Người dại và người khôn
Tuổi trẻ làm hết sức, đi khắp nơi. Nhưng sớm ra đi để sớm quay về. Về để u du nơi lâm tuyên, hưởng hết cái phúc thanh nhàn của cõi nhân gian. Lúc đắc thời chớ cậy thông minh tài ba, biết đủ sớm để buông bỏ.
Nếu 1 ngày, mình được ban phong, tức là đã được trả công, có danh có lợi, tức đã ở đỉnh núi. Hãy rút lui và đừng ham mê tục lụy nữa, vì đi nữa là sẽ xuống dốc. Danh lợi cũng như parabol ngược. Đã có mà còn cố lấy vào, lấy thêm nữa thì sẽ chẳng còn gì. Như câu chuyện ông lão đánh cá và con cá vàng vậy. Biệt thự biệt phủ lâu đài cung điện châu báu ngọc ngà lính hầu này nọ…chỉ là một giấc mộng mà thôi.
Nếu ai có trí sẽ biết. Họa phần lớn từ tham mà ra. Công thành, thân thoái. Chớ tiếp tục đam mê chuyện vàng son, hoa mộng ở kinh đô, mà hóa dở.
Như trong bài thơ Nhàn của người Việt Nam kiệt xuất nhất trong lịch sử mấy ngàn năm qua, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có viết:
Một mai một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.
Hiểu.

Con chào Dượng,
Tháng 4/2017 qua một bài viết tham quan triển lãm nông nghiệp ở Thọ Quang, con là một trong hơn mười thành viên may mắn được tham dự.
Trong chuyến đi khoảng 5 ngày ấy con đã thu nhặt được rất nhiều kiến thức bổ ích. Con đã phải đóng cả một thùng sách vở, tài liệu của tất cả các công ty con được gặp trong chuyến đi này. Con mang về cả những chiếc thùng carton mà họ đang dùng để đựng rau củ quả về học hỏi. Con đã chụp hình và quay phim tất cả các công nghệ về làm tư liệu để giới thiệu với đồng nghiệp, anh chị em bạn bè. Con cũng khuyến khích họ hãy tham gia tour này một lần, vì con thấy chuyến đi thiết thực và gặt hái được nhiều ích lợi.
Sau 1 năm đi Thọ Quang về con xin được báo cáo và cảm ơn Dượng về những kết quả con đã tạo ra được cho doanh nghiệp con đang công tác.
1. Ứng dụng mô hình quản trị sản xuất với nông hộ liên kết bằng Mobile App. Mỗi nông dân giờ đây đã có phần mềm cài đặt vào Smartphone của họ và cùng chúng con sản xuất rau ở Đà Lạt. Bằng ứng dụng này con biết trước được sản lượng rau sẽ được thu hoạch từng ngày cho 1, 2, 3, 4 tháng tiếp theo. Ngay khi có một nông dân xuống giống, chúng con đã biết khi nào sẽ có rau được thu hoạch. Đồng thời dữ liệu minh bạch, lưu trữ tự động giúp chúng con luôn truy suất được nguồn gốc sản phẩm. Ứng dụng này con được thấy tận mắt một doanh nghiệp đã giới thiệu trong chuyến đi tham quan đó và con về cùng đội ngũ nhanh chóng biến nó trở thành hiện thực ở Việt Nam.
2. Ứng dụng mô hình vận, đóng gói rau theo tiêu chuẩn. Trước đây ngay cả doanh nghiệp con đang làm, cũng như các doanh nghiệp khác bán rau củ quả theo kg, khách hàng nào mua bao nhiêu kg mình đóng gói bấy nhiêu. Như vậy tụi con gặp rất nhiều khó khăn trong vận hành. Sau khi quan sát cách vận hành buôn bán rau củ quả của Trung Quốc toàn bằng thùng, có thương hiệu và tiêu chuẩn. Thùng nào chất lượng cũng như nhau, khối lượng giống nhau và cùng một tiêu chuẩn. Con đã đem luôn cái thùng ấy từ Trung Quốc về và đi thiết kết cái thùng với kết cấu y như vậy. Chỉ thay đổi thông tin, thương hiệu cho phù hợp với mục đích truyền thông của mình. Vậy là doanh nghiệp của con đã vận hành đơn giản, chuyên nghiệp hơn. Doanh nghiệp con đang làm trở thành đơn vị đầu tiên bán rau theo thùng Dượng ạ.
3. Bán rau củ quả với sự hiểu biết sâu sắc về sản phẩm và tập trung phục vụ người dùng.
Sau chuyến đi Thọ Quang con đã thực sự thấu hiểu một điều là mọi sản phẩm mình làm ra đều phải tập trung phục vụ người dùng. Nên con đã đi ngược lại những gì doanh nghiệp khác đang làm. Con đặt nhiều câu hỏi tại sao phải thế này, tại sao phải thế kia. Cuối cùng con đã biết chọn những loại rau nhiều chất dinh dưỡng, tập trung vào độ ngon, quy cách sản phẩm phù hợp với bữa ăn gia đình, đóng gói vừa túi tiền người mua. Nhờ việc đó mà dù làm rất ít sản phẩm và có những sản phẩm không ai nghĩ là bán được nhưng tụi con đã rất thành công ở các hệ thống siêu thị lớn. Chất lượng rau tốt, trưng bày rau hấp dẫn, đóng gói phù hợp nên rau củ quả của bọn con luôn là lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng. Thông qua đó mà ngày càng có nhiều siêu thị muốn hợp tác với tụi con hơn.
4. Áp dụng mô hình du lịch nông nghiệp vào thực tế và kiếm được tiền chính đáng từ nó. Bọn con học hỏi từ mô hình du lịch trang trại của Thọ Quang bằng việc chuyển hướng trang trại của bọn con thay vì ban đầu là sản xuất cho thương mại thì chuyển đổi thành sản xuất cho du lịch. Còn phần sản xuất thương mai thì bọn con đã ứng dụng công nghệ để chuyển giao cho các nông hộ làm, vừa tạo công ăn việc làm và đầu ra ổn định cho bà con mà lại có giá thành thấp hơn là chúng con tự làm. Trang trại du lịch chúng con trồng nhiều loại rau củ quả theo hình thức công nghệ cao. Trình diễn khoa học kỹ thuật mà hầu hết mọi người chưa được tiếp cận. Có nhiều loại rau của quả ngon và mới lạ hấp dẫn. Thêm các loại hoa để khách có thể chụp hình checkin. Nhờ vào đó mà trang trại chúng con đã nhanh chóng trở thành 1 trong 10 điểm du lịch bắt buộc phải đi khi đến Đà Lạt. Mỗi ngày đang có khoảng 1000 khách, những ngày lễ thì khoảng 5000 khách tham quan. Trong khi bọn con chưa kết hợp với tour hay chương trình du lịch nào cả mà chủ yếu khách đi về thích thú tự truyền miệng qua các kênh mạng xã hội.
Sau những kết quả mà con đã tạo ra, con cũng được nhiều bạn bè trong ngành hỏi những thứ con học được ở đâu, con đều giới thiệu những thành quả ấy là do con gặt hái được từ chuyến đi Thọ Quang. Hiện giờ có rất nhiều đồng nghiệp làm cùng với con muốn được đi Thọ Quang, các bạn bè làm các doanh nghiệp cùng ngành cũng vậy. Do đó con rất mong muốn Dượng và các bạn trong team tổ chức một tour nữa để có nhiều bạn trẻ Việt Nam như con được tham dự, được đi học hỏi và mở mang tầm nhìn. Con tin rằng chỉ có một con đường duy nhất là làm nông nghiệp bằng cách mới, với tư duy tiên tiến, hiện đại mới giúp nền nông nghiệp mình phát triển được.
Con chân thành cảm ơn Dượng và mong được Dượng hỗ trợ cho các bạn trẻ làm nông nghiệp tổ chức chuyến đi tháng 4 năm 2018.
Vài hình ảnh thành tựu của team con trong năm qua
Con Thành
P/S: Suất đi Thọ Quang chỉ còn vài chỗ, bạn nào đi thì mail về trinhngockhiem@gmail.com nhé. Các công ty làm NN hay chuẩn bị làm NN nên cử nhân viên giỏi đi để về đổi mới cách làm.

Sách
Bài quan trọng trong sách. Ai nghĩ đã đọc rồi mà không đọc lại thì tư duy “trọng số lượng” quá vì sẽ có những chỗ đi rồi phải đi lại, có những cuốn sách đọc rồi phải đọc lại. Mỗi lần đi lại, đọc lại sẽ có cảm nhận rất khác, vì nhận thức và vốn sống khác. Năng lực của một người nằm ở “to-do list” mỗi ngày.
Bí mật của người giàu có.
Nhiều bạn trẻ thấy người ta khởi nghiệp, cũng lật đật mở công ty, cửa hàng, quán cafe… nhưng chỉ được 3 bữa rồi đóng lại. Vấn đề không phải là kinh nghiệm xử lý công việc, kiến thức chuyên môn, kiến thức quản trị hay tuổi tác, vấn đề là KỸ NĂNG LÀM CHỦ không có.
Muốn làm chủ, quan trọng nhất là phải có kỹ năng giao việc. Muốn có kỹ năng này, bản thân mình phải là người luôn chân luôn tay, luôn mắt luôn miệng, luôn tính tính toán toán TỪ BÉ. Tony tuyển một bạn từng học cấp 3 dân lập N, thi đại học 29 điểm. Nó nói tụi con học vì thành tích của trường, ban đêm thầy cô kèm truy bài đến 11h. Bài toán vừa đưa ra, ông thầy đưa ngay công thức ráp vô giải. Đề văn này chưa suy nghĩ dàn ý là đã cô giáo cung cấp ngay bài văn mẫu. Nên tụi con mất khả năng tìm kiếm và tổng hợp thông tin. Việc ngồi lục lọi trong thư viện, search trên google, đọc hầm bà lằng…để có thông tin mình cần LÀ KỸ NĂNG buộc phải có của người giỏi giang thật sự. Hằng ngày nó lên công ty, chờ ai giao việc thì làm, không thì ngồi đấy, cứ mỗi 5 phút ngáp 1 cái. Thấy kỹ năng ngáp tốt quá, phòng nhân sự bèn bố trí nó ngồi ở chỗ cửa ra vào. Từ đó, tuyệt đối không còn con ruồi nào bay được vào bên trong công ty nữa.
Tony quen với bốn đại lý bán phân ở một huyện ở miền Tây. Bốn đại lý này từng là người giúp việc cho ông Thoàn, một người giàu có trong làng. Ông Thoàn có hàng ngàn công đất, hàng trăm chiếc ghe hàng xáo, mấy nhà máy xay gạo, quán xá trên chợ, rồi vịt nuôi thả đồng, trại nuôi gà, nuôi heo, có nhà ở Sài Gòn Cần Thơ, người ăn kẻ ở trong nhà lên tới hàng trăm. Cứ nhậu là 4 anh này kể chuyện “hồi xưa” với lòng biết ơn vô hạn. Sáng nào cũng vậy, cứ đâu 4-5h là ông Thoàn ngủ dậy, ngồi trên cái ván (cái phản) bằng gỗ mun, sai gia nhân làm việc. Đố đứa nào mà rảnh tay rảnh chân với ổng. Hồi đó thì tụi này căm ghét ông Thoàn vì bắt làm nhiều quá. Nhưng giờ nghĩ lại, thấy số mình may mắn.
Mấy ảnh hỏi Tony chứ HAM LÀM VIỆC VÀ BIẾT GIAO VIỆC có phải là bí mật của người giàu có không? Vì sáng sáng, thấy ông Thoàn cứ nhấp ngụm trà vô, kêu anh A làm gà, anh B ra đắp đất, chị C trồng rau, anh D chẻ củi, chị E lau nhà, chị F kiểm kho, chị G múc nước, anh H vô ruộng thăm lúa, anh I thu nợ…còn ông thì cộng cộng trừ trừ trong sổ đến khuya, suốt ngày nghĩ ra cái mới để làm ăn, mở rộng sản xuất. Tony nói đúng rồi, biết làm việc thì bình thường, nhưng biết giao việc là năng lực đặc biệt chỉ dành cho người rất giỏi, không phải cái đầu nào cũng nghĩ được việc cho người khác làm đâu. Càng nghĩ việc cho đông người làm thì càng tài năng. Đó là bí mật đầu tiên của người giàu có. Nếu mình vẫn có thời gian rảnh rỗi trong ngày mà khong biết phải làm gì, thì NGHĨA LÀ KHÔNG CÓ NĂNG LỰC.
Muốn giao việc, phải có óc quan sát, phải biết sắp xếp công việc theo khả năng của từng người, PHẢI TỪNG LÀM TỪ VỊ TRÍ THẤP NHẤT. Để mình giao người ta mình biết bao lâu thì xong, thế nào thì tốt. Ví dụ mình chưa nấu cơm bao giờ thì mình giao việc nấu cơm, nó quất cho bốn tiếng mình không nói được. Rồi một nồi cơm ngon là thế nào mình cũng không biết, có khó khăn gì trong quá trình nấu mình cũng không rành. Nên muốn thành đạt phải biết làm việc nhà, quét váng nhện, rửa bát, bắt điện, sửa ống nước… khi còn nhỏ, lớn lên khi có tiền thì có thể không cần làm, mướn người khác làm, nhưng mình phải biết để nghiệm thu thử như vậy là tốt hay xấu, đạt hay không đạt. Đụng chuyện cũng phải biết làm, nửa đêm ống nước nhà vỡ không lẽ không biết bịt lại, dù có tiền chứ thợ nào đến lúc nửa đêm?
Nhiều tỉ phú đi lên từ công nhân, tài xế, giúp việc, lao công, buôn bán lề đường… Còn người thừa hưởng gia tài thì rất ít người giữ được cơ nghiệp. Chắc chắn như vậy. Nghe xong, mấy ảnh nói em nói đúng quá em. Tụi anh ban đầu cũng làm mướn làm công, nhưng chăm chỉ và có đầu óc nên tích lũy được ít tiền để khởi nghiệp. Mỗi lần nghe mấy đứa đòi khởi nghiệp mà hỏi “vốn đâu”, thấy mắc cười dễ sợ. Các bạn nghe đứa nào nói vậy thì đừng có đưa tiền cho nó. Nó đốt hết ngay vì không có năng lực.
Mấy ảnh nói ở cái huyện này, mấy ông chủ cây xăng, chủ xưởng gỗ, chủ xưởng sản xuất vỏ lãi (tàu ghe), chủ đại lý xi măng sắt thép…đều là người làm công của ông Thoàn ngày xưa. Còn mấy đứa em ruột của tui, lúc đó ở với ba mẹ, tưởng sướng, ai dè tới bây giờ vẫn cứ nông dân nghèo. Vì nói cái gì tụi nó cũng ngại làm. Sáng ngủ dậy là không biết mình phải làm gì ngày hôm nay. Đầu óc ngu vậy nên nghèo miết, một anh nói thẳng.
Lúc ông Thoàn già yếu, ông vẫn chỉ đạo công việc nên nhà cũng còn khá giả, nhưng khi ổng mất đi thì mọi thứ cũng chấm hết. Cái dở của ông Thoàn là, dù chỉ đạo và sai việc các người làm rất tốt, nhưng lại không cho con cái ông động chân động tay vào việc gì. Gia tài chia xong, mấy đứa con quản lý không nổi vì không nghĩ ra việc cho người khác làm, rồi người làm bỏ đi hết. Mấy đứa con phải bán vàng, rồi bán đất, bán cơ sở làm ăn…thậm chí lấy đổ cổ trong nhà ra bán. “Nhà từ đường” là cái cuối cùng tụi nó bán để chia nhau ăn. Hết của, các con của ông Thoàn không kiếm sống được vì vừa dở vừa lười. Mấy anh gia nhân cũ, giờ đã có cơ ngơi làm ăn ngon lành, thấy vậy mới nhận mấy đứa con đứa cháu ông Thoàn vô làm bốc vác, coi kho, giao hàng, lau nhà lau cửa, bế em…Mấy ảnh nói vì tình nghĩa mới nhận vô chứ năng suất làm việc tụi nó chỉ bằng nửa người khác.
Các bạn đọc nội dung tiếp theo trong sách Trên Đường Băng nhé.

Clip mỗi người Việt nên xem dù chỉ 1 lần
Các bạn nên search và đọc về nhân vật Lê Duy Loan để tìm hiểu kỹ hơn sau khi xem xong clip. Sống vậy mới có ý nghĩa cuộc đời. Vì thời gian trên trái đất của chúng ta, tất cả đều có giới hạn và không còn nhiều. Muốn làm gì, cho ai thì làm đi, cho đi.
Mình xem clip, thứ nhất là để nghe tiếng Anh, sau là quan sát và rút ra cách trình bày rất xuất sắc. Hơn hết là để đồng cảm, rút ra nhiều bài học cho nhận thức. Cha mẹ thầy cô nên download xuống cho con cái hay học sinh nghe để thảo luận, học các cụm từ, cách đặt câu hỏi, cách trả lời,…
Clip rất hay của VTV4, Đài truyền hình VN.
Các bạn nên tập nghe nhiều những chương trình bằng tiếng Anh để có thể giới thiệu quê hương với bạn bè quốc tế.
Xem clip, chúng ta còn biết giá trị thực chất của một con người nằm ở đâu. Và nhìn xem xung quanh, những người mải mê “lấy vào” khác biệt với những người sẵn sàng “cho đi” ra sao.
Hãy xem clip về một trong những người Việt thật sự được gọi là thành công.
Một tấm lòng, trong vạn tấm lòng…
Than phiền
Nếu bạn cứ than phiền, chỉ trích, mệt mỏi, chông chênh, bức bối, chênh vênh, hoang mang, tụt mood, khó chịu, chán nản, bi quan, mù mờ….về cuộc sống và sự nghiệp của mình, thì hãy một lần đọc bài báo về chị, bông hoa đẹp xứ Thanh.
Là một người khuyết tật, chỉ cao có 88cm và nặng 22kg, chị vẫn tự tin học ĐH, xong tự tin đi xin việc để có kinh nghiệm, rồi quyết định mở công ty ngay quê nhà mình, làm một ngành cũng tự tin không kém là sản xuất bê tông, bàn gỗ đá và san lấp mặt bằng.
Bạn hãy đọc và ngẫm lại bản thân mình. Mình hiện nay là ai. 5 năm sau mình là ai, hay vẫn y chang vậy chỉ có tuổi là già hơn?
Cái gì đã cản trở mình không có thành tựu? Cha mẹ người yêu vợ chồng bạn bè người thân hay chính bản thân mình? Yếu tố nào tác động tiêu cực tới mình là mình hạn chế giao du tiếp xúc trò chuyện, dù đó là ai.
Những gì mình đọc, mình ý kiến, mình nói, mình comment, mình quan tâm, mình làm….hàng ngày có giúp cho bạn kiếm ra tiền không? Có giúp trí tuệ và năng lực của mình tốt hơn không? Nếu không thì chính bạn đã phí quỹ thời gian của cuộc đời mình.
Nếu biết được nguyên nhân thì quyết liệt ra giải pháp. Mạnh mẽ, cá tính, đam mê và dấn thân đến tận cùng để có thành tựu. Đi hiến máu, thay máu mới và tạo thành con người mới. Im lặng và làm, không hé răng nói gì với ai nữa.
Đọc chị, thay vì khâm phục gì đó, tự thay đổi mình để tự mình khâm phục mình đi nhé. Mình lành lặn thể chất và trí óc, nếu không có thành tựu là do mình lười quá lười mà thôi.
Tuổi trẻ phải có ngờ
Trên chuyến bay từ Los Angeles đến Tucson, Tony ngồi cạnh 2 mẹ con người Mỹ nọ. Khi biết Tony đến từ Việt Nam, họ vui vẻ lắm, nói ngày xưa Việt Nam trong ý nghĩ của tụi tao là chiến tranh, bây giờ là quốc gia sản xuất. Bà mẹ nói tao thích quần áo Made in Vietnam vô cùng vì đường may sắc sảo. Thằng cu con chị ấy còn kéo cái đính Made in Vietnam ở phía sau cổ áo nó cho Tony coi. Rồi còn đòi mở áo của mẹ nó cho Tony coi nữa, nhưng mẹ nó mắc cỡ, chỉ nói là áo này cũng của Vietnam may. Hai mẹ con nói cười làm Tony tự hào quá, không ngờ những giọt mồ hôi của công nhân nước mình lại có thành quả rạng ngời, được bạn bè quốc tế đón nhận hồ hởi đến thế.
Nếu lạc vô các cửa hàng quần áo ở khu Times Square ở New York, bạn sẽ thấy người Mỹ tới mở ra coi, thấy Made In Vietnam bên trong quần áo là yên tâm, mua ngay. Việt Nam bây giờ là số 1 thế giới về may đẹp. Chính vì vậy mà từ vị trí ngang bằng với Mexico, chúng ta đã có bước nhảy vọt về lượng quần áo cung cấp cho nước Mỹ, doanh số từ 1 tỷ đô năm 2001 đến nay đã hơn 10 tỷ đô, chiếm hơn 11% thị phần. Khắp nơi trong ngành dệt may của thế giới, người ta râm ran về việc Việt Nam sẽ soán ngôi Trung Quốc thành quốc gia may cho người Mỹ mặc. Mà nào chỉ có người Mỹ, bao nhiêu người đến Mỹ du lịch học tập hàng năm, quà họ mua về nhiều nhất chính là quần áo.
“May cho Mỹ mặc” là một câu slogan mà Tony vừa nghĩ ra, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể sử dụng để quảng bá tại thị trường này. Hiện tại, Trung Quốc chiếm thị phần tới 37% tức khoảng 42 tỷ đô trong miếng bánh 115 tỷ đô la nhập khẩu quần áo của Mỹ hằng năm, nhưng tỷ lệ này đang giảm dần do dệt may Trung Quốc không còn cạnh tranh nữa. Rồi tương lai việc Việt Nam “may cho thế giới mặc- tailor the world” sẽ trở thành hiện thực. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước ta đã đạt mức gần 25 tỷ đô.
Trên một chuyến bay khác đi Srilanka, Tony có quen 2 cô bạn tên Thu và Tuyết. Cả hai đi sang phụ trách quản lý chất lượng cho một nhà máy gia công lớn cho thương hiệu sang chảnh. Hai bạn kể, hai bạn tốt nghiệp ngành dệt may một trường cao đẳng nghề. Lúc tập đoàn Nhật nọ tuyển QC (quality control), hai bạn dù tiếng Anh cũng bập bẹ thôi nhưng tự tin ứng tuyển. Hai bạn được họ tuyển vô vì chuyên môn về dệt nhuộm đã được học. Một bước phỏng vấn, hai bạn đã vào một tập đoàn lớn làm việc trong ánh mắt ngỡ ngàng lẫn ghen tụy của bạn học cấp 3, nhiều đứa học quản trị kinh doanh, thương mại, kinh tế, ngoại thương, ngoại ngữ…nhưng giờ vẫn thất nghiệp hoặc làm việc gì đó không liên quan đến chương trình học, vì không có nghề gì cụ thể. Hai bạn vô phụ trách việc kiểm hàng trước khi xuất, theo dõi nhà máy may đúng theo mẫu đã gửi, duyệt thì hàng mới được đóng container. Theo chân mấy đồng nghiệp nước ngoài, nghề dạy nghề nên các bạn càng ngày càng giỏi. Để nâng cao trình độ, hai bạn quyết định xin nghỉ 1 tháng, bỏ cả chục triệu tức cả tháng lương vào học một khoá tiếng Anh tập trung, phải đầu tư để bắt cá lớn. Sau 5 năm làm cho tập đoàn Nhật này, hai bạn xin nghỉ, nộp đơn cho các công ty Mỹ phụ trách thu mua cả mấy nhà máy ở Cambuchia. Giờ công ty cử bạn qua quản lý và đào tạo cho người Srilanka. Hai bạn nói lương tụi em là lương của người có nghề đó anh, làm ở Mỹ hay ở bất cứ đâu cũng như nhau vì tụi em di chuyển rất kinh khủng. Em sang Srilanka 2 tháng sau đó sẽ sang New York họp, rồi triển khai nhà máy ở Myanmar, đi lại như con thoi ở các nước công ty đặt gia công. Thu nhập tụi em cũng bằng anh làm bên Mỹ (họ tưởng Tony là Việt Kiều vì thấy màu da sáng của dân ôn đới, dáng dong dỏng cao nhìn quốc tế quá- viết con moẹ gì cũng ráng chêm vụ vụ ngoại hình, chán quá chán). Ước mơ hai bạn là sau mười năm làm thơ (ý nói làm thuê, hai bạn vẫn phát âm nặng), hai bạn sẽ về quơ (quê) ở Phú Yên mở một xí nghiệp may Lady Py-ja-ma để xuất khẩu (Tony nghe Lay-đi bi-gia-ma tưởng Osama bin-la-đen nên hết hồn). Tony tin rằng hai bạn hoàn toàn có thể thực hiện tốt giấc mơ của mình. Vì các bạn có vốn tích luỹ, có kiến thức được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm làm việc tuyệt vời, có quan hệ quốc tế…chỉ còn chút may mắn và có đầu óc quản lý nữa là cất cánh.
Thực tế bây giờ, ở các tập đoàn thương mại lớn của nước ngoài đặt tại Việt Nam, phòng textile (dệt may) luôn đông nhân viên nhất. Nhiều văn phòng làm ca đêm để giao dịch với bên Mỹ, Canada. Vị trí phụ trách xuất khẩu mặt hàng này gọi là “(garment) merchandiser”, ngày xưa toàn dân kinh tế, ngoại thương, ngoại ngữ…vô làm, toàn mày mò tự học. Bây giờ họ tuyển toàn dân tốt nghiệp trường chuyên môn, ví dụ như dệt may ĐH Bách Khoa, cao đẳng dệt may Vinatex, ĐH dệt may công nghiệp Hà Nội, cao đẳng dệt Nam Định, các trường cao đẳng trung cấp nghề ở các tỉnh….(search thêm giùm). Tiếng Anh các bạn này chỉ kha khá chút là nhận vô, đào tạo ngoại ngữ dễ hơn đào tạo chuyên môn. Dù sao các bạn cũng đã 3-4 năm phân biệt dệt thoi dệt kim, sợi các loại, phối màu nhuộm vải, đường kim mũi chỉ, thực tế từng ngồi đạp máy may, từng cắt vải, từng vẽ mẫu trên máy tính ào ào nên nhận vô dễ làm việc lắm.
Các bạn trẻ yêu thích thời trang nên suy nghĩ thật kỹ. Nếu đam mê, chúng ta nên học chính quy nghề này. Một số trường đã mở khoa Thiết Kế Thời Trang dành cho các bạn có óc mỹ thuật. Rất tốt. Nhớ là vừa học kiếm 1 cái nghề, vừa chăm chỉ cày tiếng Anh (cái này ai cũng muốn nhưng rất ít người làm được do thiếu ý chí) thì tương lai các bạn đi Mỹ đi châu Âu đàm phán ký kết hợp đồng như đi chợ. Sau chục năm làm lương Mỹ ngay trên đất Việt, tích luỹ thành những “cô chủ nhỏ”, dù là cái xưởng may mặc vài ba chục công nhân để bán nội địa cũng được. Vì gu ăn mặc mình sành quá, kinh nghiệm quốc tế quá nên đồ may ra nhìn sang ơi là sang. Nhãn hiệu dệt may Tuyết, dệt may Thu…trông quý phái như hàng hiệu ở Milan thì hỏi ai chịu cho nổi?
Như cái Thu nói với Tony lúc xuống sân bay ở Colombo khi được hỏi về lời khuyên với các bạn trẻ: “Trầu quâu tuổi trẻ là phải có ngờ”. Tony tưởng là nghi ngờ nên nói trời ơi, tuổi trẻ phải có đức tin thật lớn chứ sao lại đi ngờ vực, ai có lòng nghi ngờ thường khó mà thành tựu được vì họ yêu bản thân họ quá đó em. Mấy cổ mới nói, ý em “hống phái như dẫy” (dịch: không phải như vậy), “ý em là túi tré (tuổi trẻ) phải có ngờ nghiệp chuyên môn”.
Tony liền đáp: “Rầu, rầu hiểu rầu. Thâu thâu làm liền. Phải có ngờ phải có ngờ”.
Nhớ nghen mí bạn.

Sợ
Bạn có:
– Sợ ma? Ngủ một mình sợ?
– Sợ chết? Hem dám nhảy bungee, nhảy dù, skydiving, đi máy bay?
– Sợ mất tiền, sợ thua lỗ?
– Sợ mất thời gian?
– Sợ người khác chê cười?
– Sợ mất lòng, hem dám nói?
– Sợ cô đơn?
– Sợ không ổn định, sợ bấp bênh?
– Sợ bị phê bình, nói cái chưa được của mình vì sợ mất mặt?
– Sợ xấu, sợ già, sợ bệnh tật?
– Rắn, chuột, gián…nhìn là sợ dù trên màn hình tivi?
Nếu các bạn có một trong số những nỗi sợ trên, thì các bạn khó mà làm được sự nghiệp. Mọi sự sợ hãi do não lập trình cả. Ví dụ, sợ ma thì sao đi công tác một mình, hem lẽ lúc nào cũng phải có người ngủ cùng. Sợ ma thì tâm lý và tinh thần rất yếu, không làm ăn được.
Các bạn cần phải nghĩ lại nếu có ước mơ. Vì sợ thì sẽ dẫn tới đắn đo, thập thò, dùng dằng, phút 89 là rút lui.
Chỉ nên sợ những cái như gây ra cái chết cho mình, vi phạm pháp luật và hại người khác, còn lại, nỗi sợ là do mình nhát thôi.
Luôn sợ hãi là đặc tính của người thường, người theo đuôi người khác (follower), hem phải người quản lý, dẫn đầu (leader). Các bạn cũng nên đánh giá tính cách này trong chọn người vô làm chung, nhận biết nhân tài. Ví dụ, luôn sợ mất tiền thì sẽ không có lòng tin ở người khác, nên sẽ không thể hùn hạp làm ăn được.
Đời người, đằng nào cũng sẽ phải chết. Không sớm thì vài chục năm nữa. Nên não mình chứa đầy nỗi sợ ấy thì hem đủ thời gian để làm. Trừ 3 cái trên (chết mình, hại người, phạm pháp), còn lại, không sợ nữa. Trẻ con hầu như cái gì nó cũng sợ, sau đó lớn dần thì bớt dần. Người trưởng thành thì không còn sợ mấy cái vớ vẩn nữa.
Bạn ước mơ làm cái gì thì mạnh dạn làm đi.

Đọc để có sense
1. Nhiều bạn khi mở cái gì đó để làm ăn, lo nhất là đầu ra. Khả năng marketing, tức làm cho mọi người biết tới sản phẩm của mình, thúc đẩy lượng tiêu thụ không thành công, dù học qua hết mọi kỹ thuật về marketing.
Điều kỳ lạ là càng học về marketing, càng nghiên cứu về nó…thì càng không làm được. Vì marketing nó thuộc về sense (nôm na tiếng Việt là tư duy cảm giác, đại loại business sense, sense of humor,….) mấy cái này muốn học cũng không học được. Vì để có sense, người ta phải có tâm hồn, chứ không phải ý chí.
Giống như làm giàu vậy, bạn có thể có ý chí, nghị lực, hiểu biết để làm giàu, nhưng không thể học để “sang” được. Sang, cần tâm hồn. Tâm hồn nó biểu hiện qua cốt cách, tạo nên vẻ đẹp riêng. Có những câu thơ câu văn, người có tâm hồn đọc lên, họ run rẩy vì chạm sâu vào tâm khảm của họ. Cũng có người, nói “tao thấy chẳng hay gì cả”, hay thậm chí có bạn nói “tao cho là nhảm”. Cái này thuộc về sense, không ai giống ai.
2. Trong 20 cuốn sách dưới đây, toàn Tây viết cả, trừ ông cuối cùng là Việt nhưng cũng viết kiểu Tây do tư duy Tây hay lúc viết bị Tây nhập.
Viết kiểu Tây là viết để trình bày một vấn đề khách quan dưới dạng văn học đơn giản, không bay bướm cầu kỳ cũng không khô khan cứng nhắc, cốt để cái sense của tác giả chạm đến cái sense của độc giả, khiến họ đọc có thể khóc, có thể cười, từ đó mà nhận thức thay đổi.
3. Các bạn lưu ý sách số 14. Đây là cuốn sách khá thú vị, kể về chuyện trăm năm trước, một đoàn khoa học người Anh sang Ấn Độ tìm hiểu văn hoá. Đầu tiên họ nhìn người phương Đông (đang thua kém, lệ thuộc) với ánh mắt coi thường. Nhưng sau đó, họ gặp các vị chân tu để nói về huyền học, về những thứ khoa học chưa chứng minh được, không thực nghiệm được. Họ mới thấy hoá ra, “bên ngoài trời còn có trời”, cái ta hiểu biết chỉ là vô cùng hạn hẹp, một người thông thái nhất trái đất từ cổ chí kim, thật ra chỉ nhìn thấy được một hạt cát trong tỷ tỷ hành tinh. Sau đó, một sự cố đột ngột xảy ra, và các bạn đọc tiếp đi nhé.
4. Các bạn nên có đầy đủ 20 cuốn này trong tủ sách. Và đọc đi đọc lại, chứ đừng có nói “tui đọc cuốn này rồi” theo kiểu số lượng, thành tích. Vì ngoài kiến thức, những cuốn sách này sẽ giúp các bạn có tư duy ngôn ngữ, và quan trọng hơn là tư duy cảm giác để có thể làm marketing tốt.
Làm nghề gì cũng cần marketing. Dạy giỏi thì học trò phải theo học, hát hay phải bán vé được, du lịch dịch vụ thì phải quảng bá hay để người ta đến, kinh doanh nói hay người ta mới biết sản phầm của mình mà mua, kể cả sức lao động của mình cũng chào bán ở buổi phỏng vấn việc làm ở mức lương cao nhất….
5. Có đi nhiều, đọc nhiều, yêu thương nhiều, nghĩ về người khác nhiều, bớt cái tôi và cái sở hữu vị kỷ cá nhân thì đầu óc mình mới rộng mở được, mới có sense được.
Mình đọc các tấm gương thành công, thấy hay đó nhưng phần lớn không bắt chước được. Đơn giản là vì họ có sense.
6. Nếu các bạn đọc xong 20 cuốn sách trên và nghiên cứu thêm về Lão Tử, các bạn mới biết vì sao các tinh hoa Phương Tây xưa nay đều xem Lão Tử là người vượt tầm mọi thời đại, “người phương Đông duy nhất vượt người phương Tây về nhân sinh quan và vũ trụ”. Nếu bạn không có thời gian để nghiên cứu nhiều về văn minh phương Đông, chỉ đọc một mình sách nói Lão Tử là đủ. Đọc và áp dụng tư tưởng cao cấp ấy, bạn sẽ trở thành tinh hoa của nhân loại.

