại lắm, làm nhanh và nhẹ nhàng hơn xưa nhiều.

Với người trưởng thành, trên 18 tuổi, nên đi dental cleaning mỗi năm 1 lần. Nha sĩ sẽ có dụng cụ để móc những miếng dính như tôm cua hay thậm chí rau muống trong kẽ răng số 8 (răng cùng), răng này hầu như không thể dùng bàn chải đánh được, móc không ra, dẫn đến nó nằm sâu trong đó qua tháng năm, sinh khí hôi miệng, gây bệnh nha chu và một số bệnh lý khác sau này rất đáng tiếc. Đau răng là cái đau thứ 3 sau đau đẻ, đau bị bóp (vái), theo thống kê khoa học.

Xưa ad không biết, mãi đến 24 tuổi mới đi dental cleaning (cạo vôi răng lần đầu), cũng vì sếp nước ngoài tế nhị yêu cầu đi (sau này mới biết mình bị hôi miệng mà họ ngại không nói). Vô đó, nha sĩ móc ra được cả miếng vỏ cua đồng bé xíu mà ad ăn năm 12 tuổi. Bao nhiêu năm nó nằm trong đó, đến khổ. Sau đó, miệng thơm ngát liền, đi giao tiếp làm ăn, khách mê đòi chết đòi sống.

Vậy nhé các bạn, dental cleaning đi. Lần đầu hơi ê. Lần 2 trở lên là hết. Hơi thở sẽ thơm tho. Còn làm rồi mà hơi thở vẫn hôi thì do bụng sinh khí. Do mình ăn quá nhiều đạm mà ít vận động (thường con nhà giàu, công tử tiểu thư, dân văn phòng, sinh viên… mà không đi tập gym hay yoga thì miệng hôi hơn dân lao động chân tay rất nhiều, các bạn có thể hỏi nha sĩ để biết đúng hay không). Lý do là đạm trong động vật thường là đạm Amoni NH4+, nó vô bụng sẽ phân huỷ 1 phần thành NH3 (Amoniac) thoát ra qua quá trình vận động mạnh và thở gấp của mình. Ăn nhiều thịt động vật, trứng,…còn tạo thêm khí H2S (khí này có trong trứng ung). Ai vận động, thở mạnh khi bơi hay tập luyện, khí này sẽ thoát ra. Còn ai không vận động thì sẽ ứ trong đó, bụng là 1 bể khí NH3 và H2S lớn. Hạn chế ăn ớt, uống bia, hút thuốc, những thứ làm cho miệng hem thơm vì diệt hết các sinh vật có lợi trong bao tử. Cứ nói chuyện ra là người ta ái ngại quay đi. Miệng xinh đẹp nhưng nặng mùi, rồi chồm chồm lên hỏi hay đòi ghé tai nói nhỏ này nọ, ớn quá mấy chế.

Chủ động đi clean răng vì mình hôi miệng, chẳng ai dám nhắc. Nhưng ai cũng thấy phiền. Muốn biết mình có hôi miệng không, tự liếm trên bàn tay mình. Để khô khoảng 1 phút, rồi ngửi. Nếu hôi thì lập tức đi chữa trị và đổi cách sống. Ăn ít đạm động vật lại, rồi đăng ký tập gym cầu lông tennis đá bóng thổi kèn, bơi lội nhảy dây nhảy đầm….Bạn phải vận động, thở gấp, thở mạnh để tống khí hôi trong khoang bụng đi. Bổ sung uống men tiêu hoá, men vi sinh hoặc nước Yakult, Probi, hoặc sản phẩm tên gì có mấy chữ Thái Lan cũng được. Uống Yakult mỗi tuần 1 vài lọ là rất tốt cho đường ruột.

Còn bây giờ, ghé nha sĩ làm cleaning đi nhé. Chỉ có vài chục ngàn đến vài trăm ngàn (tuỳ quy mô phòng nha lớn hay bé). Chỉ mất khoảng 15-20 phút là sẽ có 1 bộ răng mới toanh như lúc mình mới sinh ra đời vậy. Cười ngất.

https://www.towncaredental.com/blog/the-importance-of-regular-dental-cleanings/?fbclid=IwAR2NMG5hzC431MTv0iIndq9dVsfimBUOOrNftXTRFnwlsRHrZ2cSL4gvZAg

Những tháng ngày sinh viên

Năm 2 ĐH, Tony mở mục tuyển dụng trên báo ra coi người ta yêu cầu cái gì để mình rèn luyện cho đúng, hòng ra trường xin được việc làm tốt. Thấy các công ty lớn đều ghi ứng viên có ít nhất “HAI NĂM KINH NGHIỆM”, trời ơi, sinh viên vừa ra trường mà 2 năm kinh nghiệm? Tony nằm suy nghĩ một đêm, quyết định giải bài toán hóc búa này, mình từng là học sinh giỏi Toán, thi ĐH môn này 9.75 làm tròn 10 điểm chứ có phải người thường. Người càng giỏi toán thì mọi thứ của họ đều hanh thông, do cuộc đời là một bài toán lớn, trên đường đi ta sẽ bắt gặp vô vàn các bài toán nhỏ, tư duy toán học rất cần để xử lý công việc gọn gàng logic. Chỉ cần sinh viên đó chịu đọc sách, tập thể lực và chịu đi làm thêm là ngon lành.

Cuối cùng đáp án cũng đã tìm thấy. Tony quyết định sẽ phải xin vô một công ty nào đó để làm thêm, để khi ra trường thì mình cũng hơn 2 năm kinh nghiệm, mấy nhà tuyển dụng hết bắt bẻ (Tony hồi đó học ĐH chương trình theo kiểu Xô Viết tới 5 năm). Vấn đề là mình thuyết phục sao cho người ta nhận, vì còn vướng bận chuyện học hành, các doanh nghiệp cũng ớn. Ví dụ đang chuẩn bị đi gặp khách hàng thì trùng với lịch thi, sinh viên sẽ nghỉ làm ngay, ưu tiên việc học chứ. Đang trong lứa tuổi yêu đương nồng cháy, kêu đi công tác xa thì hoặc sẽ dắt con bồ theo, hoặc tìm cớ không đi vì quấn quýt tình cảm, tuổi học trò ai yêu cũng sẽ ưu tiên người yêu hơn sự nghiệp. Rồi cái tôi đứa nào đứa nấy to đùng, cứ nhầm tự ái thành tự trọng, suy diễn dưới lăng kính hẹp của mình và sáng không lên công ty, tìm hỏi mới biết là “em không thích nữa”. Người có cái tôi lớn luôn “thích, hem thích, ưa, hem ưa,…” nhận đám này vô tốn thời gian đào tạo mà có khi nó còn nói xấu công ty với bạn bè.

Thực tế là cho sinh viên vô thực tập làm thêm, tụi nó phá hoại nhiều hơn đóng góp, do ngáo ngơ bất cẩn và đầu óc chưa trưởng thành. Muốn có óc già dặn, Tony quyết định tích lũy sự trải nghiệm bằng cách đi làm thêm. Thời khóa biểu học 6 buổi/tuần, trong khi quỹ thời gian mình có tới 21 buổi (sáng, chiều, tối của 7 ngày/tuần), có tới 15 buổi trống. Mình sẽ phải lấp đầy thời gian này. Nói là làm, chiều đó Tony mới mò lên trung tâm giới thiệu việc làm. Coi miết mà toàn việc gì chẳng thấy hay, không giúp mình nâng cao trình độ ngoại ngữ, Tony quyết định ra khu phố Tây. Dọc phố Tây có rất nhiều cửa hàng đồ lưu niệm, họ treo bảng “tuyển bán hàng” nhưng mình ít để ý vì CHỈ có đi bộ mới thấy. Tony đi 3 vòng mới chọn ra được 10 chỗ làm phù hợp. Tony ghé tiệm chụp hình, mặc áo vét chụp hình thẻ cho chững chạc. Đơn xin việc mình tự viết tay bằng tiếng Anh, tham khảo sách trong thư viện để lấy mẫu đơn hay nhất.

Lúc Tony đi nộp, tình cờ nhìn thấy trong khu phố Tây có một công ty xuất khẩu nông sản, Tony nhìn vào thấy mấy anh mấy chị đi đi chạy chạy, điện thoại nói tiếng Anh ào ào, rồi ra đứng máy fax nhận hợp đồng báo giá, ông giám đốc bước ra bước vô chỉ đạo này nọ. Ở ngoài cửa kính, Tony thập thò dòm vô, nói phải xin vô công ty này mới được. Tony lùi ra xa xa, ghi lại số điện thoại trên bảng hiệu. Hôm sau, hết sức can đảm, Tony ra bưu điện đưa cho cô giao dịch viên bấm số, rồi chạy vào cái buồng màu đen nghe. Bên kia bắt máy, Tony hỏi liền “có tuyển người hem chị” rồi bị chửi cho 1 trận, nói em phải biết thưa biết dạ, ở đây không có tuyển sinh viên, mà có cũng không tuyển thể loại như thế. Xối xả 2 phút. Cái Tony sợ hãi, cúp máy liền, bước ra trả tiền mà mặt mũi xanh ngắt như tàu lá, ra ăn tô hủ tíu mì mà người vẫn còn run.

Hôm sau cửa hàng tơ lụa mời lên phỏng vấn rồi cho mình làm nhân viên bán hàng. Khổ là cái cửa hàng ấy đối diện công ty xuất khẩu kia, nên Tony cứ mon men đi ngang qua, bán khăn bán vải cho khách chứ mắt nhìn qua bên kia miết, tưởng tượng đến những buổi đấu trí đàm phán hợp đồng, rồi cái LC (thư tín dụng) bên nước ngoài mở cho mình, rồi những container hàng lên tàu, rồi nhìn đô la chạy về tài khoản công ty, ôi sao sướng thế. Lại thấy việc lấy mấy đồng bạc lẻ của việc bán tơ lụa, nhiều khách keo kiệt ky bo trả giá từng xu, rồi mình năn nỉ hết nước họ vẫn bỏ đi cũng hơi nản. Nhưng bù lại, tiếng Anh của Tony trở nên Tây hóa, mất dần âm Việt, nghe được nhưng câu dài của Tây nói. Tiền bạc rủng rỉnh, chiều nào cũng đứng trước cửa hàng mời gọi khách vô coi với cái miệng cười rộng tới mang tai.

Cái một hôm, buổi trưa đi học từ trường kết thúc lúc 11h, Tony qua cửa hàng chuẩn bị làm ca chiều thì thấy ông giám đốc công ty XNK phía đối diện đi ăn trưa, Tony bèn bí mật bám theo. Thấy ổng vô quán cà phê, gọi cơm văn phòng, rồi đọc báo. Tony mới nảy ra ý định ngày mai nộp hồ sơ cho ổng. Tối về, Tony mần một bộ hồ sơ đẹp mắt không ăn tiền, trưa hôm sau, phục kích ngay trong quán đó. Ông giám đốc như thường lệ đẩy cửa bước vô, gọi ăn uống xong, Tony mới qua tươi cười kéo ghế xin phép được tiếp thị SỨC LAO ĐỘNG, nói dạ thưa con hạc trường vầy vầy, khả năng vầy vầy, mong muốn vầy vầy. Ổng nhìn mình như người ở cung trăng xuống, nói công ty tui đâu có tuyển người. Cái mình nói thôi chú cầm giùm hồ sơ của con về, khi nào có chị nào trong công ty chú chửa đẻ gì đó, nghỉ sanh vài tháng con vô làm thế cho, xong họ vô lại thì con đi hạc lại, chứ tuyển mới ai chịu làm cho chú ngắn hạn thế. Ổng nghĩ nghĩ cũng xiêu xiêu, mới cầm hồ sơ về. Trước khi đi mình còn tặng ông thỏi sô-cô la nhỏ, nói con được khách mua vải lụa tặng đó, con tặng lại chú, chú ăn giùm con chứ con sợ nổi mụn. Ổng cười ha hả, nói sinh viên gì mà dễ thương quá mậy?

Cuộc đời cứ thế tiếp tục. Cứ bữa nào đi học thì thôi, bữa nào không đi học thì lên cửa hàng bán lụa, rồi đạp xe qua thư viện quốc gia học bài, đọc sách về xuất nhập khẩu càng nhiều càng tốt, dù mình học ngành kỹ thuật chứ không phải kinh tế. Trong lòng luôn nung nấu là mình sẽ kiếm đô la, đi nước ngoài đàm phán bán hàng hóa Việt Nam với giá cao, văn hóa Tây Tàu gì cũng phải rành, trên thông thiên văn dưới tường địa chất. Sài Gòn là đô thị lớn nhất Việt Nam, nhưng cũng chỉ là một dấu chấm nhỏ xíu trên bản đồ thế giới, nên chỉ là một trạm dừng chân của mình mà thôi. Đời mình có 70-80 năm là có thể tỉnh táo làm việc, trên thế giới thì có 200 quốc gia và hàng ngàn thành phố lớn, mình tốt nghiệp xong, đi làm rồi xách ba lô lãng du ngay, dành 5, 7 năm sống ở một thành phố là lâu quá rồi. Ở càng lâu 1 thành phố, thì càng phí cuộc đời mình.

Một ngày cứ quần quật với bao nhiêu là việc, mở mắt sáng dậy thể dục 15 phút rồi đạp xe rần rật trên phố đến tối mịt mới về ngủ, trong ba lô có 2 bộ đồ để thay, vô cửa hàng thì mặc đẹp chút, còn đi thư viện hay đi học thì quần jean áo thun cho đúng chất sinh viên.

Bẵng đâu 3 tháng sau, Tony mới nhận được thư mời của công ty XNK lên phỏng vấn. Sau bữa tặng sô-cô la, Tony cũng không dám vô quán cà phê đó để gặp chú nữa, ngại, và cũng vì tiền đâu vô đó ăn trưa miết. Cái bữa lên gặp chú, đúng như mình tiên đoán, có một chị mang bầu tháng thứ 4, nhưng muốn dưỡng thai nên muốn nghỉ sớm không lương. Cơ hội làm XK nông sản đã tới, tối đó đi về nhà mà lòng Tony reo vui, vừa đạp xe vừa hát vang bài Phố Xa, mấy ông đạp xích lô quay lại nói ê nhóc, mới yêu hả?

Mưa về trên khúc hát

Lá u buồn đợi bóng hình ai

Như tìm về thoáng hương xa

Con đường giờ là kỷ niệm

Giọt sương lặng lẽ bên em

Đọng trên đôi mắt vô tư

Để buồn cho con phố nhỏ

Để một người đến vấn vương

Đi bên em chiều trên phố vắng

Phố xa, phố xa ngỡ như thật gần

Đôi vai em gầy trong chiếc lá

Giờ là đợi chờ nhớ mong mùa xuân

Trên tay em nụ hoa vẫn nở

Phố xa, phố xa ngỡ như thật gần…

(còn tiếp)

Học sinh Singapore học gì?

Giáo dục, đầu tiên là dạy làm người. Người có học là người biết cư xử, văn minh, nhân ái, trọng kỷ luật và trật tự xã hội. Đây là cốt lõi của giáo dục. Vô học hay có học, thể hiện qua cái này.

