Mục Lục
Chọn cái lu bu

Dành cho các bạn yêu thích làm chủ doanh nghiệp, để có cơ nghiệp cho vui với đời. Cách sản xuất sô cô la như vầy nè. Các bạn muốn SX thì đọc thêm 100 tài liệu nữa, khoảng 6 tháng lăn lộn vùng nguyên liệu hay cao trí hơn 1 bậc, mình “ủ miu”, xin qua Thuỵ sĩ, Đức, Pháp, Bỉ….để làm công nhân trong các nhà máy sản xuất sô cô la của họ, 1-2 năm rùi về, mình sẽ biết cách làm. Làm ngon để xuất qua thị trường đó. Nhu cầu thế giới lớn lắm, mà chỉ có mấy nước trồng được cây này thui.
Châu Âu họ không trồng được cây ca cao, phải nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi, Việt Nam…về bên đó sản xuất sô cô la, xong xuất lại với giá trị tăng gấp 100 lần. Nên họ phồn vinh. Còn mình thì hem chịu học hỏi để làm, hoặc biết cũng hem làm (lười) nên nghèo khổ miết.
Mình mày mò cũng làm được. Thử và sai, thử và sai. Chục lần là ra kết quả.
Đã có 3 bạn trong CLB con dượng sản xuất thành công từ việc đọc những status như vầy. Từ nhân viên bàn giấy, các bạn đã từ bỏ cái “nhàn hạ” để lấy cái “lu bu”. Một bạn đã xuất khẩu thành công, tháng kiếm có 20,000 đô la tiền lãi. Và tiếp tục nhiều đơn hàng hơn. Bạn trẻ phải có cơ nghiệp từ sản xuất, ny lông (ly nông) mà không ly hương. Cha mẹ phải khuyến khích con làm chủ nhà máy xí nghiệp này nọ thay vì ổn định với đồng lương vài triệu nếu thấy con mình có tư chất thông minh học giỏi. Thầy cô cũng phải hướng dẫn học trò mình làm những sự nghiệp lớn lao nếu thấy đó là tinh hoa, giỏi giang hơn người.
Bạn mua xe hơi đưa vợ con đi chơi (thời đại này mà còn đi xe máy nữa thì dở quá), con cái cho học trường quốc tế để khỏi phải học thêm, bạn mua xe hơi biệt thự cho cha mẹ ở, bà con chòm xóm ai thất nghiệp đều cho vô xưởng làm, lương tháng 6-7 triệu hết. Xóm làng ai cũng khen, nói nó tốt nghiệp Đại học chứ có phải người thường đâu. Cha mẹ thì nở mũi sung sướng, thầy cô giáo cũ thì tự hào, thế hệ sau thì ngưỡng mộ…
http://m.wikihow.com/Make-Chocolate
Bộ óc kiệt xuất nhất nhơn loại từ cổ chí kim đã nói gì?

Nhiều bạn thắc mắc, hem biết học sinh sinh viên nước ngoài nó học kiểu gì mà thấy “chơi thể thao nhiều hơn ngồi giải bài tập”, hẻm thấy học thêm học bớt gì trơn trọi mà ra đời vẫn giỏi. Hem biết các ĐH nước ngoài làm sao mà nhận ra đó là nhân tài mà tuyển vô hay vậy?
Triết lý về giáo dục ở một số nước châu Á là giáo dục khoa bảng, là “học để thi”, ngược lại với triết lý giáo dục của Unesco là (1) học để hiểu biết (2) học để làm người (3) học để làm việc (4) học để chung sống với nhau. Vì “học để thi” nên tâm lý ai cũng sẽ “thi gì học nấy”, dẫn đến chuyện học thêm dạy thêm, luyện thi…không bao giờ chấm dứt được. Và từng thế hệ học sinh mệt mỏi từ mờ sáng đến tối mịt ngồi giải ô mê tê cộng phi, 3 lọ hoá chất bị mất nhãn (tưởng mấy khoá trước tìm được rồi ai dè khoá này lại mất nhãn tiếp, mấy người làm phòng thí nghiệm bất cẩn quá). Toán thì nhào vô là đạo hàm rồi nguyên hàm nhưng không hiểu bản chất. Toán thì tích phân, văn thì phân tích… cứ như ngoài thế giới không có cái gì khác nữa. Cũng không trách các bạn được, vì các bạn phải học vậy để THI.
Xưa Tony cũng vậy. Ba năm cấp 3 chưa từng cầm cái ống nghiệm hoá chất, trường có phòng thí nghiệm nhưng thầy bảo thi không ai kiểm tra cái đó, chỉ giải đề tính mol trên giấy, “học cái gì để thi mới học”, nên ai ai cũng có tâm lý là “ngu gì học cái không thi cho tốn thời gian”. Học kỳ cuối năm 12, Tony cũng ngồi học tới 2h sáng, 5h đã thức dậy. Tuổi hoa niên của Tony với dung mạo xấu xí, 17-18 tuổi, lẽ ra phải phơi phới rạng ngời, mà mắc “giải đề luyện thi” 20/24 giờ nên nặng chỉ có 57kg, chiều cao 1m75, mặt dài như cái bơm, hai con mắt lồi ra, mụn bọc khắp nơi, lúc nào cũng ngáp uể oải do thiếu ngủ. Lúc đó thấy trên tivi, tuổi hoa niên của các bạn học sinh phương Tây sao mà cao lớn đẹp đẽ quá, ôm bóng chạy trên sân, đạp xe đi rừng đi núi nhìn thích ơi là thích.
Thế giới họ cũng có thi, hem thi sao biết được ai giỏi dở. Họ có các kỳ thi SAT, ACT (cho học sinh phổ thông để vào ĐH), GMAT (thạc sĩ về kinh tế), GRE (thạc sĩ tự nhiên), hoặc tuyển vào trường luật thì có kỳ thi LSAT (Law School Admission Test) , tuyển bác sĩ thì có kỳ thi MCAT (Medical College Admission Test-sau khi đã học xong cử nhân sinh hoá, ai muốn học bác sĩ thì thi tiếp cái này).
Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là bài luận, phỏng vấn online, các trải nghiệm thực tế, công tác xã hội…để xem năng lực, khả năng ăn nói, ngoại hình, tâm sinh lý có phù hợp với trường của họ không thì mới tuyển. Đó là ĐH hàn lâm, tuyển tinh hoa. Còn ĐH ứng dụng, tuyển đại trà, tuỳ trường quyết định hình thức tuyển.
Các bạn có thể đọc thêm ở phần comment các link về các kỳ thi ở nước ngoài. Nguồn gốc của giáo dục tiên tiến là đổi mới các kỳ thi sao cho học sinh không phải vất vả vì nó, ví dụ tổ chức 6-7 lần trong năm như SAT, ACT, thi giấy bút chì hoặc thi online, uỷ quyền các trung tâm tổ chức có thu phí, học sinh có thể thi mấy lần tuỳ thích, tuỳ khả năng để cải thiện điểm (nhưng 1 số ĐH lớn không chấp nhận kết quả lần 3), và điểm này chỉ là 1 yếu tố để xét vào ĐH. Còn phải tính đến sức khoẻ, khả năng xã hội…chứ không phải toàn chữ nghĩa không mà có thể thành người hữu dụng.
Cần áp dụng các kỳ thi nước ngoài như thế này, trước hết bằng tiếng Việt, sau đó khoảng chục năm nữa thi luôn bằng tiếng Anh, để học sinh thi xong muốn đăng ký vào ĐH ở nước nào thì đăng ký. Có thoải mái như vậy, mới có chuyện học sinh sau khi học lớp 12 sẽ tiến hành nghỉ 1 năm, đi lang thang, làm đủ việc để tìm đam mê nghề nghiệp của mình (gọi là gap year), hoặc như 3 quốc gia có năng suất lao động tốt nhất thế giới hiện nay là Israel, Hàn Quốc, Singapore…họ có chương trình đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc (ví dụ nam 2 năm, nữ 1 năm…để rèn tính kỷ luật, Việt Nam nên áp dụng, nam tối thiểu 1 năm, nữ tối thiểu 6 tháng để khoẻ mạnh hơn). Thi các chứng chỉ SAT, ACT phiên bản Việt 6-7 lần/năm, thi online mới tạo cho học sinh cảm giác thoái mái, học 1 buổi đi chơi thể thao 1 buổi, thiện nguyện hay tình nguyện 1 buổi được, hoặc đi học mấy kỹ năng, thêu thùa may vá, võ thuật bơi lội, cắm hoa nấu ăn, làm mộc làm nhà… này nọ. Thi online cũng không tốn kém tổ chức, giáo viên chấm thi này nọ…
Mọi thứ hội nhập, chúng ta nên nhập mô hình giáo dục của phương Tây về mà ứng dụng, họ hướng về thành tựu nên sẽ bật hết năng lực mỗi cá nhân. Lúc đó, ĐH Harvard sẽ phải cạnh tranh để nhận nhân tài với ĐH Cà Mau, không phải chuyện cười hay viển vông.
Thế giới đã rất phẳng, công dân quốc gia thành công dân toàn cầu, trái đất chỉ là 1 hành tinh nhỏ xíu trong vũ trụ. Ở các nước, giáo viên còn đang lo lắng là khoảng vài trăm năm nữa, trái đất ô nhiễm, hết trong lành, giáo dục phải tạo thành tựu giúp con người đi tìm 1 hành tinh khác có thể sống được. Và học sinh các nước đang đợi tìm những bộ óc kiệt xuất như Albert Einstein (anh-sờ-tanh). Kiến thức (fact)’chỉ là 1 phần, họ chú trọng dạy học sinh tư duy (think) như Anh Sờ-Tanh nói về giáo dục.
Chỉ có đổi mới cách tuyển sinh theo hướng khuyến khích hoạt động xã hội, thể chất như phương Tây mới không có hiện tượng luyện thi, học thêm, dạy thêm….vì không ai có thể học thêm được môn làm tình nguyện, từ thiện, công tác xã hội, rèn luyện sức khoẻ, hiểu biết xã hội, tư duy, lối sống,…
Lấy tiền của Tây

Bài 1: Mần xuất khẩu
Có mấy bạn trẻ nói nhà con trồng thanh long nhiều lắm, trong xóm cũng trồng nhiều mà 99% bán cho thương lái Trung Quốc, con giờ muốn buôn bán với Tây, phải làm sao đây dượng?
Bèn trả lời như sau:
1. Thứ nhất là các bạn nên đi học 1 lớp xuất nhập khẩu (XNK) thực tế. Hẻm có trường cao đẳng ĐH nào dạy được mấy cái này, do thầy cô hàn lâm lắm, có đi làm ngày nào đâu mà biết nó ra răng. Hiện có rất nhiều công ty mở dạy nghiệp vụ XNK. Họ sẽ dắt ra cảng làm thủ tục hải quan, lên phòng công nghiệp lấy C.O, xuống xưởng đóng gói hàng hoá, dắt mình lên ngân hàng mở thư tín dụng đồ…Họ sẽ cầm tay chỉ việc đến khi mình nắm vững và tự làm được.
Các bạn search google “khoá học xuất nhập khẩu thực tế” để tìm chỗ gần nhất mà học.
2. Song song vào đó, các bạn học thêm tiếng Anh thương mại, tiếng Anh xuất nhập khẩu, search “English for import export”, “Business English”, “Tiếng Anh xuất nhập khẩu”. Học hết các từ vựng trong đó để biết viết thư chào hàng, trả lời lại email của người ta. Dễ ẹc, 3 tháng là rành rọt hết từ vựng nghề này.
3. Search các thông tin người mua người bán trên mạng, đăng ký thành viên alibaba chẳng hạn để rao hàng trên đó, hoặc lập fanpage rồi quảng cáo ở nước mình muốn xuất, ví dụ mình muốn xuất khẩu thanh long qua Dubai, mình lập một fanpage “dragon fruit ex Vietnam”, rồi đăng lên đó các bài tiếng Anh về thanh long, hình ảnh vườn của mình, đóng gói bao bì, giấy chứng nhận này nọ…. (mình đi học 1 khoá XNK thực tế thì sẽ nắm cái gì cần đăng lên cho khách nước ngoài quan tâm), rồi tiến hành chạy quảng cáo facebook ad (search dịch vụ chạy quảng cáo fanpage). Mỗi facebook của cư dân Dubai sẽ cứ mấy phút hiện lên cái trang của mình cho họ like, họ đọc, có nhu cầu họ sẽ liên hệ mua ngay.
Tương tự, mình cũng phải làm website (hẻm có website Tây nó không tin đâu nha), ví dụ dragonfruit-for-export.com chẳng hạn, rồi cũng chạy google ad (quảng cáo qua google, dịch vụ nào cũng có, họ làm cho chuyên nghiệp, mình mò cũng được mà tốn thời gian, để lo việc khác). Ví dụ ai đó bên Pháp muốn mua thanh long, họ vô google.com gõ “dragon fruit”, website của mình sẽ hiện ra đầu tiên. Họ email qua mình hỏi giá ví dụ 20 tấn, giá CIF giao tại cảng Mạc Xây. Mình hỏi nhà vườn giá xong, chi phí đóng gói xử lý hàng, tiền cước tàu chở qua bển, rồi tiền lãi, ví dụ 20 tấn này mình muốn lãi 5,000 đô, thì cộng vô rồi chia ra kg rồi báo. Nó OK giá thì mình kêu mày mở thư tín dụng hoặc chuyển tiền trước cho tao đi. Cái mình nhận tiền xong, đóng container rồi ra cảng xuất qua cho nó. Nó nhận hàng xong thấy Ok rồi đặt tiếp mấy công ten nơ nữa. Tháng mình xuất 2000 tấn đi, kiếm lãi 500,000 đô chơi (tháng kiếm khoảng 10 tỷ thôi, đừng nhiều quá ăn hem hết).
4. Cái có tiền rồi, mình mới đăng ký đi hội chợ quốc tế tìm khách. Search “fruit exhibition, fruit trade fair, agricultural produce show”…rồi đăng ký tham gia. Họ sẽ gửi thư mời về công ty mình, rồi mình lên đại sứ quán nước đó xin visa, chuyển tiền sang bên đó để book cái gian hàng, rồi mình xách hàng mẫu sang trưng bày triển lãm. Hàng mẫu nhiều thì nhờ dịch vụ gửi qua trước, mình bay qua sau. Mình là con trai thì tập gym cho nở nang, dùng sữa rửa mặt Thái Dương cho sáng bừng, rồi bận áo vét, luôn miệng tươi cười “Welcome to our booth”, rồi gọt thanh long đưa nó ăn, nói “please give it a try”. Nếu thương nhân Tàu tới thì lập tức “sua Hán Dụy” (nói Hán ngữ), nói “sư sư ỷ xa” (thử thử đi nào). Nếu mình là con gái thì mình bận áo dài áo bà bà, đội nón lá, trang điểm lộng lẫy như đào cải lương, bưng cái khay trái cây ra giữa lối đi hội chợ, ai ngang qua mình cũng ép ăn, xin nem cạc (danh thiếp), bắt vô đàm phán chuyện trò, nói “please come to our stall for further discussion”. Nhác thấy bóng khách người Hoa Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hoa Kiều các nước thì mình đứng dậy chèo kéo nói “lải lơ lải lơ” (vô đây vô đây), sau đó “mạ shang thào luynh” (lập tức thảo luận).
5. Nhưng làm XNK, bạn phải cẩn thận về chữ nghĩa, đặc biệt không được sai sót về con số. Nếu hay sai sót chữ nghĩa, hay sai về con số, hem nên làm nghề này. Thi tú tài mà toán dưới 5 điểm thì thui đi làm nghề khác, nghề này phải tuyệt đối cẩn thận.
Ngày xưa mới ra trường, Tony vô công ty Nhật thử việc vị trí XNK cùng với 1 bạn khác. Đúng 10 ngày là ông sếp Nhật cho bạn kia nghỉ, ổng nói nó sai chính tả dữ quá, sao tốt nghiệp ĐH gì mà bất cẩn quá vậy, không làm xuất nhập khẩu được. Ổng nói làm gì trên đời có Vietnam Airline, cũng không có quán cà phê nào có tên Starbuck, cũng không có ông Bill Gate, ông Steve Job hay không có ĐH nào mang tên Havard.
Nó sai chính tả dữ quá, tiếng Anh tiếng Việt gì cũng sai, thể hiện sự ít để ý, bất cẩn, không tinh tế hay trí nhớ tồi. Không nên làm XNK vì liên quan đến tiền bạc của bao nhiêu người.
Nếu các bạn nhận ra thèng này sai cái gì, mình mới làm được nghề XNK.
Lấy tiền Tây, lấy tiền Tây
Mấy con khỉ ở Bandung