Một đồng của thượng đế
Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé vô cùng thông minh, kiểu học trường chuyên lớp chọn giải học sinh giỏi quốc gia quốc tế đồ. Cậu lại sáng sủa đẹp trai nên luôn được cha mẹ, hàng xóm, thầy cô ca ngợi. Các bạn biết cậu thì xem như soái ca thần tượng.
Sống trong những lời ca tụng lâu ngày, trí óc lại còn non nớt chưa trưởng thành, cậu bé đâm ra lười biếng, hoang tưởng về năng lực. Cậu không nể phục ai, ai cũng ngu dốt, dù cậu không nói ra. Câu bỏ học nửa chừng, không thèm đọc sách báo của ai hết, cũng không màng giao lưu với bất kỳ ai. Đơn giản vì cậu “em không thích”. Cậu chỉ muốn dùng trí khôn của mình để thành tỷ phú.
Thượng đế là người duy nhất cậu nể. Vì có quyền lực, có trí khôn, có của cải, có phép thuật, có thế gian mọi thứ.
Một ngày nọ, cậu may mắn có cơ hội được nói chuyện với ngài. Cậu bé hỏi Thượng đế: “Nghe nói ngài sống rất thọ. Vậy một vạn năm (10.000 năm) đối với ngài là khoảng bao lâu?”
Thượng đế trả lời: “Cũng giống như một phút”.
Cậu bé lại hỏi: “Một tỷ đô la đối với ngài là khoảng bao nhiêu?”
Thượng đế đáp “Khoảng một đồng”
Cậu bé hỏi Thượng đế: “Ngài dễ dàng kiếm tiền đến thế sao. Vậy ngài có thể cho con một đồng đó không?”
Thượng đế trả lời: “Đương nhiên là được rồi, con hãy đợi ta một phút”.
Cốt chuyện này đã có từ thời xa xưa, dùng để thi thố tuyền chọn Trạng nguyên này nọ. Với người đủ hiểu biết, đầu óc chín chắn trưởng thành, họ đều biết là “Mọi thứ trên đời có được là do chăm chỉ lao động”.
Thấy người ta nói tiếng Anh lưu loát, kiếm tiền ngàn đô….thì do họ đã miệt mài luyện đọc, luyện nói, luyện viết…lúc mình đang chơi hay ngủ. Không thầy nào, trung tâm nào xẻ não nhét chữ vô đầu họ được cả.
Thấy người ta đi xe hơi, có bạc tỷ,….thì họ đã đánh đổi thời gian và sức lực rất nhiều, lúc mình đang chán nản, buồn bã, hận đời. Kiểu “em không thích nên em không làm, em thích em mới làm tốt được, em bị tụt mood quá, em đi tìm cảm hứng làm việc”. Đời không có chuyện thích hay không thích trong công việc. Làm vì TRÁCH NHIỆM, TỰ MÌNH TÌM ĐAM MÊ, TÌM THÚ VUI TRONG CÔNG VIỆC. Vì tính “trách nhiệm” chứng tỏ năng lực của một người. Cái giá của năng lực là trách nhiệm.
Người ta cũng nói “Tay làm hàm nhai”, ngày nào không làm thì không nên nhai. Vì sao được nhai khi không chịu làm?
Các bạn thân mến. Mọi bộ óc khôn ngoan nhất thế gian đều khuyên bạn “Đừng bao giờ cho ai vay mượn để sinh hoạt”. Nếu một người lành lặn mà chết đói thì cũng do quy luật sinh tồn, không nên can thiệp. Chỉ cho vay mượn khi họ rơi vào ngặt nghèo, như ốm đau, bệnh tật.
Ông chủ giỏi không bao giờ cho nhân viên tạm ứng lương, phải để họ tự xoay sở. Một cá thể 18 tuổi trở lên rồi, cơ thể đủ khả năng sinh sản rồi, tức trưởng thành rồi, nếu không làm ra tiền thì không ăn, không sinh hoạt, đừng phiền người khác. Mèo trưởng thành thì phải bắt chuột, mèo mẹ đủ khôn ngoan để không làm giùm việc này. Nếu một ông cha bà mẹ nào đó vẫn trợ cấp tiền sinh hoạt cho con cái, thì trí tuệ của họ thua cả một con mèo. Nguy hiểm hơn, bạn đã đẩy con cái vào vòng sinh tử của cuộc chiến sinh tồn, đánh mất năng lực tự nhiên của con trẻ.
Và với các bạn trẻ, đừng bao giờ hỏi xin ai cho mình 1 đồng nào cả, cho dù đó là trên Thiên đường.

Xách giỏ đi buôn quốc tế
Bài 1: Buôn chuối, dứa từ Phillipines
Năm 2004, sau khi làm việc ở Hồng Kong 6 tháng, Tony nhận thấy sự giàu có của hòn đảo này là do kinh doanh quốc tế, tài chính và đầu tư quốc tế. Nhưng không phải ai cũng làm được những nghề này, vì phải có đầu óc thông minh lanh lợi trác tuyệt, kỹ năng ăn nói siêu phàm, năng lực tính toán và phán đoán, cũng như sự dấn thân, đam mê, không hề sợ hãi cái gì kể cả cái chết. Những thương nhân đã bỏ mạng trên biển hay trên con đường tơ lụa trong quá trình giao thương quốc tế hàng ngàn năm qua thì không thể đếm được. Còn mình muốn an toàn thì quanh quẩn ru rú ở nhà, chưa giàu đã già.
Sau khi được các ông chủ HK đèo tẹo, và thấy mình cũng có tố chất, nên quyết đi buôn một phen. Đầu tiên là đi Philippines mua chuối và dứa để xuất qua mấy nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, mấy nước này hem có trồng được nhưng họ thích ăn. Hàng sẽ tạm nhập vô cảng Thâm Quyến Quảng Châu rồi chở bằng xe lửa lên biên giới mấy nước này, giao cho họ.
Rồi sáng đó Tony bay từ HK đi Davao, quá cảnh Manila. Từ Manila, bay gần 2h mới đến được. Đây là địa phương trồng chuối và dứa nổi tiếng, đưa Philippines trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Chuối giống Nam Mỹ, dài to, còn dứa (thơm) thì đều tăm tắm nhìn cứ như là từ một dây chuyền sản xuất công nghiệp.
Davao có biển và núi, trên núi vẫn ăn được hải sản tươi sống, đặc biệt món cá ngừ đại dương gói lá chuối nướng, hay canh nghêu nấu lá ớt. Có món sinh tố xoài xanh xay nhuyễn, có chút muối để hãm vị chua, quyện với vị đường và sữa, ngon cực. Khu trung tâm tp Davao nhỏ, nhà cửa xen lẫn trong những cây dừa, cây xoài, cây chùm ngây, cây me ….xinh đẹp như công viên, khu vực thành phố an toàn, đáng để đi du lịch. Davao có ngọn Apo cao nhất nước, có nhiều bãi biển cực đẹp. Tony thì không tới đó, vì đợt này đi có 2 ngày, gấp rồi về lại HK để họp. Vì phải thị sát những nông trường trồng chuối và dứa nên Tony đi khá xa tỉnh lỵ Davao. Càng đi, dân cư càng thưa thớt, cứ khoảng vài ba chục km có 1 thị trấn nhỏ. Xe chạy ngang những quả núi trồng toàn chuối hay dứa từ dưới chân đến ngọn, Tony ngạc nhiên mãi, nói sao trồng được hay thế. Đất đai cũng chẳng tốt, thấy toàn đất xám pha sỏi cát. Hỏi mới biết là có những công ty chuyên dịch vụ, với những chiếc máy xúc của Mỹ to đùng, đào sâu thành các hố để trồng. Rễ đâm sâu xuống tới 2 mét nên trời khô hạn vậy mà cây vẫn tốt tươi. Phân thuốc được phun xịt bằng máy cao áp bán kính tới vài trăm mét. Công ty dịch vụ còn nhập cả máy bay để phun xịt từ trên cao như các nông trang bên Mỹ, sân nhà trước mỗi farm là đường băng. Công nhân hàng ngày sẽ đi vệ sinh cây chuối hay dứa, bẻ bỏ hết chỉ chừa lại 1 cây con để sau này thay thế cây mẹ, giúp dồn sức cho việc ra quả. Lịch làm đất, bón phân, tưới nước, …..thống nhất nên nông sản có kích cỡ đều nhau. Dứa dùng để ăn tươi thì khoảng 1kg/ quả, còn dùng ép nước hay đóng hộp thì 2 kg/quả. Chuối cũng vậy, một buồng chuối (tiếng Anh gọi là a bunch of bananas) có 8-10 nải chuối (hands of bananas, chắc nải chuối giống bàn tay nên từ nải dịch qua tiếng Anh là hand, các bạn trẻ nắm các từ này để dịch những cụm từ như u nang buồng chuối hay chuối cả nải), một nải có khoảng 20 quả, có 4 loại chính là xanh, vàng nghệ, đỏ bầm và vàng chanh. Những công ty đa quốc gia lớn của Nhật hay Hàn, Mỹ, châu Âu…đều đến đây thuê đất để làm, rồi tự bao tiêu sản phẩm.
Nhớ đêm đó, đối tác đưa Tony đi vào rừng để sáng mai coi hàng. Đầu tiên là đường nhựa, cứ khoảng vài km có 1 chốt gọi là checkpoint, có lính bồng súng đứng, mở cửa xe, rà soát bom mìn. Sau đó là đường đất, không còn các checkpoint nữa. Tony cũng lo lo, vì trước đó ở đây cũng đã diễn ra các vụ bắt cóc thương nhân nước ngoài. Nhưng sinh nghề thì tử nghiệp, cùng quá thì chết chứ có sao.
Cái Tony lấy cái áo vải jean ra mặc vào, nói đối tác ai hỏi gì thì nói tao người Philippines, nói tao câm và điếc bẩm sinh nha. Tụi đối tác cười hả hả, nói mày thông minh quá Tony, vậy mà cũng nghĩ ra được. Vì trước đó, có mấy thương nhân nước ngoài vào khách sạn chỗ heo hút này, người của khách sạn thông đồng, bắn tin ra ngoài cho bọn bắt cóc biết, tụi nó nửa đêm ập vào bắt đi, giả bộ bắn bùm chéo nhưng chả chết thằng bảo vệ nào. Đòi tiền chuộc thì thả chứ hem có gì nghiêm trọng. Cái gì phải trả tiền được, thì gọi là chi phí. Đơn giản vậy thôi.
Tony đưa hộ chiếu cho anh bạn cầm, nói mày làm sao thì làm. Nói vậy chứ trong lòng cũng bất an, vì ngó ngoài xe, thấy xung quanh đêm tối mịt mùng, những dáng núi cao sừng sững, con đường chạy giữa rừng hun hút, không một mái nhà, không một bóng đèn, lâu lâu có những chiếc xe tải chạy ngược lại. Thỉnh thoảng mới có một cây xăng, nhưng thanh toán bằng thẻ tự động vì ở đấy đã xảy ra nhiều trường hợp cướp tiền mặt.
Xe ngừng lại ở một thị trấn nhỏ xíu giữa núi rừng hoang vu. Vào nhà nghỉ chắc là lớn nhất ở địa phương. Trên tường vẫn còn loang lổ những vết đạn của các lần chạm súng trước đó. Hai anh bảo vệ cao to đen thui ra mở cửa xe, nhìn mình dò xét. Dưới ánh đèn neon mờ mờ, ông chủ nhà nghỉ hất hàm hỏi hỏi passport đâu, thấy Tony cao to đẹp trai nên nghi là người nước ngoài, thằng kia nói không, thằng này người nước mình đó, bị câm và điếc tội nghiệp lắm. Cái ổng đòi ID card, tức chứng minh nhân dân, anh bạn lanh lợi nói nó cũng bị khùng khùng nên rớt mất cái cái miếng giấy để chứng minh là nhân dân rồi. Chứ chắc chắn nó là nhân dân. Tony nghe vậy bèn giả vờ ngây ngô liền, đưa tay hái hoa bắt bướm, gương mặt thanh tú lập tức chuyển qua trạng thái hoang dại. Ông chủ nhà nghỉ vẫn nhìn mình với ánh mắt nghi ngờ, vừa câm vừa điếc vừa ngáo ngơ đến nỗi giấy tờ tuỳ thân cũng rớt mất thì đến đây làm chi. Thấy vậy, Tony lật đật bẻ viên sủi Upsa C bỏ vào ngậm trong họng, bọt trào ra khoé miệng trông thật tội nghiệp.
Cái ông chủ hỏi ủa sao vậy, anh bạn Phi nói nó đói bụng đó, sùi bọt mép là lúc phải cho ăn, cho nó lên phòng đi. Ông tự nhiên thấy thương (đẹp trai quá mừ), kêu vợ ra lấy chuối ra đãi khách. Bà chủ từ nhà bếp chạy ra, nhìn sững sờ, đánh rơi dĩa chuối. Tony cũng há hốc mồm.
Trời ơi, Quỳnh!
(Còn tiếp, bạn quan tâm nội dung giống như thế này thì mua Cà Phê cùng Tony mà đọc nhé).

Những kiến thức cơ bản của văn hoá thế giới.
Bài 1: Những bức hoạ nổi tiếng.
Nhiều bạn trẻ ra thế giới, có một số kiến thức cơ bản mà mình mù tịt, nhưng Tây Tàu đều biết. Ví dụ như những bức hoạ nổi tiếng, người mình ít ai biết vì chương trình sách giáo khoa mình hem có đề cập, chắc mấy thầy soạn sách thuở xưa hem thích hay sao đó. Giờ mình bổ sung vậy. Kiến thức thì dễ, trên internet có hết.
Các nước phương Tây họ dạy kỹ mấy cái này, thậm chí bắt học sinh học thuộc, thi đố nhau, cô hỏi là trả lời vanh vách. Khi lớn lên, họ mới thích đi vô bảo tàng mỹ thuật coi, hay thích đi nghe hoà nhạc vì hiểu và thích thú. Hem có tư duy đại loại “ nhìn mấy bức tranh này chán òm, thà lấy tiền đó mua phở ăn còn hơn”. Cũng hem có ngủ gục trong buổi hoà nhạc, vô nghe hoà nhạc mà ngáy quá to, làm bối rối dàn hợp xướng, khiến họ quánh trật nốt trật nhạc hết.
Thậm chí mình chọn làm doanh nhân, khi họp bàn công việc, đang ngồi trong một khách sạn 5 sao cùng nhau, nhạc văng vẳng vang lên, họ “enjoy”, hỏi mày có thích bản “hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ này hem”, mình nói I dont know, thì cũng hem hay lắm. Có hiểu biết thì mới có thể tự tin giao tiếp.
Các bạn xem qua, nhớ tên, xem kỹ để có dịp đến tham quan, hoặc trà dư tửu hậu, họ nói bức Starry Night (Đêm đầy sao) thì mình còn biết của ai, vẽ gì trong đó để góp chuyện, biết Van Gogh là người nước nào để gặp người nước đó, nói à mày từ quê hương Van Gogh à. Trừ mình đam mê hội hoạ thì search thêm để chuyên sâu, việc nắm thông tin âm nhạc cổ điển, mỹ thuật hội hoạ, các dòng rượu vang, các kiến trúc nổi tiếng, các nền văn minh cổ đại, trung đại,….là rất quan trọng để tâm hồn phong phú.
Trí thức tầm thế giới, cần phải có sự lãng mạn. Có yêu cái đẹp, yêu cái mỹ thì mới có chân, có thiện….được.
Lòng biết ơn
Lòng biết ơn là đẳng cấp cao nhất của văn minh. Một triết gia cổ đại đã từng nói như vậy.
Nên trong cuộc đời mình, dù có bất đồng quan điểm, hoặc không còn yêu thương, hoặc họ không cho mình nữa, hoặc mình không đủ năng lực lấy cơ hội họ mang đến, thì cũng nên trắng đen mà dùng lý trí phân biệt, rằng họ đã từng cho mình. Dùlà 1 xu hay một miếng bánh nhỏ, cũng phải biết ơn.
Luôn nghĩ về ngày xưa, để biết ơn người đã cho mình cơ hội. Nếu không có họ, thì mình hiện giờ sẽ ra sao. Tự tưởng tượng và xóa bỏ những ý nghĩ không hay, nếu có. Văn minh đơn giản chỉ là như vậy.
Mời các bạn đọc lại một mẩu chuyện trong sách Trên Đường Băng nhé.
“Hôm nọ, Tony đi cà phê với John, giám đốc 1 công ty ở Bình Dương. John nói tao phỏng vấn tuyển nhân viên, có 3 ứng viên đạt tiêu chuẩn. Tao chờ coi ai gửi thư cám ơn thì sẽ nhận. Dù sao cũng vài dòng “cám ơn đã dành thời gian phỏng vấn tôi’ như là 1 phép lịch sự, dù không có bắt buộc. Chờ miết hẻm thấy đứa nào gửi.
Tony nói thôi mày khùng quá John. Tết Công Gô cũng không tìm ra. Kiếm đứa nào mới ra trường, mặt mũi thông minh lanh lẹ, học trường nào cũng được, miễn là có đọc Tony Buổi Sáng thì đều là đứa khá về mặt tư duy và đạo đức, rồi đào tạo chuyên môn, ươm trồng rồi hái quả.
Nói mới nhớ. Có mỗi cái hậu thư (follow-up letter) hay thư cám ơn (thank-you letter), sao ít ai biết. Nhiều bạn kém 1 chút, nhưng phỏng vấn xong, vê nhà gửi 1 thư cám ơn. Nhờ cái thư đó mà được nhận vào làm. Vì hành động đó thể hiện sự chỉn chu, tinh tế, biết trưóc biết sau. Doanh nghiệp thấy đứa này với tính tình dễ thương, sau này đối tác khách hàng gì cũng yêu mến mà mọi việc thuận buồm xuôi gió. Làm cái gì cho công ty cũng hanh thông vì người ta có cảm tình.
Cám ơn là câu cửa miệng, nhưng với người mình thì ngày càng hiếm hoi. Chữ cám ơn xuất phát từ lòng biết ơn chân thành, là 1 tiêu chí để đánh giá con nhà có giáo dục tốt từ cha từ mẹ. Người ta cho mình cái gì, dù nhỏ xíu xìu xiu, cũng phải biết ơn.
Còn cũng có thể loại đi tới nhà người ta ăn uống đã đời, về im thin thít. Hẻm có nổi cái tin nhắn “đã về nhà an toàn, cám ơn Tony đã cho em ăn bữa tối hôm nay”, thật ra cũng chỉ là thông báo đã về an toàn. Đi công tác nước ngoài cũng vậy, lúc ra sân bay ở bển thì ôm hôn tạm biệt thôi là tạm biệt, nhưng về nước thì hẻm có nổi cái email cám ơn về sự đón tiếp của bạn (thanks for your hospitality). Phép lịch sự và lòng biết ơn tối thiểu này, sao ko ai dạy tụi nhỏ cả. Để ra quốc tế, người ta nói người Việt thực dụng thế này vô cảm thế kia. Lúc trên sông thì ngon ngọt với cô lái đò, qua sông là phủi đít cái rẹt. Vài bữa đi đò lại thì lại năn nỉ ỉ ôi, em chào chụy, chụy lái đò của em…
Ngày 20,11 thì chỉ đi thăm thầy thăm cô lúc đang còn học lớp của họ, chứ học xong là quên luôn, gặp ngoài đường giương mắt ếch ra nói ông này bà này nhìn quen quen. Lúc cần xác nhận bảng điểm hay bằng cấp hay thư tiến cử đi xin học bổng gì đó, thì lại vác mặt đến nói cô nhớ em hem, làm là Tèo lớp cô ngày xưa nè, giả lả kể kỷ niệm này kỷ niệm kia. Nhiều thầy cô ký đại cho xong chứ chẳng biết nó là ai, và nó cũng chẳng cần gì ngoài cái thư ấy.
Cũng có thể loại người, cả chục năm không gọi không liên hệ gì với bạn bè cả, lâu lâu gọi, nói tao Nguyễn Văn Tí nè, bạn lớp 7 của mày nè, nhớ hông nhớ hông. Thì y như là: 1-mượn tiền, 2-mời đám cưới, 3-nhờ vả, 4- bán hàng đa tình đa đoan. Tony từ chối thẳng, nói cho mày mượn tiền rồi sao lấy lại được. Hổng lẽ chục năm sau mày lại xuất hiện rồi trả? Nó giận, nói mày không coi trọng bạn học gì cả. Bạn học là cái gì đâu, chẳng qua trời xui đất khiến sao đó mà hồi đó ngồi chung với mày 1 lớp vậy thôi chứ gì mà ghê vậy. Tony nghĩ dù là bạn gì cũng vậy, phải có tình có cảm, có gặp gỡ với nhau, giao lưu với nhau, chứ chỉ xuất hiện lúc cần, biến mất, rồi lại xuất hiện, thì mối quan hệ đó để làm gì. Tốt nhất là dẹp cho xong. Mình chỉ có 24h trong ngày, đi làm hết 8 tiếng, ngủ hết 8 tiếng, chỉ còn có 8 tiếng còn lại và có tới 7 tỷ người trên trái đất.
Hãy dành thời gian cho người xứng đáng.
Nhiều người chả rõ tôn giáo mình là gì, lâu lâu đến chùa đến miếu là để xin. Xin tiền, xin duyên, xin thi đậu, xin cho con lấy được Tèo Đô La đê con có tiền đô con xài, cho con trúng số… toàn xin với xỏ, chứ giáo lý Phật pháp 1 chữ không biết, chẳng biết cái miếu đó thờ ai. Mua chim thả phóng sinh, thả cá thả rùa, trong khi trong tâm thì chẳng bao giờ làm điều tốt, chẳng thương người, sống ích kỷ, chỉ biết cho mình, vun vén cho bản thân và gia đình mình, thì có ý nghĩa gì.
Nhóm người này đều không thành công cả công việc lẫn cuộc sống vì thánh thần và người phàm chẳng ai yêu thương hay tôn trọng. Có những đám cười, mời 20 bàn mà chỉ có 5 bàn là có khách đi, 15 bàn còn lại vắng hoe ruồi bay qua bay lại. Thì ráng chịu chớ buồn bã làm gì? Sao không ăn ở như bát nước đầy đi.
Ban đêm về, ngồi đếm tiền, rồi cãi lộn, chú rể mắng nói tại em mời khách mà khách không đi, cô dâu cũng nói tại anh. Đô qua đô lại..
Rồi động phòng không xong, biến thành động thủ. Quánh nhau rầm rầm, mặt mũi sưng húp…
Nhưng sáng, đôi uyên ương phải dậy thật sớm, ngồi ăn cho hết 15 phần thức ăn nhà hàng gói mang về.
15 cái lẩu. Má ơi. Ăn muốn lòi họng”.
P/S: Lòng biết ơn cũng là một loại trí tuệ.

ÓC LANH LỢI
Kính gửi: mấy gia nhân ở villa de Tony
Thưa mấy anh gia nhân (đang ôm laptop hay Iphone Ipad)!
Tròn 1 tháng đóng page, hôm nay em xin trở lại với chủ đề mà các bạn quan tâm: kiếm tiền. Các anh đã giàu trí thức, giàu nhân cách, giàu tình cảm, cái gì cũng giàu rồi chỉ có mỗi tiền bạc chưa giàu thoai. Nên em đành đăng lại bài này, mong các anh đọc và thực thi giùm.
1. Óc lanh lợi là gì?
Người sử dụng lao động thích nhận người lanh lợi. Và 100% người đạt đỉnh cao của nghề nghiệp như bác sĩ, giáo viên, luật sư, kiến trúc sư, thợ kỹ thuật, kỹ sư, kinh tế…đều là người vô cùng lanh lợi. Chưa thấy bác sĩ nào lù đù mà nói là ông đó giỏi. Cũng chưa từng thấy giáo viên nào ngáo ngơ, bận áo dài đi từ phòng giám hiệu đến cửa lớp vấp té mấy lần mà gọi là giáo viên giỏi. Cũng chưa thấy ông bà chủ hay giám đốc doanh nghiệp nào mà cái mặt nhìn khờ căm, suốt ngày bị đối tác lừa phá thai miết. Không có và không có.
Lanh lợi, tức clever, là tính từ chỉ người có tốc độ tư duy cao hơn bình thường. Tốc độ quét ánh mắt, tốc độ suy nghĩ và tốc độ đi tương ứng với tốc độ tư duy. (Nhưng nếu quét mắt liên tục thì trở thành người gian xảo, vốn là người lanh lợi nhưng phát triển theo hướng tiêu cực).
Người có óc lanh lợi là do Kỹ Năng Quan Sát, logic tốt, thực hành nhiều, QUAN TRỌNG NHẤT LÀ ĐƯỢC động tay động chân từ bé. Lanh lợi di truyền từ người mẹ. Nếu bà mẹ lanh lợi và ép con làm việc nhà thì những đứa con nhanh nhẹn hơn người. Họ có tư duy tốt để sắp xếp cái gì trước, cái gì sau…Ví dụ trong lúc chờ cơm chín thì nhặt rau, nếu có bếp khác thì trong lúc nhặt rau, nấu nước trước. Nên với 1 quỹ thời gian 24h, (vốn là cái duy nhất công bằng của tạo hoá cho muôn loài), người lanh lợi sẽ làm được n+1 việc, trong khi có người làm 1 việc không xong, hoặc không nghĩ ra việc gì để làm cả. Nghĩ không ra việc nhà thì ở cơ quan cũng thế. Vì não không được activated (kích hoạt) nên biểu hiện ra gương mặt nhìn rất chán, dù rất đẹp trai đẹp gái nhưng nhìn một lúc là buồn ngủ.
Óc lanh lợi không liên quan đến trình độ học vấn hay bằng cấp. Nên có ham học cách mấy cũng hem lanh được. Lanh hay khờ là do TƯ DUY và LAO ĐỘNG. Và kết quả là người thành kẻ bại, chứ không phải do ai nâng đỡ hay may mắn gì cả. Nâng đỡ thì cũng có lúc có khi, may mắn cũng chỉ vài ba khoảnh khắc (Bạn trai biết để chọn vợ, đừng lấy mấy đứa không biết làm việc nhà, con cái mình sau này sẽ khờ khạo. Con gái phải lựa trai có ý chí mạnh và biết làm việc nhà mới quen, vì chỉ có người này mới có thể khởi nghiệp, để đời con mình không cực khổ. Không thể đẻ con ra rồi đèo trên chiếc xe máy vun vút dưới trời nắng đổ lửa 40 độ, cạnh tranh với xe container, xe khách ở quốc lộ được. Đàn ông mà để vợ kiếm tiền nhiều hơn thì dở ẹt. Nhiệm vụ chính của vợ là xinh đẹp, nhiệm vụ kiếm tiền phải chủ yếu là anh chồng, như thế giới tự nhiên xưa nay đã quy định, trai săn bắn, gái hái lượm. Hái được nhiêu hái, lượm được nhiêu lượm, còn săn bắn không được là hoặc kém đầu óc hoặc dở kỹ năng hoặc lười).
2. Làm sao để có óc quan sát?
Kỹ năng quan sát là cái đầu tiên của người lanh lợi. Trường Westpoint nó tuyển, nhốt 10 đứa vô phòng, nhìn nhau trong 1h đồng hồ, nói đợi đề thi. Xong tách riêng ra, cho từng đứa ghi lại “bạn đã quan sát được gì trong lúc đợi đề thi”. Đứa nào nói được càng nhiều thì càng giỏi. Ví dụ thấy có 10 bóng đèn, 1 bóng cháy. Thằng bên trái tên Điệp, 19 tuổi, đeo đồng hồ Rado, chưa có bồ, con bên phải tên Lan, 20 tuổi, mặc áo hồng quần xanh…Đại loại vậy thì đậu. Còn nộp giấy trắng thì loại.
Với người có óc quan sát tốt, cuộc sống của họ luôn tốt đẹp. Sống với họ rất thích. Họ luôn nhìn xung quanh bán kính 1m rồi xa hơn, sẽ thấy những cái bất thường cần phải thay đổi. Bật điều hoà thì phải đóng kín cửa sổ, nằm ngủ cạnh đống rác thì phải reo lên, a, rác đây rồi, chúng ta không ăn rác được, nên phải dọn đi. Bức tranh bị treo nghiêng thì sửa lại cho thắng, cái hốc tối om đó nên đóng thêm 1 cái tủ sẽ hợp lý hơn. Nhìn lên trần, váng nhện đó cần phải dọn, chỗ đó nắng vào cần để cái cây xanh, chỗ đó mưa tạt cần phải che, chỗ đó tối quá cần bắt thêm bóng đèn, bóng đã cháy thì thay mới.
Đến một ngôi nhà, một môi trường khác…người có óc quan sát sẽ lập tức để ý trật tự của họ. Giày dép họ cho mang vô nhà hay để ngoài, ra khỏi toilet nên đóng cửa lại, tiêu tiểu xong nên rửa sạch, lấy giấy lau khô bồn cầu lẫn nơi mình rớt nước xuống, đóng nắp bàn cầu lại…trả lại y chang như lúc mới vào. Cái bếp phải luôn dọn dẹp, vị trí nào để cái gì cho hợp lý. Rất nhiều gia nhân lấy đường pha cà phê xong quên đóng nắp…và kiến đen vô nhiều, phải đổ bỏ, cứ 2 ngày 1 kg. Nhiều bạn ngồi 1 bật quạt cho mát, bật tivi xem, xong đứng dậy chả buồn tắt, nghĩ là chút xíu quay lại, xong cái có ai điện thoại, vọt đi chơi luôn. Có bạn bật nấu nước hoặc kho cá rồi lên phòng bật máy tính ngồi chat, quên xuống tắt, cháy đen cái nồi.
Chỗ ngủ cũng vậy. Sắp xếp sao cho nằm ở 1 góc nào đó, chừa khoảng không cho sinh hoạt, bàn này tủ kia. Ngày xưa đi học, em có biết bạn kia, ở nhà trọ, nhậu xong về cởi áo ngủ giữa nhà, lấy quạt chĩa thẳng vô cho mát…và sáng mai vĩnh viễn ra đi.
Khi ở chung, nên nghĩ về người khác trước khi nghĩ về mình. Có nhiều gia nhân ở villa, 1 thời gian là bị đuổi. Lý do bị đuổi duy nhất là LÀM BIẾNG. Buổi sáng dậy, chẳng quan tâm đến ai ăn gì uống gì, bạn tự pha ly cà phê, tự nấu tô mì tôm ăn rồi bỏ đi. Buổi tối về là lên phòng ôm laptop, mặc con Lu cả ngày chưa ăn gì, nhà cửa thì bề bộn dơ dáy. Vô phòng ngủ thì quần lót góc trái, quần đùi góc phải, bít tất (vớ) mang 2 lần (lẽ ra là chỉ mang 1 ngày phải giặt), giấy ăn vứt lung tung, cả phòng xộc lên mùi hôi thối. Nhưng kỳ diệu là bạn vẫn ngủ được. Có bữa tiệc, các bạn khác đang nhặt rau nấu cơm thì có bạn ngồi trên ghế, ôm con mèo hoặc nói chuyện vĩ mô như biến đổi khí hậu…nhưng không mó tay vào làm. Có bạn ăn xong là lập tức xách ba lô lên đi làm, đi học, đi tập gym, quánh cầu lông…ai dọn kệ ai. Túi nylong bay đầy sân thượng. Quần áo bao giờ cũng giặt 2-3 lần, vì giặt xong đem phơi, đi làm đi học không chịu lấy vô chỗ khuất gió, chiều về thấy bay tứ tung cả nên giặt lại. Quần lót 7 sắc cầu vồng bay xuống đất, con Lu cắn lủng hết mấy chỗ nhạy cảm, rồi nửa đêm thắp đèn ngồi vá chứ lấy gì mai mặc đi thuyết trình. Quần lót mà cũng vá, khộ quá khộ.
Nhiều bạn học rất rất giỏi, thi ĐH hai mấy ba chục điểm, nhưng ra đời không kiếm được tiền. Đơn giản là LƯỜI MÀ KHÔNG NHẬN RA, NÓI THÌ BIỆN HỘ. Biện hộ lý do rất giỏi là đặc tính dễ nhận ra của nhóm này.
Vô một trung tâm mua sắm hay tiệc tùng đông người, mình quan sát cửa thoát hiểm, ví dụ đột ngột cháy thì sẽ men theo bức tường nào để tìm cửa thoát nạn. Nhìn mối điện bị hở, nguy cơ cháy nổ, nên báo cho người ta sửa. Lái xe trên đường thì càng quan sát vì mô hình thị trấn mở rộng cho mọi đô thị nước ta, người ta sẽ vừa lái xe máy vừa chạy tìm cửa hiệu bán cái gì đó mà mình cần mua. Có khi đang chạy thì nhác thấy, nên phanh lại cái két, rẽ vô ngay, phía sau mình không phản ứng kịp là tèo đứa đi xe máy trước.
Mệt quá, nói chung tụi mày không lao động chân tay thì sẽ không có óc quan sát. Mà không có óc quan sát thì cả đời khổ. Sai lầm lớn nhất của giáo dục mỗi gia đình là từ lớp 10, chỉ ngồi bàn giấy “ô mê ga tê cộng phi” từ sáng đến khuya để vô đại học cho bằng được, và hậu quả là 199 ngàn kỹ sư cử nhân thạc sĩ thất nghiệp như thống kê trên báo sáng nay. Số còn lại lao động không có năng suất mấy. Chỉ có một số ít là lao động cực giỏi, người sử dụng lao động phải tranh giành nhau để mời về. Đặc trưng của nhóm lao động giỏi này là được gia đình cho lao động chân tay từ bé, nên người khoẻ khoắn cân đối, tư duy lanh lẹ hơn người, làm được việc nên ai cũng ưa cũng thích. Từ năm 2 năm 3 là đã đi làm thêm, đã được người ta đặt cọc.
Còn tốt nghiệp rồi mà thất nghiệp, hay phải nhờ ai xin việc cho, thì là đứa dở. Do cha mẹ nó sai lầm trong đào tạo, và bản thân nó là đứa biếng nhác ngại động chân động tay, quen được cha mẹ hầu hạ. Lỗi nặng nhất của 1 thanh niên thất nghiệp, một người CON TRAI KHÔNG THÀNH ĐẠT chính là do cha mẹ chiều chuộng từ bé, và bản chất lưởi biếng của bạn ấy, CHỨ không phải DO nền giáo dục gì cả. Càng nhiều kiến thức, càng đọc sách nhiều với nhóm này thì càng ngáo ngơ hơn vì nói chuyện sặc mùi lý thuyết, công thức thành công, công thức làm giàu, làm giàu không khó. Cái gì cũng biết riêng kiếm tiền thì không biết. Thì nói ai nghe?
3. Đàn ông tốt nghiệp ĐH mà 30 tuổi rồi, tam thập nhi lập rồi mà chưa kiếm được tiền để lo cho một cuộc sống riêng cho thật tốt, thì hoặc bất tài hoặc lười biếng. Hoặc cả hai.
Nói túm lại là: phải sửa đổi. Bắt đầu làm tay chân mọi thứ, không nhờ người khác nữa, tự khắc sẽ có ÓC QUAN SÁT và từ đó, sẽ có tất cả.
P/S: To các bạn gái trong CLB con dượng: Chỉ lựa quen bạn trai biết làm việc nhà, yêu thích lao động chân tay. Thể loại chỉ ôm ipad, laptop hay chỉ đọc sách chỉ tay 5 ngón thì tránh xa, giờ gia đình nó ăn tôm hùm thịt bò Mỹ chứ thế hệ sau là tèo, cám không có mà ăn. Có tài là 18 tuổi nó đã bộc lộ bằng việc kiếm ra tiền để tự sinh sống, chứ hem phải 30 tuổi vẫn tiềm năng. Lịch sử mấy ngàn năm nay đã chứng minh rất rõ.
(Đọc lại phần kính gửi để biết đối tượng nói đến).