Tiếp theo mới là kiến thức. Giáo dục cung cấp cho học sinh hiểu biết về thế giới bên ngoài và bên trong mỗi con người. Giáo dục Việt Nam hiện đang làm tốt cái này (nhưng tập trung nhiều quá do hình thức thi cử khoa bảng nên vẫn tập trung học kiến thức, game show “đường lên đỉnh Olympia” hay thi tú tài ĐH đều CHỈ kiểm tra kiến thức, như vậy sẽ dẫn đến người ta trọng kiến thức, và học lệch, dạy lệch).

Tiếp theo là thể chất, không có thể chất thì kiến thức trên vô nghĩa. Dặt dẹo đau ốm hay gầy còm, thấp bé….thì giỏi cỡ nào đi nữa, hội nhập quốc tế khó mà sâu được. Các gameshow học sinh trên tivi thường có thi kiến thức kèm thể lực, và các tài năng khác. Phải chạy bộ 100m nhanh mới tới bục cầm đề toán và giải, ai giỏi thì phải nhanh và khoẻ mới được.

Tiếp theo là khai phóng năng lực, dựa trên khả năng của mỗi người mà có cách phát triển phù hợp. Một người bất kỳ đều thiên tài ở một lĩnh vực hẹp nào đó. Nếu không giỏi chữ nghĩa ăn nói thì sẽ giỏi âm nhạc, thể thao, nấu ăn, cơ khí, buôn bán,….vấn đề là tìm cho ra để cho học sinh tự do phát triển thành nghề nghiệp sau này.

Lý Quang Diệu đột phá dữ dội khi đưa tiếng Anh thành môn ngôn ngữ thứ 2 (second language) thay vì môn ngoại ngữ (foreign language) dạy ở trường, sau đó chuyển luôn tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ nhất (mỗi sắc tộc có tiếng mẹ đẻ, là môn học thêm ở trường) áp dụng cho cả nước. Chỉ trích quyết định này của ông thì vô vô vàn vàn, nhưng ông Lý vẫn kiên định.

Và từ một hòn đảo nghèo, Singapore trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục của cả châu Á và thế giới chỉ trong 1 lứa học sinh tốt nghiệp. Hộ chiếu Singapore trong top các hộ chiếu được miễn visa nhiều nhất (nước nào cũng mời người nước giàu đến chơi vì tiêu tiền, chứ không có chuyện trốn ở lại xin việc, di dân là gánh nặng cho người ta, nước nào càng có nhiều doanh nghiệp và nhiều việc làm thì hộ chiếu nước đó càng quyền lực). Rất nhiều nước châu Âu (ví dụ Hà Lan) chỉ dạy bằng tiếng Hà Lan tới cấp 3, từ bậc ĐH trở lên là dạy bằng tiếng Anh các ngành kinh tế, công nghệ, khoa học…Các nước Thái Lan, Mã lai, Indo….đều học tập Singapore để có bước phát triển vũ bão trong giáo dục gần đây. Ở cấp 2-3, học tiếng Anh bằng màn hình video tại trường có thời gian rất nhiều (mà không cần giáo viên). Họ tuyển sinh ĐH dựa vào điểm IELTS, hầu như toàn bộ các trường ĐH đã dạy song ngữ các môn và trường ĐH lớn đã 100% dạy bằng tiếng Anh (có môn giáo viên trực tiếp đứng lớp, có môn học online, giáo viên nước ngoài dạy qua máy tính, cả lớp nhìn vào màn hình tự học), khiến sinh viên ra trường rất có lợi thế cạnh tranh. ĐH ở tỉnh xa xôi vẫn thuê được giáo viên Harvard dạy qua máy tính cho sinh viên mình học. Các ĐH ở VN vẫn còn dùng tiếng Việt để dạy các ngành kinh tế, công nghệ, khoa học….là rất đáng tiếc, vì phải dịch giáo trình từ nguyên bản nước ngoài ra, lỡ dịch sai thì dạy sai, hiểu sai. Các môn này chúng ta không có phát minh ra, nên dạy luôn bằng ngôn ngữ gốc mới đúng được.

Việt Nam, nếu muốn phát triển đột phá, phải nhanh chóng tiếp cận cách giáo dục của Singapore trong việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 cho toàn dân. Có thất bại cũng chẳng sao, cũng đã có 1 tỷ lệ người dân nào đó thành công và đổi đời.

Singapore, diện tích chỉ bằng một huyện nhỏ ở ta, dân số chỉ có 4-5 triệu, mà GDP, tức tổng tài sản hơn 300 tỷ đô la Mỹ, gấp rưỡi cả 92 triệu dân chúng ta cộng lại. Có tiếng Anh, dù không giàu thì cũng không thể nghèo. Ai muốn thoát nghèo thì tự họ chăm chỉ học tiếng Anh. Có giáo viên càng tốt, không có thì vẫn học được. Trên mạng có đầy đủ. Chỉ là muốn hay không muốn.

Một học sinh cấp 2 của Singapore thường có bài tập về nhà là phân tích các bài diễn văn, ví dụ: Ý kiến của bạn về bài nói của Mr Obama “You make your own future” như dưới đây.

Bài diễn văn này rất hay, các bạn cùng nhau đọc nhé. Mong các giáo viên ngoại ngữ từ cấp 2 ở VN trở lên, in bài này ra đưa cho học sinh tập đọc và tập dịch. Rất tốt cho tư duy của trẻ, vốn quý nhất của dân tộc mình. Đầu tư cho tiếng Anh là gặt hái rất lớn về sau. Một cá nhân, một gia đình, một trường học, một đất nước bỏ tiền và thời gian ra để học tiếng Anh là đầu tư, không phải chi phí.

———————————————-

YOU MAKE YOUR OWN FUTURE

Prepared Remarks of President Barack Obama

Back to School Event

Arlington, Virginia

September 8, 2009

The President: Hello everyone – how’s everybody doing today? I’m here with students at Wakefield High School in Arlington, Virginia. And we’ve got students tuning in from all across America, kindergarten through twelfth grade. I’m glad you all could join us today.

I know that for many of you, today is the first day of school. And for those of you in kindergarten, or starting middle or high school, it’s your first day in a new school, so it’s understandable if you’re a little nervous. I imagine there are some seniors out there who are feeling pretty good right now, with just one more year to go. And no matter what grade you’re in, some of you are probably wishing it were still summer, and you could’ve stayed in bed just a little longer this morning.

I know that feeling. When I was young, my family lived in Indonesia for a few years, and my mother didn’t have the money to send me where all the American kids went to school. So she decided to teach me extra lessons herself, Monday through Friday – at 4:30 in the morning.

Now I wasn’t too happy about getting up that early. A lot of times, I’d fall asleep right there at the kitchen table. But whenever I’d complain, my mother would just give me one of those looks and say, “This is no picnic for me either, buster.”

So I know some of you are still adjusting to being back at school. But I’m here today because I have something important to discuss with you. I’m here because I want to talk with you about your education and what’s expected of all of you in this new school year.

Now I’ve given a lot of speeches about education. And I’ve talked a lot about responsibility.

I’ve talked about your teachers’ responsibility for inspiring you, and pushing you to learn.

I’ve talked about your parents’ responsibility for making sure you stay on track, and get your homework done, and don’t spend every waking hour in front of the TV or with that Xbox.

I’ve talked a lot about your government’s responsibility for setting high standards, supporting teachers and principals, and turning around schools that aren’t working where students aren’t getting the opportunities they deserve.

But at the end of the day, we can have the most dedicated teachers, the most supportive parents, and the best schools in the world – and none of it will matter unless all of you fulfill your responsibilities. Unless you show up to those schools; pay attention to those teachers; listen to your parents, grandparents and other adults; and put in the hard work it takes to succeed.

And that’s what I want to focus on today: the responsibility each of you has for your education. I want to start with the responsibility you have to yourself.

Every single one of you has something you’re good at. Every single one of you has something to offer. And you have a responsibility to yourself to discover what that is. That’s the opportunity an education can provide.

Maybe you could be a good writer – maybe even good enough to write a book or articles in a newspaper – but you might not know it until you write a paper for your English class. Maybe you could be an innovator or an inventor – maybe even good enough to come up with the next iPhone or a new medicine or vaccine – but you might not know it until you do a project for your science class. Maybe you could be a mayor or a Senator or a Supreme Court Justice, but you might not know that until you join student government or the debate team.

And no matter what you want to do with your life – I guarantee that you’ll need an education to do it. You want to be a doctor, or a teacher, or a police officer? You want to be a nurse or an architect, a lawyer or a member of our military? You’re going to need a good education for every single one of those careers. You can’t drop out of school and just drop into a good job. You’ve got to work for it and train for it and learn for it.

And this isn’t just important for your own life and your own future. What you make of your education will decide nothing less than the future of this country. What you’re learning in school today will determine whether we as a nation can meet our greatest challenges in the future.

You’ll need the knowledge and problem-solving skills you learn in science and math to cure diseases like cancer and AIDS, and to develop new energy technologies and protect our environment. You’ll need the insights and critical thinking skills you gain in history and social studies to fight poverty and homelessness, crime and discrimination, and make our nation more fair and more free. You’ll need the creativity and ingenuity you develop in all your classes to build new companies that will create new jobs and boost our economy.

We need every single one of you to develop your talents, skills and intellect so you can help solve our most difficult problems. If you don’t do that – if you quit on school – you’re not just quitting on yourself, you’re quitting on your country.

Now I know it’s not always easy to do well in school. I know a lot of you have challenges in your lives right now that can make it hard to focus on your schoolwork.

I get it. I know what that’s like. My father left my family when I was two years old, and I was raised by a single mother who struggled at times to pay the bills and wasn’t always able to give us things the other kids had. There were times when I missed having a father in my life. There were times when I was lonely and felt like I didn’t fit in.

So I wasn’t always as focused as I should have been. I did some things I’m not proud of, and got in more trouble than I should have. And my life could have easily taken a turn for the worse.

But I was fortunate. I got a lot of second chances and had the opportunity to go to college, and law school, and follow my dreams. My wife, our First Lady Michelle Obama, has a similar story. Neither of her parents had gone to college, and they didn’t have much. But they worked hard, and she worked hard, so that she could go to the best schools in this country.

Some of you might not have those advantages. Maybe you don’t have adults in your life who give you the support that you need. Maybe someone in your family has lost their job, and there’s not enough money to go around. Maybe you live in a neighborhood where you don’t feel safe, or have friends who are pressuring you to do things you know aren’t right.

But at the end of the day, the circumstances of your life – what you look like, where you come from, how much money you have, what you’ve got going on at home – that’s no excuse for neglecting your homework or having a bad attitude. That’s no excuse for talking back to your teacher, or cutting class, or dropping out of school. That’s no excuse for not trying.

Where you are right now doesn’t have to determine where you’ll end up. No one’s written your destiny for you. Here in America, you write your own destiny. You make your own future.

That’s what young people like you are doing every day, all across America.

Young people like Jazmin Perez, from Roma, Texas. Jazmin didn’t speak English when she first started school. Hardly anyone in her hometown went to college, and neither of her parents had gone either. But she worked hard, earned good grades, got a scholarship to Brown University, and is now in graduate school, studying public health, on her way to being Dr. Jazmin Perez.

I’m thinking about Andoni Schultz, from Los Altos, California, who’s fought brain cancer since he was three. He’s endured all sorts of treatments and surgeries, one of which affected his memory, so it took him much longer – hundreds of extra hours – to do his schoolwork. But he never fell behind, and he’s headed to college this fall.

And then there’s Shantell Steve, from my hometown of Chicago, Illinois. Even when bouncing from foster home to foster home in the toughest neighborhoods, she managed to get a job at a local health center; start a program to keep young people out of gangs; and she’s on track to graduate high school with honors and go on to college.

Jazmin, Andoni and Shantell aren’t any different from any of you. They faced challenges in their lives just like you do. But they refused to give up. They chose to take responsibility for their education and set goals for themselves. And I expect all of you to do the same.

That’s why today, I’m calling on each of you to set your own goals for your education – and to do everything you can to meet them. Your goal can be something as simple as doing all your homework, paying attention in class, or spending time each day reading a book. Maybe you’ll decide to get involved in an extracurricular activity, or volunteer in your community. Maybe you’ll decide to stand up for kids who are being teased or bullied because of who they are or how they look, because you believe, like I do, that all kids deserve a safe environment to study and learn. Maybe you’ll decide to take better care of yourself so you can be more ready to learn.

And along those lines, I hope you’ll all wash your hands a lot, and stay home from school when you don’t feel well, so we can keep people from getting the flu this fall and winter.

Whatever you resolve to do, I want you to commit to it. I want you to really work at it.

I know that sometimes, you get the sense from TV that you can be rich and successful without any hard work – that your ticket to success is through rapping or basketball or being a reality TV star, when chances are, you’re not going to be any of those things.

But the truth is, being successful is hard. You won’t love every subject you study. You won’t click with every teacher. Not every homework assignment will seem completely relevant to your life right this minute. And you won’t necessarily succeed at everything the first time you try.

That’s OK. Some of the most successful people in the world are the ones who’ve had the most failures. JK Rowling’s first Harry Potter book was rejected twelve times before it was finally published. Michael Jordan was cut from his high school basketball team, and he lost hundreds of games and missed thousands of shots during his career. But he once said, “I have failed over and over and over again in my life. And that is why I succeed.”

These people succeeded because they understand that you can’t let your failures define you – you have to let them teach you. You have to let them show you what to do differently next time. If you get in trouble, that doesn’t mean you’re a troublemaker, it means you need to try harder to behave. If you get a bad grade, that doesn’t mean you’re stupid, it just means you need to spend more time studying.

No one’s born being good at things, you become good at things through hard work. You’re not a varsity athlete the first time you play a new sport. You don’t hit every note the first time you sing a song. You’ve got to practice. It’s the same with your schoolwork. You might have to do a math problem a few times before you get it right, or read something a few times before you understand it, or do a few drafts of a paper before it’s good enough to hand in.

Don’t be afraid to ask questions. Don’t be afraid to ask for help when you need it. I do that every day. Asking for help isn’t a sign of weakness, it’s a sign of strength. It shows you have the courage to admit when you don’t know something, and to learn something new. So find an adult you trust – a parent, grandparent or teacher; a coach or counselor – and ask them to help you stay on track to meet your goals.

And even when you’re struggling, even when you’re discouraged, and you feel like other people have given up on you – don’t ever give up on yourself. Because when you give up on yourself, you give up on your country.

The story of America isn’t about people who quit when things got tough. It’s about people who kept going, who tried harder, who loved their country too much to do anything less than their best.

It’s the story of students who sat where you sit 250 years ago, and went on to wage a revolution and found this nation. Students who sat where you sit 75 years ago who overcame a Depression and won a world war; who fought for civil rights and put a man on the moon. Students who sat where you sit 20 years ago who founded Google, Twitter and Facebook and changed the way we communicate with each other.

So today, I want to ask you, what’s your contribution going to be? What problems are you going to solve? What discoveries will you make? What will a president who comes here in twenty or fifty or one hundred years say about what all of you did for this country?