Bandung là thành phố lớn thứ 3 ở Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á. Cách Jakarta 180km và nằm ở độ cao 800m so với mặt nước biển, Bandung có cái gì đó rất giống Bảo Lộc. Với khí hậu khá mát mẻ, Bandung từng là thủ đô của đất nước này thời thuộc địa Hà Lan, vì Tây thường sợ khí hậu nóng (toàn quyền Đông Dương ngày xưa cũng chọn Đà Lạt làm tổng hành dinh, người Tây hay mắc các bệnh nhiệt đới. Tony cũng vậy, không biết lúc nào đã biến thành chàng trai ôn đới, thấy nóng là sợ).
Anh bạn tên Roy lái xe chở Tony, đi từ Jakarta chỉ mất đúng 2h là đến được Bandung (dù từ sân bay Jakarta đến được điểm đầu của đường cao tốc chỉ có 20km nhưng cũng mất 2 tiếng vì kẹt xe kinh khủng). Trước năm 2005, khi chưa có con đường cao tốc, Bandung là thành phố heo hút. Nông sản làm ra đổ đống cho bò ăn, người dân Bandung đi tha phương cầu thực.
Đường cao tốc ở đây cho tư nhân đầu tư, họ thấy có nhu cầu là lập dự án. Công ty tự thương lượng đền bù giải tỏa, tự xây, tự bán vé, ai muốn đi nhanh thì bỏ tiền ra đi trên đường này, muốn miễn phí thì đi dưới đường cũ của nhà nước, không có chuyện vừa miễn phí vừa đòi nhanh. Họ tự tu sửa bảo trì, con đường là hàng hóa của công ty. Đường xấu không ai đi, tức không bán được hàng thì thua lỗ ráng chịu. Người Indo bây giờ tập trung phát triển đường cao tốc kinh khủng, vì họ biết, có đường là có TẤT CẢ. Họ muốn trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới.
Năm 2005, đường cao tốc này khánh thành, Bandung thức giấc, trở thành một nàng công chúa diễm lệ. Nhà máy, nông trại mọc lên ở Bandung ngày càng nhiều, đặc biệt là các nhà máy dệt may, vì chi phí sinh hoạt rẻ, lại có khí hậu mát mẻ, công nhân không có nóng nực bực mình mà kim đâm vào tay. Bandung trở thành nơi sản xuất quần áo hàng đầu Indonesia. Những nông sản cung cấp cho thành phố như rau củ, hoa, trái cây đặc biệt là dứa và bơ. Các ngọn đồi hoang vu trước đây đều được các công ty đa quốc gia đến thuê để trồng dứa, chuối, rau…cung cấp cho cả Singapore. Giới trung lưu Jakarta hầu như ai cũng có nhà ở Bandung, cứ chiều thứ sáu tan ca là cả gia đình đèo nhau trên 1 chiếc xe bán tải, chạy thẳng lên đó, vô nhà ở những khu phố dưới rừng cây xanh mát, vườn tược xanh um. Tới chiều chủ nhật là họ đi về lại thủ đô, phía sau xe bán tải là nông sản của họ thu hoạch. Những bạn làm công việc online như quảng cáo, viết phần mềm…cũng bỏ thủ đô lên đặt trụ sở ở đây, khí hậu mát mẻ năng suất làm việc cao hơn. Làm trên mạng ấy mà, ở đâu chả được, cuối tuần xuống thủ đô ăn chơi sang trọng cho nó khỏe.
Indonesia có trữ lượng dầu khí và nhiều nhà máy lọc dầu nên giá xăng rất rẻ, chỉ khoảng 14,000-15,000 tiền VN cho một lít. Các công ty vận tải từ Bandung về Jakarta đều được trợ giá để 1kg cà chua ở Bandung giá 0.5 USD thì ở Jakarta chỉ là 0.6 USD, nếu xe container chở nông sản và quần áo để XUẤT KHẨU, thì được miễn phí đi cao tốc (trình bộ chứng từ XK cho trạm gác).
Ở Bandung, có ngọn núi lửa gì quên tên. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, dung nham trong miệng núi vẫn lụp bụp sôi như mình nấu cháo. Những bong bóng vỡ ra, mùi lưu huỳnh nồng nàn. Bandung còn có nhiều suối nước nóng chứa lưu huỳnh tắm rất tốt cho sức khỏe. Gần chân núi, có nhiều khu khách sạn nhà trọ, họ dẫn nước suối này vào tận bồn tắm trong từng nhà.
Bữa đó Tony ở một resort trên đỉnh núi cao, ế nhệ, hẻm có khách nào khác. Đêm đó trăng sáng, bồn tắm thì lộ thiên, Tony trong trạng thái “hẻm mảnh vải che thân” đang khoan khoái nằm trong nước ấm, vang dội đọc thơ Lý Bạch “ngẩng đầu ngắm trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương…”. Thì bỗng thấy trên ngọn cây cổ thụ trước mặt, có cái gì đó chuyển động bất thường. Rồi một bàn tay đầy lông lá từ sau lưng thò ra phía trước bụng. Tony nhìn xuống, rú lên 1 tiếng, rồi ngất.
Tỉnh dậy thì thấy đang ngủ trong phòng, có mặc quần áo. Anh Roy nói lần sau mày đừng có tắm nude nữa. Mấy con khỉ ở đây thích bẻ chuối…
Khóc
Con đường xưa em đi…

Một chị bạn kể lớp chị vừa họp lớp sau hơn 20 năm ra trường. Lớp chị có 20% dân ở tỉnh lên, 80% dân thành phố, vì cách tuyển ĐH lúc đó còn lạc hậu, còn thi khối A, B, C, D…và ra trong bộ đề, học sinh ở thành phố có điều kiện luyện trí nhớ bằng cách giải tới giải lui bộ đề này, thuộc lòng từ năm lớp 10 nên dễ đậu hơn.
Ra trường năm 1994, 100% lớp chị đều có việc làm do sinh viên hồi đó ít, việc nhiều. Nước mình mới bình thường hoá quan hệ với Mỹ, rồi sau đó gia nhập Asean, Apec…nên doanh nghiệp nước ngoài sang nhiều, biết tiếng Anh bằng B Anh Văn là đi làm lương mấy trăm đô ngay.
Sau đó là dòng đời xô đẩy. Tính đến bây giờ, lượng doanh nghiệp do bạn học chị làm chủ, 80% là dân tỉnh và 20% dân thành phố.
Chị nói ngày xưa tụi nó (dân tỉnh) ở nhà trọ, đi xe đạp, làm thêm nhiều, ăn mặc quê mùa, có bạn gái phải ngồi 1 góc để khô mồ hôi trước khi bước vào lớp, thấy tụi nó căng thẳng thần kinh, bị chủ nhà trọ đuổi, đi làm thêm bị giật mất tiền, đen đúa gầy còm….vậy mà giờ đi xe hơi đắt tiền, chủ những công ty nhà máy xí nghiệp, con cái học trường quốc tế, nhà biệt thự Thảo Điền Phú Mỹ Hưng, thậm chí có nhà cửa bên Mỹ bên Úc để nghỉ dưỡng.
Còn nhóm chị, hồi đó đứa đi dream lùn đứa đi max, học hết trung tâm Anh ngữ này đến trung tâm tin học kia. Sáng mẹ phát tiền ăn phở, trưa về nhà có cơm mẹ nấu, nhà có phòng riêng, có máy tính, có máy cát set nghe nhạc nghe tiếng Anh…Gọi là nhà có ĐIỀU KIỆN. Nhưng bây giờ, gặp nhau, nhóm chị vẫn bàn về “có nên mua Air Blade hay SH, lãi suất ngân hàng nào nào cao hơn để gửi chút tiền vài ba trăm triệu dư ra”. Chị chen chúc nộp hồ sơ cho con cái tiếp tục trường điểm cấp 1, trường chuyên cấp 2-3 (các trường cũ của chị). Và thế hệ sau (nhóm chị) lại quần quật ôm sách ôm vở giải sin có tính số mol, rồi ô mê ga cộng phi từ mờ sáng đến nửa đêm, mặt mũi chân tay teo tóp vì không vận động, cận mấy độ….để lại tiếp tục thi đậu vào ĐH cũ của chị, y chang “con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề”.
Nói sao không tự làm ăn, chị nói sợ. Dù kiến thức gì cũng biết, lớp kinh doanh khởi nghiệp làm giàu nào cũng từng học qua. Chị ra trường làm cho các tập đoàn nước ngoài trong các cao ốc, toàn nói chuyện lịch sự bằng tiếng Anh không, giờ xuống phố làm cái gì cũng khó vì không có street smart. Xưa quen không thể dục vận động nhiều nên giờ đi xa chút là chị mệt, nên ra ngoại thành, về tỉnh xây nhà máy xí nghiệp nông trại, tụi chị sao làm được, nắng nóng lắm em. Chị cũng hùn với bạn mở thử quán cà phê nhưng 6 tháng thì dẹp. Thành phố ngày càng chật chội, thương hiệu lớn của nước ngoài như Starbucks, The coffee Bean, Bene…tràn sang, cơ hội khởi nghiệp về dịch vụ ở thành phố càng ngày càng khó. Nên ráng mà giữ job, già cả mà vẫn 8-9h đêm ngồi làm báo cáo trên mấy cao ốc văn phòng, lưng mỏi muốn chết mà không dám về.
Chị nói, “con nhà có điều kiện, tạo điều kiện cho con cái” thật ra là làm mất ý chí của con. Ý chí mới là cái quyết định thành bại của đời người, chứ không phải là “điều kiện học hành tốt nhất” như chị từng nghĩ. Hôm bữa họp lớp, các bạn đều thống nhất vậy.
Con số Pareto 80/20 là chuyện riêng lớp chị.
Chuyện thằng Don

1. Ở trường kinh doanh Harvard, trong môn quản trị nhân lực, sinh viên sẽ phải thảo luận câu nói này. Đại ý là “những cái đầu lớn (great minds) sẽ thảo luận với nhau về những ý tưởng. Những cái đầu bình thường (average minds) sẽ trao đổi với nhau về các sự kiện. Những mái đầu nhỏ hẹp (small minds) sẽ bình luận người này người kia”.
Dù là một cậu bé tiểu học, các “great minds” sẽ nói về cách chế tạo đồ dùng học tập, các “idea” để giúp việc học, việc chơi, việc đi lại, việc sinh hoạt của gia đình cậu, lớp cậu, trường cậu, khu nhà ở…được đẹp hơn, tiện lợi hơn, khoa học hơn. Khi làm sinh viên, những “great minds” sẽ bàn về ý tưởng thành lập câu lạc bộ này, quỹ từ thiện nọ. Khi ra đời là những dự án kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo. Và họ có thành tựu…
Còn những “small minds” (tạm dịch các mái đầu lặt vặt) sẽ quan tâm người. Càng thâm cung bí sử, ẩn danh thì họ càng khoái theo dõi. Tuy nhiên, vì “small” nên mọi thứ đều hẹp hòi, tràn ngập cảm tính. Thông tin chính xác không có, nên họ phán đoán, thêm thắt cho hấp dẫn. Đọc 1 bài viết, xem một vở kịch hay phim, không quan tâm thông điệp hay bài học rút ra, mà chỉ coi mấy cái râu ria lặt vặt. Họ quan tâm đời tư người khác kinh khủng, và dồn hết năng lượng, trí nhớ cho việc này. Nên gặp một người bạn có đọc TnBS, mà cứ đu theo hỏi “Tony Buổi sáng là ai, học ở đâu ra, cao thấp đẹp xấu…” thì lưu ý cẩn thận, chớ có mà bàn bạc làm ăn hay tiết lộ thông tin cá nhân của mình cho họ. Có thể họ sẽ đem thông tin của mình ra kể cho người khác. Vào Facebook của một người, mình thấy họ bàn việc hay bàn người…thì mình biết được tầm vóc cái đầu của họ.
2. Tony có 1 bạn ĐH tên là Don, bạn bè đặt là Mr Don Hỏi. Trí nhớ Don cực tốt, nói nhiều kinh hoàng, chuyện riêng tư gia đình lý lịch của ai nó cũng biết. Đi nhậu với nó thì ăn không được. Vừa gắp miếng thịt lên nó đã hỏi. Đưa ly bia vô miệng nó đã hỏi. Nó đi đâu cũng nhìn ngó coi có gặp người quen không, lỡ quen là lao đến, sà xuống hỏi khí thế. Đại loại “dạo này mày ra sao, mày có biết con A lớp mình mới ly dị không? Tính con đó ai sống chung cho được. Thằng B mới mua nhà mới ở khu Trung Sơn, tao mới qua, nó đổ 3 tấm, nhà xây bí lắm, giá 3.75 tỷ. Mày biết ca sĩ Y không, bị les đó. Mày biết ông Ban Ki Moon không, bất tài vậy mà cũng lên tổng thơ ký liên hợp quốc. Mày biết con trai của diễn viên H mới nhập học trường quốc tế tới 350 triệu/năm không? Tao mới qua trường đó hỏi, nó nổ đó, có 300 triệu à”…
Năm 2003, Tony đi du lịch, ĐT phải divert (chuyển cuộc gọi) về cho kế toán, lỡ có ai gọi chuyện tiền bạc. Một bữa trưa nọ, Tony lên yahoo messenger, nó HỎI đang ở đâu, Tony nói đang ở Mỹ. Nó gọi ngay. Xong chat lại là “gọi chục lần vẫn reng, Mỹ gì mà ĐT vẫn được thế. Ha ha”. Chồng con bé kế toán nổi đóa, nói ai mà gọi miết lúc nửa đêm vậy, làm con bé kế toán phải gọi lại để xác minh “anh Tony đi Mỹ rồi, đai vợt (divert) sang máy em, em kế toán công ty”. Nó vẫn chưa tin, chạy qua nhà gõ cửa hỏi có Tony không. Chị giúp việc nói nửa đêm nửa hôm, trời mưa tầm tã mà nó cứ đứng hỏi miết. Đi bao giờ, đi bao lâu, đi bang nào, lý do đi, động cơ đi, có quen biết ai bên Mỹ, đi với ai, hãng bay nào, chừng nào về…Từ khi Facebook ra đời, nó suốt ngày ở trên face, dành trọn thời gian và trí tuệ cho việc lướt xem từng tấm hình và phán đoán bạn bè “đang làm gì ở đâu với ai”. Tuần trước đi họp lớp, bạn bè thúc giục nhau, ăn nhanh lên mày, thằng Don tới là ăn không được. Ai dè nó tới lúc nào, đứng sau lưng, ú ó chỉ trỏ. Nó bị đau răng.
Và buổi họp lớp diễn ra trong không khí hết sức vui vẻ. Hẹn năm sau, lớp mình sẽ họp, khi thằng Don đau răng.
Chuyện thằng Nghĩa
(Truyện kinh dị, 19+)

Cách đây 4 năm, 1 bạn trẻ tên Nghĩa đến chào tạm biệt Tony để về quê. Tony đào tạo nó từ lúc năm cuối ra trường, chửi mắng quánh đập xài xể đủ kiểu, cái nó trưởng thành. Bữa nay mới gặp lại nó. Nhìn chững chạc lắm.
Nó sinh ra lớn lên ở một huyện xa xôi của tỉnh Ninh Thuận, rồi vô SG học ĐH Mở. Nó nói làng con, nước sinh hoạt lẫn nước tưới khan hiếm, dân tìm cách bỏ làng ra đi. Học xong, nó làm ở thành phố đúng 2 năm, rồi trở về quê, ai cũng nói nó khùng, trừ Tony. Tony nói “con khùng mà khùng khôn, hẻm có xé quần xé áo, chỉ có xé hết mấy nếp nghĩ cũ kỹ, các rào cản xưa nay hạn chế khả năng của con thui”.
Nó bắt đầu khởi nghiệp từ việc lập một cửa hàng sơn xây dựng. Vì công ty cũ làm ngành sơn nên nó mua được giảm giá, bán trước trả sau. Nó nói con di tiếp thị ở các nhà mới xây dựng, rồi tuyển nhân viên hướng dẫn họ làm. Có tiền tích luỹ, nó mở mấy cửa hàng. Rồi nó mua đất, lập vườn trồng nho, nha đam, nopal, thanh long ruột vàng, táo, cỏ, nuôi hàng ngàn con dê, con cừu, mua đi bán lại dê cừu của người dân, ai bỏ làng đi nó mua vườn lại hết. Nó làm luôn một cái xưởng chế biến kem ăn từ sữa dê. Nó từ chối tiết lộ thu nhập, nhưng khoe mới mua 2 cái nhà, một ở Phú Mỹ Hưng có 8 tỷ để cho thuê, cuối tuần nó có chỗ ghé, một cái ở Nha Trang, sát trường quốc tế Singapore. Nó nói sau này có vợ con thì nó cho con học trường quốc tế, Nha Trang thì gần Ninh Thuận hơn, sau này “bà xã con muốn ở đâu thì ở”.
Nó nói thịt dê Ninh Thuận người ta chuộng, nuôi bán lãi gấp đôi gấp 3. Nhưng vấn đề là thiếu nước tưới, nó giải quyết được bài toán đó. Nó đọc trên mạng nước ngoài, ở khu vực khô cằn nhất châu Phi, có 1 vùng nọ vô cùng trù phú, dù lượng mưa chỉ có 7 ngày trong năm, do một người dân ở đó đã phát minh ra hệ thống trữ nước và mọi người bắt chước theo. Nhà nhà xây dựng trên nền một cái hầm nước, đổ bê tông lên trên và cất nhà trên nền bê tông đó. Nước mưa từ máng xối được dẫn xuống hầm hết, lại làm mát ngôi nhà. Khi khan nước, bơm nước lên để sử dụng. Ngoài ra, hệ thống bồn chứa được thiết kế quanh. Nó bắt chước, về làm y chang vậy. Có nhiêu tiền là đầu tư vô các bồn chứa nước. Bồn để tưới cây thì lấy bồn tái chế, chỉ có 2-3 trăm ngàn 1 cái, bồn mới thì để chứa nước quanh nhà để sinh hoạt. Ninh Thuận có tới 3 tháng mùa mưa nên tha hồ trữ (các bạn xem hình nhé, bạn nào chịu khó lắp hệ thống này cung cấp vùng hạn mặn, chắc là bán được lắm). (Nó trồng 1 vùng cây hoàn ngọc, đinh lăng, lược vàng cho dê ăn 2-3 lần trong tuần để không bị dịch bệnh).
Nó thường xuyên cho lái xe chở đến phi trường Cam Ranh để đáp máy bay đi Sài Gòn và nước ngoài vào cuối tuần. 5 ngày lái máy cày, phơi cứt dê cứt bò làm phân, đầu tắt mặt tối cày cực như trâu bò, chứ cuối tuần diện đồ hiệu vô cũng đẹp trai như tài tử. Ngồi cà phê, ăn trưa ở ks Intercontinental không, xài tiền rào rào như nước. Tony giàu có phong lưu như vậy, nhìn nó chi tiền mà còn ngộp thở (ý nói ngạt thở).
Nó nói ở quê, nền kinh tế 1 huyện mấy chục ngàn dân chứ quanh quẩn nằm trong tay một nhóm “nhà giàu” thôi. Nhóm này ham làm ăn, ví dụ làm chủ cây xăng rồi mở cửa hàng vật liệu xây dựng, mua đất khu đắc địa nhất, rồi mở quán cà phê lớn, nhà hàng lớn, xây khách sạn, mở đại lý xe máy ô tô, thu mua nông sản, cung cấp vật tư nông nghiệp, làm gara sửa chữa xe hơi….Sáng sáng, họ lái xe hơi đến ăn chỗ ngon nhất rồi về, mặc áo công nhân vô quần quật làm, nhìn vô không biết ai chủ. Nhưng tối họ có một cuộc sống khác, đánh đàn, đọc sách, tập gym…chứ không ra vỉa hè ngồi uống bia đến hết tiền như công nhân xưởng của họ. Ở huyện của nó, đâu khoảng chục người giàu có thượng lưu như vậy. Giàu càng ham làm, càng biết tính toán nên càng giàu thêm. Nó là người mới gia nhập nhóm này 4 năm nay, mấy người kia hỏi sao biết “bí mật làm giàu” hay vậy?
Người ta hỏi vậy vì duy chỉ có nó là chẳng có gốc gác thương nhân hay truyền thống nhà giàu gì. Người giàu có, đặc biệt là người Hoa ở chợ, cha mẹ ông bà thường duy trì sự giàu sang cho gia tộc bằng cách bắt con cháu làm việc, quán xuyến công việc từ nhỏ. Còn ba mẹ nó làm nông dân rặt, ngày xưa cũng ép nó “ngồi vào bàn học” quá trời để đổi đời. Nhưng nó nghĩ khác, học vừa phải vì không có khả năng học hành nhiều, chỉ là đứa vui vẻ lanh lợi và văn minh, nên ra đời được nhiều quý nhân chỉ dạy. Bí quyết làm giàu của nó là “chịu lao động chân tay để RÈN KỸ NĂNG TỔ CHỨC TRIỂN KHAI”, cái thiếu nhất của người trẻ bây giờ. Nhiều bạn trẻ có ý tưởng, đam mê, ý chí…nhưng triển khai không được, do quen được bao cấp từ cha mẹ, giải toán làm văn gì cũng phải có “bài hướng dẫn, bài mẫu”, riết tư duy bị lối mòn, không thể tự mình nghĩ ra phải bắt đầu từ đâu khi đứng trước 1 vấn đề cuộc sống. Người làm ăn phải có đầu óc tính toán và quan sát, tích tiểu thành đại, chín xu đổi lấy một hào, nghĩ lớn. Dám làm những gì người ta chưa làm. Dám đến sống và làm việc ở những nơi có tiềm năng mà ít người cạnh tranh, các tập đoàn cũng khởi thuỷ từ những doanh nghiệp ở quê. Walmart cũng từ 1 cửa hàng thị trấn biến thành 1 hệ thống bán lẻ toàn cầu đó thôi.
Tony hỏi con có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ hem, nó nói “con hẻm biết lý luận, hẻm biết chém gió hay đọc thông tin trên mạng xã hội, có facebook nhưng chỉ coi cảnh đẹp, coi mấy chỗ nước ngoài đánh dấu để đi, mấy sáng kiến gì đó để coi có khả thi không thì áp dụng. Theo con, muốn thành công phải tự tin, đừng ngại nguồn gốc xuất thân, ai cũng thành đạt được nếu chịu làm việc bằng tay chân, bằng đầu óc của mình và tuyệt đối không dựa dẫm, xin xỏ ai”.
Và nó đã xây viên gạch đầu tiên của một tập đoàn 4 chữ, 2 chữ đầu là tên công ty, thường là tên của hai vợ chồng, hai chữ sau là tên tỉnh huyện. Công ty của nó có tên là Nghĩa Ninh Thuận, vì nó chưa có vợ. Nó nói khi có vợ, sẽ đổi giấy phép, đưa tên của vợ vô.
Nó mà lấy con bé nào đó tên Trang thì vài bữa chúng ta sẽ có tập đoàn Nghĩa Trang Ninh Thuận trên sàn chứng khoán.
Chúc Nghĩa Trang năm trăm hạnh phúc.
Những chủ nhật thành tựu của người văn minh.
Văn hoá từ cha từ mẹ ảnh hưởng lớn đến những đứa trẻ.