Chuyện Tony khởi nghiệp
1. Vừa ra trường, Tony có đi mần chính thức 2 năm cho 1 công ty của Nhật. Đùng 1 cái, công ty nó tái cơ cấu, re-structure, dẹp bỏ 1 vài vị trí. Thế là nó đền cho Tony mấy tháng lương, rồi kêu nghỉ đi.
Nhớ bữa làm cuối, cầm cục tiền lớn nên rất vui, bèn đi mua cái tủ lạnh. Ước mơ thời sinh viên là trong phòng ngủ có cái tủ lạnh để bỏ trái cây, bia bọt vào uống cho mát. Nhiêu tiền còn lại, Tony đi xuyên Việt lần nữa, từ bắc chí nam, Hạ Long Sapa Lai Châu Cao Bằng Phong Nha, Mỹ Sơn, Lăng Cô Cà Mau quần đảo Nam Du Hải Tặc gì cũng đi cho hết. Đúng 1 tháng sau thì sạch túi. Cái Tony nằm suy nghĩ, giờ phải làm sao để kiếm tiền. Tony luôn luôn xài sạch tiền để não phải suy nghĩ. Tới giờ vẫn vậy.
Mặc dù tự do về thời gian nhưng thấy sống chật vật tài chính quá, làm freelance như phiên dịch, dạy tiếng Anh, viết báo…không có thu nhập ổn định. Gửi hồ sơ xin việc thì như rải truyền đơn, ngày nào cũng ra bưu điện gửi chục bộ. Công ty nào thấy bảng điểm đẹp ngất ngây, bằng loại giỏi, tiếng Anh tốp phô 580 điểm đều mời lên. Nhưng phỏng vấn xong đều từ chối, nói mày lanh quá sợ làm không bền. Hoặc mày đẹp trai quá đồng nghiệp sẽ ganh tụy. Nên quá đẹp và quá giỏi, lại là rào cản lớn để Tony xin việc thành công. Khóc.
Mất 1 năm thất nghiệp, Tony đi làm thợ đụng, đụng gì làm nấy. Bà già (my mom-tiếng quê thân thương gọi là bà già) gọi lên nói con cứ lông bông hoài vậy, tìm việc làm đi. Cái buồn. Đâu bao giờ nghĩ mình tài giỏi như vầy mà thất nghiệp đâu. Xin việc miết mà không ai cho nên đâm ra mất tự tin. Một bữa bèn đi coi bói. Chị xem bói nói, em xin việc không được vì số em làm chủ lớn, đời nó phải tạo ra nghịch cảnh để em có cớ mà làm ăn. Mình về mở cờ trong bụng nhưng cũng chẳng tin bói toán bao giờ. Rồi một lần đi Cambodia làm phiên dịch cho 1 công ty xây dựng xây con đường nối thủ đô Phnompenh đến cửa khẩu Poipet, thấy lúa bên đó sao xấu quá, bèn về nước mở hãng phân Phượng Tím để dự kiến bán qua bển. Ban đầu không có vốn thì chọn giải pháp làm trung gian, làm cò kiếm tiền chứ biết thế nào, mình chưa có ai giúp đỡ về tinh thần hay tiền bạc gì cả.
Nói là xuống tay làm liền. Ngày mở hãng, chạy qua khắp bạn bè người thân mượn tiền để mua sắm thiết bị ban đầu. Họ hàng ngày nghe Tony nói chuyện vui thì thích lắm, cười ha hả nhưng đến lúc cần tiền mượn thì thôi lý do đủ cả. Nhiều bạn nói chơi thì chơi, đừng mượn tiền vì tui đầu tư mua đất ở Thảo Điền rồi; 1 cô cũng giàu có lắm nhưng sợ mất, giả bộ nói chồng chị không đồng ý. Mấy anh bạn thì nói có nhậu thì nhậu, tao bao, chứ tiền đâu cho mượn. Trăm cuộc điện thoại, trăm tin nhắn, cuối cùng chỉ có cô SH cho mượn 3 triệu và cô TX kêu chạy qua cư xá Đô Thành lấy 2 triệu đi. Cầm 5 triệu bạc trong tay, nhìn 2 cô bạn học cũ mà thương muốn rớt nước mắt. Lúc khó khăn mới biết tiền bạc nó quý giá. Hồi xưa ông cậu Tony có nói, muốn đánh giá 1 con người dễ ẹt, đụng đến vấn đề tiền bạc thì bản chất thế nào sẽ lòi ra thế ấy. Tony vẫn lặng lẽ theo dõi 2 cô bạn ấy, 1 cô bây giờ sang Myanmar làm trùm bên đó về truyền thông, cô còn lại mở hệ thống cửa hàng thời trang lừng lẫy. Người tốt thì bao giờ cũng được trời thương, người cho đi thì sẽ được nhận lại nhiều hơn gấp vạn lần.
Cầm tiền trên tay, Tony chạy thẳng ra Metro mua cái máy in fax copy scan 4 trong 1. Rùi đi tìm nguồn hàng. Tới công ty phân bón nào cũng tươi cười anh của em, chụy của em…ai ai cũng say mê. Nói Tony ơi em dễ thương quá à. Tony nói thấy tui dễ thương thì cho trả thiếu đi. Họ đồng ý liền, nói em lấy hàng về bán đi, mấy tháng sau trả lại tiền cũng được, để giá vốn cho nè. Cái mình bắt đầu lên kế hoạch đi bán hàng.
Cứ ban ngày Tony đi bán hàng, tối về ngồi làm giấy tờ hợp đồng đến khuya. Sáng sớm, Tony uống 1 ly cà phê to khủng khiếp để tỉnh ngủ, rồi phóng chiếc Wave Alpha đỏ, treo lủng lẳng bịch mẫu và mấy tờ rơi, phóng xuống Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh…. để chào hàng. Thường thì hẹn mấy đại lý cùng 1 tuyến đường cho nó tiện, trưa thì tạt vô ăn cơm ở quán lề đường. Những buổi trưa nắng nóng, bụi mịt mùng, Tony đen thui đen thít, dáng cao gầy vẫn phóng xe vun vút. Lúc đó ước mơ có được chiếc xe 4 bánh, dù là xe tải cũng được. Cứ nhìn theo chiếc xe hơi chạy qua mà thèm, mà nhớ đến khi xưa mình là nhân viên công ty nước ngoài, 1 bước lên xe hơi taxi, đi đâu cũng sang trọng quý phái…giờ như ông xe ôm. Nhưng kệ, miễn làm có tiền là được, mình lao động bằng sức lực và trí tuệ của mình mà, chứ có lấy của ai. Bất chấp cái nắng nhiệt đới chói chang như đổ lửa, bất chấp những buổi trưa 36-37 độ và bụi bay mịt mùng, gương mặt anh ấy vẫn cứ thanh tú. Và vẫn cứ kiêu sa hất mặt lên trời như cái thời sinh viên đi xe đạp. Hồi đó, tụi cùng lớp nói sao mày ở tỉnh lên, nhà nghèo thấy mẹ, đen thui ốm nhách xấu bà cố, xe đạp thì cái bàn đạp rớt mất, chỉ còn 2 cái thanh sắt láng bóng nhọt hoắt, mà cứ vừa đi vừa hất mặt lên trời. Tụi tao dân thành phố, đi ‘Đờ Rim’ hay 86 “kim vàng giọt lệ” mà còn chưa dám.
Hẻm biết vì sao từ nhỏ xíu, Tony tự mình cho là tài giỏi hơn người nên tự tin hơi over 1 chút. Từ lớp 6 trở đi là mình không còn nghe lời thầy cô cha mẹ nữa, thấy họ bị giới hạn về tư duy, nghĩ gì nhỏ xíu, mình nghe theo họ thì đời mình cũng y chang họ, có gì hay? Tony chăm chú đọc sách của Liên Xô, Âu Mỹ…vì thấy mấy nước này giàu có, tư tưởng sao đó mà bay ra vũ trụ, chế tạo ra máy bay, coi phim thấy họ ăn cả bàn bánh mì bơ sữa táo….trong khi mình hàng ngày đói xanh mặt, nói chuyện miếng ăn không, rõ ràng là có cái gì đó không ổn. Nghĩ bụng vậy thôi, Tony âm thầm lặng lẽ thoả hiệp với họ, chứ mình cần bằng cấp, cần người nuôi dưỡng chứ nhỏ xíu làm được gì. Nhưng 18 tuổi là lập tức đi xa, làm theo ý mình.
Mỗi lần đi thi mà rớt, là nghĩ ban giám khảo hẻm đủ trình độ. Giấy khen học sinh giỏi là vứt mất, vì mình là hạc sinh xuất sắc chứ đâu phải học sinh giỏi mà cầm cái giấy khen đó. Nên tự gây áp lực, nói sau này phải giàu, giỏi và đẹp mới hợp thức hóa được cái việc quá chảnh. Nhủ lòng trước 30 tuổi phải đi xe ô tô, vì ngồi trong xe, có hất cái mặt lên trời thì không bị ăn nắng đen da.
2. Mặc dù có trí nhớ và logic cực tốt, nếu Tony chịu khó thi thố thì chắc cũng kiếm được hạc bổng tàn phần. Nhưng lúc đó nghĩ sao thôi ở nhà kiếm tiền, rùi vài năm sau đi du hạc cũng chẳng muộn. Lớp của Tony, đi du hạc hết mấy chục bạn, về kể nghe cuộc sống sinh viên xứ người mà thèm rỏ dãi. Đêm đêm cứ nằm mơ, thấy mình đang nằm sõng xoài trên bãi cỏ, hay tung cái mũ cử nhân lên trời ngước lên chụp hình, giống hình chụp trong mấy catalogue quảng cáo. Nhưng sáng mơi tỉnh dậy, vẫn cái “máng lợn” bên mình. Lại uống ly cà phê to đùng và tất tả đi bán phân.
Mùa nóng thì chạy xe ngày mấy chục cây rát bỏng cả da, cởi áo ra thì ½ cánh tay đen thui. Mùa mưa thì thôi, áo mưa áo gió bùng nhùng, nhưng chạy phải đua tốc độ cho nhanh vì 1 ngày phải tiếp thị mấy khách. Nên giờ ở Đông Nam Bộ, đường nào Tony cũng rành, đường tắt thì giỏi hơn cả xe ôm. Có bữa mưa gió sấm sét đùng đùng, chạy từ khu Sóng Thần lên trên huyện Tân Uyên, đường đất đỏ lầy lội giữa rừng cao su, chỉ có mỗi Tony và mấy chiếc xe tải, nước mưa như roi quất vào mặt. Nhưng bản thân Tony hem sợ gì, chỉ sợ mưa gió làm ướt mấy bịch phân mẫu, khách coi thấy chê hẻm mua. Một ngày ngồi xe máy cả mấy tiếng, về đến nhà tay cầm chén cơm ăn mà cứ rung rung theo chu kỳ hút-nén-nổ-xả của động cơ xe máy. Ăn cơm khô không nổi, nên phải nấu canh, cứ bỏ cơm vô canh mà húp, cho cơm nó trôi vô miệng chứ sợ không có sức khỏe làm việc.
Được cái là đi tiếp thị khi mưa gió tầm tã, ghé đại lý ai cũng động lòng, nói ở lại chị nấu cháo gà cho ăn, ở lại uống với anh chén rượu. Cái mình cám ơn vì phải về sớm, tối còn phải về nhà làm hợp đồng, xuất hóa đơn, coi tiền bạc thu chi thế nào…vì chỉ có 1 mình mình làm, cả mấy tháng sau mới tuyển được 2 đứa sinh viên làm thêm vô phụ. Cuối tuần, tụi bạn làm văn phòng nước ngoài rủ đi bar hay nhậu, ngồi chung 1 đám, thế nào mình cũng nổi bật vì nét già nua, đen đúa và hốc hác, duy chỉ có nụ cười vẫn vui vẻ và vẫn chỉ huy mọi trò tếu táo trong lúc ăn nhậu, cho đời nó hưng phấn…
Rồi làm việc kinh quá, ngủ chỉ có 3-4 tiếng/ngày, nên 6 tháng tích lũy được 1 ít tiền thì lúc đó cũng bắt đầu đổ bệnh. Tự nhiên mấy bữa đó tóc rụng quá trời, rồi lăn đùng ra hết biết gì. 2 đứa nhỏ làm part-time bữa đó hẻm biết sao có mặt, mới khiêng ra taxi chở lên bệnh viện Hoàn Mỹ ở Trần Quốc Thảo cấp cứu, mở mắt ra là thấy má và mấy chị ngồi khóc xung quanh. Vô bệnh viện đo hồng cầu huyết áp gì đó chỉ còn ½, phải nằm truyền xi-rum, truyền đạm. Mất hết 2 tuần nằm ở đó, mới được về nhà. Tiền tích lũy 6 tháng sạch trơn. Một số đại lý thấy mình vắng mặt cái giở trò quịt nợ. Số tiền kiếm được chả còn bao nhiêu. Rồi khách từ chối không mua hàng, dù đã ký. Một đống hàng tồn kho. Xui thì thôi nó đến dồn dập, lúc này mới hiểu câu “họa vô đơn chí”. Đến cái máy tính cũng hỏng. Mọi thứ đều trở về con số zero. Chiều mưa ngồi quán cà phê bờ kè nhìn xuống sông Thị Nghè, nhìn chiếc xe wave alpha màu đỏ dựng trước mặt, nhìn cái mũ bảo hiểm và mấy bịch phân mẫu treo lủng lẳng trên xe, nhìn cái áo mưa phủ lên đầu xe đã rách vì gió quật vào… thấy chán chường gì đâu. Dù tự tin và lạc quan đến mấy, khi khởi nghiệp không thành, tâm lý tự nhiên bất an dễ sợ. Hay là mình kém tài kém đức? Hay may mắn không mỉm cười với mình? Hay đã chọn sai con đường?
Ước mơ hất mặt lên trời không thành. Số con rệp rồi, con sãi ở chùa thì quét la đa, bon chen leo lên thế giới người giàu có chắc không được. Thôi đóng cửa công ty, đi xin việc đi làm lại vậy.
(Còn tiếp)

Lòng tôi, có đôi lần khép cửa
Khổng Tử là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của nhân loại. Bỏ qua những yếu tố mà vua chúa phong kiến “đặt hàng” ông để quản lý xã hội nông nghiệp lạc hậu và diện tích rộng lớn thời đó, có nhiều quan điểm của ông về con người khá hay. Trong đó có 1 câu mà sinh viên tinh hoa trong các lớp về quản lý ở các ĐH lớn của châu Á như Thanh Hoa, Tokyo, Hongkong, Seoul, NUS…thường được các giáo sư yêu cầu phân tích khi nhập môn quản trị học (hình). Đây là một câu vô cùng sâu sắc.
Vậy câu này có gì mà hay ho đến vậy?
1. Yêu ghét…là những phạm trù thuộc về cảm xúc, loài người không ai không có. Thậm chí loài vật chim muông cũng có.
Con người thường đan xen hai phạm trù cảm tính và lý trí, không ai cảm tính hết hoặc lý trí hết. Với người lý trí > cảm tính, họ thường sống khoẻ hơn người có cảm tính > lý trí. Theo tâm lý học, trẻ con, phụ nữ, người châu Á, người nông thôn, người nghèo,…thường có cảm tính nhiều hơn lý trí. Ở người cảm tính, mọi thứ ngoài “đạt lý” thì phải “thấu tình”. Còn với người lý trí, “đúng luật, minh bạch” là đủ.
2. Ở người cảm tính, trái tim mạnh hơn khối óc, dẫn đến hành xử không theo logic mà theo cảm xúc. Dạng người này thường khó làm quản lý hoặc nên cơ nghiệp. Họ không thể làm việc nhóm và cũng không thể tính toán làm ăn. Họ suy diễn chứ không suy luận. Dù chưa có thông số dữ liệu (facts) nào, họ kết luận luôn theo chủ quan của họ. Người cảm tính luôn khổ đau vì cảm xúc chi phối suy nghĩ. Nếu yêu màu hồng, ghét màu xanh….dẫn tới thấy ai mặc đồ xanh là ghét, thấy ai mặc đồ hồng là yêu. Bán hàng cho họ rất dễ, cứ lấy cảm tình xong là “chị thích em nên em bán gì chị cũng mua, còn thằng kia á, chị ghét nó nên có cho miễn phí chị cũng không lấy”. Khi giận lên, họ thậm chí “tao sẵn sàng bán nhà để chơi khô máu, chơi tới cùng với mày”. Các nhóm khủng bố cực đoan thường lợi dụng những người này để đánh bom liều chết sau khi tiêm vài mũi doping tinh thần. Mỵ Châu khi chết vẫn tin Trọng Thuỷ và khi chạy giặc, nàng vẫn lén cha bứt và rắc lông ngỗng cho chàng tìm. Nhiều cô gái trí tuệ cỡ nào đi nữa, khi iu thì u u mê mê, quên hết lối về, chủ động dọn đến nhà bạn trai ở chung để quỳ lạy hầu hạ, rồi đi phá thai như đi chợ. Rồi đeo bám kiểm soát, luôn miệng doạ tự tử nếu chia tay, khiến các chàng luôn trong tình trạng “thấy chán muốn bỏ quách, mà sợ nó chết thì mang tội”. Còn các nàng cảm tính thì cho phép các chàng dối gian thoải mái, rồi về nịnh lại hai ba câu thì tươi cười như hoa. “Tôi xin người cứ gian dối, nhưng xin người, đừng lìa xa tôi”.
Những người cảm tính, nếu họ kết giao với người mưu mô, tâm không sáng thì dễ bị dụ dỗ. Cứ khen, nịnh, chiều chuộng, nhiệt tình giúp đỡ mấy cái lặt vặt, dành thời gian để gây nợ tình cảm, nắm được cái thóp “yêu ghét” này, làm cho cái tôi của họ sướng lên, rồi tha hồ lợi dụng. Đáng buồn là họ không nhận ra, thậm chí cố gắng bảo vệ người họ thích, chỉ đến khi rành rành trước mắt, mất hết lợi ích cá nhân thì họ mới vỡ lẽ. Từ trạng thái yêu, người cảm tính ngay lập tức chuyển qua thành thù hận. Một cụm từ người cảm tính hay dùng là “tao cạch mặt”, tức đi kể nỗi niềm với người khác về tính xấu người kia trước khi tuyệt giao. Tuyệt giao nhưng lòng không quên, ba nó tên là Sở Khanh thì thằng con thường bị mẹ đặt tên là “Hoài Hận”, ý nói hận hoài ngàn năm.
Người đã cảm tính, có cái tôi lớn mà còn tiêu cực thì lại phức tạp muôn phần, đặc biệt là người đầu óc nhỏ tuổi bị 3 chứng bệnh này. Họ chỉ thấy “gai” trong bụi hoa hồng, thấy “phần nước chưa đầy” trong ly nước, thấy mặt xấu nhiều hơn mặt tốt nên luôn phàn nàn. Trong 1 đoàn khách du lịch, thể nào cũng có vài ba người thuộc nhóm này. Họ phàn nàn mọi thứ từ chỗ ăn, chỗ uống, giá tiền, cung cách phục vụ, tài xế, xe cộ, máy bay….và thậm chí còn giật dây cho những khách yếu bóng vía khác để có cùng đồng minh. Ai bản lĩnh lắm mới không bị cuốn theo những suy nghĩ tiêu cực này mà “đứng ra 1 bên”. Cứ có mặt 1 người tiêu cực và cảm tính trong 1 tập thể, mọi thứ sẽ bị hỏng, dù là 1 chuyến đi ngắn hay hùn hạp cổ phần làm ăn. Do không thể ngừng được việc chỉ trích người khác nên họ phá hỏng hết mọi cuộc vui, dù họ nghĩ là “nói để xây dựng”, bắt người khác “cầu thị” để làm theo cái tôi của họ. Mấy bạn này hồi nhỏ làm văn, tới dòng văn học “hiện thực phê phán” là điểm cao chót vót. Trong cái ô kẻ “lời phê của giáo viên”, giáo viên nhận xét “em phê dữ quá, hết chỗ….cho cô”.
3. Ngược lại với người cảm tính là người duy lý, sống và hành xử theo logic, theo các sự kiện, quy tắc, quy định. Người lớn tuổi, đàn ông, người phương Tây, người sinh sông ở đô thị lớn nhiều đời, người giàu, nhà khoa học, nhà kinh doanh….thường có lý trí > cảm xúc. Họ suy luận chứ không suy diễn. Tức khi đánh giá một người, một sự vật, hiện tượng…họ thu thập dữ kiện rồi suy ra như toán học vậy. Đặc điểm của người vĩ đại, doanh nhân lớn, nhà giàu, nhà khoa học…là họ khách quan đến vô cùng. Con ruột của họ xấu gái thì họ vẫn nói con tao xấu, ráng kiếm tiền đi sửa thẩm mỹ đi. Hùn hạp làm ăn, họ quan tâm đến khía cạnh “hiệu quả, cùng nhau làm lớn” hơn là mấy cái râu ria như tính tình hiền hậu, hạp rơ, dễ thương, vui vẻ, đẹp trai đẹp gái. Trong công việc, họ chỉ mổ xẻ “cái gì đúng, cái gì sai, what’s right, what’s wrong” chứ không phải “ai đúng, ai sai, who’s right, who’s wrong” nên tranh cãi có dữ dội xong rồi thôi, không để bụng. Họ không công kích cá nhân dựa trên các yếu tố ngoại hình, giới tính, học vấn, tôn giáo, vùng miền, chủng tộc, xuất thân, tiền bạc….Họ luôn tránh những cụm từ đặc sệt cảm tính, đậm chất trẻ thơ như món này ngon, món kia dở; dòng nhạc này văn minh, dòng nhạc kia sến; gu này sang trọng, gu kia quê mùa;…vì làm gì có thước đo các tiêu chí cảm tính này. Họ enjoy mỗi phút giây họ sống, mỗi 1 con người họ gặp, mỗi vùng đất họ đi qua để trong đầu họ, bao giờ cũng là kỷ niệm đẹp mỗi khi nhớ về. Nếu bạn nhớ về 1 người, 1 chuyến đi, 1 kỷ niệm, 1 mối quan hệ….mà bạn thấy chán, thì bạn là người tiêu cực mất rồi.
4. Các bạn trẻ thân mến. Mình xuất thân từ văn hoá lúa nước làng xã, nên suy nghĩ và hành xử cảm tính là điều rất dễ hiểu. Nhưng cần phải mở lòng ra học tập trong thời đại toàn cầu. Không phải ghét Khổng Tử mà câu nào của ổng cũng thấy khó chịu. Cũng không vì yêu Jack Ma hay Bill Gates mà cái gì của ổng cũng hay. Không vì ngưỡng mộ Mourinho mà thấy cái áo choàng lông cừu của ổng trên sân Stamford Bridge cũng đẹp, bèn mua một cái bận vô tha thướt chạy xe máy giữa trời nắng nhiệt đới Việt Nam. Không vì ghét tỉnh A, nước B, người khác mình mà kỳ thị, gọi họ là bọn này lũ kia, khựa này bọ kia, ả này gã kia. Một nhóm người Trung Hoa cổ đại thiển cận đã xem họ là trung tâm tinh hoa, còn xung quanh đều là man di mọi rợ, khiến Lão Tử có lần đã chỉnh đốn, dạy học trò rằng, phàm là người, không được để mình có ý nghĩ xấu xa như vậy. Do học hành chưa tới mới có ý nghĩ đó trong đầu. Nếu mình gọi họ như vậy thì tự khắc mình đã hạ giá trị của mình xuống rất thấp, vì không tự tin nên mới tìm cách hạ bệ cái/người mình không ưa xuống cho thoả cảm giác mình hơn. Khi người ta rơi ngựa hoặc đau khổ, mình vỗ tay mừng là 1 sự hạ thấp đến cùng cực nhân phẩm của chính mình.
Những tư tưởng nhỏ hẹp này đã đi ngược lại với các giá trị mới của người tiến bộ. Cùng 1 dân tộc, 1 đất nước mà kỳ thị nhau thì quá dở. Cùng 1 châu lục, cùng sinh sống chung trên 1 trái đất mà đi ghét nhau thì lỗi là do não ích kỷ của mình. Có mấy chục năm sống trên đời đâu mà tốn thời gian vô việc ghét ai đó.
5. Ở đâu cũng có xấu tốt. Lý trí là nhận ra mỗi cá nhân xấu tốt thông qua xâu chuỗi các hành động của họ, chứ không liên quan gì đến vùng miền xứ sở hay học vấn, địa vị, ngoại hình. Không phải vì ghét Pháp nên không thèm coi phim Pháp, không thèm học tiếng Pháp, không thèm xài đồ Pháp. Mình cảm tính vậy thì cá nhân mình thiệt thòi thôi. Nước Pháp có biết mình là ai. Không vì thằng Tèo thằng Tí nào đó tẩy chay mà nền văn minh Pháp bớt rực rỡ, tiếng Pháp lụi tàn hay hàng hoá Pháp bỗng dưng bị ế. Mình có là ai đâu, 1 cá nhân vô danh trong 7 tỷ người. Chỉ có mình đóng cửa lòng mình. Mà bế quan toả cảng, càng đóng cửa càng thất bại trong mọi thứ. Vì dòng đời nó vẫn trôi, vẫn tươi đẹp ngoài kia bất chấp lòng mình buồn hay vui, yêu hay ghét, cái tôi mình to đùng, nào ai quan tâm. Thậm chí mình có chết thì trái đất vẫn quay, người ta vẫn sống.
Nhạc sĩ Trịnh cũng vài lần thừa nhận cảm xúc tiêu cực, “khép cửa, sống ơ hờ, quỳ mãi bên vết thương lòng”. May mà ông nhận ra nên chỉ có đôi lần.
“Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
Tôi nghĩ quanh đây hồ như
Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ.
Lòng tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quỳ.
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia”

Học tiếng Anh ở tuổi nào?
Dạo này có nhiều bạn lo lắng trước thông tin không nên học tiếng Anh từ nhỏ, chỉ cho học từ năm lớp 10, có lẽ hiểu nhầm ý của một ai đó trên mạng. Rất nhiều bạn giáo viên dạy tiếng Anh cấp 2 cũng khóc ròng, vì học trò mấy nay không chịu học, nói từ từ cũng được, lớp 10 trở lên mới nên học tiếng Anh. Lên lớp 10, bài vở nặng, nhất là các bạn thi ĐH khối A và B, thời gian không nhiều nữa. Tiếng Anh mà không rành, thì cánh cửa với thế giới bên ngoài rất hẹp, vì thông tin và tri thức trên mạng, trong các thư viện lớn…phần nhiều là bằng tiếng Anh.
Nguy hiểm, quá xá nguy hiểm.
Chúng ta phải phân biệt, trong ngôn ngữ có tiếng mẹ đẻ (first language, native language hoặc mother tongue), ngôn ngữ thứ 2 (second language), ngoại ngữ (foreign language).
Tiếng Anh hiện nay không còn có nước nào xem là ngoại ngữ nữa. Các nước đều xem English là ngôn ngữ thứ 2 nếu tiếng mẹ đẻ không phải tiếng Anh. Ngoại ngữ là rổ gồm Đức, Pháp, Nga, Hoa, Nhật, Tây Ban Nha, Hàn, Ý….), là môn tự chọn, ai thích gì học nấy. Ưng gái đẹp thành Rome thì học tiếng Ý, mê trai Hàn thì học tiếng Ụ Pa….nhưng tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh đều phải thành thạo từ bé. Nước nào cũng phải vậy cả.
Nếu các bạn ở nước ngoài, vào tuyển dụng, thấy một bạn họ Nguyễn vào ứng tuyển. Phỏng vấn thấy nói như Tây, thì chắc chắc là Việt Kiều, hoặc qua từ nhỏ. Nếu tinh ý nghe vài âm hơi ngọng thì hỏi đi, sẽ qua từ lớp 9, học cấp 3 ở đó. Nếu nói vô cùng lưu loát mà hơi vẫn dùng từ cổ họng, chứ chưa bật lên từ khoang bụng, thì qua từ lớp 12, học ĐH bên này. Còn lỉu li cách mấy mà chỉ dùng lưỡi, âm vẫn nặng thì đã học xong ĐH ở Việt Nam, qua đây học thạc sĩ nè, trừ vài bạn đặc biệt lắm.
Nên nếu bạn ở nước ngoài lâu mới biết, du học từ cấp 3 hay ĐH ở bển đi xin việc dễ hơn du học từ bậc thạc sĩ, ngoài việc họ thích nhận cử nhân kỹ sư để phải trả lương vừa phải hơn nhận master vào, còn có yếu tố ngôn ngữ nữa.
Nói tóm lại, ngôn ngữ là lời ăn tiếng nói của một tộc người. Mình tiếp xúc càng sớm, càng dễ bắt chước hơn. Càng lớn thì người ta càng e dè, càng mắc cỡ, càng sợ sai, càng ngại. Nếu hem có điều kiện thì thôi, chứ có thì nên cho học sớm. Lựa thầy Tây, thầy bản ngữ mà học nếu được, còn không thì vẫn học thầy Việt, nhưng ở nhà thường xuyên cho nghe băng đĩa, coi phim, coi youtube…tiếng Anh hết để nghe quen tai, tự khắc miệng nó cũng điều chỉnh theo cho giống giống.
Mượn lời nhạc Trịnh để trả lời câu hỏi “tuổi nào”.
“Em xin tuổi nào?
còn tuổi nào cho nhau ?
Trời xanh trong mắt em sâu”.
Hỏi:
Tuổi nào học ngôn ngữ thứ 2?
– Câu trả lời của nhân loại bây giờ là “càng sớm càng tốt, the younger the better”.
Còn học ngoại ngữ?
-Tuổi nào cũng được.
Như người ấy nè, 50 tuổi bỗng dưng mê văn hoá Ba Tư, bèn học tiếng Ả Rập. Xong bị Ả dập. Hí hí.

Thế giới được tạo ra và phát triển bởi những người vĩ đại
Về cấu trúc sinh học, thì họ y chang nhau. Cũng xương cũng máu, vô nhà tắm thì Bill Gates hay ông ăn mày đều giống nhau. Cái khác chính là bộ óc của họ.
Sau khi đúc kết 25 người làm chủ doanh nghiệp vĩ đại nhất thế giới, người viết sách này đã rút ra các kết luận quan trọng như sau:
1. Về mặt phong thái, họ đều tự tin và tràn đầy năng lượng. Tự tin vào khả năng nên phong thái luôn sang trọng, kiêu sa tự nhiên, nhưng đủ trí để không quá lố, không kệch cỡm. Còn năng lượng thì tràn đầy để làm việc không mệt mỏi, trong khi một số du thảo du thực thì biến năng lượng này thành các mối quan hệ “tồ lô”, hoặc dùng năng lượng này đi nhận xét người khác. Hai cái này được thiên phú một phần nhỏ, còn lại là tự tích luỹ. Muốn có sự tự tin, phải hiểu biết thông qua việc đọc sách. Muốn có năng lượng, thì phải ăn uống văn minh và tập thể dục thể thao để xạc/sạc (charge) pin cho cơ thể.
2. Ba phẩm chất quan trọng thì tập luyện được. Muốn là có. Ai cũng tự quyết cái này. Màu xanh như trong hình.
3. Khi khởi nghiệp, làm ăn, phát triển doanh nghiệp, mục tiêu của họ không chỉ là tiền. Nếu mục tiêu là tiền, thì thành người buôn bán nhỏ. Họ luôn nghĩ về người khác, nghĩ cho người khác…nên mới có khả năng đọc được thị trường, biết người khác cần gì nên mới có thể cung cấp được. Người ích kỷ, chỉ nghĩ bản thân họ thì không bao giờ có thể khởi nghiệp hay làm ăn được, hoặc mở ra cũng sẽ thất bại. Đơn giản là họ không có sự thấu hiểu người khác, tự cho gu của bản thân họ là nhất, nên làm gì cũng theo ý họ, trong khi khách hàng lại là người khác. Nếu không hiểu người khác muốn gì thì không cung cấp được cái họ cần, tức sản phẩm dịch vụ sẽ không bán được.
4. Và cuối cùng, quan trọng nhất, đó là “hành động với sự kiên định và hối hả trong thời gian dài”. Có rất nhiều bạn, đại đa số dân chúng, cũng ham muốn có, nhưng không kiên định được. Ai cũng muốn biết nhiều ngoại ngữ, nhưng không mấy ai kiên trì theo học. Ai cũng muốn có thể lực và sức khoẻ sung mãn, nhưng ít ai tập luyện mỗi ngày. Ai cũng muốn du học, khởi nghiệp…nhưng ít ai đủ kiên định và sự hối hả để đạt được mục tiêu đó. Ai cũng hăm hở to-do list nhưng chỉ có thể ghi được vài ngày thì lười, rồi thôi. Đời họ cũng từ đó mà chấm dứt. Để ước mơ chỉ là ước muốn.
Vài dòng review cuốn sách này. Đây chỉ là chương mở đầu, các chương sau còn hay hơn. Các bạn tìm đọc.

