Mục Lục
Làm thế nào để lấy đô la (tiếp theo)
Như đã nói ở bài trước, một doanh nghiệp muốn xuất khẩu nông sản đi nước ngoài phải tổ chức sản xuất, các giấy chứng nhận, công tác marketing và tìm kiếm đối tác quốc tế. Cái đầu tiên chúng ta phải làm là xây dựng website. Các bạn tham khảo một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trung bình của Trung Quốc. Doanh nghiệp này cũng chỉ có 200 công nhân, nhưng xuất khẩu khắp nơi trên thế giới. Các bạn xem và trả lời các câu hỏi sau
1. Website này được lập với những ngôn ngữ nào, vì sao?
2. Có bao nhiêu trang trong website này?
3. Có những giấy chứng nhận, các chứng chỉ gì để có thể xuất khẩu?
4. Các thông tin gì của trang web này khiến người mua yên tâm, thích thú khi giao dịch?
Làm thế nào để lấy đô la (tiếp theo)
Như hôm trước chúng ta xem một nhà máy ở Trung Quốc, họ có các tiêu chuẩn như HACCP và Global G.A.P để xuất khẩu, nên chúng ta muốn xuất nông sản, cố gắng lấy chứng chỉ này. Cũng như chứng chỉ Halal food cho thị trường các nước Hồi Giáo, chứng chỉ ISO cũng là thiết yếu để tăng uy tín doanh nghiệp. Muốn tham gia các chứng chỉ này, nên bỏ tiền ra học, ví dụ ở phòng thương mại và công nghiệp VCCI tháng 7 này có mở lớp, các bạn chủ doanh nghiệp mới mở hay doanh nghiệp lớn thì nên cử nhân viên đi học. Cũng không khó, mất vài tháng là chúng ta nắm vững và tiến hành nộp hồ sơ duyệt các tiêu chuẩn này
Ở Giang Tô Trung Quốc có 1 doanh nghiệp nhỏ, có vài ba chục công nhân, nhưng xuất khẩu ác chiến sang Nhật, Mỹ, Canada, châu Âu. Họ mua thanh long của Việt Nam rồi chế biến để xuất khẩu, mua dứa của Philippines, mua xoài của Úc, Phi, Thái…Họ xuất cả nấm, rau củ quả, và là chỗ dựa lớn của nông dân Giang Tô. Nên hầu như không có chuyện phải đổ bỏ hành tây hành tím cà chua gì cả, vì doanh nghiệp này sẽ thu mua chế biến hết, trữ đông, tới lúc khan hiếm thì bán ra lại, họ bán cho thị trường nội địa với hàng nông sản chất lượng trung bình, và xuất khẩu với hàng chất lượng tốt. Cứ mỗi xã mỗi huyện, nhân tài ở đây hy sinh tuổi trẻ ăn chơi, lăn lộn công trường để xây nên một cái nhà máy chế biến nho nhỏ, giải quyết đầu ra cho nông dân, lao động cho địa phương. Người giỏi nhất xã nhất huyện nhất tỉnh hay thông minh nhất dòng họ phải là người như vậy. Chứ học giỏi, chuyên này chọn kia tốp teo gì đó, nếu ra trường chỉ để xin việc tốt, thì cũng chỉ giải quyết việc làm cho 1 người là chính họ. Bình thường, không có gì đáng ngợi ca. Doanh nhân tài năng là giải quyết việc làm cho muôn người, lấy tiền của Tây.
Các bạn vào trang web xem công ty này có giấy tờ gì, sản phẩm gì, trang web bố trí ra sao nhé
http://www.fourseasonfoods.com
Mình thử vào alibaba.com, search trái thanh long, ví dụ dragon fruit, sẽ thấy họ nhảy lên đầu tiên. Dù không có lợi thế nhưng ai đặt hàng, họ email báo giá ngay lập tức, dù nửa đêm. Họ đầu tư dàn cấp đông IQF cũng rẻ, vài trăm triệu là ok rồi.
Các bạn tên công ty Four Season Foods Co Ltd xem thử họ đăng quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử nào ngoài alibaba nhé. Rất nhiều sàn họ cho đăng miễn phí, và doanh nghiệp Tony từng tìm được nhiều đối tác xk thông qua các sàn này, họ mới mở vài năm đầu miễn phí cho mình, rồi sau đó mới thu phí, lúc đó doanh nghiệp mình cũng có tiền rồi, chơi luôn. Cứ rảnh rỗi là ngồi post lên, giao nhân viên đăng ký rồi post thông tin lên đó thay vì post lên facebook, không ra tiền. Post lên đó, ai quan tâm thì mình mời đến tham quan nhà máy mình, rồi bàn bạc chuyện hợp tác xuất khẩu (còn tiếp)
GIÁO TRÌNH 100 BÀI NÂNG CAO HIỆU SUẤT LAO ĐỘNG CỦA NGƯỜI SINGAPORE
(dành riêng cho các bạn trong CLB con dượng)

BÀI 1: KỸ NĂNG XỬ LÝ ĐA NHIỆM
Các bạn trong CLB con dượng phải dịch bài này. Các bạn phải hiểu trước khi đọc bài của Tony. Có như vậy, các bạn mới thật sự động não, mới biết làm. Vì rất nhiều bạn trẻ dù đọc TnBS làu làu mọi bài viết, nhưng khi bắt tay vô làm thì vẫn phạm phải các lỗi đã chỉ rõ. Nguyên nhân là các bạn chỉ đọc có 1 chiều chứ không tự tìm hiểu. Ví dụ về viết email, dù đã hướng dẫn rồi, nhưng phần lớn các bạn viết email mắc lỗi như vẫn không gửi ai, không bảo phải mở file đính kèm, không ký tên cuối email. Tony tuyển 10 bạn tình nguyện vào làm thực tập sinh và hết 9 bạn mắc các lỗi đã được hướng dẫn. Như vậy, việc đọc 1 chiều không thật sự có tác dụng. Nên các bài này, các bạn sẽ phải tự tìm hiểu trước rồi mới thấm được. Mời các bạn cùng dịch bài này và bạn nào thông minh tự rút ra cho mình, bạn có thể tự sang Singapore làm việc.
——————————————
Multi-tasking is a must-have skill
1. What is multitasking? The term “multitasking” comes from “computer multitasking”. This refers to a computer’s ability to perform several tasks at the same time. Human multitasking, therefore, is a human’s ability to perform multiple tasks at the same time. We often multitask without even realizing: watching TV while checking texts, listening to music while working, walking while talking to someone.
2. Many entrepreneurs believe that multitasking is the best way to increase their productivity.
3. Who can do multitasking? We should instruct our kids to have skills to process data at the same time without encountering any mental conflicts.
4. In any enterprises, the multi-taskers are strongly welcomed, because their ability to finish many tasks instead of hiring many people. They should be intelligent enough to set priority for every task. They always have a note book/a pen on the table, and take note for everything, or they can have an incredible memory. Then they will do one by one, top urgent first, then urgent, then others…If you don’t have an incredible memory, a to-do list, a note book must be always available in front of you.
5. Contrary to multitasking is mono-tasking. And a mono-tasker only do and finish one thing before switching into the next task. Why?
-Their brains is not built for multi-tasking
– Inability to prioritize.
– Distraction
————————————
Các bạn đọc thêm bài Cách Dùng Thời Gian trong cuốn Cà Phê cùng Tony để nắm thật tốt kỹ năng này nhé.
Du hạc sinh, chuyện ở chuyện về

Hạc xong, trong đầu bất cứ du hạc sinh nào cũng xuất hiện câu hỏi ở hay về. Tất nhiên du hạc ở đây là 4-5 năm trở lên, quen hết đường đi nước bước, ngôn ngữ, văn hóa bản địa, chứ hẻm phải 12 tháng hay 24 tháng kiểu Tony, vừa chuẩn bị quen biết từng hàng cây góc phố ở Luân Đôn, Pa Ri, Niu Ooc, Sít Ni, Meo Bềnh, Am Tẹc Đam ….thì chương trình đã xong. Các chương trình này thật ra là 1 cách xuất khẩu giáo dục của các nước, họ muốn lấy tiền và Tony muốn có bằng, nên cứ đến hẹn lại lên, ví dụ 1 số nước họ có chương trình 12 tháng để xong 1 cái master, họ cấp visa đúng 12 tháng. Nên phải về. Hạc yếu mạnh gì cũng cho về, dù mình viết sai tè le, mấy thầy vẫn châm chước cho qua. Giờ coi lại luận ven ra trường của Tony ở Há Vợt, đọc lại thấy sai chính tả toàn lỗi chia động từ, vậy mà mấy thầy khen excellent không. Hồi đó mình tưởng excellent thiệt, cái mới nộp đơn vô toàn mấy công ty phố Uôn (phố Wall), nhưng nó hẻm gọi, rồi xuống mấy công ty nhỏ hơn, cũng hẻm ai gọi đi làm. Giấc mơ “làm hãng” không thành, cái Tony ra chợ Boston ngồi “làm neo”, nhưng được mấy bữa thì đau lưng quá nên bèn về nước mở hãng Phượng Tím làm giám đốc chơi cho vui vậy.
Nhóm du hạc kiểu Tony thường đã ĐH ở VN rồi mới đi làm thạc sĩ ngoại, hay cử nhân liên thông 2-3 năm ở Việt Nam 1-2 năm ở bển. Kiếm cái Tóp phô 80 hay cái Ai Eo 5.5 trở lên là đi. Thật ra ở bên kia chứ cũng suốt ngày lên mạng đọc báo Việt Nam, toàn quan tâm những gì diễn ra bên dải đất hình chữ S. Thậm chí 1 nhóm đâu cả chục bạn cùng sang, cùng thuê 1 nhà, cùng hạc 1 trường, 1 lớp. Vào giờ thảo luận tụm nhau ngồi 1 góc, bày đặt nói tiếng Anh 1 lúc ông thầy vừa xách đít đi là chuyển qua nói tiếng Việt cho phẻ. Ở nhà thay nhau nấu bún bò Huế, mắm tôm mắm ruốc kho lên nghi ngút, cũng mở tivi VTV3 qua máy vi tính coi cười ha hả, nhà cửa bầy hầy, cỏ ở vườn cao lút đầu chứ không thuê cắt cỏ hay trồng bông trồng hoa gì. Không dám ở homestay với Tây vì nó kỹ tính, sạch sẽ quá mệt lắm. Nhóm này sau 1-2 năm về nước thường thành công vì văn hóa Việt Nam không quên mấy. Nên hòa nhập tốt. Vẫn lái xe máy chạy ầm ầm, vẫn quan niệm đèn vàng là dấu hiệu tăng tốc trước khi đèn đỏ. Nên xin việc ngon lành, đi đâu gặp, ai nấy đều nể với khả năng nói ngoại ngữ nhanh dù phát âm hơi giống giống tiếng nước ngoài. Và cũng hay nói, hồi tôi ở bển….(Tony Tèo là 1 ví dụ)
Còn nhóm du hạc lâu dài, tức 4, 5 năm trở lên, thường thì họ sang từ lúc 18 tuổi, hạc cử nhân, có thể hạc thêm hạc hoài đến tiến sũy. Trải qua cuộc sống sinh viên thật sự y chang như sinh viên nước họ nên khoảng 3-4 năm là bắt đầu hòa nhập với xã hội bên kia. Sau chục năm thì gần như người bản xứ, chỉ có điều phát âm còn cứng, nghe kỹ vẫn nhận ra, chỉ có nhóm qua trước 15 tuổi thì nói bẻ miệng được y chang như Tây. Nên đứa nào đi sớm thì khả năng ở lại làm việc cũng cao hơn, do ngôn ngữ tốt hơn. Nhưng đi sớm cũng có bất lợi là nó hẻm có tình cảm nhiều với cha mẹ, anh em, dù sao việc hạc 3 năm cấp 3 ở VN cũng hình thành tính cách Việt hơn. Nó vẫn khóc ngon lành khi nghe Cẩm Ly ca bài Ru Lại Câu Hò, còn thế hệ đi nước ngoài từ nhỏ hay sinh ra ở đó, người ta gọi là thế hệ chuối, “banana generation”, bên trong màu trắng bên ngoài màu vàng, tức màu da thì là chủng da vàng nhưng suy nghĩ hành động gì đều y chang người da trắng. Nhóm này nghe nhạc Tây, ăn hamburger hay fastfood, không thèm ăn ốc hay uống nước rau má, mỗi lần kêu tụi nó ăn thì tụi nó chỉ nói give it a try. Và suy nghĩ đơn giản, thẳng ruột ngựa kiểu Mỹ trắng, không có nói móc méo hay thâm thuý tầng tầng lớp lớp như chúng ta được.
Có anh bạn tên Q, ra đi từ năm 18 tuổi, vừa hạc vừa làm gần 20 năm, không về nước lần nào, kiếm ăn cũng khá và đã là tiến sĩ kinh tế. Kinh nghiệm thương trường dạn dày. Gót giày gõ mòn hết ở mọi góc phố tài chính thế giới. Anh tự hào về bản lĩnh kinh doanh và vốn sống của mình lắm. Cơn sốt nào cũng trải qua. Bong bóng nào cũng dự đoán được. Bỗng dưng 1 ngày lòng thấy buồn, muốn đem cục tiền về nước đầu tư làm ăn, 1 phần cũng vì bên Mỹ giờ cũng khó mần. Gặp anh, Tony nói thôi về nghỉ ngơi ăn ốc hát karaoke cho vui đi chứ làm cái gì, anh bị chuối hóa mất rồi, về làm ăn khó lắm. Ảnh trề môi, nói mày cứ coi thường anh, cái đầu đầy sạn như thế này, anh không lừa ai thì thôi chứ đứa nào lừa được anh.
Nửa đêm anh vừa xuống sân bay, bị ngay 1 thằng taxi nó chém đẹp. Nó chở từ Tân Sơn Nhất về khách sạn ở Q.Bình Thạnh mà đâu 3 tiếng đồng hồ, anh nói sao nó chở tao đi lòng vòng, chở tao đi qua Thủ Thiêm, rồi tới Thủ Đức, rồi tới Thủ Thừa, Thủ Dầu Một ….toàn Thủ là Thủ. Đầu tiên tao mãi coi quê nhà đổi mới, tao thấy thích thú, nhưng một hồi tao thấy sợ, tao nhớ đâu có xa vậy, cái tao bắt đầu thủ ….võ. Lỡ tâm sự với nó là 20 năm anh chưa về quê và đang đem tiền về nước đầu tư, cũng thêm thắt chút đỉnh kiểu Việt Kiều quen miệng, sợ nói ít tiền người ta khinh. Sống ở xứ người lâu năm, bản năng tồn tại khiến nhiều người hình thành phản xạ nói thêm kiểu mình rất có trình độ và rất giàu có, mà người ta gọi là Nổ. Tony nói cũng may, chứ nó đưa anh ra bãi đất hoang rồi …thủ tiêu, không thì kéo đồng bọn gái đẹp dàn cảnh mát xa …thủ zâm là toi đời trai anh rầu. Cuối cùng anh cũng về được khách sạn ở Bình Thạnh với 2 triệu tiền cước. Anh nói, đúng là về VN, mới thật sự là hạc. Anh vốn thích hạc.
Rồi anh tham gia vào thị trường chứng khoán, quánh lên quánh xuống cắt lỗ chốt lời khí thế, đòn bẩy đòn biếc gì anh cũng áp dụng, các định luật quy tắc gì anh cũng lôi ra. Cuối cùng, anh thất bại cay đắng, nói sao chứng khoán ở xứ mình lạ quá, chưa có trong lịch sử chứng khoán thế giới nên anh phán đoán hẻm được, nhưng vui mừng vì có thêm bài hạc. Rồi anh đầu tư mua bất động sản, phân tích đạo hàm ghê lắm, giá cứ đáy là anh mua, vì đáy rồi sẽ lên theo đồ thị hình sin, ai ngờ ở thị trường của ta có thêm khái niệm “thủng đáy”, ” phá vỡ đáy cũ, tạo lập đáy mới”, rồi nó bất động như chính tên gọi của nó, anh được thêm bài hạc. Số tiền cuối cùng còn lại, anh hùn hạp làm ăn với ông anh họ, chén chú chén anh thề thề thốt thốt, rồi tan vỡ, cãi lộn như giặc, không nhìn mặt nhau, anh lại có thêm bài hạc. Sau 2 năm, anh thất thểu trở về nước Mỹ mến thương với 0 đồng và 1 sấp các bài hạc. Cái mặt méo xẹo dài như cái bơm và cái quần đùi co dãn lò xo tới háng.
May mà còn có cái che thân. Ai biểu 20 năm trời hẻm về nước chi cha nội!
Chuyện chưa kể về ông Lý Gia Thành

Lý Gia Thành (Tiếng Anh đọc là Li Ka Shing, tiếng phổ thông TQ là 李嘉誠), một tỷ phú người Hồng Công- là doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất châu Á, ảnh hướng nhất không phải vì tài sản 35 tỷ đô la Mỹ trong cơ nghiệp cuộc đời ông, mà vì cách ông chia sẻ và đào tạo thế hệ doanh nhân tiếp theo. Mỗi người theo ông, làm việc cho ông, từ người lao công đến tài xế đến thư ký kế toán, đều được ông đào tạo để có sự nghiệp riêng, dù bé nhỏ như chủ một quán cà phê đến chủ những công ty lớn, thậm chí cùng ngành nghề với ông. Ông vô cùng nhanh nhạy với mọi cơ hội kinh doanh, nên được xem là Mr Money. Ông đi tiểu cũng nghĩ ra được cách làm tiền từ óc quan sát của mình. Khi làm lao công, ông luôn là người cọ toilet sạch nhất. Và ông vẫn hàng ngày cọ toilet của mình khi tài sản cả chục tỷ đô la. Ông tự pha cà phê uống, ông tự nấu cơm ăn, tự dọn dẹp bàn ghế…chứ không sai bảo đệ tử.
ÓC QUAN SÁT là cái đầu tiên ông Lý sở hữu. Cách ông tuyển người quản lý vô cùng thú vị, ông dắt 5 ứng viên đi vào một quán ăn, xong về hãy miêu tả cái quán đó, đề thi không ai nghĩ tới. Ai quan sát được nhiều nhất các chi tiết trong quán, ông sẽ cho làm quản lý, còn ai chỉ nhớ món ăn gì và giá cả ra sao thì ông loại. Ví dụ vào một nhà hàng Nhật, phải để ý được trần sơn màu đen, thảm màu đỏ, có 4 phục vụ nam, 3 phục vụ nữ, toilet 4 cái, phòng riêng 7 cái, menu có 4 loại, nhà hàng có mấy lầu, bữa đó ngồi cạnh mấy khách, khách ra sao, lối thoát hiểm chỗ nào, có điểm gì chưa hợp lý, có cái gì quá tuyệt ở cái quán đó…(ÓC QUAN SÁT này cũng được trường West Point tuyển sinh). Rất nhiều công ty tuyển ứng viên lãnh đạo hay quản lý cũng theo hướng này, một người có khả năng quan sát tỉ mỉ từng mm thường là do BẨM SINH, có tố chất làm lãnh đạo ở cấp cao nhất. Nếu óc quan sát CÓ ĐƯỢC là do tự đào tạo thì cho làm cấp dưới, quản lý cấp trung. Còn một người hoàn toàn không đào tạo được để có óc quan sát, thì dù có trình độ học vấn thế nào, ông cũng cho làm lính, kêu gì làm đó, sai đâu đánh đó, tận dụng khả năng cơ bắp của họ.
Tỷ phú Lý đang được các bạn trẻ Trung Quốc, Hàn Quốc, Indo, Thailand…xem là thần tượng, vì ông sống một đời giàu sang phú quý nhưng rất tình nghĩa. Ông Lý Gia Thành là người châu Á hiếm hoi được phương Tây đánh giá là doanh nhân.
Mồ côi cha, năm 14 tuổi, Lý Gia Thành đã phải bỏ dở sự nghiệp học chữ, cậu học làm thợ sửa đồng hồ, sau đó xin vô làm công nhân một xí nghiệp sản xuất đồ nhựa. Năm 20 tuổi, Lý nhận vị trí giám đốc xí nghiệp này. Năm 22 tuổi, Lý tự lập nên một xí nghiệp nhựa của riêng mình. 8 năm sau, Lý phát triển thành một tập đoàn, với mọi ngành nghề như bất động sản, xây dựng, hóa dầu, vận tải tàu biển, cổ phần lớn trong các hãng hàng không, các trung tâm dịch vụ giải trí trường học ở Hồng Công và toàn thế giới.
Từ một cậu bé sửa đồng hồ trở thành một tỷ phú đô la vào năm 30 tuổi, ông Lý chỉ có một bí mật duy nhất là “lòng tin”. Trọn đời ông sống với chân lý đó. Không chỉ lo làm giàu bí hiểm như nhiều tỷ phú châu Á khác, ông Lý rất hay chia sẻ, có thể là cái ông nghĩ ra, cũng có thể là các bài học ông thu lượm từ người khác, từ sách khác, được diễn giải theo lối tư duy của ông. Sau đây là một ví dụ về việc ông diễn giải lòng tin và tiền bạc, triết lý này của Nho giáo được ông diễn giải rất dễ hiểu như sau:
“Điều khó nhất trong đời người chính là vay mượn tiền. Người có thể cho bạn mượn tiền, nhất định là quý nhân của bạn. Không những cho bạn vay mượn tiền, mà còn không cần đặt ra điều kiện gì cho bạn=>Chắc chắn là quý nhân trong các quý nhân. Ngày nay, những người như vậy không còn nhiều. Nếu gặp được, nhất định phải một đời trân trọng.
Người cho bạn vay tiền, không phải là người ta lắm tiền không biết làm gì, vì để có tiền nhiều, người ta nhất định không phải là kẻ dở. Họ chỉ muốn giúp bạn một tay. Thứ người ta cho bạn vay mượn không phải là tiền, mà là lòng tin, sự khích lệ, sự tin tưởng vào năng lực của bạn, là đánh cược vào bạn-của-ngày-mai (your tomorrow).
Thất tín, đánh mất lòng tin chính là sự phá sản lớn nhất của đời người! Thất tín rồi, khỏi làm chi nữa cho mất công nhọc sức.
Người chủ động thanh toán tiền, trả nợ, không phải do ngu ngốc lắm tiền, mà là người ta coi trọng chữ “lòng tin” để làm ăn lâu dài.
Người biết bỏ qua lợi ích cá nhân, làm lợi cho tập thể hay cho người khác, không phải do người ta đần độn, mà là do hiểu được thế nào là phần trăm trong cái bánh lớn (Tức dù chỉ có sở hữu 0.001% của công ty cổ phần Microsoft thì cũng lớn hơn công ty TNHH Nguyễn Tèo 100% vốn của mình, nên họ sẵn sàng mời cổ đông góp vốn, sẵn sàng sống chết làm để cái bánh lợi ích chung thật to).
Người mà khi làm việc chủ động làm nhiều, không phải do ngu ngốc, mà do biết được trách nhiệm.
Người tự xin lỗi sau khi cãi nhau, không phải do người ta sai, mà người ta coi trọng quan hệ với bạn hơn là chuyện đúng/sai kia.
Có những kẻ tự cho mình tài giỏi khôn lanh hơn người, đến mức diện mạo cũng hiện lên sự xảo trá. Loại người này, sớm muộn cũng biến mất, mình không cần unfriend.
Nếu hai người bất kỳ gặp nhau trong kiếp này gọi là duyên phận, người với người sống chung/làm chung được với nhau đều dựa vào chân thành và tín nghĩa.
May mắn đóng vai trò vô cùng lớn trong cuộc đời mỗi người, nhưng nó không phải là một yếu tố ngẫu nhiên, đó là một sản phẩm của trí tuệ, của sự cho đi. Con người nên tự tạo sự may mắn, đừng bao giờ xin xỏ từ những chỗ tâm linh, vì họ thấy bạn ích kỷ, khôn quá, chỉ nghĩ bản thân mình, thì thậm chí trừng phạt.
Nếu bạn gặp một người nào đó, trước một công cuộc làm ăn, mà nôn nóng, thì họ sẽ chỉ đi được 1 nửa đoạn đường.
Bạn thành công hay thất bại, người duy nhất hiểu rõ tại sao là chính bạn. Còn nếu bạn không hiểu thì trí tuệ bạn/trái tim bạn/tâm hồn bạn có vấn đề. Chẳng ai trên đời này biết đâu mà hỏi cho mất công bạn nhé”
Những tháng ngày sinh viên
Tập 2: Chuyện năm 1

18 tuổi, Tony từ giã quê ngoại, một mình đón xe đò lên Sài Gòn học ĐH, bước vào một cuộc sống mới. Hành trang là cái ba lô và cái rương gỗ của chị Hai từng học ĐH Đà Lạt tặng lại. Đêm đó ngồi trên xe, không biết sao lại bị say xe dù trước đó không bị bao giờ. Xuống trạm dừng chân với 3 bịch ny lông lớn (vì lúc tiễn ham ăn cháo gà), xuống tới bến xe miền Đông thì lảo đảo, hoa mắt thấy trời tối thui chả biết gì, phải ngồi xuống 1 lúc thì mới đứng lên được.
Tony ghé nhà chị G, tức chị người quen hôm đi thi ĐH, xin ở mấy bữa, nhưng cuối cùng lại ở mấy tháng vì thấy vui quá, toàn sinh viên ở với nhau. Tuần đầu tiên khi Tony đến Sài Gòn là nghiên cứu thành phố, vì đây sẽ là cuộc sống của mình ít nhất trong 5 năm tới. Tony ra nhà sách mua cái bản đồ rồi bắt đầu đạp xe đi khám phá. Bữa đi Hóc Môn, bữa đi Thủ Đức, rồi Bình Chánh, Nhà Bè, các quận số, rồi các quận chữ…và thấy Sài Gòn không lớn như mình nghĩ. Tối về, Tony ngồi vẽ lại bản đồ thành phố theo các trục đường lớn, như 3/2, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, CMT8, XVNT…Chỉ sau 1 tuần là Tony không bị lạc nữa, đi cỡ nào cũng tìm ra được trục đường chính để về nhà. Cứ tan học là Tony đạp xe lang thang để biết đường, vẽ bổ sung các con đường nhỏ vào bản đồ của riêng mình trong 1 cuốn sổ tay, trang quận 1, trang quận 5, trang Nhà Bè…. Đúng 1 tháng thì hầu như đường nào cũng biết, cũng rành, bạn học khen quá trời nói ủa mày mới lên Sài Gòn mà rành hơn cả tụi tao ở đây từ nhỏ.
Sau này sang thành phố khác sinh sống hay làm việc, Tony đều áp dụng cách vẽ lại các trục đường phố theo trí nhớ của mình, nên nhanh chóng hòa nhập. Tuy nhiên, tên đường thì nhớ, tên địa danh thì không, nên có lần lớp hẹn chủ nhật đi công viên Tao Đàn chơi, Tony nghĩ là ở đâu đó xa lắm, nên tối thứ 7 háo hức không ngủ được. Sáng hôm sau lên chỗ hẹn ở cổng trường rồi cùng nhau đi, tới nơi mới thấy ủa chỗ này hả, từ đó, Tony quyết định đọc lịch sử thành phố, các địa danh, các di tích, các tên gọi trước 75 và sau 75, đọc các giai thoại các câu chuyện về lăng ông Bà Chiểu, chợ Bến Thành, chùa Ngọc Hoàng, bưu điện Tp… trong thư viện. Kiến thức này giúp Tony kiếm được khá nhiều tiền, khi dẫn khách nước ngoài đi du lịch vào năm 3.
Khi mới lên SG, Tony ngồi suy nghĩ, dù gì phải ưu tiên hàng đầu là no bụng, phải thông minh lên. Bèn tất tả đi tìm chỗ ăn uống rẻ nhất, cứ vô tiệm cơm là hỏi trước, một dĩa cơm ở đây bao nhiêu chị, cơm thêm bao nhiêu ạ, trà đá có miễn phí không, và ghi địa chỉ lại trong sổ tay. Bà bán cơm ở đường Phan Văn Hân giá 2000 đồng, quán cơm Mai Thị Lựu 3000 đồng nhưng ăn cơm không giới hạn, cơm chay từ thiện ở đường Nguyễn Văn Đậu, ở chùa Long Vân mấy giờ phát…là mình phải biết, để trường hợp xấu nhất, đói quá không còn đồng nào thì sẽ sang ăn. Có lần Tony ăn ở một quán trên đường Nơ Trang Long, rất ngon và rất mắc so với túi tiền Tony lúc đó nhưng rất đông khách, đặc biệt lúc trưa từ 11h30 đến 12h30. Chị chủ và 4 người phục vụ xoay sở rất vất vả, có khi tính sót tiền. Quan sát thấy quy luật này nên hôm sau, Tony lên ăn tiếp, ăn xong ngồi chờ đến gần 2h, khi quán thưa khách, mới thưa với chị chủ quán, nói cho em giúp chị vào lúc cao điểm nha, em không lấy lương, chị cho em bữa cơm là được, khách đông mà chị lu bu là mất tiền đó, chỉ tốn có dĩa cơm cho em chứ nhiêu đâu chị. Ngồi thuyết phục miết nên chắc chị ấy thấy tội, mới gật đầu, nói ừa cứ 11h30 em ra bưng cơm thu tiền giúp, bưng 1h thôi, sau đó thì muốn ăn gì thì ăn rồi đi học. Từ đó, Tony trưa nào cũng ăn toàn cơm gà, cơm sườn, tại chị ấy nói muốn ăn gì ăn mà, ngu gì ăn cá ngừ kho.
Chi phí học bắt đầu tăng, nào là giáo trình, quỹ này quỹ kia, rồi các bạn rủ nhau cũng phải cà phê bò bía, hổng lẽ mình từ chối mãi. Nên kế hoạch đi làm thêm bắt đầu, ngây ngô năm nhất thì chỉ có dạy thêm là phù hợp. Tony chỉ dạy được 2 môn là toán và tiếng Anh, vì thi ĐH môn toán được 9.5 điểm, 2 môn Lý Hóa mỗi môn có 3 điểm nên chỉ có 15.5 điểm, may mà cộng thêm ưu tiên 0.5 nữa mới đủ điểm sàn, chứ không là ở quê đi gánh lúa rồi. Nhưng bù lại thì tiếng Anh rất là giỏi, 7 năm học phổ thông Tony chịu khó học hết từ mới trong sách giáo khoa và Streamlines. Tony dạy Toán cho con chủ nhà thì sẽ gạ bố mẹ học sinh học thêm tiếng Anh, nói cô chú phải học tiếng Anh để đi nước ngoài du lịch…chứ giờ không biết tiếng Anh thiệt thòi lắm. Kỹ năng thuyết phục của Tony từ từ xuất sắc dần lên, dù trước đó thì “ăn không nên đọi, nói không nên lời”, đang ngồi dạy thấy phụ huynh đi xe Dream về, nghĩ là người có nhà ở Tp, có xe máy như vầy là một giai cấp khác, quý phái cao sang, nói chuyện với họ cứ run rẩy, mặt tái mét, giọng nói lạc đi vì sợ. Người ở quê ra thường vậy, mắc bệnh sợ. Mấy bữa đi dạy đầu tiên còn cầm theo cái chứng minh nhân dân đưa họ coi, rồi trước khi về còn mở cái cặp ra kêu người giúp việc hay ai đó nhìn giùm, nói em không có lấy cái gì của nhà mình đâu nha. Lúc đó sợ lỡ nhà họ mất cái gì, họ đổ thừa mình, tố cáo lên trường thì trường đuổi học chắc chết.
Để nhận được chỗ dạy, sinh viên phải qua trung tâm gia sư, thường là của mấy anh lớp trên hoặc đã ra trường, tự mở trung tâm trong một cái hẻm nào đó, đi qua thì thấy lúc nào cũng lố nhố sinh viên, toàn năm nhất năm hai. Mình sẽ đọc trên bảng, chọn chỗ, đặt cọc 40% tiền lương tháng đầu. Lần đầu Tony nhận dạy chỗ 300,000 đồng/tháng ở Hóc Môn, phải gửi trước 120,000 đồng, vì nghĩ là mấy chỗ xa như vậy các bạn khác ngại đi, mình đi là chắc ăn. Nhưng đạp lên tới nơi rồi vô hỏi thì người ta nói không có nhu cầu nữa, cái quay về đòi lại tiền nhưng mấy ông trung tâm gia sư đó khôn lắm, không có trả lại mà giới thiệu chỗ khác, chỗ này lương 500,000 đồng/tháng thì phải đặt cọc 200,000 đồng, Tony phải bỏ thêm 80,000 nữa. Hy vọng tràn trề, đạp xe xuống tận Bình Chánh với ý nghĩ chao ôi cuối tháng mình cầm những 500,000 đồng trên tay. Nhưng đến nơi thì họ nói trung tâm khác gửi người qua rồi, nửa đêm qua trung tâm thấy đóng cửa. Sáng hôm sau mới 6h sáng đã tới chực, vô năn nỉ miết xin lại tiền mà mấy ổng không trả, rồi bữa sau dọn trung tâm gia sư đi đâu mất. Mất cả 200,000 đồng, ½ số tiền má gửi lúc đó nên Tony mấy đêm không ngủ được. Cứ ngồi vò đầu bứt tóc, nói sao mình ngu quá, lại hận cuộc đời sao lại có thể loại người suốt ngày lừa người khác thế nhỉ. Chiều tan học, ngồi ghế đá chỗ hồ Con Rùa nhìn mấy cái hoa dầu xoay tít trên đầu mà cám cảnh cuộc đời, một thằng nhóc nhà quê chỉ có 18 tuổi thì không biết tương lai sẽ ra sao giữa chốn đất chật người khôn này. Trong đầu Tony lúc đó chỉ nghĩ mong học xong cho sớm để về quê. Hôm sau lên lớp, Tony kể chuyện cho bạn A, một cô bạn nhà rất giàu có ba làm giám đốc một công ty lớn, bạn thấy tội nghiệp nên giới thiệu cho 2 mối dạy, một trên đường Hàm Nghi dạy cho 3 anh em bạn từ mẫu giáo đến lớp 5, một mối ở quận 10 dạy cho cả nhà từ toán cho con đến tiếng Anh cho bố mẹ. Nhưng chuyện xảy ra cũng là một trải nghiệm để Tony có street smart, phàm việc gì mà phải nộp tiền đặt cọc hay phải mua hàng mới được vô làm, thì phải cẩn thận. Công việc làm trước trả sau thì xui lắm là trường hợp họ không phát lương, mình chỉ mất công làm, còn vụ nộp trước thì tuyệt đối không là không.
Tháng lương đầu tiên, lãnh 200,000 đồng của phụ huynh bỏ vô phong bì, Tony sợ thiếu nên trong lòng lo lắng, mới đạp đâu có mấy trăm mét là dừng xe lại, tấp vô lề mở bao thư ra kiểm đếm lại. Thấy đúng 200 ngàn mới cười toe một mình, rồi ghé vô tiệm phở quất 1 tô tái to, bổ sung chén hột gà, rồi uống sữa tươi. Đó là lần đầu tiên trong đời Tony nếm được vị sữa tươi của Vinamilk trong cái bịch nylong, giá chỉ có 2000 đồng, và cảm thấy sao lại có một thứ nước thơm ngon đến vậy…
Tập 3: Chuyện năm 4