Sinh viên bây giờ ra răng?

Có lần trên chuyến bay từ Cần Thơ đi Hà Nội, Tony ngồi cạnh 2 cậu sinh viên người Đài Loan tên tiếng Anh là Andy và Mike. Andy học sinh học, còn Mike là sinh viên ngành lịch sử của ĐH Đài Bắc. Hai bạn kể, dù cha mẹ tụi em đều là triệu phú, đều có nhà máy xí nghiệp lớn nhưng tụi em vẫn rất tự lập. Andy kể, văn hóa gia tộc rất nặng nề nên cha mẹ các nước bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa thương con mù quáng lắm, cứ đòi “hy sinh đời bố củng cố đời con”, thích bao bọc và áp đặt, không muốn con cái khổ thân theo cách nghĩ của họ. Họ thích chọn trường ĐH cho con cái và bao trọn gói, gọi là “nuôi ăn học”. Có tay chân trí tuệ lành lặn mắc mớ gì phải để người khác nuôi? Cuộc sống này là của mình, mình không tự sống được thì còn ý nghĩa gì nữa.
Tiền bạc của cha mẹ làm ra chứ phải của mình đâu, không tự làm ra tiền thì “ngồi ăn núi lở”, con cái của Bill Gates mà không đi làm thì tiền thừa kế vài ba chục năm cũng hết. Mike nói, quan niêm của giới trẻ thế giới bây giờ, với trẻ em dưới 18 tuổi, tuổi còn non, chưa trưởng thành thì phải phụ thuộc, cha mẹ hướng dẫn gì mình nghe nấy. Cha mẹ dắt mình đi trường mầm non nào, trường tiểu học nào, trường trung học nào thì mình phải nghe theo. Nhưng 18 tuổi rồi, thành nhân dân rồi (thông qua cái gọi là chứng minh nhân dân) được quyền bầu cử, được thi giấy phép lái xe, đi làm ở đâu người ta cũng nhận cả rồi thì phải tự kiếm tiền mua thức ăn bỏ vô bụng chứ. 18 tuổi, với các bạn trai thì chim cò đã trưởng thành, với bạn gái có thể kết hôn thành lập gia đình mới, việc gì mình làm ở xã hội cũng tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, hà cớ gì phải ngoan ngoãn theo sắp xếp của người khác? Mình là NGƯỜI DUY NHẤT trả lời được câu hỏi “TÔI LÀ AI”, nên mình tự chọn nghề ưa thích để học, để vào đời. Đối với cha mẹ ông bà, tụi em vẫn yêu mến và kính trọng, nhưng họ không có quyền áp đặt mình. Nhiều quan niệm mới của thời đại mới rất khác, như ngày xưa cha mẹ thầy cô có quyền đánh con cái học trò, nhưng bây giờ “Quyền trẻ em” ra đời, người lớn đánh trẻ em là vi phạm pháp luật và chuẩn mức đạo đức. Khổng giáo ngày xưa quan niệm quyền “thương cho roi cho vọt, quyền định đoạt tính mạng “xử tử” mà cãi là “bất trung bất hiếu”. Nho giáo (Confucianism) ra đời mấy ngàn năm trước đã lỗi thời lắm với chuẩn văn minh mới của nhân loại. Thế giới loài người bây giờ tập trung vào lòng bác ái, tính tự lập, theo đuổi hạnh phúc cho mỗi cá nhân và sống chung với nhau một cách yên bình-Mike chia sẻ.
Andy làm ở cửa hàng bánh Pizza, nướng bánh giao hàng dọn dẹp bàn ghế hàng ngày sau giờ học. Mike thì làm ở trường phụ trách lau rửa dụng cụ thí nghiệm, dọn dẹp căn tin, nhà bếp, nhà vệ sinh. Hai cậu đều có những bài báo khoa học quốc tế và có website riêng về các đề tài nghiên cứu của mình. Trong túi xách hai bạn lúc nào cũng có sách văn học để đọc lúc chờ máy bay xe buýt. Một cậu nói đối với một sinh viên, chỉ có 4 chỗ thường xuyên lui tới là Giảng Đường, Thư Viện, Chỗ Làm Thêm và Trung Tâm thể dục thể thao. Nghỉ lễ là đi ngao du sơn thuỷ. Hai cậu mở Ipad cho Tony coi hình đi chơi khắp nơi trên thế giới. Thấy chèo thuyền vượt thác, thấy trời nắng chang chang vẫn quần short áo thun với chai nước suối trên tay, đầu trần, dáng vẻ cao ráo, da dẻ đỏ au, lang thang ở các bảo tàng, thấy trời tuyết vẫn chạy bộ thể dục, trông thật khỏe khoắn.
Hai bạn đến Việt Nam là vì có đường bay mới mở của Vietjet nối tp HCM và Đài Bắc (Taipei), có giá rẻ. Ngân sách 2 bạn đi Việt Nam trong 10 ngày là 500 USD. Họ đi Cần Thơ bay ra Hà Nội, rồi từ Hải Phòng bay về tp HCM để có mức giá rẻ nhất.
Thấy mới có 21 tuổi mà nhận thức chững chạc trưởng thành, rồi lên kế hoạch chi tiết và thông minh quá nên Tony buộc miệng khen. Hai cậu cười ha hả, nói làm gì chả phải lên kế hoạch to-do list như thế này. Còn nói nếu ra trường, hai bạn sẽ được nhận làm với mức lương khoảng 1500-2000 USD khởi điểm, chính thức sau đó 2 năm sẽ khoảng 2500-3000 USD, mặt bằng chung của cử nhân hay kỹ sư đúng nghĩa. Đại học cơ mà, là trí thức, là tinh hoa của xã hội. Đại học là phải dùng từ cái cổ trở lên để kiếm tiền, nhường việc lao động giản đơn cho người kém may mắn không có cơ hội học ĐH, hay các bạn sinh viên-Andy nói.
Hai cậu kể, sinh viên ở Đài Loan như cậu, trăm đứa như một, năm nào cũng phải sắp xếp đi 2 nước du lịch bằng tiền làm thêm. Khi chưa tốt nghiệp ĐH, phải thức khuya dậy sớm lao ra đường đổ mồ hôi kiếm tiền để trải nghiệm, phải kiếm tiền bằng tay chân, phải tự lập. Lúc đến nước sở tại thì tính toán sao cho chi phí thấp nhất có thể. Ăn quán bình dân, ở hostel hay túi ngủ. Sau này đi làm chính thức thì ăn ở sang trọng hơn. Thế giới có hơn 200 quốc gia, mà đời người chỉ có max 100 năm, nên phải tranh thủ. Mike kết luận, anh không biết đấy thôi chứ sinh viên ở nước nào bây giờ cũng giỏi giang năng động như vậy hết.
Các bạn xem kế hoạch của họ nhé. Từng dòng từng chữ, dấu chấm, phẩy, 2 chấm, viết hoa…chuẩn như thế nào. Hai bạn nói khi nói thì dùng tiếng bản ngữ, nhưng khi viết thành kế hoạch (plan) hay lịch trình (schedule), phải dùng tiếng Anh để chuẩn quốc tế. Kể cả status trên facebook cũng tiếng Anh luôn, bạn bè đọc không hiểu thì khỏi chơi, không cùng ngôn ngữ sao chơi được. Công dân toàn cầu rồi phải đăng chuyện toàn cầu chứ sao có chuyện 1 địa phương nói miết vậy- Mike và Andy nói.
Thấy thế, tới Nội Bài, Tony chen lấn hành khách để ra trước, vừa ra khỏi máy bay lập tức mở điện thoại, vô FB unfriend hết mấy cu Tèo cái Mận, toàn bóp miệng chụp tự sướng ở quán cà phê, coi hoài mệt quá…
100 bài hướng dẫn làm ăn cho các bạn trẻ, biên tập dựa theo đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70

Bài 1: Chọn bạn làm ăn
Có câu danh ngôn cực hay, if you want to go fast, go alone. But if you want to go far, go together. Đại ý: Nếu bạn muốn đi nhanh, đi một mình. Nhưng nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau.
Chắc các bạn từng đọc bài “Hùn hạp làm ăn” trong cuốn Trên Đường Băng. Trong truyện, cứ có 3 anh A,B,C hợp tác làm ăn, sau vài năm, phần lớn tan vỡ không nhìn mặt nhau, chỉ còn 1 tỷ lệ nhỏ là thành công. Các bạn trẻ thấy ở ngoài xã hội có quá nhiều trường hợp như vậy nên sợ, thôi tự làm một mình. Nhưng nếu tự làm 1 mình thì sao đủ lực. Vốn cũng cần hùn. Sức cần hùn. Trí cần hùn. Chứ 1 mình thì không đi xa được
Vậy ai có thể chọn để hùn đây?
Trong tiếng Việt, hùn hạp là 1 từ hay. Hạp hay còn gọi là Hợp. Hạp mới hùn. Nhưng hạp là 1 tính từ thay đổi theo thời gian, nay hạp, mai hết. Hết hạp thì cãi nhau. Nhiều bạn học, hồi đi học thấy hạp nhau quá, nên sau khi tốt nghiệp thì rủ nhau làm ăn. Vài ba năm tan vỡ, các buổi họp lớp từ đó không đầy đủ nữa.
Các bạn còn nhớ chuyện Tony giải tán nhóm kinh doanh cùng Tony chứ? Vì nhiều bạn trong đó chưa chi đã đòi chia lãi. Người này đòi phần hơn người kia. Như vậy, việc “CHỈ NGHĨ ĐẾN LỢI ÍCH CÁ NHÂN” là điều kiện đầu tiên để mình nhận ra người không nên hùn hạp. Kiểu người tiểu nông, “đèn nhà ai nấy rạng, gió chiều nào che chiều ấy” thì cà phê cà pháo cho vui, TUYỆT ĐỐI không hợp tác làm ăn.
Đặc trưng của nhóm này là sẵn sàng xé rào để được việc. Nếu kẹt xe, họ sẵn sàng chạy trên lề để nhanh hơn người khác. Xếp hàng, sẵn sàng chen ngang để mình được phục vụ nhanh hơn. Cái gì của chung họ cũng tha về cho gia đình họ, bất chấp đạp đổ cổng trường để con họ có 1 suất học tốt hay giật đồ cúng trên bàn thờ đức thánh Trần để có “lộc làm ăn”, hay đem hết hoa ở Bờ Hồ về nhà. Cứ miễn phí là họ mò đến, cái gì tốn tiền tốn công thì họ biến mất. Cứ quyền lợi là tranh giành còn nghĩa vụ thì “tôi không ngu”. Hợp tác với người này, tan vỡ là SỰ HIỂN NHIÊN. Nên trong hội đồng quản trị, xuất hiện thể loại này, thì giải tán cho xong. Hoặc mình rút lui thật sớm.
Vậy yếu tố đầu tiên để nhận lời hùn hạp làm ăn là sự HÀO SẢNG của người rủ. Hào sảng là sự cho đi không toan tính. Hào sảng là sự chịu chơi, chơi đẹp mà không vì mục đích sĩ diện (có một số người cũng giả vờ hào sảng nhưng cốt là để lấy được sự nể trọng của người khác). Các bạn hay hiến máu, hiến tạng, hay làm công tác xã hội hay tình nguyện là những dạng người hào sảng. Vì các bạn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì người khác, nên các bạn có thể làm ăn với nhau. Lưu ý chữ CÓ THỂ, vì còn thiếu 1 ĐK nữa là ĐK đủ, sẽ nói ở bài sau.
Còn với ai suy nghĩ “có điên mới làm cho thằng khác ăn”, thì phải tránh thật xa. Họ không nghĩ về người khác, không nghĩ cho người khác, thì họ sẽ tư lợi khi không ai kiểm soát. Họ sẽ vượt đèn đỏ khi không có cảnh sát giao thông. Họ sẽ quay bài khi không có giám thị. Họ sẽ đút túi 1 quả ớt khi chị bán rau mãi đếm tiền. Họ sẽ nói dối ngay để được lợi cho mình. Họ sẽ lấy tiền công ty cho chi tiêu cá nhân mà không hề có khái niệm áy náy hay tự trọng. Công ty cấp cho họ 1 số ĐT để liên lạc công việc, họ dùng để gọi việc cá nhân, dù họ có 1 số ĐT riêng nữa. Việc này không vặt vãnh tí nào, nó thể hiện cái nhập nhèm của mấy đứa tào lao bí đao. Công ty nào có thành phần đó trong hội đồng sáng lập, công ty đó sẽ đóng cửa, dù sớm hay muộn. Đặc trưng rất dễ nhận biết của nhóm này là cực thích làm giàu, nhưng lại ghét người giàu, thường giải thích nguyên nhân sự giàu có của người khác là “do được giúp đỡ, do may mắn, do x do y…”.
Đây là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ, các bạn theo dõi ở bài 2. Bạn trẻ đọc lại và học thuộc bài 1 trước khi học Bài 2 nhé.
Bài 2: Đi biển có đôi