Một bài báo mà nếu bạn là tinh hoa, là leader, nên đọc đi đọc lại chục lần.
Có thể truy cập nhiều cùng lúc nên link mất tạm thời vì máy chủ của báo Người Lao Động quá tải. Các bạn bấm các link khác ở phần comment để đọc nhé.
Đổ thừa= tiếng miền Nam của đổ lỗi. Người tử tế, quân tử, đẳng cấp cao luôn nhận trách nhiệm trước hết ở mình, và mãi mãi là do mình. Còn người tầm thường thì ngược lại, họ giải thích mọi thứ là do người khác, do khách quan….để họ tự nâng cao giá trị và phủi bỏ trách nhiệm, một dạng khôn vặt của những mái đầu bé nhỏ.
Đứng trước một sự cố, hoặc thử thách 1 chút, chúng ta sẽ biết ngay tầm vóc của 1 người.
Nếu là tinh hoa, nên có suy nghĩ và hành động giống chú Mỹ.
Bài báo không thể hay hơn. Mời các bạn cùng đọc nhé.
Về một clip dậy sóng cộng đồng mạng
Nếu bạn chịu khó xem hết phần đầu, chúng ta sẽ xem được phần phía sau vô cùng xuất sắc của bạn biên tập viên clip này.
Cách dẫn chuyện và nội dung hấp dẫn. Như câu kết luận cuối cùng của clip, “nếu bạn dành thời gian cho phán xét, thì bạn không còn thời gian để thấu hiểu và yêu thương”.
Ngưng phán xét nếu muốn hạnh phúc. Chỉ có thể trách móc, đánh giá, nếu có, với bản thân mình, duy chỉ bản thân mình. Cha mẹ vợ chồng con cái bạn bè thầy cô đồng nghiệp…đều là những cá thể khác. Mình không có đủ góc nhìn, trình độ, trải nghiệm, sự thấu hiểu lẫn QUYỀN để đánh giá họ. Nếu họ vi phạm pháp luật, hãy để pháp luật đánh giá.
Ngưng phán xét để hạnh phúc hơn- là thông điệp hiện nay trên thế giới. Vì hạnh phúc, rốt cục cũng chỉ là một cảm giác. Việc ghét hoặc giận ai đó thật sự có hại cho chúng ta, tương tự việc “tự mình uống thuốc độc nhưng mong người khác chết”.
Nhìn thấy bề mặt tốt đẹp của bất cứ người nào, bất cứ sự vật hiện tượng gì…và khen ngợi, sẽ khiến chúng ta vui vẻ hơn, từ từ cái tốt sẽ nhân rộng. Thay vì bực bội vì trời mưa phải đi ô đi dù, mặc áo mưa, hãy nghĩ đến cây cối tươi tốt. Thay nói “thật tiếc”, hãy nói thật nhiều “thật may”. Ví dụ đừng nói “thật tiếc là trong bụi hồng đẹp này lại có gai”-sẽ khiến chúng ta không vui nữa. Chúng ta nên nói “thật may là trong bụi gai này có hoa hồng”, và thưởng thức nó.
Nếu chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào phần chưa tốt, rồi chỉ trích, phê phán….thì sẽ tự rước cái rắc rối vào mình, luôn sống trong chán nản mệt mỏi (do mình tạo ra, còn mình lạc quan vui vẻ thì đố ai gây khổ đau cho mình được). Thay vì nhìn chà “còn tới 1/3 ly nước và vui vẻ uống, người tiêu cực chỉ nhìn thấy 2/3 nước bị mất”, hằn học hoặc khóc lóc dò hỏi “ai, ai đã uống mất 2/3 ly nước của em?”
Khi ly nước chẳng còn đầy thì bạn nên vui vẻ với “phần còn” để “hạnh phúc”. Vì làm gì có ly nước nào đầy mãi. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thái độ là cái quyết định tất cả.
Các bạn nên tránh, hạn chế tiếp xúc và chia sẻ với người tư duy tiêu cực, ưa phàn nàn, để tránh lây lan cảm xúc. Họ chẳng chịu thay đổi thì thôi. Tìm người có tư duy tích cực, vui vẻ, lạc quan để kết bạn, giao lưu, cả ngoài đời lẫn trên mạng.
Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa
Mất đi một ngón, em vẫn kiêu sa.
Đời, hay người, hay trời đất…màu hồng màu xám đều do mình nhìn cả.
*Cuộc đời đó, có bao lâu, mà hững hờ?
Rất nhiều bạn vẫn chưa phân biệt được hộ chiếu và visa, inbox hỏi miết.
Hộ chiếu (passport) là thẻ căn cước quốc tế, ai cũng nên làm. Làm ở tỉnh (vô google chấm com, gõ “làm hộ chiếu ở tỉnh X, với X là tên tỉnh mình, sẽ biết chỗ đi nộp hồ sơ. Nhanh lắm, tự làm thì hem có tốn kém).
Visa là THỊ THỰC: Khi vô 1 nước khác để chơi, làm việc…phải qua an ninh nhập cảnh. Thường các nước sẽ chứng thực là nước tao đồng ý cho người tên A, cầm hộ chiếu số 123…được vào chơi, học, làm trong khoảng thời gian là ….Mình phải đến và rời đi trong khoảng thời gian ghi trên đó.
Có nhiều nước miễn visa cho công dân VN, ví dụ cho qua lưu trú 30 ngày không cần xin visa, mình cứ mua vé máy bay khứ hồi trong phạm vi 30 ngày, rồi đi. Có tới 48 nước mà người Việt không cần xin trước (gu gồ coi nước nào nhé).
Nếu phải xin visa thì phải vô trang web “đại sứ quán nước A tại Việt Nam” coi nó yêu cầu gì, rồi làm theo, nó sẽ cấp cho visa dán vô hộ chiếu của mình. Cũng có landing visa (visa on arrival) tức nó cho mình 1 cái thư chấp nhận là sẽ dán visa tại nơi đến, mình cầm cái thư đó đưa cho hãng hàng không là được phép lên máy bay.
Khách sạn thì lên booking, agoda chấm com hoặc search gu gồ “hotel in A city, B district’ rồi chọn khách sạn vừa túi tiền mình, đặt trước, có thể trả trước (ra ngân hàng bỏ tiền làm cái thẻ thanh toán debit Master, JCB, Visa (cũng tên visa nhưng là hãng phát hành thẻ, không phải visa của nước nào hết nhé, đừng nhầm cái này).
Vé máy bay thì liên hệ các đại lý bán vé. Không thì cứ vô skyscanner chấm com hay gu gồ “air ticket from Da Nang to X, X là nơi đến. Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, Cần Thơ mới có mấy đường bay quốc tế mới nên giá có thể rẻ hơn bay từ HN, SG, đặc biệt là Nha Trang, đường bay quốc tế giờ nhiều và có khi giá chỉ bằng 1/2 so với bay từ Hà Nội hay Sài Gòn thôi”.
Rủ bạn bè nào hợp rơ đi chơi, còn hem có ai (tức xui xẻo là mình xưa này toàn kết bạn với đám bạn tèo leo ít tiền và đầu óc nhỏ) thì tự đi, đi 1 mình có cái thú vui là sẽ tự kết bạn quốc tế trên đường thiên lý. Trước khi đi thì đọc kỹ về nơi sắp đến. Nên một năm đi 2-3 chuyến trong châu Á, 1 chuyến đi xa như châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Đại Dương. Đừng đi nhiều quá hem có tốt cho bệnh Alzheirmer về già (hem nhớ nổi nước lào là nước lào).
Tranh thủ đi vào thứ 6, 7, CN hoặc đi xa thì kèm theo thứ 2. Tránh lễ tết của nước họ để khó khăn tàu xe khách sạn. Với nước lạ hoặc visa khó, thì mình đi tour, đi group. Các nước xét visa cá nhân rất khó nhưng visa đoàn thì dễ dàng hơn ví dụ châu Âu, Mỹ, Úc, Israel,… Nhưng đi đoàn thì phải chấp nhận họ đưa vô chỗ nào mình enjoy chỗ nấy, tour giá thấp thì shopping 1 ngày 2 lần, còn tour không shopping thì giá rất cao, có khi gấp đôi gấp ba (vì các công ty du lịch bên nước ngoài cũng nhận tiền commission từ các chỗ bán hàng là thu nhập chính của họ, ví dụ Tour Thái Lan có tour chỉ 400 đô 4 ngày, thì shopping khí thế, còn bạn mua tour 1000 đô thì ít shopping hơn). Nhưng một khi đã đi du lịch, thì tâm thế phải sang trọng, lúc nào cũng vui vẻ tươi cười, cám ơn, boa tiền cho người ta khiêng giùm hành lý, nhét tiền dưới ly dĩa sau khi ăn trong nhà hàng có phục vụ, ra khỏi phòng nhét 1-2 đô trên bàn cho người ta dọn dra giường, boa anh tài xế, boa chị hướng dẫn. Đừng có nhăn nhó khó chịu kiểu tiếc tiền, kiểu cái tôi lớn, hay cứ bỏ tiền ra là thấy mình trở thành “ông trời con” rất xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Cứ nhăn nhó phàn nàn nói đắt rẻ đòi bù cái này cái kia….là người ta khinh ngay, vì người sang trọng quý phái đẳng cấp cao không ai có suy nghĩ đó hết.
Phải làm cật lực để có tiền đi chơi. Nhưng muốn làm có tiền thì phải cá tính, chịu chơi, nhiều khi phải bỏ tiền đi trước cho đầu óc phóng khoáng, xong về làm tiếp. Nhất là khi thấy tụt mood (cảm giác hết muốn gì, chán nản) thì lập tức lên đường refresh cơ thể. Đi trong nước cũng được, nhất là các homestay ở xa trên núi cao, hải đảo, nên ở 3 ngày trở lên là cơ thể sẽ khoẻ lại. 63 tỉnh thành, check in cho hết.
Thế hệ mình nên khác, thế giới khác rồi, kinh nghiệm và lời khuyên của người già thế hệ cũ không có phù hợp nữa. Không nên bắt chước ông bà cha mẹ tích cóp mua nhà mua xe mua đất mua vàng, không dám đi đâu cả đời. Mắc mớ gì phải dành dụm cho con cháu, đời ai nấy sống, hy sinh rồi ràng buộc nhau kiểu Á châu rất mệt, hem có hạnh phúc về tinh thần. Còn trẻ, phải cố gắng GIỎI trước 30, rồi GIÀU sau 30. Chứ giàu hay nổi tiếng trước 30 tuổi thường khó giữ, do non nớt đầu óc, dễ sinh hư. Còn sau 30 mới giỏi thì khổ. Già mà giỏi, người ta nói chết.
Muốn giỏi, muốn làm ra tiền phải đi nhiều. Còn nói “không có tiền nên không đi” thì thua, bài toán “con gà hay cái trứng có trước”, phải tự mình giải, nếu hem giải được thì thiếu i ốt quá, hem nên đi đâu kẻo lạc đường rồi khóc lóc rầm trời. Tuổi trẻ nên can đảm và chủ động. Chinh phục, du mục, khai phá như người Phương Tây hay Mông Cổ, Nhật Bản vậy. Triệt tiêu cái bệnh thụ động di truyền từ “văn hoá lúa nước làng xã” ẩn sâu trong gene mình.
Đừng mãi ở một thành phố, dù nó hiện đại nhất cái xứ nào đó. Như mình nè, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, một hôm mình chợt nhận ra là 28 năm sống ở thành phố này là quá đủ, có 200 quốc gia và 1000 nơi đáng sống nhất thế giới, mắc mớ gì cứ sống mãi một chỗ. Của cải ở đây cũng hem có được nhiều vì đông người quá, giành nhau vất vả.
Xong mình cứ đi lang thang, thấy chỗ nào bình yên, đẹp nhất trong mắt mình thì xin việc rồi sống. Khi nào mình tích luỹ đủ trí đủ tài để khởi nghiệp thì lại đi tỉnh xa làm một cái cơ đồ. Hiện giờ mình đang làm cho một công ty tại Lào và thấy thú vị lắm.
Nhớ nhé các bạn. Tuột mood là đi liền. Đợt này đi Luang Prabang đi. Sáng nay thức dậy, nói đi Lào, thì ĐI. Sợ moẹ gì mấy cái ràng buộc cũ kỹ bùng nhùng trong não mà không đi. Tiếc tiền thì rất nhục, tiền là cái được đó mất đó. Sợ đi ra nước ngoài không biết đường thì càng nhục hơn, chẳng có gì mà phải sợ khi đã có smartphone trong tay.
Hỏi bạn: mày có bị tuột (tụt) mood không, nếu nó bị tuột thì kéo giùm nó lên. Hoặc đơn xin nghỉ phép gửi sếp, ghi rõ lý do nghỉ phép: em bị tuột mood. Sếp nếu đọc TnBS cũng sẽ reply lại “chị cũng bị tuột rồi, đi đâu cho chị đi cùng với”. Thôi đi Lào chơi.
Ở Bình Định Phú Yên, người ta sẽ nói là đi Lèo. Còn Quảng Nam Quảng Ngãi là đi Lồ. Còn 1 số tỉnh phía bắc, người ta sẽ nói đi Nào.
Tức đi Lào, mà người Việt mỗi vùng nói 1 kiểu. Dễ thương hết biết. Đi lèo đi lồ đi nào!!!

Ngủ hay thức?
Trong mấy chục năm ngắn ngủi trên trái đất, có người đã tạo ra những thành tựu và được nhân loại nhớ mãi; nhưng cũng có rất nhiều người một đời giành giật danh-lợi nhưng khi chết vô danh. Cái mộ, đám tang to cỡ nào thì cũng chỉ có tác dụng sĩ diện cho người sống, vì đối người chết, ngừng thở nghĩa là hết, công tội để người đời sau đánh giá. Những năm sống trên trái đất, ai cũng không thể vượt qua mức 100 năm sống tỉnh táo và được việc. Ai hiểu được mức cuối của đời người là cái chết, thì sẽ ứng xử rất khác. Ví dụ phải làm hết năng lực, tạo ra thành tựu, hoặc ít ra, không làm phiền vì sự hiện diện của mình trên trái đất.
Giáo dục phổ thông ở một số nước có khái niệm khai phóng, liberal arts, tức tìm ra năng lực cao nhất của một đứa trẻ và làm bệ phóng đẩy nó đi. Ví dụ đứa bé này giỏi về tennis, thì cho tập luyện nhiều để thành Nadal, giỏi Piano thì tập luyện để thành Lang Lang, giỏi STEM (toán, khoa học…) thì hướng học kỹ sư, hàn lâm còn nếu không giỏi bất cứ cái gì thì cho làm thợ lành nghề. Từ lớp 1, các bạn đều có giờ học reading, tức đọc sách, lớp nhỏ thì cô thầy đọc cho nghe, lớn thì các bạn đọc nhau nghe. Trong các bài đọc, chủ yếu là về các nhân vật nổi tiếng thế giới thì đọc đi đọc lại mãi. Lớp nhỏ thì đọc sơ lược, lớp lớn thì đọc chi tiết. Các bạn được tiếp nhận quan niệm và cách nhìn của các nhân vật tạo ra lịch sử và các vĩ nhân, để các bạn có tư duy lớn, ước mơ lớn. Những đứa trẻ hôm nay sẽ là lãnh đạo (top leaders, khoảng 5-20%) hay người thường (followers, 80-95%) trong tương lai. Trong lĩnh vực kinh tế, những leaders này là những người tạo việc làm và thu nhập cho các followers. Giáo dục để tăng tỷ lệ leaders luôn là mục tiêu của các quốc gia hiện nay để tạo sự thịnh vượng cho xã hội.
Các nước giàu hiện nay đều có chương trình nhập khẩu doanh nhân, tức dạng định cư doanh nhân, với điều kiện là không được sống ở đô thị lớn của nước họ, sang tỉnh xa xôi mở doanh nghiệp giải quyết vài chục lao động thì họ cấp thẻ xanh hoặc cấp quốc tịch. Ví dụ Canada, nếu bạn sang mở DN không phải ở Vancouver, Toronto hay Montreal, mà giúp cỡ 20 lao động ở vùng xa xôi như Nunavut chẳng hạn, bạn sẽ được thẻ xanh. New Zealand cũng vậy, trừ khu vực Auckland. Các nước đều khuyến khích mở doanh nghiệp ở các tỉnh xa, hạn chế phát triển ĐH và doanh nghiệp ở các đô thị lớn, họ làm mọi giá để phát triển đồng đều cả nước chứ không có dồn vô Sài Gòn Hà Nội như nước mình.
Một doanh nhân lớn có quyền lựa chọn, hoặc mang tiền sang mua quốc tịch nước ngoài, hoặc về nơi hẻo lánh xa xôi của nước mình để xây dựng một cái gì đó cho bà con quê nghèo có việc làm. Đó là 1 sự lựa chọn, tuỳ thuộc vào cái tâm của họ. Có thể chọn ở Sài Gòn để mua bán đất cát chung cư qua lại kiếm lời, hoặc về Đăk Nông Kon Tum dựng nên nông trại nhà máy. Có thể ở Hà Nội để sáng sớm ăn phở ngon, uống cà phê thơm, ngắm trai thanh gái tú qua lại như mắc cửi trên phố hay về Điện Biên Lai Châu, sáng sớm ngắm cảnh thanh bình núi rừng chim hót líu lo. Đều là do người có trí đó lựa chọn. Họ chọn lợi ích và sung sướng cho bản thân, cho gia đình, cho gia tộc hay cho tha nhân, cho nhiều người xa lạ cùng hưởng….thì do tấm lòng và tầm vóc của họ.
Một câu nói vô cùng vớ vẩn và thiển cận là “nếu ai cũng làm chủ, thì ai làm công?” Những xã hội có tỷ lệ top leaders/boss cao như Đức, Israel, Qatar, UAE, Nhật, Hàn, Đài, Singapore….luôn thiếu lao động phổ thông, thiếu followers và họ phải thuê các nước khác làm. Lượng followers thì nhiều vô kể, không lo thiếu hụt, nhất là các nước dân số đông như Indonesia, Bangladesh, VN, Ấn Độ, Mexico, Philippines…. Chúng ta thấy người Hàn ở Việt Nam khoảng 100,000 người, cũng tương đương người Việt đang ở Hàn. Nhưng địa vị của họ khác nhau, người Hàn ở VN thường làm quản lý các công ty Hàn, hoặc làm chủ nhà hàng, bar, salon tóc, sân golf….còn người Việt ở Hàn chủ yếu là cô dâu và công nhân xuất khẩu lao động. Cái này là thực tế, vì đặc trưng gene dân tộc họ là khai phá và du mục, còn mình là lúa nước làng xã, nghĩ nhỏ, nghĩ ngắn, luôn miệng nói “XA, ĐẮT, KHÔNG DÁM” trước 1 quyết định. Ông bà cha mẹ vặt vãnh hàng thế hệ, rồi cứ thế mà truyền cho con cháu. Cứ tạo ra những nỗi sợ vô hình, ví dụ kể nhau nghe chuyện ma nên khiến những đứa trẻ sợ hãi, không dám đi đâu. Người sợ ma thì không thể thành doanh nhân lớn được, không lẽ nửa đêm là kêu đối tác qua ngủ cùng vì sợ ma? Cứ bày mấy cái ĐƯỢC nhỏ nhỏ phải giữ, khiến tầm thường hoá nhiều bạn, lẽ ra là ngôi sao lớn. Chưa kể là giáo dục Hàn hiện nay, cùng hệ với giáo dục Nhật và Đức, đã tạo ra tỷ lệ boss/top leaders rất cao. Họ dám đối diện với rủi ro ở 1 nơi xa lạ hơn là “ổn định” ở chỗ quen thuộc. Nay họ ở Seoul, mai qua Nha Trang, Đà Nẵng, Bali….để định cư làm ăn là bình thường. Nói phát đứng dậy đi ngay. Đánh bài xì dách chẳng hạn, điểm 17-18-19-20 vẫn không chốt để kiếm lợi chút xíu mà họ sẽ rút tiếp nếu được phép rút, vì có xác xuất tìm được con 4, 3, 2, 1. Cứ còn có cơ hội là còn làm. Được ăn cả, ngã về không. Mất thôi làm lại, họ chấp nhận đánh đổi. Đó là tố chất cơ bản nhất của người làm được nghiệp lớn (nhưng người không có tố chất này, sẽ nghĩ ví dụ trên sai, không thuyết phục, vì họ tư duy khác. Người sợ mất danh mất lợi thì sẽ nghĩ khác, làm khác, đó là tư duy phổ biến của đám đông đang được cho là đúng).
Thống kê xã hội học cho thấy có khoảng 1/2, tức 50% người có khả năng làm founders, leaders (người sáng lập, lãnh đạo) khi sinh ra. Nhưng giáo dục ở gia đình và nhà trường mấy ngàn năm nay, ở mọi quốc gia, cứ bắt mọi đứa trẻ học chương trình giống nhau, bắt vở sạch chữ đẹp, bắt làm bài văn mẫu và học thuộc công thức toán, bắt mặc đồng phục, bắt không được suy nghĩ khác đáp án của thầy cô, ở nhà không được làm khác “gia phong lễ giáo”, “phép vua lệ làng”, hành xử nên theo đám đông kẻo bị chế nhạo chê cười,….khiến tỷ lệ founders/leaders (cá tính, sáng tạo, quyết đoán) giảm dần xuống, tỷ lệ followers (đám đông bình thường) tăng lên. Giáo dục đúng là phải tìm ra tinh hoa (elite), tạo cảm hứng cho họ, cho phép họ khác biệt để trở thành founders/leaders, để tạo ra các Samsung, Hyundai, LG, Toyota, Sony, Bosch, Mercedes, Bayer….chứ không nên hướng dẫn tinh hoa cách viết CV (hồ sơ xin việc) hay profile cho thật đẹp (phạm vi bài viết nói về lĩnh vực kinh tế, còn tinh hoa các lĩnh vực khác nữa). Founder và boss không có CV hay profile vì họ không có nhu cầu xin việc. Họ không tập trả lời phỏng vấn thì họ phải phỏng vấn người khác. Họ không nghĩ đến tiền bạc con con, nghĩ đến giá cả mà nghĩ đến GIÁ TRỊ mà họ nhận được. Từ đó, thái độ của họ với cuộc đời khác hẳn. Vui vẻ, xởi lởi, cám ơn, giúp người, hào phóng, quý phái, sang trọng, tích cực,…
Các trường ĐH kinh tế, dù nổi tiếng nhất nhì thế giới như Harvard Business School, cũng chỉ có thể đào tạo quản lý (manager) mà thôi, không thể đào tạo ra ông chủ sáng lập (founder). Học management thì chỉ làm được manager (gốc là chữ MANAGE). Không có lớp đào tạo chủ doanh nghiệp, vì không thể đào tạo được.
FOUNDER/BIG BOSS, năng lực quan trọng nhất của họ là TỰ HỌC. Họ sẽ tự đào tạo khi được tạo cảm hứng và chỉ rõ đích đến (hoặc tự tìm được đam mê đời mình). Ví dụ nói có mỏ vàng ở bên kia quả núi, cách một cánh rừng và con sông, họ sẽ tự chặt cây quánh thú để tạo con đường riêng để băng qua núi, tự đóng bè hay bơi để qua sông, để tới đích. Còn với followers, thì họ chỉ đi trên con đường ai đó đã mở sẵn. Giành nhau chen chúc dẫn tới tắc đường kẹt xe. Chớ bắt họ khai phá vì khả năng kiến tạo không có. Có mở nhà máy cho họ làm giám đốc thì vài ba bữa cũng thấy xách cặp lên thành phố xin việc. Họ sinh ra làm mèo, không phải làm hổ. Mèo thì bám nhà chủ ở phố để được cho ăn, hổ thì lên rừng tự xây dựng giang sơn. Hổ mà cứ bám ở thành phố thì chỉ có diễn ở rạp xiếc hoặc nhốt trong sở thú.
Trong sách giáo khoa ở Đức hay các nước áp dụng giáo dục liberal arts, các nhân vật vĩ đại trong lịch sử được các em liên tục tìm kiếm, đọc và trình bày trước lớp. Nên hầu như em bé nào cũng rành A-rít x tốt, A lét xăng đại đế, Thành Cát Tư Hãn, Napoleon, Tần Thuỷ Hoàng, Louis Pasteur, Anh xtanh, Mozart, Edison, Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk…và cứ thế, tỷ lệ người giỏi giang tăng lên, vì trẻ em có khuynh hướng bắt chước người chúng thần tượng. Các bạn nên mua và đọc đi đọc lại những người vĩ đại, đọc ngàn lần rất tốt cho trí óc.
Đọc lại 2 lần bài này nếu bạn có tố chất, bạn sẽ hiểu và có nhận thức khác, làm khác hôm qua. Trí thức tức có trí và có thức, tức có thức thời và hành động để tạo ra thành tựu. Còn cái gì cũng biết, bằng cấp đầy người mà hem có chịu làm, hem có cơ ngơi thành tựu gì, thì gọi là trí ngủ.

5% + 5% + 90% = ?
(Bài viết mà mọi thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên và những ai quan tâm đến giáo dục nên đọc).
1. Nhiều bạn vừa hoàn thành tú tài năm nay và chuẩn bị đi du học, hoặc có học bổng, hoặc gia đình có điều kiện. Điều này là rất tốt. Thế giới phẳng và nhỏ xíu, du học không còn là chuyện xa xôi. Học ở đâu cũng được.
Về giáo dục phổ thông, (tức 12 năm học đầu đời), nhìn chung, kiến thức và phương pháp trong giáo dục phổ thông các nước trên thế giới thì không khác nhau mấy (Ở Việt Nam cũng rất rất tốt, chỉ có hơi nặng phần tâm lý học để thi cử. Chỉ cần cắt bớt chương trình để chuyển qua dạy thêm ngoại ngữ và thể dục, cho đi dã ngoại thật nhiều nữa là được. Có thể chuyển sang STEM như bài báo dưới đây).
Riêng giáo dục ĐH, ở nước ngoài có phương pháp học và dạy khác thời phổ thông. Hoàn toàn không có tình trạng thầy đọc chính tả, trò chép, thi viết lại y chang cái gì thầy nói-qua. CÁCH HỌC ĐÚNG LÀ HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP ĐỂ SINH VIÊN TỰ HỌC, tuyệt đối không để học sinh thụ động, thầy dạy gì biết đó. Cách dạy đúng là CHO CÁC BẠN ĐỌC, BẮT BUỘC ĐỌC VÀ TỰ RÚT RA KIẾN THỨC. GIỜ GIẢNG CHÍNH LÀ GIỜ SINH VIÊN HỎI GIÁO VIÊN. GIÁO VIÊN KHÔNG BAO GIỜ GIẢNG NHỮNG GÌ ĐÃ GHI TRONG SÁCH, CHỈ TRẢ LỜI CHO HỌC VIÊN. Thư viện là nơi sinh viên lui tới nhiều nhất để đọc sách.
Theo thống kê, một người muốn nắm chắc một lĩnh vực = 5% thầy + 5% công cụ hỗ trợ + 90% tự học. Ai giỏi tiếng Anh hoặc bất cứ lĩnh vực gì cũng sẽ thấy rõ công thức này. Nếu cho vô trường xịn, vật chất tốt, thầy giỏi cỡ nào mà bản thân không chịu tự học thì sẽ thất bại. Vì 90% > 10% rất nhiều. Khi con em hay bản thân chúng ta thất bại, chúng ta không nên trách nhà trường, gia đình hay ai khác, vì họ chỉ chiếm có 10% mà thôi.
2. Nhiều bạn có điều kiện đang tìm hiểu để đi du học. Nhưng câu hỏi đặt ra là học cái gì, ở đâu?
Học cái gì? Xu thế bây giờ thế giới người ta học cái gì mà có nghề trong tay, hoặc có trí óc tốt thì nên học STEM. Các bạn đọc bài báo dưới đây để biết STEM là gì nhé.
” STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học)”. Chìa khoá cất cánh của mọi quốc gia. Khái niệm Stem trên thế giới giờ ai cũng biết.
Học ở đâu? Ở đâu cũng được, ưng đâu học đó. Về công nghệ thì Hàn, Nhật, Singapore thậm chí còn hơn Âu Mỹ, nhưng xã hội ở đó không có văn minh phương Tây, cái cần trải nghiệm trong mấy năm học. Học không chỉ là kiến thức mà còn trải nghiệm với xã hội.
3. Chúc các bạn chọn ngành và chọn nơi học phù hợp nhé. Nếu không đi du học được thì cũng chọn thành phố khác, hoặc ra ngoài ở trọ, ở ký túc xá. Nếu dân SG thì lên Đà Lạt, ra Đà Nẵng học. Không nên ở với cha mẹ khi đã 18 tuổi, mọi thứ sẽ ăn sẵn, có sẵn….thì sẽ không trưởng thành được. 18 tuổi, cha mẹ phải thả con cái bay đi. Nếu cha mẹ vẫn còn nếp cũ, đòi giữ rịt lại thì con cái cũng phải cương quyết ra riêng, tự học, tự làm….để tự thân lập nghiệp. Họ khóc lóc làm dữ từ mặt kể lể hiếu thảo công lao…gì kệ họ, mình cứ kiên quyết ra riêng và thường xuyên về thăm họ là được. Đời mình là của mình, mình phải nắm lấy quyền quyết định.
“Trưởng thành vùng vẫy Đông Tây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”
Đi đi đi…
Nước Úc trù phú nằm gần châu Á, nhưng lại được những người châu Âu xa xôi khai phá. Người châu Á tinh hoa không sang vì “mẹ không cho, gia đình không chịu”. Trong khi tụi Tây thì hoàn toàn khác. Cách đây mấy trăm năm, trên những con thuyền buồm thô sơ, họ vừa đi vừa phán đoán, và rất rất nhiều người bỏ mình trên biển, cái giá của sự khai phá. Nhưng điều đó không ngăn họ tìm tòi và tìm kiếm sự thịnh vượng. Từ châu Âu đến Úc, phải vòng xuống mũi Hảo Vọng dưới châu Phi, phải mất 6 tháng đến 1 năm. Xa xôi, nguy hiểm, mạo hiểm,….nhưng họ vẫn đi. Vợ con ở nhà, những người đàn ông lao mình đi biển. Đàn ông là phải như vậy. Mạnh mẽ, quyết đoán, đi nhiều, đi xa, đến những vùng đất mới để làm ăn, lập nghiệp, không quanh quẩn ở gia đình cũ hay ở thành phố an nhàn, quyến luyến vợ con. Cứ an nhàn, ru rú, sợ hãi, ham tiền mà không muốn động chân động tay, thích ngồi bàn giấy, nhân viên văn phòng… thì sẽ không có được cơ nghiệp lớn. Mọi cơ hội luôn tiềm tàng rủi ro. Vấn đề là có sẵn lòng để trả giá. Con trai đàn ông cần có tố chất khai phá, ham đi xa làm ăn (không phải đi xa là lên thành phố lớn xin việc vì cái đó đơn giản, ai cũng làm được). Phải có năng lực kiến tạo, biến không thành có. Đơn giản như một góc nhà, có năng lực kiến tạo sẽ tự lấy gỗ để đóng được một kệ sách. Một hốc đất nhỏ cũng trồng được 1 cây hoa. Ngày nay, các vùng thế giới mà giàu có trù phú, Tây nó lấy hết rồi. Nguyên châu Phi, họ chọn Nam Phi để sống vì khí hậu lạnh, đất tốt. Hiện nay, Nam Phi là quốc gia nói tiếng Anh phát triển trong top thế giới, trong khi phần còn lại của châu Phi thì nghèo do người bản địa không có giỏi và ham làm. Châu Úc, NZL họ cũng khai phá và bây giờ thì vô cùng trù phú. Nam Mỹ, Bắc Mỹ…họ chọn để sinh sống còn Trung Mỹ nóng nực họ chừa lại. Đầu óc quyết định sự phồn vinh, chứ không phải tài nguyên. Vi mô mỗi cá nhân đến vĩ mô một dân tộc. Nước ta mênh mông, còn nhiều vùng đầy tiềm năng cho người có máu khai phá và có đầu óc. Mình cũng nên đi Tây, mà là Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ. Đi để khai phá, tạo cơ ngơi chứ không phải để xin việc. Như những người Tây khai phá ngày xưa. Suy nghĩ là tốt, nhưng suy nghĩ nhiều quá thì không còn tốt nữa. Nó sẽ khiến chúng ta quyết định rút lui ở phút 89 trước các ngã rẽ của cuộc đời.