Năm 4 ĐH, mình theo chân cô bạn xinh đẹp và lanh lợi cùng lớp tên V.A đi làm tele-sales, hoặc tele-marketer, tức bán hàng qua điện thoại. Lương ít nhưng chủ yếu là mình học giao tiếp, gọi điện thoại luôn là kỹ năng cơ bản để làm bất cứ công việc văn phòng nào. Nghề tele-sales là bước đệm cực kỳ quan trọng để có thể tự tin nói chuyện với đủ loại người, đủ hạng người hỉ nộ ái ố Tony gặp sau này. Nếu một người xa lạ họ chịu tiếp mình qua điện thoại, thì coi như thành công.
Nhờ những ngày tháng đó, kỹ năng nói qua điện thoại của Tony giờ rất cao thủ, ai nghe mà không hồn xiêu phách lạc mới lạ. Ngày nào cũng gọi mấy chục cuộc, vui lắm. Các bạn sinh viên nên làm tele-sales để tăng cơ hội va chạm, trải nghiệm, kỹ năng ăn nói…..mà còn được tiền, chả mất gì cả. Cứ mạnh dạn làm đi. Có khi gọi 100 cuộc mà chỉ có 1 cuộc có nhu cầu, 99 còn lại thì thôi đủ kiểu, nói nhẹ nhàng từ chối cũng có, la hét chửi bới cũng có, cúp cái rụp cũng có…nhưng đều nên xem đó là cơ hội được trải nghiệm, sinh viên mà, sợ gì, tự ái làm cái gì, vì có cái gì đâu mà tự ái với sũy diện? Có ai biết mình là ai.
Giờ nghe các bạn gọi điện đến tiếp thị bảo hiểm hay sàn vàng, đất đai, chào hàng cái gì đó…Tony đều nhẹ nhàng từ chối, rằng cám ơn em anh không có nhu cầu em nhé. Mình hiểu lắm cảm giác bị tổn thương khi ai đó quát nạt một đứa trẻ những câu như là gọi gì gọi hoài vậy, mày có tin là tao qua công ty mày đập phát chết mày không, thậm chí 1 tràng toàn tiếng đan mạch. Cũng vì công việc, vì công ty họ bắt làm, cũng vì kiếm chút tiền, kiếm miếng cơm no bụng cả thôi. Nạt nộ khinh khi người ta chi tội nghiệp vậy. Nhiều ông sếp ông chủ kỳ lắm, ép nhân viên mình gọi thôi là gọi để bán hàng, nhưng ai đó gọi tiếp thị ông cái gì là ông bực bội chửi mắng om sòm. Thôi thì cũng kệ, phông văn hoá khác nhau, người thế này thế khác thì xã hội mới thú vị.
Độc giả TnBS nếu có bị gọi nhiều quá thì cũng đừng có nặng lời với các bạn tele-sales nhé, coi như đó là giọng nói của Tony lúc 20 tuổi đi. Hồi đó, Tony về vắt tay lên trán suy nghĩ, cũng buồn, cũng thấy tự ái, nói thôi chắc nghỉ. Nhưng nghĩ lại, vài bữa tốt nghiệp xong, mình sẽ vào làm chỗ công ty đa quốc gia vì mình giỏi ngoại ngữ mà, lỡ bị bắt ngồi máy tính suốt ngày (phân tích số liệu chẳng hạn), thì chẳng còn có cơ hội được nghe những lời đủ cung bậc cảm xúc như vậy nữa. Thế là sáng hôm sau khi lên văn phòng, pha cốc cà phê nước nóng thật loãng để trước mặt, lòng lại vui, lại lạc quan và cầm điện thoại lên gọi khí thế.
Những năm 90, chủ yếu là điện thoại bàn. Muốn tra thông tin về số ĐT hay tên chủ thuê bao thì có thể gọi 108 (tốn tiền) hay 116 (miễn phí). Nhớ kỷ niệm lần đầu làm tele-sales. Mất cả tháng đào tạo, vừa xong 1 cái là mình nhanh nhẹn lao ra chỗ ngồi làm việc thực tập liền. Bấm 116, bên kia đầu dây vang lên 1 giọng nữ. Mình lanh lẹ hỏi “chào chị. Chị ơi giúp em số điện thoại của nhà hàng X, địa chỉ 111/222 Lê Văn Sĩ được không ạ?” Bên kia đầu dây trả lời tỉnh bơ “tui không biết”. Mình lặp lại yêu cầu, nhưng chị nói tui không biết cậu ơi. Mình bắt đầu mất kiên nhẫn “chị nói gì kỳ vậy, nhiệm vụ của chị là cung cấp thông tin này cho tôi chứ. Chị nói tui thiệt là không biết mà”. Cái Tony giận dữ liền “tôi không hài lòng về cách trả lời của chị. Chị tên là gì vậy, tôi sẽ nói chuyện với giám đốc của chị”. Chị nói “mà cậu là ai, ở đâu vậy”. Cái mình thơ ngây khai liền, nói em là Nguyễn Văn Tèo, gọi đến từ khách sạn Hello Saigon. Chị ấy hỏi em làm ở bộ phận nào, dạ nói em làm kinh doanh ở đây, chị có biết khách sạn Hello Saigon là khách sạn 4 sao rất lớn không. Cái chị ấy nói, Tèo ơi là Tèo, chị Tâm nè, giám đốc kinh doanh ở đây nè. Em gọi 116 phải bấm số 9 đầu mới thoát ra được, còn 116 là số nội bộ của khách sạn, là số máy nhánh của chị.
Trời ơi, chị Tâm là người mới tuyển mình vô làm mà, mới đào tạo nhóm mình xong. Tự thấy mình ngáo ngơ thấy ớn, thôi chạy vô xin lỗi, nói dạ chị ơi, em sai rồi, em đã ghi lỗi này vào sổ và hứa sẽ không bao giờ lặp lại nữa ạ. Mình đứng trước mặt chị, gãi đầu ngượng nghịu, tay chân lóng ngóng vụng về. Chị cười nói, thực tập sinh chỉ là một đứa trẻ con đang tập làm người lớn, nếu có sai thì phải hướng dẫn và bỏ qua. Những năm 20, người ta được phép sai lầm vì nhiệt tình quá.
Chị ấy còn khen sinh viên trường ĐH Cà Mau tụi em sao thiệt thà dễ thương quá vậy. Và nói, để chị đề nghị kế toán mai tăng lương cho em và V.A nghen. Cái mình nói Dạ (còn tiếp)
Chiếu xạ cho nông sản xuất khẩu


Nhiều nhà đầu tư có khá nhiều vốn ở miền Bắc hỏi nên đầu tư ngành gì để giúp nông nghiệp Việt Nam, và có nhiều cơ hội làm ăn, Tony trả lời ngay là ngành chiếu xạ.
Hiện ở Việt Nam chỉ có khu vực phía Nam là có 3 nhà máy chiếu xạ cho thuỷ sản và trái cây, còn miền Trung miền Bắc thì chưa có.
Muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật, Úc,…nông sản tươi sẽ phải được chiếu xạ (irradiation), tức là dùng tia năng lượng cao như tia gamma để chiếu vào trái cây, thực phẩm, các tia này sẽ tiêu diệt vi sinh vật gây hại, các loại sâu mối mọt có bên trong quả, các tia này còn làm chậm chín hoặc ức chế nẩy mầm để có thể vận chuyển cả tháng trời đến Mỹ, châu Âu. Các doanh nghiệp Thái Lan, Philippines, Trung Quốc…đầu tư các nhà máy này rất nhiều, hầu như khu vực nào trồng cây chuyên canh đều có 1 nhà máy chiếu xạ do công ty chế biến thực phẩm đầu tư, đơn hàng nhiều không kịp thở, xuất khẩu lẫn nội địa vì kéo dài tuổi thọ nông sản bán ở siêu thị (xem hình quả dâu tây được chiếu xạ và không được chiếu xạ). Nước nhập khẩu họ bắt phải chiếu xạ vì họ sợ dịch bệnh hay sâu hại từ nông sản này thoát ra môi trường, gây hại nông sản nước họ.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư nhà máy này khá cao, và phải mởi cơ quan hữu quan từng nước (nước nhập khẩu) đến kiểm định để họ đánh giá có đủ khả năng không, nếu ok thì mới cấp phép, và lô hàng nông sản xuất khẩu phải có giấy chứng nhận đã qua chiếu xạ được cấp bởi nhà máy này thì hải quan nước nhập mới cho thông quan. Cũng có trường hợp họ sẽ thông quan trước, họ sẽ tiến hành chiếu xạ tại cảng đến trước khi nhập kho hoặc đưa vô siêu thị, tuy nhiên phải nghiên cứu kỹ quy định trong hợp đồng với bên mua. Làm ngoại thương lấy tiền của Tây là phải dân giỏi, cẩn thận từng chữ, thuộc thể loại “chủ nghĩa hoàn hảo trong công việc” giống như trong y khoa vậy.
Về lâu dài, nông sản hướng đến xuất khẩu thì phải đầu tư cái này, giống như nông dân phải áp dụng tiêu chuẩn Global GAP vậy, không có cách nào khác. Nếu không thì chỉ bán cho nội địa hoặc Trung Quốc, vốn không đòi hỏi gì, nhưng lại bấp bênh.
Các bạn quan tâm cái này nên search thật kỹ, các từ khoá là chiếu xạ thực phẩm, food irradiation process, fruit and vegetable irradiation,…
Một lá thư Ai Len

“Chào anh Tony, xin lỗi gọi anh vì tôi nghĩ anh cũng trạc tuổi tôi. Tôi đang làm nghiên cứu sinh ở tp nhỏ của Ai-Len cũng được 2 năm rồi. Trước đây tôi học thạc sĩ ở Anh, sau đó về VN giảng dạy ở 1 đại học, rồi sau đó gần đây tôi chọn Ai Len để làm tiến sĩ. Cuộc sống chồng con tôi ở Việt Nam cũng ổn định, tôi chỉ mong học xong nhanh rồi quay về.
Thú thật, tôi đọc page TnBS vì nó vui, ban đầu tôi nghĩ anh định câu view để quảng cáo cái gì đó, chứ bỗng dưng bỏ công bỏ sức ra viết chia sẻ như vậy. Tôi nghĩ rồi anh cũng sẽ bán page này cho một nhãn hàng nào đó khi nhiều view. Tôi đợi 2 năm nay nhưng thấy anh quảng cáo chủ yếu cho bà con nông dân, nên tôi cũng ngạc nhiên lắm, tiền đâu họ trả cho anh quảng cáo vậy?
Trường tôi 2 năm nay đều có suất học bổng toàn phần cho sinh viên ngoại quốc, nhưng tôi chẳng giới thiệu cho ai ở Việt Nam. Một phần vì tôi thấy tốn thời gian thông báo lên diễn đàn này diễn đàn kia mà chẳng lợi ích gì cho mình. Nhưng nhiều lúc tôi cũng cảm thấy cô đơn, nhưng thông báo cơ hội này cho người dưng nước lã, tôi thấy cứ tiêng tiếc thế nào ấy. Tôi chỉ giới thiệu cho con ruột tôi những cơ hội như vầy nhưng cháu còn nhỏ quá. Cháu họ tôi cũng có đứa đủ điều kiện nhưng trong thâm tâm mình, tôi sợ bọn nó được rồi gia đình nó hơn gia đình tôi, lỡ sau này con tôi không có cơ hội đi du học thì sao. Trong dòng họ, nhà tôi phải nhất để mọi người nể phục. Tôi vẫn bé nhỏ và tiểu nông như anh từng phê phán, nhưng thật sự tôi không thoát ra được. Anh chị chồng tôi cứ hỏi tôi việc tìm học bổng cho các cháu sang đây nhưng tôi viện cớ bận quá mà từ chối. Có lần giới thiệu một chỗ làm kia cho bạn tôi, nó bắt tôi cứ như phải có trách nhiệm, nào là viết đơn xin việc, sửa đơn…rồi thậm chí giận hờn nếu tôi “không giúp tới nơi tới chốn”, nên cứ giúp người một lần là gánh nặng trên vai mệt mỏi lắm. Giúp người để được gì hả anh? Họ có nhớ mà trả ơn mình không? Đèn nhà ai nấy sáng, từ bé, tôi được mẹ tôi dạy là mình chỉ nên lo cho cá nhân mình, gia đình mình chứ hơi sức đâu lo cho người khác.
Việc xin học bổng sang đây thế nào, tôi cũng giấu nhẹm, ai hỏi thì tôi “nói khéo” là đi tự túc. Sâu thẳm trong lòng mình, tôi không có khả năng chia sẻ. Các con của thì sao tôi cũng được, còn con cái người ta tôi thấy không ưa, không vỗ về nựng nịu chúng nó được. Tôi như con kiến, cần mẫn lấy bên ngoài tha về cái tổ bé nhỏ của mình, bất chấp mọi thứ. Tôi nghĩ ai cũng có một tổ ấm phải vun vén, phải hơn người khác, phải có nhà to hơn, xe đẹp hơn, bằng cấp cao hơn, con cái học giỏi hơn….
Anh nói đúng, các đồng nghiệp người Trung Quốc của tôi thì khác. Năm ngoái khi nghe tin trường có 5 suất học bổng toàn phần, anh bạn tên Zhang bay về nước để giới thiệu sinh viên (anh ấy đang dạy ở ĐH Hạ Môn), dù phải bỏ tiền túi ra mua vé máy bay. Sau đó 5 suất học bổng đó đều thuộc về sinh viên trường ĐH Hạ Môn. Tôi thấy họ hay gặp gỡ nhau ăn uống, học tập.
Tôi rất tiếc đến giờ này tôi vẫn chưa thay đổi quan niệm của mình nên tôi xin phép anh tôi không nói tôi tên gì và đang học ở đâu. Sang năm, trường tôi lại có suất, hy vọng lúc đó tôi sẽ có thể rộng lượng hơn mà chia sẻ cho các bạn.”…
Tony trích đăng bức thư này sau khi xin phép chị ấy. Và chỉ muốn thưa với chị thế này.
Chị này, thông tin tốt cho người khác, chị nên chia sẻ. Vì có nhiều nguồn thông tin chỉ nội bộ mới biết. Người mà cái gì cũng hỏi, cũng nhờ, thì một là họ ngu quá, hay là họ lười tìm hiểu. Chị không cần trả lời hay giúp, vì chắc chắn là họ không bao giờ được nhận đâu. Còn người thông minh giỏi giang, chỉ cần nghe loáng thoáng 1 thông tin, ví dụ ĐH A có cho 2 suất học bổng, thì đêm đó họ đã search nát thông tin ĐH A, và sáng hôm sau họ đã có email gửi cho trường, họ không cần hỏi lại chị.
Còn các vấn đề khác, Tony nghĩ chị sẽ thay đổi từ từ. Bệnh tiểu nông ích kỷ cần thời gian chị ạ.
Tony
Ai dìa Tắc Cậu

1. Ở miền Tây Nam Bộ, hầu như tỉnh nào cũng có huyện Châu Thành. Tỉnh Kiên Giang cũng có huyện Châu Thành với địa danh Tắc Cậu nổi tiếng. Nổi tiếng vì đây là cảng cá lớn nhất Việt Nam (32 ha), và cũng là địa danh được nhắc đến qua bài ca cổ “Hoa Tím Bằng Lăng” do Linh Châu sáng tác (lai lịch tác giả vẫn còn tranh cãi). Năm 1977, đài tiếng nói nhân dân Tp HCM bắt đầu phát bài ca cổ này với 2 giọng ca đang lên lúc đó là Thanh Tuấn và Thanh Kim Huệ, rồi sau đó được phát trên làn sóng đài tiếng nói Việt Nam nên người dân cả nước thuộc làu. Đám cưới ở miền Nam thời bao cấp, ai lên góp vui văn nghệ thì bài đầu tiên sẽ là “mùa xuân ai đi hái hoa, còn em đi nuôi dạy trẻ” rồi tiếp theo là bài “Hoa tím bằng lăng”.
Đến bây giờ, cứ nhậu xỉn xỉn chút là mấy ông sẽ ca vang “trời tháng tư em mặc áo hoa cà, qua ngõ nhà anh, em kéo nghiêng vành nón, giả bộ vô tình làm rớt cánh bằng lăng”. Hình ảnh cô em “hàm răng trắng cắn đôi hột lúa” nghe thiệt là đẹp. Bạn nào muốn làm ăn với dân miền Tây, hay muốn uống rượu 1 lần với Tony thì phải học hát bài này coi như thi đầu vào nhé. Hồi Tony còn thanh niên, cứ đi nhậu ở miền Tây, vừa cất lên “gió lên lay động hoa bằng lăng ôi thướt tha…” là các má các chị vỗ tay rào rào, gắp đồ ăn tới tấp. Tới đoạn nói lối (một kiểu vừa nói vừa hát) “anh nói thầm mây đẹp lắm mây ơi, mây trắng quá như tình ta trong trắng” thì tất cả mọi người đều ôm Tony hun miết.
Trong bài có câu vọng cổ “con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu con sáo sang sông con sáo đậu hiên……nhà” ám ảnh mãi trong lòng, khiến kẻ tao nhân mặc khách như Tony phải tranh thủ một lần soạn khăn đóng áo dài lên ngựa phi đến, hòng tìm lại chút hương xưa.
2. Tony đến Tắc Cậu trong một chiều nhạt nắng, sóng biển Tây nhẹ bâng không đủ làm rung một nhành hoa sát biển nào. Biển Tây là vịnh kín (vịnh Thái Lan) nên sóng biển rất nhẹ, rất hiếm bão tố, nên cỏ và hoa được trồng sát mép nước. Vì mến cảnh đẹp biển Tây mà Tony đành phải mua một miếng đất nhỏ sát biển để cất Villa de Tony, Rạch Giá Campus (các bạn coi hình chụp để biết Tony nổ banh nhà lồng đến mức độ nào). Đến Tắc Cậu, chúng ta phải thử giống dứa ngon nhất thế giới (dân ở đây gọi là quả khóm, họ nhà dứa/thơm). Khóm Tắc Cậu ngọt đậm đà nhưng lại chua thanh nhẹ, ăn không bị rách lưỡi, gọt bỏ vô tủ lạnh chút lấy ra, cắn một miếng nước bắn ra khóe miệng, xộc lên mũi mùi hương dịu dàng thuần khiết của cả đất trời phương nam. Từng ăn dứa ở Philippines, Hải Nam Trung Quốc, Indonesia, Mexico, Paraguay, Myanmar…nhưng Tony vẫn thấy trái khóm Tắc Cậu mới là đỉnh của đỉnh.
Giá khóm Tắc Cậu cao 3-4 lần so với khóm thông thường, dùng để ăn tươi chứ không nấu canh chua/kho cá vì uổng. Tony cứ mùa này là ăn trái cây nhiều hơn ăn cơm, sản vật trời đất mùa nào thức đó, mùa này có vải, có mận, có xoài, có dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, ổi, dâu da…Chúng ta nên ăn hoa quả cho cơ thể trở nên thanh cao quý phái, gương mặt thanh tú đáng yêu (tui ghét mấy người ăn thịt nhiều nên mặt chằm dằm ú nu, nọng xệ xuống cằm, bụng bự mắt híp nhìn xôi thịt).
Và các bạn trẻ, tối nay chúng ta cùng nhau học một đoạn trong bài Hoa Tím Bằng Lăng nhé
“Gió lên lay động hoa bằng lăng thướt tha
Hoa diễm kiều, hoa mặn mà
Màu hoa tươi thắm lắm hoa ơi
Cũng như câu chuyện tình ta ngát hương
1. Con rạch Cái Thia chảy về Tắc Cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên……..nhà. Trời tháng tư, em mặc áo hoa cà. Qua ngõ nhà anh, em kéo nghiêng vành nón, giả bộ vô tình làm rớt cánh bằng lăng. Em rón rén lượm gói vào chiếc khăn, cất cẩn thận vào trong áo gối, đêm đêm nghe tiếng quốc gọi hè, anh có nhớ em (thì hãy) vuốt ve cánh bằng lăng tím nở.
2. Hai đứa thương nhau chỉ biết nhìn nhau e thẹn, em nhát quá không dám nói với anh, dù chỉ một đôi lời. Len lén nhìn em, anh bắt gặp em cười. Hàm răng trắng cắn đôi hột lúa, mắt thẫn thờ, chầm chậm ngó mây bay. Anh nói thầm mây đẹp lắm mây ơi, mây trắng quá như tình ta trong trắng. Em bẽn lẽn cuối đầu nín lặng, má ửng hồng, trong vành nón che nghiêng…”
Hãy hát vang nhé đoạn sau: “Đêm đêm bạn có nghe tiếng cuốc gọi hè, có nhớ Tony, thì hãy…LÀM VIỆC NHÀ, ĐỌC SÁCH, TẬP THỂ DỤC THỂ THAO, GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC, HÀO SẢNG, DỄ THƯƠNG, GIỎI GIANG, NĂNG ĐỘNG…”
Nói giỡn chớ chỉ ca bài của soạn giả Linh Châu thôi, bài của soạn giả Tony ca gì nổi.
Ngày chủ nhật của em


Sáng nay cùng nhóm bạn trẻ ngồi uống cà phê, có một bạn nói vui “đi thực tập sinh nông nghiệp ở Israel, biết đâu sẽ tìm được nàng Fatima của đời mình”, các bạn con dượng đều cười vì hiểu. Có 2 bạn khác không cười (không nằm trong Clb con dượng) vì không biết đang nói cái gì. Hai bạn này có học qua đại học, có biết chữ nhưng không đọc vì lười, mỏi mắt, chỉ thích coi clip hài. Nên đầu óc đơn giản, nói các vấn đề tư duy trực tiếp như ăn uống thì được, các câu có ý nghĩa sâu xa hay bóng bẩy ẩn ý thì không hiểu được, không nói được. Nên thu nhập cũng thấp hơn, cả đời không đi đâu xa được, không biết thế giới rộng lớn đẹp đẽ như thế nào. Nhìn 2 đẳng cấp, 2 lé vồ khác nhau quá xa.
Có nhiều bạn tiếng Anh giỏi nhưng khi nghe Tây pha trò, nói về một điển tích thì các bạn không cười vì không hiểu nội dung. Nguyên nhân là do ít đọc sách, nhất là các tác phẩm bất hủ thì càng phải đọc. Hoà nhập quốc tế, đẳng cấp là những tác phẩm văn học mình lĩnh hội được, là cơ thể khoẻ mạnh tráng kiện không thở hồng hộc khi đi 1 bộ dưới tàu điện ngầm xe buýt, lưng thẳng, đừng ham đi xe máy lưng cong vòng, tay lúc nào cũng đưa ra trước. Có phương tiện công cộng là mình ưu tiên, đừng ham tiện lợi cá nhân nữa.
Muốn làm cái gì lớn cho đời, cho mình, nên đọc. Today a reader, tomorrow a leader. Một ngày chủ nhật dành trọn buổi sáng cho việc làm việc nhà, dọn dẹp quét váng nhện lau chùi sắp xếp giặt giũ mọi thứ không còn hạt bụi nào, sau đó nhìn ngó động não xem thử làm thế nào để chỗ ở của mình đẹp hơn, gọn gàng hơn, khoa học hơn hay không. Trồng thêm cái cây xanh cho có ô-xy. Phụ giúp người khác để ai cũng hài lòng về mình, gặp gỡ bạn bè, sau đó chiều mát mát đi chơi thể thao, chạy bộ, đá bóng, tập gym, cầu lông tennis, xong rồi về tạt ngang nhà sách mua về tối đọc trước khi ngủ. Tóm lại là làm việc nhà, giúp đỡ người khác, cà phê bạn bè, thể dục thể thao, đọc sách…Không karaoke hay đi ăn uống, ngủ nghê suốt kiểu phàm phu tục tử.
Các cuốn bị yêu cầu đọc và gửi bài cảm nhận là Quốc gia khởi nghiệp và Nhà Giả Kim. Bạn nào đã đọc 2 cuốn này rồi thì đọc cuốn thứ 3 You can win, tập đọc và gạch đít hay bôi màu những câu hay, những dòng tâm đắc. Đối chiếu bản thân và ra quyết định thay đổi sao cho tốt đẹp hơn như thế nào?
Hình minh hoạ: khách Trung Quốc và khách Tây ở phòng chờ sân bay quốc tế. Nên hôm bữa admin đang nghịch điện thoại trong mấy tiếng ở phòng chờ sân bay ở Pháp, một ông Tây hỏi are you from China?
Toiden de Tony