Your families, your teachers, and I are doing everything we can to make sure you have the education you need to answer these questions. I’m working hard to fix up your classrooms and get you the books, equipment and computers you need to learn. But you’ve got to do your part too. So I expect you to get serious this year. I expect you to put your best effort into everything you do. I expect great things from each of you. So don’t let us down – don’t let your family or your country or yourself down. Make us all proud. I know you can do it.

Chuyện giàu chuyện sang

Người giàu trong xã hội càng nhiều lên, nhưng người sang không tăng mấy. Ai sang thì chắc chắn đã giàu, còn người giàu thì chưa chắc có được sự sang, tức sự quý phái toát ra từ cốt cách và tâm hồn, không phải do quần áo, xe cộ, nước hoa, ăn uống, tiền bạc địa vị bằng cấp mang lại. Muốn sang, người ta phải tự nhận thức và thay đổi tư duy và hành động nhiều lắm. Nếu bạn muốn sang, đọc nghiền ngẫm bài dưới đây. Câu nào cũng hay cả.

1. Hai bạn ly hôn nhanh chóng chỉ sau 1 năm sống chung, mặc dù đã 10 năm yêu nhau. Khi gặp bạn bè chung, chỉ có thể nghe 2 bạn nói những điều tốt đẹp của người kia. Một số người khó chịu bảo “nếu toàn tốt đẹp thế thì sao không sống với nhau đi, bọn tôi muốn nghe cậu nói SỰ THẬT. Có phải là lý do X, Y, Z….không” . XYZ là cái muốn nghe của người tò mò (dưới danh nghĩa quan tâm). Đáp lại là một nụ cười, và “mình xin giữ trong lòng, nói ra điểm không tốt của người cũ là người không tử tế”. Đám bạn ngao ngán vì cần “moi tin tức” để loan truyền, mà “nó không nói điểm nào để có thể đi buôn chuyện”. Người tầm thường, bé mọn chỉ toàn nhìn điểm tiêu cực, và khi chia tay (hôn nhân lẫn đối tác làm ăn, quan hệ bạn bè) là “nói cho đã, trút cho hết” thậm chí còn “thêm thắt vào để lấy thêm quân ủng hộ”. Nhưng người cao thượng và tử tế họ khác. Người SANG không bao giờ nói điểm xấu của người họ từng có duyên gặp gỡ trong đời.

2. Phỏng vấn một bạn trẻ vừa nghỉ làm ở công ty có thu nhập cao, môi trường tốt. Hỏi lý do nghỉ việc, bạn xin phép được im lặng. Anh trưởng phòng non nớt ép khai cho được với câu đe nẹt như “nếu không nói thì chúng tôi không nhận”. Bất ngờ bạn trẻ đáp lại “Dạ theo em, khi nói về người xưa, chốn xưa, nếu không nói được những lời nào tốt đẹp thì nên im lặng ạ”. Thông thường, khi người ta nghỉ việc, họ bực bội mà tuôn ra những lời không thương tiếc về chỗ đó, để chứng minh rằng “công ty mày tệ quá nên tao mới dứt áo ra đi”. Vì muốn được “có giá” hơn nên mình nhấn mạnh cái khuyết điểm (mà chưa chắc đã là) của chốn xưa để họ cùng nhau phê phán, nghe cho sướng tai vì…”ai cũng thấy vậy”. Tâm lý học nói rằng, những người có cái tôi lớn thường hay nhìn điểm xấu của người khác để tự nâng họ lên, tự sướng tinh thần, họ luôn đúng, luôn tốt, là nạn nhân, là bị hại, nguyên nhân là do người khác cả. Người tử tế không nên vậy. Nhớ nhé các bạn, nói về người vắng mặt, kể cả trên mạng, nếu không nói được điều gì tốt đẹp về họ, THÌ IM LẶNG. Và người nghe, ban đầu thấy thú vị vì tò mò, nhưng sau đó thì họ sợ, vì “biết đâu khi nói với người khác, nó cũng nói mình y chang rứa”. Gần người ưa nói về khuyết điểm của người khác, ta sẽ bị năng lượng xấu, hạn chế tiếp xúc để không bị năng lượng này lây lan. Nếu bạn muốn nói khiếm khuyết của ai đó, trực tiếp gặp mặt nói mới là người TỐT. Còn không dám thì thôi. Còn ai nghe người khác nói điểm yếu của mình trực tiếp mà tự ái phản ứng lại (thay vì tiếp thu) thì quá trẻ con hoặc cái tôi lớn. Không nên kết giao với người có máu tự ái, rất tốn thời gian.

3. Trong thi đấu võ thuật, nguyên tắc chung là không được “đánh dưới thắt lưng”, tức phần bụng dưới. Mặc dù đánh nhau là để giành chiến thắng, nhưng thắng phải vinh quang, phải cao thượng, có đạo đức, có tư cách, không ai khen ngợi người dùng mưu hèn kế bẩn để thắng bằng mọi giá. Đánh lén, đánh úp bất thình lình, bắn tỉa, đánh dưới hạ bộ….đều bị xem là hèn, hạ đẳng. Hèn là từ 1 trái nghĩa với sang. Không được đánh khi người ta đã giơ tay xin hàng, hoặc phải dừng tay khi đối thủ đã ngã. Những quý tộc phương Tây hay Nhật Bản ngày xưa, nếu giải quyết mâu thuẫn có thể chọn đấu kiếm, đấu súng, chết trong kiêu hãnh. Chiến tranh, đánh đấm bao đời nay là chuyện của những người đàn ông, không nên lôi phụ nữ và trẻ con vào. Chuyện phụ nữ tham gia đánh giặc hay trẻ con anh hùng là sản phẩm lịch sử trong chiến tranh vệ quốc, tránh nhắc nhiều, ca ngợi nhiều vì không phù hợp trong thế giới văn minh ngày nay. Phụ nữ từ thời xa xưa đã phải hy sinh thời gian riêng của cuộc đời họ để làm nhiệm vụ duy trì nòi giống cho loài người, chăm sóc người già và trẻ em cho đàn ông ra trận, chăm lo sản xuất hậu phương, cần được nâng niu bảo vệ như ong thợ bảo vệ ong chúa (tức ong sinh sản). Thương trường là chiến trường. Cạnh tranh là tất yếu nhưng “đánh dưới thắt lưng” là điều mà một doanh nghiệp tử tế không ai làm. Một doanh nghiệp tử tế phải bắt đầu bằng người chủ tử tế, rồi văn hoá tử tế lan truyền dần xuống dưới các cấp quản lý, tới mọi nhân viên. Doanh nghiệp ngoài tích luỹ tài chính, cũng phải SANG THIỆT SANG để thế giới ngước nhìn.

4. Một nhân vật nổi tiếng, khi bị sự cố, lập tức có nhiều tin đồn lan ra, nhiều bài viết kể về. Bản án chưa tuyên, mà đã dùng các cụm từ như “hắn, lão, y, tên, gã” (nếu phụ nữ là “ả, thị, mụ”). Ai cũng là quan toà dù chưa 1 ngày học luật. Thông tin về người đó dưới tựa để “đằng sau, chuyện chưa kể,…” được đám tò mò quan tâm nhất. Báo chí phương Tây họ có cụm từ “bầy kền kền” một loài chim chuyên ăn xác thối, chỉ lao vào rỉa rói khi con mồi đã bị thương không chống cự được, khác với đại bàng là kiêu hãnh chủ động và chỉ săn con mồi khoẻ mạnh. Phương Đông nhẹ nhàng hơn với cụm từ “giậu đổ bìm leo”. Bìm là một loại cây yếu đuối, chờ “giậu đổ” thì mới dám leo lên. Đạp người đã ngã ngựa là cách hành xử tiểu nhân. Mình nên nhìn lại mình, nếu thấy hả hê trước sự cố của 1 ai đó (kiểu đáng đời, đáng kiếp, cho chừa….) thì mình vẫn còn tư duy tiểu nhược. Còn nhỏ bé tư duy, còn bình dân tâm hồn, còn không ưa, còn ghét người khác thì mãi mãi chưa thể thành người SANG.

5. Người nông dân xưa với tầm nhìn hạn chế mới nghĩ ra các chuyện cổ tích lấy ác trả ác, lấy oán trả oán, vui mừng khi mẹ con Cám bị hành hạ thể chất lẫn tinh thần. Các chi tiết không văn minh trong truyện xưa (ví dụ cắt đầu dâng thủ cấp, nói dối, nuốt lời…trong Tam Quốc chẳng hạn) đều đã biên tập lại không cho xuất bản trên khắp thế giới vì không phù hợp. Ai còn mải mê tích tụ thêm đất thêm nhà (dù đã đủ cho nhu cầu cư ngụ), rồi ham ăn háu uống (bia dô dô cả thùng), ăn thịt cún thịt cẩu, lấy máu tươi làm súp (tiết canh) thì là hạng PHÀM PHU TỤC TỬ, một đời không sao trở thành người sang được. Bạn có thấy ai sang trọng quý phái mà ngồi dưới đất gặm thịt chó thịt mèo, húp chén tiết canh dính máu động vật trên râu, lấy đũa cạy thịt giắt trong răng roài lủm lại chưa? kkk.

Người SANG họ có tâm hồn thánh thiện nên thích ngồi đọc sách một mình bên 1 tách cà phê/trà/rượu vang nho nhỏ. Họ yêu thơ mến văn, yêu âm nhạc, hội hoạ, yêu thiên nhiên, yêu hoa và yêu con người, ưa du lịch và khám phá, luôn biết vừa đủ vật chất để nâng cao giá trị giải trí tinh thần, luôn có những nghĩa cử cao đẹp một cách âm thầm. Ai không lao động dù lành lặn, còn nhận tiền trợ cấp của người khác là không thể sang. Thơ văn xưa nay không ai ca ngợi các loại dây leo tầm gửi, mà người ta ca ngợi cây tùng, cây bách, cây thông. Hiên ngang và cô đơn giữa trời đất, vươn thẳng, chịu gió chịu tuyết chịu sương, chịu điều tiếng nhưng vẫn quý phái bình thản. “Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo” (Nguyễn Công Trứ).

6. Để làm được người sang thì đầu tiên phải là người tử tế. Muốn có tử tế, thì phải có một văn hoá lớn, một triết học rất sâu, một bản lĩnh lớn, đủ trình độ nhận thức và chiến thắng được cảm xúc, cảm tính của cá nhân, vượt qua lòng tham của người tầm thường. Mọi cảm xúc rồi sẽ qua, chỉ có hành động lúc cảm xúc là để lại hậu quả. Tôn trọng sự thật, logic, quý trọng người khác, thương yêu tha nhân như thân nhân…mới là đẳng cấp. Để kết thúc bài viết, mình xin kể các bạn nghe về sự tích cây thông Noel, mà các bạn thường thấy dịp giáng sinh, nhưng ít người biết xuất xứ. Ở nước Đức ngày xưa, có một tiều phu nọ rất nghèo, đi hái củi mỗi ngày. Đêm cuối năm, mùa đông lạnh tuyết trắng trời. Trên đường đi làm về nhà, ông thấy có một đứa trẻ đói lả nằm co quắp dưới một gốc thông. Ông mang về nhà, sưởi ấm, cho ăn uống. Sáng mai tỉnh dậy, không thấy đứa trẻ đâu, ông mở cửa ra tìm thì thấy một cây thông thật đẹp đặt trước cửa nhà, hôm đó là gần ngày giáng sinh. Có thể chú bé đã tỉnh dậy, đi tìm một cây thông đẹp tặng ông làm quà, hoặc Chúa trời (tức thượng đế tối cao theo tín ngưỡng của nhiều dân tộc) cải trang đứa bé để thử lòng nhân đức, tử tế trong đối xử với nhau của con người. Từ đó, cây thông Noel còn gọi là cây nhân đức, hoặc một số nước còn gọi là cây tử tế, thường được trang trí từ tháng 12 cho đến hết năm mới dương lịch.

Tháng 12, mùa giáng sinh, mùa nhân đức, mùa tử tế đang về….

Thư gửi các giảng viên

Thời Tony đi học, có nhiều thầy cô giảng bài rất hay, sinh viên ngồi nghe thích thú. Nhưng đáng tiếc là cũng có vài ba “tiến sĩ gây mê ”, sinh ra không để làm giáo viên mà không rõ lý do gì chọn nghề này để theo đuổi. Mấy thầy cứ đứng trên bục cầm cái micro nói, dưới này cả trăm đứa, loi nhoi ghi chép đâu được 5 phút là gục ngã. Chỉ còn vài bạn ngồi bàn đầu còn chép được, và gần tới ngày thi thì là nguồn tài liệu cho “xóm nhà lá” phía dưới mượn photocopy. Còn lại, ngủ say đắm hết trơn. Đầu tiên họ nói “tôi nói các anh chị tự ghi chép nha”, nhưng không ai ghi chép được, nên cuối cùng đọc cho ghi như môn chính tả. “Các anh chị mở tập vở ra, một la mã, định nghĩa, xuống dòng, a nhỏ, dấu hoa thị, hai nhỏ…”, Rồi giải lao. Rồi vô tiếp tục “hai la mã, xuống dòng”.

Sau này Tony qua nước ngoài du học, thấy khác. Thầy Peter dạy môn ví dụ Philosophy, phòng A210, 9AM – 11AM. Cô Mary cũng dạy môn này, giảng đường khác, giờ khác. Cô Mary dí dỏm nên được nhiều sinh viên theo nghe hơn, còn ai là “thanh niên nghiêm túc” thì theo thầy Peter, hoặc kẹt lịch làm thêm, tuỳ lịch sắp xếp. Nhưng dù theo ai thì mình đều phải lên mạng coi cái trang web riêng của giảng viên, họ yêu cầu đọc trước chương 7-8 trong sách ABC, sinh viên phải nghiên cứu các vấn đề liên quan từ mọi nguồn tài liệu, thư viện, giáo trình, google…hết các nội dung chuẩn bị học. Lên lớp thầy đứng ở dưới, sinh viên ngồi thành hình vòng cung cao hơn ổng, giống trong mấy nhà hát. Ông vô giới thiệu đâu vài ba câu rồi thôi. Sinh viên giơ tay hỏi, ổng trả lời. Mà cũng hẻm có ai chưa đọc bài mà dám đến lớp. Vì đi vô lỡ ổng chỉ định, Tony mày trả lời giùm câu hỏi của thằng Jimmy đi. Mình lắc đầu nói hẻm biết thì nhục. Ổng hỏi mình 2 lần mà lắc đầu thì thôi, ổng ghi nhớ, bữa sau không gọi nó nữa, coi như là đứa “tồ lô bí đô”, ignore mình, coi như thực vật vô tri vô giác trong lớp.

Nếu bạn làm giáo viên, nếu bạn đang giảng mà dưới kia sinh viên ngủ ngáy khò khò, thì nên coi lại mình, coi lại phương pháp truyền đạt sao không thu hút. Nhiều thầy cứ chê sinh viên ngu, không hiểu bài…trong khi đúng ra là lỗi của họ. NGƯỜI NGHE KHÔNG HIỂU LÀ LỖI CỦA NGƯỜI NÓI. Mình gặp nông dân mình nói khác, gặp nhà doanh nghiệp nói khác, sinh viên 18 tuổi nói khác, học sinh 12 tuổi nói khác….còn gặp ai cũng có một cách nói y chang vậy là mình dở.