Một sinh viên hoặc độ tuổi trên 18 hiện nay trên thế giới, một ngày người ta làm gì?
Trung bình 1 ngày, ngoài 6-8h cho việc ngủ, còn lại, họ xoay quanh 8 hoạt động sau:
1. Học hành: học ở trường, học nhóm với bạn bè, sinh hoạt với mọi quốc tịch.
2. Làm thêm để tự chủ tài chính cho việc học, việc chơi. Vay mượn để đóng học phí. Kể cả vay của nhà nước hay cha mẹ. Còn chi phí sinh hoạt thì do làm thêm mà có. Ai làm thêm đều rất tự hào và được xã hội đánh giá cao.
3. Chơi thể thao, tập thể dục. Dù một mình vẫn chơi, vẫn tập.
4. Làm việc nhà. Từ giặt giũ nấu ăn đến giữ vệ sinh nơi ở. Nhà lau mỗi ngày 1 lần, mùng mền chiếu gối mỗi tuần một lần. Luôn thơm tho sạch sẽ nơi ở và cơ thể.
5. Đọc sách. Mỗi tuần một cuốn sách. Đọc mọi lúc mọi nơi.
6. Gặp gỡ bù khú với bạn bè vào tối cuối tuần. Cà phê, mua sắm, uống 1 ly bia hoặc 1 cốc rượu vang trong quầy bar. Vài ba tháng là tổ chức đi chơi xa. Nếu bạn bè bận thì tự đi một mình, đeo ba lô lang thang khắp thế giới.
7. Dù cha mẹ ở cùng tỉnh, thành phố nhưng họ đều kiên quyết dọn ra ngoài, thuê phòng ở riêng. Trừ vài bạn khờ khạo hoặc ngây ngô hoặc kém tự tin. Họ không thích học ĐH ở cùng thành phố, ví dụ người New York nhưng họ dọn qua Los Angeles học, người Seoul dọn qua Busan, người Tokyo dọn xuống Osaka…để thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình, tự trưởng thành, thành “đại bàng” trong nhận thức và tư duy. Ít bạn dân Sài Gòn mà học ĐH ở Sài Gòn, dân Hà Nội lại học ở Hà Nội, dân Cần Thơ lại học ở Cần Thơ…trừ mấy đứa “gà”. Việc ở nhà cha mẹ, ăn cơm mẹ nấu rồi đến trường, xin tiền cha mẹ như học sinh phổ thông là rất buồn cười. Lỗi là do bạn trẻ đó không có bản lĩnh hoặc kém cỏi không đủ sức để tự lập.
Nếu trên 18 mà còn dựa vào cha mẹ, ở chung với cha mẹ thì tư duy dễ bị phụ thuộc, dựa dẫm, non nớt, khó làm nên nghiệp lớn về sau. Làm cái gì cũng phải “xin phép bố em một tiếng, cha em gật đầu mới được, mẹ em không cho nên thôi, gia đình em không chịu nên em xin phép rút ….”. Ớn quá ớn.
8. Online xem tin tức và cập nhật mạng xã hội: lúc ăn sáng. Ăn trưa. Tối trước khi ngủ. Nhưng không quá 30 phút mỗi lần. Họ nói nếu dành thời gian cho hoạt động này nhiều thì sẽ lãng phí tuổi trẻ.
Bạn năm nay bao nhiêu tuổi?
Bạn phân bổ thời gian 1 ngày của mình thế nào? Có giống tuổi trẻ thế giới hem?
Bạn là tuổi trẻ, nếu không có những hoạt động giống tuổi trẻ thế giới (như trên) thì tương lai của bạn sẽ khác.
Và tương lai nước mình cũng sẽ khác.

Các bạn vừa thi xong nên làm gì?
Các bạn cuối 9x vừa hoàn thành xong kỳ thi trung học và xét tuyển ĐH, một cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Các admin group TnBS xin chúc các bạn trẻ đã hoàn thành 12 năm giáo dục phổ thông, “phổ thông” ở đây có nghĩa là ai cũng cần nên hoàn tất nó để vào đời.
Các admin, dù ít dù nhiều cũng tạm gọi có chút thành đạt trong con đường mình lựa chọn. Có bạn làm giáo viên thì trở thành người giáo viên dạy giỏi, được nhiều học trò theo học. Có bạn làm kinh tế thì đã có công ty xí nghiệp. Có bạn làm bác sĩ và đang tu nghiệp ở nước ngoài. Có admin làm nông nghiệp và cũng sở hữu cái trang trại nhỏ. Cả chục admin, mỗi người một nghề, nhưng đều từng bước leo lên đỉnh cao nghề nghiệp mình lựa chọn cả.
Từng là thí sinh, admin chân thành khuyên các bạn thi xong nên nghỉ ngơi 1-2 tuần, đi chơi xa cho đã nếu có điều kiện, hoặc ở nhà phụ giúp gia đình. Nhất là phải động chân động tay, tự mình giặt giũ nấu nướng dọn dẹp phòng ốc nhà cửa. Tuyệt đối tránh xa các buổi liên hoan chè chén, tỷ thí rượu bia rồi phóng xe máy vèo vèo trên đường, năm ngoái đã có nhiều tai nạn đáng tiếc. Các bạn còn trẻ, nên tiết chế năng lượng, không a dua bốc đồng sĩ diện này nọ. Đời còn dài và ước mơ nào cũng đẹp.
Và quan trọng nhất là các bạn nên đọc sách. Việc đọc sách liên quan mật thiết đến tư duy ngôn ngữ và khả năng giải quyết vấn đề (xem hình).
Cuối tuần này, cứ đến nhà sách, lựa sách mình ưa thích, nếu không biết mua gì thì cứ tham khảo top ten (tốp 10) bán chạy. Bán chạy dĩ nhiên là đã được thị trường đánh giá cao, phù hợp đám đông, có ích cho họ nên họ mới mua. Sách self-help thì đọc vài cuốn thôi, nội dung giống nhau hết à. Mình nên đọc sách văn học phương Tây, sẽ giúp các bạn hoà nhập nhanh chóng thành công dân toàn cầu sau này (search: các tác phẩm văn học nước ngoài kinh điển).
Về phía TnBs, dượng Tony thì đã nghỉ viết từ tháng 11 năm ngoái, tuy nhiên đội ngũ admin cũng đã kịp lấp khoảng trống với nhiều bài có chất lượng, phần lớn đều được dượng Tony đọc qua và đồng ý cho đăng. Các admin đều làm các ngành nghề khác nhau, nhưng có điểm chung là lấy cảm hứng từ 2 cuốn sách của dượng viết, đọc đi đọc lại mà tạo ra nhiều thói quen tích cực, trong đó có thói quen đọc sách, tập thể dục, học ngoại ngữ, đi làm thêm, tính kỷ luật. Và từ đó có tất cả.
Mời các bạn đọc một bài review cảm nhận mà admin nghĩ là cô đọng được hết nội dung hai cuốn sách cần truyền tải. Các bạn nên tự mua hai cuốn sách này trong nhà sách, hoặc không có tiền thì đọc trên mạng online, tuy nhiên việc cầm đọc sách giấy vẫn thể hiện một nét sang trọng riêng, và nó cũng khiến bạn tập trung hơn, lĩnh hội tốt hơn. Trong thời gian chờ đợi kết quả, ngồi đọc để có nhận thức mới.
Khi có một nhận thức chững chạc, các bạn sẽ đủ khả năng đưa ra những quyết định chọn nghề phù hợp khi có kết quả thi.
Chúc cuối tuần vui vẻ nhé
Các admin TnBS
Con khỉ và quả chuối. Truyện hay ai cũng nên đọc.
Những người thông thái, các nhà quản trị cấp cao…đều thuộc nằm lòng bài học con khỉ và quả chuối. Họ áp dụng để nhận biết bản chất con người, của nhân viên, của cộng sự….để biết ai nên đi xa với mình. “Trước đồng tiền, bản chất con người thế nào sẽ lòi ra thế ấy- trích Trên đường băng, trang mấy quên rồi”. Có câu khá hay: “Tiền là máu, là nước mắt của bao thế hệ nên có một giá trị tâm linh rất lớn. Phải của mình làm ra, thật sự đổ mồ hôi công sức thì sẽ giữ được. Còn nếu không, sớm muộn cũng ra đi theo quy luật riêng, bất luận ai cũng cố giữ”.
Người xưa thường thử thách lòng người như bắt đấm để thưởng xôi, nên nhiều người đã “cố đấm” đến kiệt sức để được “ăn xôi”, nhưng khi đấm xong thì mệt quá, mở miệng ra không nổi. Hay chơi trò treo tiền trên cột mỡ, nam thanh nữ tú thi nhau treo lên để lấy tiền, trơn tuột, nhưng hầu như không ai từ bỏ ý định.
Ở châu Á, càng nhiều con bố mẹ càng khổ. Dù giáo dục thế nào, “cha chung không ai khóc”, kể cả những trí thức bậc thầy như Lý Quang Diệu, con cái họ đều bậc tinh hoa hàng đầu những vẫn choảng nhau khi cha mất. Bất luận giáo huấn dặn dò hay di chúc, cứ còn “để lại” là còn bất đồng, tranh giành, từ mặt. Còn ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, ngày làm đám tang cha mẹ cũng là ngày toà nhận được đơn tranh chấp, dù là căn nhà nhỏ của cha mẹ, miếng đất hương hoả của ông bà hay quyền sở hữu những tập đoàn lớn. Ráng đẻ nhiều con, cho ăn học thật nhiều, thương yêu thật nhiều, hy sinh thật nhiều, tưởng là “phúc” nhưng cuối cùng lại sinh “hoạ”. Cố lấy về mọi thứ (có thể) cho gia đình, gia tộc, con cái…nhưng lại chính bị gia đình, gia tộc, con cái ấy làm cho khổ tâm một đời. Người phương Tây họ gọi hiện tượng này là “lời nguyền châu Á”.
Ba cái khiến người ta khổ là “tham, sân, si”. Tham đứng đầu. Khi nào con người đủ nhận thức để nhận ra “phúc phần” của mình, muốn giàu có thì tự làm để tạo ra, không tham giành giật phần của người, thì tự dưng sẽ hạnh phúc.
Hạnh phúc, đơn giản chỉ là một cảm giác.
Sáng nay, trên TnBS.

Ai dậy sớm?
1. Ad mới đi Tây Tạng về (Sau 1 tháng để nghiệm coi đúng hem mới dám viết bài), có mấy cái hay cần chia sẻ.
Tây Tạng là vùng đất cao nhất trên thế giới mà có con người sinh sống tập trung, áp suất khí quyển thấp khiến người đồng bằng lên đó rất khó thở. Rất đông (du khách) phải dùng bình ô xy trợ giúp trong máy ngày đầu, máu lên não ít nên hầu như ai mới lên cũng rất nhức đầu, sau đó quen dần thì thấy thích thú. Các vận động viên đỉnh cao, nhà nghề thường chọn khu vực núi cao để tập luyện cũng do nguyên nhân này. Khi họ tập ở cường độ bình thường trong môi trường như thế, khi xuống đồng bằng thi đấu, công lực của họ mạnh mẽ một cách bất ngờ. Giống như các tay quyền anh hạng nặng họ tập đấm dưới nước vậy, bị nước cản nên lực phải rất mạnh. Khi lên sàn đấu, họ tung cú đấm sấm sét ngay vì chỉ là không khí bình thường.
Nói vòng vèo để khoe là ad mới đi trên đó 2 tuần để rèn luyện cơ thể, vì ad bị viêm xoang, hen suyễn tái đi tái lại miết. May mà ở nhà mình đã tập các bài Cardio nên khoẻ vô cùng, lên đó mọi người tưởng mình là vận động viên. Cách đây một năm mình ốm yếu, lười vận động vì xưa nay chỉ thích đọc chữ nghĩa thôi, công việc văn phòng bàn giấy nên cũng sáng đi chiều về, ăn ngủ. Nhưng tình cờ mình đọc bài báo về Cardio và thay đổi nhận thức. Trí thức là vậy, nhận thức sẽ thay đổi miết khi nhận ra cái gì đúng, cái gì sai, cái gì tốt, cái gì xấu. Xong hành động action liền, thay đổi bản thân liền.
2. Cardio là một từ la-tinh nói về tim mạch. Bây giờ giới trẻ thế giới có khái niệm “mày tập cardio” chưa, tức bài thể dục giúp tim và mạch vận động mạnh, đưa máu có ô xy lưu thông khắp cơ thể, tăng sức đề kháng, tiêu diệt các tế bào xấu (có khả năng gây ung thư nếu có), nhất là máu sẽ lên não giúp trí nhớ tốt hơn, không bao giờ nhức đầu, học hành nhanh nhớ, nhớ lâu. Bài cardio còn giúp máu lên mặt, nên da lúc nào cũng đỏ hồng, môi đỏ, da mịn láng, nhìn rất khoẻ mạnh.
Các bạn trẻ và hem trẻ ngày ngày nên dành 15-30 phút cho bài cardio này nhé, để học tập và làm việc được tốt hơn, quan trọng hơn là sống thọ lâu lâu trên cõi đời này chút.
Ít vận động, chết sớm uống lắm các bạn. Chơi với bạn ham vận động, nếu ở trọ nên lựa đứa ham thể thao mà ở cùng, sẽ bắt chước họ.
3. Nào, chúng ta cùng chia sẻ thông tin thú vị này nhé. Nên ngủ sớm trước 10h30 và dậy sớm trước 5h30, càng ngủ sớm chừng nào và dậy sớm chừng nào là tốt chừng đó, các nhà sư ở Tây Tạng khuyên như vậy, vì con người là một sinh vật trên trái đất thôi. Bóng đêm xuất hiện thì đến lúc cơ thể sinh học cần nghỉ. Khi ánh mặt trời bắt đầu rọi sáng trái đất thì phải thức dậy kiếm ăn. Ngày xưa người ta ngủ 7-8h tối, dậy 2-3h sáng, theo nhịp sinh học của con gà. Dần dần có các hoạt động giải trí về đêm, khiến người ta thức khuya hơn, dậy trễ hơn…nhưng điều này là trái với chu kỳ sinh học của sinh vật trên trái đất.
Kể từ hôm đó, mình về, cũng thay đổi nhận thức và action luôn. Ngày thường hem có gì đặc biệt là mình tắt ĐT, máy tính, ép mình phải ngủ lúc 10h, dậy lúc 4:30. Còn thứ 7 mình cho phép 11h ngủ, 5:30 dậy. Tự dưng mấy cái bệnh vặt tiêu biến hết, người mình đầy năng lượng, ham học ham làm và yêu đời quá xá. Sáng dậy là tập thể dục, đọc sách, nấu cơm ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa….một mình (ad là boy, mới tốt nghiệp ĐH 3 năm), rồi giờ cả nhà mình thấy hay qua nên bắt chước luôn. Ai ai cũng khoẻ.
4. Các bạn xem hình thấy ông này có quen hem. Đó là 1 người mà được người Mỹ xem là thông thái nhất, khuyên gì là người ta nghe theo, tờ tiền mệnh giá lớn nhất (100 đô la) có hình ông trên đó đó (smile). Ông nói gì nè, ngủ sớm, dậy sớm sẽ khiến chúng ta khoẻ, giàu và khôn ngoan.
Còn hình kia thì các bạn hem biết tiếng Anh đọc cũng hiểu.

Chuyện hoa chuyện liễu (bài 1)
Xưa nhà thơ Trần Đăng Khoa nổi tiếng với với bài thơ Hạt gạo làng ta, giờ mình tự viết bài thơ của riêng mình có tên “doanh nghiệp làng ta”. Cứ tự tin vô. Bạn trẻ nào có đầu óc tổ chức, có kinh nghiệm đi làm mấy năm rồi mà ớn phố sá ồn ào nóng nực ngột ngạt, thích tự do bay nhảy thì kiếm cái gì đó mở ra mà làm. Coi thế mạnh làng mình, xã mình là gì, mình thành lập doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cái đó. Thị trường mênh mông lắm, có tài là lấy được hết của cải của xã hội, không cần ở phố vẫn làm ăn tốt. Ở thành phố, tài năng mình tầm tầm, làm mãi vẫn vô danh thì đi về. Giờ con cái học đâu chẳng được, cho nó học tiếng Anh trên mạng, lớp 10 mình có tiền cho nó đi du học, trường điểm thành phố xách dép theo.
Bạn cứ lên thẳng sở kế hoạch đầu tư tỉnh, cầm theo giấy tờ tuỳ thân, sẽ được hướng dẫn chi tiết. Giờ tỉnh nào cũng rất dễ thương với bạn trẻ khởi nghiệp, giải quyết trong vòng mấy nốt nhạc.
Hoặc bỏ ra khoảng 2-3 triệu người ta làm cái rẹt cho mình, cho nhanh, 3-5 ngày là có công ty, có con dấu. Search “dịch vụ mở doanh nghiệp siêu tốc tỉnh A”. VP luật nào cũng có.
Đặt tên công ty: Lựa 3-4 tên kẻo trùng, người ta không cho. Ví dụ mình tên Lê Thị Hoa, hùn vốn với Nguyễn Thị Liễu, mình lựa một mớ tên như công ty TNHH Hoa Liễu, công ty Liễu Rũ, công ty Hoa Rủ Liễu, công ty Hoa Kết Liễu, Liễu Kết Hoa, công ty TNHH Vùi Hoa Dập Liễu. Tương tự anh Giang hùn vốn với chị Mai.
Chức năng kinh doanh: khai hết. Làm nghề gì mà pháp luật hem cấm là khai vô, khỏi mắc công bổ sung về sau. Khai mấy chục trang giấy cho ngừ ta nể.
Giả sử công ty Hoa Liễu mình được sở nói OK, hem trùng tên, cho cấp phép, chuyên bán nước chè xanh tắm trị bệnh ngoài da, trên giấy phép thì cái ngành nghề gì cũng có, kể cả buôn bán nông sản lẫn đại lý vé máy bay…. Cái Hoa chiếm 51%, cái Liễu 49%, vốn tự khai, mình nhắm vốn hoạt động mình có được bao nhiêu thì ghi vô, hai ba trăm triệu hay hai ba trăm tỷ thì tuỳ.
Địa chỉ: lấy nhà cái Hoa, ví dụ thôn X, xã Y, huyện Z. Xong về nhà lắp internet, điện thoại, máy tính, máy fax,…Đặt website hoalieu chấm com hay hoalieu chấm vi en cho nó thuần Việt.
Hoa là chủ tịch HĐQT. Liễu làm giám đốc. Tuyển người trong làng vô, ai lanh lợi cho làm sale, ai cần cù cho làm sản xuất, ai cẩn thận cho làm kế toán. Đào tạo sử dụng được hết nếu bạn trẻ đó có đầu óc và kỷ luật.
Ra ngân hàng huyện mở tài khoản công ty, rồi bắt đầu vận hành. Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, sửa sai. Sai sót, sai lầm rất đáng quý vì có làm mới có sai. Xách cặp ngồi học không nhớ được đâu. Chỉ nhớ khi trực tiếp bị mất tiền. Làm là trường học tốt nhất. Vì kinh doanh, người không biết kinh doanh mới vô trường ĐH dạy, đi học quản trị kinh doanh khi chưa có kinh nghiệm là việc rất tốn thời gian.
Cứ mở xong đi nhé, rùi tuần sau mình học bài vận hành công ty.
“Hữu ý trồng hoa, hoa hẻm nở
Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh”.
Câu slogan của công ty mình.
P/s: Không nên bàn bạc chuyện này với người không có đầu óc, họ sẽ bàn ra, chê bai, nói không được, dè bỉu này nọ mắc công nhé. Đã chấp nhận về quê làm chủ doanh nghiệp là chấp nhận cá bơi ngược dòng, cô đơn thượng liu vậy.

Mình có cơ hội làm việc ở Singapore, HK, Nhật Bản cho một tập đoàn đa quốc gia. Sau đó mình mình lấy chồng người nước ngoài (mình là admin page, Tony đã chính thức nghỉ viết sau khi trúng số nên các admin tham gia quản lý trang trong khi chờ Tony trở lại), mình sang làm việc ở London, mình thấy cái bắt buộc của mỗi công ty mình làm là họ bắt mọi người đều viết daily to-do list nộp vào sáng thứ 2 và weekly report nộp vào bữa cuối của tuần làm việc đó, đều phải nộp trong 30 phút đầu tiên của ngày làm).
Quản lý sẽ đọc to-do list thật nhanh vào sáng thứ 2, nếu thấy việc ít quá, sẽ “sáng tác” thêm vài việc nữa để giao, hoặc thấy nhiều quá thì phân bổ ra cho người khác làm phụ. Ngày cuối tuần cũng vậy, họ ngồi đọc từng cái weekly report, có nơi gọi là progress report, đánh giá khả năng hoàn thành của nhân viên. Ban đầu mình cũng dị ứng vì lười, bị nhắc nhở trừ lương suốt. Sau này lên làm quản lý, mới thấy cái này họ làm là hiệu quả, nên năng suất lao động của họ cao là do rất nghiêm khắc cái này.
Quản lý thường được phụ cấp cao hơn do phải “đọc và sáng tác việc”, bản thân họ lại được sếp cao hơn giao việc. Cứ thế mà guồng máy nó chạy, nên không có chuyện ngồi ngáp không biết làm gì ở công sở.
Vài chia sẻ mong các bạn áp dụng cho nơi mình làm việc. Nếu muốn phát triển, thì cái kỷ luật này là bắt buộc, ai không làm 2 cái form này hoặc không đúng hạn nộp thì mời ra khỏi tổ chức. Không để người xuề xoà vô kỷ luật như thế trong team mình, sẽ rất phiền toái.
Chúc các bạn ngày càng giàu có, phồn vinh, hiệu quả.

Dear dượng
Con viết những dòng này khi đang ngồi trong quán cà phê Starbucks gần trường ĐH ở đất nước Phần Lan xa xôi. Hôm nay quán bán COD (coffee of the day) của Đà Lạt mình, con làm một ly Americano nóng to đùng. Con vừa viết vừa uống, hết ly là con ngừng đó nha (con bắt chước kiểu viết của dượng cho độc giả hụt hẫng chơi).
1. Con sinh ra ở một làng chài ven biển nghèo nhất xứ Thanh Hoá. Con là đứa con duy nhất của mẹ. Và con không có bố. Khi có con, vì người đời đàm tiếu phán xét dữ dội nên mẹ chịu không nổi, nửa đêm mẹ bế con theo xe khách đi dần vào các tỉnh miền trong. Mẹ đến nhà 1 cô người quen ở một xã ven biển ở Quảng Trị, xin làm công nhân trong xưởng nước đá. Sau đó cô ấy cho mẹ mượn tiền để tự ra riêng, thuê nhà buôn bán. Cứ mờ sáng, mẹ con dậy sớm, ra ngoài bãi chờ mấy chú đánh cá về, lấy một ít rồi đạp xe lên chợ miền núi cách đó 15km để bán lại. Con chỉ biết tên bố mình khi con dịch giấy khai sinh để làm hồ sơ đi du học. Mẹ con khi nào con ăn học thành tài, mẹ sẽ cho liên lạc lại để nhận mặt. Bí mật đời mẹ nên con cũng không tò mò nữa.
Con lớn lên trong mùi tanh nồng nàn của cá biển. Mẹ con tiếp xúc với cá nhiều nên mùi mồ hôi cũng là mùi cá, dù tắm xà bông cỡ nào cũng không bay hết được. Người khác thì thấy ghê ghê nhưng con thấy rất đỗi thân thương. Dượng biết không, dù đã dọn đến một nơi xa lạ, nhưng xóm làng ở đây vẫn không buông tha. Con lớn lên trong sự trêu chọc của những bạn bè trang lứa, vốn có cha có mẹ đầy đủ. Rồi những lần những người đàn ông đến với mẹ con, đòi lấy mẹ nhưng đối xử với con lạnh nhạt lắm. Đàn ông châu Á thường ích kỷ, họ chỉ thương và lo cho con ruột của họ thôi nên mẹ nói thôi mẹ ở vậy, lấy về mà mấy ổng đánh con chắc mẹ sẽ chết. Mẹ lầm lũi như con cò con vạc trong ca dao xứ mình. Có bao nhiêu người đàn bà Việt Nam lầm lũi với đứa con của họ, con không biết nữa, nhưng chắc là nhiều lắm.
Có lần tụi bạn học trêu chọc con là đồ không cha, mẹ hàng tôm hàng cá nên mất dạy, con quyết sống mái với chúng nó một trận với tất cả uất ức trong lòng. Bọn chúng đông hơn, đánh con thừa sống thiếu chết. Khi đem lên phân xử, có cô giáo, thầy hiệu trưởng và phụ huynh hai bên, con bị kết tội là con sai hoàn toàn. Con vẫn nhớ ánh mắt thống thiết của mẹ con khi thầy hiệu trưởng nói “chị không có chồng, nhà không có nóc, chị phải đóng vai cha để dạy con, đừng để nó thành người xấu, phá làng phá xóm như vậy nữa”. Bữa đó, mẹ đạp xe chở con về, nấu cơm cho ăn xong, ra ngoài sân ôm mặt khóc nức nở. Rồi mẹ vô nhà, lấy giỏ bỏ đồ 2 mẹ con vô, nói thôi mẹ vô Đà Nẵng, ở thành phố người ta bớt soi mói hơn. Mẹ gửi con qua nhà cô chủ hãng nước đá, một ân nhân của mẹ rồi bắt xe lên đường. Con lầm lũi không nói không cười mất mấy tháng cho hết năm học, rồi theo mẹ lên Đà Nẵng.
Ở Đà Nẵng, mẹ làm công nhân cho một xí nghiệp thủy sản, do mẹ có kinh nghiệm phân loại cá. Rồi mẹ cũng trở lại nghề cũ. Mẹ con chỉ thích bán cá thôi. Cuộc sống dần ổn định và mẹ con mua được cái nhà nhỏ cho hai mẹ con tá túc.
2. Con đọc sách của dượng vào năm lớp 11. Thấy hay, con đọc cho mẹ nghe. Chuyện vui, mẹ cười bảo “cái ông ni viết hài ghê ta ơi, cứ như gặp nhau cuối tuần trên tivi”. Rồi có lúc, hai mẹ con bật khóc. Nhất là khi đọc truyện Mùi Kiệu, mẹ nói, cảm giác tủi thân y chang như mẹ con mình. Rồi con đọc chuyện West Point, từ đó con nghĩ tại sao mình không làm khác. Cứ y chang mọi người thì sao thành công được. Thay vì cứ luyện toán lý hoá sinh mờ mờ sáng đến khuya, tranh nhau một suất vô ĐH ở Việt Nam, mình có thể đi nước ngoài học không. Tình cờ con đọc 1 bài báo nói về học sinh Trung Quốc hiện chiếm 1/3 sinh viên quốc tế tại các ĐH Mỹ. Bên TQ có kỳ thi “Cao Khảo” cũng khốc liệt như kỳ thi tuyển sinh ĐH ở Việt Nam, nên học sinh TQ bí mật chỉ nhau cách vào ĐH Mỹ, vì thi SAT dễ dàng hơn. Từ đó, học sinh TQ bùng nổ ở Mỹ, châu Âu, Úc, New Zealand…trong đó rất nhiều bạn được học bổng toàn phần, tức trường bên kia tài trợ toàn bộ kinh phí học tập lẫn ăn ở. Thế là con lân la lên mạng xem thử thi vào ĐH Mỹ thế nào. Hóa ra vô cùng dễ so với kỳ thi của mình. Điều kiện cần chính là điểm IELTS và SAT, còn điều kiện đủ chính là trí lực của mỗi cá nhân. Họ cần bài luận tự viết, bằng chứng về các hoạt động xã hội và từ thiện, các công trình nghiên cứu sáng tạo, các bài báo…và sự tự tin. Vì họ sẽ gọi phỏng vấn qua Skype. Con đọc xong, thức trắng 1 đêm, quyết định mình sẽ có lối rẽ khác. Nhất định mình không phải là đứa tầm tầm bậc trung, không chen chúc trên con đường có quá nhiều người đi.
Con đến nhà sách Đà Nẵng mua về các cuốn luyện SAT và IELTS cũng như download từ trên mạng xuống, rồi ngồi luyện. Con mượn mẹ 10 triệu để mở thẻ thanh toán quốc tế visa debit để thanh toán cho các kỳ thi này. Tháng 3, tháng 4 con thi 2 kỳ thi này xong, rồi nộp vô các ĐH mình ưa thích trên thế giới, bằng tú tài sẽ bổ sung sau. Con nhận được thư chấp thuận vào học của nhiều ĐH lắm dượng, phần lớn là miễn 75% học phí, hoặc hoàn toàn học phí, chỉ có 1 trường ở Phần Lan và 1 trường ở Mỹ cho học bổng toàn phần, tức bao luôn ăn ở đi lại. Con quyết định chọn Phần Lan, tháng 6 ra Hà Nội phỏng vấn visa xong, con về thi tú tài nhẹ nhàng rồi phụ mẹ bán cá. Khi các bạn con dáo dác xách hồ sơ bay vào Sài Gòn, bay ra Hà Nội, ra Huế căng mắt theo dõi thông tin các nguyện vọng như thị trường chứng khoán thì con chỉ lo bán cá phụ mẹ, chờ ngày lên máy bay để kịp kỳ nhập học tháng 9.
Lúc luyện IELTS và SAT, con cũng đã rủ các bạn làm nhưng các bạn không dám, vì tâm lý “chắc ăn” của người mình nặng lắm. Thật ra, con tự tin luyện thi ĐH của nước ngoài là vì bây giờ ĐH mình nhiều quá, 4-5 trường, tìm một ĐH để học đâu có khó. Các ĐH, cao đẳng vùng, cao đẳng nghề thiếu người học trầm trọng. Con thấy mấy anh chị trước luyện thi từ mờ sáng đến khuya lơ, giành nhau vô ĐH tốp này tốp kia chứ ra trường cũng thất nghiệp nếu không có ngoại ngữ, trải nghiệm làm thêm hay công tác xã hội. Như chị Quỳnh, con gái của cô bán nước đá ở Quảng Trị đó, một tháng học ở Sài Gòn, cô phải gửi vào 5 triệu tiền ăn ở học thêm, 1 năm là 60 triệu, cộng học phí đi lại linh tinh khoảng 100 triệu. Tính ra 4-5 năm học khoảng 400-500 triệu chứ đâu có ít. Giờ học xong chị Quỳnh thất nghiệp về phụ mẹ bán nước đá, con kêu đi nước ngoài làm thì chị nói tiếng Anh lèo tèo nên sao đi.
Năm ngoái, thật ra, con cũng “chắc ăn” nên đăng ký cao đẳng nghề Đà Nẵng, và định bụng sẽ làm thêm cái ĐH tại chức tiếng Anh ban đêm, hoặc đi làm luôn nếu không có ĐH nước ngoài nào nhận. Con cao ráo đẹp trai, tiếng Anh lưu loát như vầy, mấy resort 5 sao ở Đà Nẵng, Hội An không lẽ không cần người mở cửa? Nhưng trong thâm tâm, con chỉ muốn đi du học, nhưng không ai tin con, kể cả mẹ. Với người châu Á mình, con sãi ở chùa chỉ quét lá đa thôi, thành công luôn phải có ai đó giúp, chứ tự mình là không thể. Nhưng con theo chủ nghĩa tự thân tự lập và tự tin.
3. Con chỉ có 1 lăn tăn duy nhất, là hoàn cảnh mẹ goá con côi, con đi xa thì mẹ ở 1 mình thật buồn, có chuyện gì thì con ân hận, mình đi du học vầy liệu có ích kỷ, có nghĩ cho bản thân mình không? Xong con nói với mẹ. Mẹ chỉ nói mi làm chi thì cứ làm, mẹ sinh con ra là cho con một cơ hội ra cuộc đời, không phải có nghĩa vụ nuôi mẹ. Về già, mẹ sẽ về lại quê cũ, sống với các cậu các dì, hoặc vô viện dưỡng lão. Con cứ vẫy vùng bốn phương cho thỏa chí làm trai, thoả cuộc đời. Không cần phải báo hiếu cho mẹ kiểu sống cạnh mẹ đâu. Mẹ không muốn thành những ràng buộc Á Đông kềm hãm người khác, đã bao nhiêu đàn ông uổng phí một đời tài hoa vì những ràng buộc gia đình.
Con đăng ký học ngành chế biến thủy sản và công nghệ đông lạnh ở Phần Lan. Có lẽ những kinh nghiệm bán cá của con, các bức ảnh lao động chân tay của con gửi cho mấy thầy, rồi lá thư con trình bày về khát vọng làm một nhà máy chế biến bột cá ở quê nhà đã thuyết phục các thầy bên này. Chuyện đi du học, con không muốn bàn tán xôn xao nên tuyệt đối không nói với ai. Họ có giúp gì được mình đâu mà báo cáo. Họ không tin thì lại lời ra tiếng vào, con thích cách ứng xử của dượng với thế gian. Cần gì nổi danh ồn ào, “sông càng sâu càng tĩnh lặng”, hay có một câu tiếng Anh mà con thấy dượng để trên page của mình là “work hard in silence, let success be your noise”.
Con không biết tương lai con sẽ như thế nào. Vì Tây cho tiền con học nên con không có ràng buộc gì về việc tốt nghiệp xong phải làm gì ở đâu. Lấy tiền của Tây đi học không khó như mọi người nghĩ. Chỉ cần có ý chí, mọi con đường đều mở ra.
Thế giới phẳng, con đã là công dân toàn cầu, thi ĐH không việc gì phải bó buộc ở nước nào nữa, muốn thi đâu thì thi, học ở đâu thì học. Và con sẽ là một công dân có ích trong 7 tỷ nhân loại này. Khi ai hỏi, con đều trả lời là mẹ tao là người bán cá ở xứ biển miền trung nước Việt. Mẹ tao là single mom, đơn thân, bình thường nhưng không tầm thường. Và tao cũng vậy.
Con chỉ một ràng buộc duy nhất để trở về, chính là mùi mồ hôi nồng nàn mùi cá của mẹ con. Tự dưng, con nhớ nhà quá đỗi….”