Sáng mai, trong khi các bạn nam trồng hoa giấy hay sơn sửa lại nhà cửa, các bạn nữ làm tỏi đen nhé.
Bạn nào ở Hàn hay Nhật sẽ biết giá tỏi đen mắc kinh khủng như thế nào. Tỏi đen không phải là giống tỏi mới mà là tỏi thông thường được lên men vi sinh. Tỏi đen là dược liệu số 1 về khả năng chống ung thư, chống cholesterol trong máu, giúp da dẻ trắng hồng, bí quyết trường thọ của người Nhật. Tỏi đen ăn rất ngọt, có vị bùi như hạt dẻ. Tỏi Phan Rang hay Lý Sơn khi làm ra tỏi đen thậm chí còn ngon hơn tỏi Nhật vì hàm lượng garlic oil trong tỏi mình rất cao.
Mình đầu tiên lựa các củ tỏi lớn, càng lớn càng tốt. Sau đó mình ngâm trong bia (mua bia nào cũng được, chủ yếu để lấy men vi sinh trong bia). Mình sẽ ngâm cả củ tỏi trong bia khoảng 15 phút, vớt ra xếp vào nồi cơm điện.
Cắm điện, nhớ chỉ để nút warm, tức nút giữ ấm. Đúng 10 ngày sau, các bạn sẽ có những củ tỏi đen cực ngon. Tuy nhiên, các bạn nên làm nồi cơm điện loại tốt, và có mặt ở nhà thường xuyên. Còn tốt nhất, nếu bạn có thể làm thì đầu tư một cái máy mini làm tỏi cũng không đắt lắm. CÁC BẠN CÓ THỂ TIẾT KIỆM ĐIỆN BẰNG CÁCH BAN NGÀY ĐEM CẢ NỒI CƠM ĐIỆN PHƠI CHỖ ÁNH NẮNG MẶT TRỜI RỌI VÀO, KHÔNG MỞ NẮP NHÉ, NHIỆT ĐỘ BAN NGÀY TRÊN 30 ĐỘ ĐỦ MEN VI SINH HOẠT ĐỘNG. BAN ĐÊM LẠI TIẾP TỤC CẮM ĐIỆN.
————————————————-
Ngày xưa, có một vương quốc nọ có một cô tên Thuỷ (Phù Thuỷ) xinh đẹp lắm, vì hay ăn giá đỗ đậu nành. Sáng nào cô Thuỷ vô nhà tắm cũng hỏi
“gương kia ngự ở trên tường
trần gian ai đẹp được dường như ta”
lần nào gương thần cũng im lặng. Cái có lần, cô Thuỷ vừa cất tiếng hỏi, gương thần trả lời
“Xưa kia người đẹp nhất trần
ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn”
Cô Thuỷ tức quá đi tìm cô Tuyết. Núp ngoài cửa sổ nhìn vô, thấy cô Tuyết đang loay hoay làm tỏi đen trong nồi cơm điện, lại share trên facebook nên ai ai cũng biết làm.
Cô Thuỷ về nhà, cũng làm cũng ăn, thấy nhan sắc mình đẹp lên từng phút. Máu huyết lại lưu thông, cơ thể đầy sức sống. Cô Thuỷ lại vào hỏi gương thần. Gương thần liền đáp
“xưa kia Tuyết đẹp nhất nhà
nay ai ăn tỏi (đen) đều là cô tiên”
———————————–
Mình cùng nhau coi clip này và làm nhé. Các bạn có thể nghiên cứu sâu để xuất sang Hàn Quốc. Hiệp định thương mại vừa ký với họ, Hàn Quốc sẽ mở cửa để nhập tỏi, gừng, ớt..của Việt Nam để làm kim chi và tỏi đen sẽ là một mặt hàng bán với giá khủng.
https://m.youtube.com/watch?v=j7bUAte18_4
Bạn nào thành công gửi tặng Tony một ít tỏi đen nhé. Tony cũng muốn “muôn phần đẹp hơn”.
Hoa giấy nhà ai…

Khí hậu trái đất càng ngày càng nóng do hiện tượng ấm lên toàn cầu, tuy nhiên mình vẫn tận dụng được cơ hội để làm đẹp cho đời. Khí hậu nóng rất thích hợp để trồng hoa giấy, thử một giàn trước cửa ngõ xem sao. Chỉ có 4 cái trụ sắt hoặc 4 cây tre, rồi lấy dây thép quấn quanh, thế là thành 1 giàn hoa giấy, chỉ bỏ công 1 buổi sáng chủ nhật là xinh tươi một góc nhà (lên kế hoạch làm ngay đi nhé các bạn). Xin hoặc mua 2-3 dây hoa giấy có màu sắc khác nhau về trồng. Hoa giấy trồng không cần tưới nước nhiều, cả tuần tưới 1 lần (tưới nhiều nó chết, giống trồng gừng). Admin vừa nhờ 1 bạn trồng hoa giùm, đưa tiền mua sắt xi măng để làm, thì có ý kiến sẽ nói thôi khó trồng lắm, trồng chi, hoa rụng quét mệt lắm, cái gì cũng bàn ra. Hoa rụng thì quét, phải lao động chân tay. Cuối tuần phải cắt tỉa hoa, như người dân các nước khác ấy. Lao động học tập một tuần, cuối tuần là chăm sóc nhà cửa, dọn dẹp, gọt tỉa cành,…rất rất thú vị và văn minh.
Nhà mình, cơ quan mình dù chỉ có 1 m2 vuông đất thôi cũng nên xới lên đặt cái cây gì đó vào. Một góc trống trong chung cư cũng nên đặt 1 chậu hoa cho tươi mát. Có cây xanh xung quanh sẽ tăng ô xy để cho phổi khoẻ.
Ở Hội An người ta trồng hoa giấy rợp trời, nên dù khí hậu nóng bức, đi trên đường vẫn thấy lâng lâng. Tư duy khác thì cái nhà sẽ đẹp hơn, con người sẽ đẹp hơn, xã hội sẽ đẹp hơn.
“ Vẫn xa vời và ngút mắt mênh mông,
hết nửa dòng sông và mấy cánh đồng.
Hoa giấy nhà ai trông đỏ quá
Trưa em về, anh có đợi em không?”
(Thì thầm với dòng sông, Thuận Yến)
Lịch sử hãng xe Khởi Á


KIA có nghĩa là Khởi Á, vượt lên, ra khỏi Á Châu, là hãng xe đầu tiên của Hàn Quốc.
Năm 1944, Khởi Á được thành lập, ban đầu chỉ là một cơ sở sản xuất phụ tùng xe đạp. 7 năm ròng rã, người Hàn mới ra đời được chiếc xe đạp của riêng mình vào năm 1951. Năm 1962, họ thử sản xuất xe lam, một loại xe 3 bánh có động cơ. Ngay lập tức, đường phố Seoul tràn ngập dòng xe này, chở học sinh đến trường, công nhân đến nhà máy. Năm 1974, chiếc xe hơi hoàn chỉnh đầu tiên được ra mắt công chúng.
Hãng Khởi Á liên tục phát triển đến khi lâm vào khó khăn do khủng hoảng tài chính châu Á 1997, và được hãng Hyundai (tức hãng Hiện Đại theo phiên âm Hán Việt) chi phối cổ phần cho đến nay.
Hiện nay, xe Khởi Á đã được bán rộng rãi ở mọi thị trường, hoàn thành tâm nguyện của người sáng lập. Xe hơi Khởi Á hiện chiếm 3.5% thị phần toàn cầu.
“Hành trình vạn dặm đều khởi đầu bằng 1 bước chân”. Bạn cứ ước mơ, không ai đánh thuế mà ước mơ nhỏ xíu…
Cách giảm lượng xe máy đậu trước quán ăn cửa hàng

Một quán cà phê mang đi (take away) ở Ý có sáng kiến in các câu nói hay, các câu nói đổi đời (best quote) của nhiều danh nhân lên ly cà phê. Họ nhận thấy khi người ta ngồi đăm chiêu nhìn ly cà phê, lúc đó một câu nói nào đó có thể gợi cho họ ra nhiều ý tưởng mới. Họ có thể in ra giấy để dán lên ly lúc nhân viên rảnh rỗi. Hoặc in cố định vào ly sành sứ thuỷ tinh. Lúc không có khách, nhân viên sẽ dán lên ly hoặc dọn dẹp lâu chùi từng mm quán để lúc nào cũng có việc để làm.
Họ cũng có chương trình đổi vé xe buýt để giảm giá, ví dụ 10 vé xe buýt sẽ được giảm 30%, điều này hạn chế lượng xe cá nhân đậu trước quán chật chội. Thậm chí đưa 30 vé họ free cho 1 ly cà phê Americano thơm ngon tuyệt. Nhiều cửa hàng thức ăn nhanh và cửa hàng quần áo, siêu thị…dùng giải pháp này khiến doanh số tăng vọt và giữ ở mức cao.
Ở các thành phố lớn của Việt Nam, các bạn chủ quán, cửa hàng, công sở… có thể áp dụng cách này để giảm lượng xe máy đậu ken đặc trước quán, cửa hàng, công ty, giúp mặt tiền mình thoáng đãng, lúc nào cũng đông khách. Ai đi xe buýt là được ưu đãi khủng.
Hình ảnh các cô cậu tai đeo nghe nhạc nhảy lên xe buýt trông thật đáng yêu.
Luyện tiếng Anh ở Philippines nếu học mãi ở VN không được

Nhiều bạn gửi mail nói mình học tiếng Anh mãi không được, dù rất nhiều khóa, nhiều thầy, nhưng qua Philippines học có 1 tháng mà lên ầm ầm, nhìn cái ly nước cũng nghĩ từ tiếng Anh trước từ tiếng Việt, tạo thành phản xạ lưu loát, từ đó đâm ra đam mê ngoại ngữ.
Khi hỏi nước láng giềng, mình hay nói Lào, Cambodia, Trung Quốc…thật ra còn 1 nước khác nữa là Philippines (The). Philippines cách nước ta có cái bể Đông. Hàng xóm này là trùm tiếng Anh ở châu Á do cổ họng của họ được trời phú khả năng bắt chước nói tiếng Anh như Mỹ, hát lại rất hay. Giáo dục của họ là tiếng Anh bắt buộc từ lớp 1, tiếng Anh là “second language” ngôn ngữ thứ 2 chứ không phải là NGOẠI NGỮ (foreign language). Trong các nước có giáo dục tiếng Anh bắt buộc ở châu Á là Phi, Sin và Ấn, thì Phi nói hay nhất.
Nếu bạn có vài ba chục triệu, nên đến đây để học. Nó bắt học ác lắm,từ mờ sáng đến khuya, ăn cũng nói, tắm cũng nói. Coi như mình sống trong 1 nước nói tiếng Anh luôn thì làm gì chẳng khá lên được.
Rất nhiều du học sinh Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan đang không biết tiếng Anh hoặc lèo tèo kiểu dạy toàn văn phạm của giáo dục nước họ, chỉ sang đây 3 tháng mà IELTS từ 5.0 trở thành 7.0 luôn. Chi phí 3 tháng cũng chỉ vài ba ngàn USD, 1 tháng cũng có, 2 tháng, 6 tháng, 1 năm cũng có khóa. Người đi làm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc lâu lâu off 1 tháng, qua đây rèn tiếng Anh cho lưu loát, còn người Mỹ/Úc thì qua dạy…Các bạn xem lượng khách đến đây sẽ rõ.
Các bạn search “học tiếng Anh ở Philippines” hoặc “study English in the Philippines” sẽ tìm ra trung tâm phù hợp túi tiền và thời gian của mình.
Có tiếng Anh thì có cơ hội tiếp cận mọi thứ với thế giới bên ngoài. 50 tuổi học vẫn lưu loát như thường, vì chỉ là 1 ngôn ngữ, không khó như các bạn nghĩ. Về ứng dụng buôn bán quốc tế, đón đưa khách du lịch, xuất khẩu…cái gì cũng kiếm được nhiều tiền. Về xuống sân bay mẹ già ra đón, mình Hello mommy cho bà ngạc nhiên chơi. FB status viết tiếng Anh luôn cho Tây nó follow, đại loại today I am eating real noodle (hôm nay tao ăn bún riêu). Vậy đi. Bạn bè mình sao toàn Na, Ổi, Mít, Xoài không vậy? Phải có Peter, Marie, Sasaki này nọ…
Hạc hạc hạc. Sống lại đời sinh viên nào. Mà du hạc sinh mới ghê.
“Bài ca sinh viên ta hát
Có nắng ấm ban mai ửng hồng
Tuổi sinh viên theo năm tháng
Trang giấy trắng ước mơ tràn đầy
Hàng me đang thay lá mới
Cất tiếng hát bay cao trời mây
Đàn chim hôm nay đã lớn
Ta vẫn nhớ mãi sân trường này
Tới những chân trời mới
Kìa Tổ quốc biết bao tươi đẹp
Tới những công trình mới
Dệt nên những ước mơ cho đời
Ta yêu một ngày mai
Bàn tay ta biến sông thành điện
Đi đi nào bạn ơi
Dệt lên những ước mơ cho đời”.
Mũ che tai cho thị trường xứ nóng

Hôm bữa ad đi Singapore tham dự một hội chợ triển lãm, có 1 doanh nghiệp của Trung Quốc tham gia trưng bày các loại mũ chuyên che tai, che gáy, thấy khách bu đông lắm. Ad bèn lê la lại hỏi, cũng dùng nhan sắc của mình cưa kéo cô chủ tên là Li, thì cô Li cho biết là thị trường các nước vùng xích đạo (Indo, Malay, Singapore, Thailand, Srilanka, India, châu Phi, châu Mỹ la tinh…) rất cần loại mũ này, vì tác dụng chống nóng, chống say nắng….nhưng rất lạ là không doanh nghiệp địa phương nào làm, họ phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Cô Li còn khoe là 2 ngày hội chợ mà đã ký được 4 container hàng xuất cho Sing và Malaysia. Cô tham dự các hội chợ may mặc thời trang để kiếm đơn hàng, và xưởng sản xuất của cô ở Quảng Châu có 300 công nhân.
Ad về tìm ở chợ Bến Thành thì không thấy bán, mà đây là một nhu cầu rất lớn cho khách du lịch.
Chia sẻ với các bạn trẻ, tự brainstorm đi nào. Làm chủ xí nghiệp may mũ xuất khẩu mang tên mình đi nhé, chuẩn bị gia nhập CLB May Mặc cùng Tony vì dạo này Tony en mẹc xấu quá…
Chuyện cuối tháng ở hãng em

Ở hãng Phượng Tím, cứ mỗi cuối tháng, mọi người kể cả Tony đều ghi một bản nhận xét, ghi rõ trong tháng qua đã làm tốt những gì, chưa tốt những gì. Có ma lanh phết phẩy tham lam tiền bạc của công ty hay không, có đi trễ về sớm và ăn cắp thời gian của công việc cho cá nhân hay không, có tự rèn luyện học tập ngoại ngữ chuyên môn thể dục thể thao không…Tự đó nhận xét đánh giá bản thân, giỏi đề nghị tăng lương, thưởng, đi công tác du lịch nước ngoài…vì em đã làm quá xuất sắc, hàng hóa sức lao động của em đã được tăng giá, công ty phải trả giá này thì em mới tiếp tục BÁN cho công ty. Còn em dở, làm biếng, thụ động, không học tập hay rèn luyện gì… thì xin trừ lương em, cắt thưởng em đi, HÀNG HÓA SỨC LAO ĐỘNG CỦA EM XUỐNG CẤP QUÁ RỒI, CÔNG TY LÀM ƠN LÀM PHÚC GIÚP THUÊ EM LÀM TỪ THIỆN ĐI, EM MÀ CÓ RA NGOÀI EM THẤT NGHIỆP NGAY…em xin lỗi rồi khóc.
Tờ này sẽ dán ở cửa để khách vào giao dịch trong lúc chờ đợi sẽ đọc. Ban đầu khi quy định đưa ra, có nhiều bạn bị bệnh SĨ đã nghỉ việc ngay lập tức. Một số khác cũng đã nghỉ vì không sửa được. Nhưng số còn lại quyết tâm. Và tháng nào cũng dán lên bản (coi hình).
Áp dụng cái này đâu có 3 tháng mà năng suất lao động tăng cao, ai nấy đều đẳng cấp sang trọng quý phái về tâm hồn cả. Gương mặt ai cũng toát lên vẻ tự hào vì mình là người giỏi giang, đồng tiền cầm trên tay rất xứng đáng với công sức đã bỏ ra, làm quần quật từ sáng đến khuya nên thu nhập rất cao, mùa thu là đi châu Âu coi lá vàng, mùa hè là đi New Zealand ngắm tuyết…
Học trò ăn cắp quay bài và nói dối, giáo viên phải trừng phạt nghiêm khắc, để lớn lên thành công dân có ích. Nếu giáo viên bỏ qua là lỗi của giáo viên. Để con cái ăn cắp và nói dối, lỗi tại cha mẹ không nghiêm, sau này khổ ráng chịu. Làm chủ hay lãnh đạo công ty nhà máy, phải nghiêm khắc với tụi nhỏ để sau này các bạn có thể làm nên sự nghiệp, có thể tự mở những doanh nghiệp riêng. Dù giờ chưa có tiền nhiều, nhưng bạn trẻ nào nếu có đạo đức và kỷ luật thì sau này đều có tương lại rạng rỡ cả.
Mọi giám đốc công ty, cha mẹ, thầy cô…phải cho tụi nhỏ đạo đức và sự nghiêm khắc. Có thể lúc đầu tụi nó sẽ phản đối (rất khó chịu là đằng khác, vì tâm lý ai chả thích quản lý qua loa để tha hồ nuông chiều sự dễ dãi của bản thân), nhưng mình cứ kiên quyết. Vì cho đạo đức và kỷ luật có nghĩa là mình cho tụi nó 1 cuộc sống thành đạt sau này, còn xuề xòa, nó tưởng lúc đó là sướng như thực chất là gián tiếp hại nó, vì làm càng ngày càng tệ hơn.
Ác đúng chỗ, là thiện. Thiện không đúng chỗ, là ác. Uốn từ lúc còn măng, tre rồi khó uốn.
Định nghĩa kỹ sư

Trên wiki” Kỹ sư vừa là một chức danh vừa là học vị của người được đào tạo hoặc thành thạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, người kỹ sư sử dụng óc sáng tạo, công nghệ kỹ thuật và hiểu biết khoa học để giải quyết các vấn đề thực tế, phát minh chế tạo ra sản phẩm khoa học kỹ thuật mới”.
Còn từ điển Oxford thì định nghĩa engineer là “A person who designs, builds, or maintains engines, machines, or structures”
Một kỹ sư thường tốt nghiệp trường đại học kỹ thuật. Khi ra trường, họ thường làm “sĩ quan”, tức chỉ huy thợ, vốn cũng là người kỹ thuật nhưng đào tạo ít hơn, chỉ biết công việc phải làm chứ không nắm vững được nguyên lý, không ra được bản vẽ, không phát minh ra cái mới như họ. Một kỹ sư sẽ phát triển các ý tưởng khoa học của họ thành các sản phẩm, công trình…tự mình hiện thực hoá hay bán ý tưởng đó cho nhà đầu tư có vốn.
Kỹ là kỹ thuật, sư là thầy, kỹ sư là bậc thầy về kỹ thuật. Cả trăm thợ mới có một kỹ sư, nên kỹ sư phải tạo việc làm cho thợ, thầy phải tạo việc cho trò.
Yes, you can.
Câu chuyện đi tìm cơ hội

1. Các bạn trẻ, may mắn, phúc phần nhất của 1 đời người chính là cơ hội được trao. Cơ hội không tự đến, mà phải chủ động tạo ra. Nếu chưa bao giờ hiến máu, hãy hiến (3 ngày sau khi hiến đừng vận động mạnh như đá bóng hay tập gym, sau đó sẽ bình thường trở lại), hiến máu rất tốt cho cơ thể mình và tạo mình có 1 profile tốt với vũ trụ. Máu bị siêu vi B không hiến được thì mình đi hiến tạng hoặc hào sảng phóng khoáng, tới cơ thể mình không tiếc thì mọi thứ với mình sẽ nhẹ nhàng hơn. Người ích kỷ sẽ luôn đau khổ, vì cứ sợ mất, nhất là tiền bạc, nên chẳng thế có được 1 cơ hội nào. Mọi cơ hội đều bị họ phá hỏng vì chút tham vặt vãnh, góc nhìn nhỏ hẹp, cái tôi lại to đùng.
Người tầm cỡ họ luôn nói với nhau là “Đừng bao giờ đầu tư vào người nghĩ nhiều về chi phí, về tiền bạc”. Vì họ không chịu mất tiền, thì mãi mãi chẳng bao giờ có thể làm nên cơ nghiệp lớn. Nghĩ về được/mất nhiều thì đầu óc kẻ đó vô cùng bé mọn, không tin người. Nghĩ về được/mất thì sẽ không có thời gian nghĩ ra ý tưởng và triển khai để có thành tựu được. Ai lăn tăn về chi phí, thì không nên kết giao nữa. Kêu đi, họ sẽ do dự vì sợ mất tiền.
Hôm nay, chúng ta sẽ nghe về 1 câu chuyện về cơ hội trong sách sử xưa.
Ngày xưa, có một anh thanh niên trẻ (lúc đó mới 15 tuổi) tên là Vương Bột, soái ca ngời ngời, thông tuệ, ăn nói xuất sắc, đầu óc thông minh, hiểu được những điều phức tạp, có năng lực và nếu có cơ hội, sẽ cống hiến tốt cho đời. Thế nhưng xuất thân từ dân thường, anh đợi mãi đợi mãi mà vẫn chưa có dịp thi thố tài năng.
Thế rồi 1 bữa nọ, chàng nghe tin là ở Đằng Vương Các có 1 buổi thi làm thơ, từ chỗ chàng đến chỗ đó tới mấy trăm dặm, trong khi chỉ có 2-3 ngày nữa tới bữa thi. Chàng nghĩ thôi, lại vuột mất 1 cơ hội, bỗng dưng có 1 ông già xuất hiện, nói cứ chuẩn bị sửa soạn hành lý và lên thuyền đi, nếu muốn thì “cả vũ trụ sẽ giúp sức” nhưng phải sẵn sàng lên đường đón nhận cơ hội. Chàng thoạt không tin nhưng nghĩ lại, nếu không tin thì thành người tầm thường mất. Cứ tin và làm theo đi, bất quá thì tới trễ hoặc quay về thôi. Thế là chàng lên thuyền, ai dè lúc đó có ngọn gió Trùng Cửu nổi lên (ngày 9/9 âm lịch), gió mạnh thổi thuyền đi với tốc độ tàu cao tốc bây giờ. Thế là chàng đến được Đằng Vương Các để thi. Người sau dùng câu “Thời lai phong tống Đằng Vương Các” để nói về cơ hội cho người trẻ, “thời lai” là đến thời, “phong tống” là gió hộ tống đi…ý nói sẽ có người giúp.
2. Thời Đường, tức khoảng thế kỷ thứ 7 đến thứ 10, là thời kỳ cực thịnh của phong kiến Trung Hoa. Một xã hội thịnh vượng, người ta ăn no mặc ấm sung túc mới nghĩ chuyện thơ văn múa hát. Thơ trong thời kỳ này thành một trường phái riêng, gọi là Đường thi (thi là thơ, tiếng Hán Việt). Chúng ta có thể biết nhiều nhà thơ lớn trong giai đoạn này như Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, Đỗ Phủ….Thời Sơ Đường tức thời kỳ đầu, có tứ kiệt tức bốn nhà thơ nổi danh thiên hạ, trong đó có Vương Bột, gọi là thần thi, vì viết thơ như thần, hay không bút mực nào tả xiết. Thiên hạ vô cùng yêu mến Vương Bột, vì nét nho nhã thanh tao của con người ông. Vương Bột tài hoa nhưng mệnh yểu, chết lúc 26 tuổi ở ….Việt Nam, khi Vương Bột sang thăm cha ở châu Hoan, tức Nghệ An ngày nay, bị bão số 7 ập đến (do cơ quan khí tượng thuỷ văn dự báo sai) nên ông bị đắm tàu chết, người dân địa phương đã vớt xác ông lên lập miếu thờ nay còn ở huyện Nghi Lộc (thời Đường, một số tỉnh ven biển Bắc Bộ nước ta thuộc quận Giao Chỉ, Bắc thuộc, mãi đến khi nhà Đường kết thúc năm 907, 31 năm sau đó, tức năm 938, Ngô Quyền mới xác lập lại chủ quyền của nước ta). Thế mới biết, người tử tế đàng hoàng thì ở đâu cũng được yêu mến. Nếu chúng ta tìm được miếu thờ của họ Vương và trùng tu, chắc chắn sẽ là một điểm tham quan vô cùng ưa thích của người phương Đông. Không thần tiên như Lý Bạch, không đời như Đỗ Phủ, thơ Vương Bột mang một nét riêng, thi trung hữu hoạ, tức trong thơ có tranh vẽ, đẹp đến nao lòng người.
Trở lại Đằng Vương Các, đây là một trong tứ lầu của thi ca, 3 lầu kia là Hoàng Hạc Lâu, Nhạc Dương Lâu và Bồng Lai Các, các bạn nên đi thăm thú và đề thơ (viết thơ) khi đến các thắng cảnh này nhé. Lâu là lầu, còn các là gác, giống như Khuê Văn Các ở Văn Miếu. Lúc đó, một ông quan họ Diêm mở tiệc chiêu đãi tao nhân mặc khách nhân dịp tết Trùng Cửu, tức ngày 9 tháng 9 âm lịch, có mời mọi tài năng cả nước hội tụ.
Hôm đó, ở Đằng Vương Các, họ Diêm vừa nhìn thấy thiếu niên mặt trắng họ Vương thì bĩu môi cả thước, tỏ ý khinh bỉ lắm. Con rể của họ Diêm là một người vô cùng nổi tiếng, mới ra đề “Đằng Vương Các Tự” rồi mời quan khách múa bút. Ai cũng biết ý của họ Diêm là khoe con rể hay chữ, nên không ai dám, trừ Vương Bột, do không biết “ai là ai” nên sáng tác ngay. Mấy câu đầu, mọi người đều cười chế nhạo vì không có gì xuất sắc. Nhưng đến 2 câu cuối, ai nấy nghe xong đều … thất sắc.
“Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”
“Lạc hà” là ráng chiều buông xuống, “cô vụ tề phi” là một con ngỗng trời cô đơn đang bay trên đường thiên di vào mùa thu để tránh mùa đông giá rét (ngỗng trời thường bay thành đàn, nhưng lẻ loi 1 con thì khá lạ, “thu thuỷ” là sông nước mùa thu, “trường thiên” là trời rộng mênh mông, “dữ, cộng” nghĩa là cùng với, chữ “and” trong tiếng Anh), “nhất sắc” là 1 màu.
Chỉ với 2 câu này, thiên nhiên tươi đẹp của cả vùng Nam Xương được nổi bật lên như một bức tranh. Cả hội ngỡ ngàng, nâng ly chúc tụng.
Bỗng dưng xảy ra 1 chuyện vô cùng kỳ lạ như báo trước được tương lai của chàng.
(Các bạn đón đọc ở kỳ sau. Còn bây giờ, các bạn chuẩn bị sẵn sàng đi, sẽ có “phong tống” các bạn đến Đằng Vương Các nào đó mà các bạn ấp ủ, mơ ước. Nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng nhé, hiến máu, học ngoại ngữ lấy chứng chỉ IELTS 6.5, tập thể lực để cao to khoẻ mạnh, đọc sách để gương mặt sáng, hào sảng phóng khoáng tư duy để người ta thấy thích kết giao, đừng sợ mất tiền để mua trải nghiệm, mua cơ hội đi đây đi đó, cơ hội gặp gỡ người nọ người kia. Nghĩ khôn vặt (kiểu đọc miễn phí trên mạng, cứ miễn phí thì lao đến, bỏ 1 đồng ra là cấu véo người ta cho lại tiền) hoặc livestream xem thay vì tận mắt chứng kiến, thì có hết cuộc đời này, cũng là kẻ vô danh tiểu tốt mà thôi.
Doanh nhân đầu tiên của Trung Quốc

Tỷ phú Dư Bành Niên (余彭年) vừa qua đời ở tuổi 93 (thượng thọ). Ông đã chuyển toàn bộ tài sản trị giá 9,3 tỷ NDT (2 tỷ USD) vào quỹ từ thiện của ông hoạt động trong nhiều năm nay. Dư là tỷ phú Trung Quốc đầu tiên thoát khỏi “tình thương mù quáng Á châu” khi cho đi toàn bộ tài sản của mình. “Nếu các con tôi tài giỏi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, thì gia sản này trước sau gì cũng mất”. Muốn con cái phồn vinh mãi mãi, thì việc đầu tiên là xác định “tiền ai nấy làm nấy hưởng”. “Bất cứ ai xài tiền của người khác, đều là người kém cỏi cả, trừ người khuyết tật và trẻ em dưới 18 tuổi chưa được phép lao động” – ông nói. Thương con thật sự là phải như vậy.
Ông khuyên mọi người không nên để lại tài sản cho con cháu vì như vậy sẽ hại con. Dù tài sản lớn như một cơ nghiệp hay chỉ là một miếng đất, một cái nhà nhỏ….đều không nên cho con cháu. Vì khi biết có tài sản thừa kế, thế hệ sau sẽ ỷ y vào đó, mất đi động lực, ý chí phấn đấu, cái quan trọng nhất để thành công.
Ông Dư sinh năm 1922 ở Hồ Nam. Năm 1958, ông tới Hong Kong làm đủ nghề để kiếm sống, từ lao công cho tới công nhân xây dựng, khuân vác, giao hàng… Sau đó, ông mở công ty bất động sản, du lịch, khách sạn, y tế.
Ông Dư là Chủ tịch hãng BĐS Foo Tak lừng lẫy, ông từng chia sẻ bí quyết thành công là làm tốt nhất nhiệm vụ mình được giao “Kể cả khi lau chùi toilet, tôi vẫn là người lau chùi sạch nhất”. Ông khuyên các bạn trẻ đừng nề hà việc gì, dù là lau chùi toilet để kiếm sống, rồi từ từ đi lên…
Vậy ông làm giàu để làm gì nếu không phải cho con cháu. Ông nói, “chỉ là để thỏa mãn đam mê, bung hết khả năng cuộc đời mình”. Còn con cháu, đó là những cá thể khác, chúng tự do sống khác.
Và người Trung Quốc đã tìm thấy người doanh nhân đầu tiên của mình.
Dặn dò sáng nay