Người ta nói “đàn ông đi biển có đôi”, vì muốn giăng lưới đánh mẻ cá to, phải hợp lực cùng nhau.
Điều kiện cần của hùn hạp là SỰ HÀO SẢNG của người rủ. Điều kiện đủ là KỶ LUẬT CỦA MỖI CÁ NHÂN người góp vốn. Kỷ luật này phải là bản chất, hoặc phải là thói quen. Ông Lý Quang Diệu nói “you cannot reach your dream or goal without discipline”. Discipline là tính kỷ luật, nếu không có nó, dream (giấc mơ) hay goal (mục tiêu cuối cùng) sẽ không bao giờ đạt được.
Nước Đức tạo nên chủ nghĩa hoàn hảo trong công việc, người Nhật tạo nên huyền thoại Á Châu, người Hàn tạo nên kỳ tích sông Hàn cũng vì tính kỷ luật của họ. Doanh nhân nào thành đạt cũng có cái tính tuyệt vời đó. Bạn thử hẹn ăn trưa với Mr Jack Ma của Alibaba hay Mr Warren Buffett, hẹn 11h45 là đúng 11h45. Không có chuyện tiệc cưới mời 6h thì 7h15 mới múa hát và đãi ăn lúc 7h45. Lề mề tác phong nông nghiệp cũ thì làm ăn lớn gì được.
Ở miền Tây Nam Bộ, dân ở đây có tính hào sảng nên khi mới mở ra làm ăn, doanh nghiệp nào cũng phát triển ầm ầm. Nhưng đến quy mô cỡ vài ngàn công nhân, thì bắt đầu lộn xộn trong quản lý do tính cách cả nể, trọng tình. Có nhà máy chế biến cá basa nọ, cách đây 4 năm Tony đến mua cá, thấy công nhân đi vệ sinh xong vô không rửa tay, quản đốc thấy nhưng bỏ qua. Rồi quản đốc thì vừa chỉ đạo sản xuất vừa quẹt quẹt smart phone chat chit với bồ bịch. Ông bảo vệ thì ngủ gục, bấm còi miết mới ra mở cửa cổng, đầu tóc rồi bù. Trong phòng thì trưởng phòng XNK đang cợt nhã với một nữ thực tập sinh. Nhân viên thì vừa đọc tin tức online vừa làm, nên ngôn ngữ hợp đồng ngoại thương mà cứ như nói chuyện showbiz. Khi họp xong, Tony rủ đi ăn trưa, ông giám đốc gọi miết thì anh tài xế mới xuất hiện, vì anh đang trong phòng riêng đánh bài ăn tiền với các tài xế khác. Tony nói sao anh để vậy được anh. Ảnh cười khà khà, nói kệ, anh em cả mà, mình làm gắt quá tụi nó không thoải mái. Bữa nào bốn anh hội đồng quản trụy có mặt ở nhà máy, thì phòng giám đốc sẽ được đóng kín, các anh sẽ quánh bài tiến lên. Bốn người là đủ tay bài, mỗi ván cả chục triệu.
Và đúng 4 năm sau thì phải rao bán nhà máy, do đơn hàng xuất khẩu nào cũng bị trả lại hoặc tiêu hủy, lúc thì nhiễm vi sinh, lúc thì rơi cây kim trong bịch cá, xuất qua kia bị máy dò kim loại phát hiện, lúc thì cháy nổ do công nhân bất cẩn…Lỗ triền miên. Bữa họp cổ đông để bán nhà máy, trong 4 anh sáng lập viên, người đến muộn 15 phút, người đến muộn 2 tiếng, quýnh quáng bước vào phòng họp, gãi tai nói các lý do vô cùng quen thuộc như kẹt xe, lốp hỏng, đau bụng đột xuất, đưa mẹ đi bơi,…
Trên đường về lại Sài Gòn, anh S, đại diện công ty tài chính, giờ là cổ đông chính của nhà máy này, hỏi Tony chứ em biết vì sao họ rất giỏi, rất tài năng, nhưng cuối cùng phải bán nhà máy không. Vì tính kỷ luật là thứ DUY NHẤT họ thiếu. S nói anh sẽ không giữ ban giám đốc cũ, vì sợ sự xuề xòa của họ.
Nên các bạn trẻ, muốn có sự nghiệp, phải rèn tính kỷ luật cho CÁ NHÂN mình. Quyết tâm 11h đêm ngủ là 11h đêm tắt đèn tắt máy tính đi ngủ. Đúng 5h sáng thức dậy là đúng 5h, vặn đồng hồ reng reng, bật dậy. Tập thể dục là tập thể dục. Mệt cũng tập, trời lạnh cỡ nào cũng tập. Đến công sở trường học phải tuyệt đối đúng giờ, 8h học là 8h mở tập ra học. Giờ ăn là ăn, chơi là chơi, làm là làm. Ngồi cà phê với bạn bè là nói chuyện, tắt máy, không vừa nói chuyện vừa gián đoạn vì facebook hay tin nhắn. Kỷ luật khủng khiếp cho cá nhân mình, không nuông chiều cái lười, cái “thôi kệ”. Nhân viên làm việc mà không tập trung, trong giờ làm mà facebook nhắn tin cá nhân thì cho nó 2 lần cơ hội sửa sai, nếu lần thứ 3 vẫn chat chit trong giờ làm thì bản chất không thay đổi được, nên cho nghỉ sớm để tránh hậu quả đáng tiếc cho doanh nghiệp.
Và hạn chế chơi với thể loại vô kỷ luật, vì sẽ bị lây nhiễm. Khi học hành, chọn đội nhóm để làm bài tập chẳng hạn, chỉ chọn người có kỷ luật, không CẢ NỂ, mình cả nể là mình khổ. Lấy chồng lấy vợ, vớ phải đứa kém kỷ luật là khổ một đời. Đặc biệt trong làm ăn, người rủ mình mà kém kỷ luật, thì thôi. Vì hùn với họ, mình có cố gắng làm đến đâu đi nữa, cuối cùng cũng dẹp tiệm. Các bạn có thể giải thích vì sao nhiều người tài giỏi mà khởi nghiệp không thành công.
Bốn anh sáng lập viên nhà máy thủy sản kia, bán xong có chút tiền, rượu chè suốt. Rồi bất đắc chí, tới giờ khởi nghiệp lại vẫn chưa được, đành chạy xe ôm kiếm sống. Cứ chở khách đi ngang thì chỉ trỏ nói hồi xưa nhà máy này của tụi anh nè. Hằng ngày, 4 anh tụ tập với nhau ở quán cà phê, vừa ngồi chờ khách vừa quánh bài, ván giờ chỉ còn mười ngàn hai chục.
Bài 3: Kỹ năng Street Smart (SS)

Đây là kỹ năng quan trọng nhất mà một người làm ăn cần có, khi làm ăn ở các quốc gia đang phát triển.
Smart khác với intelligent ở chỗ là Intelligent thì IQ (chỉ số thông minh) phải cao, nhưng smart thì IQ và EQ (chỉ số cảm xúc) đều phải tương đối. Smart là thông minh thực tế, còn intelligent là thông minh hàn lâm. Ví dụ nói she is very intelligent, tức cô ấy học rất giỏi, nhưng nói she is very smart thì cô ấy phải biết phản ứng lại một cách thông minh, chứ không phải chỉ đưa cặp mắt cận nhìn đắm say người hỏi.
Street là đường phố. Như vậy SS chính là sự thông minh lanh lợi MÀ MÌNH CÓ ĐƯỢC từ đường phố. Đường phố có ai? Loại người gì có mặt ở trên phố? Ai cũng có. Chính vì vậy, việc ra phố và va chạm với đủ thể loại người, sẽ giúp mình có được SS. Street ở đây có nghĩa rộng hơn là xã hội. Việc cha mẹ cho con va chạm, ra đời sớm sẽ rèn luyện cái này, vì mọi trải nghiệm đường phố đều phải kinh qua mới nhớ, mới sợ, mới biết, còn người khác nói cho nghe thì hiểu được loáng thoáng mà thôi.
Mọi doanh nhân thành công trên thế giới đều có SS. Ông A từng phải gõ cửa từng nhà bán tủ lạnh mới trở thành ông chủ nhà máy sản xuất điện tử lớn. Ông B phải từng làm cò đất kiếm chút hoa hồng trước khi có được hàng chục khu công nghiệp…Chính “street” đã dạy các ông ấy phải làm sao để kiếm tiền, và không mất tiền một cách “smart” nhất.
Các bạn nhớ câu chuyện “du hạc sinh và chuối hóa” chứ? Có anh tiến sĩ tài chính, mấy chục năm chưa về nước, vừa xuống sân bay ngơ ngác hỏi Bình Thạnh cách Tân Sơn Nhất bao nhiêu dặm hả em, thế là bị nó chạy vòng vòng mất hết mấy triệu. Vì anh tiến sĩ ấy quen sống trong các tòa cao ốc ở New York Paris, toàn gặp người mặc vét và nói chuyện đòn bẩy tài chính, chỉ số ROI riếc, nên đến một nước đang phát triển, nửa đêm nửa hôm, gặp anh lái taxi thì việc kể lể tôi là Việt Kiều 20 năm chưa về nước, tôi ôm một cục tiền về nước làm ăn, tôi giàu có thế này thế kia…thì bị nó chém đẹp là đúng rồi. Nên nhiều bạn đi chơi ở các nước như châu Phi chẳng hạn, về chê thế này thế kia vì các bạn không có SS. Ở cái xã hội đó, nó sẽ phải như vậy, xã hội đang phát triển cần thời gian để được tốt hơn, mình phải quen với nó, tự mình điều chỉnh cho phù hợp.
Các bạn cũng nhớ chuyện ở Davao? Tony đi vào một thị trấn trong núi rất xa thành phố, và nửa đêm check-in khách sạn, trên tường khách sạn vẫn còn vết đạn loang lổ của các lần chạm súng với lực lượng bắt cóc? Lúc đó, nếu mình tỏ ra đỏm dáng, nói tôi là doanh nhân đi đầu tư, có phòng VIP hem, có spa hem…thì nửa đêm nó vô bắt cóc ráng chịu. Còn nếu chỗ nguy hiểm mà ai hỏi, mình nói tôi là sinh viên đi du lịch, sẽ là sự an toàn cho tính mạng mình. Hay ở sân bay, người ta nhờ xách giùm hành lý qua cổng an ninh, chớ dại mà giúp đỡ. Ai biết trong đó có cái gì, lỡ ma túy thì sao. Nếu qua trót lọt thì tới kia, nó xin lại, mình chẳng được gì. Nếu không qua thì mình là người dính chưởng. Nếu người đó không đủ sức mang cái giỏ đó qua cổng an ninh, thì chẳng có khả năng xách cái giỏ đó từ nhà lên sân bay. Nên mình phải phán đoán chứ không phải ai cũng giúp. Kiểu ra nước ngoài gặp khủng bố làm rơi súng, nhặt lên đưa cho nó, nói súng của chú nè, lần sau cẩn thận hơn nghen chú.
Cách đây chục năm, có một sinh viên sang London học thạc sĩ. Nửa đêm, anh xuống tàu điện ngầm để đi về nhà, và vẫn như mọi khi, anh đứng chờ tàu ở vạch màu vàng cách đường ray 1m30. Lúc đó đã rất khuya, đang đứng thì có nhóm thanh niên người bản xứ đi nhậu về, say xỉn, đứng chung đợi tàu. Rồi họ đùa giỡn, đẩy anh xuống đường ray trong lúc tàu vừa tới. 12 năm phổ thông cha đưa mẹ rước, 4 năm đại học sáng đến trường chiều về nhà, anh không biết là với nhóm thanh niên say xỉn, mình không nên dây vào họ, không nên đứng gần họ. Nên các bạn trẻ cần có SS, để đảm bảo tính mạng cho bản thân mình, đặc biệt khi xa xứ, một mình…
Có nhiều bạn trẻ lâu lâu ra phố chơi, gặp bọn giang hồ vặt, nó chửi ví dụ ĐỤ MẸ, cái ngơ ngác hỏi chú ơi đụ mẹ nghĩa là gì? Vì xưa nay ở trường không ai nói, ở nhà thì bị cấm tiệt, đọc sách báo thì chỉ viết tắt là Đ.M, cứ tưởng Đan Mạch hay định mệnh gì đó. Cái lấy Iphone ra mở từ điển ra dò nghĩa, bị giật mất ĐT, đứng khóc vang dội. Cho nên các bậc phụ huynh cứ mạnh dạn giáo dục cho con cái mình, từ đấy là xấu, không nên nói, nhưng không nên cách ly, phải cho ra phố. Vì có cách ly mãi được đâu. Mình không nói nhưng sẽ có người nói. Có nhiều người ra đường, đụng xe với mấy thằng choai choai, bèn xuống xe “làm cho ra lẽ”, “dạy cho bài học”…Nhưng vấn đề là có làm cho ra lẽ với bọn nó được không, hay tranh cãi một hồi thì nó đâm cho một phát. Nó đang tuổi nổi loạn, có biết sai biết đúng là gì, lại lúc điên tiết nữa. Tiết là máu, điên tiết là máu điên, máu này chảy lên não thì có biết gì nữa mà “ý thức giao thông” với “con nhà giáo dục, học lớp mấy”. Nên tránh bỏ đi, tránh voi chẳng xấu.
Trong làm ăn cũng vậy. Mình có SS để biết lúc nào cương, lúc nào nhu. Chứ hẻm phải cương miết, đứt mạch máu chết à. Còn nhu miết, nhũn miết thì làm ăn gì. Khi câu được cá lớn, nếu mình cố giật như thông thường, kết quả là dây câu sẽ đứt, cần sẽ gãy. Con cá đấy với lưỡi câu trong miệng, mấy ngày sau cũng sẽ chết. Hồ nước sẽ thối vì xác cá phân hủy. Cả ba đều lose-lose-lose, mất hết. Trong khi đó, với người có SS, họ sẽ thả dây ra lúc cá lớn cắn mồi. Để cá chạy vòng quanh, rồi từ từ thu dây câu lại. Rồi cá lại vùng lên, rồi mình lại thả ra rồi thu lại. Một hồi cá mệt, cái mình kéo lại gần bờ, dùng vợt vớt lên. Cần câu thì vẫn nguyên vẹn, con cá thì vẫn sống nếu được tháo lưỡi ra, thả lại dưới hồ hay đem bán đều có giá trị kinh tế, hồ nước vẫn trong xanh. Cả ba đều win-win-win, thắng hết.
Bài 4: Chuyện thằng Bi

Khi đã có lòng hào sảng, sự kỷ luật, kỹ năng street smart, bạn trẻ hoàn toàn có thể tự đứng ra làm ăn, làm lớn cỡ nào cũng được. Thiếu 1 trong 3 điều kiện trên, thất bại trong làm ăn coi như đã được báo trước, chỉ nên thử nghiệm quy mô nhỏ thôi để tích lũy trải nghiệm.
Khi khởi nghiệp, bạn buộc phải có ý tưởng. Nhưng cái này không lo vì với người khao khát làm ăn, họ luôn quan sát để “sau này sẽ mở cái này kiếm tiền nè”. Cái lo lắng nhất của người khởi nghiệp là vấn đề đầu tiên, tiền đâu?
Trong bài “tiền đâu khởi nghiệp” trong cuốn Trên Đường Băng, thời “tay không bắt giặc” đã qua rồi. Bán vé số cũng phải có vài trăm ngàn đặt cọc đại lý, làm cò cũng phải sắm chiếc xe máy và cái điện thoại,…Các bạn trẻ hãy làm điên cuồng vô để có thu nhập tốt hơn, lương thưởng tốt hơn, đang đi làm thuê phải làm 150% công suất và thời gian, tuổi trẻ đừng sợ nặng nhọc hay đi xa, tích luỹ tiền để khởi nghiệp về sau.
Cách đây mấy năm, có một bạn trẻ tên Bi, đang làm cho một tập đoàn nước ngoài, lương được 25 triệu/tháng. Cậu ấy cứ xum xoe theo đám bạn con nhà giàu ở phố, tối nào cũng đi bar, du lịch suốt để check-in trên facebook là đang ở hải ngoại cho người ta nể. Ba năm ra trường chẳng để dành được đồng nào. Cuộc sống trôi qua vô vị, nhạt nhẽo. Bỗng dưng một lần tỉnh ngộ, nói với Tony là con sống kiểu vầy thì 10 năm ở Sài Gòn vẫn không có gì trong tay cả. Tony nói nếu quyết tâm, con phải lên kế hoạch và LÀM. Nó là đứa thông minh và quyết liệt nên bắt tay ngay. Phòng đang thuê giá 3 triệu/tháng ở Bình Thạnh được nó trả lại, xuống chợ Long Phước Q9 thuê 1 cái phòng y chang vậy như giá chỉ có 1 triệu. Hàng ngày, nó dậy sớm đón xe buýt số 88 lên quận 1, xe thả xuống chỗ sở thú, nó lội bộ mấy trăm mét nữa là tới công ty ở đường Tôn Đức Thắng. Nó nói con dậy sớm, đi làm trên xe buýt, nhìn xuống mọi người tranh nhau đi xe máy, kẹt xe khói bụi xịt vào mặt, tông nhau ngã chết trên đường, mới thấy sao hồi xưa mình nhận thức kém thế. Quan trọng hơn là nó tiết kiệm được 2 triệu/tháng tiền nhà, và ở xa nên mọi cám dỗ đô thị không có trong trí óc nó nữa. Buổi tối đi làm về, nó nấu cơm ăn cho sạch sẽ, rồi tập gym trong chung cư, nghe nhạc, học ngoại ngữ, làm quen với bạn bè trong khu đó, dạy tiếng Anh cho một nhóm sinh viên cao đẳng Công thương gần nhà. Với quyết tâm cao độ, 1 tháng nó chỉ xài có 5 triệu, còn dư đúng 1000 USD cất vào tài khoản. Sau một năm, nó được 12,000 USD, đem qua gặp, nói Tony ơi, con sẽ khởi nghiệp . Tony nói chuyện một hồi, thì thấy kỷ luật đã có, tính hào sảng phóng khoáng cũng có, street smart cũng đã có đủ, nên nói “ừa con làm đi”.
Nó về quê mở công ty dịch vụ du lịch “Thực tập cho sinh viên Tây ở Việt Nam”. Nó nói nhà cửa ở Sài Gòn chưa ổn định, nên con dùng nhà con dưới Mỹ Tho làm trụ sở, báo cáo thuế dưới đó luôn, trên Sài Gòn con mở chi nhánh hay VP giao dịch, dọn đi chỗ này chỗ kia cho tiện. Nó nói ý tưởng này bắt đầu từ khi công ty nó nhận vô 4 sinh viên thực tập từ Mỹ. Ở nước ngoài, trước khi tốt nghiệp một số ngành, sinh viên phải có báo cáo thực tập. Nhưng để xin vô được Cocacola, Boeing, Microsoft, PWH, P&G…ở Mỹ để thực tập là rất khó, trong khi đó, tụi này qua các nước như Việt Nam, xin vào thực tập ở các công ty rất lớn, có niêm yết trên sàn chứng khoán…lại rất dễ dàng. Các doanh nghiệp nghe sinh viên Tây là khoái, đặc biệt cỡ trường lớn như Harvard này nọ…Chi phí ở New York chẳng hạn, một tháng sinh hoạt cũng mất hết mấy ngàn đô, trong khi đó đem qua Việt nam ở mấy tháng, chi phí cũng như vậy, mà lại có thêm được báo cáo nộp cho trường. Thế là thằng Bi vô fanpage, confession forum của sinh viên để giới thiệu PR. Khách hàng đầu tiên là một nhóm 20 sinh viên ĐH Utah, nó đem 20 thằng này qua Việt Nam, thuê 2 cái villa ở quận 2 cho ở, rồi hàng này thuê xe đưa đón, thả nhóm này ở công ty chứng khoán A, thả nhóm kia ở ngân hàng B, chở lên các nhà máy ở Bình Dương, hoặc nhóm học về về du lịch, nó thả ở mấy khách sạn 5 sao trong trung tâm thành phố…chiều đón về.
Việc thuê xe không chủ động nên nó quyết định vay tiền mua chiếc xe đầu tiên chở khách. Nó lo quá nên mới chạy qua xin ý kiến.Tony nói con cứ coi kỹ nếu có khả năng trả nợ thì cứ mạnh dạn vay mượn, sợ gì. Nó tính toán thấy OK, về quê mượn sổ đỏ vay tiền mua xe kinh doanh. Nó nói con ký hợp đồng vay tiền mà run muốn chết, có gì ảnh hưởng đến gia đình mình, may mà mẹ con cũng ủng hộ, vì thấy nó chín chắn. Nó vay mua xe xong, giờ tích lũy mua thêm 1 chiếc như vậy nữa, chuyên làm internship tour cho sinh viên nước ngoài. Nó nói, thị trường internship tour này mênh mông, hàng triệu triệu sinh viên bao nhiêu nước, đứa nào chả có nhu cầu làm báo cáo tốt nghiệp, trong khi công ty Việt nam thì có nhu cầu tiếp thị ra thế giới bên ngoài. Nhiều xí nghiệp thủy sản sau khi cho nhóm sinh viên quốc tế thực tập xong, về có bao nhiêu đơn hàng mới, cũng do tụi cựu thực tập sinh giới thiệu. Nhiều resort, khách sạn ở Tp HCM sau khi cho các bạn thực tập xong, lượng khách tăng vọt do các bạn trẻ này cảm kích, giới thiệu với bạn bè…
Chuyện thằng Bi chỉ là một câu chuyện nhỏ để các bạn thấy là trong làm ăn, nếu không vay vốn thì không đón được các cơ hội lớn được. Doanh nghiệp nào tự hào tôi chả vay vốn gì của ai, thì thôi, sẽ dậm chân tại chỗ hoặc quy mô bé mãi, không lớn được. Làm ăn mà tự lấy vốn ra thì vài năm sẽ bị các doanh nghiệp lớn nó bóp chết. Hùn nhau cũng được, vay ngân hàng hay từ người khác cũng được, miễn là mình nhắm là có thể trả lại. Việc trả lại, mình thực hiện dần dần, từ từ, từng tháng từng quý, cuối cùng cũng có được cơ nghiệp. Đừng sợ nợ. Sợ thì chẳng có gì.
“Công nợ trả dần, cháo nóng húp quanh”, người giàu có ngày xưa hay dạy con cháu như vậy. Bưng tô cháo trên tay, nóng quá sao húp cái rột được. Nên dùng muỗng vét xung quanh tô cháo, chỗ nguội nhất ăn trước, húp dần húp dần, rồi từ từ cũng hết tô cháo…
Bài 5: Những mái chèo lạc nhịp