Những cuốn sách kinh điển (p1)
Mình làm nghề phiên dịch xuất khẩu, nên cơ hội đi nước ngoài nhiều, từ lúc ra trường đến giờ (5 năm) cũng đã đi được 20 nước để xúc tiến bán hàng cho tập đoàn mình đang làm. Mình thấy doanh nhân (quốc tế) nào mình gặp, họ cũng đều đọc sách rất nhiều. Và tập thể dục, tập gym, chơi thể thao nhiều vào tất cả các buổi tối sau khi đi làm (chứ hem có nhậu trừ tiếp khách thi thoảng một tháng đôi ba lần)….nên không ai bụng phệ, đều có phom người đẹp, mặc đồ veston ngon lành lắm. Đó là mình rút ra điểm chung của họ.
Riêng những mẩu chuyện trong tác phẩm “Những tấm lòng cao cả”, hầu như ai cũng thuộc làu làu. Mình hỏi thì họ nói từ lúc mẫu giáo đến lớp 1 (đọc chưa thông được), thì cha hoặc mẹ hoặc ai đó sẽ đọc cho các bạn nghe. Khi lớp 2 trở lên, các bạn nhỏ sẽ tự đọc. Mỗi tối 1 câu chuyện trước khi ngủ. Ghi rõ trong to-do list của mỗi bạn dán lên bàn học, cha mẹ sẽ kiểm tra rất kỹ.
Công việc đi đàm phán quốc tế của mình cho thấy, cứ làm việc xong, những buổi chiêu đãi trà dư tửu hậu, người ta hay lấy những tác phẩm kinh điển này ra nói chuyện, như những điển tích, những ví dụ trong sách ra nói, nhiều lúc rất tình cờ, nhưng nếu mình không đọc qua thì sẽ không hiểu trọn vẹn được câu chuyện, không góp lời được để đẩy buổi tiệc thăng hoa. Ví dụ người ta sẽ nói, thì như mày biết trong câu chuyện của cậu Robetti, cậu Enrico hay thầy Perboni trong “những tấm lòng cao cả” đó,….nếu mình biết cốt truyện, sẽ tham gia nói chuyện vô, sẽ tăng phần gắn bó. Xưa mình im lặng, cười trừ như thí sinh hoa hậu trước phần thi ứng xử.
Ad đã không được cha mẹ mình rèn thói quen đọc sách từ nhỏ, điều đó rất tiếc. Buổi tối ba mẹ mình chỉ xem tivi, trong nhà không có cuốn sách văn học nào nên từ nhỏ mình không tiếp cận được những câu chuyện thú vị như thế. Nhưng sau đó, mình đã “điền vào chỗ trống” bằng cách hỏi bạn bè quốc tế những câu chuyện gì mà thiếu nhi thế giới đều đọc, và mình đã đọc lại tất cả. Cuối tuần là tắt máy di động, không laptop….để đọc sách giấy. Nhờ đó mà sau này, đi đâu mình cũng góp lời được.
Mình (admin 4) vừa có bạn gái và bạn gái mình cũng thống nhất là sau này, nếu tụi mình tiến tới hôn nhân, khi có con, tụi mình sẽ đọc cho con nghe mỗi tối một câu chuyện trong những bộ sách kinh điển này. Thói quen tập thể dục buổi sáng, đọc sách văn học vào buổi tối…nhất định mình phải có và giữ cho bằng được, để con cái mình nó bắt chước.
Hầu như mọi thói quen của một đứa trẻ đều bắt nguồn từ sinh hoạt gia đình từ thuở ấu thơ. Mình sẽ tự tạo dựng một gia đình hiện đại, cân bằng thời gian cho các việc như ăn uống, giải trí, học hành, đọc sách, vui chơi, thể dục…như ở nước ngoài mấy trăm năm nay vậy.
Admin 4

Đời có tên tụi mình
1. Ở Trung Quốc, 5 tỉnh có kinh tế mạnh nhất: Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, Phúc Kiến, Triết Giang đều có đặc điểm chung là ven biển. Tương tự là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore. Vị trí địa lý thuận lợi là điều kiện cần để giao thương. Việc nằm sâu trong lục địa như Lào, Mông Cổ…luôn gặp những bất lợi vì ngoại thương phần lớn thông qua các cảng biển. Tuy nhiên, những nước có biển như Philippines, Indonesia, Papua New Guinea, Srilanka…thì nền kinh tế và ngoại thương không khá mấy. GDP của cả đất nước Phillipines chỉ bằng 1/4 tỉnh Quảng Đông dù dân số ở mức tương đương (trên 100 triệu). Nền ngoại thương nói riêng và kinh tế nói chung của các nước này lại chủ yếu cũng nằm trong tay các doanh nhân Hoa Kiều, cũng nguồn gốc Quảng Đông, Phúc Kiến…Như vậy, điều kiện đủ và cốt lõi để kinh tế phát triển chính là con người, mà ở đây văn hoá đóng vai trò quyết định. Sống chung với người có óc làm ăn, óc làm chủ, ưa mạo hiểm, dám chịu rủi ro, lo cho người khác…thì mình sẽ bị “lây nhiễm”, rồi giàu có phồn vinh lúc nào hẻm hay, tiền của bỗng dưng ập đến trở tay không kịp.
Còn nếu ai xui xẻo mà phải sống chung hoặc kết bạn với người ham bằng cấp, ham ổn định, nghĩ hẹp, chắc ăn, thích xin việc, phụ thuộc người khác…thì mình cũng sẽ bị tư duy như thế.
Người ta thống kê 100 doanh nhân lớn nhất của châu Á và rút ra những tính cách chung. Đầu tiên là có gene “con nhà nòi”. Ông tổ có cửa hiệu ở Quảng Châu thì sau này con cháu dù có dong thuyền phiêu bạt sang Manila, dù hai bàn tay trắng cũng sẽ gây dựng lại được cơ nghiệp.
Số người không có tố chất để làm chủ, thì phải tự nhận thức và thay đổi. Nói dễ thì không dễ, mà khó cũng không khó. Vì nó liên quan đến một chữ duy nhất: DÁM.
2. Con đường tơ lụa từ Đông sang Tây, bắt nguồn từ Hàng Châu quê lụa, lên Tây An rồi qua các nước Trung Á, Ả Rập, sang châu Âu là do các thương nhân ngày xưa tạo ra. Con đường này dài hàng ngàn dặm, qua núi cao, qua sa mạc, qua sông sâu, qua nhiều quốc gia với văn hoá, tôn giáo. Người bỏ mạng lại trên đường thiên lý cũng nhiều. Nhưng nó làm giàu cho những người DÁM đi trên con đường ấy.
Về mặt địa lý, nước Úc nằm gần châu Á, cạnh sát Indonesia và hai nền văn hoá lớn Trung Quốc, Ấn Độ. Nhưng lại được các nhà thám hiểm người Hà Lan, Anh, Bồ,…cách đó xa xôi vạn dặm tìm ra, vẽ bản đồ, xác lập chủ quyền, xây dựng thành vùng đất trù phú. Bây giờ người Trung, người Ấn mua qua phải xếp hàng phỏng vấn xin visa, còn người Indonesia thì lâu lâu lại vượt biên sang và bỏ mạng trên những con sóng dữ. Sinh viên Ấn, Trung ở Úc, tới năm cuối là dáo dác làm hôn nhân giả để ở lại. Họ luôn tiếc nuối, giá như ngày xưa cha ông họ DÁM…bước sang (Cũng có nhiều người châu Á sang Úc trước người Âu nhưng chủ yếu là người đánh cá, hẻm phải tinh hoa, nên thấy vậy thôi chứ không biết phải làm gì tiếp theo. Giống như Đà Lạt, không phải bác sĩ Yersin là người đặt chân đến đầu tiên. Nhưng ông là tinh hoa, nhận thấy đây là vùng đất đặc biệt, mới thành lập thành phố, còn trước đó, bao nhiêu người Việt tới và nói giữa mấy dãy núi trên kia có một cao nguyên toàn thông, lạnh ngắt, teo hết, đến khi người ta xây xong thành phố thì mới lục tục kéo lên. Nên “tinh hoa” nó khác “đại trà” ở chỗ, họ sẽ tạo “không” thành “có”, hoang vu thành trù phú, nghèo khó thành phồn vinh).
Người phương Tây ngày xưa với cánh buồm thô sơ, với chiếc la bàn cũng thô sơ…đi dọc ngang trên quả đất, tìm vùng đất này, đất kia, mua bán cái này cái kia với mọi dân tộc, dù rất nhiều con tàu đã một đi không trở lại do bão tố trên biển lúc đó không thể dự đoán được. Ngoại ngữ thời đó vừa làm vừa ghi chép lại, nhưng người ta vẫn giao thương được. Hội An ghi dấu đội thương thuyền người Hoa, người Anh, người Hà Lan, người Pháp, người Nhật, người Ấn Độ, người Ả Rập…nhưng lịch sử thế giới không ghi nhận bất kỳ đội thương thuyền người Việt nào ghé cảng Osaka, Singapore. Người Việt với văn hoá lúa nước, múa hát ngâm thơ hò đối đáp trong làng trong xã, ao cá và bờ tre, thửa ruộng nhỏ mỗi hộ vài sào…nên tư duy chật chội, truyền đời này sang đời khác, phố hay làng đều chật.
3. Thích phán xét người khác và sợ bị phán xét, nên nhìn chung người châu Á ứng xử theo đám đông, duy tính duy tình, không thích duy lý, không thích sự rõ ràng. Các thế hệ người châu Á không dám đi đâu xa, cứ quẩn quanh trong làng, ngâm thơ múa hát, và đã trả giá khi tất cả đều thành thuộc địa hay bị ảnh hưởng bởi phương Tây trong thế kỷ 18-19, trừ Nhật và Thái. Suy nghĩ bùng nhùng, văn hoá gia tộc của người châu Á chính là cản trở lớn nhất của châu lục này phát triển trong các thế kỷ. Nhận ra vấn đề này, Fukuzawa, một trí thức Nhật bản dưới thời Minh Trị đã tìm ra thuyết “Thoát Á Luận” tức lý luận thoát ra tư duy châu Á, cụ thể là từ bỏ lối nho học khiến tư duy rập khuôn, sáo mòn. Họ cũng xem nho giáo chỉ là lịch sử chứ không còn là quốc đạo. Nho giáo với các ràng buộc con người chằng chịt khiến từ lúc sinh ra đến mất đi, một cá thể độc lập không dám sống cho bản thân mình, các chữ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, hiếu, trung…được khai thác theo hướng phục vụ cho việc mở rộng lãnh thổ của các hoàng đế. Các hoàng đế này đặt hàng cho các triết gia viết ra, gọi là sách “thánh hiền”, được xã hội mặc định là đúng đắn, là truyền thống gìn giữ cho bằng được. Ông Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Trang Tử gì đó cũng chỉ là một cá nhân, sống trong một thời đại với nền nông nghiệp lua hâu (lua hâu là lạc hậu, tới đoạn này tự nhiên chêm tiếng Hoa, mệt ông Tony quá à), thời con trâu và cái cày…thì quan niệm của họ chỉ nên tham khảo, chắc gì đã đúng ở thời của họ huống hồ gì đến cả ngàn năm sau. Từ đó, người Nhật thoát Á nhẹ nhàng. Người Hàn hay Trung, sau này dù không bỏ âm lịch tuy nhiên xã hội từ từ lãng quên. Người Hàn chỉ xem 3 ngày đầu năm âm lịch là 3 ngày nghỉ, còn người Hoa, với giới chủ và nhà giàu, họ xem tết âm lịch (người Phương Tây gọi là Chinese new year) là dịp để đi du lịch nước ngoài. Kinh tế càng gắn chặt với kinh tế thế giới, áp lực làm việc của mỗi cá nhân….sẽ khiến lịch âm tự động sẽ biến mất khỏi bộ nhớ của giới trẻ. Âm lịch, tức nông lịch, lịch theo chu kỳ mặt trăng quay quanh quả đất, mùng 1 là trời tối nhất, rằm là trăng sáng nhất, sức hút mặt trăng sẽ tạo ra nước thuỷ triều lớn ròng cho việc trồng trọt. Âm lịch chỉ phù hợp với nền nông nghiệp cổ xưa lạc hậu, phụ thuộc hoàn toàn vô thiên nhiên, từ đó mà văn hoá cúng kiếng, cầu xin mới ra đời. Làm nông toàn là “trông trời trông đất trong mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”, lập đàn cầu mưa cầu nắng. Âm lịch không chuẩn nên vài năm là bù vô cả tháng, gọi là tháng nhuận.
Còn dương lịch, tính theo chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời, chính xác hơn, chỉ 4 năm sai số 1 ngày, bù vào tháng 2 (29/2). Dương lịch là cơ sở của mọi thành tựu khoa học kỹ thuật của người phương Tây. Muốn trời mưa thì cho máy bay rải i ốt bạc lên mây chứ thắp hương lạy xin ông Long Vương ắt xì chi cho mệt.
4. Thế kỷ 19. Khi văn minh Phương Tây tràn đến không có gì có thể chống lại được vì họ hơn châu Á về mọi mặt, người Nhật nhận ra cái duy nhất người Phương Tây cần là lợi ích kinh tế, nên họ mở cửa cho vào. Người Thái cũng bắt chước người Nhật. Hai vị vua trạc tuổi nhau lúc đó là Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật, Chulalongkorn của Thái Lan đã giữ vững được độc lập, ở châu Á, duy chỉ 2 quốc gia này hem là thuộc địa của ai. Lúc đó vua Tự Đức (cùng thời với anh Minh Trị và anh Chula dù lớn tuổi hơn một tí), khi nghe Pháp tấn công Đà Nẵng năm 1858, cứ hỏi “bây chừ thì ta phải làm răng”. Các nước anh cả trong vùng từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia,…cũng không thoát khỏi ách thuộc địa vì cứ “làm răng”. Dầu sôi lửa bỏng mà còn đòi đi… nha sĩ.
5. Ngày xưa khó khăn như thế, người ta còn Dám đi, dám làm để phồn vinh giàu có. Giờ đây, có một số bạn trẻ, ngay cả leo lên máy bay cũng không dám. Internet, ngoại ngữ, định vị vệ tinh…khiến mọi thứ thuận lợi dễ dàng, vậy mà không dám bước ra thế giới bên ngoài, dù để đi du lịch. Muốn học gì, khởi nghiệp làm gì, hay đi đâu,…cũng phải xin ý kiến cha mẹ/gia tộc dù đã hơn 18 tuổi. Chưa ông tỷ phú hay giám đốc nào xin phép cha mẹ cho con đi tỉnh xa làm ăn, bà mẹ nói không được, cái nói dạ. Rồi ngồi khóc. Tụt mood chán nản buồn rầu. Đông Tây kim cổ chưa hề có thể loại người tinh hoa hay tài năng nào như thế.
Độc lập tư duy, thoát khỏi suy nghĩ đám đông thì mới có tự do cá nhân. DÁM là tố chất đầu tiên của những người muốn làm chủ cuộc đời.
Nếu các bạn trẻ xin chữ đầu năm, thì Tony cho các bạn chữ Dám treo lên tường FB của mình. Nếu làm kinh tế, dám đi đến những nơi xa xôi khai phá, dám tự mình trả lương cho mình, tiến tới trả lương cho người khác, đàn ông con trai lại càng phải chịu gian khó, dám đi xa thành phố, rời xa dĩa xoài xanh muối ớt máy lạnh văn phòng để tạo cơ nghiệp.
6. Làm ngành nghề gì cũng phải có thành tựu. Để đời có tên tụi mình.

Chuyện thằng Tèo (tập 1)
Thằng Tèo sau mấy năm lên thành phố làm công ăn lương, hào hứng với mấy thú vui đô thị cho đã rồi, cái thấy hết ham. Thấy khói bụi xe cộ ồn ào quá, ngày nào 10 triệu xe máy xe hơi xe tải xe container cũng thải ra ít nhất 10 triệu lít khói (cho trung bình mỗi chiếc xe xài 1 lít xăng mỗi ngày, mỗi lít xăng dạng lỏng biến thành 1 lít khí dạng khói, ở lâu phổi sẽ không khỏe mạnh, mà không khí là cái quý giá nhất trên đời. Vì không ai có thể thiếu nó sau vài phút cả). Tèo bèn kéo vali ra sân bay, vừa đi vừa hát bài Về Quê của Phó Đức Phương. Mà về quê là Tèo làm chủ, là mở doanh nghiệp chứ hem phải về quê xin việc. Việc ở quê ít lắm, xin xin xỏ xỏ làm gì cho mệt, khái niệm xin xỏ không có trong từ điển của Tèo. Tèo là thanh niên thế hệ mới, là cho, chứ hẻm có xin. Cho tiền, cho tình, cho tri thức, cho kinh nghiệm, cho máu, cho lòng hào sảng, cho sự tự tin, cho lòng biết ơn, cho phép lịch sự dạ thưa, cho nụ cười lúc nào cũng vui vẻ, cho việc làm người khác…
Với quan hệ quốc tế mình có, Tèo ép thằng bạn bên Nhật bên Hàn mua đũa tre xuất khẩu, loại dùng 1 lần. Tèo mở xưởng đặt tại làng mình luôn, quản lý cho dễ. Thuê cái nhà và chục công nhân, nhập cái máy rẻ òm mấy chục triệu. Hàng ngày, tre được cả huyện chặt và cung cấp cho Tèo. Tèo cho xử lý mối mọt xong, cứ đầu này đút vô cây tre thì đầu kia nó chạy ra mấy đôi đũa. Rồi cho các chị ngồi dưới cái máy, lụm từng đôi, thổi cái phù cho bay bụi rồi trùm miếng nylon vào, bỏ vô đóng thùng cạc-tông ghi mấy chữ Nhật bên ngoài. Loại đũa dùng 1 lần, tụi Nhật ăn sushi xong là vứt nên nhu cầu lớn lắm á. Mà bên đó xứ lạnh đâu có nhiều như tre nước mình. Lương công nhân bên đó cũng 3000 đô/tháng trong khi bên mình trả 5 triệu là mấy anh trong làng vui làm liền, nên chi phí sản xuất của mình rẻ, tha hồ mà xuất khẩu.
Tay ngang nhảy ra làm chủ, Tèo đăng ký đi học lớp kế toán mà nghe mấy ổng nói nhức đầu quá, hem hiểu. Thuê 1 con bé nó mới học kế toán ra, nó cũng hem biết gì, ngồi ngủ gục miết, nên Tèo kêu thôi mày kêu xuống làm công nhân bọc đũa đi, để tao làm kế toán luôn cho. Quy mô nhỏ nên Tèo làm luôn cho biết, sau này quy mô lớn, giao việc người khác mới quản lý được.
Tèo chạy ra nhà sách mua cái bìa sơ-mi (file đựng tài liệu, bìa cứng, về quánh máy rồi cắt dán vô các thành 10 tập hồ sơ: (1) nợ phải trả, (2) nợ phải thu, (3) hàng tồn, (4) tiền mặt + tiền gửi ngân hàng, (5) chi phí sản xuất, (6) chi phí bán hàng, (7) chi phí chung, ( hợp đồng và hóa đơn mua bán, (9) vay vốn, (10) linh tinh. Tèo nghĩ mình phải có song song vừa file trên máy tính, vừa sổ sách ghi chép bằng tay phòng khi máy tính bị virus hoặc bữa đó mất điện. Tèo khôn quá khôn.
1. Nợ phải trả: Cái này nhà cung cấp nó theo dõi kỹ hơn nên Tèo hẻm lo lắm. Tèo yêu cầu hàng tuần nó gửi Tèo coi. Hoặc lúc nó đòi nợ thì kêu meo (mail) hay phắc (fax) kết sổ đang nợ bao nhiêu qua đây. Nó sẽ gửi liền vì cái đó quan trọng với nó. Tèo cũng ghi chi tiết để đối chiếu với bên kia, theo ngày tháng, sự việc phát sinh, tổng số tiền, đã trả bao nhiêu, còn lại bao nhiêu kẻo nó lừa mình sao. Mình chủ doanh nghiệp rồi mà, đâu có dễ dãi mà đi phá thai miết với bạn -Tèo dằn mặt trước làm tụi nhà cung cấp sợ hãi, hem dám hó hé gì.
Hàng ngày, Tèo mở cái file này ra coi, xong điện thoại cho các nhà cung cấp cái lịch thanh toán, dựa trên lịch tiền phải thu, tiền mặt của mình. Tèo ưu tiên trả cái gì trước, cái gì sau, Tèo dặn lòng là tuyệt đối không dây dưa, có là trả liền để giữ uy tín. Cái bệnh “dây dưa” này nhiều bạn đầu óc tiểu nông bị, cứ chi tiền ra là tiếc, khó chịu, vay mượn bạn bè còn hem muốn trả nữa là trả tiền cho nhà cung cấp. Tèo khác. Tèo hết tiểu nông rồi. Cứ kẹt tiền (cái này thường xuyên) thì Tèo lập tức chủ động báo với các chủ nợ. Thậm chí hem có Tèo cũng vay mượn chỗ khác để trả theo kinh nghiệm của người Hoa Chợ Lớn. Tiền nợ có yếu tố tâm linh rất lớn, nó vần vũ khiến mình mất may mắn đi, đặc biệt nếu mình có mà tìm cách không trả thì bị quở phạt ghê lắm. Vì cái đó có phải của mình đâu, mình mà cố sở hữu thì trước sau gì nó cũng ra đi thôi, mà mình còn bị xui xẻo nữa á. Nên nợ là phải trả, trả liền, trả liền…
(Các bài 2-10 sẽ đăng sau, giờ làm trước cái này đi, chứ nhiều quá nhức đầu bị bệnh thì tội nghiệp. Mới mở cửa công ty sản xuất mấy hôm đã nhập viện thì ai lo nồi cơm cho anh em).

Một đời ngao ngán
1. Đã 3 năm rồi ad mới gặp lại 1 bạn con dượng 9x. Hỏi thăm. Ước mơ du học: vẫn ước mơ. Ước mơ đi xa khởi nghiệp: vẫn ước mơ.
Hiện tại bạn: vẫn đeo bám ở thành phố ngột ngạt khói bụi, vẫn đi làm với chiếc xe máy, sáng đi tối về nhà trọ, việc chả ưa thích nhưng phải làm vì không làm thì biết làm gì bây giờ. Tối nào vừa về nhà là cầm Iphone trên tay say đắm vô đó, dù đang ăn hay đang trong toilet, trừ lúc tắm sợ ĐT vô nước. Ngủ cũng để cạnh, online tới 12h rồi mới ngủ, vừa mở mắt dậy đã quơ lấy ĐT coi liền facebook và tin nhắn. Cài 3G nên xe dừng lại đèn đỏ là móc ra coi. Vô quán cà phê, việc đầu tiên làm là móc ĐT ra, câu đầu tiên là “pass wifi ở đây là gì em ơi?” rồi mới gọi nước. Ai đăng cái gì lên là like liền, rồi phán đoán. Hình con A đang đi Phan Thiết, thằng B cũng có vẻ đang ở đó, và kết luận 2 đứa nó đang đi chơi với nhau. Xong lên nhắn tin hỏi đứa C, hình như A và B đang đi chỗ đó phải hem. Rồi tìm cách hỏi D, E, F….có đúng vậy hem.
Xong chưa hết, đọc tiếp bài khác về kinh tế xã hội với cái nhìn bi quan hoặc các bài chửi bới người khác trên mạng. Comment chửi thêm vô cho đã tức. Share về FB của mình bình luận thêm vài câu hằn học. Hỏi bạn chứ follow người tiêu cực chi vậy. Nó ảnh hưởng tâm lý mình ghê lắm á. Bạn nói quen rồi, tối nào không bực bội không chịu được.
2. Hỏi tiếng Anh thế nào, bạn nói vẫn đang học. Học online cho đỡ tốn tiền. Bạn ơi, việc học online mà thi IELTS này nọ đủ điểm để du học, người học chỉ thành công khi có 2 ĐIỀU KIỆN sau:
1. Đầu óc xuất sắc, thông minh hơn người. Nói sơ sơ hiểu liền. Đã có nền tảng cơ bản tốt, học chỉ để nâng cao trình độ hoặc cải thiện điểm.
2. Kỷ luật cực kỳ cao, học là học, dẹp hết mọi thứ, chú tâm vào học
Những người không có 2 điều kiện trên, thì có 10 năm hay 20 năm học online, trình độ vẫn vậy. Đang học, ai “Hi” là “hi” lại liền thì học gì nổi. Sách giấy không đọc nổi luôn, đi tập thể dục tập gym tập võ cũng không. Vì mê cái online quá.
Nếu mình không có 2 Điều kiện cần và đủ trên, thì phải đi học offline với giáo viên, bạn học. Nên đăng ký vào lớp học nào đó cho có kỷ luật, có giáo viên để hỏi, giáo viên Tây càng tốt. Nếu được, bỏ 60 triệu qua Philippines học luôn 2 tháng, vừa về nước là đăng ký thi IELTS luôn. Và học là hướng đến mục tiêu bằng cấp quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC…rồi xin đi làm chỗ có Tây, hoặc ra nước ngoài thực tập, xuất khẩu lao động, hoặc công việc có dùng tiếng Anh. Mình là thế hệ 9x, là phải đi, đi du học, du lịch, thực tập sinh, xuất khẩu lao động, trao đổi văn hóa, tình nguyện quốc tế, Aupair, working holiday…Đi vài năm rồi mới trở về, tầm nhìn rộng hơn để có thành tựu lớn lao hơn.
Đời có 80-90 năm thui, thọ lắm rồi đó. Mất 3 năm ngao ngán rồi, nếu năm 2017 này mình hem thay đổi thì cả đời còn lại cũng y chang vậy á.
Mà 100 bạn đọc bài này, chỉ có 1-2 bạn thay đổi thôi, chứ còn lại tối nay vẫn say đắm Iphone laptop à.

Tờ lịch cuối cùng của năm 2016 đã được xé đi. Chúng ta cùng nhau đọc bài thơ này nhé, và ngẫm lại mình, đã có thành tựu gì trong năm 2016 chưa.
Hem có thì năm 2017 nhất định mình phải làm cho được.
“Em cầm tờ lịch cũ
Ngày hôm qua đâu rồi?
Ra ngoài sân hỏi bố
Xoa đầu em bố cười
Ngày hôm qua ở lại
Trên cành hoa trong vườn
Nụ hồng lớn thêm mãi
Đợi đến ngày tỏa hương
Ngày hôm qua ở lại
Trong hạt lúa mẹ trồng
Cánh đồng chờ gặt hái
Chín vàng màu ước mong
Ngày hôm qua ở lại
Trong vở hồng của con
Con học hành chăm chỉ
Là ngày qua vẫn còn”
(Bế Kiến Quốc)
Team TnBS

Nỗi cô đơn thượng lưu
Ad ngồi cà phê sáng nay, nghe 1 nhóm bạn trẻ nói với nhau về chuyện sờ tác ấp (start-up). Đi cà phê ở VN rất thú vị, nghe lén được hết trơn các bàn xung quanh, vì phần lớn ai cũng nói với âm lượng khá lớn. Thấy có 1 bạn nói mở doanh nghiệp là phải thành công, thất bại không dám nhìn mặt mũi ai nữa. Cả nhóm gật gù đồng tình. Giống như xưa đậu ĐH, mở tiệc khao lớn quá nên thi rớt chuyển giai đoạn hay tốt nghiệp hem được là hem dám về nhà. Sự chia sẻ chuyện cá nhân ở ta luôn quá mức, chuyện mở DN là chuyện cá nhân của mình, mắc mớ tâm sự thông báo chi cho ba mẹ anh chị em bạn bè, rồi rắc rối giải trình miết. Gặp họ là cứ bị châm chọc “chào giám đốc”, hoặc “dạo này làm ông chủ đâu thèm nói chuyện với tui” nghe rất khó chịu. Cứ gặp mặt bà con dòng họ là bị hỏi “doanh nghiệp của con sao rồi, làm ăn được không”, lỡ thất bại thì thôi trốn luôn. Tự dưng gây áp lực cho mình, do ai biểu ngây ngô đem đi chia sẻ. Họ tò mò, mình nên từ chối, không cung cấp thông tin, dại dột lắm mới chủ động đi kể.
99% sờ tác ấp (start-up: khởi nghiệp) thất bại ở lần đầu tiên. Cả thế giới đều vậy. Nhưng họ thấy bình thường. Thất bại thì làm lại. Nhưng có một số người sĩ diện không vượt qua được. Thi rớt, thất bại làm ăn, ly hôn…là biến mất, vì lúc đậu ĐH làm to quá, lúc khai trương công ty hoành tráng quá, lúc đám cưới làm dữ dội quá. Gặp mọi người sợ hỏi. Hậu quả của chia sẻ cá nhân nhiệt tình là như vậy đấy.
Làm ăn, khởi nghiệp, âm thầm mà làm. Chỉ thông báo với người có thể giúp mình ví dụ có thể cho mượn vốn, giới thiệu vài mối quan hệ ban đầu. Còn người không thể giúp mình thì không nói, nói chi? Còn gia đình người thân, người thương mình thì tuyệt đối không. Họ lo lắng, quan tâm khiến mình mệt hơn. Chứ có ích lợi gì?
Vậy nhé các bạn. Khả năng giữ mồm giữ miệng, biết nên nói cái gì với ai, hoặc có những cái bí mật “sống để dạ chết mang theo”…tương ứng với độ trưởng thành về nhận thức. Một đứa trẻ nó không có giấu cái gì, nó thấy gì, nghe gì…thì nó nói y chang lại. Nhưng mình đã lớn, trưởng thành, chuẩn bị làm chủ thì phải khác. Chỉ chia sẻ kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm, trí khôn, máu, tạng, tiền bạc, thông tin làm ăn học hành… cho người khác, chia sẻ mấy cái này nhiệt tình vào. Còn chuyện cá nhân của mình, của người khác thì KHÔNG chia sẻ, biết cũng không nói. Ai hỏi cũng lắc đầu cười cười đá qua chuyện khác. Phải chấp nhận cô đơn. Ông chủ nào chả cô đơn. Tuy nhiên, nỗi cô đơn thượng lưu cũng thú vị. Ví dụ ngồi 1 mình câu cá ở biển Caribe, hay 1 ly Sâm-panh trên tòa 88 tầng Jinmao Tower Thượng Hải, hoặc lặng lẽ đi Canada lựa máy bay riêng để mua theo ý mình, mình có chịu nổi cảm giác cô đơn đó không? Nếu chịu nổi thì mình đã có thể làm chủ được rồi đấy.
Còn nếu mình thấy việc đi mua xe máy Air Blade mà dắt cha mẹ anh em dòng họ theo để bàn tới bàn lui, hoặc việc ra bờ kè nhậu lẩu cá kèo cá lóc để bình luận chuyện 27 vs 72 (thời điểm này 2016 thì xôn xao, nhưng 6 tháng nữa chẳng ai biết đó là gì), rồi ép bạn nhậu dzô 100%, rồi bóp cái lon bia quăng cái đất kêu cái rổn…mà thấy vui sướng hơn thì thui, hem nên đọc lại bài này lần nữa.

Có lần 1 bạn trẻ than thở, nói sao số con khổ quá.
Admin thấy D Tony nói, đại ý là “Trừ khi sinh ra không may bị khiếm khuyết, đó là số khổ không nói. Người bình thường, số phận là do nhận thức của họ quyết định cả. Muốn thay đổi số phận cũng dễ, cứ lấy cái gốc mà thay, đó là suy nghĩ.
Tích cực, lạc quan, win-win, nhân ái, cho đi, hào sảng, vui vẻ, không chỉ trích phê bình đánh giá người khác, tự tìm niềm vui cho mình, âm thầm lặng lẽ học và làm, không nhòm ngó so sánh với người khác mà chỉ so với mình ngày hôm qua; nghĩ cho người khác, giúp đỡ người khác dù không quen biết; biết ơn người đã giúp đỡ mình, chỉ dạy mình…dù không còn gặp nhau nữa.
Người nào mà hẹp mình nhưng rộng người, tức với bản thân mình thì nghiêm khắc nhưng với người thì bao dung, rộng lượng, bao dung tha thứ, thì người đó chắc chắn sẽ có số phận may mắn”.
Với suy nghĩ tiến bộ, văn minh như vậy, bỗng dưng số phận sẽ khác đi. Theo sơ đồ dưới đây.
Bạn cứ thử mà xem.