” T
Hôm qua làm việc với khách cả buổi sáng, xong tới giờ vẫn không thấy báo cáo đâu vậy T? Tony hỏi thì T ngơ ngác, nói phải báo cáo à, tưởng chỉ nhớ trong đầu thôi chứ, trong ĐH không ai dạy cái này cả, mấy công ty cũ cũng không ai hướng dẫn. Đây là cách làm việc không chuyên nghiệp bạn nhé. Mai mốt mình gặp khách nữa, tới cả trăm cả ngàn người, nhớ sao cho hết?
1. Khi mình gặp gỡ bàn bạc bất cứ việc gì với ai, khi về nên xin lại email của người ta. Sau đó, mình làm một cái báo cáo nội dung trao đổi, email cho họ, kêu họ xác nhận nội dung làm việc có đúng không, có sót ý nào không, nếu sót nhờ họ bổ sung vào. Đưa thời hạn các việc phải hoàn thành, ví dụ: làm logo thứ 7 tuần sau là xong (đơn vị thiết kế X, ĐT liên hệ: Tèo 0903…), làm nhãn ngày 30/5 xong (Y phụ trách, ĐT…), các việc khác cũng liệt kê ra hết…
Email này nên soạn ra bằng file word, sau đó đọc kỹ lại mới gửi. Đừng để đối tác đọc một nội dung nháp. Dò từng chữ, từng lỗi chính tả, từng dấu chấm phẩy…, rồi mới gửi. Coi kỹ trong danh sách gửi có nhầm không, bí mật kinh doanh coi chừng lộ ra hết. Rồi quên đính kèm cũng là lỗi rất phổ biến của mấy nhân viên ngáo ngơ không được đào tạo. Văn bản viết phải rõ ràng, câu cú có chủ/vị đàng hoàng, không dùng câu què câu cụt trong giao dịch làm ăn. Nếu mình chưa chắc ăn vì kém tiếng Việt thì nên nhờ đồng nghiệp hoặc trưởng phòng coi giùm trước khi gửi. Gửi xong, gọi điện hay nhắn tin kêu người ta đọc email, vì không phải ai cũng check email thường xuyên. Họ phản hồi rồi, mình sửa lại nếu có, rồi in ra, lưu vào 1 file để trên bàn. Tuần sau, tháng sau…mở ra coi, đọc lại, việc gì chưa làm thì làm, tránh quên việc. Và mình gặp 100 người, thì có 100 tờ trên bàn, khi gọi cho khách mở ra, nói vanh vách cứ như mới gặp. Khách sẽ nể phục mình khen sao giỏi thế, nhớ dai thế, và họ cảm thấy phải nghiêm túc khi làm việc với mình, thấy được tôn trọng.
2. Lưu ý email của một người khác gửi tới mình, trước khi forward gửi cho 1 người khác nữa thì phải đọc kỹ, cắt bỏ những đoạn không phù hợp. Hôm bữa Tony nhận cái mail của bạn nhân viên công ty S Tourist báo giá cho đoàn khách của Tony tham quan Đà Nẵng, thấy còn đoạn sếp nó dặn dò phía dưới “cái này mình mua chỉ có 3 triệu, em cứ báo giá 10 triệu nhé, khách này đẹp trai mà ngu lắm, cứ chém đẹp cho chị”. Tony đọc xong mà ngồi khóc miết…
Có bữa đọc một công văn của một công ty nọ, đọc xong cũng ngồi khóc. Giám đốc gì mà ngáo ngơ, nhân viên viết sai tè lè chính tả vậy mà cũng ký tên đóng dấu vào. Đã làm sếp thì phải có trình độ, nhân viên làm sai phải bắt làm lại, đến khi nào chuẩn mới được, vì mình ký vào đó, đối tác sẽ khinh mình chứ không khinh thằng đánh máy đâu. Câu không có chủ ngữ, kiểu “căn cứ vào nội dung họp ngày 7/7. Chúng tôi cho rằng…”, câu đầu tiên là câu què, vì chỉ là cái mệnh đề chứ đâu phải cái câu đầy đủ mà có thể chấm. Dấu chấm chỉ đặt khi câu đó tách ra 1 mình vẫn có ý nghĩa, cái này tiếng Việt lớp 6 có dạy.
Mình lỡ trong thời gian đi học cứ toán lý hóa suốt để thi ĐH, xao nhãng môn tiếng Việt thì bây giờ phải đọc lại. Cách soạn thảo văn bản, cách viết đúng…là cái đầu tiên một nhân viên văn phòng phải học, tuyệt đối không được có typo (tức typing mistake/error-lỗi đánh máy). Nếu còn yếu tiếng Việt thì tuyệt đối không nên mở công ty, đừng soạn công văn xong gửi, người ta đọc và vứt vào sọt rác. Hay đang làm công ty cổ phần, người ta đề bạt mình làm sếp mình nên từ chối, nói còn yếu tiếng Việt, không xứng đáng ngồi vào cái ghế ấy. Còn mình là nhân viên, thấy giám đốc hay sếp mình mà kém tiếng Việt quá, thì đưa bài này cho họ đọc. Nói anh/chị đi bổ sung kiến thức đi, để xứng đáng là sếp em…
Những chú vịt biển

Có nhiều bạn ở các xã đảo, các vùng nước ngập mặn…hỏi TnBS cách phát triển kinh tế địa phương. Tony đã nắm thông tin về một giống vịt chịu nước mặn, tự bắt cá ở nước mặn/nước lợ, sinh trưởng nhanh. Tuy nhiên do công việc này nọ quên béng mất, hôm nay nhờ bạn Hong Nguyen nhắc lại mới nhớ. Cám ơn bạn Hong nhiều nhé.
Đôi nét về giống vịt này:
– Giống Vịt biển được công nhận theo Thông tư số 18/2014/TT-BNNPTNT ngày 23/6/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
1. Điều kiện nuôi:
– Nước mặn (nước biển)
– Nước lợ
– Nước ngọt
2. Đặc điểm:
– Tuổi đẻ: 20 – 21 tuần tuổi.
– Năng suất trứng: khoảng 240 quả/mái/năm đẻ.
– Khối lượng trứng: 82 – 86 g/quả.
– Khối lượng vịt thương phẩm: khoảng 2,3 kg/con.
Việt Nam có bờ biển trải dài 3444 km, trên 3000 hòn đảo và diện tích mặt nước (biển) rất lớn. Đó là một tiềm năng mà rất nhiều nước khác ví dụ Lào, Mông Cổ…dân ở đấy hẻm có nuôi được.

Hiện giống này chưa có trên thị trường, chỉ nuôi thử nghiệm ở Trường Sa, Phú Quốc với hiệu quả kinh tế vô cùng cao. Giống được cung cấp bởi TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VỊT ĐẠI XUYÊN thuộc VIỆN CHĂN NUÔI, Phú Xuyên – Hà Nội
Chúng ta nhất định phải lao động cật lực để mỗi cá nhân giàu sụ, rồi nước mình giàu hết biết là giàu.
Ban biên tập TnBS
Chiếc Samand trên bến Ninh Kiều
Người Iran tự hào ghi tên mình vào những dân tộc trên hành tinh này biết chế tạo xe hơi. Hãng xe IKCO là hãng xe lớn với gần cả triệu chiếc/năm, xuất khẩu đến hơn 40 thị trường ít ai để ý như Trung Á, Trung Đông, Trung Mỹ, Nga, Đông Âu…
Xe hơi là biểu tượng thịnh vượng cho xã hội ngày nay, giống 200 năm trước là xe ngựa, 100 năm trước là xe đạp, 50 năm trước là xe máy. Trung Quốc, Indonesia, Pháp, Mỹ, Anh… cho đến Srilanka, Mông Cổ…, xe hơi luôn là đề tài thú vị khi cánh đàn ông tụ tập với nhau. Các cô bé cậu bé trung học khắp thế giới vẫn “đố bạn” trong lúc ra chơi về logo của các hãng xe, thương hiệu Jaguar do nước nào đang sở hữu…Mô hình xe hơi thu nhỏ có điều khiển là mặt hàng đồ chơi trẻ em bán chạy nhất. Khắp nơi, người khá giả vẫn đi xe hơi riêng và đóng thuế xe, phí cầu đường, bãi đỗ… hỗ trợ người thu nhập ít hơn dùng các phương tiện công cộng. Sinh viên đang đi học, công nhân viên mới ra trường thì phải đi xe buýt, tàu điện, xe đạp…để tích luỹ tiền mua xe hơi.
Ở Iran, xe Samand được xem là quốc xa (national car). Xe hơi đi liền với công nghiệp luyện thép, công nghiệp chế tạo phụ tùng, cao su, nhựa, động cơ…nên không dễ thực hiện, phải bền bỉ đến cùng, dựa vào nội lực quốc gia chứ không thể dựa vào ngoại bang. Lịch sử cho thấy chưa có 1 hãng xe nào tới đặt nhà máy rồi bàn giao nền công nghiệp chế tạo ô tô cho nước đó cả, đơn giản họ đến để kiếm tiền từ thị trường đó. Họ ra đi thì chỉ để lại “kỹ năng lắp ráp” như đứa trẻ xếp đồ chơi Lego. Vì vậy, người Iran kêu gọi các kỹ sư về ô tô ngày đêm nghiên cứu để tạo ra dòng xe riêng, với tinh thần “work for our country”. Hỏng, làm lại. Xấu, làm lại. Mắc, làm lại… Ngày nay, hãng IKCO có đến 54000 công nhân viên với tài sản 32 tỷ đô, nằm trong bảng những nhà sản xuất xe lớn nhất thế giới. Xe của họ rất nặng, nhưng đi trên đường trường thì khỏi chê, đóng cửa kêu cái rầm nghe rất đã tai vì chất lượng thép tốt. Mặc dù bị cấm vận kinh tế nhưng đời sống của người Iran không mấy chật vật, vì ngoài dầu thô là tài nguyên thiên nhiên ra, họ còn nhiều lĩnh vực khác thu ngoại tệ. Người Iran vô cùng có đầu óc, mỗi cá nhân đều học như điên, làm hết mình, sẵn sàng hy sinh cái tôi cá nhân để lợi ích chung cho cộng đồng. Sự thành công ở các nước châu Á đều là do người dân chỉ ngủ có 5-6h/ngày, còn lại là ở công trường nhà máy công sở. Tinh thần ham thích sản xuất và say mê lao động chính là cốt lõi của sự thịnh vượng. Vì để sản xuất được, anh phải giỏi giang kỷ luật, có đầu óc tổ chức ghê lắm.
Tony đến Iran một lần chung với đoàn thương nhân Hồng Công, xúc tiến nhập khẩu hạt dẻ cười (một loại hạt) để bán cho thị trường Trung Quốc và xuất khẩu phân bón cho họ. Trên đường phố thủ đô, xe IKCO chiếm áp đảo. Anh bạn Aram, lúc đưa Tony đi ăn ở nhà hàng Hoa có tên là Gold Dragon trên phố Tooraj, có nói ở Tehran, có 3 hãng xe bán chạy nhất là Susuki của người Nhật, Peugeot của người Pháp và IKCO của người Iran. Với anh, và với bất cứ người Iran nào, nếu xe IKCO giá ngang bằng, tiện nghi chỉ 2/3 thì anh vẫn đi xe IKCO, because it’s made by Iranian. Anh nói việc dùng hàng nội địa là trách nhiệm bắt buộc của mỗi công dân, “phải dùng” chứ không phải “nên dùng”, dù không có quy định nào cả. Chính sự tự trọng với sản phẩm dân tộc mình sản xuất là chìa khoá thành công của các nước biết chế tạo xe hơi (số lượng các nước này chỉ đếm trên đầu ngón tay dù có hơn 200 quốc gia trên trái đất). Anh nói, người Iran chưa giàu bằng người Nhật người Pháp thì mỗi công dân Iran phải có nhiệm vụ làm cho người Iran giàu có lên. Thanh niên Iran vào buổi tối trước khi nhắm mắt ngủ, phải dành 15 phút chiêm nghiệm hôm nay mình đã làm được gì mới mẻ chưa, hay vẫn một ngày trôi qua chán òm như mọi ngày? Rồi buổi sáng thức dậy, vừa uống cà phê vừa suy nghĩ hôm nay phải làm gì để tốt hơn hôm qua. A better day than yesterday.
Khi mua hàng, họ hay hỏi người bán “cái này có hàng made in Iran không”? Vì với họ, mua một sản phẩm Iran sản xuất, một người Iran sẽ có việc làm, 1 đồng ngoại tệ sẽ ở lại, đồng tiền đó sẽ được tái đầu tư, sản phẩm sẽ càng tốt hơn, xuất khẩu lấy được 2 đồng về cho quê hương. Ở Iran, người học ngoại thương phải là học sinh giỏi nhất, học xong chuyên tâm vận dụng hết trí tuệ của mình bán hàng ra quốc tế. Họ thương thảo vô cùng giỏi, nên đến giờ, sau bao năm làm ăn với họ, cả trăm container hạt dẻ cười đã nhập cảng Qingdao, mà chưa có container phân bón nào Tony bán được cho họ. Thấy Tony buồn vì bị nhập siêu nên anh Aram an ủi, nói sẽ tặng Tony một chiếc Samand LX màu mận chín làm kỷ niệm. Nếu bữa nào bạn đến Cần Thơ (Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt đều có đường bay đến), bạn thử ghé quán cà phê Góc Phố dưới bến Ninh Kiều, bạn sẽ thấy một thanh niên cao 1m80, 90kg, ăn mặc áo choàng trắng trùm khăn trắng kín đầu, gương mặt thanh tú bước xuống xe Samand made in Iran để ăn trưa, thì đó chính là anh Aram qua Cần Thơ tặng xe cho Tony. Còn bạn ráng đợi thêm 15 phút nữa, một thanh niên “tầm cao 1m80, cân nặng 70 ký, thân hình hoàn toàn bình thường, rất hân hạnh được phục vụ quý khách” (bị nhiễm nói nhịu từ xe cân sức khoẻ ngoài phố) từ xe buýt bước xuống, thì chính là Tony Buổi Sáng. Gương mặt anh ấy đẹp quá đẹp nhưng thoáng buồn, vì nước Việt của anh có bao nhiêu kỹ sư mà hẻm ai chế tạo ra được chiếc xe hơi hay xe máy nào để anh có thể hất mặt lên trời với bạn bè quốc tế. Nên anh đành đi xe buýt hiệu Samco vậy, ít ra anh cũng có cái để nói đó là sản phẩm made in Vietnam.
P/S: Samco là tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, đơn vị sản xuất ra xe buýt, xe khách lớn với chất lượng khá tốt.
Cách chế biến hành tím, hati de tony

Thực phẩm màu tím rất tốt cho cơ thể, vì tính chống oxy hoá. Ăn củ dền, hành tím, khoai tím…sẽ giúp mình sống lâu và trẻ trung không già.
Hôm nay, TnBS sẽ hướng dẫn các bạn làm món dưa chua (pickle) kiểu Thái, dựa trên nguyên liệu hành tím đang ế của bà con nông dân.
Hành tím mua về, bỏ vào túi ny lông to, bỏ vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 1h, sau đó lấy ra bóc, sẽ không bị rơi lệ. Bí quyết này hẻm ai biết, trừ một số đầu bếp.
Sau khi bóc, rửa sạch, để ráo. Bỏ vào cái thau nhỏ. Bỏ muối ăn, muối hột càng tốt, không có lấy muối i ốt ăn cho thông minh hơn người. Một kg hành thì bỏ 250 hột muối. Sau đó, đổ giấm gạo (hoặc giấm vải Kim Ngân càng tốt) cho ngập ngụa củ hành. Lấy một bịch nylong đổ đầy nước bịt kín, đè lên trên để hành lúc nào cũng ngập ngụa trong nước muối dấm (hoặc dùng cái dĩa to đè lên, đừng để hành ló mặt lên khỏi mặt nước, có màu đen thui hong đẹp). Ngâm trong 3 ngày cho trao đổi chất, muối và giấm vào hành, vị hăng của hành bị thoát ra bớt.
Trong vong 3 ngày, cứ đi qua đi lại coi thau hành miết. Đúng giờ, lật đật vớt hành ra, xếp vào cái thố thuỷ tinh lớn. Bỏ thêm vào sả, riềng, ớt nguyên trái, lá chanh. Một lớp hành một lớp đường cát. Có thể ăn sau một tuần, lúc này hành có vị chua, ngọt, hơi mặn, ít hăng, thơm mùi đồ ăn Thái.
Khi ăn, lấy ra, cắt đôi hoặc cắt làm tư củ hành, bỏ vào nước mắm, dầm miếng ớt. Rất bắt cơm. Hoặc thịt luộc ăn kèm.
Có thể bảo quản pickle này trong 6 tháng, còn nếu để dành đến mùa đông thì nên đổ dấm vào cho ngập, bảo quản 1 năm. Không cần bỏ tủ lạnh.
Hãy tích cực ăn hành ủng hộ nông dân Sóc Trăng. Bạn gái mỗi người làm 3 hũ, một hũ báo hiếu mẹ cha, một hũ tặng cô bạn thân hay đồng nghiệp hay sếp, ý nói đừng có hành hạ em nữa. Còn một hũ đem tặng chàng trai nào mình yêu mến, ý nói, em tặng anh hành tím, màu thuỷ chung đợi chờ, đây là tất cả tấm lòng của em.
Nó sẽ xiêu lòng, say đắm mình ngay. Một mối tình hành tím có thể sẽ bắt đầu. Mình muốn lấy lòng chàng trai người Tây thì mình ngâm hành Tây, lấy lòng chàng trai người Nhật thì ngâm hành Nhật, còn mình muốn lấy lòng chàng trai người Kinh thì minh ngâm hành tím…Sóc Trăng.
Khởi nghiệp với nông nghiệp cho bạn trẻ Ninh Thuận

Ở nước ôn đới, đường ăn được sx bởi củ cải đường, còn ở các nước nhiệt đới, người ta lấy đường từ cây mía. Nhưng đường này là đường sucrose hay saccharose (hồi nhỏ hạc là xắc ca rô, hẻm biết ai phiên âm lạ quá) khó hấp thụ vào cơ thể, nhưng vì rẻ nên phổ biến. Đường thứ hai dễ hấp thụ vào cơ thể là glucose (hồi nhỏ được hạc là gờ lu cô da). Mấy chú xưa xưa phiên âm tụi con đọc mệt quá à, để luôn tiếng Tây cho tụi con dễ đọc. Chứ tổng thống Pháp cũ (Sarkozy) mà cứ gọi ông Xác Cô Di nghe kinh hãi quá…tưởng cô nào đó tên Di mới chết.
Đường glucose có trong mật ong, trái cây, nhiều nhất là nho. Nếu ban đêm bạn nằm ngủ mơ về nho, thì cơ thể bạn đang thiếu Glucose. Nên bổ sung ngay, tháng phải 2-3 lần ăn nho. Hôm bữa nghe ai nói “người ta giàu người ta ăn nho Mỹ. Tui nghèo nên tui đi Mỹ ăn nho”. Nhớ đừng mua nho Mỹ đẩy xe ngoài đường, nho Tàu mới chịu nắng nóng vậy, nho Mỹ phải bảo quản lạnh nên phải mua trong siêu thuỵ hay cửa hàng hoa quả. Còn nho Phan Rang thì chịu nóng vô tư, nên yên tâm nhé.
Nho được trồng chủ yếu ở các nước ôn đới. Các nước nhiệt đới trồng cũng được nhưng trái nhỏ, năng suất không bằng. Phan Rang Ninh Thuận là địa phương duy nhất của Việt Nam trồng được nho và nuôi cừu dưới dạng thương phẩm, vì đây là vùng đất có độ ẩm trong không khí thấp nhất của nước ta, do cái phễu Đà Lạt cách đó 100km hút hết hơi ẩm về. Mặc dù nắng nóng nhưng khô nên cừu không bị bết lông ( ẩm là cừu bết lông, nứt da, chết), và cây nho cũng ưa khí hậu khô, ẩm nhiều là bị bệnh, điển hình là mốc trắng sương mai, phải sử dụng các chế phẩm chuyên nho của hãng Phượng Tím mới trị được (bạn nào trồng nho ở Ninh Thuận email lại hãng để tư vấn cho nhé, hãng này giỏi lắm, cái chi cũng có. Nói đùa chứ làm gì có hãng nào Phượng Tím, tên hãng nghe lúa thái moẹ).
Gà cũng là một loại gia cầm ưa nóng, ưa khô. Thời tiết khô nóng sẽ giúp gà không bị bệnh, nắng diệt hết vi khuẩn chuồng trại. Ở xứ lạnh, người ta nuôi gà rất vất vả, phải che kín, dùng đèn halogen sưởi để duy trì nhiệt độ trên 26 độ C, riêng chi phí điện đã chiếm 20-30% giá thành sản xuất. Mình quanh năm nắng nóng, không ẩm…thì nên tận dụng lợi thế này. Mua tỏi giã ra để vô khai uống nước cho gà, cừu, vịt,…uống quanh năm, tỏi là một kháng sinh tự nhiên rất tốt. Có thể trồng cây Hoàn Ngọc để lấy lá xắt trộn cám, gà sẽ 100% không dịch bệnh.
Vậy ở Ninh Thuận, các bạn trẻ nên khởi nghiệp với nuôi gà, nuôi cừu, nuôi dê, trồng nho, trồng nha đam, trồng táo, trồng măng tây,…. Các bạn có tiền có thể sang Thái Lan, tham quan mô hình trồng nho của họ. Dù là nước nhiệt đới nhưng họ trồng được giống nho ôn đới giống rất đặc biệt, trồng thành luống chứ không phải giàn, y chang bên Pháp, Ý hay Chile. Mô hình du lịch tham quan vườn nho, nhà máy sản xuất rượu vang của họ cũng cực hay, trọn gói cũng rẻ có mấy triệu. Search Huahin Vineyard Winery nhé.
Ninh Thuận là tỉnh tiềm năng nhất về nông nghiệp ở nước ta. Tiềm năng vì nó lạ, nuôi cừu và trồng nho được quy mô lớn. Nắng cũng là đặc sản, rất quý, tận dụng để phát điện (công trình nào cũng nên gắn tấm pin phát điện trên mái, sẽ đỡ nóng và phía dưới xài điện thoải mái, lúc nào cũng mát rượi). Nước hơi khan hiếm, nên xây dựng thật nhiều bể chứa để hút nước vào mùa mưa (mùa này), sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt nữa là thắng. Chi phí đầu tư khá lớn, nên nhiều bạn phải hùn nhau làm. Bù lại thì giá đất nông nghiệp rất rẻ, sở hữu được vài chục hec dễ dàng.
Các bạn đi Ninh Thuận khảo sát nhé. Hiện có 1 nhà máy rất lớn ở đây là Yến Việt, sản xuất các sản phầm từ Yến Sào. Một số nhà máy chế biến nông sản. Mình cũng có thể ủng hộ để bà con Ninh Thuận có nhiều công ăn việc làm hơn.
Tầm vóc người tài năng là đi nhiều, đi khảo sát nhìn ngó và kêu gọi anh em bạn bè đầu tư làm ăn với mình. Còn nhỏ thì đi khảo sát các tỉnh trong nước, trung niên thì bắt đầu đi các nước khảo sát làm ăn đầu tư. Tụi Nhật, Hàn, Trung, Đài, Singapore, Mã Lai, Thái Lan….đều năng động như vậy cả, đi ghê lắm. Tỉnh nào, nước nào cũng đi tìm cơ hội làm ăn. Người Việt cũng phải giỏi giang như thế. Không có thụ động chờ người nước khác, xứ khác đem tới ban bố công ăn việc làm cho mình nữa. Giỏi là phải đi tỉnh này tỉnh nọ làm ăn. Cả tháng mà chưa đi đâu khỏi tỉnh thành của mình thì làm ăn gì. Người thụ động vậy chỉ phụ thuộc người khác thôi. Một đời rất khổ vì phụ thuộc.
Vậy nhé, các bạn trẻ ở Ninh Thuận cố gắng lên. Khi có sản phẩm, TnBS sẽ quảng cáo giúp các bạn có đầu ra. Cứ lập fanpage và post mọi thông tin sản phẩm lên đó.
Cách phân luồng và quản lý đám đông

Chuẩn bị Tết, các ngôi chùa/đền/miếu nổi tiếng ở châu Á đều lắp đặt hệ thống phân luồng, xếp hàng giống như trong sân bay. Họ bố trí 1 cửa vào và một cửa ra, sao cho lượng người vào tương ứng với lượng người ra, đảm bảo trong chùa/đền/miếu lúc nào cũng không xảy ra chen lấn.
Nhang (hương) cũng cấm mang vào trong chùa, bằng cách không bố trí bất cứ lọ cắm nào, chỉ có nhang vòng trên cao của nhà chùa tự đốt, hương thoang thoảng thanh tịnh. Nếu muốn đốt nhang, vàng mã thì làm bên ngoài, nơi có cái bồn rất to.
Chúng ta có thể học tập kỹ năng quản lý này, cho các ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam như chùa bà Bình Dương, miếu bà châu Đốc, chùa Hương….Và cả những nơi đông người bằng cách phân luồng như thế này, chỉ là những sợi dây nhỏ nhưng nhìn thấy nó, người ta sẽ có ý thức tốt hơn.

Hình trong comment là cảnh xếp hàng mua xăng ở Indonesia. Lúc đầu họ cũng lộn xộn, chen nhau, nhưng các cây xăng đều từ chối phục vụ người chen tới trước. Họ căng dây ny-lông thành cái lối vào, lối ra, đúng một chiếc có thể chạy đến trạm bơm, chen ngoài sợi dây coi như không phục vụ.
Sau một vài năm, thói quen xếp hàng thứ tự bỗng dưng hình thành và họ bỏ dây ny-lông ra, người ta vẫn xếp hàng chờ đến lượt mình. Nên chân người Indonesia không ai bị sẹo do bỏng bô xe máy.
KHÉP LẠI NHỮNG HẸN HÒ

“Những hẹn hò – từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng, như mây
Chút nắng vàng – giờ đây cũng vội,
Khép lại từng, đêm vui.
Đường quen lối, từng sớm chiều mong
Bàn chân ai, qua đây ngại ngần
Làm sao biết, từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm, yêu cho nồng nàn”
Đó là lời trong bài hát cuối đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bài “Như một lời chia tay”, dượng muốn mượn để tạm biệt các bạn tình nguyện viên chương trình “Ánh mắt học trò, là áo ấm mùa đông”, khi tất cả các nhóm đã mang áo lên vùng cao, tới đích. Và các fanpage tình nguyện Áo Ấm Mùa Đông trên toàn quốc đã đóng lại, chấm dứt sứ mệnh của mình.
Các bạn tình nguyện viên thân mến,
Đã đến lúc nói lời tạm biệt các bạn. Tình nguyện là một lửa, nó chỉ bùng cháy một giai đoạn. Hãy để ngọn lửa ấy âm ỉ mãi trong tim. Các bạn mới đi tặng áo về, còn rất “máu”, rất “sung”, đòi làm “ngay và luôn” các chương trình từ thiện khác, nhưng dượng không đồng ý. Không là không. Cứ kêu gọi ủng hộ mãi, sẽ rất nhàm. Mình cứ đam mê lao vào từ thiện, thì công việc chính, học hành sự nghiệp của mình sẽ ảnh hưởng. Không thể kêu gọi sự cảm thông mãi từ mọi người cho sự bê trễ các việc khác. Hai tháng “vác tù và” cho 1 năm, là đủ. Mọi thứ phải biết đủ, kể cả lòng tốt. Quan trọng hơn là phải nghỉ ngơi để sức khỏe phục hồi. Mới có thể lâu dài.
Cách làm này là do dượng tình cờ nghĩ ra khi muốn đào tạo các bạn thành những doanh nhân đúng nghĩa. Nó chẳng có bản quyền gì đâu. Lúc nông sản bị đổ đống, thì các bạn cứ ra tay giúp đỡ nông dân. Cứ mỗi mùa giá rét, hãy làm chương trình “ánh mắt học trò là áo ấm mùa đông”.
Có một số bạn đã thành lập công ty kinh doanh nông sản. Nhưng các bạn lưu ý. Đừng nhầm người mua hàng của mình là khách hàng. Họ KHÔNG PHẢI là khách hàng. Họ là NGƯỜI ỦNG HỘ. Chỉ khi nào họ mua dựa trên nhu cầu, thì lúc đó mới xuất hiện thị trường, đó là quy luật kinh tế.
Trong quá trình chỉ đạo, có lúc dượng nóng tính mà nói lời gay gắt với các bạn, mong các bạn bỏ qua. Cũng có những bất đồng nào đó giữa những cá nhân với nhau, với BTC, với người mua, với x, với y, với z. Thôi bỏ qua hết nhé. Có còn giận thì đổ hết tội lỗi lên đầu dượng là xong. Dượng mong các bạn nghĩ lớn, trái tim thật lớn để trở thành những Bill Gates của Việt Nam. Lúc đó, mình sẽ giúp được nhiều, mới có thể cho người ta những cơ hội. Những ngôi trường dạy nghề, những khu du lịch homestay, trường dạy ngoại ngữ, các cơ sở chế biến, các nhà máy xí nghiệp…mình mang lên đó, đặt ở Sìn Hồ, Mường Ảng, Pắc Nậm, Sốp Cộp, Mèo Vạc…, giúp người dân ở đó có công ăn việc làm. HÃY ĐẦU TƯ CHO MÌNH THẬT VĨ ĐẠI ĐỂ CÓ THỂ TỪ THIỆN CHO XÃ HỘI NHIỀU HƠN.
Dượng không phải là tỷ phú đô la, nhưng nước mình sẽ có tỷ đô la từ các bạn. 1000 bạn trẻ, mỗi bạn kiếm được 1 triệu đô la (21 tỷ) thì có phải dượng đã là tỷ phú đô la không. Có điều, tài sản này không nằm trong tay dượng. Khóc.
Các bạn thân mến,
Chia tay thì lưu luyến. Nhưng đừng níu kéo. Bạn bè, đội nhóm, tình cảm… mọi thứ TÙY DUYÊN. Trái đất hình tròn nên cứ có duyên, người ta sẽ gặp lại. La Quán Trung mở đầu tác phẩm Tâm Quốc Chí với câu nổi tiếng “phàm mọi việc trong thiên hạ, cứ hợp rồi tan, tan rồi hợp. Chuyện hợp tan – là chuyện của muôn đời”. Hàng ngàn năm qua trên trái đất này, người ta cứ sống, cứ giành giật, rồi giận rồi hờn, rồi yêu rồi thương, đủ mọi hỷ nộ ái ố…Lúc đó tưởng là ghê gớm lắm nhưng cuối cùng rồi mọi việc cũng nhẹ tênh như chiếc lá, vì mọi nhân vật trong các sự kiện đó đều chết sạch trơn, có ai sống mãi? Xã hội nào cũng có người này người kia. Người bình thường có lúc giàu, có lúc nghèo, có lúc tốt, có lúc xấu. Nhưng người nhân hậu thì mãi tốt. Mọi thứ đều phai phôi, duy chỉ có trái tim thương yêu là trường tồn, đập mãi. Trong nhịp đập trái tim của bao thế hệ sau…
“Muốn một lần tạ ơn với đời
Chút mặn nồng cho tôi
Có những lần nằm nghe tiếng cười
Nhưng chỉ là mơ thôi
Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại
Tưởng chỉ là cơn say
Đóa hoa vàng – mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay”
You will know my hand

Nợ nần dạo này dữ quá, bèn lên kế hoạch đòi nợ. Đầu tiên là chơi phong cách trí thức nhẹ nhàng. Sáng nay, một lá thư đã được fax từ VP Toni như sau
THƯ ĐÒI NỢ
Sàigòn, ngày… tháng… năm…
Kính gửi anh A,
Đầu thư, em không biết nói gì hơn là chúc anh thật nhiều sức khỏe. Anh ơi, dạo này công việc của anh thế nào? Anh có nghe không khí xuân tràn ngập, ngất ngây từng góc phố? Thời gian trôi qua nhanh quá anh nhỉ, thấm thoát mà đã 3 tháng rồi anh chưa trả nợ cho em. Hợp đồng số….số tiền là….(vào đề)
Em gửi thư này, mong anh thu xếp sớm cho em. Sắp Tết, ai cũng mong được vui vẻ trong mấy ngày này cả, phải không anh?
Cuối thư, em chúc anh vạn sự như ý, đọc được thư này nhớ hồi âm cho em nhé. Mến anh,
Em Tèo
P/S: Cán bộ đòi nợ bên em cũng nhẹ nhàng trí thức lắm, tuần sau nếu tiền chưa vô tài khoản thì sẽ đến ngồi giữa nhà anh giũa móng tay, lâu lâu liếc anh 1 cái thôi. Our hands, you know.
Đọc các bài báo về nhân sự Intel