NGƯỜI HỌC PHẢI ĐẶT CÂU HỎI CHO NGƯỜI DẠY, CHỨ HẺM PHẢI NGƯỢC LẠI. Từ cấp 3 đã phải giáo dục theo phương pháp này. Sau đó kêu người học về nhà viết bài thu hoạch, viết gọn trong 200-300 chữ, email lại ngay tối hôm đó. Tui dạy 10 buổi, chỉ cần ngồi tổng hợp lại 10 bài đó lúc kết thúc môn và nộp, khỏi thi. Ai không lên lớp mà tự tổng hợp được, đọc thấy đúng thì cho qua môn, khả năng tự học tốt. Cần gì phải quản lý bằng biện pháp điểm danh? Điểm danh là cách học cũ, cần phải bỏ ngay. Sinh viên đóng tiền học phí, coi như bỏ tiền ra mua hàng hoá là kiến thức, mình giảng bài là thực hiện nghĩa vụ giao hàng. Người mua đã trả tiền mà từ chối nhận hàng là quyền của họ, cớ gì ép giao hàng cho bằng được vậy. Gây mê xong kêu dậy để điểm danh thì tội quá tội. Điểm danh chỉ thể hiện sự bất lực của nghề giáo.

Còn mình đã đổi mới phương pháp rồi mà sinh viên vẫn ngủ, thì mình nên đổi nghề, hem làm giáo viên nữa. Ví dụ như xuống bệnh viện xin vô khoa gây mê hồi sức. Thay vì tiêm thuốc mê rất hại cho sức khỏe, nói ê-kíp mổ cầm dao kéo chờ mình, mình đứng cầm micro giảng liền, một la mã-xuống dòng-gạch đầu dòng-dấu hoa thị…. Bệnh nhân sẽ mê man bất tỉnh, bác sĩ tha hồ mà mổ xẻ. Khi bác sĩ mổ xong thì mình cũng ngưng giảng bài, để bệnh nhân hồi sức. Nhưng cũng nhớ nói bác sĩ đeo tai nghe cách âm, chứ họ cũng nghe mình giảng thì chính bác sĩ cũng sẽ gục ngã khi đang cầm dao kéo, nguy hiểm.

Hoặc mình chuyển qua làm bảo mẫu. Sáng vô trường mầm non, cũng một la mã xuống dòng gạch đầu dòng… các bé mầm non sẽ vui vẻ ngủ, khỏi dỗ. Tới giờ ăn là mình ngưng giảng, để tụi nó thức dậy đồng loạt. Cho tụi nó tắm rửa xong thì mình hai la mã. Cho tụi nó ngủ trưa.

Cũng có thể kinh doanh lợi thế của mình. Thu âm bài giảng của mình rồi gửi bán ở mấy tiệm thuốc tây, ghi là “đây là sản phẩm thay thế thuốc ngủ”. Dù ai bị mất ngủ cỡ nào, nghe đến “năm la mã” thì cũng ngáy vang như sấm…

P/S: Đùa cho vui thôi chứ thật tâm mong các bạn thay đổi phương pháp liên tục để mục đích cuối cùng đào tạo ra những người có năng suất lao động tốt, có trí tuệ lẫn tâm hồn mới là điều quan trọng của sự nghiệp trồng người. Chúc các bạn luôn vui khoẻ và công tác tốt nhé. Admin 2

Nỗi buồn gác trọ

Hồi Tony còn đi học ở bển, lớp hay chia thành các nhóm nhỏ để debate (tranh luận). Giáo dục các nước bây giờ, môn tranh luận là môn học chính cho học sinh từ cuối cấp 1. Một bên đóng vai bảo vệ, một bên phản đối, hai bên nói sao cũng được, miễn hợp lý, đưa bằng chứng và lý lẽ thật nhiều thì càng có điểm. Môn học này là môn cực kỳ thú vị khiến học sinh sinh viên rất thích đến trường. Hy vọng là các trường ở VN cũng hội nhập với xu thế này sớm.

Có lần trong môn Leadership (kỹ năng lãnh đạo), Tony ở một team nọ. 30 phút debate, nhưng bên Tony tranh luận lại mới có lần thứ 3 thì bên kia phất cờ trắng, xin thua. Tony sau này đem thắc mắc ra hỏi, anh bạn team kia nói tại tao thấy trong team mày có 2 người châu Á phát âm tiếng Anh không phải bản xứ, tao mới nói vài câu mặt mũi mày đã đỏ, tay cứ thò cái micro chực cắt ngang, nên tụi tao kết thúc sớm, kẻo biến thành màn cãi nhau trên giảng đường. Anh nói, từ nhỏ, ba mẹ thầy cô khuyên là khi sang châu Á, hoặc làm việc với người châu Á (không phải sinh ra ở phương Tây), hạn chế tranh luận với họ. Chỉ nên ca ngợi, ngợi ca. Còn nếu chẳng may mình bị họ phê bình thì xin lỗi ngay và im lặng. Đặc tính nổi bật của dân Á châu là rất giỏi nhìn thấy khuyết điểm, điểm yếu người khác nhưng không nhìn được bản thân mình. Mỗi khi mình bị người khác nói điểm xấu, điểm yếu thì lộn gan lên đầu. Ai chê họ 1 lần là họ nhớ miết thậm chí trả đũa trả thù. Còn lỡ chê họ trước mặt đông người thì thôi rồi, họ sẽ “sống mái một phen”, vì cái tôi, cái sĩ diện họ lớn. Họ lo sợ nhất trong giao tiếp chính là “lose face” (mất mặt). Rất đông người châu Á không chấp nhận sự khác biệt, thấy ai khác mình là lập tức khó chịu. Họ dạy nhau, giao tiếp khôn ngoan là “tốt khoe xấu che”, tức cái gì tốt thì loan báo rộng rãi, cái gì xấu thì giấu kín bưng. Sai lầm, cái xấu không được nói ra công khai, phải “đóng cửa bảo nhau”. Nhưng họ lại có sở thích hóng hớt và bàn chuyện cá nhân, bàn chuyện “người” hơn là chuyện “việc”. Một người nổi tiếng, ví dụ ca sĩ, nhà văn người ta ít để ý giọng hát câu văn (việc) mà quan tâm hơn cả là chuyện cá nhân gia đình (người). Một bên đóng cửa, 1 bên hóng nghe, thì chuyện gì sẽ xảy ra, chắc mày cũng đoán được. Họ trọng sĩ diện nên phải vô cùng khéo léo. Trong quán cà phê, tụi mày nói to thì tụi tao rút. Không qua góp ý kiểu “lower your voice please”, sẽ bị ăn đòn ngay. Quê thì khó huề. Làm việc với châu Á nên khen, như khen trẻ con ấy, để được việc. Khen thì kêu chết nó cũng vừa tủm tỉm vừa cười vừa chết.

Tony mới nhớ có lần Tony nấu cơm đãi tụi nó ở nhà trọ. Đồ ăn cũng thường mà cả chục đứa nói “so yummy” thậm chí đứa khó tính nhất cũng gật gù bảo “nát bét” (not bad), giơ ngón tay cái lên khen kiểu mày là số 1. Tony vui sướng tê tái, dù sau đó một mình đứng rửa chén tới 2h sáng, vừa rửa vừa hát “gác lạnh về khuya cơn gió lùa…”. Giờ coi lại hình cũ, thấy trong tiệc đó hem có ăn miếng nào, cứ ngồi cười miết như thằng khùng.

Lúc mới qua bển, Tony đúng là cũng hay chỉ trích người khác. Thấy khác những gì mình nhận thức xưa nay là lên giọng, toàn “you are totally wrong” (mày hoàn toàn sai). Cái tụi nó sợ hãi nói “I am so sorry” xong lén lén biến mất, lần sau gặp mình, tụi nó cũng cười tươi nhưng trò chuyện qua loa chứ không nhiệt tình nữa. Mình thì chồm chồm lao tới, xoáy vô hỏi thăm chuyện cá nhân, hỏi bồ bịch vợ con, hỏi thu nhập, hỏi xe hỏi nhà, hỏi cha hỏi mẹ, quần áo tóc tai, ý kiến về con A thằng B thế nào…, mấy cái tò mò tọc mạch nhưng lúc đó mình nghĩ là quan tâm. Thậm chí vô duyên leo cả lên xe mới tụi nó nổ máy đi thử. Nó đưa điện thoại coi 1 tấm hình là quẹt quẹt coi mấy tấm hình khác có trong ĐT, vô duyên đến cùng cực. Chưa kể là ngồi chơi, cứ giơ ĐT lên chụp tụi nó, chả xin phép gì. Nên gặp mình là tụi nó cứ nhìn đồng hồ rồi nhìn lên trời xuống đất, rồi kiếm cớ chuồn. Tony cứ chưng hửng miết. Hoá ra cái văn hoá xưa giờ của mình đem ra quốc tế, hem giống con giáp nào. Tony cũng hay lấy mấy chuyện đang thu hút view, like và bình luận trên Facebook Việt Nam, dịch gửi qua bạn bè quốc tế, tụi nó đọc rồi bỏ qua, không like không share không quan tâm. Chưng hửng offline lẫn online. Hem sao cùng chủ đề được.

Thôi hát tiếp để liên tục mạch vô duyên chứ coi chừng viết có duyên lại, độc giả iu quá iu thì chớt.

“Gác lạnh về khuya cơn gió lùa

Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa

Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt

Lá vàng nhè nhẹ đưa…”

Hem liên quan gì đến bài viết, vô duyên bắt ớn.

2014.

Thế nào là người có học?

Có những bài hát, tuổi thơ hát khí thế nhưng hem hiểu lời. Sau này lớn lên, đi xa, mới nhớ, mới thấm.

“Cha mẹ cho con một hình hài. Thầy cô cho con là tri thức. Và theo tháng năm con lớn lên. Ai cũng mong con sẽ thành người”.

“Thành người” là ước mong của các bậc làm cha làm mẹ làm thầy. Thành công, thành đạt thì tốt, nhưng “thành người” là cái mục đích tối thượng của mọi nền giáo dục. Và muốn thành người, chúng ta phải có lòng biết ơn.

Cha mẹ sinh ra mình. Thầy cô dạy dỗ. Bạn bè anh em giúp đỡ. Kể cả kẻ đã lừa mình, vì họ đã cho mình những bài học, sự trưởng thành. Và những tiểu nhân đi qua đời ta, họ cho ta biết thế nào là sự bao dung, lòng quân tử. Kể cả kẻ thù, chúng ta cũng nên cám ơn họ vì họ cho chúng ta ý chí, cho chúng ta lòng kiêu hãnh để đấu tranh. Cứ một ai đi qua đời mình, đều có lý do. Không phải ngẫu nhiên mà họ và mình có sự trao đổi qua lại với nhau, dù trong 1 khoảnh khắc, họ đều có một cái duyên nào đó trong 7 tỷ người trái đất này.

Lòng hào sảng, sự bao dung, suy nghĩ tích cực….mình từng nghe nhiều, đọc nhiều, nghĩ là sẽ làm theo được nhưng thật ra chỉ có thể có ở người mạnh, tâm hồn lớn. Lòng căm thù, ghen ghét, giận hờn,…lại chỉ có ở những kẻ yếu, lòng dạ nhỏ nhoi. Kẻ mạnh sẽ hiểu và kính trọng người đã từng chửi mình, vì nếu họ chửi đúng thì mình sẽ sửa để tốt lên, còn chửi không đúng thì vì sao lại tốn thời gian để tâm? Kẻ yếu thì sẽ khắc cốt ghi tâm nếu có ai nói về điểm không tốt của họ, rồi tìm cách trả đũa hay trả thù. “Tốt khoe xấu che” là tâm lý nhược tiểu của kẻ rất yếu. LÀM THẦY, CHỚ DẠY HỌC TRÒ LÒNG CĂM THÙ, VÌ SẼ TẠO RA NHỮNG NGƯỜI YẾU ỚT.

Ai đã giúp đỡ mình, dù là tí xíu, dù là một dòng thông tin ngắn gọn mà từ đó mà mình biết, mình nhận lấy và thay đổi cuộc đời, mình phải ghi nhớ. Đó là sự văn minh và có học. Sự học nó vô vô vàn vàn, đơn giản nhất của người được giáo dưỡng tốt, mọi dân tộc đều đúc kết lại đó là “lòng biết ơn” (gratitude). Mình có triết lý sâu để nhận ra, những ai đã giúp mình có được ngày hôm nay, thì thật tâm mang ơn dù họ có thể đã không còn nhớ mình là ai. “Văn minh nào có khó gì. Nhận thì phải nhớ, cho thì phải quên” như lời của một người chúng-ta-đều-biết-đó-là-ai từng căn dặn.

“Nhưng em chỉ thành người, khi em sống giữa cuộc đời. Em chỉ thành người, khi em sống với quê hương”. Ai đã từng đi thật xa, có thời gian sống xa tổ quốc, mới thấm thía hết được câu hát trên. Rất nhiều người có tiền, có trình độ, có sự thích nghi, có thể sống tốt ở nước ngoài nhưng họ chỉ thấy họ hữu ích thật sự khi sống ở quê nhà. Vì giá trị mỗi người, hạnh phúc nhất là được giúp đỡ cộng đồng mình. Tài sản lớn nhất của một đời người, không phải là công danh sự nghiệp, tiền tài, địa vị…mà chính là sự cho đi. Bạn cứ cho đi, tự khắc sẽ được yêu mến, nể phục, kính trọng, biết ơn….vì trong xã hội, người có học vẫn còn nhiều, nhiều lắm.

“Đất nước mến thương cho em thành người”.

Các bạn cùng nghe lại nhé. Happy Teacher’s day!

https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/dat-nuoc-men-thuong-hoang-ngan.dovK5qNStE6D.html

Thoát nghèo từ đâu?

Một bạn trẻ than thở, vì hồi đó nhà nghèo, không có tiền nên không đi học thêm tiếng Anh. Vì không có tiếng Anh nên ra trường lương thấp. Giờ đi học tiếng Anh thì muốn học chỗ nào mà vài ba tháng là lưu loát được, kết quả là thầy nào cũng dở, trung tâm nào cũng tệ vì mình không có kết quả. Nhà lại hoàn nghèo.

Bạn trẻ khác lại than, vì không có tiền nên không thể đi du lịch. Vì không đi đây đi đó nên cũng không biết thế giới người ta làm gì mà bắt chước. Đi cũng không quan sát học hỏi được gì vì đầu óc tiêu cực, phàn nàn mấy cái vụn vặt. Hoặc đi chỉ để chụp hình khoe khoang chứ không chú tâm nghiên cứu sâu về văn hoá, kinh tế, đặc trưng vùng miền mình đặt chân đến. KQ: Tiếp tục nghèo.