Vì cho giao thông hỗn hợp, đặc biệt là không cấm xe máy ở các thành phố lớn, Ấn Độ hiện đang dẫn đầu thế giới về lượng người chết do tai nạn giao thông, với khoảng 250,000 người/năm. Phần lớn là người đi xe máy bị các phương tiện khác chèn lấn. Phương tiện công cộng bị người dân chê vì không tiện lợi như xe máy, ở nước nào cũng thế, trừ khi có chế tài. Thà chết chứ không chờ xe buýt hay đi bộ để tới trạm. Xe máy là phương tiện giao thông thô sơ và vô cùng nguy hiểm của thời kỳ kinh tế chưa phát triển, lẽ ra chỉ được duy trì ở nông thôn mà thôi. Ở thành phố, thậm chí thị trấn, phương tiện công cộng phải đóng vai trò chủ yếu. Khi kinh tế khá hơn, người ta tự mua ô tô và phải chịu phí rất cao, bù qua cho chi phí hoạt động giao thông công cộng. Mời các bạn cùng xem clip giao thông của Ấn Độ so sánh với Mỹ nhé. Clip do người Ấn Độ làm, thực tế của nước họ. https://m.youtube.com/watch?v=tPLk9rDl_Wk

Chuyện quả xoài
1. Cách đây 3 năm, 2 bạn K,Q, lúc đó đang học khoa Sinh của ĐH Đà Lạt, trong lần giao lưu CLB con dượng ở Đà Lạt có hỏi, “theo dượng, tụi con phải học và làm sao để có mức lương 50 triệu/tháng. Vì chỉ có mức lương đó, tụi con mới có thể để dành mà đi du học, dự định của tụi con là ra trường làm 2 năm sau đó đi châu Âu du học”. Lúc đó mọi người đều cười và bĩu môi, nói đi bán hàng đa cấp đi, sao ảo tưởng quá. Vì nhiều người đang mặc định sinh viên ra trường là non kinh nghiệm, là dở, là kém, kiếm được vài ba triệu đồng/tháng là may mắn lắm. Thất nghiệp đầy ra kìa mà còn đòi hỏi.
Lúc đó, admin thấy dượng Tony nói là các bạn hiểu sai câu hỏi này rồi. Đó là 1 câu hỏi thông minh và rõ ràng. Khi giao lưu với các chủ DN, các CEO các tập đoàn, sinh viên Harvard cũng hỏi làm thế nào để được nhận vô phố Wall làm với mức lương 240,000 đô/năm (tức 20,000 đô/tháng), hay làm thế nào để vào được NASA, Boeing. Nhà tuyển dụng nếu biết thì chỉ cho sinh viên, nếu không biết thì thôi. Phải có một trình độ triết học rất sâu mới hiểu câu hỏi này.
Lương chính là giá cả của hàng hóa sức lao động. Mà sức lao động thì là một HÀNG HÓA THAY ĐỔI THEO NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI ĐÓ. Nó muốn tốt là tốt, nó muốn xấu là xấu. Hàng chất lượng càng cao thì bán giá càng cao. Lúc đi học, các bạn phải làm cho chất lượng sức lao động của mình cao hơn thông qua việc học.
Học này không phải điếm số hay bằng cấp. Học giỏi theo quan niệm xưa nay của mình, là có điểm số cao, bằng đẹp, học vị tiến sĩ này nọ. Thật ra, nó chỉ là kỹ năng thi cử về KIẾN THỨC.
Học là quá trình NẠP VÔ ĐẦU mình những CÁI GÌ ĐÓ, mà sau này có thể biến CÁI ĐÓ thành THÀNH TỰU. Học bao gồm học kiến thức, trải nghiệm, ngoại ngữ, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, tập luyện thể chất và bản lĩnh…từ trong trường và bên ngoài.
Sau đó thì nghe lời dượng Tony, 2 bạn này đã tham gia mọi cuộc thi hùng biện, khởi nghiệp, nhà doanh nghiệp tương lai. Các bạn học đêm học ngày để có IELTS 7.0 trước khi ra trường. Các bạn cũng tham gia công trình nghiên cứu khoa học tham dự cấp bộ, tham gia các bài báo với giảng viên để công bố quốc tế. Đồng thời rèn luyện thể lực kinh hoàng để vô cùng khỏe mạnh (2 bạn tham dự học võ ở CLB võ thuật tỉnh Lâm Đồng sau buổi nói chuyện hôm đó). Hai bạn cũng tham gia hiến máu, hiến tạng, tình nguyện, công tác xã hội, làm thêm bán thời gian đủ cả.
Khi ra trường, 1 bạn đã được một công ty dược phẩm của Nhật ở Tp HCM đã nhận vào làm với mức lương khởi điểm 50 triệu/tháng, tức khoảng 2300 đô. Một bạn ở lại Đà Lạt làm cho 1 liên doanh trồng hoa xuất khẩu của Đài Loan, mức lương 1800 đô/tháng.
Và bây giờ, tháng 9 vừa rồi, cả 2 bạn đều đã đi Phần Lan du học sau khi tích lũy đủ tiền ăn ở, vì bên đó miễn học phí.
2. Cho nên, nếu các bạn sinh viên hỏi làm thế nào để đạt mức lương 2000 đô, mình biết thì mình chỉ, không thì thôi. Không nên nói “em làm cho anh 15,000 đô đi, anh trả lại cho em 2,000 đô”, câu trả lời này sai về bản chất vì người ta hỏi phải HỌC VÀ RÈN LUYỆN thế nào. Mình không biết thì nói “anh không biết em ơi, xưa anh vô làm lương khởi điểm cũng có 4 triệu à, nên em hỏi vậy sao anh biết mà anh chỉ cho em được”. Hoặc nói “công ty anh chưa bao giờ trả ai lương khởi điểm cao thế, nên anh không biết tiêu chuẩn thế nào, em có thể hỏi các anh chị từng vô được các tập đoàn lớn để biết”. Lương khởi điểm của một số tập đoàn lớn, mức 2000 đô là bình thường, có khi còn quá thấp. Có một tập đoàn sữa nọ còn trả lương khởi điểm cho nhân viên phòng marketing là 5000 đô/tháng. Và vẫn có rất nhiều bạn tốt nghiệp ĐH xong và được nhận vào đây làm.
Lương là giá cả của sức lao động. Nói về giá thì giá nào chẳng có. 5,000 đô, 10,000 đô hay 100,000 đô/tháng vẫn có. Vấn đề là nó có tố chất và thông qua rèn luyện, BIẾT HỌC, HỌC ĐÚNG, thì bán được mức này, vậy thôi.
Mình quen xài đồ bình dân, chỉ biết có hàng bình dân nên không biết là 1 cái túi xách Hermes có khi lên tới 20,000 đô. Nhiều bạn ngạc nhiên mãi là tại sao chỉ là cái túi đựng đồ thôi mà mắc đến như vậy? Không hiểu nên mắng chửi người mua là đồ khùng đồ điên đồ sĩ diện đồ ngu. Cũng chỉ là phòng ngủ khách sạn, sao có người lại bỏ 100 triệu/ngủ 1 đêm? Đám đông mà biết, nó mắng cái đồ hoang phí, đua đòi, không giúp đỡ người nghèo, đại loại vậy. Ngu khùng mà người ta có tiền mua, còn mình hem ngu hem khùng, mình khôn quá trời mà hem có. Sao lạ vậy?
Thế giới hàng cao cấp, xa xỉ nó có cái lý của nó, mà đám đông bình dân chưa hiểu hết được. Ad cũng từng nghĩ, thôi làm chi cho lắm, ngày ăn cũng 3 bữa chứ nhiêu. Nhưng sau lần đi du lịch tới Maldives, tận mắt chứng kiến sự thụ hưởng của các triệu phú, tỷ phú…mình đã có một quan điểm hoàn toàn khác. Thế giới người ta quá khác với thế giới bé nhỏ và chật hẹp của mình. Và cái họ giúp người, giúp đời…cũng lặng lẽ mà mình không biết. Tiền của họ làm ra, cũng lạ lùng sáng tạo và cật lực lắm, chứ không phải tiêu cực như mình nghĩ. Cũng do xưa nay mình ít đi đâu, mình làm ít tiền quá, thế giới của mình chỉ xoay quanh VIỆC ĂN, nên mới kết luận “làm cho lắm cũng ăn ba bữa”. Ai làm ra tiền nhiều, mình cảm giác nó không thể, vì người bình thường luôn lấy khả năng của mình để kết luận người khác.
3. Nhìn lên là để phấn đấu, để đạt được giống vậy và thậm chí cao hơn. Nhìn máy bay là ước mơ và ra kế hoạch để bay cao hơn. Không phải lấy cái sào kéo xuống như hái xoài ở quê. Tâm lý hái không được thì chọt cho nó rụng.
Máy bay nó khác, hem phải trái xoài. Mình có chọt miết nó cũng hem có rụng. Có mắng chửi, bực bội thế nào thì chỉ khổ mình thôi. Mình đang đứng chống nạnh chửi dưới gốc xoài thì nó bay mất và đáp xuống một thiên đường nghỉ dưỡng nào đó. Bước ra khỏi máy bay là những người ăn vận với những bộ quần áo vài chục ngàn đô trên người, là những chú chó cưng có tên riêng và có hộ chiếu, những chai nước hoa mà cả làng mình bán hết xoài, vặt luôn cả lá cũng không mua nổi.
4. Bèn bước vô nhà, lầm bầm suy nghĩ. Phải nghĩ khác, làm khác đám đông vậy.

Thông báo về việc dừng viết của admin 1
Hiện tại, admin 1, nhân vật dượng Tony (7x, quê Cần Thơ, có thời gian học ở Harvard, có tuổi thơ sinh sống ở Ninh Hoà, tác giả của những câu chuyện trên page TnBS xưa nay, phụ trách 3 chương trình tình nguyện giải cứu nông sản, áo ấm mùa đông và chùm ngây cho trẻ em vùng cao trong 3 năm 2014, 2015, 2016, chủ nhân villa quận 9, bệnh cột sống đi mổ ở Mỹ về đã khoẻ mạnh, chủ công ty phân bón, đào tạo 2 lớp khởi nghiệp 1 và 2) vì điều kiện công việc quá bận rộn cho dự án nông nghiệp mới ở tỉnh xa xôi và nghèo nhất của tổ quốc. Do hạ tầng ở đó còn chưa tốt nên anh không thường xuyên vào mạng, anh xin phép với các admin là dừng viết hoàn toàn. Page TnBS do anh viết chính trong thời gian qua là một kỷ niệm đẹp của anh. Thay mặt độc giả, chúc anh thành công với dự án nông nghiệp mới của mình.
Page TnBS sẽ được các admin khác viết trên tinh thần cũ. Page chỉ đề cập 4 chủ đề xuyên suốt xưa nay là chuyện làm ăn, chuyện làm người, chuyện văn chuyện thơ, chuyện du lịch đông tây. Hy vọng những câu chuyện mới sẽ giúp mọi người luôn vui vẻ lạc quan, để lao động, học tập có năng suất hơn. Đó cũng chính là mục tiêu của fanpage khi lập ra. Và như mọi khi, page không cho phép bình luận comment theo chế độ khoá tự động.
Trân trọng thông báo và chúc các bạn ngủ ngon.
TnBS

Cải số được không?

Từ 16-19 tháng 11, ở hội chợ Foodexpo tại SECC, số 799 Nguyễn Văn Linh, Q7, Tp HCM, có một nhóm khởi nghiệp trong CLB con dượng đến trưng bày sản phẩm. Các bạn có thể đến để học tập mô hình, dùng thử sản phầm, xem cơ hội hợp tác. Ví dụ như chị Trang đã xây dựng nhà máy nước ép Thanh Long ở Phan Thiết, với dây chuyền thiết bị đầy đủ ISO cả rồi, thì mình có thể liên hệ để chị gia công cho, ví dụ nước dừa tươi, nước tỏi đen, hay cái gì đó, thương hiệu riêng của mình. Thay vì tự xây nhà máy, mình có thể liên hệ với chị để tận dụng hết máy móc thiết bị. Hoặc mình có thể nhận làm phân phối, nếu giỏi về thương mại.
Mai và mốt, chỉ các bạn có card visit mới được vào cổng. Còn 2 ngày sau đó thì mở cửa tự do cho khách tham quan. Các bạn sắp xếp tham dự nhé.
Mời các bạn cùng đọc lại bài viết tâm sự của chị Trang 2 năm trước. Biết đâu bạn sẽ tìm được hướng đi của mình từ những dòng chữ giản dị dưới dây.
Số phận đã bắt chị làm công nhân. Nhưng chị không muốn, và thế là chị đã trở thành một nữ doanh nhân. Các bạn hãy tin vào điều này: người ta hoàn toàn có thể cải số (hoán cải số phận) bằng ý chí. Bạn có thể đã đọc rồi, nhưng nên đọc lại. Vì có những câu chuyện, ta không thể đọc chỉ 1 lần.
—————————————————
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Bình Thuận. Những năm đầu thập niên 90, khi tốt nghiệp lớp 9, gia đình khó khăn quá nên tôi bỏ học, vô Sài Gòn làm công nhân may tại xí nghiệp giầy dép Bitis. Hàng tháng tôi lãnh lương khoảng 500,000 đ, trừ tiền nhà và tiền ăn, còn lại tôi sắm 5 phân vàng gửi về phụ giúp cha mẹ. Công việc bên chiếc máy may cứ thế cuốn tôi vào, những đêm tôi ngủ gà gật bị kim đâm chảy máu. Tôi nhìn các bạn trang lứa mặc áo dài trắng đạp xe trên phố, bao lần tôi tủi thân khóc cho số phận mình.
Sau khi chị gái lập gia đình, anh rể đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều về vật chất. Vì ham học, tôi kiên quyết về quê tiếp tục học cấp 3. Tôi trở lại Sài Gòn để theo học đại học tại chức, vì không thi đỗ chính quy. Tôi xin việc phục vụ buffet hoặc bán hàng, tiếp thị trên phố ngoài giờ học để tích lũy kinh nghiệm. Tốt nghiệp, tôi bắt đầu với vị trí “giúp việc” cho các phòng ban, trực điện thoại, photocopy, quét dọn, pha cafe cho khách, mua đồ ăn trưa cho mọi người…ở một công ty Hàn Quốc. Sau đó công ty mở rộng thêm lĩnh vực may mặc, ông chủ xây dựng một nhà máy lớn ở Củ Chi, tôi được ông giao công việc cân đối nguyên phụ liệu, cùng theo dõi tiến độ, xử lý, làm việc trực tiếp với các nhà máy cho đến khi hàng được xuất đi, có nhiều lúc chúng tôi trở về nhà 4, 5h sáng.
Tôi công tác trong ngành may 5 năm thì lấy chồng. Sau khi sinh em bé, tôi nghỉ việc và tự kinh doanh đồ dùng trẻ sơ sinh của nước ngoài. Lúc đầu công việc khá thuận lợi, tuy nhiên tỷ giá tiền Việt và USD cứ thay đổi liên tục. Lúc đó tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó để thu ngoại tệ thay vì phải thanh toán ngoại tệ cho nước khác. Thế là tôi quay về quê, lúc này một số bạn học của tôi vẫn sống ở quê và đa phần đều có cuộc sống khá giả từ cây thanh long. Thanh long Phan Thiết xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch qua TQ là chủ yếu, vô cùng phụ thuộc vào thị trường nước bạn. Tôi muốn tìm cho mình hướng đi mới.
Rồi tôi liên lạc với Sở KHCN và được họ cho biết có 1 nhóm kỹ sư thực hiện đề tài nước ép Thanh Long trước đó 3 năm, nghiên cứu xong thì không có đơn vị ứng dụng nên cất trong tủ, cần họ giới thiệu cho. Mọi việc được tiến hành rất nhanh, tôi ký hợp đồng thuê đất trong KCN, thuê thiết kế nhà xưởng, mời đơn vị tư vấn ngành thực phẩm… Tuy nhiên một vấn đề lớn đã xảy ra, nhóm nghiên cứu đã tìm cách thoái thác không chuyển giao kỹ thuật ở phút thứ 89, dù các anh ở Sở cố gắng thuyết phục họ. Tôi lại không phải người được đào tạo ngành chế biến thực phẩm, không hình dung được một cái nồi nấu là gì huống chi cả một dây chuyền thiết bị. Mấy tháng trời, ở Sài Gòn chỗ nào có triển lãm là có mặt tôi, chỗ nào có cung cấp thiết bị, gần xa gì tôi cũng mò tới. Nơi nào cung cấp phụ gia thực phẩm là tôi gọi như bạo động. Song song đó tôi viết dự án theo mẫu, may nhờ có một người em đã phụ giúp tôi hoàn thiện dự án để xin tài trợ chương trình sản xuất thử nghiệm. Ngày tôi ra hội đồng thuyết trình dự án, nhà máy đã sắp hoàn thành phần xây dựng cơ bản. Hội đồng thấy sự quyết tâm (và cả liều lĩnh ) của tôi nên đa số đều bỏ phiếu ủng hộ thông qua. Tôi đạt số điểm rất cao và xin được số tiền kỷ lục cho một dự án tại tỉnh Bình Thuận. Từ chỉ vài ba chục triệu đồng ít ỏi tự tích luỹ, nhờ tiền của dự án tài trợ nên tôi đã sở hữu được một nhà máy của riêng mình.
Tôi đi đi lại lại giữa SG – Phan Thiết như con thoi để hối thúc tiến độ, những đêm thức trắng để nghiền ngẫm quyển tài liệu dày ngàn trang. Sau khi nhà máy hoàn thiện, các thiết bị được đưa về từ từ, tôi nhìn những thiết bị đó như nhìn những cỗ phi thuyền từ hành tinh nào xuất hiện. Rồi những nhân viên đầu tiên của tôi có mặt. Một bạn chuyên trách về thực phẩm về hỗ trợ tôi. Từ đây là chuỗi những thử thách của tôi bắt đầu. Tôi vật lộn trong nhà máy, việc rửa sạch, chần, tách hạt quay, khuấy trong nồi…tôi và anh em lao vào nghiên cứu vận hành, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có hôm bị các ống hơi nóng phỏng người. Và bao nhiêu nỗi cực khác mà chỉ có người làm sản xuất nói ra mới hiểu.
Rồi vấn đề về nhân sự cũng làm tôi đau đầu nhưng nhờ quyết tâm của mọi người nên từ từ mọi thứ đều trở nên tốt đẹp hơn. Thành phẩm có cái mới để 7 ngày đã nhiễm vi sinh căng phồng, có cái vỡ tung, cái nổ bôm bốp. Mấy tháng trời chúng tôi vật lộn với hàng trăm sự cố, tìm cách khắc phục, thêm cái này, bớt cái kia, bỏ cái nọ, thay mới cái nớ… cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thiện được công thức, ra được sản phẩm hoàn hảo. Tôi mang sản phẩm đặt lên bàn vị lãnh đạo sở KHCN, tôi thấy trong mắt ông có một sự vui mừng không giấu được. Đứa em đã âm thầm sát cánh bên tôi, tôi thấy niềm vui trong mắt nó lấp lánh. Đến nay dường như công thức chế biến đã 100% thay đổi so với công thức nghiên cứu ban đầu.
Đến lúc đưa sản phẩm ra thị trường, đó là khoảng thời gian có thể nói là vắt kiệt sức lực, tinh thần, tài chính của tôi và của gia đình. Tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn để duy trì công việc. Có những lúc tôi muốn buông tay, rồi tôi lại bừng tỉnh, không cho phép mình gục ngã. Vì bên cạnh tôi bây giờ có gia đình và những người đã âm thầm ủng hộ. Và hơn hết, sau lưng tôi là hàng ngàn ánh mắt hồn hậu của nông dân trồng thanh long ở xứ cát nóng này. Tôi sinh ra ở đây và tôi sẽ phải trả nợ quê hương bằng tất cả sức lực và trí tuệ của mình. Rồi hàng ngàn nhà máy sẽ mọc lên trên đất Việt. Những nhà máy chế biến vải ở Bắc Giang, những nhà máy nước bưởi thanh trà ở Huế, những nhà máy sô-cô-la ở Tây Nguyên, những nhà máy thủy sản ở Tây Nam Bộ…Nếu có lời nhắn nhủ, nếu bạn có chút tài năng và ý chí, bạn hãy khởi nghiệp sản xuất cho quê hương bạn. Cứ gõ đi, cửa sẽ mở.
Tôi chỉ là người con gái bé nhỏ, xuất phát điểm từ một cô công dân dệt may ở quê nghèo, tôi đã làm được một nhà máy lớn và góp phần giúp nông sản quê hương tôi không bị ép giá. Tôi đã làm được, thì các bạn ơi, tại sao các bạn lại không?
———————————————-
Các bạn shau nhau đọc, ủng hộ cho chị Trang và team của chị bằng cách bấm Like (thích) trang dưới đây nhé. CLB sẽ tổ chức các chuyến đi tham quan nhà máy cho các bạn có ước mơ xây dựng nhà máy chế biến nông sản, thông tin sẽ đăng trên trang https://www.facebook.com/lavite.com.vn/?fref=ts
Chọn cái bấp bênh

Sáng nay Tony đi hội thảo nhân sự doanh nghiệp, thấy có mấy ý hay đúc kết lại:
1. Vốn quý nhất của doanh nghiệp là con người. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Người ở đây phải là người có năng lực, có đầu óc. Còn người tào lao thì lỡ nhận vô rồi, chỉ ước mong nó nộp đơn xin thôi việc sớm.
2. Tính cách đầu tiên và quan trọng nhất của người có năng lực: tính chủ động. Họ không bao giờ có thời gian trống. Ở chỗ làm, họ làm việc A, việc B, việc C…, thậm chí nếu họ không đủ thời gian để làm thì họ sẽ giao hoặc nhờ người khác làm. Còn ở nhà, là nhiều hoạt động thú vị, lúc dọn dẹp nhà cửa, lúc trồng cây, lúc đi học võ đánh đàn, bơi lội, từ thiện. Sống, làm việc với người có năng lực thì sẽ không bao giờ tẻ nhạt.
3. Còn người kém năng lực thì vô cùng thụ động, não trạng và thân thể rất lười. Hỏi mới trả lời. Nên cứ phải bị hỏi, việc A sao rồi, việc B tới đâu rồi. Họ xử lý mọi thứ vô cùng chậm, vì quên. Có ai nhắc mới nhớ, mới lôi ra làm. Trong chỗ làm, quản lý phải hỏi thì mới biết nó đang làm gì, mới biết việc đó đang diễn biến tới đâu. Quản lý đưa ra nguyên tắc làm việc, quy trình làm việc và hướng dẫn vài lần, đứa có năng lực sẽ hiểu ra vấn đề và thay đổi, chủ động làm và báo cáo, còn đứa kém thì phải cầm tay chỉ việc. Đốc thúc, theo dõi đến mệt mỏi.
4. Thời sinh viên, đứa nào kêu đi làm thêm, bứt tóc móc mắt nói “không biết làm gì ngoài dạy thêm” thì có học giỏi cỡ nào, ra đời cũng chỉ là 1 nhân viên bình thường, vì không có sự sáng tạo hay quyết đoán, chịu khó chịu khổ, tính cách hay ngại ngùng sĩ diện. Nhóm này, mình chớ cân nhắc làm lãnh đạo hay làm quản lý, nó sẽ mang lại đống nợ cho công ty, hoặc khiến công ty sớm đóng cửa. Quản lý hay lãnh đạo mà để doanh nghiệp thua lỗ thì là do lỗi của họ.
5. Mình nhận nhân viên mới, thấy có tư chất, tài năng, chịu thương chịu khó thì tích cực chăm bón cho “hạt giống” ấy nẩy mầm. Còn thấy đứa bình thường, chỉ ngoan, hiền, thì nên giao việc bình thường, khả năng người ta có vậy. Kỳ vọng nhiều, thất vọng lớn. Năng lực làm việc này không liên quan gì đến bằng cấp, học vị, khả năng ăn nói, viết lách, gia thế, dòng họ. Phải giao việc thực tế thì mới biết có tài hay bất tài.
6. Hàng ngày, nhân viên nên yêu cầu quản lý nhóm (team leader) giao việc cho mình, các quản lý cấp cao hơn tìm việc cho mình. Nói mình chỉ là nhân viên, các anh là quản lý, phải làm cho ra quản lý, lãnh đạo. Cứ ra quy tắc, tụi này sẽ theo. Sai đuổi, phạt. Tốt thưởng. Chủ động đề xuất như vậy. Có bạn ví dụ ví von trong thế giới tự nhiên, từ con vịt trở lên là đã tổ chức một con đầu đàn. Con đầu đàn sẽ có trách nhiệm dắt đàn đi, tìm một bãi cỏ xanh hơn, nước ngọt hơn, cá tôm nhiều hơn cho cả đàn no bụng. Khi có kẻ thù, con đầu đàn sẽ hướng dẫn cả đàn chạy trốn hoặc chống lại. Con đầu đàn có nhiệm vụ, có trách nhiệm rất khổ, nhưng cũng có quyền lợi rất lớn. Được “ăn trên ngồi trước”, được các con khác bảo vệ khi ăn khi ngủ, được quyền chọn bồ. Đó là điều vô cùng công bằng, trách nhiệm lớn thì quyền lợi cũng phải lớn, đừng mong nghèo khổ họ giống mình mà trách nhiệm thì lớn. Vậy là bất công.
7. Khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp, là khuyến khích nhóm có năng lực, có đầu óc và tố chất làm chủ đang mắc kẹt vô tư tưởng ổn định chắc ăn (trung bình mỗi xã hội, nhóm này chiếm khoảng 5% dân số). Chỉ có nhóm này mới làm nên chuyện. Hem phải khuyến khích nhóm không có năng lực (95%), vì tụi nó sẽ làm theo phong trào, hào hứng cho vui 3 bữa rồi đi học thạc sĩ MBA, hay đi xin việc trở lại, chứ làm chủ gì nổi. Cũng hay cản người khác, vì mình làm không được nhưng cũng hem muốn ai làm được.
Mỗi cá nhân nên tự xét mình, khả năng không có thì mình chỉ nên yên phận làm cấp dưới, làm nhiệt tình cho người ta mà chia tiền, hem nên đứng mũi chịu sào rồi bị stress, ảnh hưởng đến nhan sắc. Đã kém, đã dở thì phải đẹp để gỡ lại.
8. Trong hội thảo có một diễn giả đặc biệt, tên Lý, 28 tuổi, người gốc Hoa. Anh Lý học tới lớp 12 thì nghỉ vì thi ĐH không đậu. Anh mày mò mở doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo 10 năm nay. Lúc anh bắt đầu chia sẻ, các diễn giả khác (vốn có học hàm học vị, đọc sách nhiều) coi thường, cười cợt. Anh thú nhận là không rành các khái niệm “điểm hoà vốn, tỷ suất lợi nhuận, quản trị chuỗi cung ứng, tỷ suất PE PS ROI…”. “Ngộ chỉ biết ngộ tự làm từ cái chảo chiên bánh, rồi mở quán bán, rồi đi bỏ mối, rồi mở xưởng, rồi đông người làm quá, nhà ngộ trong Chợ Lớn hem đủ chỗ làm nên ngộ xuống khu công nghiệp dưới Long An lấy 3 héc ta làm cái nhà máy”. Nghe đến đây thì mọi người choáng váng. Nhiều bạn đứng lên hỏi, anh có lời khuyên gì cho sinh viên, ra trường nên xin vào đâu để ổn định. Anh nói, nếu đi làm cho người ta, người ta phát lương cho mình, mình phụ thuộc người khác thì sao “ổn định” được. Mình làm dở, chủ nó đuổi. Mình làm tốt, nhưng chủ nó tham, mình cũng có nhiêu đó tiền. Mình hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng chủ quản lý bất tài dẫn đến thua lỗ, mình mất việc. Muốn ổn định, cách duy nhất là mình làm chủ cuộc sống của mình bằng cách sản xuất. Chứ thương mại mua bán thì cũng phụ thuộc người bán người mua, nó biết nhau hết thì mình mất mối. Hay mấy cái kinh doanh đa tình đa đoan, tài chính chứng khoán, môi giới bất động sản này nọ…cá nhân tui thấy có gì ổn định, vì phụ thuộc người khác hết trơn. Chỉ có sản xuất ra 1 cái gì đó, tạo ra của cải cho con người sử dụng, mới gọi là căn cơ, ổn định.
MC hỏi về “hiệu quả kinh doanh”, anh không hiểu. Cái MC mới diễn nôm là “tiền lời hàng tháng”, anh liền nói. “Tiền lời bấp bênh lắm. Có tháng kiếm được 6-7 tỷ, có tháng chỉ 2-3 trăm triệu thôi”.
Nghe xong, một số bạn có mong ước “thu nhập ổn định” xịu mặt nhìn nhau.
Ai ai cũng muốn thu nhập bấp bênh như anh Lý.
Ăn chắc, mặc bền

1. Tony có 6 tháng làm cho một tập đoàn tại Hongkong thời còn trẻ. Trong 6 tháng đó, có nhiều bài học quý giá mà ông chủ và đồng nghiệp xứ cảng thơm này đã chỉ dạy.
Khi về nước, ông chủ dặn, mày không nên làm ăn hợp tác với giáo viên và nghệ sĩ. Lúc đó Tony sốc vì bạn bè mình làm giáo viên và nghệ sĩ cũng nhiều. Nhưng ổng nói, ý tao ở đây là phần lớn giáo viên (lưu ý từ phần lớn) thường có tư tưởng chắc ăn nên làm ăn rất khó. Rủ làm ăn, họ căng thẳng lắm, 3 bữa là đòi rút vốn. Còn nghệ sĩ, đầu óc của họ là cảm xúc, kém về quản lý tài chính, nên làm ăn 3 bữa là lên mặt báo khóc vì phá sản. Thường nghệ sĩ muốn làm thành công, phải có công ty quản lý đứng ra. Tony thấy cũng đúng, vì bạn bè nghệ sĩ của mình, tư duy về tiền bạc của họ cực lộn xộn. Tiền hàng thay vì trả cho nhà cung cấp thì đem đi mua sắm những thứ không cần thiết do “cao hứng”, hoặc trả lương cho nhân viên bất tài ngồi chơi xơi nước cả tháng đó vì “tội nghiệp”. Thế còn giáo viên, Tony hỏi. Ông chủ đáp, đó là một nghề đặc thù. Họ chọn làm nghề giáo viên thì trong gene của họ có sự chắc ăn ổn định, mà “chắc ăn” lại là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CÓ trong “tố chất doanh nhân”. Học sinh châu Á từ nhỏ thường ngoan ngoãn nghe lời thầy cô dạy dỗ, nên sự chắc ăn ít nhiều thấm vào người.
Nói mới nhớ bữa nộp đơn thi ĐH xong khi học xong lớp 12, cô chủ nhiệm thấy mình chỉ nộp một hồ sơ thì la um sùm. Thầy hiệu trưởng cũng phân tích rủi ro lắm nếu chỉ thi một trường. Trường cấp 3 muốn có “bề dày thành tích”, một trong những tiêu chí đánh giá là “lượng học sinh vào ĐH”. Mình hỏi ủa em thấy học sinh vào hay không vào ĐH là lựa chọn cá nhân của các bạn, liên quan gì đến trường phổ thông, vốn là nơi cung cấp kiến thức cơ bản, phổ thông cho con người? Cô và thầy không hài lòng, bắt Tony thi 5 trường giống các bạn. Nhưng khi Tony bảo “thầy cô tự dưng kêu em lên chứ em không có nhờ thầy cô tư vấn, vì em đã chốt phương án của mình. Hai là nhà em không có tiền, nếu thầy cô muốn thì cho em tiền đi, hết chục trường em cũng thi được”. Xong thầy lẫn cô đều ngưng ngay, hết chủ động đi khuyên cái mà người khác không hề hỏi vì…liên quan tới tiền. Sau này ai cứ khuyên mình thì cứ kêu đưa tiền đây, xong cái…. họ ngưng.
2. Mark Zuckerberg, ông chủ facebook mà chúng ta đang kết nối với nhau, được xem là một bộ óc xuất sắc của nhân loại. Anh nói: “Rủi ro lớn nhất là không dám rủi ro. Trong thế giới thay đổi nhanh chóng hiện nay, có một cách làm đảm bảo bạn sẽ thất bại trong mọi thứ, chính là KHÔNG DÁM MẠO HIỂM”.
Như vậy, “chắc ăn” sẽ chứa đựng nhiều rủi ro hơn “mạo hiểm“. Một con tàu ra khơi sẽ an toàn hơn việc nó nằm ở cảng. Sóng thần không gây hại ngoài khơi, nó chỉ tàn phá đất liền, nơi con tàu tưởng như bình yên trú ngụ.
Thế giới đã khác, cách tiếp cận của giới trẻ phải khác. Hình mẫu bé ngoan bé mập, bé thảo bé hiền, vở sạch chữ đẹp, “khi đi em hỏi khi về em chào, miệng em chúm chím mẹ có yêu hem nè” không được đánh giá cao. Hình mẫu cá tính, đột phá, quyết đoán, làm khác, nghĩ khác, xê dịch, mạo hiểm, thay đổi, làm thay vì nói….là hình mẫu giới trẻ mà thế giới đang cần.
Nhưng thật tiếc là cái này lại vô cùng hiếm ở châu Á. Chữ “ngoan” là một chữ không có tương đương trong tiếng Anh, tiếng Pháp. Ngoan ở châu Á nghĩa là biết vâng lời, obedient. “Không hư” mới là từ có giá trị hơn. Hãy nhận 1 bạn trẻ không hư vào làm, sẽ được việc hơn 1 bạn trẻ ngoan.
3. Nhiều bạn trong CLB khởi nghiệp, khi yêu cầu thử thay đổi kiểu tóc, đầu đinh hay nhuộm mới, liền nói “ba con mắng chết”. Kêu lên Đà Lạt họp khảo sát farm thì hào hứng lắm, tới đoạn nộp tiền thì im lặng. Cuối cùng chỉ có 4/10 bạn đi, 6/10 còn lại “ba mẹ không cho, bạn gái không đồng ý, tiếc tiền và tự nhiên thấy sợ”. Thay đổi, khác cái hàng ngày là “bỗng dưng muốn khóc”. Sợ và bỏ cuộc, không dám chơi, sợ mất cái gì đó là đặc tính của đám đông.
Chú Vượng, chú Đức đâu có hỏi mẹ “mẹ ơi, con mở công ty Vingroup và Hoàng Anh Gia Lai nhé” rồi bà mẹ nói ừa mới dám mở, đâu có vậy. Làm ăn, mua bán với “doanh nhân” gì mà tới đoạn quyết định thì “để anh về hỏi vợ”, “để chị về hỏi chồng” thì thôi, chỉ là cò con chứ doanh nhơn gì. Công ty mà chồng giám đốc, vợ làm kế toán để “chắc ăn” thì chỉ mãi mãi nằm ở quy mô doanh số tầm tầm, vì có những cơ hội kinh doanh, “bà kế toán” không duyệt vì sợ mất. Đó chỉ là kinh tế hộ gia đình. Công ty phải có người ngoài góp vốn góp trí, công-ty bản chất của nó đã có chữ “công”.
Có bạn trẻ “chân trong chân ngoài”, vẫn đi làm, khởi nghiệp vào ban đêm hay cuối tuần, vì sợ “khởi nghiệp thất bại mà việc cũng mất“, đợi thành công mới xin nghỉ việc. Tham vài đồng lương lẻ tẻ, hoặc không tự tin về việc mình triển khai. Ở cơ quan thì lén lút làm việc bên này, ngồi bên này thì điện thoại léo nhéo việc cơ quan. Có bạn quyết tâm du học, luyện IELTS, SAT để xin học bổng nước ngoài mà cũng luyện luôn toán lý hoá để quyết tâm đậu ĐH tốp trên trong nước. Theo các bạn du học sinh ở Mỹ, bạn nào cầm số tiền lớn qua học thì học xong là về hết, chỉ có các bạn mạo hiểm vài ba ngàn, qua đó vừa học vừa xoay sở mới trụ lại được, vì “đi làm thêm” mới quen văn hoá bản địa mà hoà nhập được. Cô bạn Tony hiện có 3 căn nhà ở Malibu, 3 căn nhà ở Beverly Hills khi qua Mỹ du học với 3000 đô vỏn vẹn trong tay thôi, còn 1 bạn khác là con của chủ doanh nghiệp nổi tiếng VN, mang 100,000 đô qua du học thạc sĩ, xong muốn ở lại mà xin việc mãi không được. Vì ngoài điểm A hết trong bảng điểm, bạn không có bất cứ trải nghiệm nào với người bản địa.
Có bạn vừa lên phương án khởi nghiệp, vừa coi công ty nào offer lương cao để apply, đồng thời luyện thi thạc sĩ và tối nào cũng bên cạnh người yêu vì “gia đình là quan trọng nhất với em”. Thì thôi, chẳng có mục tiêu nào thành đâu em. Ai ĐA MỤC TIÊU thì đầu óc vô cùng tào lao, ảo tưởng năng lực chứ người thường không ai làm được mọi thứ cùng 1 giai đoạn cuộc đời, đơn giản là ngày chỉ có 24h, tuần 7 ngày, sao đủ thời gian làm mọi thứ như mình muốn? Có ai chắc ăn mà thành công đâu. Chắc ăn thì CHỈ ĐỦ ĂN.
3. Không chỉ bên kinh tế, bất cứ nghề gì, thế giới đỉnh cao của lĩnh vực đó không dành cho người “chắc ăn“. “High risk, high return”. Ai rủ mình làm ăn mà “đảm bảo, không có rủi ro gì” thì một là lừa đảo, hai là đứa thơ ngây, mới bước ra từ tháp ngà lý luận. No risk thì no return. Không có cái gì mà “100% chắc thắng”. Những doanh nhân lớn của Việt Nam hay nước ngoài, ai ai cũng có tố chất của sự quả quyết, tự tin, chịu trả giá, chịu chơi, chết bỏ.
Bệnh chắc ăn không phải ở giáo viên hay công chức sự nghiệp mới có, mà hầu như cư dân các nước nông nghiệp lúa nước lạc hậu đều bị. Chúng ta bị “bệnh chắc ăn” chủ yếu do tác động của gia đình, cha mẹ, bạn bè, làng xóm. Họ canh tác dựa vào thiên nhiên, nên luôn có “1 vụ mùa ăn chắc”, 1 vụ mùa gieo xong thì lập đàn tế, cúng lạy quá trời để mong mưa thuận gió hoà. Khác với các dân tộc khai phá, chinh phục, đặc tính chấp nhận rủi ro nằm trong gene của họ. Với cái la bàn thô sơ, tàu gỗ, buồm vải…họ giong lên đi dọc ngang quả đất. Bão tố khiến họ chết cũng nhiều, nhưng vì thế mà châu Mỹ, châu Úc…mới được tìm ra và trở thành trù phú. Bây giờ, trước đại sứ quán Mỹ, Úc của các nước châu Á, luôn rất đông người dân đứng xếp hàng xin visa để sang.
Phát minh lớn lao mới nhất của loài người là internet và smartphone, màn hình chạm…cũng là do người phương Tây nghĩ ra. Dân châu Á cứ lẹt đẹt bắt chước theo sau người ta hoài, cũng là do “bệnh chắc ăn” nó thấm sâu vào từng tế bào. Ai có nhận thức mạnh, thoát ra được thì mới bật lên, đột phá, có thành tựu.
Tự mình đổi gene thành người thuộc dân tộc chinh phục, khai phá, chủ động, có được không?
Nhưng em ngại, em sợ, em xin thôi, em rút lui, em thấy sao sao, em cảm giác là, em không muốn tốn tiền, em không thích, em x, em y, em….
Lạy em, em đi chỗ khác giùm, sừng sững đứng đó nhìn nhức đầu mỏi mắt quá em ơi!
Để cuộc đời nhớ mãi