Năm 2008. Trong 2000 kỹ sư tin học Việt Nam, chỉ có 40 bạn đạt tiêu chuẩn vô làm cho Intel. Chuyên môn thì không bàn vì các bạn đều đã kỹ sư, riêng 40 bạn này được nhận vào là vì giỏi ngoại ngữ (điều kiện cần) và có hoạt động đoàn đội công tác xã hội (đk đủ). http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx…
Năm 2012. Chỉ 4 năm, đúng phương pháp, các bạn trở nên vô cùng tài giỏi: http://chuyentrang.tuoitre.vn/Vieclam/Index.aspx…
Và hôm nay, các bạn lên ngôi
http://kinhdoanh.vnexpress.net/…/intel-dat-giai-doanh…
Các bạn trẻ ĐỪNG THẤT NGHIỆP nữa, hãy học thật tốt chuyên môn, điên cuồng say mê với ngoại ngữ vào, luyện tập thể dục thể thao đọc sách khí thế vào, tham gia mọi hoạt động đoàn đội tình nguyện hay làm thêm… để có street smart. Tony từng làm nhân viên tiếp thị dầu gội đầu (gõ cửa từng nhà), từng mua quần áo chợ An Đông về bán, từng kinh doanh nước mắm, từ giữ xe đạp, xe máy, từng làm doorman (mở cửa khách sạn), phát tờ rơi, phụ bếp, in lịch, làm card visit,…Nghề gì cũng kinh qua nên năm 3 là đã có bao nhiêu kinh nghiệm làm việc. Rồi ra trường vô làm các công ty, ai cũng thấy bình thường vì sự chững chạc của mình. Các bạn cố lên, thất nghiệp, làm lương thấp là DO CÁC BẠN lười quá. Thoát khỏi sự BAO CẤP của gia đình đi, tự bơi đi. Một thống kê ở Trung Quốc cho thấy, 100% sinh viên ra trường thất nghiệp là do 18 năm đầu đời cha mẹ không cho làm việc nhà gì, chỉ bắt ngồi vào bàn giấy học để vào đại học. Rồi 4-5 năm ĐH cũng không làm gì, cha mẹ chu cấp hết từ học phí đến sinh hoạt phí, rồi thậm chí thất nghiệp mà học lên thạc sĩ thì nhiều vô kể, cho du học tự túc về vẫn thất nghiệp nếu cha mẹ không có công ty.
Ngược lại 100% các bạn biết tự lập kiếm ăn trong suốt thời gian học ĐH đều có việc làm tốt, trở thành chủ doanh nghiệp, phỏng vấn “cho việc” bạn đồng môn. Đừng sợ chúng ham làm mà bỏ học, vì ai ham lao động đều ham học cả, chúng sẽ tự sắp xếp thời gian.
Các ông cha bà mẹ, các ông anh bà chị, thôi thoát ly cho cháu nó đi nhé, 18 tuổi rồi, đừng cho tiền chúng nữa, đừng quyết định chúng học cái gì, làm cái gì, gả chúng nó cho ai…Mình sẽ già sẽ chết, có nuôi mãi chúng đâu. Nó học ngành gì thì tùy nó, mình có học đâu. Nó lấy ai cũng tùy nó, nó lấy chứ mình có lấy đâu. Hổ mẹ nuôi con, đúng 3 tuổi (tuổi có khả năng sinh sản) là cắn, đuổi, ép bỏ đi, dù con hổ con nó khóc quá chừng vì tưởng mẹ hết thương nó. Nhưng tự nhiên là vậy, đó là tình thương và trách nhiệm thật sự. Vì nếu cứ tiếp tục săn mồi cho hổ con ăn, thì hổ con sẽ mất khả năng săn mồi. Hổ mẹ già yếu, chạy săn mồi không nổi nữa, lăn ra chết, thì hổ con cũng chết theo vì không có gì ăn. Con gà cũng vậy, lớn lớn biết đạp mái là mẹ gà cắn, đuổi, ignore, coi như không quen, tự bươi móc kiếm ăn đi….
Thế giới tự nhiên là vậy, sao mình lại làm khác?
Chuyện cái quần bơi

Sau 3 tháng bị Tony cho mấy liều doping tinh thần, các bạn trẻ toàn quốc đã thi đua sản xuất. Các xưởng cơ khí máy móc nói sao dạo này người ta tới đặt máy móc nhiều quá vậy. Rồi mấy cơ sở chai lọ bao bì cũng cười như bắt được vàng. Học sinh trường nghề thay vì tốt nghiệp và xin việc, đã tự sản xuất ở nhà bù lông ốc vít nút áo… Các bạn kỹ sư cũng vậy, thay vì nộp cái luận án “nhợt nhạt” để ra trường và xếp hàng “xin việc” như thế hệ cũ, đã tự vay vốn mở xưởng và gọi đàn anh đến “cho việc”. Nhiều sản phẩm đã ra đời, từ bếp điện tử đến bếp ga, bếp từ, bếp củi không khói….rồi nồi niêu xoong chảo, dao lam dao phay, kéo cắt giấy tỉa củ, nhíp nhổ lông mày. Có bạn còn sản xuất quần bơi phản quang (để đi bơi đêm, cả hồ bơi/bãi biển sáng lấp lánh các hình tam giác) tặng dượng 1 cái mà ngượng quá hẻm dám mặc (nói thiệt chứ hôm bữa có mặc thử, rình rình nửa đêm tắt hết đèn mặc vô thử có đúng 1 lần). Có bạn còn sản xuất bóng điện gì ném không vỡ, ánh sáng cao gấp 3 lần bóng thông thường, nó ném bẻo dèn trước mặt dượng sợ muốn chết. Rồi có bạn sản xuất tăm xỉa răng, kem đánh răng từ bột thảo dược, quánh vô răng thơm quá trời…Bạn nào không sản xuất gì cũng vội ra vườn lật đất lên, trồng tỉa cây gì đó. Nhóm trồng trọt và chăn nuôi đã mở rộng quy mô sản xuất với lời thề quyết tâm, NÔNG, không TIỂU NÔNG. NHÂN, không TIỂU NHÂN. THƯƠNG không TIỂU THƯƠNG. Cái gì mà tiểu tiểu là không chơi, trừ 1 cái bắt buộc.
Nhưng bây giờ, vấn đề là, sản xuất xong, ai tiêu thụ? Vì ông trời ổng ác ở chỗ, người có cái đầu kỹ thuật thì lại kém kinh doanh. Bạn Thành ở Bạc Liêu làm xong mấy chục cái nhíp nhổ lông mày hòng xuất khẩu cho các tiệm nail của người Việt, giờ không biết bán đi đâu, nên cứ ai ngang qua nhà là bị bạn Thành đè ra thử nghiệm sản phẩm. Thử nghiệm gì trụi lũi chân mày của người ta vậy Thành?
Để giải quyết bài toán trên, Tony bèn thành lập team bán hàng toàn quốc, mục đích chính là giúp các bạn có đầu ra, lợi nhuận thì dùng cho công tác từ thiện, chứ ngay bây giờ, còn nhỏ quá mà chia chác, trước sau gì cũng cãi vã giận hờn không nhìn mặt nhau, tư tưởng Tiểu Nông lại ùa về choáng ngợp tâm trí, gương mặt lại từ Hào Sảng đẹp đẽ trở lại Tiểu Nhân khôn quắt queo. Cứ tiểu nhân tiểu nông miết nhìn ớn quá tụi bây ơi.
Làm Làm Làm. Hạc hạc hạc. Lao vô đi các bạn ơi. Đừng ôm cái laptop và ipad ngồi đó NATO nhé. Dượng ghét mấy đứa NATO như ghét <cái hàng hóa dượng đang kinh doanh> vậy.
P/S: NATO là No Action, Talk Only. Tức mấy đứa không làm, chỉ nói. Mình coi nó có làm cái gì không, có thành tích hay thành tựu gì không, thì mới cho nói. Còn nếu nó chẳng có gì, có cái miệng nói không, thì mình nạt nộ, bảo đi chỗ khác.
Một lá thư từ nước Úc

“Gửi dượng Tony
Con là P, nhóm Marketing nông sản quốc tế mà dượng đặt tên là nhóm ‘ Gánh rau ra chợ Thế giới”. Hôm nay nhận được đề bài của dượng nêu ý kiến về câu “Văn minh nào có khó gì. Nhận thì phải nhớ, cho thì phải quên”, con xin được gửi bài viết ngắn gọn của mình như sau:
18 tuổi là cái tuổi đẹp nhất của đời người – giàu sức trẻ, hoài bão và ước mơ. Ở các nước Âu Mĩ, 18 là cái tuổi phải xa gia đình, sống cuộc sống tự lập, tự trang trải cuộc sống. Con cũng thế, năm con 18, con một thân một mình đến nước Úc này, bắt đầu một một cuộc sống mới.
Bây giờ ngồi nghĩ lại. Con đã nhận từ Việt Nam một quê hương, một tiếng nói.
Con đã nhận từ ba mẹ một hình hài, một cái tên và cả một sự hi sinh to lớn.
Con đã nhận từ Ngoại con một tình thương vô bờ bến, một sự chăm sóc rất đỗi dịu dàng những năm con còn nhỏ.
Con đã nhận từ em gái, một sự nhường nhịn, một sự thương yêu của tình máu mủ ruột rà.
Con đã nhận từ thầy cô là chữ nghĩa. Con đã nhận từ bạn bè những phút giây thân ái vui vẻ bên nhau.
Con đã nhận và nhận nhiều lắm, mà có khi con không nhớ.
Vậy con đã cho những gì?
Con thật sự chưa cho những gì cả. Đã vậy con còn mong muốn nhiều hơn.
Cảm ơn dượng về đề văn đã giúp con nhận ra được quá trình ích kỷ hóa của mình diễn ra như thế nào. Năm nay con 22 tuổi, cũng còn trẻ, đầy hoài bão và ước mơ. Song, vẫn như cậu bé chỉ biết vô tự nhận mà không màng suy nghĩ gì.
Giờ đã là lúc con nhìn lại mình. Con nghĩ mình quá bé nhỏ để có thể chia sẻ nỗi khó khăn của cả đất nước, nhưng con có thể chia sẻ những khó khăn của những người sống quanh mình. Từng bước, từng bước, con sẽ văn minh.
Con, P”
Một lá thư Birmingham

“Dượng,
Con qua đây mới thấy thấm và hiểu những bài viết của dượng. Có những chuyện con thấy rất kì lạ nhưng xảy ra hàng ngày ở Anh. Người ra trước khi xuống xe bus thì quay đầu “thank you” ông lái xe (con ban đầu ngạc nhiên vì mình trả tiền để đi mắc gì phải cám ơn). Hoặc mua hàng trong siêu thị khi tính tiền xong mình phải thank you bà thu ngân ?!? Con thấy ai cũng thank-you hết nên con mới bắt chước, lần đầu thấy lạ miệng nhưng rồi quen dần. Con đi ngáo ngơ đụng phải người ta thì người ta ngay lập tức quay lại sorry con dù con mới là người có lỗi. Nhân viên trong trường con học thì ai cũng lịch sự dù con từng hỏi rất nhiều câu hỏi.
Con mới biết là gần như tất cả hàng hóa mua ở Anh đều có thể trả để lấy tiền lại trong một tháng. Cậu con mua cái lò nướng bị hư, bỏ trong thùng mang đến trả thậm chí người ta không thèm mở thùng ra kiểm tra. Cậu nói muốn đổi lấy cái mới thì siêu thị nói ở đây tụi tao không đổi cái mới, chỉ trả tiền lại cho mày rồi mày tự đi mua cái mới =)). Làm ăn đàng hoàng kinh khủng luôn dượng.
Hôm qua con đi khám bác sĩ, dịch vụ y tế ở Anh là được miễn phí hoàn toàn kể cả cho du học sinh trên 6 tháng (chỉ phải trả tiền thuốc tượng trưng 8 bảng / 1 loại thuốc). Con rất bất ngờ là dù dịch vụ có thể xem như dịch vụ công nhưng nhân viên lịch sự vô cùng, con nghe tiếng Anh chưa rõ thì y tá vẫn vui cười và nói rất chậm rãi để con thấy dễ chịu, bác sĩ cũng rất lịch thiệp, con vừa bước vô phòng là cười và bắt tay như gặp đối tác…

Nhưng con cũng ngại vì nhiều lúc người ta nhìn mặt con và nghĩ là sinh viên Trung Quốc mới qua. Sinh viên Trung Quốc trường con mang tiếng lắm dượng, đặc biệt là nhóm mới qua. Dù giàu có nhưng đi đâu cũng phá nát toilet, mang đồ ăn uống vào phòng học dù đã treo biển cấm, ăn xong là xách đít đi bỏ lại bịch ny-lông hay ly cà phê, nói chuyện nơi công cộng như quán cà phê với âm lượng rất to, rồi móc cứt mũi, khạc nhổ, nhai kẹo cao su nhả xuống đất, đi xe bus tranh giành lên trước hoặc xuống trước, chen ngang lúc người ta xếp hàng, góp ý thì họ không quan tâm cứ như không phải họ. Văn hóa gì lạ quá dượng ơi. Cứ một toán sinh viên Trung Quốc tới chỗ nào rời đi là chỗ đó như bãi chiến trường vậy. Nên vô nhà hàng, có khách đoàn du lịch từ Trung Quốc hay Việt Nam mấy chục người vô ăn, là Tây nó cũng không phàn nàn gì mà nó bỏ đi tìm chỗ khác. Vì không nói chuyện riêng với nhau được. Âm lượng họ nói to quá mức cần thiết, không rõ tại sao.
Nhớ dượng nên con viết vài dòng cho vui, chúc dượng luôn khỏe”.
Thư của bạn N, du học sinh mới qua 2 tháng
Hình minh hoạ: các bãi biển Trung Quốc sau mùa lễ hội

“Dượng, con chép lên đây một cái “share” trong friend list của con nè, sau bài Xét duyệt học bổng do độc giả trao tặng
A: Share cho bạn nào quan tâm, cơ hội du học đây
B: Tao đăng ký rồi, đi châu Âu chơi sướng nhỉ. Mơ ước của tao.
A: Ông Tony nói mình có đạo đức là được thôi nhỉ. Mày gửi thư cho ổng chưa, nói gì trong đó?
B: Thì tao nói tao văn minh, hào sảng, hay giúp đỡ người khác, ổng giới thiệu tao đi sẽ không hối tiếc…
A: Thư mày gửi sao, gửi tao coi để tao bắt chước viết thư cho ổng. Sẵn xin luôn cuốn sách…
B: Ò, chút nữa đi.
Sau khi bài tuyển tình nguyện viên đi vùng núi trao áo ấm, A lại tiếp tục share
A: Dạo nài bị cuồng ông Tony òy.
B: Vụ j nữa đó. Tuyển tình nguyện lên vùng núi cao mà tự túc mọi chi phí, có thằng điên nó đi
A: Tao cũng nghĩ vậy, ông này nhiều lúc lý tưởng hoá mọi thứ. Có ai đi làm việc không công bao giờ, lại còn tình thương với từ thiện. Trẻ em vùng cao nó lạnh thì kệ nó chứ. Ông này làm chuyện bao đồng, dư thời gian lắm. Nói chung tao thấy ông Tony là người ngu mày ạ. Lại còn động viên đi hiến máu, máu dự trữ quốc gia hết thì kệ nó chứ.
B: Chắc ổng nói cho vui thôi chứ như vụ tình nguyện giải cứu cà chua đổ đống, tao không tin ai đứng bán mà không công. Nhiều lúc họ chia tiền mà không nói mình, hay mình đăng ký thử không, coi thế nào. Cũng tò mò mặt mũi ổng quá.
A: Hôm bữa bà cô tao đi mua cà chua, cũng chỉ đến để coi mặt ổng mà không có, nên bà cô tao mua có 2kg, vì đến hổng lẽ đi tay không về. Chứ ủng hộ nông dân gì mày, chuyện mình mình lo không hết.
B: Ừa, đúng là bọn người này rảnh thiệt. Coi cái thư xin học bổng đi, tao mới email cho mày đấy. Tao bịa tao còn giỏi hơn thằng Quân. Biết đâu ông duyệt cho tao với mày đi đợt này nhỉ.
A: he he”
Rượu mừng và rượu phạt

Rượu mừng mình không uống, thì phải uống rượu phạt. Đời là như vậy. Để Tony kể cho các bạn nghe câu chuyện này.
Có 1 nhóm tình nguyện nọ được Tony đi mượn phòng cho học, sau khi học xong đã để lại “1 chiến trường”, Tony bị người ta mắng vốn quá chừng. Nhiều bạn trẻ cứ có thói quen đến nơi nào đó sử dụng xong, để lại chai nước suối, rác, khăn giấy…ngay tại bàn. Hiện tượng này thậm chí còn diễn ra ở các chuỗi quán tự phục vụ như The Coffee Bean hay Starbucks, hay McDonald’s, và nhiều người ăn xong đứng lên bỏ đi, không biết mang cái khay đó đi cất vô chỗ có ghi chữ XẾP KHAY, và bỏ giấy, ly giấy, ống hút…đã dùng rồi vào chỗ có ghi 2 chữ THÙNG RÁC. Đến nhà hàng hay quán nước, nếu tự phục vụ thì phải để ý, nếu mình trả tiền trước, tự mang đồ ăn từ quầy thì phải tự mang đi dọn. Trừ ở quán người ta mang tới tận bàn cho mình thì người ta cũng sẽ đến lấy đi, quán này ở nước ngoài giá rất đắt.
Mặc dù thức ăn nhanh không tốt cho sức khoẻ nhưng cũng chẳng xấu, nó giải quyết cho nhiều người không có thời gian, nhất là buổi trưa ở trường học, công sở, chỉ có 1h-2h để quay trở lại chỗ làm việc, các nước phát triển về kinh tế đều vậy. Hiện nay, các cửa hàng tự phục vụ phổ biến, nhiều tiệc sinh nhật của HS tiểu học tổ chức ở đây. Nhưng nhiều ông cha bà mẹ vô tư không biết phải dọn đồ ăn thừa trước khi về. Ở nhiều gia đình khá giả ở thành phố, cứ tối tối, cha cầm cái ipad, mẹ cái Iphone, con cái laptop, vô tư nằm trên sa-lon và ăn quýt ăn nho ném xuống sàn, người giúp việc có nhiệm vụ phải dọn dẹp, vì trả tiền là phải làm. Nhiều bạn sinh viên ĐH vô tư bỏ hết những gì họ mang theo vào hộc bàn, nhắc nhở thì nói đó là nhiệm vụ của các lao công, vì đã trả tiền học phí. Vậy hem được nhé, mình nên dọn dẹp những cái gì mình đã bày ra.
Cũng có 1 bạn trách Tony việc xấu này sao lại post lên, hãy để kiểu “trong nhà bảo nhau”. Đây là một tư tưởng cũ quá cũ. Tony post cái này lên TnBS cũng để bạn trẻ khác rút kinh nghiệm. Hôm nay sĩ diện, kiểu “đóng cửa dạy bảo nhau”, ngay mai ra đời người ta cười cho thì cả nhà đều xấu. Sĩ diện là nguồn gốc của nói dối và kìm hãm sự phát triển. Làm việc với Tony, mọi cái chưa được đều được đem mổ xẻ trên bàn cho người khác xem, thậm chí nói quá lên hoặc gộp chung sai sót của 5-6 bạn vào một ví dụ, mình đọc nhận ra và cùng nhau sửa, chứ không có chuyện đóng cửa phòng thì thầm trong đó. Rồi hôm sau người khác lại tiếp tục mắc sai lầm, rồi lại đóng cửa phòng thì thầm…Chi cho mệt vậy. Mấy sếp cũ châu Á của Tony ngày xưa bảo là “Có gì mời vào phòng riêng nói chuyện” nhưng đi làm với sếp Mỹ, ổng nói huỵch toẹt mistake ra trước mặt mọi người. Đầu tiên mình cũng hơi quê, thấy xa lạ với văn hoá Á Đông, thấy họ thô lỗ, nhưng sau này thấy bình thường. Thà nói rõ còn hơn là sếp kêu 1 đứa vô phòng để chửi cái gì đó, ngoài này 1 đám ngồi suy đoán, suy diễn….
Tony xưa nay quản trị nhân viên, một bạn mắc sai lầm, kêu cả nhóm vào chỉ rõ cho tất cả mọi người lấy đó làm bài học mà tránh. Cũng có nhiều bạn mắc cỡ, nói bẽ mặt, rồi nghỉ việc. Nghỉ thì thôi, làm quản lý mà không dám đối diện với 1 sự thật hay 1 khuyết điểm trước đám đông thì sao làm lớn được. Có rất nhiều quản lý, lãnh đạo không dám nói khuyết điểm của mình ra, dù nhân viên cấp dưới ai cũng biết, ai cũng xì xầm, râm ran…
Bạn thích kiểu quản lý châu Á kiểu đóng cửa bảo nhau, không được nêu khuyết điểm trước mặt người khác, hay minh bạch rõ ràng như người phương Tây?
Mồm ơi, đừng vỡ…

“Cách đây 1 tháng, em có nhận được cuốn sách Cà Phê cùng Tony, do một anh người cùng quê với em, sau này lên Hà Nội làm việc, có ý tặng cho các bạn trẻ ở địa phương như là một món quà. Em là bạn facebook với anh ý, và khi thấy thông tin đấy, em đăng ký ngay. Em đăng ký không vì nhu cầu đọc sách, nhưng thói quen của bọn trẻ chúng em bây giờ, anh biết rồi đấy, cứ có cái gì ngon ngon mà cho không biếu không là chúng em tranh giành. Sự tự trọng không có khiến bọn em ưa thích khái niệm “cho, miễn phí” vô cùng. Có bắt em phơi nắng một ngày để được ăn miễn phí em vẫn phơi đấy anh ạ. Em cũng vẽ ra lý do em hoàn cảnh không có điều kiện mua sách, rất ưa thích thú vui tao nhã này nên cuối cùng cũng có cuốn sách trong tay. Em về để ở nhà và quên mất anh ạ. Nói thật là em chưa đọc sách bao giờ kể từ khi tốt nghiệp lớp 12, em chỉ biết mấy bài Vợ Nhặt, Vợ Chồng A Phủ v.v…vì trong chương trình SGK phải học. Đọc sách làm gì, đọc sách văn học càng không, em sợ đọc nhiều bị bệnh ngộ chữ. Vào đại học, em cũng chẳng nhớ mình đã học gì cho đến khi tốt nghiệp (em tốt nghiệp quản trị kinh doanh). Sau đó, vì không xin việc được ở Hà Nội nên em về tỉnh X công tác trong một công ty nhỏ chuyên làm khăn trải bàn xuất khẩu sang Nga. Em phụ trách hành chính nên công việc chẳng có nhiều, phần lớn thời gian của em là chơi game xếp hình trên máy tính.
Cách đây 3 hôm, sáng em vừa vào công ty, mở Facebook ra thì thấy anh P, người cho sách, nhắn em là gửi tóm tắt cuốn sách cho anh ý, nếu không thì trả lại cho người khác đọc. Nói thật em cáu lắm, cho rồi đòi là thế nào. Máu tự ái trong em nổi dậy, em chạy ngay về nhà và tìm lại cuốn sách ấy để chuyển trả. Đừng tưởng chỉ có 1 cuốn sách mà bắt người ta làm báo cáo thế này thế kia. Em về nhà, thật bất ngờ, em thấy con bé giúp việc nhà em đang đọc cuốn sách ấy say sưa trong nhà bếp. Em giật lấy và lầm bầm bảo để tao đi trả cho người ta. Con bé ấy đưa cho em và nói “chị Q ơi, em nghĩ chị nên đọc qua rồi hẵng trả”.
Em lên cơ quan, nghe nó nói vậy thì mới mở ra xem. Em xem mục lục và chọn một truyện có tên hấp dẫn nhất ra đọc thử, là bài “Chuyện chửi”, em nghĩ là con bé giúp việc nó đá xéo mình. Em đọc xong, thấy buồn cười quá, ngồi rũ rượi ra rồi đọc tiếp, đọc một mạch cứ như chạm nọc. Em đọc xong cuốn đấy vào lúc 5h chiều, lúc cơ quan em chuẩn bị nghỉ. Ai cũng bảo sao em hôm nay làm việc cần mẫn thế (vì bình thường 4h45 là em lượn, giám đốc là bác em. Hí hí).
Em đọc lại cả cuốn sách ấy lần thứ 2 vào hôm nay. Và tức tốc lên mạng gửi thư này cho anh Tony. Lần thứ 2 em đọc, em ngẫm ra rất nhiều điều. Hóa ra, xưa nay cái em cho là hay, là đúng, là giá trị…lại hoàn toàn khác. Thế giới người ta hay ho, văn minh, đẳng cấp chứ không như thế giới của em. Em thấy mình ích kỷ, tranh giành, tiểu nông, đanh đá, hung ác, nói dối, tự ái, sĩ diện, khôn vặt, lười biếng…mọi thói hư tật xấu đều có cả anh ạ. Em biết rồi, em chỉ có 1 cuộc đời, em sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Xưa nay em chỉ đổ lỗi cho người khác, ra đường đụng xe thì em sẽ nói lỗi tại đứa kia. Em dở là do nền giáo dục và do thầy cô. Em không có tiền là do cha mẹ em không cho em. Đứng trước sự việc gì em cũng đổ lỗi tại lãnh đạo, tại cái này cái kia chứ bản thân mình thì tuyệt nhiên không nhắc đến. Em rất “háo thắng”, tranh luận với ai phải làm cho ra nhẽ là ai sai, ai đúng. Ai sai phải đánh toét họng, vỡ mồm, phải lột tung quần áo và em bắt mọi người phải lao vào ném đá sỉ nhục cái đứa sai ấy. Còn ai đúng phải leo lên bàn cho người ta lạy, thế mới sung sướng hả hê. Em thấy việc mình chỉ đi tìm các bạn đã bẻ khoá ebook để đọc thay vì mua sách gốc là không tôn trọng tác giả, bọn em ngày xưa toàn photocopy giáo trình của thầy cô, dù chỉ tiết kiệm hơn có vài ba nghìn, vì bọn em nghĩ như vậy là khôn. Em nói dối không ngượng mồm anh à, đi thi thầy cô lơ đãng là bọn em quay bài ngay, bọn em tôn vinh đứa quay bài không bị bắt, khen giỏi. Ra phố, không có chú công an đứng ở ngã tư là em vượt đèn đỏ ngay. Không đội mũ bảo hiểm với em, đó là đẳng cấp….
Em còn muốn viết nhiều, viết nhiều lắm. Nhưng thôi anh đọc mệt rồi, em sẽ đọc cuốn Cà Phê đấy lại lần thứ 3 và sẽ viết mail cho anh nữa. Em yêu anh mất rồi, anh Tèo ơi…”
TnBS: Nín thở đọc trong sợ hãi. Nhưng không dám khóc sợ bị “em đấm vỡ mồm”. Sợ 1 ngày, bỗng dưng cái mồm tan vỡ…
Nghe nhạc cùng Tony

“Đi qua vùng cỏ non” là bài hát mà Tony thích nhất khi còn trẻ. Bài hát đã thật sự hun đúc tinh thần vì người khác và rộng mở trong suy nghĩ của mình. Vì “những dòng sông đã lâu nếu không ra được biển rộng”, thì chỉ quẩn quanh “vách núi như gương không người soi”.
Hình ảnh “người đứng gác đêm, thầm lặng mà đẹp lắm” là một chi tiết xúc động. Những hy sinh vì người khác không phải ai cũng thấu hiểu, nhưng bạn cứ tin đi, nếu bạn sống bằng cả trái tim, thì vẫn có người đồng cảm, yêu thương.
Hãy bỏ “những nghĩ suy một mình” vì khi thăm vườn trẻ, với tiếng cười giòn vang của một thế hệ người Việt tiếp nối đầy sức sống, “ta sẽ nghe đời vui hơn”. Sự thấu hiểu những “được mất riêng của mình” sẽ làm bạn biết mở lòng ra mà “đi thăm người mới quen” dù biết “một lần chưa thể nào nói hết”.
Cũng như bao nhiêu câu chuyện của Tony, mặc dù “đã viết xong mà lòng vẫn còn muốn, nói thêm”.
http://mp3.zing.vn/…/Di-Qua-Vung-Co-Non…/ZWZC800Z.html
Mời các bạn nghe nhạc và chọn câu tâm đắc với cuộc đời mình.
——————————————————————————————–
Đi qua vùng cỏ non, ngỡ mùa xuân đang đến
Bâng khuâng chiều ba mươi, tóc em xanh màu trời
Đi qua vùng lá rơi, ngỡ mùa thu đang tới
Đường rộng nào em đi, đóa hồng nào trên tay
Em phải đi đến nơi,
Dù muộn cũng phải nói với nhau
Những dòng sông đã lâu, không ra được biển rộng
Là… những dòng sông lạc loài,
muộn phiền quanh vách núi, như gương không người soi
Đi qua vùng nhà em, không còn em ở đó
Bỗng nhớ từng tiếng hát, thiết tha yêu cuộc đời
Em đi về những nơi, bạn bè đang ở đó
Còn vượt đèo băng sông, giữa biển trời mênh mông
Như chuyện đã viết xong
Mà lòng mình còn muốn nói thêm
Những giọt nước mắt ai… lăn trên môi vừa cười
Và những được mất riêng của mình… đời người ai cũng có
Hãy cho nhau tình yêu!
Hãy thương nhau thật nhiều…!
Đi qua vườn trẻ chơi, ngỡ bầy chim đang hót
Ta nghe đời vui hơn… Những nghĩ suy một mình
Đi thăm người mới quen, một lần chưa nói hết
Chuyện dài của quê hương, hiểu nhiều càng yêu hơn
Như người đứng gác đêm
thầm lặng mà đẹp lắm đất nước ơi
Những người dân nước tôi
mang con tim thời đại
Đẹp nhất cuộc sống vì mọi người
Vì đàn em thơ ấy
Những bông hoa của hôm nay
Những bông hoa của mai sau
Những quả táo Yên Đài