Bài quan trọng nhất trong 100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70
1. Trong hùn hạp làm ăn, người ta nói “đồng hội đồng thuyền”, vì hình ảnh người ngồi trên thuyền phản ánh chính xác nhất cách chúng ta làm ăn với nhau.
Thuyền nào cũng phải có 1 thuyền trưởng- tức người chỉ huy, vai trò vô cùng quan trọng. Trên đường đi có lúc sóng yên gió lặng, nhưng cũng có lúc bão tố phong ba, vị thuyền trưởng phải là người có đạo đức, kinh nghiệm, khéo léo… để lèo lái. Rất nhiều con thuyền bị đắm, tức phá sản, nhưng cũng có nhiều con thuyền ngày một to hơn, đi ra biển lớn, cập bến bờ thành công.
Khi hùn hạp với nhau, người châu Á thường chỉ nói bằng miệng về luật chơi. Kiểu tao hùn 50, mày 50, lời lãi chia đôi. Vì cái NGẠI NGÙNG cố hữu, sự CẢ NỂ cổ truyền mệt mỏi cả ngàn năm nay. Họ nghĩ mới bắt tay làm ăn mà ràng buộc này nọ, mất lòng chết. Nhưng “mất lòng trước, được lòng sau”, QUYỀN LỢI và NGHĨA VỤ phải rõ ràng ngay từ đầu, đó là điều bắt buộc trong làm ăn, kể cả anh em ruột. Bản điều lệ của công ty hoặc thương vụ có 2 người góp vốn trở lên phải do cá nhân các người sáng lập soạn. Chứ không phải lấy cái form trên mạng xuống rồi in ra ký vào, nhưng chả buồn đọc, đụng chuyện nhao nhao cãi nhau như giặc. Cứ lấy điều lệ mà chiếu vào mọi bất đồng tranh chấp, anh phải làm gì, anh hưởng được bao nhiêu, nếu anh không làm thì, nếu anh không đi họp thì, nguyên tắc “quá bán” tức 51% chấp nhận thì phải tuân theo, không có chuyện tôi nằm trong 49% phản đối nên tôi làm khác, hôm đó tôi không có mặt nên tôi không biết. Nếu nói vậy thì tư duy của anh HOÀN TOÀN cá nhân chủ nghĩa, là TAY CHÈO LẠC NHỊP, không thể hùn hạp làm ăn được. Lúc này, nên yêu cầu anh ta ra khỏi thuyền. Chỉ một mái chèo khác đi, con thuyền có thể sẽ chòng chành xoay ngang, hoặc đi rất chậm. Nguyên tắc đồng thuận là bắt buộc của những người “đồng thuyền”.
2. Lần đầu tiên Tony sang Hà Lan học 1 khóa ngắn hạn về nông nghiệp, ở nhà trọ với 3 người nữa. Vừa xách vali vào, tụi nó bắt đọc NỘI QUY. Mình kiểu thôi đưa tao ký đại. Ba đứa kia không chịu, bắt đọc từng câu, hiểu rồi mới được ký. Nào là góp tiền mua cái này bao nhiêu, xài xong rồi cho ai. Không được dùng dầu gội của đứa khác, có cái bếp chung, chia thời gian ra nấu thế nào. Trong tủ lạnh cái gì của ai không được đụng đến, nếu đụng phải hỏi và mua trả lại. Rồi không được để nước chảy xuống sàn toilet, phân công chia ra lau nhà ngày nào, đi về khuya phải đi nhẹ nói khẽ cười duyên, tiếp khách thế nào bạn bè tới chơi như thế nào, máy giặt máy sấy sử dụng ra sao. ra khỏi nhà phải tắt thiết bị gì…nếu vi phạm thì chế tài ra sao. Nếu xảy ra bắt cóc, khủng bố, cháy nổ thì xử lý ra sao, bình chữa cháy ở đâu, số ĐT cảnh sát bao nhiêu, cấp cứu bao nhiêu…Họ phân chia trong lúc “tang gia bối rối”, ai làm gì chứ không đứng “bối rối” miết như ở ta. Hết 3 trang giấy cho cái nội quy, ban đầu thấy ức chế kinh khủng, mình quen tự do lộn xộn rồi, cứ theo khuôn khổ văn minh là phản đối. Nhưng nghĩ lại thấy nhớ thời nhà trọ của mình ở Việt Nam, bạn bè ở chung nhà cứ cả nể không nói, cãi nhau suốt hoặc giận hờn, đem đi kể người khác để tìm đồng minh an ủi. Sau này mới biết việc kể người khác về những điều không tốt của một người thứ 3 (theo góc nhìn của mình) như vậy là không văn minh.
3. Ở phương Tây, trong một cuộc họp, người ta tranh cãi đập bàn đập ghế. Kiểu “tôi hoàn toàn không đồng ý với anh”, nhưng sau đó, họp xong, ra quyết định, mọi người đều RĂM RẮP tuân theo. Dù hôm trước anh khác biệt, nhưng VÌ LỢI ÍCH TẬP THỂ, anh phải TỪ BỎ CÁI TÔI CÁ NHÂN. Lợi ích tập thể có thì lợi ích cá nhân sẽ có, họ nghĩ dài, nghĩ khôn, nghĩ rộng. Lúc thảo luận, họ chỉ bàn bạc “CÁI GÌ ĐÚNG, CÁI GÌ SAI” nên dễ dàng bỏ qua mọi bất đồng. Ông O vẫn vui vẻ mời bà H làm trợ lý, dù hôm trước trên truyền hình hai bên đấu khẩu ghê gớm. Bà H cũng vui vẻ nhận lời, không cay cú sĩ diện vì là người thua. Tư duy Tây nhẹ nhàng, thông thoáng, nói thẳng, Yes/No rõ ràng, làm việc cùng rất thích.
Còn ở châu Á, thói quen vòng vo khiến mất thời gian. Kiểu “tôi hỏi chứ không phải, tôi tự hỏi là, thiết nghĩ, nên chăng, chẳng hay, tôi đồ rằng,…” nghe bắt mệt. Đụng chuyện, người châu Á tập trung vào “AI ĐÚNG, AI SAI”, ai cũng có CÁI TÔI to đùng cần bảo vệ, sợ mình buông ra thì người khác coi thường, nên rướn cổ lên để cãi và mọi giá PHẢI THẮNG. Rồi mạt sát nhau, lôi bằng cấp học vị, chuyện gia đình, giới tính, lôi mọi thứ ra NHẰM CHỨNG MINH người kia sai. Tony có quen anh bạn, anh nằm trong 6 người sáng lập một công ty cổ phần. Có lần công ty anh định lập chi nhánh ở Singapore, anh và 1 người nữa trong hội đồng quản trị phản đối. Nguyên tắc “quá bán”, bốn anh kia đồng ý, 4/2 nên quyết định vẫn ban hành. Anh không công nhận việc này, dù biên bản họp anh vẫn ký vào, nhưng “trong lòng tao có đồng ý đâu, tại tụi kia đông quá”. Anh kể, thế là tao bắt đầu CHỨNG MINH 4 đứa kia sai. Đi nhậu, gặp ai biết tao cũng nói. Tao tìm thấy bằng cấp của thằng A, nó học hệ tại chức thì sao có trình độ mà quyết việc này? Còn thằng B thì lăng nhăng, cặp con này con kia, nhân cách như vậy thì là đồ vứt. Thằng C người tỉnh X, dân tỉnh X vùng Y thì không thể có quyết định đúng. Thằng D từng phá sản, nên luôn sai.
Tony nói em thấy chuyện học hành bằng cấp, chuyện tình ái, chuyện quê quán xuất thân, chuyện quá khứ…đâu có liên quan chuyện làm ăn? Thành lập chi nhánh nếu tốt thì anh cũng hưởng lợi mà. Anh nói mày ngu quá, tao để yên như thế thì nhân viên đối tác nó khinh tao à. Tao đã phản đối, nếu để chi nhánh hoạt động tốt, hoá ra tao sai à? Thế là tao giả vờ đồng ý, đề xuất cử một đứa bất tài vô dụng nhưng hiểu biết và mồm miệng hay lắm sang đấy phụ trách chi nhánh. Ở bển, nó xài tiền vô tội vạ, không thèm bán hàng, ai tới mua cũng nói khó nói khăn, không bán vẫn có lương thì làm làm gì cho mệt mày? Sau 1 năm cầm cự vì không hiệu quả, công ty chịu hết nổi nên chi nhánh đấy vừa đóng cửa. Tao thắng.
4. Các bạn trẻ thân mến. Trong làm ăn, nhất nhất phải rằng buộc bằng quy định điều lệ. Càng chi tiết càng tốt ngay từ đầu. Quy định ban đầu thế này, nhưng lúc sau có thể hoàn toàn khác. Không sao cả. Luật lệ là do con người tạo ra để quản lý cho dễ, nên phải được chỉnh sửa liên tục sao cho phù hợp hoàn cảnh thực tế phát sinh. Và mọi người phải chấp hành quy định mới đó, tuân theo mệnh lệnh của thuyền trưởng trong suốt thời gian ngồi trên con thuyền. Có sự cố, thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời thuyền. Nguyên tắc hàng hải lẫn làm ăn.
Chúng ta không nên hợp tác với người SĨ DIỆN cao ngất, mệt mỏi lắm. Nếu bạn trẻ có bệnh SĨ, phải lập tức từ bỏ. Cũng không cho người vô kỷ luật lên thuyền, không thể chấp nhận có 1 đứa không mặc áo phao khi tất cả người khác đều mặc. Nếu nó khăng khăng làm theo ý nó, thì hãy để nó xuống thuyền. Bạn nào không nghe lời ai, “ai cũng không có quyền, chỉ mình ta là có quyền”, thì tốt nhất nên đi máy bay. Mặc dù tụi tiếp viên bắt đọc nội quy khi bay, mình không đọc vì lười. Tiếp viên kêu thắt đai an toàn, mình nói to “mày kêu tiếng nữa tao hất ly nước nóng vào mặt”, nói mày có biết tao là bạn anh A tổng giám đốc hãng mày không. Nói kiểu vô học vậy cho dễ thương. Tiếp viên kêu tắt di động, mình cứ mở nói ầm ĩ, nhiễu sóng phi công hết biết đường lái, bay đi Đà Lạt đáp xuống Cam Ranh, hành khách xuống máy bay thảng thốt nói ố kìa “bên em là biển rộng”. Ai hướng dẫn cửa sổ cửa thoát hiểm gì mặc kệ, mình thích thì cứ mở ra hít khí trời. Họ đuổi xuống thì mình chống nạnh kiểu chụy mất gà đứng bên hàng rào nói xỉa xói qua: đây không thèm đâu nhá, đây có giá trị riêng của đây nhá. Đây sẽ mua máy bay tự lái nhá…
Vậy thôi, em chào chụy.
Khởi nghiệp về công nghệ

Tony lang thang trên mạng và tìm được trang web về khởi nghiệp cho các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới, mất mấy ngày không dứt ra được vì càng coi càng say mê.
Không bao giờ hiểu được tại sao các bạn trẻ lại nghĩ ra được nhiều ý tưởng để khởi nghiệp hay đến như vậy. Các bạn vô trang này nhé https://angel.co/locations để xem. Khu vực châu Á, dẫn đầu là Ấn Độ với hơn 15,000 dự án và ý tưởng, Việt Nam cũng hơn 200 dự án khởi nghiệp được để trên đây.
Tại đây, các nhà đầu tư sẽ xem, quan tâm đến cái nào thì rót vốn cho. Thậm chí các bạn trẻ xem, thay vì tự triển khai hoặc ý tưởng của mình thật ra đã có người khác làm rồi, thì có thể xin vô làm việc. Ở đâu vẫn làm được vì online là chủ yếu. Mình search các sáng lập viên đó để kết bạn nhé, tinh hoa toàn cầu quyết định công nghệ tương lai thế giới nằm ở đây hết.
Ví dụ về một khởi nghiệp của bạn trẻ người Indonesia trong lĩnh vực nông nghiệp, tên là IGrow. Grow là trồng trọt, tiền tố I ở trước chữ grow, có lẽ là bạn có tham vọng giống Iphone, Ipad…, một sáng tạo mới cho ngành trồng trọt trong thời internet.
Các bạn sign up với FB của mình, để follow các dự án. Chắc chắn sẽ nảy ra nhiều ý tưởng để làm với bạn bè mình. Kiếm tiền triệu đô la, thậm chí cả tỷ đô la với dòng vốn thế giới đang chờ mình. Họ có tiền và chờ rót vốn, chỉ cần chúng ta cho họ ý tưởng là được.
Các bạn trẻ khỏi phải trăn trở về “tiền đâu khởi nghiệp” nữa nhé. Nhá hàng lên đây là có tiền ngay thôi nè.
Strongly recommend các bạn xem nhé. Hay đến mất ăn mất ngủ….
Nấm à nấm ơi…

Như trong bài Heo-Thì Phút (healthy foods), con người tiêu dùng đạm càng ít chân càng tốt cho sức khỏe. Nấm chỉ có 1 chân nên được xem là nguồn đạm cực tốt, “chay mặn đều dùng được”. Nó hay ở chỗ là vừa là đạm, vừa là rau.
Trên thế giới, các tập đoàn lớn hiện nay cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực nấm, có ngành NẤM riêng, bạn trẻ hỏi mày làm ngành gì, nói làm làm ngành nấm. Tên tiếng Anh gọi là Edible Mushroom Industry. Tùy theo quy mô công ty mà họ đầu tư, nhỏ lẻ hộ gia đình hay lớn cả một khu công nghiệp trồng nấm, các bạn search Qira Edible Mushroom Technopark, có cả 500 nhà kính nhà lưới để trồng nấm, có các nhà máy chế biến và có tới 3,000 người làm việc, thâu đêm suốt sáng đèn sáng trưng. Họ bán vô hệ thống siêu thị lớn, vì đặc trưng phải trữ lạnh trong hệ thống siêu thị mới bảo quản lâu. Các vùng chưa có siêu thị, họ thành lập các đại lý bán, giúp người tiêu dùng yên tâm là dùng nấm chính hiệu của nhà máy.
Đạm của nấm rất cao, thậm chí một số loại còn cao hơn cả thịt bò, thịt gà. Nguồn nguyên liệu để sản xuất cũng không quá khó khăn, thường là rơm rạ, mùn cưa gỗ trồng,…sau khi trồng nấm xong sẽ xử lý để thành phân bón hữu cơ, trả lại cánh đồng một cách tự nhiên. Hoặc họ đóng gói thành “đất sạch” bán để người dân mua về trồng cây.
Ở các nhà máy chế biến nấm, nấm được phân loại thành nấm tươi, thường được hút chân không để bảo quản lâu. Cũng có nấm nấu chín đóng hộp đóng gói, như nấm hấp, nấm muối ớt, nấm chua, nấm ăn ngay, nấm ngâm dầu dấm, nấm chiên giòn ăn như snack, bột nấm nấu chín xay nhỏ để rắc vào cháo bột cho trẻ em…Nấm cỏ trăm loại, nấm vị cua, vị cá, vị thịt bò, thịt heo…Có loại nấm ngọt như đường, nấm chua như giấm, nấm béo như mỡ…
Hiện nay ở các thành phố lớn trên thế giới, dễ dàng bắt gặp giới trẻ rủ nhau đi ăn lẩu, họ chỉ gọi 1 dĩa thịt bò/cừu nhỏ, còn lại là cả chục dĩa nấm. Trong khi đó cách đây 10 năm, thì ngược lại.
Làm làm làm. Hạc hạc hạc.
Với tay chạm ước mơ