1. Cơ thể con người hoàn toàn giống nhau về mặt sinh học, cũng tay cũng chân cũng mắt cũng mũi…Như những cái máy tính để trên bàn, không biết máy nào chạy tốt hơn máy nào cho đến khi máy được bật lên để sử dụng. Chỉ có “phần mềm” khiến nó khác nhau. Con người cũng vậy, phần mềm của con người chính là nhận thức, thái độ, hành động ra bên ngoài. Người vĩ đại, kẻ bình thường, kẻ tiểu nhân. Kẻ hiền người ác, kẻ thiện người dữ. Kẻ may mắn người xui xẻo. Để tiểu nhân trở thành người bình thường, hay người bình thường trở nên vĩ đại, người ác trở nên thiện, người dữ trở nên hiền, người xui xẻo trở nên may mắn, người ta phải CÓ MỘT ĐỨC TÍNH DUY NHẤT LÀ HÀO SẢNG. Khi tập được tính CHO ĐI, và sẵn sàng CHO ĐI, các đức tính tốt đẹp khác sẽ từ đó phát sinh. Còn càng tập tính LẤY VÀO, thì họ càng ích kỷ, càng nhỏ nhoi, mọi thứ trên người họ càng ngày càng xấu. Nên xấu tốt, thiện ác, hiền dữ, may rủi…không phải bất biến mà hoàn toàn có thể thay đổi theo nhận thức, theo thời gian. Hoàn toàn do mình tạo ra.
Một ngày nào đó, một người ngủ dậy, bàng hoàng nhận ra hôm nay mình khác. Họ thấy cuộc đời này, thân xác này chỉ là vay mượn của tạo hóa để sống mấy chục năm trên trái đất. Và khi mất đi, cái người ta nhớ đến chỉ là trí tuệ và tấm lòng. Còn cơ thể sinh học, thì mồ mả có xây to đẹp cỡ nào, thì chỉ vài ba thế hệ nó nhớ đến mà thôi. Ít ai trong chúng ta biết ông cố của ông cố mặt mũi ra sao, mồ mả ở đâu…trừ được ghi vào sử sách là một hiền nhân.
2. Nhiều bạn hỏi hào sảng là gì. Vì xưa giờ chưa nghe ai nói. Hào sảng đơn giản là sự cho đi mà không tính toán, là sự buông bỏ để làm lại từ đầu. Hào sảng là không ích kỷ, không cá nhân chủ nghĩa.
Tony có 2 người bạn, A và B, đều là chủ 2 công ty thương mại lớn. Cả hai đều ly hôn. Ngày chia tay, mọi thứ với anh A đều chia đôi. Con 2 đứa, vợ chồng anh chia mỗi người nuôi một. Đũa anh lấy 1 chiếc vợ 1 chiếc, cả củ gừng trong tủ lạnh anh cũng bẻ đôi. Những gì không chia đôi được như tivi, tủ lạnh, máy nước nóng… thì anh quy thóc, định giá bằng giá mua. Cô vợ thì không chịu, nói giá mua 5 triệu bây giờ đã là đồ cũ chỉ có 2 triệu thôi, cãi nhau ầm ĩ đàm phán tòe loe, cuối cùng cô vợ phải chấp nhận mức 3 triệu và trả lại cho anh 1.5 triệu. Nhìn hành lý anh gánh ra khỏi nhà lỉnh khỉnh đồ đạc, lẽo đẽo với đứa con gái nhỏ, ai trông cũng hết sức thương cảm. Anh làm ăn cũng có tiền, nhưng không phát triển được. Anh ngồi thở dài miết, nói sao tôi không thành tỷ phú nhỉ? Gương mặt anh khôn thiệt khôn, quắt queo trong cái nắng Sài Gòn tháng 1…
Anh B cũng ly hôn, để lại hết gia tài cho vợ, bước ra khỏi nhà và đêm đó thuê khách sạn ngủ, bắt đầu lại từ đầu. Sự hào sảng của anh gặp phải sự chỉ trích khủng khiếp từ cha mẹ người thân, bảo là “cái thằng ngu chưa từng có”, “cái đồ u mê, cái đầu chỉ để đội nón”. Anh cười khảy, vì anh biết vợ cũ của anh vẫn cứ tiếp tục nuôi con, và mình là đàn ông đàn ang, phải biết hào sảng buông bỏ. Đến giờ, công ty anh càng ngày càng lớn, khách hàng ngày càng nhiều, đối thủ cạnh tranh cũng nể, anh chia sẻ đơn hàng với họ, họ chia sẻ đơn hàng lại với anh. Tới mua hàng, nếu anh hết hàng đó, hoặc không có, anh sẽ giới thiệu qua một đơn vị cung cấp khác. Người ta nợ 1 món nợ ân tình, trả hoài không hết…
3. Có 2 sức mạnh lớn của một con người. Một là sức mạnh lấy vào, the power of taking. Cố gắng học để có bằng cấp, để có kiến thức, kiếm tiền thật nhiều, mua nhà nhỏ rồi nhà to rồi biệt thự, đất vàng, xe xịn. Cố gắng đẻ nhiều con đặng “hào con, hào của”. Tài khoản ngân hàng phải nhiều chữ số. Từ vô danh, họ bỏ tiền ra mua danh hiệu để được nổi tiếng, để được mọi người biết đến, được trọng vọng, nể phục. Mọi thứ, họ đều muốn sở hữu, càng nhiều càng tốt. Từ tay trắng, nhiều người đã có tất cả những gì họ từng mơ ước, với sức mạnh của sự lấy vào này. Họ có thể thức đêm hôm, nếm mật nằm gai, chịu bao cực khổ để CÓ TẤT CẢ. Nhưng có một sức mạnh lớn hơn, chính là sự cho đi, the power of giving. Đó là đang CÓ mà BỎ HẾT. Đỉnh cao như đức Phật, từ bỏ hoàng cung để ra cây bồ đề ngồi. Đang trên đỉnh vinh quang, nhiều người sẵn sàng về quê với cuộc sống an nhàn, mà bị người đời chê là dại. Bậc đại trí Nguyễn Bỉnh Khiêm từng viết “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao”.
Có hoa hậu nọ đăng quang xong, sau 2 năm trả hết nghĩa vụ từ thiện, đi nước ngoài du học, lấy chồng sinh con, từ chối mọi cuộc phỏng vấn hay xuất hiện chốn đông người, sống cuộc sống bình yên. Tony thật sự ngưỡng mộ, vì cô buông bỏ được những lời tán dương đẹp đẽ, những son phấn nước hoa, những siêu xe, những ánh đèn màu và những xấp đô la lấp lánh, cô đã bỏ được những phù phiếm xa hoa để lấy giá trị bình yên của riêng mình. Thay vì nổi tiếng, nhiều người chọn giải pháp âm thầm giúp đỡ người khác, lặng lẽ không danh xưng danh hiệu, thậm chí phải chịu đựng sự soi mói, nghĩ xấu, nghi ngờ…của những mái đầu nhỏ hẹp, thiển cận. Nhưng họ bình thản bỏ qua, vì chỉ là “lời ong tiếng ve”. Đại bàng quan tâm chi đến lời của mấy con ong, con ve? Người đẳng cấp, họ bình thản trước mọi thị phi. Chỉ có họ biết, họ hiểu, hoặc cao lắm là có 1 vài người biết, hiểu. Vậy là quá đủ với họ.
Tony có quen một MC được nhiều người ưa thích. Bạn đang hot nên chạy sô liên tục, xuất hiện ở mọi chương trình đến nhẵn mặt. Khán giả bắt đầu ớn, vì câu nói nào cũng giống câu nói nào. Tony khuyên thôi em nghỉ một thời gian đi, đi du học đi rồi 2 năm sau về, dẫn chương trình bằng tiếng Anh luôn, bạn sợ, nói em ráng khai thác thêm chút tiền nữa. Với bạn, sức mạnh của sự lấy vào quá lớn so với sức mạnh của sự cho đi, nên cuối cùng bạn rơi vào ngõ cụt của sự nghiệp, vì tài năng không có thời gian phục hồi. Một người bạn khác của Tony là giảng viên ĐH, anh nhận làm giảng viên, sáng dạy chiều dạy tối dạy, không có thời gian nghỉ ngơi đọc sách nâng cao trình độ, nên có nhiêu đó nói miết, nói hoài…Rồi anh bị lao lực, đang giảng bài thì bị đột quỵ, phải cấp cứu. Những đồng tiền kia cũng cắp nón ra đi theo hóa đơn dài ngoằng của bệnh viện. Giờ anh nằm ở nhà, chèo queo một mình, rồi luôn miệng giá như, giá như…
4. Buông bỏ thật sự là rất khó, phải tập luyện mới có. Buông bỏ không có nghĩa là mất, mà là “có chỗ trống” để đón nhận cái lớn hơn. Nhưng nhiều người với tư tưởng tiểu nông vụn vặt, sợ “mất cả chì lẫn chài” nếu buông bỏ, nên cố bám víu, riết đầu óc càng nhỏ hẹp, sự ích kỷ cá nhân và giúp sự tham lam chế ngự hết tâm trí, u u mê mê, không phân biệt cái gì đúng, cái gì sai.
Để có thể làm cái gì đó lớn lao, chúng ta phải tập tính sẵn sàng cho đi, SẴN SÀNG BUÔNG BỎ. Vì được đó, mất mấy hồi. Mất đó, được mấy hồi. Lúc sinh ra, mình trần truồng chẳng có gì. Người đời mới đeo vàng đeo bạc đeo bằng cấp phấn son lên người, nhưng khi chết đi, chui vô hòm nằm, cũng chỉ là những mảnh vải trắng quấn quanh thân. Vua chúa ngày xưa chôn theo nào là châu báu bạc vàng nhưng mồ mả của họ chả yên ổn vì cứ bị trộm đào miết.
Cái gì của mình, thì MÃI MÃI là của mình, không muốn nó cũng TỰ ĐẾN. Cái gì không phải là của mình thì KHÔNG BAO GIỜ GIỮ ĐƯỢC.
5. Như câu nói trong bức hình này “Tôi cho đi không phải vì tôi dư dả, mà vì tôi hiểu cảm giác của sự không có”
(Nội dung phần tiếp theo đã được in thành sách Trên Đường Băng, các bạn có thể đọc tiếp).
1. Đến Paris, để “tận hưởng cảm giác chìm đắm trong Paris” chứ hem phải tới chụp hình, check in, ghi vào list những nơi đã đi qua với mục đích khoe cho bạn bè. Đi chơi là tận hưởng cho riêng mình, chúng ta nên lặng lẽ nên âm thầm mà đi, không phải vì “cho thế giới biết mình là ai”. Leo núi để tận hưởng cảm giác của độ cao và sức người đã chinh phục, hem phải cắm cờ chụp hình, post lên FB và chờ đếm like. Du lịch kiểu vậy thể hiện mình là người không có văn hoá sâu, nhu cầu thể hiện cao quá.
2. Điều tốt đẹp nhất là lòng vị tha, tha thứ, yêu thương người khác, bỏ qua khác biệt, lỗi lầm (mà chưa chắc gì đã là lỗi lầm, chỉ là do quan niệm của mình lúc đó). Vị tha, cuối cùng lại là cốt lõi của hạnh phúc, vì tự mình giải thoát những bùng nhùng trong suy nghĩ của chính mình.

3. Suy nghĩ độc lập, sáng tạo, táo bạo….không phải vì mục đích có lợi cho bản thân, mà là có lợi cho 6.5 tỷ dân trên trái đất. Vì chúng ta đang sống chung với nhau. Độc lập tư duy để không bị cuốn theo suy nghĩ đám đông. Sáng tạo, táo bạo để tạo ra vật chất mới cho xã hội, nếu không có sáng tạo, thì việc học lại tri thức của người xưa, người khác không có ý nghĩa gì lớn.
Diễn giải từ đề thi minh hoạ môn văn học mà bộ giáo dục mới ra hôm nay cho các bạn lớp 12 làm thử. Đề ra khá thú vị và rất nhiều điều cho chúng ta suy ngẫm…
P/S: Nếu có môn kinh tế học cơ bản như các nước nữa thì tuyệt. Tốt nghiệp lớp 9 hay 12, các bạn trẻ có thể tự mình làm ăn, kinh doanh trên cơ sở những kiến thức cơ bản về lãi lỗ, doanh thu chi phí…Môn kinh tế học hay khởi sự doanh nghiệp nên được phổ cập rộng rãi.

1. Xưa có câu ca dao ca ngợi những người giàu có trong làng.
“chúa trai là chúa hay lo
đêm nằm cắt việc ra cho mà làm”
Đó là những người rất giỏi. Đêm ngủ họ cũng suy nghĩ việc ngày mai cho team. Năng lực “cắt việc ra cho mà làm” không phải ai cũng có.
Người có đầu óc là người luôn nghĩ ra việc để làm. Ai nghĩ ra càng nhiều việc thì càng giàu có. Năng lực đầu tiên là “suy nghĩ là các việc phải làm trong ngày”.
2. Quản lý hay chủ các nhà hàng, cửa hàng ở Singapore, Quảng Châu, Hồng Công…không bao giờ cho người bán hàng ngồi. Luôn luôn đứng, đi lại, lau chùi kính, bàn ghế, váng nhện, phải sạch bóng và khô ráo mọi nơi như toilet, sàn, gầm bàn, gầm ghế, kệ,…luôn tay luôn chân.
Ở công ty, các team leader luôn nghĩ việc để đảm bảo ko có người nào trong team có thời gian chết, hay xao nhãng. Giao kèm với thời hạn hoàn thành. Việc giao nhiều, dồn dập….buộc họ phải làm hết cái này đến cái khác, vừa đi vừa chạy. Ở đâu có nhân viên la cà trên mạng, ngủ gục, hoặc quẹt ĐT miết là ở đó có những quản lý kém cỏi.
3. Còn các bạn đang là nhân viên, thấy quản lý mình mà ngồi không, coi internet nhảm nhí, chat chit, facebook cá nhân, đọc tin tức tào lao, ngáp lên ngáp xuống, hoặc làm như con rối không biết gì trước gì sau…,thì biết rồi đó. Kết quả kinh doanh sẽ rất tệ, buôn bán chậm, thua lỗ, mình sẽ không có thu nhập tốt. Mình là nhân viên, đầu óc chỉ có vậy nên phải phụ thuộc họ. Mình mạnh dạn tới gặp, yêu cầu họ giao việc cho mình làm. Họ không thể nghĩ ra nhiều việc để giao cho mình làm thì nói “Ăn cơm chúa, múa tối ngày”, em sẽ “múa tối ngày”, nhưng anh/chị phải đảm bảo cơm cho tụi em. Anh chị cần chứng tỏ năng lực triển khai cho tụi cấp dưới em nể phục. Con hươu con nai đầu đàn phải có nhiệm vụ tìm bãi cỏ non cho cả đàn no bụng. Sao anh chị làm quản lý mà để tụi em đói? Tại sao anh không có đầu óc gì hết vậy? Hay tại anh lười?
4. Thể hiện đầu tiên của 1 người năng lực là “nghĩ ra danh mục các việc mình làm và người khác làm, trong ngày, trong tuần, trong tháng”. Phải có óc quan sát, kỹ năng giao việc, giám sát=> năng lực thực thi. Nếu quản lý nghĩ không ra, thì sáng sáng phải tập hợp tất cả team lại, bàn nhau: hôm nay mình đi làm cái gì, đánh hơi chỗ nào có bãi cỏ non để cả đàn sang đó. Làm kinh doanh phải nhiệt tình cháy bỏng, thay vì gặp 3 khách, làm thêm 4 khách nữa. Thay vì làm tới 5h, làm luôn tới 9h đêm. Mở thêm marketing xây dựng thương hiệu. Sếp hào hứng nói. Hãy mở thêm thị trường, anh sẽ đi với em. Mở thêm mặt hàng mới, chị sẽ tìm nguồn cho các em sale, đảm bảo không đứt nguồn, tiền bạc vô tư, anh là quản lý anh sẽ xoay sở bằng mọi giá….
Nhân viên mạnh dạn gặp sếp để nói. Thay vì bất mãn nghỉ việc vì thu nhập thấp do quá ít công việc. Kể từ khi đọc bài viết này, mình nên in ra đưa sếp to sếp nhỏ trong công ty mình đọc hết. Xong mình nói thảo luận, các anh chị phải nhìn lại mình, bọn em sẽ sống chết vì công ty, nhưng anh chị cũng phải như thế. Lợi ích kinh tế em phải có, em có 1, anh chị phải có 5 có 10, điều đó là công bằng. Nhưng phải chỉ cho em việc để làm, giao thêm việc cho em, giao thêm việc cho em ! Sáng lên chỗ làm là mình gào thét như thế với các cấp quản lý.
Người leader (quản lý) luôn phải truyền lửa cho anh em. Mà muốn truyền thì bản thân họ phải có lửa.
School bus, mô hình giao thông hiện đại
1. Ngoại trừ Việt Nam, chưa thấy có nước nào có phụ huynh đứng trước cổng trường đón con đông nghìn nghịt, thậm chí trường cấp 2, cấp 3 vẫn có hiện tượng này. Ở các nước, việc cha mẹ đưa đón chỉ diễn ra ở lớp mầm non, mẫu giáo, năm đầu tiểu học.
Ở Việt Nam, trường học quy mô 1000 học sinh, thì sáng có 1000 chiếc xe máy đến, chiều có 1000 chiếc xe máy đậu chờ trước cổng lúc tan trường. Tiếng còi của bảo vệ, tiếng la hét “chị xê ra, anh không được đậu chỗ đó”. Phụ huynh tranh nhau với mấy chị bán bánh mì, nước mía, xe ôm chỗ đậu xe. Lề đường không đủ thì buộc phải đậu dưới lòng đường. Các xe khác đang lưu thông thấy bị chiếm dụng thì bóp còi inh ỏi, các phụ huynh thấy thế thì trườn xe tới, lui xe sau để nhường đường. Học sinh tình nguyện lớp lớn ra đứng giữa đường, cầm cái dây căng để các bạn lớp nhỏ đi ra. Ai nấy đều mệt mỏi.
Rồi đây tỷ lệ xe máy sẽ giảm dần, tỷ lệ xe hơi tăng lên, nếu việc đón con vẫn như cũ, không biết giao thông sẽ ra sao với 1000 chiếc xe hơi xếp trước cổng trường trong 20 năm tới?
Phụ huynh thì căng thẳng, từ 3-4h chiều đã phải xin phép cơ quan đi đón con vì sợ tắc đường, công việc và tâm lý sẽ bị ảnh hưởng.
2. Thế giới họ giải quyết chuyện này ra sao?
Từ tiểu học trở đi, học sinh sẽ phải theo xe buýt của trường gọi là school bus. Xe buýt đưa đón được xem là cơ sở vật chất bắt buộc của một trường học. Có thể đón/đưa tận nhà mỗi bạn, hoặc gom lại 1 điểm nào đó. Ở Indonesia, người dân đi xe máy cũng nhiều nên phụ huynh họp lại, thường chọn uỷ ban nhân dân phường, xã hoặc sân thể thao công cộng làm nơi tập kết, sáng cha mẹ dắt con đến đó, giao bảo vệ rùi đi làm, đi về. Bảo vệ và tài xế ký bàn giao số lượng học sinh cho đúng. Chiều về cũng vậy. Có cổng gác, chỉ đúng cha mẹ mới được ký sổ nhận con về. An ninh hoàn toàn yên tâm vì xe chạy từ bên trong sân điểm đón, vô sân trường mới thả xuống, và đón trong sân trường, thả xuống ở trong khuôn viên điểm trả. Đón trễ thì gửi thêm tiền cho bảo vệ theo quy định sẵn. Hoặc nhà bạn nào đó rộng, có chỗ đậu xe sẽ trở thành nơi đưa đón cho 1 nhóm, cử người đón nhận. Cái này phụ huynh học sinh các trường quốc tế hay tư thục ở VN đều biết, thường họ phải đóng thêm 1 năm ít tiền để sử dụng school bus. Các bạn cấp 1, cấp 2, trên xe luôn có thêm 1 quản lý, bảo mẫu để quản lý.
Các trường cấp 3, ĐH, nếu không có bãi đậu xe lớn thì phải đầu tư school bus. Hoặc bãi đậu xe rất xa, đậu xong phải đi bộ vô trường cả km. Trong sân trường chỉ có vài chỗ đậu xe của giáo viên bị tàn tật, hoặc giáo sư già. Không thấy ĐH nào mà sân trường nghìn nghịt xe máy, sinh viên đi len lỏi giữa các đầu xe. Sân trường là nơi các bạn ngồi chơi, nằm trên bãi cỏ chụp hình này nọ chớ…School yard (sân trường), đâu phải parking lot (bãi đậu xe).
Ngành giáo dục phải tập cho công dân có thói quen đi phương tiện công cộng từ lúc bé, để hình thành trật tự trong giao thông. Cuộc sống văn minh hay không, hạnh phúc hay không, hiệu quả kinh tế hay không là do chúng ta tổ chức và sắp xếp lại.
3. Câu hỏi sẽ đặt ra là: nghe hay nhưng tiền đâu. Thường các ngân hàng sẽ tham gia vô, tiếp thị gói mua xe buýt cho các trường, ví dụ ngân hàng A kết hợp công ty cơ khí ô tô Samco chẳng hạn, chào xe buýt giá 300 triệu cho trường nào đó. Trường sẽ trả góp hàng tháng vài triệu cho đến khi trả hết, thì chủ quyền xe sẽ thuộc về trường. Phụ huynh sẽ phản đối lúc đầu, nhưng kêu họ tính lại, tiền xăng xe đưa đón hàng ngày, quy ra và nộp cho trường. Chưa kể cơ hội việc làm của họ tốt hơn khi thuê người đưa đón. Và sự an toàn cho con trẻ, họ phải bỏ tiền ra 1 phần ra hỗ trợ trường. Cái này phụ huynh phải họp lại và ra phương án. Chỉ cần 1 tài xế và 1 vài bảo vệ, công việc của bao nhiêu người được hanh thông. Việc lái xe của tài xế thì tốt hơn nhiều so với mình chở con bằng xe máy vun vút trên đường rất rất nhiều.
4. Các trường học ở Nhật, xe buýt cho trẻ em thường được thiết kế vui mắt, theo hình các đồ chơi như trong hình. Nước nghèo như Ấn Độ, châu Phi…đều có mô hình xe school bus bắt buộc, các bạn có thể lên google search lấy.
Trên xe đến trường, các bạn học sinh sẽ sinh hoạt tập thể, hát múa, ôn bài. Vừa an toàn vừa văn minh, tập thói quen không say xe cho thế hệ trẻ, sau này chúng nó biển rộng vẫy vùng. Chúng nó là thế hệ ô tô chứ không phải thế hệ xe máy, không ai ở Mỹ ở châu Âu ở Hàn Quốc vừa lái xe vừa ói. Say xe là do từ nhỏ không đi ô tô, xe buýt, bậc cha mẹ nên dẹp bỏ tư duy xe máy với bọn trẻ. Các bạn trẻ cũng tập đi phương tiện công cộng nhiều để hệ thần kinh (tiền đình) nó quen, ổn định, không bao giờ rối loạn hay say xe say sóng về sau.
Ọt ga nít cô cô nớt

Các bạn đang sống trong thời kỳ dân số vàng – thời kỳ đặc biệt nhất của mỗi dân tộc, khi lứa tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao nhất trong tháp dân số. Tuy nhiên, do lực lượng doanh chủ (chủ doanh nghiệp) còn quá mỏng, tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng cao. Giải pháp các nước thời điểm dân số vàng là khuyến khích “tinh hoa” làm chủ. Thường “tinh hoa” chiếm 5%, lớp 100 bạn thì sẽ có khoảng 5 bạn làm được cơ đồ. Bạn trẻ có tố chất 5% này, phải được truyền cảm hứng, nghĩ lớn, kinh nghiệm để khởi nghiệp. Tinh hoa muốn có thành tựu, thì phải lao ra đường làm chân tay để va chạm, có street smart, chơi với đủ hạng người. Sau này dưới trướng mình là tài xế, lao công, công nhân, kế toán gì mình đều hiểu sâu tâm lý của họ… Không ai bước ra làm chủ được chỉ từ sách vở, bàn phím, con chuột, máy lạnh và những tiếng thở dài.
1. Khởi nghiệp về sản xuất. Bạn trẻ nên làm việc cho nhà máy nước ngoài đặt tại VN, hoặc xách giỏ đi thực tập sinh, xuất khẩu lao động ở nước ngoài, quan sát học tập. Người ta kinh tế thị trường mấy trăm năm, mình nên để ý, chọn 1 nghề, 1 ngành, 1 lĩnh vực để nghiên cứu sâu. Làm để học nghề, không phải vì lương. 3-5 năm sau, quay về nước khởi nghiệp. Nếu chạy theo tiền bạc của người làm công ở nước ngoài, thì vẫn chỉ là nước xuất khẩu lao động đơn thuần như Philippines. Tiền vài ba chục tỷ đô la gửi về đó không bền vững. Thập niên 60-70, mấy nước châu Á đều xuất khẩu lao động cả, đặc biệt là sang các nước giàu dầu mỏ. Khi họ lộn xộn chiến tranh, hàng loạt lao động Philippines về nước và nộp hồ sơ đi nước khác làm tiếp, trong khi lực lượng lao động người Hàn, người Đài, Malay, Thái..trở về và xây dựng những nhà máy, công xưởng. (Gõ google chấm com từ khoá “thực tập hưởng lương, tu nghiệp sinh, xuất khẩu lao động, co-operative education, paid internship, học nghề hưởng lương ở nước ngoài, đào tạo nghề vừa học vừa làm ở nước X, Y nào đó mình muốn đi, muốn bắt chước họ..”).
2. Khởi nghiệp về nông nghiệp. Giới trẻ nông thôn đang đổ xô về thành thị để bung lụa thời tuổi trẻ, nước nào cũng thế. Tuy nhiên, xác định rõ mình có phù hợp để thành công ở thành phố không. Cách đây 20 năm, Tony vừa ra trường chỉ với bằng B Anh Văn, lương đã 300 đô la thử việc, bây giờ rất khác. Dân du học về nhiều, các ngóc ngách ngành kinh tế đã được phủ kín dần, mình chen chân vô càng khó nếu vẫn làm y chang người ta. Mở quán cà phê pha phin, tuyển nhân viên mặc áo 2 dây ra vô cười nói thì sao cạnh tranh lại chuỗi Starbucks, the Coffee bean…Thành phố chỉ là thiên đường dành cho người cực giỏi, cá tính. New York, phố Wall không dành cho người tài năng tầm tầm. Thì thôi, mình đi Iowa, Wisconsin bẻ bắp hái ngô, ở đó còn cơ hội.
Đất đai ở nông thôn sẽ bỏ trống dần do di dân lên phố. Các bạn trẻ nên tập hợp lại, dồn điền tích thổ. Lập dự án dựa trên lợi thế của địa phương mình. Ví dụ vùng đất này trồng được chuối, lập dự án, mời gọi đầu tư, xách giỏ đi tiếp thị với người nhập bên Nhật, bên Hàn, bên Nga…những nước xứ lạnh trồng không được. Mình tiếp thị, ký kết hợp đồng, có đầu ra ngon lành. Có bạn ở Thốt Nốt đã làm được mô hình này, trồng tới 180,000 gốc chuối/ trang trại và tháng nào cũng cả chục công ten nơ xuất đi. Dứa (thơm) chỉ có khoảng 20 nước trồng được, vì cần khí hậu nóng ẩm, trong khi 200 nước tiêu dùng. Tony khuyến nông là khuyến như vậy, không phải về có mấy mét vuông đất trong nhà rồi trồng 10 cây chuối, nuôi 7 con gà, sáng cho gà ăn, ngồi buồn nặn mụn miết. Rùi 3 tháng thì ớn óc, cuồng chân cuồng cẳng, lại ra quốc lộ bắt xe vọt lên thành phố rũ rượi xin việc. Cũng đừng khởi nghiệp với vài mét vuông đất trồng rau sạch, 99% bạn khởi nghiệp với “rau sạch” đều tèo, vì xã hội VN bây giờ mặc dù quan tâm nông sản sạch bẩn, nhưng phần lớn chỉ mua cái gì giá rẻ. Việc khởi nghiệp rau sạch chỉ là cơ hội để mình trải nghiệm thất bại, sau đó làm cái khác thành công.
3. Khởi nghiệp về công nghệ: nghĩ ra cái gì đó ứng dụng kiếm được khối tiền như Uber, grabcar, airbnb… Hoặc làm cái game cho mọi người download xuống chơi, ngày nào cũng kiếm vài chục ngàn đô như bạn gì ở Hà Nội. Đó là xu thế mới dành cho các bạn trẻ giỏi công nghệ. Tuy nhiên cái này hơi khó do đặc tính Á Đông thụ động vở sạch chữ đẹp con ngoan trò giỏi….khiến người bắt chước thì nhiều chứ người nghĩ ra cái mới, người sáng tạo cá tính rất hiếm. Có thì các bạn đó cũng đã âm thầm làm giàu và nghỉ hưu đâu đó trên thế giới ở tuổi 30 rồi.
4. Khởi nghiệp về xuất khẩu: Coi các doanh nghiệp đang bán hàng trong nước mạnh mà chưa bán ra nước ngoài được, nói “chuỵ để em, em học kinh tế, em học ngoại thương, em học ngoại ngữ chứ không phải người thường, em sẽ mang hàng chị ra quốc tế”. Gánh rau ầm ầm ra chợ Tây. Để dành thị trường thương mại trong nước cho chị Ba chị Bảy đi, họ không có biết tiếng Anh. Mình cử nhân thạc sĩ, không giành việc với họ.
5. Khởi nghiệp về du lịch: Tổ chức các tour lạ lùng, thú vị…để dụ Tây sang. Nhà mình ở quê làm thành “biệt phủ nghỉ dưỡng”. Mình bắt nó (khách du lịch) ngồi trong resort hotel homestay của mình giữa cánh đồng, đấm bóp mát xa cắt móng chân tỉ tê cho nó, miễn phí hết, cho nó khát nước cháy cổ họng chơi. Mình mua cái tủ lạnh, quả dừa dân quê đang bán có 5000 đồng, để cả chục buồng ướp lạnh, treo bảng “ọt ga nít cô cô nớt” (organic coconut), giá 5 đô/quả. Nó khát quá uống 10 quả liền. Mình tươi cười “chặt nghệ thuật” mà nó vui lòng. Mấy nước khác làm du lịch đều thế cả. Tour Thái Lan có 3-4 trăm đô cho mấy ngày trọn gói, ở hotel 4 sao, chứ hiếm ai đi về mà hẻm xài cả ngàn đô la cả. Tiêu hết tiền mà về hài lòng vui vẻ mới chết.
6. Những khởi nghiệp khác: tự mình nghĩ ra chứ Tony hết biết rồi. Nếu mình là “tinh hoa”, nên đọc lại bài này 1 lần nữa để thấy bài này cũng dễ thương. Hẻm phải “mèo khen mèo dài đuôi” đâu, nhưng tại đuôi nó dài quá, giấu hẻm được.
Để lại một phản hồi