Tony hay đến thành phố Yên Đài (Yantai, đọc là Den-Thải) nhiều lần trong năm để mua nguyên liệu phân bón. Nói hàng Trung Quốc xấu thì không hẳn, vì ở TQ có nhà máy cấp tỉnh, nhà máy cấp huyện, cấp xã cấp thôn. Loại cấp tỉnh thì xuất qua Mỹ Nhật Châu Âu, cấp huyện thì thường dùng trong nước, loại cấp xã cấp thôn thì xuất qua mấy thị trường ham rẻ như Cam Túc, Thanh Hải, các nước Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh…Một cái quần jean ở Quảng Châu giá 200 USD hay 2 USD đều có. Nếu mình sống ở châu Âu hay Mỹ, mở hàng hóa ra thấy Made in China thì cũng đừng có ngại, vì để vô được các quốc gia này, mọi hàng hóa đã phải có sự kiểm nghiệm gắt gao. Thường các công ty đa quốc gia sẽ cử người đến Trung Quốc giám sát từ đầu đến cuối, tận dụng nguyên liệu có sẵn và nhân công rẻ của quốc gia này, nhưng họ phải kiểm soát chất lượng.
Trở lại Yên Đài, đây là thành phố nhỏ trực thuộc tỉnh Sơn Đông, có thắng cảnh Bồng Lai Các, nơi lưu giữ thơ văn của thi sĩ Tô Đông Pha, một trong 4 tứ đại danh lầu. Đứng ở Bồng Lai Các, mình sẽ nhìn thấy giữa biển có một vạch màu, chia làm 2 phần. Phần màu vàng là biển Hoàng Hải và phần màu xanh là biển Bột Hải. Vào ngày có sương mù, mình còn có cơ hội nhìn thấy ở ngoài khơi có những tòa nhà, có xe cộ chạy, người ta giải thích là hiện tượng quang học gì đó mà nó phản chiếu 1 thành phố trong đất liền ra ngoài như chiếu phim ấy. Trình độ Hán Ngữ của Tony chỉ có vậy nên không hiểu rõ lắm.
Ở Yên Đài, táo được trồng mênh mông bạt ngàn nên được gọi là thủ đô táo của Trung Quốc, “pỉn cùa sầu tu”. Có nhiều giống khác nhau nhưng phổ biến nhất là giống táo hồng trông như táo giả, nhìn đẹp nhưng ăn bở không ngon. Nông dân dùng kích thích sinh trưởng nên cây lớn nhanh như thổi, hoa chi chít từ gốc đến ngọn, có cây rụng lá hết trơn mà trĩu cành hàng ngàn quả. Chính vì không thuận tự nhiên mà cây táo ở Yên Đài có tuổi thọ khá ngắn, khai thác đâu 10 năm là phải đốn bỏ. Táo không trồng được ở khí hậu nhiệt đới vì nó cần độ lạnh và tuyết vào mùa đông. Nên ai nói táo Đà Lạt hay táo Sapa gì đó thì không đúng, ở Sapa chỉ có táo mèo hoặc chỉ là trồng thí nghiệm, không thành nông sản bán ngoài chợ được.
Trái cây muốn bảo quản phải dùng hóa chất bảo quản hoặc phương pháp lạnh sâu nhanh, như xử lý dứa (thơm) hay chuối, họ chỉnh đúng nhiệt độ chính xác 6.5 độ C trong mấy phút, rồi chuyển qua nhiệt độ bao nhiêu đó trong mấy phút, trụng vô sáp trong mấy phút… Táo ở Mỹ, châu Âu cũng vậy, họ xử lý bằng nước có vitamin C (ascorbic acid), sáp ong thiên nhiên, và bảo quản cả năm trong kho lạnh, vì thu hoạch theo mùa trong khi siêu thị thì lúc nào cũng có (các bạn nên mua táo bảo quản trong tủ mát của siêu thị, cửa hàng trái cây lớn, nên ăn táo vì rất tốt cho sức khoẻ).
Ở Yên Đài, ngoài việc bọc quả táo bằng túi giấy có tẩm thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ xử lý sau thu hoạch là cả 1 vấn đề về an toàn thực phẩm. Có lần Tony tham quan 1 xưởng đóng gói táo ở đây. Vừa bước vào xưởng, Tony nhìn thấy mấy bồn chứa to như cái nhà, táo sau khi rửa sạch, sẽ được đổ vào bồn, ngâm khoảng 30 phút rồi theo băng chuyền đến khu vực quạt sấy khô. Nhân công sẽ dùng cái miếng xốp bọc từng quả, bỏ vào thùng. Trong cái bồn ngâm đó, ôi thôi hầm bà lằng các loại hóa chất, rồi có cả hương táo nhân tạo nữa. Nên táo ngâm vào đó xong, thơm nồng nặc…mùi táo.
Tony trò chuyện với anh Trung, chủ xưởng. Ảnh nói táo đưa vô siêu thị Bắc Kinh, Thượng Hải thì là loại khác, quy trình khác, đóng gói trong nhà máy khác. Còn cái này của tụi tao bán ở các tỉnh phía nam, từ đây đến đó cả mấy nghìn dặm, khí hậu dưới đấy lại nóng ẩm, dễ hỏng lắm. Tony kể có lần nhà tao có mua 1 quả táo, xong để quên, 1 năm sau bổ ra thì thấy bên trong đã thối còn bên ngoài vẫn tươi nguyên. Ảnh cười ha hả, nói với kiểu xử lý như vầy, bên ngoài đã nhựa hóa, thì có con vi khuẩn nào xâm nhập được vào đâu mà gây thối. Có thối thì thối từ bên trong do trong ruột chưa nhựa hóa kịp. Thì cũng như mày mua táo nhựa thôi.
Tony bắt đầu choáng váng nhẹ. Anh Trung nhìn Tony một hồi rồi nói, Tony à, mày đẹp trai nhìn y chang nhân vật Vạn Kiếm Nhất trong truyện Tru Tiên, đừng có chết sớm uổng lắm, nên nghe tao dặn nè. Nếu mày mua táo mà phơi nắng phơi sương cả tháng không hỏng, mùi hương nồng nàn thì nhớ gọt bỏ sâu khoảng 1cm từ vỏ. Còn mua ở siêu thị loại bảo quản lạnh thì cứ an tâm. Tao làm cái này chứ cũng không có ăn, nông dân cũng vậy, họ trồng riêng cái nào để ăn cái nào để bán. Tao nghĩ ở nước mày cũng vậy mà, nông dân bao giờ chẳng trồng khu này “để ăn” khu kia “để bán”. Mày nhớ mua táo ở siêu thị được giữ lạnh nhé, giữ nhiệt độ thấp thì cả năm vẫn ok, nhưng mấy quá táo táo phơi ngoài nắng nóng mà không hỏng thì không nên mua, chưng cho đẹp thì được- anh Trung dặn đi dặn lại.
Tony nghe xong, mặt mũi như “da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”. Anh Trung hỏi mày bị càn-mao ư (càn-mao là cảm mạo). Cái Tony nói ừa, chắc tao bị thẩu thẩng (thẩu thẩng là nhức đầu) hay quay thung gì đó (quay thung là đau bụng). Anh Trung rú lên, Tony ơi, mày bị càn-mao mà nhìn cũng đẹp. Rồi anh cho công nhân viên nghỉ giải lao để tham quan Tony, anh nói, đúng là đất phương nam, kỳ địa sinh kỳ nhân, nó bị càn-mao mà vẫn ngời ngời thanh tú.
Công thức làm muối ớt rau răm theo kiểu Tony

Cái này do Tony tự mày mò làm thử và thấy ngon. Hướng dẫn 1 chị giúp việc ngày xưa, giờ chị về quê mở cơ sở sản xuất muối, làm ăn cũng khá, mua được xe hơi để đi lại. Bạn nào mần thử, nếu ngon thì đóng chai bán. Có biết ơn tui thì gửi xuống Cần Thơ 1 hũ nhé.
Nguyên liệu
-Rau răm, 1 bó lớn khoảng 100 cây.
-Lá giang hoặc lá cóc hoặc lá gì có vị chua.
-Ớt tươi, lựa loại màu đỏ cho đẹp, 5 quả
-Muối ăn, khoảng 100 gram
-Bột nêm, hoặc mì chính, 1/2 muỗng cà phê
-Tiêu, cũng 1/2 muỗng cà phê
-CỐI ĐÁ, hoặc cối Inox, cối kim loại, không dùng cối gỗ nhé.
Cách làm: Bỏ tất cả nguyên liệu trên vào cái cối đá, giã cho nát tan cõi lòng. Vừa giã vừa nghĩ đến ai đó mình ghét nhất, lực giã sẽ mạnh hơn mà không thấy mệt.
Giã khoảng 10 phút cho các nguyên liệu trộn lẫn vào nhau, nhớ là nát hết nhé, nhặt xơ ra nếu có. Hỗn hợp sau khi giã sẽ có dạng sền sệt. Nếu không có lá giang thì mình dùng rau răm không thôi cũng được, cũng rất ngon. Sau đó mình tới công đoạn nướng.
Nếu nhà mình có lò nướng, mình bỏ vô giấy bạc, chỉnh nhiệt độ thấp và nướng trong 7 phút 50 giây.
Nếu nhà dùng than củi thì thổi than thật nóng, gắp than bỏ trên cối muối rau răm vừa giã, khoảng 15 phút thì hất bỏ phần than và tro phía trên.
Nếu nhà chỉ có bếp ga bếp điện, thì mình nướng cả cái cối đá hay cối inox ấy trên lửa, đúng 5 phút 15 giây thì tắt bếp.
Lúc này, hỗn hợp muối trên sẽ cháy vàng, bốc mùi thơm ngào ngạt. Mình để cối nguội, rồi lấy chày giã lại. Hỗn hợp trên nó sẽ cứng ngắt thành một khối nên mình cứ giã, nó sẽ vụn ra. Rồi dùng lực nghiền, lấy chày xoay xung quanh cối đúng 20 vòng là hỗn hợp muối trên thành dạng bột. Tức nướng sao khô hoàn toàn, hem còn hơi nước mới nghiền được.
Lấy tay quẹt thử đưa lên miệng liếm. Chu cha, vừa thơm vừa mặn mặn, lại hậu chua chua. Dùng để ăn cơm nóng khi trời mưa thì thôi quất tới. Không thì bữa nào ăn thịt gà hay cá gì đó lấy ra chấm. Đảm bảo chưa chấm nước bọt đã chảy xuống cổ.
Bạn nào ăn chay cũng làm để dành. Bạn nào đi du hạc cũng nên làm vài hũ mang sang nước ngoài. Rau răm khi nướng lên sẽ có mùi thơm rất lạ, tuyệt diệu, ngon nhất trong các loại muối. Muối này bảo quản được lâu, cả năm không hỏng.
Nấu canh chua, nêm cái này cũng được. Viết đến đây thì Iphone 6 của Tony đã bị nhoè nước…
Chuyện ở Nha Mân

Nhiều vùng của nước ta nổi tiếng vì gái đẹp. Ở miền Nam, 2 vùng được nhiều người cho là nhiều gái đẹp nhất là vùng Gò Công của xứ Tiền Giang và Nha Mân của xứ Đồng Tháp. Nếu như vùng Gò Công góp 2 nhan sắc cho triều Nguyễn là bà Từ Dũ mẹ của vua Tự Đức (Dũ chứ không phải Vũ đâu nha Tí, mày cứ tưởng tao quánh chính tả sai là bắt lỗi) và bà Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại. Nha Mân thì không có những tấm nhan sắc leo lên bậc mẫu nghi thiên hạ như vậy, nhưng gái đẹp thì vượt trội hơn về số lượng. Tương truyền, ngày xưa vua Gia Long Nguyễn Ánh chạy loạn vì bị quân Tây Sơn rượt đuổi, có bỏ lại mấy trăm bà ở Nha Mân, rồi Gia Long ra Phú Quốc, sang Xiêm. Mấy trăm cung tần mỹ nữ, đủ mọi vùng miền cả nước, suốt ngày ngồi đan áo chờ chúa công trở về. Nhưng mấy năm trôi qua vẫn cứ ngồi ngóng miết, mỏi mòn không thấy bóng chúa về, thôi thì bèn tổ chức lấy chồng cho xong, rồi còn kịp đẻ con đẻ cái chứ vượt quá 33 tuổi thì khó khăn trong việc làm giấy khai sinh cho các cháu. Dù mấy ông chồng chỉ là trai quê miệt vườn, chỉ biết cặm cụi mần ăn trong guộng trong gẫy nhưng do gen của mẹ đẹp nên con đứa nào đứa nấy nhìn sáng bừng, đặc biệt là con gái. Nên trở nên nổi tiếng,” gà Cao Lãnh, gái Nha Mân”. Các nhà giàu khắp miền Tây, từ miệt Cà Mau Năm Căn đến tận miền núi Tri Tôn, thậm chí là nhà giàu bên Cambuchia….năm nào cũng đi Nha Mân, tìm con dâu cho con trai của mình, gọi là đi dọ dâu. Thấy nhà nào đẻ con gái là cả mấy đám nhào vô đặt cọc, không có gửi tiền mà gửi lúa, gọi là lúa dâu, tức gửi lúa cho nàng dâu vừa đang bú sữa mẹ, ăn chóng lớn rồi về nhà chồng. Nên nhà nào quất lần chục cô con gái thì cứ tha hồ sướng, ông cha ngồi nhậu xỉn từ mờ sáng, bà mẹ thoải mái quánh tứ sắc và đi nhiều chiện với hàng xóm, khỏi mần ăn chi cho mất công.
Gái Nha Mân lớn lên nhan sắc mặn mòi, lại dễ thương lễ phép lúc nào cũng dạ thưa, nghe mát ruột mát gan dù bà mẹ chồng khó tính đến đâu đi nữa. Cũng không có lý luận hay ý kiến ý cò gì, nhà chồng mà nói nặng thì chỉ khóc và ra sau nhà, ngồi bệt xuống đất, bứt cỏ nhìn xa xăm, nước mắt ngắn dài…rồi vô nói chồng ơi, lúc buồn vầy em nhớ quê em lắm, em nhớ tía em, nhớ má em…., nhưng em đã đi lấy chồng là theo chồng, đắng cay sao em cũng chịu. Vừa nói vừa gục đầu, vừa mím môi đến bật máu, tóc mây mấy cọng lòa xòa xuống gương mặt trắng hồng, vai rung lên mấy cái, nhìn thấy thương. Cái thôi, nhà chồng cũng không nỡ nào chửi nữa. Thời phong kiến hay Pháp thuộc, 14-15 tuổi là gái Nha Mân đã tạm biệt quê để đi lấy chồng, có cô đang nhảy dây hay chơi ô quan với bạn ở gốc dừa thì đứa em ra kêu chị Hai ơi vô đi lấy chồng kìa, xong cái cô đứng lên, phủi đít, nói với đám bạn thôi tụi mầy ở lại vui nghen, tao vô nhà thay đồ đi lấy chồng đây. ( ct)
Quan hợ công chúng và kỹ thuật PR

Một người bạn làm công ty PR (Public Relation) kể là có 1 nam ca sĩ nọ, hát cũng tạm, ngoại quan cũng khá, nhưng hát miết mà cũng chẳng nổi nên mới qua công ty này để được lăng xê.
Họp mấy ngày mấy đêm, bên cty PR quyết định tung ra 1 cái clip giường chiếu. Cách này là nổi nhanh nhứt. Clip phải có đạo diễn hẳn hoi, lựa đạo diễn chuyên phim tình cảm. Góc quay đẹp, diễn viên xinh. Khổ là tìm nhân vật nữ không ai chịu đóng, nên chị trưởng phòng công ty PR-người đề xuất vụ này, phải thí mạng nhưng bắt đạo diễn hứa là sẽ quay mờ mờ.
Vật vã mới quay xong. lưu file máy tính, đập phá cho hỏng, rồi đem đi sửa. Tụi sửa máy tính trong các cửa hàng thấy máy tính cá nhân sẽ sục sạo tìm coi có gì bí mật trong đó, rồi nó sẽ tung ra. Đó là cách rò rỉ tự nhiên nhất. Mời các phóng viên lá cải đến, cho tiền. Chia 2 phe, 1 phe viết bài ủng hộ, 1 phe viết bài chê bai. Sẽ lôi theo 1 đám người rảnh rỗi viên và còm ment viên thi nhau ném đá.
Sửa xong đem về, chờ mãi cả 2 tuần cũng không thấy động tĩnh gì. Cái cử nhân viên đi hỏi, kiểu tò mò anh ơi, lúc sửa anh máy tính này có thấy cái gì hay trong đó không. Cậu sửa máy tính nói có thấy 1 clip quay cảnh 2 chị em giành nhau cái váy trong phòng ngủ. Chị gái khoảng 40 tuổi còn cô em gái xinh hơn.
Anh giám đốc công ty PR chửi, chán cái thằng này, có mỗi cảnh “cloud and rain” mà cũng không xong. Phải PR kiểu khác. Chực coi xã hội có vụ gì không thì lên tiếng bằng tâm thư.
Tâm thư là thư viết từ đáy lòng, về 1 vấn đề nào đó. Khi bị hiểu lầm, người ta sẽ viết tâm thư giải trình. Tâm thư chỉ có một, viết xong phải im lặng. Giờ chuyện gì cũng tâm thư. Ví dụ vụ bất hòa giữa Obama và Putin về vấn đề Syria, ca sĩ X sẽ vội vã có tâm thư, 1 gửi Putin viết bằng tiếng Nga, 1 gửi Obama viết bằng tiếng Anh, nhưng lại đăng trên trang caibexanh chấm net bằng tiếng Việt. Nhưng có nhiều bình luận quá nên phải viết tâm thư số 2. Các độc giả lại cãi nữa (đám này cái gì chả ý kiến, ghi 1+1=2 nó cũng comment phản đối nữa là). Thế là tâm thư số 3 ra đời.
Cuối cũng thì tới 10 bài Tâm Tâm Thư, giống 10 bài Không Tên của nhạc sĩ họ Vũ.
Đêm trăng trên bến Phong Kiều

Tp Tô Châu, tức thành Cô Tô xưa, là một cổ trấn rất đẹp,cách Thượng Hải khoảng một giờ đi tàu lửa. Nó được ví như nhan sắc nàng Tây Thi, là thiên đường nơi hạ giới với câu “Shang you tian tang, xia you Su Hang” tức trên có thiên đường, dưới có Tô-Hàng (Tô Châu và Hàng Châu).
Tô Châu có dòng sông nhỏ uốn quanh những khu phố cổ kính, nổi tiếng nhất là bến Phong Kiều. Cùng với Hoàng Hạc Lâu, bến Phong Kiều là thánh địa thơ ca của Trung Hoa, nổi tiếng với bài “Phong Kiều Dạ Bạc” của nhà thơ Trương Kế. Vì đây là bài thơ mẫu mực của Đường thi, chữ thì hết sức kiệm mà có thể vẽ nên một bức tranh vô cùng, vô cùng đẹp đẽ. Bài thơ giúp rèn luyện trí tượng tượng và óc thẩm mỹ văn học của người đọc, chính vì vậy không chỉ riêng ở Việt Nam, nhiều nước cũng đưa bài thơ này vào giáo khoa thư. Nên nếu bạn làm ăn với Trung Quốc hay Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore,… lúc trà dư tửu hậu mà đọc bài thơ này lên, thế nào bọn nó cũng rú lên trong thán phục.
Chuyện kể rằng, sĩ tử họ Trương trên đường đi thi hỏng trở lại quê nhà, một đêm trú ngụ trên bến Phong Kiều, đã cảm tác ra những vần thơ tuyệt tác như sau:
“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”
Dịch: (Nguyễn Hàm Ninh)
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Trong mảnh trăng non chênh chếch vừa lặn xuống (nguyệt lạc), một con thuyền lặng lẽ buông neo trên sông, một tiếng quạ thảng thốt (ô đề) kêu trong màn sương trắng trời trắng đất (sương mãn thiên). Hàng cây phong bên sông (giang phong), đối diện nhau, say ngủ (đối sầu miên). Chập chờn ánh lửa thuyền câu (ngư hỏa), hắt lên hai bên bờ, hắt lên hàng cây phong, loang loáng. Xa xa, chùa Hàn San uy nghi trầm mặc. Và đến nửa đêm (dạ bán), tiếng chuông chùa chợt điểm vài tiếng (chung thanh), lay động không gian vốn đang chìm trong tĩnh mịch. Tiếng chuông ấy “ đáo khách thuyền”, tức vang vọng đến con thuyền và người lữ khách đang cô đơn lòng dạ rối bời.
“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”
Trung Hoa rộng lớn, người ta lấy sông Trường Giang làm ranh giới, và phía nam được gọi là miền Giang Nam nổi tiếng trù phú và giàu có.
Du khách đến bến Phong Kiều, lòng ai cũng bâng khuâng đến lạ. Ngỡ như người xưa vẫn cứ đâu đây. Chùa Hàn San với hơn 1400 tuổi, với tiếng chuông lay động tâm hồn thi sĩ họ Trương một thời, lay động cả nền thi ca nhân loại, lay động con người trên khắp thế gian, muôn ngàn năm sau vẫn còn vang mãi.
Viết cho những hoang mang

2. Đây là page chia sẻ nên các bạn đọc, tự rút cảm nhận, không bình luận, không hỏi rồi chờ trả lời. Các admin và Tony còn phải làm công việc riêng của mình. Quỹ thời gian eo hẹp nên chỉ những vấn đề gì liên quan đến cộng đồng thì mới được trả lời, còn các câu hỏi về cá nhân, tư vấn tư véo khỏi hỏi mắc công các bạn. Các bạn muốn chia sẻ gì thì vào CLB con dượng và post thông tin lên đó.
Tony không dám khuyên bảo tư vấn gì ai. Mình đã đi được bao nhiêu ngóc ngách trong cuộc sống đâu mà có thể cho ai đó một lời khuyên CỤ THỂ. Trong khi thông tin thì không đầy đủ, hàm f(x,y,z…) có n biến số, bạn đọc chỉ cung cấp x và y, mình đưa ra kết quả thì sai số sẽ rất lớn. Nên khuyên đúng hẻm nói gì, lỡ sai, có phải hại đời người ta không?
Tony chỉ mong các bạn trẻ đọc TnBS để giỏi hơn, còn thông tin cá nhân Tony, bạn sẽ không thấy thông tin ở bất cứ đâu. “Chân nhân bất lộ tướng”, nếu một ngày nào đó bạn thấy Tony trên tivi hay báo đài, thì Tony đã có mưu cầu thương mại kiếm tiền, hoặc ham danh ham lợi, cũng giống mấy đứa khác rồi. Tony hiện bán phân vẫn đủ ăn nên page TnBS chỉ là giải trí cho vui. Viết ớn thì ngưng, hẻm viết nữa.
Các bạn không cần tìm kiếm Tony Buổi Sáng là ai, hãng Phượng Tím ở đâu, tất cả đều là nói quá, thần thoại, cổ tích, lảm nhảm, tầm phào…chứ không phải công thức thành công hay số liệu khoa học gì cả đâu nhé. Hãy xem như là trên đời, vẫn còn có một cái ông nào đó ở dưới miệt vườn Cần Thơ, đẹp trai ngời ngời, thông tuệ uyên bác, nói chuyện thiệt có duyên, ai cũng mê cũng thích. Thế thôi. Và mong các bạn trẻ, qua những câu chuyện Tony kể, nếu có thấy hình ảnh xấu xí của mình trong đó thì cố gắng tránh đi, còn nếu không liên quan thì cũng cười khẩy cho qua. Hãy dùng những từ tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của chúng ta, một cách đẹp nhất, hoàn mỹ nhất, chân thành nhất, xây dựng người Việt ngày càng văn minh, đẳng cấp, nhân văn, sống đẹp, hào sảng, nghĩa tình.
CÁC BẠN NẾU ĐANG TRONG LÒNG ĐANG RỐI BỜI HOANG MANG, HÃY ĐỌC LẠI các bài viết trên trang này. TRONG MỘT BÀI NÀO ĐẤY, TRONG MỘT CÂU NÀO ĐẤY, CÁC BẠN SẼ TỰ ĐỐI CHIẾU VÀO TRƯỜNG HỢP CỦA BẢN THÂN, TỰ “ NGỘ’ RA CÂU TRẢ LỜI CHO CHÍNH MÌNH.
HOANG MANG CŨNG LÀ BÌNH THƯỜNG TRONG CUỘC SỐNG. ĐỜI AI MÀ CHẲNG CÓ LÚC HOANG MANG. ĐẤY LÀ LÚC CHÚNG TA SUY NGHĨ NHIỀU NHẤT, TRƯỞNG THÀNH NHIỀU NHẤT. Đời mình, mình tự xây, không ai xây giúp. Tự mình sống, tự mình trải nghiệm, tự mình trả giá. Có bài học nào không có học phí. Nên mình đọc nhiều, làm nhiều, va chạm nhiều, thì học phí nó thấp hơn. Mọi lời khuyên chỉ là tham khảo. Chuyện của mình, mình tự quyết.
Viết đến đây thì nước mắt lại lăn dài. Trên gương mặt thanh tú.
Kết luận: Tony chỉ giống mấy Ụ pa Hàn Quốc ở điểm trắng trẻo cao to, đẹp trai và hay khóc.
Tony – không chỉ là đôi mắt đẹp

1. Thằng em họ ở quê (quê kỳ), 1 ngày đẹp trời nó tạo cho mình cái Page Tony Buổi Sáng, viết tắt là TnBS, nó nói anh viết linh tinh em đọc còn mê huống hồ chi ai, nên anh cứ post lên page cho người ta đọc, còn Tony thì cũng chỉ muốn viết nhảm cho đời nó tươi, chứ thật lòng nếu muốn nổi tiếng đã nổi tiếng từ lâu rồi vì tự nghĩ là không thua kém tứ đại thiên vương bên xứ Cảng Thơm (Lâu quá độc giả không ói).
Xong cái mình nhắn mọi người trên fb like (lai) giùm, nó bảo đủ 400 like mới được facebook cấp cho community gì đó. Hồi đó còn chơi facebook với cả ngàn friend, giờ hết rồi. Cái mọi người like khí thế. Như bạn Hiếu hạc chung ĐH là ép, đứa nào trong friend list nó không lai là nó nghỉ nhậu. Riêng có 1 nhà văn và 1 nhà báo thì lớn tiếng xài xể mình hết biết. Nói thêm về 2 ông này, 1 ông vừa đoạt giải với tập truyện ca ngợi về ” tính khoáng hào sảng của người Nam Bộ” và 1 ông giải nhất báo chí với loạt phóng sự ” phê phán tư tưởng tiểu nông, lòng hẹp hòi và đố kỵ của người Việt”. Ông 1 nói ” tao đâu có ngu mầy. Mày viết hay như Vũ Trọng Phụng tái sinh, mà mày còn hơn cả Vũ tiên sinh ở chỗ hay chèn ngoại ngữ và tiếng địa phương 63 tỉnh thành, tao không chịu được”. Ông thứ 2 nhắn ” Sao tụi tao ăn học tốt nghiệp trường viết văn tử tế ra mà viết không lại mày? Từ lúc mày IPO ( chào bán ra công chúng) đến giờ, bài nào của tao cũng không được đăng vì thằng biên tập nói nhạt, do nó suốt ngày chúi mũi vô đọc cái page Tony Buổi Sáng”. Từ 1 tên lái phân ở miền Tây Nam Bộ chưa qua trường lớp đào tạo nào về ven chương thơ phú, Toni trở thành người tiên phong trong dòng ven hạc lãng mạng ( lãng xẹt trên mạng), mà đề thi tuyển sinh môn Ven năm 2100 có khi sẽ bắt học sinh phân tích.
Thống kê cho thấy, từ lúc Tony tung ra page TnBS, doanh số các nhà sách giảm 20% và lượng báo phát hành trên toàn quốc giảm 12%, sân khấu hài chỉ còn sáng đèn tối chủ nhật do tối đó Tony mắc đi ăn ốc và uống nước mía ở các khách sạn 5 sao trung tâm thành phố.
2. Thư ký của 1 hiệp hội ” các tài neng ven chương toàn cuốc” vừa gửi message cho Toni. Trong thư nói tội của anh lớn lắm. Cả cộng đồng nhòa ven và nhòa bố (phát âm theo lối Quảng ngãi) càng nghĩ đến anh càng căm ghét. Sách chúng tôi viết ra không ai đọc. Báo phát hành ra hổng ai coi. Các bác bèn xõa tóc rũ rượi ngồi phân tích, bươi móc hòng tìm ra điểm yếu của Tony. Và đại hội nhè quăn và nhè béo ( phát âm theo đoàn Phú Yên), như mọi lần, đã thành công gực gỡ ( phát âm theo đoàn đại biểu Đồng Tháp). Xong.Vỗ tay rầm rầm, nô nức cầm phong bì đi về đưa vợ or ghé thịt chó “Anh Tú thật” or “Hải xồm”, uống ừng ực, cụng bôm bốp, mặt đỏ gay, xong tranh nhau giọng nhừa nhựa đọc thơ đọc ven của mình….trong mùi mắm tôm vương vẩy trên râu và dưới bàn là mấy cái lẩu xương chó nấu rựa mận bốc mùi ngào ngạt.
Các danh hài và biên tập viên cũng đang lùng sục Toni để trị tội. Hài trên tivi hẻm ai coi, quảng cáo ăn theo có tỷ lệ rating thấp nhứt trong lịch sử. Còn hài trên sân khấu thì còn hiu hắt hơn, dù các diễn viên ra sức lăn lộn, tụt quần kéo áo, giả trai giả gái, trợn mắt phùng há, hít le….đủ kiểu cũng hẻm có ai cười. Cả xã hội chỉ ôm nhau vào facebook chỉ để coi Tony Buổi Sáng. Thông tin sáng nay Toni ăn gì hay sáng nay Toni ngủ mấy giờ mới dậy được bàn tán xôn xao trong công sở, quán cafe, tiệm hớt tóc, xe ôm, taxi thậm chí đang chạy giữa đường cũng dừng lại để nghe ngóng tin tức về anh ấy….
Ngoài 1 số thương nhân bán phân cạnh tranh quyết liệt, hôm nay có thêm 1 vài người trong đội ngũ ven nghệ ghét Toni như ghét ….phân. Thấy lo lắng quá. Có khi nào họ chặn đường họ quánh Toni không ta? Nếu bị vậy thì Toni phải làm răng? Nhắm mắt đưa chân hay chống cự quyết liệt? Hay không đi đâu, suốt ngày ở lì trong biệt thự 12 tỷ hướng đông nam?
Nhưng nói vậy cũng không được. Cũng phải đi lại chớ. Bèn đưa ra giải pháp. Mấy bữa nay trên xe hơi (7 tỷ, màu mận chín, có đứa trả 6 tỷ chưa bán) lúc nào cũng có bao phân sinh hạc bio-fertilizer (phân chuồng + xác cá đang phân hủy) đã xay mịn và hút chân không để phòng thân. Nếu chẳng may bị chặn đường quánh thì sẽ lập tức bấm nút bung ra…bụi bay mịt mùng, họ đang lúng túng chống đỡ thì Toni tổ chức quánh lại….
Rồi thoát.
————————————————
Đề bài: Em hãy phân tích vẻ đẹp trong sáng thánh thiện của ông Tony khùng qua tác phẩm ” Tony không chỉ là đôi mắt đẹp”. Thời gian làm bài 10 phút, giám thụy không được giải thích gì thêm.
Cái con Chù Ụ