1. Harrod là một “con dượng” dự thi mứt thanh long, bữa gặp ở Villa De Tony, Tony đặt tên ngoại quốc là Harrod, lúc đó đang làm ngành giao nhận nhưng mê sản xuất. Hoà nhập quốc tế, bên cạnh tên Việt cũng nên có tên tiếng Anh, giống như người Hồng Công hay Singapore, chủ yếu để giao tiếp cho dễ, không nên bảo thủ kiểu Á Châu. Phải phóng khoáng lên, chỉ là một cái danh xưng, mình không chấp nhận sự mới lạ hay thay đổi thì khó lòng làm nên nghiệp lớn. Ăn mặc cũng vậy, quan trọng là nghĩ lớn, làm ăn lớn, làm nhiều tiền để “ăn sang mặc quý phái”, đi xe hơi, hoà nhập quốc tế không được tuỳ tiện, lùi xùi cả bên trong lẫn bên ngoài.
Tony động viên bạn về quê sản xuất mứt trái cây. Bạn về, tách riêng ½ diện tích nhà để làm xưởng, liên hệ với vùng nguyên liệu, thiết kế bao bì nhãn hiệu, tìm kiếm chỗ mua máy móc xong xuôi, chạy những mẻ đầu tiên để đem đi tiếp thị. Từng bước trở thành ông chủ nhỏ, chạm 1 tay vô ước mơ cuộc đời mình. Ước mơ thì ai cũng có, nhưng chỉ có số ít là làm, số còn lại ngồi ngưỡng mộ. Các bạn coi ai có sự nghiệp gì không, có thành tựu gì không thì mới follow. Người ta nói chuyện làm chuyện ăn, riết mình bắt chước.
Tony kêu nó vô nhà uống nước, nó nói thôi đứng ngoài trình bày cũng được. Nó nói con vướng phải vấn đề MÁY MÓC, Tony nói thôi con đi về đi. Bữa nào rảnh, tui lên page chỉ cho, chỉ sỉ chứ không chỉ lẻ mắc công quá.
Về máy móc, nếu MUA NGUYÊN DÀN MÁY chỉ để làm mẫu chào hàng, thì rất rủi ro, vì chưa chắc mẫu đó được thị trường chấp nhận. Mình có liên hệ các trường ĐH cao đẳng như BK, Tôn Đức Thắng, Cần Thơ, Tiền Giang, Hutech, công nghiệp… hoặc bất cứ trường nào gần nhất mà có khoa CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM. Phòng thí nghiệm ở đó đều có tủ sấy, tủ đông, tủ hấp, trích ly, cân đo đong đếm hút chân không, hóa chất bảo quản hay cái gì cũng có…chỉ là không sản xuất quy mô lớn được thôi. Hoặc là nhờ các công ty trong ngành, cái này phải làm quen với bộ phận sản xuất các nhà máy, thuyết phục người ta. Cứ gõ cửa. Làm ăn là không ngại. Ngại, tự ái, mắc cỡ, sĩ diện, háo danh,…đều không có trong từ điển của người làm ăn.
2. Hồi mới ra trường, Tony quen mối sản xuất dầu chiết xuất từ cây tràm (dùng cho phụ nữ mới sinh rất tốt), viết mail giới thiệu chào hàng, bên Nhật thích thú đòi xem mẫu. Nhưng VN mình sản xuất thủ công còn tạp chất, chắc chắn không xuất khẩu được nên Tony mới liên hệ công ty dược phẩm gì trên đường Cách Mạng Tháng Tám, nó đồng ý làm 10 lít, cấp cho bảng phân tích (certificate of analysis) luôn, có giấy này mới gửi DHL qua bên Nhật được. Khách thấy OK nên qua đặt hàng khí thế, sau này tụi Nhật đem máy móc rồi qua sản xuất luôn dưới Long An, họ mời Tony về làm giám đốc nhưng Tony không có nhận lời vì mắc đi Harvard hạc. Tony từ chối làm tụi nó khóc quá trời (khóc bằng tiếng Nhật).
Lúc hãng Phượng Tím mới ra đời, Tony cũng đi gia công. Tony chầu chực cả ngày ở phòng thí nghiệm các nhà máy, mua bánh mua kẹo dụ các bạn kỹ sư ở đó làm cả chục mẫu…rồi mang đi hội chợ chào hàng. Mình làm mẫu tới lui cả chục lần họ mới OK, rồi mới đặt đơn hàng thử nghiệm gọi là trial order, chỉ có 1-2 container thôi, mình nào dám đầu tư máy móc. Trong khi các nhà máy có chạy hết công suất đâu, mình đem công thức, bao bì của mình tới, kêu họ sản xuất cho mình lúc họ rảnh rỗi. Họ cũng phải trả lương công nhân bao nhiêu đó/tháng, nên có việc làm thêm cho anh em, họ còn mừng. Sau này khi đơn hàng lớn rồi, thì mình mới tự lập xưởng sản xuất, gia công mãi như thế không chủ động được, vì mình chỉ là con nuôi, họ phải ưu tiên con đẻ của họ. Gia công như thế này gọi là OEM, nhiều bạn cũng qua Trung Quốc gia công, ví dụ Smartphone, bên Thâm Quyến sản xuất mọi mẫu mã, ai muốn gia công ghi tên Tèo Mobile, Tí Mobile gì nó cũng làm, nhưng giai đoạn đầu thì được, chứ làm ăn ổn định rồi mà phụ thuộc người ta nguy hiểm lắm.
Về mặt bằng sản xuất, đầu tiên thì tự quy mô ở nhà, cái máy nhỏ nhỏ đóng gói, hơ lửa dán keo lại cũng được. Hồi năm 3 ĐH, Tony đi Nha Trang chơi, có ghé khu Cửa Bé. Tony đi 1 vòng coi nhà nào có nước mắm ngon, lên chi cục đo lường chất lượng Khánh Hòa đăng ký nhãn hiệu “nước mắm Tony Cocky” xong, đem vô Sài Gòn bán. Tony mò lên nhà máy Ngọc Nghĩa trên khu CN Tân Bình mua chai, nó có bán lẻ. Cứ cuối tuần, ngoài Nha Trang gửi vô 10 can 200 lít, Tony ngồi sớt ra chai, dán nhãn rồi đi bán cho các cửa hàng tạp hóa khu vực phường 13 Bình Thạnh. Người ta góp ý là chai nước mắm phải cái màng phủ trên cái nắp, nếu không, nhìn không an toàn. Hồi đó làm gì có internet mà tìm kiếm. Tony mò xuống Chợ Lớn từ mờ sáng đến khuya, mất mấy ngày mới tìm ra cơ sở sản xuất MÀNG CO. Người ta hướng dẫn dùng cái mấy sấy tóc, trùm màng co vào đầu chai và sấy 1 cái là nó ôm cái nắp chai ngay.
Tony cứ buổi nào lên trường thì thôi, bữa nào ở nhà là đi tiếp thị rồi giao nước mắm, rồi 4-5h chiều là tắm rửa, thay đồ đẹp xịt nước hoa lên thư viện học đến 8h đêm mới về. Mấy năm ăn học cũng nhờ cái nước mắm này và nhiều business khác nữa nên sống hết sức phong lưu, tốt nghiệp vẫn loại giỏi như ai. Yên tâm đứa ham làm thì nó cũng ham học. Ngày chuẩn bị ra trường, Tony tặng cái business nước mắm cho thằng Tú, một đứa ở cùng nhà trọ, dân Bà Rịa, vì thấy nó tử tế trung thực. Tony hướng dẫn nó cách sản xuất xong, dắt nó đi 1 vòng thăm khách hàng, nói các cô các chú ơi, con học xong rồi, con chuẩn bị vô mấy tập đoàn đa quốc gia làm rồi, hoặc con sẽ mở cơ sở sản xuất ở quê, hoặc có thể đi Tây làm việc hay học lên nữa. Thằng em này thế con, có gì cô chú giúp đỡ nó nhen. Thằng Tú cũng làm y chang Tony vậy, nhưng nguồn nước mắm là từ dưới Lộc An Bà Rịa. Khi nó ra trường nó lại chuyển cho 1 đứa khác làm. Vì Tony dặn phải hào sảng, không được tủn mủn kiểu “thà dẹp chứ không cho” của mấy đứa tiểu nông rẻ tiền, chả muốn ai giàu có cả, không hiểu tại sao lại có lối suy nghĩ đó.
Thời đi học, Tony rất ghét mấy đứa sinh viên hát ê a “bạn tôi, sáng nhịn ăn, lên giảng đường” rồi nói sinh viên tụi mình tội nghiệp, nói là thuở hàn vi. Sức dài vai rộng, trí tuệ có mà hàn vi thì do lười động tay động chân thôi.
Cứ lao động cật lực rồi hưởng thụ. Mắc mớ gì nhịn đói rồi lên giảng đường. Cứ phở bò phở gà quất tới.
Anh dắt em đi ôn nhiều kỷ niệm
(truyện ngôn tình kiểu Tony)

1. Những năm 80, chị Quyên là sinh viên ĐH Tổng hợp, còn anh Nam là sinh viên ĐH xây dựng. Chị Quyên hát rất hay, còn anh Nam thì là một tay ghi-ta cực giỏi. Anh chị quen nhau khi tập văn nghệ của hội sinh viên Tp Hà Nội. Bài hát nổi đình nổi đám lúc đó là bài “Đất nước tình yêu” được anh chị bẻo dèn (biểu diễn) rất thành công.
“Khi anh nói, yêu em
Vườn cây, đầy hoa trái
Khi anh nắm tay em
Mây giăng giăng bay
Chỉ còn ánh trăng ngà.
Và khi chúng ta yêu nhau
Chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm…”
Tác giả ca khúc này là cô giáo Lệ Giang, dù là một “tay ngang” nhưng sáng tác của cô khá đặc biệt, vì nói như người xưa là “nhạc trung hữu thi hữu họa” (trong nhạc có thơ có tranh), chạm đến trái tim người nghe. Rất là hay (xong phần văn phân tích, em chỉ ngắn gọn vậy thôi, cho mấy điểm cũng được tùy cô).
Khi tốt nghiệp, chị Quyên vào miền Tây công tác, còn anh Nam thì về quê lúa Thái Bình tiếp tục “bên luỹ tre xanh xây nhiều công trình”. Chị Quyên kể, lúc đó 2 anh chị suy nghĩ nhiều lắm. Chia xa, lòng người ai biết được, theo thói quen, người ta sẽ cố giữ vì nghĩ giữ thì mới được. Nhưng anh chị vẫn tin nhau, nếu tình yêu đủ lớn, thì phải giúp nhau sống đúng với đam mê của mình. Chị nói, tuổi trẻ gắn liền với tình yêu. Tình yêu cho chúng ta năng lượng để học tập, lao động, hướng đến sự nghiệp của mỗi người. Tình quê hương đất nước, tình yêu với đức tin, tình yêu với cha mẹ người thân, tình yêu với công việc… tất cả, đều là tình yêu. Yêu là phải đẩy nhau thăng hoa, không nên vì yêu mà kéo ghì lại, hay suốt ngày ỉ ôi khóc lóc, căng thẳng, mệt mỏi trong nghi ngờ, trong đau khổ, trong nhớ nhung….dẫn đến mọi thứ đều kém đi. Tình yêu, phải là năng lượng dương, không nên là năng lượng âm (ồ dé).
Chị Quyên kể, tình yêu của anh chị là những cánh thư có đóng dấu bưu điện hai miền. Sau những lần đi công tác xuống vùng nuôi tôm, ước mơ làm chủ một nhà máy chế biến thuỷ sản trong chị bùng cháy. Muốn làm cái nghề đó thì phải bắt đầu từ vị trí thấp nhất. Thế là chị xin nghỉ, đi làm công nhân lột tôm trong ánh mắt ngỡ ngàng của bao người. Chưa ai nghĩ là một cô gái mảnh mai, đài các, học hành bài bản như vậy lại có thể khoác bộ đồ công nhân vào suốt ngày cắm mặt với mấy con tôm. Nhưng chị nung nấu một đam mê khác. Chia sẻ với anh Nam, anh rất ủng hộ và viết thư vào động viên suốt là đừng bỏ cuộc.
Sau 2 năm làm công nhân, có lần một khách Nhật qua hướng dẫn kỹ thuật làm tôm sú nobashi, do tiếp thu nhanh nên chị được ban giám đốc đề bạt lên tổ trưởng, rồi quản đốc phân xưởng rồi phó giám đốc nhà máy. 7 năm sau khi chia xa để xây dựng cơ đồ, anh Nam vào Bạc Liêu, tổ chức đám cưới với chị. Một đám cưới đặc sệt miền Tây của 2 người miền Bắc, với xuồng ba lá, cây chuối làm nhà tạm, lá dừa kết hoa…Anh chị “song kiếm hợp bích”, chín xu đổi một hào, cứ có tiền là mua ao tôm bỏ của bà con, cả anh lẫn chị xắn quần lội xuống đắp đất be bờ cải tạo lại. Vì không tốt nghiệp ngành thuỷ sản nên phải mày mò, tối nào chị cũng đọc hàng trăm trang sách chuyên môn, còn anh đi học ĐH tại chức ngành thuỷ sản. Khi xí nghiệp thuỷ sản gần đó thua lỗ phá sản, anh chị đã đủ tiền mua lại, phát triển thành một doanh nghiệp lớn. Bao năm chia xa, tình yêu của anh chị vẫn vẹn nguyên, vì chị nói, bài hát thời sinh viên nó vận vào người anh chị rồi “Và khi chúng ta yêu nhau, chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm”. Giờ con cái chị đã đi du học, thành công dân toàn cầu cả. Anh chị tranh thủ lễ tết là nắm tay nhau đi du lịch, ngắm hoàng hôn Bali, ngắm đêm trắng St Peterburg, ngắm bình minh mũi Hảo Vọng… Nằm trên khoang hạng nhất của các chuyến bay đường dài, giọng chị Quyên vẫn vang vọng với bài hát ngày xưa. “khi anh nói, yêu em…”. Anh Nam liền nói “thôi nín đi Quyên, để người ta ngủ”.
2. D và L, một cặp đôi khác mà Tony biết. D mang nhiễm sắc thể XY còn L nhiễm sắc thể XX (nói chung đọc văn Tony phải nhớ kiến thức phổ thông chứ hem nhớ sẽ hem hiểu). Ngày D có học bổng đi du học, L kiên quyết phản đối, sợ mất bồ. L cắt các bài báo về xả súng, khủng bố, động đất….ở nước ngoài cho ba mẹ D xem. L đeo bám D hàng ngày, sáng bắt chở đi ăn sáng, ăn tối. D trái ý 1 chút là L khóc bỏ ăn. Rồi ba mẹ D cũng không đồng ý cho D đi du học, sợ mất con. Là một cậu bé ngoan nên D chấp nhận mọi ý kiến của gia đình, của người yêu, không dám sống đúng với ước mơ của mình. Ba mẹ D luôn nói với D “tình cảm gia đình mới là quan trọng, phải giữ lấy bằng mọi giá”. Một đám cưới rình rang đãi ở Văn Thánh tới cả trăm bàn. D vô làm công ty ba mẹ L quen, được vài năm thì lên trưởng phòng kinh doanh. D bắt đầu giao thiệp nhậu nhẹt, L thì tăng cường kiểm soát. Mỗi lần D đi họp lớp hay cà phê bạn bè là L đi cùng, L vô ngồi thù lù chỉ ăn và uống, lườm và nguýt nên bạn bè dần dần ngại, hết dám rủ D đi. Ban ngày D đi làm thì cứ 1h L nhắn tin 1 lần, không trả lời lại là L gọi hết mọi người trong công ty của D để kiểm tra. D đang ở quán nhậu thì 5 phút L gọi, bắt phải đưa máy xem ai đang ngồi cạnh. D cứ thấy điện thoại vợ gọi đến là suỵt mọi nhiễm sắc thể XX có mặt ở đó phải im, không được lên tiếng, rồi nhờ bạn nam nào đó nói giùm. L không cho D đi công tác, sợ hư hỏng. L nói, L khổ lắm. Vì tập tục “trọng nam khinh nữ, năm thê bảy thiếp” của hủ tục nho giáo con sót lại, cứ chồng ngoại tình là 2 người phụ nữ bị lên án, một người không biết giữ chồng, còn người kia là giật chồng nên 2 cô phải lao vào đánh nhau (Hai cô gái Tây hẻm có vậy bao giờ. Người chồng trong ngoại tình thường được xã hội cho là vô tội, trong khi đó lại là nhân vật chính. Xử lý mại dâm cũng vậy, chỉ xử lý người bán dâm. Trong khi trong kinh tế học hiện đại, nguồn gốc giao dịch là từ cầu, chứ không phải từ cung). Để giữ chồng kẻo bị chị Dư anh Luận lên án, cứ sau 11h đêm, nếu D chưa về là L đánh thức đứa con gái dậy. Tội nghiệp con bé, vẫn còn đang ngái ngủ nên nói qua điện thoại như cái máy theo lời mớm của L, đại loại “ba về với con đi, con nhớ ba lắm, con không ngủ và chờ cửa đây nè”… L dùng tình yêu con cái đánh vào sự yếu mềm của D, khiến D lao về vun vút bằng xe máy, có lần suýt tai nạn giao thông.
Khi về nhà là cảnh khóc than chì chiết, D bắt đầu chán và thích ra ngoài nhiều hơn. Và D cũng nói dối chuyên nghiệp hơn, trong quán nhậu, tiệm mát xa, nhà nghỉ chứ D cũng nói “anh đang họp”. Mà nói vụ nhà nghỉ mới nhớ, chưa có nước nào trên thế giới nhà nghỉ và mini hotel nhiều như ở ta. Hotel, nhà nghỉ…là lữ quán, là nơi trú ngụ của khách đến một địa phương khác, vì họ không có nhà ở mới trú qua đêm. Chưa thấy ở nước nào khách sạn có ghi cho thuê ngắn hạn, 50 ngàn 1 giờ, 70 ngàn 2 giờ. Có khách lữ hành lỡ bước nào cứ vô nghỉ 1h, 2h rồi ra? Toàn dân địa phương đeo khẩu trang vô đó.
D cũng muốn ly hôn, nhưng không dám, vì sợ dị nghị. D tiếp tục lừa vợ sống với mấy thú vui xôi thịt của mình, lâu lâu cười đắc thắng vì đã lừa được một vài người đàn bà tội nghiệp. L cứ chờ D ngủ là móc điện thoại ra coi, đóng vai D nhắn lại các tin nhắn có vẻ nghi ngờ, rồi lục lọi email máy tính. Trước khi giặt đồ, L coi từng mm trên áo trên quần có dấu hiệu lạ không. Có đêm, khi D nói là đang họp đối tác, L không tin nên đánh thức con bé dậy, chở qua bà ngoại gửi, rồi xoã tóc phóng như bay đi tìm ở mọi nhà nghỉ, tiệm mát xa, quán cà phê… trong thành phố để “bét quả toang”. Nhưng trí tuệ của L sao vượt được các cậu giữ xe ở đây mà đòi bét. Cứ khách vô là các cậu sắp xếp quay đầu xe ra cửa, giấu biển số vào trong, đầu xe SH, Air Blade nào chả giống nhau. L rình bắt miết không được thì ôm con bỏ về nhà ba mẹ ruột. D lại sang năn nỉ thề thốt đủ kiểu nhưng hôm sau vẫn y chang vậy. Kết cục của 10 năm hành hạ nhau, níu kéo nhau là một quyết định ly hôn ở toà. D thì luôn miệng đổ tội, trách móc, tại cô ấy mà mình không đi du học, không có sự nghiệp. Còn L thì trách móc nói D đã lấy mất tuổi thanh xuân của cô. L cho rằng nếu biết D sống giả dối hai lòng như vậy, cô đã lấy thằng M thằng Q thằng K gì đó. L bây giờ nhìn đời bằng ánh mắt hằn học, luôn cáu bẳn khó chịu. Và D thì triền miên trong các vui thú rượu bia để trả thù đời.
3. Trong CLB con dượng có 2 bạn John và Marie, Tony đặt tên tiếng Anh cho quốc tế chứ tên thật là Tèo và Mận. John và Marie cưới nhau được 2 năm, hiện John đang ở Israel theo chương trình thực tập sinh nông nghiệp còn Marie đang xuất khẩu lao động ở Nhật ngành trồng nấm. Ước mơ của Marie là làm chủ trang trại nấm mỡ, còn John là chủ nhà máy chế biến nấm. Vợ cung cấp nguyên liệu cho chồng và chồng là đầu mối tiêu thụ của vợ. Cả 2 sinh năm 89, nên quyết định chưa có em bé, tạm biệt để gây dựng sự nghiệp chung. Ngày lên đường, John bay đi Tel Aviv, Marie sang Tokyo. Họ chia tay nhau tại sân bay Băng Cốc. Lúc đứng trước cửa check in, Marie với theo dặn dò, rằng anh nhớ coi mấy ông chủ Do Thái quản lý nhà máy, em muốn xí nghiệp của vợ chồng mình cũng phải được sắp xếp một cách khoa học thông minh hiệu quả như họ. Lúc rảnh rỗi, John lên facetime dặn Marie nhớ coi tụi Nhật nó làm cái gì, ghi chép lại mang về. Còn trẻ phải cực khổ lao động, phải chịu chia xa để sau này về già, hai đứa mình sẽ sống cuộc sống phong lưu tuyệt đỉnh. Sẽ lang thang khắp nơi trên thế giới, mùa thu ngắm lá vàng ở London, mùa đông đục băng câu cá ở Alaska, mùa xuân đi Nhật hái hoa anh đào về ép vở, mùa hạ thì đi New Zealand trượt tuyết.
“Ôi Việt Nam, đất nước tình yêu.
Anh dắt em đi ôn nhiều kỷ niệm.
Và nhiều ước mơ,
cuộc sống mãi mãi đang chờ”.
May mắn đến từ đâu?

Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận sự may mắn góp phần lớn trong vận mệnh mỗi người. Bệnh truyền nhiễm trong cơn đại dịch, có người bị lây có người không, dù ở chung với người nhiễm. Trong tích tắc, nhanh hơn hoặc chậm hơn vài giây, mình có thể thoát khỏi một tai nạn. Tình cờ gặp người nào đó, có thể thay đổi cả cuộc đời mình theo một hướng khác tốt đẹp. Có những bạn đến phỏng vấn xin việc, dù kém hơn các ứng viên khác nhưng nhà tuyển dụng nhận vô làm chỉ vì có “ngoại hình ưa nhìn” chứ không phải “đẹp”. Tony ra đời làm ăn, lúc khởi nghiệp không một xu dính túi. May mắn được đối tác cho nợ, khách hàng trả tiền trước…nên mới có vốn xoay sở, mới có cơ ngơi ngày nay. Ba lần bỏ quên Ipad trên xe taxi, 3 lần taxi đến tận nhà trả lại. Hôm đi sân bay, vì chuyến bay nửa đêm nên Tony buồn ngủ, rớt cái ví toàn bộ tiền bạc giấy tờ, có đứa nhặt lại đi tìm đưa lại cho bằng được. Sự may mắn không phải từ trên trời rơi xuống, mà nó nguyên nhân.
Hồi còn trẻ, mới ra trường, sau khi đi làm 3 năm cho một hãng Nhật, Tony bị sa thải vì công ty tái cơ cấu, dẹp ngành kinh doanh đó trên toàn thế giới. Rồi thất nghiệp vạ vật cả năm trời. Tiền bạc giật gấu vá vai. Nhiều lúc bất lực về đường lối mưu sinh, Tony đang cầm cái ly nước trên tay muốn ném xuống đất cho nó vỡ tan. Người lúc nào cũng bức bối vì không làm ra tiền, không nghĩ ra được cái gì mới để có thể bứt phá. Đầu óc u u mê mê, nhìn thấy người ta có thành tựu này thành tựu kia, lòng buồn hết sức. Tự nhiên không muốn chơi hay muốn nói chuyện với ai. Ai nói gì mình cũng mặc cảm suy diễn và tự ái. Tự giam mình vô cái phòng trọ và máy tính.
Một buổi tối nọ, vét những đồng cuối cùng, Tony lên quán cà phê ở phố Tây ngồi nghe thử Tây nó nói cái gì, sao nước nó giàu có văn minh mấy trăm năm ắt hẳn phải có bí quyết. Bàn bên có 2 ông bà già người Pháp, thấy Tony đang ngồi buồn nên ổng bà qua nói chuyện. Nói chuyện 1 hồi, Tony mới kể sự tình, nói sao tao không may mắn gì cả. Tao đã thử mọi cách, vô đủ các chùa đền miếu mạo để cầu xin. Rồi cúng sao giải hạn, phong thủy trong nhà, xem bói tử vi…thì cũng kinh qua hết. Thậm chí bước chân phải hay chân trái trước mỗi sáng ra khỏi nhà tao cũng xem. Nhưng kém may mắn vẫn hoàn kém may mắn.
Nghe xong bà cười nói. Nếu mà may mắn chỉ đến từ xin xỏ, giành giật, cúng bái… thì các bộ lạc châu Phi đã phồn vinh hết. Bà nói, tôn giáo của mọi tôn giáo, quy luật của mọi quy luật là CAUSE AND EFFECT. Tức quy luật nguyên nhân-kết quả, hay gọi tắt là Nhân-Quả. Mày đã cho đi cái gì chưa mà đòi may mắn đến?
Tony bừng tỉnh. Bà nói, 2 vợ chồng tao về hưu từ lúc 50, đi lang thang chơi cho hết 1 đời phong lưu. Sinh ra trên trái đất này, giỏi lắm 100 năm là mày thành đất thành bụi, nên 50 năm đầu mày làm như điên, cho đi thật nhiều…rồi cuối đời còn lại mày hưởng, sung sướng 1 đời người đi. Tony nói nhưng tao đâu có tiền mà cho? Bà nói, người cho đi không nghĩ thế. Ví dụ mày nên đi tình nguyện, hiến tạng, đặc biệt là hiến máu nhân đạo, phải thay máu để refresh máu mới. CHO ĐI. ĐÓ LÀ BÍ MẬT CỦA SỰ MAY MẮN.
Mình chợt nhớ từ nhỏ, mọi người trong gia đình dặn là tuyệt đối không được hiến máu. Máu của mình, không được cho ai, “cho đi là mất” mà sao bà này nói ngược vậy. “Cho đi là nhận lại” là một khái niệm quá xa lạ với Tony lúc đó. Mới gân cổ lên cãi. Ông già mới từ tốn giải thích, cơ thể mình có khoảng 7.9 lít máu. Khoảng 3 lít nằm trong các mô, tế bào, cơ quan…còn lại là lưu thông theo hệ tuần hoàn, chảy 1 vòng qua tim. Giống như cái bình nước ấy. Mày ù lì, không vận động thì nước sẽ chảy chầm chậm, vận chuyển ô xy đến các tế bào rất ít, không sáng suốt được. Nên mày phải vận động. Thứ 2 là máu là thứ được tạo ra nếu mất đi, nên mày cứ giữ máu cũ miết, thì ùn ứ trong đó. Mày nên thay máu 1 chút, cho đi 200ml hoặc 350ml cứ mỗi 6 tháng, tạo cơ hội cho các tuyến tạo ra máu hoạt động. Máu của mày sẽ đến với người cần nó, mày đã làm 1 nghĩa cử cao đẹp, một hành động cho đi. Sự “cho đi” có tính tâm linh rất lớn. Mọi sự “cho đi” đều được tích lũy thành năng lượng vô hình. Khi mày cho đi, gương mặt nó sẽ khác. Ánh mắt nó sẽ khác, phong thái, mọi thứ sẽ khác. Và lúc đó, may mắn tự tìm đến với mày.
Nhưng Tony lại hỏi, máu ít sáng tạo, máu lười, máu thụ động…của mình hẻm lẽ chuyển cho người khác? Ông mới cười bảo rằng, cũ là cũ với mày, nhưng với mới với cơ thể mới. Cơ thể con người rất kỳ diệu, nó sẽ tiếp nhận có chọn lọc, cải tạo để hòa hợp. Tony chẳng tin, nói chung là nhát gan, và ích kỷ tiểu nông vẫn còn nặng. Ngu gì cho. Lấy vô không được thì thôi chứ mắc gì cho, cho cho cái con khỉ. Nghĩ đến ống kim đưa vào tay đã sợ. Chích thuốc còn hãi nữa là. Nhưng 1 tháng trôi qua, sự bức bí về mưu kế sinh nhai nó khủng khiếp. Một buổi chiều nọ, buồn quá nên quyết định đi cho máu, xả máu ngu máu xui xẻo cho rồi. Khi đến nơi và nằm trên ghế rồi, mới thấy mình dại. Thế rồi lỡ, tới rồi cũng phải cho chứ hẻm lẽ bỏ về. Đâu phải nhạc sĩ Vũ Hoàng đâu mà “giữa giờ chơi, mang đến lại mang về”? (Chán bác này quá, đã lỡ mang đến thì “chơi” luôn cho nó phóng khoáng chứ “mang về” làm gì).
Lúc nằm hiến, tay bóp bóp để máu ra mà lòng đau như cắt, suy nghĩ miên man. Xách mấy hộp sữa về, nói đây là lần cuối mình có một hành động dại dột như thế này. Mình sẽ nghĩ là cho máu về rất là mệt, nhưng cũng không cảm thấy gì. Hút 1 lèo hết 5 hộp sữa, rồi cái ngủ. Chờ sáng mai, coi thử may mắn có đến không. Không có là i meo qua ông bà người Pháp chửi. Một thời sửu nhi, non nớt về trí tuệ. Động chút là chửi.
Một tuần trôi qua, may mắn không thấy đâu. Đi phỏng vấn công ty nào rớt công ty đó. Mở hộp mail ra thì trường bên Tây gửi thư từ chối, không cho học bổng. Chỉ có một trường bên Hà Lan nói là đang xem xét hồ sơ của mày, mày vui lòng đợi. Đọc cái tự nhiên nảy ra, hay là mình lấy giấy chứng nhận hiến máu (sổ đỏ) scan rồi nộp cho nó. Miếng giấy màu đỏ không có ghi tiếng Anh nên mình phải dịch ra, xong gửi. Nhưng cũng chẳng hy vọng gì. Nhận được thư từ chối miết đã quen rồi. Nhưng câu cú viết ra có vẻ thông minh hơn chút, chắc là do có máu mới lên não. (Giấy chứng nhận hiến máu có màu đỏ, nên mình gọi là sổ đỏ. Ai càng nhiều “sổ đỏ” này thì càng hào sảng, còn nhiều sổ đỏ đất đai, thì càng tham)
Đúng 1 tuần sau, email của trường gửi về, nói tụi tao sau khi cân nhắc, đồng ý cấp cho mày 1 học bổng toàn phần, gồm cả ăn ở, đi lại kể cả vé máy bay từ VN qua, mày lên Sở Tư Pháp làm Lý Lịch Tư Pháp để chuẩn bị xin visa. Ước mơ qua Hà Lan gặp cô gái Hà Lan để “vắt sữa” đã trở thành hiện thực….(còn tiếp, các bạn cập nhật bài viết trong 2 cuốn sách tái bản).
Giã từ dĩ vãng