Ông nông dân than tui không có tiền mua giống trồng cây, phân thuốc. Nên cuối năm cũng không có thu hoạch gì. KQ: Nghèo rớt mùng tơi. Mùng tơi nấu canh mà còn rớt thì thôi nghèo quá nghèo (nói đùa chứ mùng tơi này nghĩa khác, hem phải cây mùng tơi đâu nha).

Ông chủ doanh nghiệp nhỏ than, công ty quy mô này tiền đâu thuê người giỏi. Vì không có người giỏi nên doanh nghiệp không phát triển được. Lùng bùng tư duy.

Vậy mấu chốt giải bài toán này nằm ở đâu?

Đột phá từ tư duy. Nghĩ khác, làm khác với toàn bộ nhận thức xưa nay của mình.

Âm thầm làm việc theo ý mình, chả phải hỏi ý kiến ai. Ví dụ: chú Đức fax trăm bức thư mới mời được ngôi sao bóng đá Kiatisak về. Bay sang Thái chuyển tiền lương luôn cho người ta không đổi ý.

Học mãi tiếng Anh hoặc cái nghề gì đó mình ưa thích mà không xong. Nghỉ việc rồi âm thầm tu luyện mấy tháng, thậm chí mấy năm rồi xuất hiện.

Ở thành phố cạnh tranh không lại, dạt về ngoại ô, về tỉnh xa làm. Lâu lâu quánh con Mẹc lên thành phố shopping.

Vay vốn làm ăn. Thế chấp tất cả, kể cả niềm tin. Thành thì hưởng vinh quang, bại thì nợ nần, trả không được thì lao lý. Có chơi có chịu. Dám làm dám chịu. Ở tù vì tội kinh tế, với người làm ăn, là việc mất thời gian chứ không liên quan gì đến nhân cách. Họ phải trả giá cho việc ra quyết định sai trong kinh doanh, đầu tư. Tuổi thọ 80 năm, chọn làm doanh nhân, ở tù 5 năm thì coi như tuổi thọ mình giảm còn 75 tuổi. Chứ sợ sai mà không dám ra quyết định kinh doanh tài chính thì sao làm lớn. Hiểu biết, tính toán, nắm luật, trung thực, minh bạch, tin dùng người….đều chỉ có thể hạn chế thấp nhất chứ không thể triệt tiêu 100% mọi rủi ro được.

Nếu một người chấp nhận đánh đổi, trả giá….người đó có tố chất của người kinh doanh. Không sợ mất tiền, MẤT KHÔNG TIẾC, “mất thì làm lại”, đó là tố chất của người TỰ TIN vào năng lực bản thân. Người này sẽ làm nên đại nghiệp.

Còn vẫn sợ, vẫn muốn an toàn…thì nên làm nghề hành chính sự nghiệp, giáo viên…. Xin vô biên chế 1 lần rồi cứ thế đến ngày về hưu. Mỗi ngày làm công việc như mọi ngày. Nói những câu đó, những động tác đó năm này qua tháng nọ, nếu mình thấy thú vị thì Ok.

Còn muốn làm kinh tế, phải dẹp bỏ tư duy sợ hãi hay lặt vặt. Ngủ 1 mình sợ ma thì doanh nhân gì. Doanh nhân phải đi khảo sát ở những thị trường mới, có khi ngủ bên ngoài súng nổ đì đùng chứ nằm đó sợ ma. Không thì dắt theo em thư ký để ngủ cùng cho hết sợ. Sợ ma là tâm lý của những người có thần kinh rất yếu, không thể làm nên việc gì lớn cả. Con trai mà sợ ma thì vứt. 100% chắc chắn. Các hãng thương mại của Nhật, tuyển nhân viên hay hỏi “có sợ ma không”, nếu sợ thì thôi cho làm văn phòng, không cho đi công tác. Ngành hướng dẫn viên du lịch cũng vậy, ban đêm không thể ngủ với khách du lịch vì “em sợ ma”. Yếu bóng vía, ma cũng sợ thì “hù cái, đái ra quần” như dân gian hay nói đối với thành phần yếu mềm trong xã hội.

Đã chọn nghề thì phải chấp nhận “sinh nghề tử nghiệp”. Chọn làm bác sĩ phải chấp nhận nguy cơ lây bệnh từ bệnh nhân. Làm vệ sĩ phải chấp nhận bị đoạt mạng để bảo vệ thân chủ. Không thể khi kẻ xấu tấn công, mình làm nghề vệ sĩ mà vội vàng đẩy ông thân chủ ra đỡ đạn, mình núp phía sau he hé mắt nhìn.

Chọn làm kinh tế mà “nhiêu đó được rồi”, “chồng giám đốc, vợ kế toán trưởng”, quy mô gia đình, không dám cho người ngoài vào vì sợ mất thì sao lớn mạnh được. Trí tuệ, vốn liếng, quan hệ, kinh nghiệm…phải huy động từ xã hội mới làm lớn được. Nhưng có thể có nguy cơ mất cả công ty vào tay người khác. Thì có sao, MẤT THÌ LÀM LẠI. Hoặc làm xong thì bán công ty, mở cái mới. Giờ công ty là hàng hoá, người ta đã xây dựng công ty và rao bán công ty rồi, mình có cái business nhỏ xíu ôm miết. Sợ mất tiền là còn chưa đủ tài năng. Người tài năng chả sợ mất tiền đâu.

Mình không dám đánh đổi, không nghĩ lớn, không chịu rủi ro thì sẽ làm ăn cò con, đắp đổi qua ngày, nhiêu đó làng nhàng miết.

Dân gian có câu

-Có phúc làm quan, CÓ GAN LÀM GIÀU

-Được ăn cả, ngã về không (zero-game)

-Năm ăn, năm thua

-Được làm vua, thua làm chốt (con vua con chốt trong bàn cờ).

-Thà một phút thật giàu rồi chợt tắt. Còn hơn nghèo hiu hắt suốt trăm năm.

-Dân tộc giàu mạnh đều có máu chinh phục. Dân tộc nghèo đói có máu mai phục. Người giàu vì người ta suy nghĩ tích cực, người nghèo vì sở hữu đặc tính tiêu cực dù trí thông minh của mọi dân tộc là như nhau.

Đời người vĩ đại hơn thua nhau ở chữ DÁM. Bấm nút play. Nghĩ rồi đứng dậy làm luôn, chết là cùng. Đó là tư duy của 5-10% dân số.

Còn lại thì nói cỡ nào cũng khó mà lay chuyển lòng họ. Háo hức lắm, quyết tâm lắm nhưng tới phút 89, nghĩ lại nên thôi. Em xin dừng cuộc chơi tại đây để bảo toàn số tiền vừa kiếm được, nghe thật đáng thương, lên tivi có một lần, chơi thì chơi trọn vẹn, còn tiền thì kiếm ngoài đời lúc nào chẳng được. Đời em thế thôi, động não thu gom để 1 vợ 2 con 3 tầng 4 bánh, vun vun vén vén cho gia đình mình. Xong roài hết cuộc đời. 100 năm 1000 năm, chả ai nhớ mình là ai đã từng đi qua trái đất này. Không có bất cứ thành tựu gì để lại cho nhơn loại, cho xã hội, cho quê hương, cho đất nước, cho tỉnh nhà, cho huyện nhà….

Thì cũng không có gì sai. Nhưng nếu tầm suy nghĩ chỉ tới đó, mà là đứa có trí thì hơi uổng. 100% doanh nhân làm lớn, cơ nghiệp vài trăm tỷ trở lên, không ông nào mục tiêu mở nhà máy xí nghiệp ra chỉ để làm giàu, kiếm tiền cả. Nếu mục tiêu tối thượng, ham muốn tột bậc của mình là làm giàu, thì sẽ mãi không thể làm lớn. Vì sẽ sợ mất khi có chút tiền trong tay.

http://daidoanket.vn/khoi-nghiep-thanh-cong-dam-mao-hiem-va-chap-nhan-rui-ro-357848.html

Thế nào là 1 thanh niên giỏi?

Trước khi trả lời câu hỏi này, mời các bạn đọc thông tin sau:

Khoảng 80-90% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam là sang Trung Quốc, tuy nhiên gần đây nước bạn đã trồng được 1 diện tích khá lớn ở Quảng Tây và đảo Hải Nam. Do là cây nhiệt đới xích đạo nên khi sang các tỉnh này của Trung Quốc (vùng á nhiệt đới), cây thanh long chỉ cho trái vào mùa hè và thu, từ tháng 6-7-8-9-10-11. Mùa đông họ chặt cành, quấn rơm ủ cây để không bị giá rét ảnh hưởng.

Hiện nay, thanh long nước bạn đang thu hoạch (chưa kể 1 diện tích khá lớn họ đang trồng ở Lào) nên thanh long Phan Thiết ở mức giá rất thấp, ế gần chết. Nông dân chả có khóc lóc gì đâu nha, họ hơi buồn tí, nhưng có chơi có chịu, lúc lãi lúc lỗ là cơ chế thị trường. Nếu ai đó bảo khóc ròng hay kêu cứu gì đó là mấy người đi viết báo, chứ nông dân không có. Mình thấy rẻ thì mình ăn thôi chứ cũng chả quy kết nâng quan điểm chi cho nó “phức tọp”, nóng não. Các bạn tranh thủ ăn cho mát nhé. Mỗi người 1 ngày ăn 1 kg rất tốt sức khoẻ. Thi đua nô nức ăn thanh long.

Thời điểm nông sản giá thấp thường là an toàn, vì nông dân cũng không đủ tiền phân thuốc chất bảo quản gì cả. Đại khái sạch sẽ cỡ organic luôn.

Thanh long họ xương rồng, cây nhiệt đới trên cát. Thiên nhiên kỳ diệu, vùng nóng như Ninh Thuận, Bình Thuận…thì cây họ xương rồng lại phát triển mạnh. Trái của nó ra đời có tác dụng giúp các sinh vật khác sống trên tiểu sa mạc này ăn vào điều hoà cơ thể, bù nước, bù khoáng chất. Người xứ nóng da hay mụn, thanh long sẽ giúp trị hết, da dẻ mịn màng, đẹp như tiên đồng ngọc nữ.

Người xứ nóng ăn trái cây nhiệt đới sẽ tốt hơn ăn trái cây ôn đới, vì trời đất sinh ra nó vậy. Hem phải cứ quất lê táo kiwi là tốt cho sức khoẻ, vì cây trái đó nó sinh ra là để người xứ lạnh dùng.

Hiện nay giá thanh long đang rẻ, các bạn tranh thủ làm mứt để dành để ăn sáng. Mứt này có thể để dành được 6 tháng, không tủ lạnh được 3 tháng. Công thức làm như sau:

Thanh long: 5kg, lựa màu đỏ cho đẹp. Hoặc không có đỏ thì trắng cũng đẹp (ba phải quá).

Đường cát: 2kg-3kg (ai thích ngọt bỏ 3kg, ai hem thích ngọt bỏ 2kg, trung bình là lượng đường bằng 1/3 đến 1 nửa lượng thanh long).

Chanh, 2- 3 quả.

Quế: 1 miếng nhỏ bằng ngón tay cái (hem có quế thì bỏ miếng gừng, hem có gừng thì thôi, cái này thêm mùi chứ không cần thiết, nhiều hôi).

Thanh long lột vỏ, xắt nhỏ nhỏ, không cần xay sinh tố đâu. Tí nữa nấu lên nó sẽ tan, nhưng mình thái càng nhỏ thì nó tan càng nhanh. Nếu giỏi thì xắt cỡ hạt lựu (hem phải lựu đạn).

Đổ hỗn hợp thanh long và đường đó vào cái nồi. Nấu trên bếp lửa nhỏ, liu riu, đứng khuấy đảo liên tục chứ đừng có nhìn. Cứ 10 giây là khuấy 1 cái để nó không có bị cháy đáy nồi.

Sau khoảng 45p -1h thì nó sẽ keo lại, sền sệt. Mình tắt bếp, vắt 2-3 quả chanh vào. Nước chanh chứa Acid Citric, là chất bảo quản. Phải tắt bếp, đợi 1-2 phút mới vắt chanh chứ còn sôi là chanh nó sẽ đắng. Khuấy đều lại lần nữa rồi để nguội, bỏ vào lọ. Cất vào tủ lạnh, sáng mua bánh mì sandwich hoặc bánh bì không, phết vô ăn sáng như Tây ăn mứt dâu vậy.

Làm tặng cho bạn bè người thân, mỗi người một hộp, nói tấm lòng thơm thảo của mình. Họ iu mình chết bỏ luôn.

In và dán bên ngoài tên nhà sản xuất (là mình), địa chỉ sản xuất (nhà mình), số ĐT, Email, FB..

Ai thấy ngon đặt hàng mình bán luôn kiếm tiền đi du học.

P/S: Thanh niên giỏi là phải lao động. Tay chân thể lực phải có. Biết tạo ra của cải cho xã hội. Bắt đầu bằng sản xuất mứt thanh long, trong quá trình làm, đầu óc mình sẽ có nảy ra nhiều cái hay lắm. Biết đâu một ngày mình sẽ trở thành tỷ phú đô la. Lúc đó, sản phẩm khởi nghiệp sẽ dính vô tên mình. Ví dụ Minh thanh long, Hà thanh long, Vũ thanh long, Bình Thanh Long, Ngọc thanh long….Vô hội thảo hay giao lưu sinh viên, quẹt nước mắt nói ngày xưa tôi đi lên từ chảo mứt thanh long, nay cơ ngơi có chục cái nhà máy, nhưng sáng nào tôi cũng ăn bánh mì phết mứt thanh long vì nhớ thuở hàn vi. Nói vậy cho mấy đứa nhỏ nó xúc động chứ thật ra là mình ăn toàn phở bò Kobe. Giàu thì mình tích cực đi chia sẻ, nói gì cũng hay, nói gì người ta cũng nghe cả. Mà cái này đúng, một người có tư duy đặc biệt sao đó thì họ mới giàu. Nhưng công thức chung là ai cũng từng làm cái gì đó thời khởi nghiệp. Chú X sản xuất mì tôm, chú Y làm lò vôi, chú Z làm gạch men, chú A làm bàn ghế, chú B là gốm sứ, cô C nuôi gà đẻ trứng, cô D nuôi bò sữa….

Vậy nhé. Lập group rủ bạn bè ngày mai mua về làm đi. (Hình nguồn Internet)

Chuyện hạc chuyện hành

Tập 1: Đi thi đại hạc:

Tốt nghiệp cấp 3 xong, Toni cũng bon chen đi thi đại hạc. Hồi đó, bộ đề nó riêng. Phải khảo sát được hàm số, tích phân, tìm 3 lọ hoá chất bị mất nhãn (năm nào cũng làm mất), rồi ô mê ga tê cộng phi thì mới đậu (nhưng giờ hem biết mấy cái đó để làm gì, từ năm lớp 10 đã chăm chăm ngồi tính cái đó từ 5h sáng đến 11h đêm nên kiến thức cơ bản gì cũng hẻm biết). Thầy cấp 3 dặn là khó mình thì khó người ta, dễ mình dễ người, đừng cho ai coi bài. Phòng thi thì toàn mượn của mấy trường phổ thông, mình thi ở trường Lê Quý Đôn còn đỡ, có bạn phải thi bên tiểu học Vân Đồn, bàn ghế thiết kế cho các bé nhi đồng, có vài thí sinh cao trên 1m80 ngồi 3 buổi thi xong về phải ghé BV chấn thương chỉnh hình để chỉnh cột sống.