Dịp lễ Tết, chúng ta cứ hay quanh quẩn mấy điểm du lịch đông người. Miền Nam thì cứ Vũng Tàu Phan Thiết Nha Trang Đà Lạt, miền Bắc thì cứ Hạ Long Đồ Sơn Sapa, miền Trung thì cứ Huế Đà Nẵng. Giá phòng mấy chỗ đó tăng gấp mấy lần, ăn uống thì vừa mắc vừa dở, vừa chen lấn hết hơi. Sao hẻm đi mấy tỉnh thành khác, chỗ nào cũng có cái hay, cái đẹp của nó. Đắc Nông nè, Tây Ninh nè, Ninh Thuận nè, Kon Tum nè, Lai Châu, Sơn La nè. Tranh thủ ngày lễ đi thăm thú mấy cái chỗ này, có phải hòa mình trong thiên nhiên không. Có chút tiền nữa thì chạy xe qua Lào, qua Miên, qua Vân Nam Quảng Tây coi cho nó đã mắt.
Bữa nay Tony giới thiệu một điểm đến ở miền Tây mà ít người đi, đó là Trà Vinh. Nếu từ Hà Nội, mình đi máy bay vô Cần Thơ, thức đêm lúc 2-3h sáng lên mạng đặt vé, sẽ có vé máy bay giá rẻ (Tony mở miệng nói giàu có chứ cũng hay thức cả đêm canh mua vé giá rẻ). Sắm thêm một cái thẻ tín dụng (credit card), tha hồ mà săn vé đi chơi cho đầu óc nó cởi mở. Người đi đây đi đó nhiều sẽ ít bảo thủ, sẽ sống thoải mái hơn người ru rú ở nhà suốt ngày. Từ Cần Thơ, khoảng 100 cây nữa là đến Trà Vinh. Còn từ tp HCM đi qua Bến Tre, chỉ khoảng 150km thôi, các bạn sẽ đến vùng đất như bồng lai tiên cảnh.
Chu cha, cái thành phố nhỏ xíu mà đẹp thôi là đẹp. Hàng cây cổ thụ cao vút hai bên đường, mát rượi như ở công viên Tao Đàn. Chùa Miên kiến trúc phải nói khỏi chê, khuôn viên rộng, khu chùa chính thì mái cao vút, sáng loáng. Tường xung quanh chạm trổ con chim con rắn, nhìn rất lạ. Người Trà Vinh là sự trộn lẫn của ba dân tộc sống hòa thuận với nhau, người Hoa, Khơ Me và Việt. Con gái mà lai giữa Hoa và Khơ Me, thì thôi đẹp ngất ngây. Có nét thanh thoát của Củng Lợi Chương Tử Di mà mắt lại to, đen tròn, lông mi cong vút, tóc đen dài, ngực nở to tròn như vũ nữ Apsara. Hỏi có ai đẹp hơn?
Ở Trà Vinh, khách sạn nhà nghỉ rẻ xình. Bọc một triệu đồng xuống là vui chơi thoải mái. Khu Ao Bà Om, chả có cái ao nào đẹp như thế ở Việt Nam, hàng cây xanh cao soi bóng dưới làn nước trong xanh, có hoa sen hoa sung nở đỏ một góc. Bên cạnh cao là cái chùa Miên xây dựng cả ngàn năm trước, mình vô cầu nguyện thể nào cũng linh hiển, trai sẽ lấy được gái đẹp chân dài, còn gái sẽ lấy được công tử Bạc Liêu. Các món ăn ở Trà Vinh cũng là sự pha trộn của ba nền ẩm thực, nên tinh tế vừa miệng lắm. Món bánh canh Bến Có của Dì Hai, có lòng heo trong đó nữa, ngon bá chấy. Món bún nước lèo của dì Ba, có mắm bò hóc (mắm của người Khơ Me) nấu nên ngọt thanh, ăn hoài hổng ngán. Nhưng ngon nhất ở Trà Vinh là con Chù Ụ.
Chù Ụ giống như con cua, nhưng nó mập ú nu và hình dạng nó cứ chù ụ, nên người dân gọi là con Chù Ụ. Dân miền Nam dùng từ chù ụ để diễn ta gương mặt lúc nào cũng khó chịu, hẻm có vui nhưng phảng phất nét phụng phịu hẻm có đáng ghét (đáng ghét người ta nói là chằm dằm). Người ta dùng từ Chù Ụ nhiều nhất là cho phụ nữ, đặc biệt là các bà vợ. Nói sao con vợ tao nó cứ chù ụ suốt ngày mày ơi. Hỏi mấy bà thì mấy bà lập tức chù ụ, nói tui làm muốn chết, mấy ổng cứ nhậu nhẹt hoài. Nói thì nói, cằn nhằn cử nhử như vậy, nhưng thấy bạn tới nhà là mấy bà lao ra chợ, xách về mấy con chù ụ rang me cho chồng nhậu liền. Con chù ụ rang me, có thể ăn luôn vỏ, giòn tan, hẻm có mẻ răng, yên tâm. Mấy bà bưng lên, đứng giới thiệu món ăn, xong cái phủi đít, cái áo bà ba màu hường phất phới lao xuống nhà sau. Hỏi sao hẻm lên nhậu luôn chị Bảy, cái bả ở dưới nói vọng lên, thôi mấy ông nhậu đi, tui đàn bà con gái biết gì chuyện thời sự mà nói. Cái bả chặt cái gì nghe bôm bốp, đâu vài tiếng sau, mấy ông say muốn chết thì thấy bả bưng mấy tô cháo cá bống nấu nước dừa, thơm dậy mùi tiêu và hành ngò, nói ráng húp cho giã rượu.
Vậy mà ông Bảy lúc nào cũng than, sao con vợ tui cái mặt chù ụ vầy nè. Cái Tony liền hò:
“Hò ơ … Thò tay bứt một cọng ngò.
Thương em thấy mẹ, mà giả đò ngó lơ”
Cái ông Bảy gân cổ lên cãi, nói “thương em đứt ruột” chứ, sao mày hát là “thương em thấy mẹ”?
Muốn được người khác tôn trọng, bạn phải tự trọng, tức tự tôn trọng bản thân

Hồi đi học, có lần thầy giáo phát bài kiểm tra cho cả lớp, rồi hỏi ai là người xứng đáng với số điểm mình cầm trên tay, tức là thực điểm không quay bài. Thầy cho rằng việc ăn cắp điểm số và lừa gạt giáo viên để có điểm đẹp là việc đáng hổ thẹn. Việc không quay bài phải xuất phát từ nhận thức mỗi học sinh, không phải vì sợ bị giáo viên bắt gặp. Thầy nói, những bạn không quay bài, sau này chắc chắn sẽ thành đạt, sống cuộc đời có ý nghĩa, không trái lương tâm và quan trọng hơn là có khả năng TỰ CHỦ. Kiến thức học để cho mình sử dụng cả đời, vậy mà còn ăn cắp, còn giả dối…thì cái khác họ sao trung thực được?
Lần đầu, chỉ có Tony và 1 bạn nữa giơ tay. Nhưng thấy thầy cũng không đá động gì các bạn khác không giơ tay, coi như không đếm xỉa, chỉ sửa bài Tony và bạn kia, nói sai chỗ này chỗ kia. Có bạn không giơ tay lên nói thầy sửa giùm em đi, thầy nói “ tui đâu có khả năng sửa sách giáo khoa, chép trong đó ra thì sửa làm gì”.
Lần kiểm tra sau, thầy lại hỏi và lần này có tới 5 bạn giơ tay. Sau đó đâu lần thứ 10 thì gần cả lớp đồng giơ tay. Và đứa quay bài cuối cùng thấy lẻ loi, thấy kỳ dị quá nên cũng từ bỏ thói quen thấp hèn ấy. Lớp Tony sau này đều thành đạt vì ai cũng là người văn minh, đẳng cấp.
Khi Tony đi làm, có một công ty cũng áp dụng hình thức này. Cứ cuối tháng phát lương, nhân viên sẽ ký vô bảng “xứng đáng hay không xứng đáng”, trong 1 cái gọi là tự nhận xét bản thân. Chẳng hạn ai không vi phạm đi trễ về sớm, làm việc riêng trong lúc làm việc, không vi phạm quy định của công ty, thì đánh dấu vào ô “tôi xứng đáng”. Quyền lợi, lương thưởng đầy đủ thì nghĩa vụ cũng phải rõ ràng. Còn ai không dám ký vào thì công ty cũng bỏ qua. Nhưng số lượng người đánh dấu vào đó tăng lên qua từng tháng, vì sâu thẳm trong mỗi người đó là lòng tự trọng, quyền được tôn trọng. Vì công ty sẽ dán thông tin này trên bảng thông tin, scan và email đến tất cả mọi nhân viên với lời khen của ông sếp về các bạn đã tự tin xác nhận mình làm đúng. Camera cũng chụp luôn lại các hành vi xấu trong giờ làm, mọi thứ đều minh bạch dán trên bảng, mà không sợ tự ái, xấu hổ. Khi đã nói trước rồi, mình cố tình vi phạm thì phải chấp nhận bêu tên, bêu mặt lên đó.
Cũng có nhiều nhân viên của văn hóa cũ bức xúc. Nhưng ông sếp vẫn kiên quyết, làm sếp là phải như vậy, kiên quyết với cái đúng, không thoả hiệp với cái xuề xoà, dễ dãi. Dần dần, số lượng người ký xác nhận “tôi tử tế” tăng lên, và hầu như cả công ty ai cũng ký, cầm tiền lương trên tay và lòng đầy hoan hỉ, hạnh phúc, thấy mình có giá trị thật sự. Một số người nói dối, hoặc vô kỷ luật, ăn cắp giờ làm để làm không phải công việc, sẽ phải thay đổi, hoặc xin nghỉ việc vì cảm thấy quá lẻ loi, 1 cái xấu quá lẻ loi trong một tập thể tốt.
Tự trọng nghĩa là tự tôn trọng mình, xây dựng những giá trị riêng của mình, giá trị Nguyễn Văn A. Muốn người khác tôn trọng, không cần bất cứ một phụ kiện nào trên người như chức vụ, bằng cấp, tiền bạc….Cứ nhân cách lấp lánh, toả ra tự nhiên, người khác sẽ nhìn thấy và tôn trọng.
Bạn có thể áp dụng với lớp học, doanh nghiệp cơ quan của các bạn sẽ thấy hiệu quả rất cao
Những người hào hoản

Sáng, 1 message của chị A “Theo gu văn hóa đọc của tôi, Tony viết hay nhất. Nhưng tôi không chịu được việc viết sai chính tả, đọc như nhai phải sạn. Học sinh chứ sao lại hạc sinh, không biết chứ sao là hẻm bít, phải không thì là phải hem. Tôi thấy nhiều yêu cầu sửa nhưng Tony không sửa, lại không cho bình luận. Tôi sẽ unlike trang này này, dù rất tiếc”
Tony: Dạ
A: Nhớ nhé, đi học, con công con hạc, nhớ nhé.
Tony: dạ, con chim công con chim học…
A: Thôi hết cách trị rồi. Tạm biệt.
Tony: Dạ, cúi từng vui vẻ, chuỵ.
A: Cuối tuần, không phải cúi từng. Chị, không phải chuỵ. Trời ạ. Tôi muốn điên…
Tony: Dạ, chuỵ điên vui vẻ.
A: Trời ơi. Tôi tức quá, tôi muốn chết, muốn chết,….
Tony: Dạ, chụy chết vui vẻ.
A: (im lặng)
Kêu admin vô coi chụy này là ai thế, admin báo cáo lại là chị từng là hạc sinh giải nhất quốc gia môn từ ngữ, ngữ pháp. Hèn gì. Chị muốn chết, chị muốn điên,…mình chúc chị như ý thì chị lại giận. Răng là răng?
Tối tối thấy chị message lại, nói “chuỵ không đọc TnBS có 1 ngày mà chịu hẻm nổi. Chuỵ hỉu í em rồi, chuỵ sẽ không unlike nữa, chuỵ iu em, em của chuỵ”. Hahaha.
Đấy, trời đất khi sinh ra đã vốn không hoàn hảo. Con người càng không. Cứ chấp nhận sự méo mó của người khác, cho đời nó tươi. Méo chơi kiểu méo. Tròn chơi kiểu tròn. Chứ mắc mớ gì phải điên, phải chết.
Đến như hãng Apple, ông trùm thế giới di động với iphone ipad mà logo của nó là trái táo không nguyên vẹn nữa là. Trên đời hem có gì hoàn hảo cả, trừ sự không hoàn hảo.
Ný nuận mệt quá, lóng lão quá. Thôi đi ăn cháo nòng.
Chuyện ăn ổi ở Bỉ (Belgium Guava)

Hôm bữa Tony lên Bình Phước tiếp xúc một nhà vườn nọ. Chủ vườn là ông Hai Hùng, có mấy trăm hectare trồng cam quýt, bưởi, thanh long, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, đu đủ, ổi, mận, xoài. Vì trồng theo tiêu chuẩn Global G.A.P. xuất khẩu, nên thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ông kỹ lắm. Canh tác nông sản ở vùng nhiệt đới ẩm ướt như nước mình, sâu bệnh nhiều, nhưng xài thuốc hóa học thì dễ bị tồn dư lượng nếu không kỹ. Tụi Nhật tụi châu Âu nó kiểm mỗi container nhập khẩu, thấy bất cứ hoa quả nào còn tồn dư thuốc BVTV là nó tiêu hủy cả container đó luôn. Ở Việt Nam, nông sản nội địa thì thả lỏng nên muốn xịt cái gì thì xịt, riêng mấy loại xuất khẩu như trà, rau màu trái cây xuất khẩu, thì mới dùng thuốc sinh học dưới áp lực của nhà nhập khẩu nước ngoài. Vì thuốc sinh học hiệu quả chậm, trong khi thuốc hóa học, xịt 1 phát sâu chết rào rào, bà con thích hơn. Nhưng sâu chết rào rào thì mình ăn vô cũng méo mồm méo miệng, tích tụ trong cơ thể và sinh ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, nếu chưa hết thời gian cách ly (PHI) mà đã thu hoạch. Ở nhiều nước, người ta bắt buộc sử dụng thuốc BVTV sinh học trên rau củ quả hay khu vực canh tác có xen lẫn nhà dân, công viên, đường phố… vì an toàn cho con người, không ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ví dụ như thuốc Bt, tức một loại vi khuẩn có lợi có tên là Bacillus thuringiensis, vi khuẩn này phun lên lá, sâu ăn vào và ngưng ăn, 3 ngày sau thì sâu chết vì đói, xác sâu rơi xuống đất làm phân. 90% thuốc trừ sâu sinh học trên thế giới là thuốc Bt, hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường, động vật khác vì Bt chỉ sống trong môi trường kiềm của bụng mọi loại sâu hại. Tony cũng có thuốc này nhen, ai mua thì báo.
Ông Hai Hùng tình cờ biết hãng Phượng Tím, mới nhờ chi cục khuyến nông liên hệ với Tony để đem mấy loại thuốc sinh học xuống thử nghiệm. Mấy thuốc này sản xuất từ Ấn Độ, Tony mua bản quyền về kinh doanh. Bên Ấn Độ hay lắm, hàng năm nó có tổ chức một cái hội chợ công nghệ, ở đó, ngoài hàng hóa, còn có một khu gọi là poster area, để các bạn sinh viên và các nhà khoa học trưng bày ý tưởng. Ví dụ bạn A nghĩ ra sản phẩm thuốc trừ ve chó chiết xuất từ hạt quả na (mãng cầu). Hạt quả na có tác dụng diệt côn trùng, hồi xưa ông bà mình hay giã ra gội đầu trừ chấy (chí). Cái bạn A đó xay hạt na nhuyễn ra, chiết xuất lấy độc tố, cô đặc lại pha vô sữa tắm cho chó mèo. Tụi Tây mê lắm, vì sữa tắm chó mèo hiện nay có chứa Cypermethrin, là chất hóa học, dù tỷ lệ nhỏ nhưng cũng không tốt cho chó mèo của họ. Chó mèo của họ sang lắm, có cả passport để đi du lịch nước ngoài. Mọi sản phẩm cho bản thân họ dùng và cho chó mèo của họ đều phải là sản phẩm hữu cơ và an toàn. Bạn A sẽ viết tóm tắt ý tưởng này trên 1 cái poster, treo ở hội chợ. Trung tâm nghiên cứu của các hãng mò đến, tới khu treo poster coi, thấy khả thi sẽ ký hợp đồng tài trợ, ví dụ đưa bạn A 50,000 USD để nghiên cứu tiếp. Khi ra thành công thức và đưa vào sản xuất hàng loạt, bạn A đó sẽ được trả tiền bản quyền, ví dụ 1 triệu USD, và cái hãng kia được độc quyền công thức đó trong 20 năm. 20 năm sau thì hết bản quyền gọi hết patent, cái hoạt chất đó sẽ trở thành trí tuệ nhân loại, ai sản xuất cũng được. Lúc này tụi Trung Quốc sẽ sang mua công nghệ sản xuất mấy hoạt chất này, sản xuất với giá rất rẻ, nhưng sản phẩm made in China này sẽ gọi là me-too product, hay generics (sản phẩm đại trà thông dụng nhái, nhưng hợp pháp chứ không phải là ăn cắp bản quyền).
Tony cũng mò qua Ấn Độ, tham dự hội chợ công nghệ sinh học Bangalore. Chu cha nó lớn hết biết ( nó ở đây là cái hội chợ). Sinh viên bên Ấn nhiều đứa đã là triệu phú từ lúc ngồi trên ghế nhà trường với các công trình khoa học. Đây là cái hay của bạn mà chúng ta cần bắt chước để khuyến khích sinh viên kỹ thuật. Tony vô gặp con bé kia tên là Gargi. Gargi đang theo học trường nông lâm súc Hyderabad, đen thui, tiếng Anh dân kỹ thuật lụp bụp, Tony nói chuyện mà mướt mồ hôi vì toàn động từ “to quơ”. Nghe Tony học Harvard về, Gargi bèn sanh lòng yêu mến, cố gắng nói giọng Mỹ để Tony có thể nghe được, kiểu water đọc thành quo-đờ. Tony thấy Gargi có bản quyền thuốc BVTV chiết xuất từ lá ổi, là sản phẩm kép, vừa trừ sâu vừa trừ bệnh. Tony thấy hay quá. Gargi nói thôi tao để cho mày giá rẻ, nước tao trồng ổi không nhiều, mày thấy hay thì tao để mày tượng trưng 1 USD coi như làm kỷ niệm. Cái Tony ký hợp đồng mua bản quyền mà nheo mắt nó 1 cái, nó hồn xiêu phách lạc. Nó nói tao đang thấy chán vì trong ngành ai cũng cao to đen hôi, thì bỗng dưng một ngày tạo hóa lại ban cho một con người đẹp lồng lộng như thế này. Nó chỉ cứ tưởng ở Holywood hay Bolywood mới có.
Cái Tony mang về Việt Nam,tổ chức thu mua lá ổi tươi chiết xuất ra thuốc Guava 007. Bán đắt như tôm tươi. Sâu chết rào rào. Bệnh đạo ôn phấn trắng sương mai gì cũng hết. Lại không có mùi hôi, nên công viên, khuôn viên trường học bệnh viện đường phố gì cũng đặt mua. Sản xuất không kịp thở. Sản phẩm Guava 007 thoang thoảng mùi hoa ổi, nên một số người lấy xịt vào người đi ăn tiệc thay thế nước hoa, ai cũng khen mùi độc đáo, sang trọng. Ngồi bên cạnh đứa xịt nước thuốc trừ sâu này, nước bọt ai cũng trào ra vì thèm ổi. Các nhân viên bán hàng của hãng Phượng Tím nói tui em đi đại lý nào cũng bị bắt ở lại chơi, ôm tụi em ngửi miết. Ai cũng khen ông chủ hãng đẹp trai thanh tú, bà con nông dân thì cứ nhìn hình Tony in trên chai thuốc rồi cười. Thế mới biết, có lợi thế ngoại hình thì làm cái gì cũng thuận lợi hanh thông.
(thôi bữa sau kể tiếp, về nhà thay đồ đi Bỉ đây)
G

2008. Cũng mất cả năm Tony chưa viết gì ngoài mấy lá thư thương mại giao dịch bằng tiếng Anh. Nhiều sự cố, xảy ra, biến mất và lại xảy ra tiếp tục như trêu ngươi. Không gặp mặt ai. Vô số các cuộc gọi nhỡ và tin nhắn. Bỗng dưng chẳng biết muốn gì, kể cả muốn khóc.
Bèn ngày Ngọ, giờ Tý, chong đèn, lật sách của sư phụ ra coi. Nhớ ngày xưa, ngày tạm biệt thầy và đồng môn để xuống núi lao vào thương trường, thầy có cho một cuốn sách, bảo con chớ mở ra, chỉ mở khi thấy tâm trạng hết biết muốn gì, mới được mở, nhớ lời ta dặn ! Mở ra, thấy sách có ghi một chữ duy nhất. “BUÔN”. Hiểu ý thầy, lại tất tả lao vào kinh doanh buôn bán. Cái chi cũng buôn. Càng làm, càng thấy nhiều tiền và càng thấy mệt mỏi, bỗng dưng chẳng biết muốn gì, kể cả muốn ăn.
Bữa nay, thấy lòng thiệt buồn quá, thấy bài của thầy cho chẳng hiệu nghiệm gì. Bèn online chát với thầy, trên núi vừa có sóng Viettel, thầy đã xài black berry nên trả lời nhanh lắm. Than thở 1 hồi, thầy bảo ta đã cho con chữ ấy, nghĩa là dẹp hết, nghỉ hết, lo chơi thôi, con lại lao vào làm làm gì để giờ ra nông nỗi ấy? Mình liền chụp cuốn sách cho ổng thấy giống như một bằng chứng. Hóa ra là thiếu chữ G, ông thầy người miền Nam, phát âm Buôn và Buông giống nhau, và lại ghi sai chính tả. Ý ổng là cho mình chữ BUÔNG, nghĩa là buông xuôi, buông tay, buông lơi, buông thả, dẹp hết tham sân si để lòng được bình yên. Buông là đạo pháp. Ai dè.
Kết luận: Làm thầy thì không nên viết sai chính tả !
Trái cây Nam Bộ

Thằng nhỏ ở Quy Nhơn mới đậu đại học ở Sài Gòn, học được một học kỳ thì vê quê ăn tết. Đám bạn bu lại nghe nó kể chuyện. ” Các bạn ơi, các bạn biết hông”- mới mấy tháng mà nó đã nói giọng Sài Gòn ngọt ngào- ” ở trong đó có rất nhiều loại trái cây ngon lắm nha, như là măng cục nè, như là sầu giêng nè, như là chơm chơm nè, như là bòn bon nè, như là ….”
Tụi bạn sốt ruột hỏi dồn, còn gì nữa, còn gì nữa, cái nó quýnh quáng đáp “ngoài ra còn có bử và ẩu”.
Unbreak…

Có nhiều độc giả nói Tony show hình cho coi đi, thú thiệt là hẻm có nhiều hình vì Tony vốn là “a camera shy”, tức người thấy máy chụp hình thì trở nên rụt rè, ngượng ngùng và không còn tự nhiên nữa. Nên chụp hình nào cũng thấy nó đẹp 1 cách giả tạo thế nào ấy. Post lên thì mọi người bảo là phô tô sóp chứ người đâu đẹp thế? Trên trang facebook của mình, đoạn khai ” about me”, Tony tự khai là ” đẹp như tranh vẽ” nhưng mạng dân ( tức cư dân mạng) không ai dám ý kiến gì vì vấn đề là ai vẽ?
Nên thôi thì miêu tả cho dễ hình dung. Chắc ai cũng biết Lương Triều Vỹ đúng không? Theo nhiều người anh này là tiêu biểu cho chủng da vàng vì nhìn rất Á Châu. Và chắc ai cũng biết Alain Delon đúng không? Theo nhiều người thì ông này tiêu biểu cho chủng da trắng.
Anh Tony là nét đẹp trộn lẫn, mix giữa Monsieur Alain và Lương tiên sinh, nên nhìn khá Tây mà cũng hao hao châu Á. Bọn Tây thì nói mày là dân châu Á nhưng nhìn không biết chính xác nước nào. Còn bọn Á thì nói mày nhất định là diện “con nai” vì cao to mũi cao mắt 2 mí và nói tiếng nước nào cũng lơ lớ, dù biết mấy sinh ngữ nhưng không chuẩn được ngữ nào.
Tóm lại, nét đẹp của Tony là nét đẹp mixed nationality. Nhưng trong quá trình mix, có xảy ra lỗi.
Chẳng hạn như cái mũi cao ngất, quặm vô như con két, 2 lỗ mũi lõ ra kiểu châu Âu lại để trên cái mặt bự chà bá gọi là mặt thịt hay mặt mâm rất đặc trưng của châu Á. Dáng cao ráo trên 1m80 nhưng lưng hơi gù kiểu Tể tướng Lưu Dung mix với thằng gù nhà thờ Đức Bà. Còn làn da thì trắng meng méc hơi xanh xao kiểu mấy Ụ Pa nhưng lại trổ đồi mồi như Tây, lại có mụn bọc kiểu cư dân các nước ven xích đạo. Ngồi họp mà nghe phát biểu nhảm là Tony ngứa tay vân vê mấy cái mụn, khó chịu quá thì tổ chức nặn luôn, có khi nó bắn thằng sang người ngồi bên cạnh.
Thêm cái mặt bị gãy nữa chớ. Gãy cúp. Tiếng Anh gọi là a broken face. Bất chợt trong đầu vang lên giai điệu của bài hát nổi tiếng do Toni Braxton ca.
Un-break ……my face, un-break my face, say you’ll love me again.
undo this hurt…!
Dịch: xin đừng làm gãy cái mặt của anh. Xin đừng làm gãy. Hãy nói em sẽ yêu anh thêm một lần nữa. Đừng làm tổn thương….Đừng mà !
Smartphone

Tony là người thuộc trường phái cổ điển, khá bảo thủ về công nghệ, nên xưa giờ ngoài cái Ipad 4 ra, điện thoại vẫn là cái cùi bắp chỉ dùng để nghe nói nhắn tin. Một hôm, một “con” trong câu lạc bộ “con- dượng” mới đem qua tặng, nói tặng dượng 1 cái để dượng lấy tay quẹt quẹt với người ta.
Cái đem về mò. Cả ngày hôm đó hẻm biết xài sao. Ai gọi đến cũng không biết bấm nút nào để nghe. Còn trong quá trình mò, tự động nó gọi thôi lung tung cả, Tây Tàu gì cũng nói ủa bữa nay mày làm gì mà gọi tao điên cuồng vậy, mà cứ alo là mày cúp. Nên bị chửi fax quá trời.
Đau nhứt là vác mẹt qua Mỹ chơi, nó tự động chuyển vùng quốc tế roaming. Mà Tony ngáo ngơ vẫn để email, facebook, skype trên đó. Ngồi mở ra thì thấy nó chạy vèo vèo, download email xuống quá trời, facebook cũng vậy, còn nhanh hơn internet wifi. Một lúc sau thì thấy tin nhắn quý khách đã sử dụng dịch vụ GPRS với dung lượng mấy chục MB và cước phí bây giờ của quý khách là 7 triệu….
Trời ơi, nước mắt lại lăn dài trên gương mặt hốc hác của một lão trung niên đã qua rồi thì xuân sắc. Nói nổ chém gió ào ào chứ có giàu có gì đâu, làm còn không đủ ăn. Nên 7 triệu là một số tiền lớn. Càng nghĩ càng hận. Bài hạc này đau quá. Nên các bạn đi hải ngoại mà có smartphone, nhớ sign out hết mấy cái ứng dụng nha. Bọn nó smart quá, mình smart không lại.
Tinh thần bấn loạn. Đi giữa đại lộ Bolsa mà vấp té mấy lần. Một cậu bé người Việt thấy vậy, chạy tới đỡ mình lên, nói ủa sao cụ không ra Phúc Lộc Thọ ngồi cà phê, mà đi đâu lang thang trên khu này vậy?
Đã buồn mà còn lại bị nói vậy nữa.
Suy sụp.
Buôn vàng

Tony chuẩn bị về nước. Phát hiện chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới 6 triệu đồng/lượng, Tony quyết định mang về để kiếm lời. Khổ nỗi là hải quan nước nào cũng hẻm cho mang vàng dưới dạng thỏi hay miếng, ra chỗ an ninh là họ khám xét, lấy lại hết, chỉ cho phép mang theo vàng trang sức, miễn sao chứng minh đó là vàng dùng để làm đẹp cá nhân.
Lách quy định này của hải quan các nước, Tony quyết định như sau: 1 sợi dây chuyền dài tới rốn, 2 chiếc lắc, 10 ngón tay, ngón nào cũng 2 chiếc nhẫn. Thêm cái thắt lưng, cái đồng hồ, cái kiềng chân có lục lạc vàng, bước đi keo leng keng như ngựa thồ. Với 20 lượng này, Tony sẽ có 120 triệu.
Thêm cái vòng kim cô đeo trên đầu cho giống Tôn Ngộ Không, 4 lượng. Rồi thêm cây gậy, nói già yếu quá phải chống gậy gia bảo, được 10 lượng nữa. Vậy tổng cộng 34 lượng.
Hành khách có ai thắc mắc thì mình nói mình gốc gác châu Phi, sở thích đeo vàng.
Hay bịt thêm răng? Bẻ hết 32 cái, bọc lại mỗi cái 1 chỉ. Được 3 cây 2.
Chắc không kịp. 34 cây đủ rồi. Thôi về, về.
Kiệt sức ở khách sạn 5 sao