Hồi đó có cái thằng dân Sài Gòn, mặt sáng nhưng hạc ngu, tên y chang mình. Giám thị quánh số báo danh hướng đông tây nam bắc chi thì nó cũng ngồi cạnh. Nó cho mình cục kẹo chanh rồi xin coi bài, mình nói ngu gì mậy, cho coi rồi mày đậu tao rớt sao. Nó nói tao đi thi cho vui vì vài bữa nữa má tao bán nhà đi Mỹ định cư luôn rồi. Cái mình hỏi nó chứ nhà mày có vòi sen hem, nếu có thì chút nữa cho tao về tắm thì tao cho coi. Nó nói được được nên mình tháo bàn tay trái đang che bài ra cho nó cọp py liền. Bởi cái tật ham tắm vòi sen nên thằng này cũng đậu điểm cũng ngang ngửa với mình, vô hạc được đâu 1 hạc kỳ thì đi Mỹ thiệt. Chứ nó mà hạc luôn thì tới năm 2 thế nào Toni cũng tổ chức chặn đường quánh đập kiểu bạo lực hạc đường. (P/S: Xuống tone: bạn ơi, giờ mình mất liên lạc với bạn rồi, mình có qua Mỹ mấy lần, nhưng hẻm thấy bạn. Nếu bạn có đọc bài này thì nhắn tin cho mình nha để nhận những món quà xinh xắn).

Tập 2: Đi hạc ĐH.

Vừa vào lớp 13, Tony thấy choáng trước các hạc hòm (tức học hàm) và hạc vị của các thầy cô, thấy ai cũng ra giáo trình có các ký hiệu PGS, GS, TS, PTS, ThS phía trước tên riêng. Năm đầu thì in tên họ luôn, tưởng họ viết, ai dè là biên soạn, biên dịch. Do yếu tố khách quan, phần lớn được đào tạo ở Đông Âu và Liên Xô với cách phân loại hạc vị khác. Về nước, với tấm bằng phó tiến sĩ (nghe nói học lâu hơn thạc sĩ nhưng chưa tới mức của tiến sĩ), bỗng dưng ngủ 1 đêm thức dậy trở thành tiến sĩ với chương trình hợp pháp hóa tiến sĩ theo nhu cầu đổi mới, vì liên kết với Anh, Pháp, Úc, Mỹ,… phó tiến sĩ không có cấp tương đương để trao đổi hạc thuật, nên từ đó nước ta tuyệt nhiên không còn phó tiến sĩ nữa. Vì chương trình ngành kinh tế nó lạ nên nhiều thầy cô phải hạc thêm tiếng Anh mới có thể nắm bắt và đọc được các giáo trình bên kia gửi về. Nhiều thầy cô trở thành các cây đa cây đề, được nhiều sinh viên tôn trọng và yêu mến. Một số khác đuối quá nên thôi phân công gì giảng đấy chờ lúc về hưu, nhiều vấn đề cũng không rành nên nếu bị sinh viên chất vấn ngược sẽ dùng quyền lực “cả vú lấp miệng em” trả lời, khiến sinh viên hết sức sợ hãi. Có lần Tony giơ tay thắc mắc vấn đề trong kinh tế vĩ mô, cô giáo nghiêm giọng nói “em sinh trước cô hay cô sinh trước em?”. Mình hết hồn liền nói “dạ em sinh năm 1980, còn cô thì em hẻm biết. Nhưng em xin lỗi và xin rút lại câu hỏi”.

Lên trường nghe thông báo nghỉ do bữa đó cô bịnh là đứa nào đứa nấy mừng hết lớn, liền tổ chức đi câu cá hay đi coi… cò ở vườn cò. Dù giáo trình khá tiên tiến, dịch ra từ giáo trình phương Tây cả nhưng sinh viên vào ngồi chờ thầy đến, đọc gì chép đấy, thi hạc thuộc lòng và trả lời y chang là được. Các thầy cô trở thành các phát thanh viên với những giọng đọc truyền cảm và các sinh viên là các tay chép chuyên nghiệp sau 4-5 năm. Như Tony và bạn hữu xóm nhà lá, vô lớp hào hứng được 15 phút là gục ngã xuống bàn và ngáy vang như sấm, nên giảng đường là các miên trường khổng lồ với những lời thỏ thẻ qua micro ru ngủ ngon giấc hàng ngàn sinh viên bao thế hệ…

Tập 3: Tốt nghiệp

Rùi ngủ mãi cũng có ngày bạn đập dậy, dậy đi, tới ngày tốt nghiệp rồi. Chu cha mừng húm. Nói ủa tốt nghiệp rồi hả mậy. Thiệt hem? Toni nằm trong danh sách được bảo vệ luận văn cử nhân, thường là các công trình sao chép công phu từ khoa này sang khoa khác, khóa này sang khóa khác, nên giờ thú thật không nhớ đề tài mình viết về cái gì nữa. Ngày ra trường, xúng xính áo quần, đứng cho ông thầy cầm cái dây lòng thòng trên mũ hất từ bên trái sang bên phải, thế là thành cử nhân. Sau khi xuống sân khấu, đứa nào đứa nấy đứng ẹo qua ẹo lại trước cổng trường để chụp hình. Chỉ thiếu bãi cỏ để nằm sõng xoài xuống. Hồi đó chưa có vụ liệng cái mũ lên trời rồi ngước lên cho người khác chụp.

Ông cử bà cử vừa vui vẻ hỉ hả xong phải đối mặt với thách thức đầu tiên: tìm việc. Mình suốt ngày lên báo đọc coi có ai tuyển dụng thì lật đật mang hồ sơ đến. Nhưng nộp cả chục cái mà hẻm có ai gọi, sau này mới biết là vì viết thư xin việc mà giống nhau như đúc vì thói quen sao chép. Phỏng vấn thì ‘oh sorry I am so shy’, nghẹn ngào nói không nên lời. Cuối cùng, sau 1 đêm uống mấy ly café bị thức trắng, bèn sáng tạo chèn bông hồng ngay vào chỗ ‘To whom it may concern” – do mới học kỹ năng insert trong winword. Nhà tuyển dụng vừa thấy là gọi điện thoại mời phỏng vấn ngay. Chị nhân sự nói lúc nhận hồ sơ của em, cả công ty từ giám đốc đến lao công hết sức phấn khởi vì nói thằng này biết chèn bông hồng trong đơn xin việc nè, chắc là nhân tài đây. Nhưng vô được mấy bữa thì mới ôi thôi, cái gì nó cũng không biết. Lại cứ nghĩ cỏ ở đồi khác xanh hơn nên nhấp nhỏm nhảy việc. Ông giám đốc biết nên đuổi luôn cho nhanh. Tony thất nghiệp hẻm biết làm gì nên đăng ký thạc sĩ, chính quy nhưng trường nào cũng mở vào ban đêm để ban ngày hạc viên vẫn tranh thủ đi làm.

Tập cuối: Lớp 17 +

Lên cao hạc, tưởng gì khác, cũng luyện chính tả đến mỏi tay, trừ vài ba thầy ở nước ngoài về dạy hấp dẫn tí, còn lại các thầy cô già già phát âm các khái niệm quản trị bằng tiếng Anh nghe cười mém xỉu. Bạn hạc của Tony, 1/3 học viên là thất nghiệp không biết làm gì; 1/3 là sự o ép của gia đình, toàn ông cha bà mẹ nói tao hạc ít mày hạc được thì “tới luôn bác tài”, tao nuôi; 1/3 còn lại là muốn có bằng cấp để làm cái gì đó, cũng có người đam mê khoa học nhưng ít coi như con số ép xi lông, không đáng kể. Lớp chia 2-3 phe, để không trượt trong các kỳ thi, các phe tận dụng tối đa thế mạnh của mình. Ông thầy hướng dẫn của mình suốt ngày thích hớt tóc ráy tai, nên nhóm mình 3 đứa phải thay phiên đưa ổng đi ráy tai ở chung cư gì ở đường Trần Quang Diệu. Đi riết rồi lúc mình đưa đề tài nói thầy ơi em làm đề tài này được không, ổng chửi quá trời. Đề tài của Toni định làm là “Kinh doanh hớt tóc ráy tai trên địa bàn quận 3, thực trạng và giải pháp”. Thì suốt ngày vô đó mà, có biết cái gì khác mô?

Nhớ có ông thầy tên D, buồn cười không chịu được. Thi xong là ổng gọi lớp trưởng ghé nhà ổng, đưa bảng điểm cho coi, toàn 1-2 điểm. Thằng lớp trưởng hớt hải về báo cáo, mày rớt, mày rớt, rồi cả lớp xôn xao, tối nào cũng đông nghẹt hạc viên ghé nhà. Rồi bảng điểm thật xuất hiện, đứa nào cũng 9-10, trừ Tony được 5 điểm vì lười không ghé. Nhưng ổng cũng không đánh rớt, vì có 1-2 đứa, tổ chức hội đồng thi lại mắc công. Tối nào lẽ ra 9h mới hạc xong nhưng 8h ổng cho tan lớp, ổng rủ mấy anh trong lớp và Tony bữa đi nhậu, bữa đi nghe ca cổ, bữa đi mát xa. Nhìn cảnh thầy trò tồng ngồng trần truồng (me too) nhảy vào bể Jacuzzi nói chuyện trường chuyện lớp mà thấy vô cùng dễ thương.

Rồi tới ngày tốt nghiệp, ai ai cũng tìm ra được 1 đề tài để viết. Luận ven thạc sĩ của mình bị hội đồng phản biện mổ xẻ có tới 14 điểm yếu, chỉ có 3 điểm mạnh là FONT CHỮ TO DỄ ĐỌC, BÌA VÀNG GẮN LÒ XO VÀ HẠC VIÊN ĐẸP TRAI. Hôm gặp 1 chị kia, trước là cán bộ giữ thư viện, giờ bỗng dưng trở thành thạc sĩ y khoa. Chị tươi cười bảo, đề tài luận ven của chị là “Thống kê tình hình mắc bệnh ỉa chảy của dân cư vùng Đồng Tháp Mười từ năm 2000-2005, tầm nhìn 2020”. Mình hỏi thế chị là thạc sĩ toán học thống kê? Chị chặc lưỡi, thống kê là thống kê thế nào, thạc sĩ y khoa hẳn hoi nhá. Các thầy trong trường trong viện cả, lên đây mượn sách quen chị hết. Mấy thầy thương chị ngần ấy năm lặn ngụp trong việc phân loại sắp xếp đống tri thức ngồn ngồn kia, lại sắp về hiu rồi, có hạc hòm hạc vị thì lương hưu cao 1 chút, nên KQ toàn là chín phẩy năm, chín phẩy năm và chín phầy năm (dấu ấn SV 96).

Chị còn nói thêm, em biết chị Lan phòng tài vụ hem, thạc sĩ tài chính rồi đó. Đề tài là “Cách phân biệt tiền giả tiền thật khi sinh viên đóng tiền hạc phí”, đề tài dày lắm mấy trăm trang, chị ấy những 30 năm ngồi đếm tiền cơ mà, kinh nghiệm cứ thế mà viết ra, tuôn trào dào dạt. Em biết chú Tư bảo vệ hem, chú ấy vừa bảo vệ luận ven cử nhân với đề tài “Phương pháp sắp xếp xe đạp và xe gắn máy gửi trong trường Đại hạc X theo mô hình hồi quy đa biến”. Chị Bảy lao công thì đang ven bằng 2 bên trường đại hạc tư thục thể dục thể thao Phạm Văn Mách Bảo. Xong chị sẽ liên thông qua thạc sĩ thể dục dụng cụ rồi tiến sĩ wushu luôn, em mà thấy chị ấy cầm chổi quét, ối giời ơi đẹp lắm, Thúy Hiền mà thấy á, phải xách dép chạy theo gọi mợ Bảy…

Tin giờ chót: Chúng ta sắp có 1 tiến suỹ Dr Teo Van Tran ( tức Tony Tèo), Há Vợt 2017. Anh ấy đang ủ mưu dùng nhan sắc của mình hòng đoạt được hạc vị của 1 trường danh tiếng (xem ảnh minh họa).

Một ngày một lần, vào lúc sáng sớm. Chất thải ngày hôm trước không nên tích tụ trong người vì chất độc sẽ thấm vô lại cơ thể, theo quan niệm của người xưa và cả y học hiện đại. Sáng mình đổ rác cho nhà sạch. Thì cơ thể cũng vại.

Sáng sớm tập thể dục, xong uống hớp cà phê pha loãng (nhớ đừng loại keo đặc hay nước có màu đen sì hay nồng nàn mùi hương hoá chất nhé), sẽ giúp bạn đi cầu dễ dàng hơn.

Vấn đề này không có gì ngại, có đầu vào thì phải có đầu ra. Người ta giới thiệu món ăn này ngon, nhà hàng kia đẹp…thì đó là đầu vào. Còn đầu ra thì hem dám nói vì ngại. Thực tế là chúng ta cần quan sát đầu ra của mình, thấy bất thường lập tức điều chỉnh đầu vào hoặc đi bác sĩ.

Mỗi sáng, chúng ta vệ sinh cơ thể gồm luôn cái này nhé các bạn. Xong mình dùng vòi rửa rửa thật sạch, sau đó rửa tay kỹ với nước rửa tay hoặc xà phòng. Đẹp nhất là “đầu ra” xong là đi tắm luôn cho thơm tho, sạch sẽ, sảng khoái cho một ngày mới.

https://vnexpress.net/thoi-diem-tot-nhat-de-di-dai-tien-trong-ngay-3360606.html

Cho vừa lòng em

Mua hàng của người quen, xong nhận được tin nhắn “Cám ơn anh đã ủng hộ, thanks for your support”. Từ ủng hộ là một từ sai trong kinh doanh. Người ta chỉ nên “Cám ơn đã mua hàng, thanks for your order”.

Mình khởi nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ một cái gì đó, có nên kêu gọi bạn bè, gia đình, người quen ủng hộ mình hem? Câu trả lời là hem. Chớ có dại dột.

Nhiều bạn ngạc nhiên, nhưng đó là sự thật. Tư duy của tiểu thương xưa nay nên khi mình mở ra làm ăn buôn bán, khách hàng mình nghĩ đầu tiên là người quen. Ví dụ nói với bạn bè, “tao mới mở quán bún bò trên đường X, mày nhớ ghé ủng hộ nha”. Mở ra làm ăn là “nhờ 500 anh em ủng hộ”.

Rồi nó ghé ăn, dẫn đến rất nhiều lúng túng. Mình bán phải đặc biệt tí, thêm thịt thêm bún, chứ giống khách khác thì cũng không ổn. Nó ăn xong, mình không giảm giá cũng kỳ, mình lấy tiền cũng kỳ, mà không lấy tiền thì cũng kỳ nốt. Cảm giác MANG ƠN, nợ 1 món nợ tình cảm nó đè nặng trên người.

Dưới góc độ người ủng hộ, họ sẽ suy nghĩ khác. Nếu mình lấy tiền, nó sẽ nói trời ơi nó là bạn thân, giờ làm chủ quán, tao vô ăn mà nó cũng lấy tiền, giận. Còn nếu không lấy tiền, nó nói trời ơi sao không lấy, ngại quá bữa sau tao không dám qua nữa. Đứa não phức tạp hơn nó còn nghĩ “nó ỷ nó làm chủ rồi, khinh không lấy tiền tao”, “ghét cái thái độ” nên đi kể tùm lum. Mà cái thể loại văn học này thì nhiều vô kể. Cuối cùng phải làm sao cho vừa lòng người đây, người ơi?

TỐT NHẤT là KHÔNG KỂ, KHÔNG TÂM SỰ chuyện kinh doanh của mình cho người thân bạn bè, kể cả cha mẹ vợ chồng con cái. Đó không phải là cái chia sẻ, nhiều bạn dại dột cái này, làm ăn mà cứ chia sẻ, họ hỏi cũng không nói. Họ quan tâm thì cám ơn, cười cười rồi không nói, nói sẽ có gì kể sau.

Còn háng xòm làng giêng (bỏ lộn dấu roài, đúng là hàng xóm láng giềng) thì càng tuyệt đối không kể chuyện làm ăn của mình. Họ sẽ tò mò qua hỏi, hoặc nghe ngóng thông tin, hỏi thăm thông tin của người này người kia, nhưng mình cũng không chia sẻ. Ai muốn biết, kêu họ qua, nói ngồi xuống, giờ muốn biết thông tin gì, mình cung cấp cho chính xác. Có cần văn bản này nọ có đóng dấu đỏ không? Họ tò mò nhiều chuyện là do thiếu việc làm, không bận rộn, nhàn cư vi bất thiện. Mình tuyển họ vô làm công nhân cho mình đi, giao việc từ sáng tới khuya là hết thời gian quan tâm đến xã hội.

Chuyện ai nấy làm. Không KÊU GỌI NGƯỜI THÂN ỦNG HỘ MUA HÀNG là nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh. Họ mua thì bán, nhưng nói rõ họ cũng là NGƯỜI MUA NHƯ MỌI NGƯỜI MUA KHÁC. Ai vui vẻ OK thì làm, còn thấy khó chịu thì thôi sớm từ đầu, để khỏi rắc rối tốn thời gian về sau.

Những bạn làm sale, mới vô thấy bán khí thế, nhưng toàn cho người quen người nhà…thì đứa đó quá dở. Vì người thân của nó mua xong thì hết mối. Một số bạn tuyển nhân viên kinh doanh, thấy nó có quan hệ gia tộc nhiều, mừng quá mời vào, tuy nhiên nó bán xong cho ông chú bên Việt Teo, ông cậu bên Việt Tóp…thì hết biết bán cho ai, bèn nghỉ việc.

CŨNG ĐỪNG BAO GIỜ TẬP TRUNG THỜI GIAN BÁN CHO ĐỐI TƯỢNG ỦNG HỘ. Ủng hộ thì không lâu dài được. Nhớ nhé các bạn. Đừng có nghĩ chồng mình làm hiệu trưởng cái trường đó mà mở căng tin bán cho học trò, giáo viên để họ ủng hộ. Họ ủng hộ cũng chỉ vài ba bữa, mà uy tín của chồng mình lại không được tốt, lỡ nó ăn của vợ mình rồi thì chồng mình khiển trách họ không mạnh miệng được nữa (tui ăn của vợ ông rồi, ông nói nặng lời là tui nghỉ ăn). Chưa kể là vài bữa chồng thôi chức hiệu trưởng, thì căng tin đó bán cho ai? Họ ăn vì sợ ông chồng chứ có phải nhu cầu ăn uống đâu?

Xưa thời bao cấp khó khăn, có nhiều thầy cô giáo vừa đi dạy vừa bán cà rem. Có lần học trò nó làm sai, cô giáo cho nó 1 điểm, nó khóc nó nói, sao em mua hàng của cô mà cô cho em có 1 điểm? Bữa sau em sẽ mua cà rem của bà Tư ngoài cổng trường cho cô biết mặt, I will let you know my face.

Đấy, nó khổ thế thấy, nó là học trò, tự dưng biến thành khách hàng, mua vì tình cảm hay cả nể sẽ không lâu dài. Chưa kể là quan hệ công việc (dạy-học) sẽ không tốt do có business cà rem xen vào. Người xưa khuyên dạy, nếu chồng có chức có quyền, vợ con chỉ nên ở nhà tỉa hoa tỉa củ, đừng có tham lam mà kinh doanh trên quan hệ của chồng của cha. Trước mắt thì thuận lợi đó, nhưng ẩn chứa sự nguy hại khôn lường về sau.

Làm kinh doanh, cách xây dựng khách hàng đúng là phải tìm khách ổn định, tìm khách có nhu cầu. Việc mua hàng phải xuất phát từ NHU CẦU. Người ta không có nhu cầu thì tạo cho người ta nhu cầu. Hãng xe Suzuki muốn bán xe ô tô cho Ấn Độ, họ đã viện trợ cho nước bạn xây dựng hệ thống chỗ đậu xe, rồi đường sá cao tốc nối các tỉnh các vùng, quảng cáo sự tiện lợi của ô tô trên tivi mỗi ngày, tạo ra nhu cầu mua xe cho người dân nước này tăng vọt. Suzuki hiện có thị phần rất lớn ở Ấn Độ.

Mấy lời nhắn nhủ cho các bạn mới khởi nghiệp. Tự xây dựng hệ thống khách mới toanh, rồi biến họ thành khách ruột, khách quen, bạn hàng, mua vì NHU CẦU PHẢI MUA chứ không vì QUAN HỆ, GIÚP ĐỠ, ỦNG HỘ.

Đã chọn làm kinh tế, thì phải có năng lực tạo nhu cầu cho người khác, biến không thành có thì mới gọi là người có tài.

Các bạn đang học tiếng Anh nên nghe đi nghe lại bài này cho thuộc nhé. Vì khi đi giao lưu quốc tế, bài hát này thuộc trong nhóm những bài phổ biến, cỡ như “bốn phương trời ta về đây chung vui” của tiếng Việt vậy. Thuộc để lỡ bạn đưa mic thì mình còn nhép theo cho đúng chữ.

Còn các bạn đã biết rồi thì có thể nghe lại vì cô Shane Ericks hát kiểu mới, khác kiểu thập niên 80-90 chúng ta hay nghe qua băng cát sét.

Chúc các bạn nghe, hiểu lời và hát theo. Sau khi nghe 2-3 lần thì nhắm mắt lắng nghe cho tâm hồn thư thái. Nhìn vào màn hình 1 tuần qua là đủ. Giọng ca đẹp và có hồn, nghe rất đã.

Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.

Admin 1.

Mô hình từ lớp 9 là học về kinh học cơ bản như cung, cầu, giá cả, kế toán thực hành…..hiện nay là bắt buộc trong chương trình đào tạo phổ thông ở các nước. Họ cắt giảm nhiều chương trong toán lý hoá sinh để học sinh học môn thực tế với cuộc sống họ sau này.

Còn bậc ĐH, nhiều nước đã đưa chương trình khởi nghiệp vào môn bắt buộc trước khi ra trường, hun đúc tinh thần cho các bạn trẻ sáng tạo.

Việt Nam đi sau các nước nhiều nên chỉ có đột phá về giáo dục mới có thể đuổi kịp được.

Môn này cần 1 giáo viên có đầu óc phóng khoáng, vui vẻ điều hành. Và mỗi tháng mời 1 chủ DN nào đó trên địa bàn tới nói chuyện, đứng lớp. Rất nhiều doanh nhân về hưu có sở thích đi chia sẻ nên không sợ thiếu giáo viên. Họ cũng không lấy thù lao gì, thậm chí còn tài trợ thêm.

Một chương trình rất đáng hoan nghênh. Và phải áp dụng cho bậc cao đẳng ĐH toàn quốc.

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/cac-truong-dai-hoc-phai-dao-tao-cho-sinh-vien-ve-khoi-nghiep-20180513104522853.htm

Nếu được 1 lần xuất ngoại

Thật sự mà nói, nước ta chưa có thành phố. Sài Gòn, Hà Nội…chỉ là các thị trấn khổng lồ. Nếu muốn xem một thành phố, mình có thể đến Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật, Hàn, Úc,..Nhưng việc xin visa rất khó nhằn, vậy thì muốn coi thành phố thật sự phải làm sao?

Hãy đi Singapore. Singapore là quốc gia phát triển DUY NHẤT miễn visa du lịch cho người Việt. Mỗi chúng ta đều nên đến đây để thấy cách quy hoạch đô thị, trật tự đô thị, văn minh đô thị…ra răng. Phải tận mắt quan sát, thì mới có thể về nước, tự mình điều chỉnh hành vi của mình. Đi mới thấy nhà ống lô nhô, phân lô bán nền, hẻm nhỏ ngõ nhỏ, xe máy, chen ngang, bóp còi, nói to nơi công cộng, tiểu đường, khạc nhổ, xả rác xuống đất, xuống sông, giành vô thang máy, không xếp hàng ở siêu thị, nơi công cộng, không chịu đi bộ, chụp hình người khác mà không xin phép, vô quán cà phê nhìn người này người kia soi mói, quan tâm đời tư người khác…là lối sống chưa văn minh, cần phải thay đổi.

Dân các nước khác phải bay rất lâu để được 1 lần đặt chân lên Singapore, mình có cái đặc lợi là công dân Việt Nam, họ cho qua dưới 1 tháng du lịch không cần visa, bay 1-2 h là tới. Nên phải tận dụng lợi thế này mà đi sang Singapore ít nhất 1 lần trong đời. Biết tiếng Anh thì tự đi. Hem biết thì vô google gõ “tour du lịch Singapore”, chỉ chục triệu đồng trọn gói ăn ở vé máy bay. Đi Singapore, coi như mình đã sống thọ 200-300 tuổi, vì Singapore bây giờ chính là Việt Nam của ngày mai. Làm hộ chiếu và đi đi.

Singapore là đô thị kiểu mẫu của thế giới. Dân cư Băng Cốc, Manila, Jakarta, Thượng Hải, Bắc Kinh, Đài Bắc, Seoul,…có khẩu hiệu “hãy nhanh nhẹn như người Singapore”. Năng suất lao động chính là 1 trong những chìa khóa đưa quốc gia này thịnh vượng. 100% nhân viên nhà nước sở quy hoạch đô thị của các thành phố ở Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…phải sang Singapore học tập cả tuần, đi lang thang mọi ngóc ngách, chụp hình, làm báo cáo để trở về quy hoạch cho thành phố của họ.

Phần lớn người Singapore đi lại bằng phương tiện công cộng. Mọi con đường dù to dù nhỏ, lane trong cùng, sát vỉa hè là lane của xe buýt. Xe buýt rộng khắp và hưởng mọi đặc quyền ưu tiên là dấu hiệu nhận biết một thành phố. Khi bạn muốn trở thành cư dân đô thị, điều đầu tiên bạn phải nắm chính là bản đồ, thời gian biểu của các tuyến xe buýt, tàu điện. New York, London, Hongkong, Seoul, Tokyo…các thành phố thật sự đều như thế cả.

Công sở ở Singapore mở từ 9-10h sáng đến 9-10 giờ đêm, nên đừng ngạc nhiên nếu bạn bè hẹn mình cà phê lúc 11h30 tối. Lương lao động phổ thông/sinh viên làm thêm được trả theo giờ, ví dụ 5-8 SGD/h nếu bưng phở. Ở Sing, làm gì cũng phải thiệt nhanh, bưng ra xong chạy vô bưng tô khác liền, bưng chậm quá sẽ bị chủ xô té ngã dập mặt vô tô phở. Lúc không có khách, nhân viên phải đi nhìn ngó khắp quán, lau chùi từng mm bàn ghế, kính, toilet, …TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC NGỒI mà không làm gì hoặc ôm cái Iphone. Nếu mặt mũi nhăn nhó cau có, không nói không cười thì cũng bị chủ đuổi. Cuối ngày nó kêu mình lại trả tiền rồi nói “you are very good but not suitable in here lah”. Người về hưu ở Singapore cũng đi làm, đừng ngạc nhiên khi thấy toàn người già làm nghề quét dọn. Một số người già vì mưu sinh, một số khác thì làm cho vui, giúp thành phố họ thêm sạch sẽ.

Nhân viên ở các công sở nếu cả buổi chưa xong cái báo cáo sẽ bị sếp xô té dập mặt vào màn hình máy tính. Sếp giao việc sẽ không bao giờ có câu “làm sớm nha”. Sớm là bao lâu, nói ngây ngô vậy thì nhân viên nó 1 năm sau nữa nó mới làm. Hỏi thì nó nói “1 năm với em là sớm”, rồi thằng sếp cứng họng vì “kỹ năng giao việc hem có, năng lực làm sếp hem có”. Giao việc cho ai, họ giao luôn deadline (thời gian cuối cùng) để hoàn thành. Ví dụ “thông tin về các cửa hàng bán Smartphone ở Orchard Road, 3h45 chiều thứ 6 nộp”. Rồi hết, không nói tiếng nào nữa. Nhân viên tự triển khai. Tự hiểu là báo cáo sẽ có đầy đủ tên cửa hàng, chủ cửa hàng, giờ mở cửa đóng cửa, doanh số trung bình, đang bán loại ĐT gì, giá cả, nguồn hàng, khả năng hợp tác với hãng mình…chứ không có chuyện đứng ẹo 1 bên hỏi “thưa sếp báo cáo gồm những cái gì ạ”. Nếu mình hỏi như vậy, sẽ bị quánh giá là “thiếu i-ốt quá sao học đại học hay vậy em”. Sếp đang cầm ly cà phê trên tay, nghe mình hỏi mấy câu “ngu dưới mức bình thường này” sẽ tạt thẳng ly cà phê vào mặt cho chừa cái thói ít động não. Làm thế nào có được thông tin cho báo cáo đó thì tự suy nghĩ, nghĩ không ra thì qua Mỹ làm, nhé. Phải soáng tộ. Không có chuyện 1 tuần trôi qua mà không có thành tựu. Báo cáo cuối tuần mà đứa nào ghi “xin báo cáo là tuần này, em không có gì mới, mọi thứ y chang tuần trước” thì họ cũng cho nghỉ việc. Dở quá dở.