Nó được đối tác mời sang nước ngoài vì phụ trách mua hàng cho công ty. Tới nơi, mắt nó choáng ngợp bởi sự vĩ đại của sân bay nước ngoài, đang nhìn cho đã mắt thì đối tác đã bắt nó lên xe, đưa về khách sạn.
Mèn ơi, sao cái phòng Deluxe của khách sạn nó đẹp đến thế. Cả đêm nó không ngủ được, vì ngủ thì tiếc không thưởng thức được không gian 5 sao. Thế là nó quyết định thức trắng. Vô toilet bật nước nóng đầy bồn rồi tắm đi tắm lại. Rồi ngâm chân. Rồi thỏa thuê xức dầu tắm, xà bông loại thượng hạng trên người. Nó nhìn vô gương, cười cười, thấy đẹp trai quá xá.
Nó lấy bộ áo khoác bằng chất liệu giống khăn tắm quấn quanh người, thắt cái dây nịt vào và đi qua đi lại. Lại vào toilet soi gương. Nó thấy mình không là Trần Văn Tèo nữa mà đã là 1 một ông hoàng Ả rập. Nó nằm lên giường, chao ôi sao gối nhiều đến thế. Nó trườn qua lăn lại, cười hi hí một mình.
2h sáng, nó quyết định mở cửa đi ra ngoài để thiên hạ thấy sự sang trọng của mình. Nó đi lang thang ra hồ bơi, xuống dưới sảnh lớn và định bụng đi ra ngòai đường phố. Ai cũng nhìn nó ngỡ ngàng, nó cảm thấy hết sức tự tin.
Sáng nào cũng vậy, KS mang tặng nó dĩa trái cây và 1 giỏ hoa với lời chúc 1 ngày tốt đẹp. Nó chỉ dùng 2 ngón tay, nhón lấy miếng dưa hấu trước mặt thằng bồi phòng đúng theo kiểu quý tộc Pháp nó thấy một lần trên HBO. Đưa lên chính xác ngay bên trái miệng, khoan thai cắn nhẹ nhàng. Nó thấy quý tộc quá sức tưởng tượng.
Một tuần sau về nước. Mắt nó sâu hoắm và hốc hác. Cả cơ quan ai cũng lo lắng vì tưởng nó làm việc quá sức trong chuyến công cán này. Đối tác càng lo hơn nữa. Vì lúc trả phòng, đối tác nghe tụi khách sạn báo là khách của ông hình như bị tâm thần hay mộng du gì đó, mặc đồ ngủ đi lang thang suốt đêm.
Riêng nó thì khoái lắm, sau lần ấy, gặp ai nó cũng kể, 3 ngày 3 đêm, câu chuyện khách sạn 5 sao vẫn chưa hết.
Weather Forecast
Tony coi hay nghe dự báo thời tiết trên tivi, trên đài nhưng thấy hẻm hay. Trừ bữa nào có bão thì có vẽ đồ thị hoàn lưu …cho khoa học 1 chút, các bữa khác chỉ có 1 thông tin giống nhau là trời nắng gián đoạn, có nhiều mây, có mưa và giông vài nơi. Có bữa đổi lại là có mưa rào và giông rải rác. Nông dân canh thời tiết để xuống giống, xịt thuốc, phơi lúa. Đang phơi lúa thì mưa, hốt vô không kịp bị ướt, nẩy mầm sạch trơn, ngồi khóc. Trách gì được, nó nói có mưa vài nơi mà, chứ có nói hoàn toàn không mưa đâu. Nguyên 1 vùng Nam Bộ mà nói như thế thì chả biết “rác” nó “rải” chỗ nào.
Rồi nhiệt độ nữa, chẳng hạn nước ta khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nên mùa hè như thế này, nói thấp nhất 20 độ, cao nhất 40 độ thì dãn hết biên độ cho phép, địa lý lớp 6 dạy rồi, khỏi dự báo cũng biết.
Còn thời tiết biển thì “tầm nhìn xa trên 10km”. Còn bữa nào có áp thấp hay bão thì “tầm nhìn xa sẽ giảm 2-4km trong mưa, gió đông bắc cấp 5, cấp 6, biển động”. Gần tâm bão thì biển động dữ dội. Nghe riết rồi quen, giờ Tony cũng tự làm được 1 bản tin dự báo thời tiết. Theo Tony, nếu dự báo không có gì mới, cứ nói là ” chúng tôi dự báo thời tiết ngày mai y chang ngày hôm nay”, khỏi tốn thời gian lên sóng.
Không thì phải sáng tạo, cạnh tranh với Tony đi nhé. Tony sẽ đi mua bản đồ các vùng và bẻ 1 cây ăng ten tivi, tối nào cũng đứng chỉ chỏ như giáo viên dạy sinh vật, rồi quay phin tung lên youtube. Bản tin nào cũng giống nhau nên MC nào hấp dẫn hơn thì coi. Bữa Tony bận áo ấm quấn khăn, co ro bên cốc chè xanh ở 1 góc phố Hà Nội, chân trái gác qua chân phải, nhét 1 tay vào giữa 2 đùi, hít hà kêu rét quá rét quá nếu dự báo trời rét (Tony nằm trong nhóm thanh niên trai tráng ở đô thị Việt Nam, chả thể dục thể thao, cứ ra vô nhà ống mấy mét vuông như gà công nghiệp). Bữa bận quần bơi hình tam giác màu hồng phấn phấn khích nhảy múa nếu dự báo có mưa, hay triều cường, thế nào cũng ngập đường phố, bơi cho đã. Thậm chí bữa không bận gì, chỉ ló cái mặt nếu dự báo có nhật thực tàn phần, nude bảo vệ môi trường luôn.
Rồi bắt khán giả nhắn tin đố bạn ngày mai thời tiết thế nào, có bao nhiêu người có đáp án giống bạn. Quất 15,000 đồng/tin nhắn. Trúng thưởng 1 cái Iphone chỉ có 10 triệu chứ mấy, trong khi 1 đêm tiền thu về từ tin nhắn cả tỷ bạc. Phải thêm vụ cờ bạc này vào để lấy hết tiền của các “nam ngây nữ ngô” chắt chiu tằn tiện, ăn hẻm dám ăn, mặc hẻm dám mặc, có nhiêu tiền nạp card để nhắn tin cho mấy game show nhảm nhí. Trên tivi dạo này cờ bạc hơi nhiều, cái gì cũng nhắn tin và trúng thưởng, gọi văn vẻ là “ tương tác với khán giả”. Tội nghiệp mấy đứa ngây ngô cứ coi và nhắn tin miết.
Í cha cha, bữa nay lại nghe “ trời nắng gián đoạn và mưa rào rải rác”. Mặc gì đây ta?
Chuyện lanh lợi của Tony

Tony có cái bệnh tham phú phụ bần và sĩ diện kinh hoàng. Hễ thấy ai giàu có hay quyền lực là bu vô chơi, hòng tương lai có gì họ giúp đỡ. Tụi nó đuổi cũng mon men ra xa 1 hồi thì bu lại, cười giả lả, xin chơi cho bằng được. Còn mấy đứa nghèo hay hạc dở là gạt ra, quánh đập không thương tiếc. Và cầu tiến kiểu cơm gạo. Ví dụ hạc chủ yếu là ở trường A, sau đó hạc thêm ở trường B mà nghĩ là trường B ngon hơn, thì sẽ ghi trên facebook hay sơ yếu lý lịch là em tốt nghiệp trường B, dù trường B mình chỉ tham gia 1 khóa học lấy cái đíp lôm ma (diploma) hay chỉ là cái xơ tí phi kệt (certificate). Mà cũng không biết phiên âm này đúng không nữa, bà cô dạy Anh văn lớp 7 đọc là xơ tí phi két, lên lớp 10 ông thầy nói sai bắt đọc là sờ tí phi cay, lên đại hạc bà cô người Huế kêu là sờ tí phi kệt, cổ nói mấy đứa yên tâm đi, “phạt âm theo cô là đụng. Cô tốt nghiệp Cô le đờ Đông Ba, trường Tây”.
Xã hội giờ xếp loại người như xếp loại tôm đông lạnh xuất khẩu. Nói thằng này đại hạc hơn đứa này cao đẳng. Đứa này cao đẳng hơn đứa kia chỉ mới xong lớp 12. Ngay cả đại hạc với nhau cũng chia tốp trên tốp dưới. Nhưng thang đo xếp loại này là gì, chủ yếu do dăm bài toán lý hóa sinh sử địa trong 2-3 ngày thi cử. Hạc hành là cả quá trình chứ sao kiểm tra có 2 bữa mà biết nó giỏi hay dở? Lỡ bữa thi đó nó bị bệnh thì sao, cơ thể đầu óc sẽ không minh mẫn nên không làm bài được, bị trượt, tự nhiên bị quánh xuống tôm loại 2, không xuất khẩu được là răng? Hay hồi 18 tuổi, chưa dậy thì, không hiểu, không làm được mấy bài toán đố đó nhưng sau này nó tự hạc, nó vẫn hiểu biết và làm được nhiều việc, có sao?
Đi nhiều, quan sát nhiều, Tony thấy trình độ hạc vấn nó hem liên quan gì đến trình độ văn hóa và ngược lại. Trong khi con người đối xử với nhau đâu phải là phản ứng trung hòa mà là nhân chính (nghe giống khu đô thị gì ở Hà Nội). Cái chỉ số thông minh IQ không là gì so với cái EQ, tức chỉ số cảm xúc, vì con người với con người sống, làm việc với nhau không phải cứ rõ ràng 2 cộng 2 bằng 4, càng không phải bất cứ cái gì “made in Japan” thì tốt hơn “Made in China”, cứ không phải 1 ông nhà giáo nhân dân thì là người tử tế…
Ngoài ghi cho được trình độ hạc vấn để tăng danh, Tony cũng ham quan hệ ghê lắm. Suốt ngày khăn gói đi tìm cha nuôi, mẹ nuôi. Mốt nó thế. Người nổi tiếng phải có ai đó nuôi chứ tự mình lớn lên không được. Với lợi thế các sinh ngữ lưu loát của mình, Tony hiện đã sưu tầm được 1 ba nuôi người Hàn Quốc, một chị nuôi người Hồng Công, 1 em nuôi người Pháp. Hiện còn thiếu 1 mẹ nuôi. Mà phải nổi tiếng, triệu phú hay gì gì đó chứ không thể mẹ nuôi là bà Natapong nào đó xắn quần ngồi xắt chuối nấu cám heo ở Cambodia được, dù bà ấy có yêu thương mình đến đâu đi nữa.
Hổm rày Tony tham dự triển lãm du thuyền ở Dubai, chủ yếu để tìm mẹ nuôi, chứ tiền đâu mua, ở chung cư có du thuyền làm gì. Chu cha cái hội chợ nó lớn. Tây Tàu gì cũng toàn người giàu có, ăn vận sang trọng, nước hoa đắt tiền. Lọt thỏm trong đó có Tony Tèo, dáng vẻ liêu xiêu, trên tay cầm hộp danh thiếp (card visit). Gặp bà Tây nào cũng nhào tới “how are you” rồi khen đẹp, khen trẻ, cười nói huyên thuyên. Thấy bà châu Á nào thì cũng lao tới gập đầu cung kính “nỉ hào ma” rồi lập tức “sua hán dụy”. Nhưng 2 ngày rồi mà vẫn không đề cập được với bất cứ bà nào chuyện “you want to become my foster mother or not ( dịch: bà muốn làm mẹ nuôi của tôi không), vì bà nào cũng nói 2 câu với mình là đứng dậy bỏ đi. Hẻm biết sao…
Sáng nay từ Marriott Harbour Hotel, Tony lại y phục lộng lẫy taxi ra Dubai International Marine Club, tiếp tục tìm mẹ nuôi. Dáo dác lên xuống, gặp ai cũng cười, cũng nhào tới bắt chuyện, vì sắp về rồi, hết tiền ăn ở khách sạn 5 sao này rồi mà mục đích vẫn chưa đạt được. Vừa gặp 1 bà người Pháp đang ngồi cà phê ở cửa ra vào trung tâm hội chợ, mình chưa kịp “bonjour” thì bà đứng lên nói ngay là có phải mày muốn tìm mẹ nuôi không. Mình mừng rỡ gật đầu, nói “quy quy, đắc co đắc co”, sao bà biết hay vậy. Bà nói sáng giờ mày là đứa châu Á thứ 4 tới ép tao thành mẹ nuôi.
Bà nói bà từng rất giàu có nhưng giờ phá sản rồi, nợ nần chồng chất, bà đến đây để ký bán cái du thuyền bị ngân hàng tịch biên và cũng có ý tìm con nuôi.
Lật đật đứng dậy bỏ đi liền, a lê a lê liền. Chứ tiền đâu nuôi bả?
Trích “Trí khôn của dượng Tèo, chưa xuất bản”.
WEAK KIDNEY
Rồi cuối cùng Tony cũng chấp nhận cho một đài truyền hình nọ phỏng vấn.
Phóng viên (PV): Xin chào anh Tổng biên tập Tony Trần Văn Tèo. Xin anh Tổng cho biết vì sao gọi là Tony và vì sao có chữ “Buổi Sáng” ở đây ạ?
Tony: Tony là tên tiếng Anh của tôi. Còn “buổi sáng” là vì tôi muốn TnBS cạnh tranh với các tờ báo có chữ “morning” trên thế giới như Bangkok Morning hay New York Morning…
PV: Vậy thưa anh, mục đích xây dựng Tony Buổi Sáng (TnBS) là gì? Tại sao anh không ra mặt và xây dựng thương hiệu cá nhân, để có thể nổi tiếng như tiến sĩ A, giáo sư B, nhà văn C, diễn viên E, đạo diễn F, doanh nhân G,…?
Tony: Dạ thưa vì tôi khác. Tôi chỉ muốn chia sẻ cho vui. Lúc nào tôi ớn thì tôi sẽ đóng TnBS, chuyển qua mở quán Tony Buổi Trưa cạnh tranh với 1 số tiệm bán thức ăn nhanh. Tôi không phải là KOL (Key opinion leader), nói hay viết đều khéo léo lái đám đông theo hướng có lợi cho họ hay công ty họ đang làm dịch vụ quảng cáo. Hay chọn 1 chủ đề gây tranh cãi, rồi thêm ý kiến thật sốc vào để mọi người comment càng nhiều càng tốt. Rồi vào showbiz với mục đích được nổi tiếng và kiếm tiền. Tôi bán phân, không làm được chuyện này (thở dài).
Phóng viên: Nhưng tôi thấy anh cũng nổi tiếng và được yêu mến đấy chứ…
Tony: Vâng đúng vậy. Mặc dù chỉ là 1 tên thương lái, về ngoại hình, tôi hơn hẳn các người mẫu. Về gương mặt, tôi không thua bất cứ diễn viên nào. Về khả năng viết lách, thì như cô thấy đấy, ở châu Á tôi chỉ sau Mạc Ngôn…về độ tuổi.
Phóng viên: Xin anh cho biết vì sao anh lúc nào cũng không khiêm tốn như vậy? Tôi nghĩ một số độc giả không có óc hài hước rất dị ứng và ghét kiểu người như anh…
Tony: Ai ghét, cô chỉ tui coi….
Phóng viên:…( Ú ơ, cứng họng, nghiệp vụ trong trường báo chí chưa dạy phải phản ứng thế nào với đối tượng khùng nhẹ này..)
Tony ( lầm bầm): Ai ghét, tui quánh bầm mắt
PV: Dạ. Câu hỏi cuối, nếu nói ngắn gọn 2-3 chữ về mình thì anh sẽ nói thế nào?
Tony: Giàu và Đẹp
Cô phóng viên vừa nghe vừa hí hoáy ghi chép vào sổ. Thằng quay phim ngồi cười hả hả, nói sao mà 2 đứa em mê anh quá hà. Cười nhiều quá nên sau khi 2 đứa nó đứng lên đi về, thấy something còn đọng lại ở dưới ghế.
Kết luận: Tuổi trẻ bây giờ thận yếu.
Chét Lát và Nót Théo Chìa

1. Thấy Tony hay dùng từ jet lag ( đọc là chét-lát) nên có cháu hạc sinh viết meo hỏi thưa chú jet lag là gì? Jet lag là tình trạng mệt mỏi sau 1 chuyến bay dài. Ngoài ra còn do thay đổi khí hậu, chênh lệch múi giờ…nên người bị chét-lát thường bơ phờ hốc hác, phải mất mấy hôm mới quen với múi giờ mới. Jet là máy bay, còn lag là do ngồi lâu quá mà bị, giống như internet lâu lâu bị lag thì mình phải tắt modem rồi bật lại.
Hôm bữa máy bay vừa xuống sân bay Bangkok, vào đứng lấy hành lý bỗng Tony thấy chét-lát, bèn khóc rống lên. Tây sợ quá bu lại hỏi sao sao, tụi nó hỏi mày bay từ đâu, Tony nói từ Sài Gòn. Nó hỏi chuyến bay dài lắm à, mình nói 1 giờ. Nghe xong tụi nó dãn ra, bỏ đi hết, nói thầm với nhau thằng này chắc khùng nè, bay có 1 tiếng và điểm đến cùng 1 múi giờ mắc mớ gì chét-lát ( nó nói thầm nhưng nhìn miệng mình đoán được ý).
2. Tony cũng hay bị bệnh nhớ quê hương khi xa xứ, bệnh nostalgia, đọc là nót- théo-chìa. Hôm bữa vừa bước chân qua cửa khẩu Mộc Bài, hải quan Cambodia vừa đóng dấu nhập cảnh 1 cái cộp vào passport thì Tony bắt đầu chùi nước mắt. Thấy nhớ nhà, nhớ quê hương xứ sở. Khi leo lên xe buýt đi về Phnom Pênh thì ngoái cổ lại nhìn cố hương mấy lần, những gốc lúa bờ tre cũng thấy yêu tha thiết. Vừa ngồi vào ghế ( sau lưng tài xế ) đã cất tiếng hát trong trẻo ngay với bài Quê hương, nhạc Giáp văn Thạch, lời Đỗ Trung Quân ( tức bài quê hương có chùm khế- chứ hẻm phải quê hương nước mặn đồng chua nha). Tây Tàu ôi thôi bu lại nghe, nghiêng cả xe. Tony nói với bọn nó là tao bị nót-théo-chìa, tao thèm canh chua và cá kho tộ, tao thèm rau đắng mọc sau hè,…. từ khó vậy mà cũng ráng dịch được. Khách trên xe đứa nào đứa nấy nhìn mình thông cảm chua xót xuýt xoa.
Trên xe ngoài Tony ra thì còn có 1 bà già người Việt, bận áo lạnh, ngồi ghế cuối. Thấy toàn bôi dầu xanh vào ngón tay và đưa lên mũi hít suốt, dáng vẻ quê mùa lắm, Tony đinh ninh là bà hẻm biết Tony nổ gì. Ai dè bà đằng hắng rồi nói to “ê mầy, tao trước 75 làm phiên dịch ở sở Mỹ nên tiếng Anh lưu loát nha mậy. Xe mới qua biên giới có mấy chục mét mà nót-théo-chìa cái giống gì, lố quá đi”. Rồi bà nói thêm “ có nhớ quê quá thì bước xuống xe về bển lại đi ông nội”.
Tính kỷ nuật

Discipline, đọc là đít xíp lìn, lìn chứ hẻm phải lai nha.
Đít xíp lìn có nghĩa là kỷ luật, đa phần chúng ta nuông chiều cái sướng của bản thân, rơi mất kỷ luật. Ngủ dậy sớm là dậy sớm. Đi là đi. Ăn là ăn. Tới giờ làm cái gì là làm cái đó, không có ráng 1 chút nữa, nhấc đít lên không nổi, làm cái gì cũng lề mề. Đang giờ làm việc, tò mò facebook quá, thế là bỏ công việc đang làm, lên FB coi. Coi chục status toàn buồn nhẹ với chán chồng, cái mình cũng bị lây theo, hết muốn làm việc.
Quyết tâm làm cho được, không để bệnh nửa chừng rồi bỏ. Quyết tâm hạc Anh Văn là đăng ký hạc, mở máy hạc, chứ không phải vô Youtube coi mấy cái clip hài tốn thời gian. Quyết tâm thể dục thể thao là mở sáng thức dậy đi tập, kiên quyết không bỏ dù trời có lạnh cách mấy. Hứa hẹn gì phải làm cho được, đi đâu cũng phải đúng giờ.
Thủ Tướng Lee Kuan Yew là Lý Quang Diệu là một bậc trí giả của loài người thời chúng ta đang sống. Ông có công đưa Singapore từ 1 miếng đất bèo nhèo trở thành thành phố quốc tế nhất ở châu Á, giàu có bậc nhất thế giới. Goal là cái mục tiêu, trong đá banh là khung thành. Đọc là gâu lờ, lờ nhẹ. Reach your goals ( rít ch doa gâu l) tức đạt được mục tiêu mục đích của mình, thì không thể thiếu kỷ luật, without discipline, you cannot reach your goals and dreams.
Dream là giấc mơ, ước mơ. Ước mơ thì phải vĩ đại, đâu có ai đánh thuế đâu mà “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Suy nghĩ chi nhỏ xíu, vụn vặt, ăn cắp chi vài ba đồng, nói dối chi cho thành người rẻ tiền vậy. Mơ lớn lên, vẫy vùng ra biển lớn đi, xách giỏ đi giao lưu quốc tế để thấy thế giới rộng lớn thế nào. Thế hệ mình sẽ lái xe hơi, ở biệt thự hoặc chung cư cao cấp, đi xe buýt xe điện, nói tiếng Anh rào rào như giới trẻ các nước…Tử bỏ ngay thói quen ngồi quanh ao làng cãi nhau với thằng Ổi con Mít, tranh chấp quyết liệt mấy trái ổi trái xoài, cãi vã nhau mấy chuyện ai nuôi nhiều hơn mấy con lợn con gà, lấn chi với bà Tư bà Bảy chút hàng rào dâm bụt, giành chi từng mét đường để đi trước 1 chút, chen chi vô trường gì đó mà người ta cho là ngon trong khi ước mơ nghề nghiệp của mình thì không dám theo đuổi, mắc mớ gì cứ phải sống cho người khác coi?
Một tổ chức, công ty xí nghiệp chỉ thành công khi mỗi thành viên ở đó có tính kỷ luật. Không có chuyện kỷ luật cao hay thấp. Kỷ luật là kỷ luật. Đó là các nguyên tắc, các quy định mà mọi người phải tuân theo.
Đất nước Đức hùng mạnh vì tính kỷ luật. Nước Nhật cũng vậy. Và mỗi cá nhân, cũng vậy. Tự đặt ra các kỷ luật cho bản thân mình và thực hiện cho bằng được. 5% dân số trong mọi xã hội thành đạt vì họ có tính kỷ luật cao, làm cái gì ra cái ấy. Còn 95% còn lại thì bèo nhèo, mệt mỏi, vừa làm vừa chơi, mọi thứ cứ làng nhàng. Cuộc đời cứ làng nhàng, về già ngồi nghĩ lại sao mình cũng có một cuộc đời, nhưng sao tẻ nhạt vậy? Thì trách thời tuổi trẻ ấy.
Muốn thành đạt, phải đít xíp lìn. Nhớ nhớ nhớ…
Mình từ hôm nay đã là một con người khác, người kỷ luật. Mấy đứa xuề xoà, bèo nhèo, lộn xộn…thôi unfriend cho rồi chứ chơi mắc công lây bệnh. Lựa đứa kỷ luật mà chơi, nó sẽ giúp mình có goal, có dream, có tất cả.
Tuổi trẻ hãy hừng hực lửa, tuổi già thong thả ngồi kể chuyện cho con cháu nghe…
Hạc ngụa ngữ sáng nay

Sáng nay mình học chữ Honest nhé. Đọc là ó nịt s ( sờ nhẹ).
Nghĩa là trung thực, lương thiện. Mr Kevin is an honest guy, anh Kevin là 1 người trung thực. Vì chữ H ở đầu là câm, nên mình đọc Ó chứ không Hó. Nên phải dùng an để trước thay vì a. An honest friend
Danh từ là honesty, đọc là ó nịt ty. Tức sự trung thực.
Ông Warren Buffett ( Quó rinh búp phày), nhà đầu tư tài chính tài ba nhất thế giới, nói câu này. Sự trung thực là 1 món quà vô giá ( a very expensive gift, đọc là ẹt pen si v gíp). Đừng mong điều này ( dont expect it, đọc là đân ẹt péc ) từ mấy đứa rẻ tiền (cheap people). Tức mấy đứa hay nói dối là hạng người rẻ tiền, không đáng chơi. Chơi rồi rẻ tiền giống nó sao được. Tuyệt đối không hợp tác làm ăn hay vay mượn tiền bạc với người không trung thực, vì họ sắp đặt giá trị của họ rất thấp, ngay khi chỉ vài ba triệu họ đã bán mình, sự trung thực không có nên lòng tin cũng không có. Mà không có lòng tin thì sao làm chung được?
Nhân cách con người rất kỳ lạ. Bạn muốn vô giá hay rẻ tiền, đều được.
Chuối và Tony
Lúc nhập môn quản trị bên Mỹ, thầy giáo có nói là lao động trí óc, phải ăn chuối. Tony ngạc nhiên ghê lắm, loại trái cây bình thường này mà được giảng dạy trong trường kinh doanh? Thấy thực đơn ăn trưa của hạc viên cũng vậy, trên khay có 1 quả chuối nhập từ mấy nước Nam Mỹ, xấu xí, nhạt phèo. Nhưng phải ăn vì sợ theo bạn bè hẻm kịp.

Ăn mấy bữa thôi mà Tony thông minh sáng tạo, giỏi đến ngỡ ngàng, đẹp trai choáng ngợp, lúc tắm soi gương miết. Sau này mới biết là chuối có tác dụng rất tích cực đến con người. Người ta gọi Chuối là vua của các loại trái cây. King of Fruits. Nó giúp não tạo ra chất Serotonin có tác dụng giúp sống tích cực, suy nghĩ tích cực hơn rất nhiều lần. Mọi nhà quản trị tài ba trên thế giới đều thích ăn chuối. Vì mỗi khi căng thẳng stress, chất metabolic tăng lên và triệt tiêu lượng Kali trong cơ thể. Những vận động viên thể hình phải dung chuối để tạo cơ săn chắc.
Ở các trường học ở Anh và Đức, hầu như phải có chuối trong thực đơn của học sinh. Vì nó giúp tăng cường khả năng nhận thức và tính toán. Trong hành lý của đội tuyển HS giỏi của Hàn Quốc đi thi quốc tế, chuối khô luôn được các thầy mang theo kè kè, sợ sang quốc gia sở tại mua không được, ăn đỡ trái khô cũng được – mặc dù ăn trái tươi thì tốt hơn. Nên năm nào Hàn Quốc cũng nằm trong tốp đầu. Chỉ 2 quả chuối 1 ngày sẽ giúp lao động 1 ngày không mỏi mệt. Như vận động viên quần vợt Nadal, sau mỗi hiệp đấu, anh lại ngồi xuống và ăn chuối, nên không ai quánh lại, bạn có thể kiểm chứng điều này trên tivi.
Chuối góp phần tăng năng suất lao động. Và người Mỹ, Âu, Nhật, Hàn ăn chuối kinh khủng. Và gần đây là Trung Quốc, mặc dù trồng được ở đảo Hải Nam và Quảng Tây nhưng năng suất kém, nên họ nhập từ Philippines, Indonesia, Thailand, Vietnam với trị giá khổng lồ hàng năm. Các ông chủ ở các nhà máy ở Quảng Đông biết rằng, thống kê cho thấy, nếu cho công nhân ăn chuối trong giờ nghỉ giải lao, họ sẽ có đầu óc tỉnh táo và sáng tạo, làm việc ít mắc lỗi hơn gấp 3 lần. Còn cán bộ nhân viên văn phòng thì việc ăn chuối là bắt buộc trong bữa sáng để không mắc sai sót trong giấy tờ văn bản. Nhân viên làm sales sẽ bán được hàng gấp đôi ngày không ăn chuối do tác dụng tích cực ảnh hưởng đến giọng nói, gương mặt…Ai ăn chuối nhiều đều tươi tắn vui vẻ, hưng phấn truyền sự vui vẻ cho khách nên bán được nhiều hàng.
Tuy nhiên ở các nước trồng chuối thì dân chúng ở đấy lại xem thường, không ăn hoặc ăn rất ít. Lại bỏ tiền đi nhập táo, nho, kiwi…những quả ôn đới mà họ trồng không được. Nên kinh tế các quốc gia trồng chuối thì lại nghèo, ít phát triển hơn các quốc gia nhập chuối. Gần đây Liên Hợp Quốc có chương trình khuyến khích dân chúng vùng này ăn chuối để thông minh sáng tạo, giúp giải phóng khỏi đói nghèo triền miên, nhưng ai cũng trề môi và nói bổ béo gì trái này, tụi tao trồng đầy ngoài kia. Cứ cái gì thừa mứa thì chê, tâm lý ai cũng vậy.
Thật may mắn là Việt Nam là quốc gia trồng được chuối, và chuối Việt Nam mình ngon thấy bà cố. Mình cùng nhau trồng và ăn chuối thật nhiều nhé. Chuối sẽ giúp thịt da săn chắc, đẹp trai đẹp gái một cách khỏe mạnh. Chuối giúp mình tăng lượng đường trong lưỡi, ăn nói ngọt ngào hơn rất nhiều. Ai nghe cũng thích, cũng mê….
Và đó là bí quyết của lãnh đạo và nhân viên hãng Phượng Tím. Ai cũng tươi trẻ, lanh lợi thông minh, nụ cười thường trực trên môi, vừa đi vừa chạy, làm việc say mê. Nên mấy hãng Phượng Đỏ, Phượng Hồng, Phượng Hoàng, Phượng Sồ, Phượng Vĩ…, cán bộ nhân viên ai cũng mặt mũi khó đăm đăm, ú nụ, chằm dằm, nếu không thì cũng uể oải, ngáp lên ngáp xuống, ngồi mệt mỏi do không ăn chuối, thử hỏi cạnh tranh sao lại?
Bạn nào ở tỉnh kiếm đất mở ngay trang trại trồng chuối, bạn nào ở TP mở ngay công ty Chuối Việt để xuất khẩu đi nhé. Nhớ chiếu xạ để hạn chế chuối bị chín trên đường vận chuyển.
Kiếm đô la mang về xây dựng đất nước nào !!!! Go go go, à lề à lê à lê….
“Bạn tay ta làm nên tất cả
Có sức người – sỏi đá cũng thành chuôi !” ( tức chuối, vô vần cho khớp)
Để lại một phản hồi