Nhân viên thực tập hoặc thử việc, mặt mũi phải lanh lợi tươi cười, tay chân phải hoạt bát, vừa đi vừa chạy mới được giữ lại. Ngày xưa, sinh viên quốc tế được cho vay vốn, ở lại làm 3 năm trả nợ. Tuy nhiên, gần đây nhiều bạn vẫn cứ nợ hoài vì tốt nghiệp rồi, phỏng vấn miết mà không ai nhận, do tư duy máy móc rập khuôn hoặc năng lực hem có. Hãy nhìn nhân viên quét dọn ở sân bay Changi, họ vừa đi vừa chạy, liếc nhìn chỗ nào bẩn là lao tới hút bụi hay nhặt rác lên liền, tuyệt đối không tò mò tiểu nông nhìn người khác. Ông lái xe buýt hop-on hop-off thì đeo headphone trên đầu, 2 tay cầm vô lăng , miệng thuyết minh cho khách du lịch cho từng điểm tham quan, không cần hướng dẫn viên du lịch. Cả đất nước vừa đi vừa chạy từ mờ sáng đến tối khuya. Nên dù chỉ bằng ½ dân số Sài Gòn, nhưng tổng tài sản GDP gấp rưỡi cả nước mình (300 tỷ đô so với 200 tỷ). Do vậy, mình qua Singapore bây giờ mình chơi, thì coi như mình sống thọ tới mấy trăm tuổi. Singapore bây giờ chính là Việt Nam năm 2100+.

Anh bạn Tony hiện là chủ chuỗi cửa hàng cháo ếch ở đây nói, tao sẵn sàng nhận nhân viên bất cứ quốc tịch nào theo thứ tự ưu tiên là (1) nhanh nhẹn (tư duy và cơ thể), (2) sáng tạo, nghĩ ra được cái mới, không bảo thủ tự ái, sẵn sàng bỏ cái cũ, cái xấu để xây dựng cái mới tốt hơn cho bản thân mình (3) chăm chỉ kỷ luật (đến đúng giờ, về trễ giờ), (4) tiếng Anh tốt, (5) vui vẻ, cầu tiến, ham học hỏi. Các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở ở Singapore để điều hành công việc ở châu Á đểu cần nhân viên như thế. Mình đủ điều kiện trên thì sang đó mà làm, lương trung bình ở các tập đoàn đa quốc gia này là 10,000+ đô /tháng, tính ra khoảng 150 triệu+/tháng nên mình giàu nhanh, enjoy (tận hưởng) cảm giác “chưa già đã giàu”.

Còn nếu mình là đứa học giỏi, làm biếng bay sang Harvard thì ở Singapore có trường hành chính công vô cùng nổi tiếng mang tên Lý Quang Diệu (search Lee Kuan Yew school of public policy), 1 trong 3 trường đào tạo lãnh đạo tốt nhất thế giới, chỉ nhận tinh hoa, không đào tạo đại trà. Ai tốt nghiệp trường này ra thì thôi, đã có đơn đặt hàng từ lúc mới bước 1 chân vào cổng (trường có 1 giáo sư người Việt Nam họ Vũ khá đệp choai). Trường có nhiều suất về kỹ năng quản lý trong 1-2 tuần đến vài tháng, bao ăn ở. Bạn có thể đăng ký hạc để về làm việc tốt hơn, có nhiều quan hệ quốc tế hơn, vì bạn bè toàn là người giỏi giang xuất chúng cả. Các bạn lâu lâu xin nghỉ 1 vài tháng, tham gia những khóa ngắn hạn như vầy (Search “short course in management, marketing, sales, finance, human resource, real estate, international trade, agriculture, media…” tùy theo lĩnh vực mình làm, muốn đi nước nào thì search nước đó. Hạc hạc, đời mình ráng đi du hạc/thực tập sinh 1 lần, không full time được thì cũng vài ba tháng hay các khoá đi tham quan hạc hỏi của CLb con dượng tổ chức).

P.S: Chi tiết xô dập mặt vô tô phở hay tạt ly cà phê là hư cấu cho vui chứ người ta dễ thương lắm, mình chậm là họ đuổi liền à. Đi đi, thay đồ lên đường nào các bạn. Du học, du lịch, du ngoạn, du hành, du gì cũng được, miễn có chữ du (trừ du đãng, du côn và du…thẩm).

Khóc.

Chuyện ở Thượng Hải

Thượng Hải – đô thị phồn vinh bậc nhất của phương Đông với hàng vạn tòa nhà cỡ 50- 50 tầng trở lên. Hầu hết các con đường đều là 2 tầng, ai muốn đi nhanh thì lên trên trả tiền phí, ai muốn miễn phí thì chạy ở tầng dưới. Hệ thống đường sá và quy hoạch số nhà tốt đến độ, nếu bạn lái xe hơi, cứ gõ địa chỉ số nhà, tên đường, quận thì tự động GPS trên xe sẽ hướng dẫn bạn lái đến trước cửa. 300 mét nữa rẽ trái, đi thẳng,…và cứ tự động tuân theo hướng dẫn của cái GPS này mà đi, không cần phải nhớ đường nhớ sá chi cho mệt.

Lúc xây dựng đường trên cao, ý kiến của dân chúng cũng lắm. Họ nói sẽ phá vỡ cảnh quan, nhưng thật ra ở thành phố thương mại như Thượng Hải, có cảnh quan gì đâu mà phá vỡ. Vài tòa nhà cũ, họ rào lại thành 1 khu để tham quan, còn lại đập mới và xây hết thành những chung cư, những tòa nhà văn phòng 70-80 tầng, cá biệt có mấy tòa như Jinmao Tower 88 tầng, IFC (int’l financial center) còn cao hơn, có tòa gì mới xây cả trăm tầng. Nhà chung cư hay văn phòng hay khách sạn, vấn đề phòng cháy chữa cháy kỹ, một nhà 5 người thì phải có 5 mặt nạ phòng độc, phòng khách sạn 2 giường thì 2 cái, lỡ cháy thì đeo vô đi bộ xuống.

Khu phố Tây Thượng Hải là khu cổ, mang dấu ấn kiến trúc Anh, còn khu phố Đông là khu mới. Hồi xưa bờ sông Hoàng Phố cũng thấp như bến Bạch Đằng sông Sài Gòn, nhưng sau này, người ta quyết định xây thành nơi dạo chơi của dân chúng, nên họ xây rất cao, thêm 2 tầng nữa, tầng dưới bán cà phê cà pháo, tầng trên cùng kiểu sân thượng là nơi dạo chơi, nhìn xuống sông sâu hun hút ở dưới rất đẹp. Độ cao bờ sông Seine ở Paris, hay Clarke Quay ở Singapore cũng cao 3-5 mét như vậy. Đi đâu, người ta cũng nghe nhạc mở vang vang bài Bến Thượng Hải với ca từ “loạn bánh, loạn lầu, màn lây thâu thấu cung sủi quìn bát nhao”. Nối 2 bờ là hàng chục đường hầm vượt sông, và hệ thống tàu điện ngầm được xem là lớn nhất thế giới, giao nhau ở khu trung tâm gọi là Lộ Nam Kinh (Nanjing Lu), hay quảng trường Nhân dân (People Square).

Ở Thượng Hải có 1 cây cầu rất độc đáo. Cầu cao vô cùng, xe chạy trên đó nhìn xuống các con thuyền dưới sông Hoàng Phố như những con kiến, vì phải có độ tĩnh không lớn để mọi tàu bè có thể qua lại. Nhưng nếu xây cao như vậy, người ta sẽ phải làm đường dẫn mấy km rất bất tiện. Thế là một cậu học sinh nghĩ ra chạy theo hình xoắn ốc ở 2 bên trụ cầu, thế là giải quyết được bài toán hóc búa tranh cãi mấy năm.

Thượng Hải có giá nhà mắc nhất Trung Quốc, một chung cư bình dân ở khu trung tâm phố Đông có giá khoảng 4000-5000 USD/m2, nên người dân chủ yếu là thuê nhà. Nhưng bù lại, lương ở đây cũng cao nhất, vì đấy là thành phố quốc tế nhất của đại lục, là nơi đặt trụ sở của hầu hết các tập đoàn đa quốc gia để quản lý thị trường Trung Quốc. Nhân tài khắp nơi đổ về, không những giỏi mà còn phải đẹp. Nên vô mấy cao ốc, nhân viên các văn phòng bước ra, mình nhìn cứ tưởng người mẫu diễn viên, trai gái gì cũng cao ngất, trắng hồng, ăn vận soang trạng. Làm việc nhanh nhẹn, tác phong nhoay nhoáy, vừa kẹp điện thoại vừa gõ máy vi tính, tay cầm tài liệu, ta bưng ly cà phê, dùng cái vai đẩy cửa kính, nom hiện đại kinh.

Điều ấn tượng nhất của Tony với Thượng Hải lại là giáo dục. Đây là thành phố có chất lượng giáo dục tốt nhất Trung Quốc. Học sinh được dạy theo phong cách tự tin sáng tạo của học sinh Mỹ, lại có sự cần cù và khuyến khích của người Nhật. Trường Harvard cũng có chi nhánh ở đây, dạy các chương trình đào tạo kiểu tại chức. Có những quán cà phê rất hay gọi là English Lunch Cafe. Thay vì nghỉ trưa thông thường, các bạn trẻ Thượng Hải có thể đăng ký một lớp tiếng Anh ở các quán cà phê này. Lớp bắt đầu từ 12h15 đến 13h15. Học viên sẽ được phát bánh mì, nước ngọt hay món ăn trưa gì đó đơn giản, vừa ăn vừa thực tập với thầy giáo. Lớp nào cũng đông nghẹt người học, vì dạy toàn là những thứ cụ thể để có thể làm việc, đủ mọi trình độ. Nên các bạn trẻ làm các công việc chân tay trong các tòa nhà như tài xế, mở cửa khách sạn, lau dọn,…đang làm cho sếp Tàu lương 3000 tệ/tháng chứ đâu 6 tháng sau thì chuyển qua làm cho sếp Tây, lương 1000 USD/tháng ngay. Còn 1 bạn trẻ tên Xia trong công ty đối tác của Tony, năm ngoái Tony sang thấy đang pha trà rót nước, hỏi tiếng Anh “what’s yr name” nghe không hiểu chỉ cười trừ, vậy mà bữa nay qua, sếp nó nói đang thay đồ đi Mỹ. Nó ăn trưa mà tranh thủ học tiếng Anh nên giờ phải bố trí công việc khác, và bữa nay dắt đoàn khách hàng đi New York tham dự hội chợ.

Các bạn trẻ ở Thượng Hải làm việc ầm ầm. Tốc độ đi bộ sẽ tương ứng với tốc độ tư duy, đứa lề mề thì suy nghĩ cũng chậm. Và buổi trưa nằm ngủ mùng mền chiếu gối, theo các bạn trẻ ở Thượng Hải là quá uổng, quá lãng phí thời gian. Nhịp sống đô thị nó phải thế. Trưa vừa ăn vừa tranh thủ gặp gỡ bạn bè, học nấu ăn, học pha cà phê, học vẽ tranh, học thiền, học cắt may, học trang điểm, tỉa rau củ,….những môn nhẹ nhàng, đơn giản của dân văn phòng thay vì ăn và ngủ.

Bạn là cá voi cá mập hay lòng tong?

Hoàn toàn do não các bạn quyết định.

Cá lớn phải bơi cùng nhau dưới tầng sâu, im lặng. Bạn bè hay người chúng ta tiếp xúc, nên lựa người đầu óc lớn, đẳng cấp. Cùng nhau làm cái gì đó lớn lao hơn là vì tiền. Rồi tiền bạc vài ngàn tỷ sẽ tự dưng mà đến.

Nhiều bạn trẻ mới làm với nhau đã tranh giành, lỗ mấy chục triệu đã đòi quánh nhau, lãi mấy trăm triệu đã đòi tách riêng, ăn riêng, làm chung mà cứ xét nét nghi kỵ…thì làm thế nào được.

Đầu óc nhỏ nên nó mệt kinh khủng là mệt. Ai lặt vặt, tiểu tiết, kể cả cha mẹ, thầy cô,….cũng nên hạn chế trò chuyện hay bàn bạc tương lai, kẻo bị ảnh hưởng. Đọc FB hay sách báo cũng vậy, lựa người tầm vóc, có thành tựu lớn mà đọc.

Cũng lựa bạn mà chơi. Người cảm xúc, cảm tính, lúc yêu lúc ghét, yêu vồn vã, giận cạch mặt tẩy chay,….tránh xa cho nó khoẻ người. Không nên cuốn theo cảm xúc của ai hết.

Nền kinh tế chúng ta chậm phát triển là do văn hoá chúng ta còn tiểu nông và cảm tính. Càng cảm tính ưa, không ưa, ghét giận hờn là càng trẻ con. Chỉ có vài người đầu óc lớn, duy lý và họ đã bật lên thật nhanh, nắm giữ thị phần lớn trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

Người xưa luôn khuyên “chọn bạn mà chơi”. Cần tìm người đầu óc duy lý, trọng khách quan, những mái đầu lớn và rất lớn.

Đất nước mình hiện nay rất cần những người trẻ tài năng, nghĩ đến thành tựu, nghĩ….chứ không phải chăm chăm lợi ích cá nhân, nghĩ đến vài ba chục triệu, vài ba trăm triệu, vài ba tỷ vô cùng nhỏ nhoi. Đi lên thành phố học, đi du học, đi làm công ty nước ngoài…là đi học hỏi cái hay, cách làm của họ để có tư duy tốt, tự mình tạo ra thành tựu riêng, sáng tạo ra cái mới.

Những cuốn sổ hộ khẩu thành phố, thẻ xanh ngoại quốc, những căn hộ cao cấp hay biệt thự xe hơi, hay công ty mở ra cạnh tranh với chỗ làm cũ sau khi biết đường đi nước bước, hay thậm thụt bí mật kiếm chút tiền riêng….mà nhiều bạn trẻ xác định là mục tiêu phấn đấu thì tiếc quá tiếc.

Tất nhiên, đối tượng muốn nói ở đây là những người giỏi, giới tinh hoa, thông minh, lanh lợi….và đủ trình độ nhận thức triết học để hiểu gốc gác của mọi sự vật hiện tượng.

Tiền, quyền, tình….họ có, thậm chí rất nhiều, nhưng không bao giờ bị chi phối. Ai bị ba cái này chi phối thì là do bản lĩnh kém cỏi. Đầu óc choáng ngợp bởi giá cả thay vì giá trị, vì cái tôi lớn nên lúc nào cũng phàn nàn thì chắc chắn sẽ đánh mất mọi cơ hội.

Người Nhật, Hàn, Trung, Thái, Ấn….họ có hàng ngàn team giống như team này.

Bạn vì sao không có trong 1 team như vậy? Vì sao bạn không thể tạo ra được 1 dream team như vậy?

Tìm ở đâu ra nếu như bạn không có mái đầu lớn? Mình tầm thường, tham vặt, nhỏ nhoi, ích kỷ, cá nhân thì mình là cá nhỏ, lo đớp mặt nước thì có xuống tầng sâu được đâu mà tìm quen cá to.

Bạn nhớ xem, các chầu cà phê hay chầu nhậu với bạn bè, đề tài gì chúng ta đã nói với nhau? Mình đã nói gì, người kia nói gì….để mà biết tầm vóc của nhau.

https://cafebiz.vn/nhung-anh-tai-giau-mat-sau-lung-ong-nguyen-duc-tai-o-the-gioi-di-dong-ho-la-ai-20180118123620708.chn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*