Mỗi lần ngồi cà phê với bạn bè, nghe tụi nó kể bị giật điện thoại khi đang chạy xe, mình hẻm có trải nghiệm nên hẻm biết cảm giác nó ra sao. Mình vẫn ngơ ngác hỏi, ủa ngồi trên xe buýt xe hơi sao bị giật được?
Năm 2003, Tony bị tai nạn trên chiếc xe wave alpha đỏ huyền thoại, có lần đi nhậu xỉn quá chạy đâm vào lan can cầu Thị Nghè rồi văng xuống lề đường, 2 má mặt bị chà xát, hết đệp choai. Từ đó, Tony mới tìm mua bản đồ xe buýt. Tuyến nào đi tới đâu, chuyến đầu chuyến cuối mấy h, từ trạm đến điểm cần đến dưới 1km thì đi bộ, nếu xa hơn thì đi taxi. Xe buýt ở Việt Nam nhìn chung khá bất tiện, tuy nhiên không phải là không thể sử dụng. Chỉ tốn thời gian nhiều hơn do chạy chung làn đường với các xe khác, mà mình thì thích ngồi ngẫm nghĩ trên xe, gọi điện, nghe nhạc học Anh văn, ủ mưu kiếm tiền, giao việc lái xe cho người lái giỏi hơn mình.
1. Sài Gòn xưa, Tp HCM nay
Các nhà quy hoạch người Pháp thiết kế Sài Gòn cho tối đa 2 triệu người. Bây giờ, TP HCM có tới 10 triệu người, dù các quận được mở rộng nhưng các điểm sinh hoạt, học tập, làm việc… vẫn tập trung khu trung tâm. Hàng năm, hơn 100 cao đẳng, đại học trên địa bàn tiếp nhận vài ba trăm nghìn sinh viên mới. Rồi gia đình các tỉnh khi có điều kiện cũng gửi con em lên các trường quốc tế, dân lập. Có cả ký túc xá ví dụ 135 Trần Hưng Đạo ngay trung tâm quận 1, sinh viên ở đó phơi quần áo đầy ban công, có khi quần lót hồng hồng theo gió bay phủ vào mặt du khách đi dạo phố bên dưới. Các ĐH phải di dời ra ngoại ô, học hành thì ra đó chứ bon chen trong trung tâm làm gì. Cô bạn Tony thời còn dạy khoa kinh tế ĐH Tổng hợp cũ (giờ là ĐH Kinh tế Luật) nói nếu ĐH của tôi dời ra Thủ Đức, tôi sẽ nghỉ dạy, tôi không quen ra ngoại ô làm việc. Nhưng trường vẫn dời ra, chị vẫn không nghỉ dạy.
Ngoài SV các ĐH ở Tp, một lượng lớn các bạn trẻ khi tốt nghiệp các đại học từ các tỉnh thành khác cũng đổ về Sài Gòn để kiếm cơ hội thử sức. Miền Tây lên. Miền Trung miền Bắc nam tiến. Lao động phổ thông, những người ở nông thôn khi bức bí về mưu kế sinh nhai, thường nghĩ đến chuyện lên Sài Gòn. Lượng nhập cư hàng năm lên tới 500 nghìn người, mang theo 500 nghìn chiếc xe máy biển số tỉnh. Chưa kể ở thành phố, có 1.000 chiếc xe máy mới đăng ký mới mỗi ngày (+150 chiếc ô tô con), rất ít xe thải loại, không có bãi rác xe cũ như ở các nước.
Hiếm ai ở TP.HCM mà không có 1, 2 chiếc xe máy, có người có ô tô vẫn sắm xe máy để “đi gần”. Các sân trường, tức “school yard hay play ground”, nơi vui chơi đều là những “parking lot”, tức bãi giữ xe khổng lồ cho giáo viên, học sinh, sinh viên, nhưng không ai thấy lạ. Hè phố, là đất công cộng để dùng đi bộ, nhưng biến thành các bãi giữ xe cho các nhà dân, hàng quán. Chưa thấy thành phố nước nào lại cho phép để xe trên vỉa hè. Muốn ăn quán phở ở đường Minh Khai, phải gửi xe ở một bãi ở đâu đó rồi đi bộ lại, người dân sẽ thấy còn phiền hơn cả đi xe buýt. Vì đều phải đi bộ trên hè phố như nhau.
Mở mắt thức dậy, thành phố có thêm hàng ngàn phương tiện tham gia giao thông, trong khi vẫn là những Nguyễn Đình Chiểu, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng… như cách đây mấy chục năm. Không còn chỗ để xén thêm để rộng ra nữa. Con đường nào cũng ken đặc xe. Hệ thống xe buýt cũ kỹ, chạy bằng xăng. Hệ thống nhà chờ không được đầu tư để có thể che nắng che mưa tốt. Như khu vực bến xe buýt trung tâm trước chợ Bến Thành, đứng vào 12h trưa thì nóng không thể chịu được.
Cứ một bài báo than phiền về kẹt xe, thì hàng nghìn comment yêu cầu dẹp xe buýt, mở rộng đường ra, vì quan niệm này là của các bạn đi xe máy. Giới tài xế xe buýt mắc lái xe không comment được. Giới có ô tô cũng bận làm ăn, không có thời gian đọc và comment để trung hòa ý kiến. Nên nếu đọc comment để coi “ý dân” thế nào, thì chỉ nghe toàn “thủ phạm tắc đường là xe ô tô, xe buýt”.
Dân số đông. Thành phố nào chả vậy. Nếu toàn bộ dân cư Hồng Công tràn xuống đường, thì không có đủ chỗ cho họ đứng. Vậy, người ta mần ra răng?
2. Thành phố là thành phố. Không phải thị trấn mở rộng.
Nhiều người nước ngoài nói Việt Nam làm gì có city, chỉ có giant towns (những thị trấn khổng lồ). Mô hình đô thị ở các nước Á Châu là:
– Nông thôn.
– Một cái chợ. Con đường nhỏ dẫn đến cái chợ. Thường ở gần sông.
– Nhà cửa xây xung quanh cái chợ. Ai cũng xây sát mặt đường. Sẵn tiện buôn bán làm ăn. Dân đông dần, xã lên thị trấn.
– Người đến sau hết mặt tiền, bèn làm nhà phía sau. Mở cái ngõ cái hẻm đi vô. Dân đông dần. Thị trấn lên thị xã
– Dân đông nữa. Thị xã lên thành phố. Loại 3,2,1 rồi đặc biệt.
Khi biến thành thành phố, luật sẽ khác thị trấn, người dân phải chấp nhận nếu muốn sống ở đây. Gọi là quy hoạch. Một khu ổ chuột 1 hecta sẽ được đập bỏ, xây thành 1 chung cư 2000 m2, 30 tầng, dân cũ được bố trí trong 10 tầng, nhà đầu tư có quyền kinh doanh 20 tầng còn lại. 8000 m2 đất còn lại là cho bãi đậu xe hơi, cây xanh, sân chơi, trường học, siêu thị…phục vụ cho cái chung cư đó. Nhà là để ở, không phải để kinh doanh. Mặt tiền không có ý nghĩa gì. Muốn mua sắm thì đi đến chỗ shopping chuyên biệt.
Các tiện ích chung cho các thành phố sẽ cách rất xa. Sân bay cách mấy chục cây, sân vận động, trường ĐH, đại siêu thị, shopping mall, khu dân cư…ra ngoại ô hết. Các cơ quan công quyền cũng vậy. Mở con đường lớn về đó. Kết nối với mọi phương tiện giao thông công cộng. Có việc, người ta tự tìm đến. Muốn ký giấy tờ, cơ quan cấp sổ đỏ giữa rừng người ta cũng đến được nữa.
Trung tâm thành phố: là các cao ốc thương mại, các trụ sở tập đoàn công ty, nhà hàng khách sạn, quán cà phê, công viên, quảng trường, phố đi bộ, cửa hàng tiện ích, viện bảo tàng,…
Không thành phố nào trên thế giới khuyến khích phương tiện cá nhân. Họ tập trung mọi nguồn lực xây hệ thống xe buýt nhanh BRT, xe điện (giống xe buýt nhưng dùng điện 1 chiều, trên xe có cái que tiếp điện), đường sắt nội đô gồm cả sky train, monorail và tàu điện ngầm.
Các con đường trục chính, họ cắt một khoảng không gian, ví dụ 1 lane bên phải hay bên trái hay ở giữa, rào lại, chỉ cho xe buýt và xe điện chạy. Xe ô tô cá nhân thì phải rất giàu, giá xe rẻ nhưng muốn lưu thông, phải trả rất nhiều khoản phí, riêng việc đậu xe khu trung tâm như Seoul, Singapore, Thượng Hải, Băng Cốc…bạn phải trả cỡ 3-5 đô la/h. Có tiền thì chơi, đó là quy luật của mọi thành phố. Tiền này để trợ giá cho phương tiện công cộng.
Muốn học tổ chức một thành phố, nên sang Singapore, Seoul. Muốn giảm phương tiện cá nhân và thúc đẩy kinh tế, Quảng Châu là ví dụ tốt nhất. Thành phố này từng là thánh đường xe máy với chục triệu chiếc, nhưng chính quyền đưa lộ trình cấm xe trong 15 năm từ 1990. 5 năm đầu, cấm 50 tuyến phố, muốn đến đó thì đi xe buýt, hoặc taxi, không có chọn lựa nào khác (Ví dụ xe buýt đến 10h đêm đến 6h sáng, giờ không có xe buýt thì cho xe máy chạy). 5 năm sau cấm tiếp 100 con phố nữa, cứ 100 con phố chính mỗi năm. Và 2005, xe máy chỉ được chạy ở ngoại thành Quảng Châu.
Lúc ban đầu, cả Quảng Châu phản đối. Bất tiện ai chịu. Chửi ngay. Nhưng tai nạn trên địa bàn đã giảm 100 lần vào năm 2006 đã khiến người dân có suy nghĩ khác. Năm 2015, khi báo đài phỏng vấn những người dẫn đầu trong phong trào phản đối sau 10 năm, xem họ đánh giá thế nào về chính sách cấm xe máy ở Quảng Châu, thì họ cười bảo “thì chúng tôi là dân thường mà, có biết chi mô, thấy cái ngắn ngắn trước thôi. Mấy anh làm gắt quá, ban đầu tụi này thấy khó, nhưng quen dần rồi thấy dễ chịu. Không còn mỗi tháng phải bệnh viện thăm thân nhân bị tai nạn hay đi đám tang như xưa nữa. Trong nhà cũng không có mấy cái bình xăng vốn là nhiên liệu dễ bắt lửa ngay trong phòng khách nữa”.
3. Như bây giờ, muốn đi sân bay Tân Sơn Nhất phải tính việc kẹt xe ở khu Lăng Cha Cả. Có bữa Tony phải xuống đi bộ từ đầu công viên Hoàng Văn Thụ, vào làm thủ tục xong xuôi, tài xế gọi điện nói em vẫn còn đang công viên. Mình vẫn mơ thành phố xây một con đường monorail trên cao từ chợ Bến Thành đến sân bay, dọc đường làm mấy trạm đón, chi phí xây monorail không quá đắt đỏ.
Buổi chiều đi đường Xô Viêt Nghệ Tĩnh để lên Bến xe miền đông, bạn tài xế nói em phải thắng (phanh) hàng trăm lần, cứ đi được khoảng 1 mét thì phanh 1 cái, đầu xe sát sạt vô xe hơi phía trước, lỡ chừa 5 tấc là xe máy len lỏi qua ngay, một chiếc len qua được là tiếp theo hàng chục chiếc khác.
Cứ một ngày, triệu triệu chiếc ống bô phà khói ra đường, đặc quánh. Những hôm trời mưa, bao nhiêu người tay cầm xe máy, mặt ướt sũng vì nước, kiên nhẫn nhích từng bước trên đường, trong khi xe buýt thì vắng hoe, chỉ có vài bạn ngồi trên đó vừa nghe nhạc vừa nhìn xuống dưới.
Một chiếc xe buýt 50-60 chỗ (kể cả ngồi lẫn đứng), thì giảm được 50-60 chiếc xe máy trên đường. Mấy chục người đó nếu xuống đường, mỗi người mỗi chiếc, mỗi khả năng lái khác nhau, sao bằng chỉ có 1 anh tài xế xe buýt với kỹ năng lái xe đã qua đào tạo.
4. Khi phỏng vấn, không ai cho biết là mình muốn đi xe buýt vì lội bộ mệt, ngồi chờ tuyến nôn không chịu được, cứ chủ động đi là hay hơn. Có bạn còn có nhà mặt tiền, trước là trạm xe buýt nhưng bạn nói chưa bao giờ biết trạm này có xe số mấy ghé, đi đâu.Thói quen phòng khách là gara để xe, ngồi lên đó phóng cái vèo ra đường, từ đường phóng cái vèo vào phòng khách. Nắng thì bịt áo mũ kín mít, mưa thì áo mưa xùng xình…
Nói đến mưa mới nhớ, mình từ bỏ xe máy vào năm 2003, trước đó chưa bao giờ biết Sài Gòn có tồn tại cái gọi là xe buýt. Trước đi xe đạp, sau nhờ bạn chở, rồi mua xe máy vi vu.
Năm 2003, có lần đi xe buýt với 1 đoàn khách Nhật từ Củ Chi về, tới khu đường Cộng Hoà thì thấy tai nạn xe máy, 2 bạn 1 nam 1 nữ còn rất trẻ, đẹp, mười tám đôi mươi. Cả hai đều bị cận, mắt kính văng ra giữa đường, hai bạn ngồi xuống đường mò mò tìm kính giữa phố đông nghẹt. Trời thì mưa tầm tã, nước mưa chan hòa với máu chảy đầy mặt, đầy áo, bệt vô tóc. Tony chợt nghĩ, sao cũng thanh niên đẹp đẽ vậy, mà ở Rangon, thủ đô Myanmar, thành phố nghèo hơn chúng ta cả chục lần, người ta ngồi trên xe buýt nhắn tin nói chuyện với bạn bè? Đơn giản là Rangon trong nội ô thành phố chỉ có xe buýt, xe taxi còn ô tô con rất ít.
Mấy ông Nhật trên xe nói sao tụi mày thích đi xe gắn máy đến vậy? Sao các nhà quản lý không đưa ra lộ trình cấm như Quảng Châu? Sài Gòn đã là một siêu đô thị của thế giới rồi. Mày biết không, kỹ sư phát minh ra xe máy nói đời ông ân hận nhất là phát minh ra cái này. Nó cơ động quá, thuận tiện quá, khiến người ta không muốn dứt bỏ. Và hàng năm, hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới vì tai nạn xe máy mà từ bỏ tính mạng của mình, coi như ông gián tiếp “giết người”.
Ở Bệnh viện như Chợ Rẫy, chỗ mổ chấn thương sọ não, gần như 100% là do tai nạn giao thông, nhiều bệnh nhân phải nằm chung giường hoặc ngoài hành lang do thiếu phòng. Nếu có xây 10 cái Chợ Rẫy nữa vẫn thiếu, vì ngày nào cũng có hàng chục ngàn xe máy đưa vô sử dụng cho các tỉnh thành phía nam.
Các công ty sản xuất xe máy vẫn hoan hỉ báo kết quả kinh doanh vượt bậc, đọc tin mà buồn ứa nước mắt (cùng với thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất kinh doanh xe máy không được khuyến khích ở mọi quốc gia).
4. Đừng liều mình nữa, các bạn trẻ.
Mình bị tai nạn xe máy đầu tiên lúc còn sinh viên, về quê mượn xe chị đi trên quốc lộ 1, trời nha nhem tối, một chiếc xe khách Bắc Nam thẳng đèn vào mặt loá mắt, chiếc citi đỏ bay ra giữa tim đường, mình bay vào lề, cùng lúc chiếc xe khách bắc nam trườn tới, cán lên chiếc Citi đỏ tan nát cả. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình bay ra tim đường còn xe máy bay vô trong lề? Chắc giờ đã thành đất ở 1 nghĩa trang nào đó.
Sau tai nạn cầu Thị Nghè, mình quyết định sống thông minh hơn. Cơ thể này là của mình, duy nhất, không thể xuề xòa được. Còn trẻ, ít tiền, đi xe buýt. Mua xe đạp chạy tới điểm nào đó có trạm, gửi xe, đi vô chỗ làm, nếu xa thì mua thêm chiếc xe đạp nữa, gửi trạm gần chỗ làm, mua cái ô (dù) nhỏ bỏ vào ba lô. Đi bộ nhiều cho người nó khoẻ. Sau này có tiền, đi xe hơi, chịu phí cao, nhưng làm có tiền bù lại. Không thể bị nằm dài đó khi tuổi đời còn trẻ, bắt cha mẹ anh em phải nuôi mình cuộc sống thực vật, ngây ngây dại dại vì chút tự do hỗn loạn của cái hình thức giao thông lạc hậu và nguy hiểm nhất thế giới này.
Cuộc sống là sự lựa chọn. Mình có quyền chọn cách sống sao cho tốt nhất. Nếu có một phương tiện khác trên cùng tuyến đường mà an toàn hơn xe máy, hãy chọn như buýt, Grabcar, Taxi, Uber….hoặc phối hợp các phương tiện lại.
Xe máy ơi, “đã đến lúc nói lên câu giã từ. Đường tình riêng, ai nấy đi”
Thông béo

Thân gửi: Các bạn trong CLB con dượng (Con dượng là các bạn 9x hào sảng, văn minh, nghĩa tình, ham lao động chân tay, ham giúp đỡ người khác. Tự mình nghĩ mình đủ “tiu chửng” là tự xét tuyển vô. Hết dễ thương, hết hào sảng văn minh thì tự rút. Hẻm có câu lạc bộ thiệt).
I. Một la mã: Về việc (v/v): Tính chính xác của các dữ liệu, các nhân vật trên TnBS
Nhiều bạn nói dượng ơi sao con xấu 1, mà dượng lên sóng cho con xấu 10 vậy. Thật ra, các nhân vật trên TnBS đều không có thật. Dượng gom tật xấu của 5-6 đứa lại thành một thằng A. Cứ một bài đăng lên, là nhận được vài cái email giận hờn trách móc. Tui đâu có ý nói cá nhân ai, nói làm gì, vì hằng hà sa số những cá nhân như vậy, nói đến Tết công-gô chưa hết. Nên dượng mới quy đồng mẫu số (vì dượng giỏi Toán mà), lấy thêm vài đứa giống giống vậy, kể luôn nghe cho nó dễ nhớ, dễ thấm vào mình.
Các nét đẹp nét hay cũng vậy. Cả chục nét đẹp dồn lại 1 đứa, rồi ca ngợi trên mây. Nên thấy ca ngợi mình quá đáng, thì cũng đừng có nở mũi to đùng. Mình chỉ có 1/10 như vậy thôi.
Thậm xưng nói quá…là phong cách của dượng, nên bạn nào ráng ngồi bắt nhặt bắt thưa tính logic trong bài, hay AI, Ở ĐÂU, dẫn chứng, minh họa, số liệu đâu, nguồn đâu, vẽ quy trình.… thì tự làm khổ mình ráng chịu. Việc cho mèo Tom vào tủ lạnh, rồi vào lò vi sóng rã đông trong phim mèo chuột, Tây nó chiếu cho thiếu nhi khắp thế giới coi, mà thiếu nhi nào bắt chước thì Holywood đâu có chịu trách nhiệm. Tại mình không đọc phần warning trước mỗi bộ phim thôi.
Trước khi vô page, đọc kỹ nội quy trên cái bảng. Làm gì ở đâu cũng coi nội quy của người ta, chấp nhận thì bước vô, không chấp nhận thì ỊT NOA (ignore) bỏ qua giùm.
Vì đã nói rõ trong nội quy rồi, mà còn không hiểu nữa thì chắc phải bổ sung DHA hay muối I ốt. Đứa nào có hệ số thông minh lèo tèo là dượng hẻm thương. Tuổi trẻ phải thông minh giỏi giang nói 1 hiểu 10. Thông minh lanh lợi khỏe mạnh tui mới hài lòng.
II. Hai la mã: Về việc (v/v) : Lý do không comment trên page TnBS
1. Các bạn trẻ dành thời gian làm bao nhiêu việc khác, hạc ngoại ngữ, tập thể dục thể thao, đọc sách, vui chơi, làm việc nhà, giúp đỡ người khác. Đừng có la cà online nhiều, không tốt. Làm việc thì chú tâm vào. Hạc hành thì chú tâm vào. Làm giàu cho mình đi, xuất sắc hóa cá nhân đi. Cố gắng thành người giỏi giang thông tuệ và khỏe mạnh. Coi như TnBS là 1 cuốn sách tiểu thuyết ba xu đi. Đọc giải trí thôi, đừng có viết vào đó.
2. Tui thấy trên mạng comment chủ yếu cãi qua cãi lại, nói Tèo đẹp hơn Tí, đứa khác cãi nói Tí đẹp hơn Tèo. Chi vậy. Chẳng ra đâu vào đâu, phí thời gian. Thấy quan điểm của dượng giống mình, share về page của mình để dành đọc dần hoặc cho friend list của mình đọc. Không thích bỏ qua. Mọi comment dượng đều kêu admin xóa hết, trừ tag ai đó vào đọc thì dượng để vài hôm. Sau cũng xóa luôn.
3. Chủ yếu comment là khen kiểu” ối dượng viết hay thế, viết xuất sắc thế. Rồi con yêu dượng. Dượng ơi con muốn chết vì dượng.” Kiểu vậy. Nghe riết thấy mệt. Dượng ớn mọi lời ca tụng. Vì sẽ ảnh hưởng đến thái độ của dượng, bệnh ngôi sao tái phát và dượng sẽ hết dễ thương.
4. Dượng cũng không muốn ồn ào nổi tiếng. Dượng chỉ là gã bán phân bé nhỏ ở dưới miệt Cần Thơ, gọi là biết viết vài dòng vài câu tiếng Việt có nghĩa khi nông nhàn hết vụ. Mấy đứa ca tụng quá, mấy người GATO (ghen ăn tức ở) chuyên nghiệp nó tìm xuống huyện Thốt Nốt, nó mò vô đại lý bán phân của dượng, nó quánh dượng tan nát răng môi trộn lẫn vào nhau thì tội dượng quá. Môi dượng bị sưng vù lên thì người ta lại tưởng dượng trề môi khinh bỉ nhơn loại.
Vậy nghen, thương dượng rùi dượng thương lại.
Happy belated Va-len-thai
Dượng Tony
NẶNG HAI VAI LÀ TỔ QUỐC

Khi nghe người ta nói “nếu Wall Street (Phố Wall) hắt hơi, cả thế giới bị cảm cúm”, nhiều bạn tưởng tượng phố Wall to lớn lắm, thực tế nó là một con đường bề ngang chỉ vài mét, chiều dài khoảng 1,1 km. Wall Street là nơi tọa lạc các định chế tài chính lớn nhất thế giới. Người làm việc ở Phố Wall là tinh hoa nhất trong tinh hoa của giới tài chính toàn cầu.
Mùa đông năm 2014, mình đến New York du lịch. Thông qua vài người bạn, mình có quen một vài tinh hoa Phố Wall, trong đó có Gidon – người Israel. Gidon trạc 30 tuổi, tốt nghiệp cử nhân toán ở Israel trước khi học thạc sĩ tài chính ở ĐH Columbia. Học xong, Gidon về nước làm cho quỹ đầu tư trước khi quay lại Mỹ phụ trách giao dịch cổ phiếu của một số công ty Israel trên các sàn chứng khoán New York. Gidon hôm đó được nghỉ phép, anh mời mình đến quán Manon Café, ngay đầu phố Wall huyền thoại.
1. Khởi nghiệp kiểu Israel
Mình lúc đó chưa đến Israel bao giờ, kiến thức về đất nước này chỉ thông qua sách báo, tivi (sau này thì có đến vài lần). Khi nghe Gidon xác nhận thông tin trong cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp, trong số 3.850 công ty mới ra đời được niêm yết trên sàn NASDAQ, có tới 1.884 công ty là của Israel, quốc gia có 7,1 triệu dân so với 7 tỉ dân toàn cầu, mình không biết nói gì hơn. Ở Israel, mọi sinh viên từ năm 2 là đã bắt buộc thành lập doanh nghiệp để thử nghiệm (trừ các ngành đặc thù như y khoa, sư phạm, …). Gidon bảo với người trẻ, ý tưởng và khả năng điều hành doanh nghiệp mới là cái khó chứ không phải vốn. Vì ở phố Wall hay bất cứ thị trường chứng khoán nào, tiền vẫn cứ đang nằm chờ để giải ngân vào các ý tưởng điên rồ nhất. Khi phát triển doanh nghiệp, các bạn trẻ người Israel lập tức mang dự án mình đến các quỹ đầu tư có văn phòng đặt tại Tel Aviv, trung tâm kinh tế của Israel, để “kén rể”. Các quỹ này đánh giá thấy “cô dâu” này “ngon ăn” sẽ giúp các bạn “mai mối” trên sàn chứng khoán New York, London, Tokyo, Hong Kong, Singapore, … Khi có một doanh nghiệp ăn nên làm ra hoặc khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, người Israel chia ra cả chục phần cho các cường quốc, nhưng sẽ không để nước nào chiếm cổ phần chi phối. Ví dụ, công ty A, người Israel vẫn giữ cổ phần 20%, 80% còn lại chia đều cho các tập đoàn tài chính, các nhà tài phiệt của Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Nga, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Úc, Nam Phi, Hàn Quốc, Singapore, … Một khi có quyền lợi ở đấy, các cường quốc sẽ bảo vệ Israel khỏi mối nguy hiểm của 22 nước Ả Rập bên cạnh, vốn rất giàu có nhờ vào dầu mỏ. Theo người Do Thái, không có bạn hay kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích mới là vĩnh viễn.
Lợi ích là cái khiến người ta sáng tạo và làm việc hết mình. Trong văn hóa Israel, ai càng cá tính, càng thông minh, càng sáng tạo, càng chăm chỉ càng giàu. Áp dụng cái này, chúng ta không phải lo lắng gì về kỷ luật lao động. Trong giờ làm ai lơ là chat chit hay mải mê Facebook thì thu nhập kém, thế thôi. Về già, một người sống phong lưu thư thái hay chật vật tiền nong đều được quyết định bởi thời tuổi trẻ của họ.
2. Họ chào đón thất bại
Gidon nói khoảng 99% các bạn trẻ Israel thất bại ở lần khởi nghiệp đầu tiên, nhưng thất bại là cơ hội để rút kinh nghiệm nên họ luôn chào đón thất bại (We welcome failure). Vì người ta chỉ có thể học tập nhiều nhất từ thất bại của chính bản thân mình, kinh nghiệm của người khác chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bạn không ngã một vài lần thì sẽ không biết chạy xe đạp, chưa uống vài ngụm nước trong bể bơi thì sẽ không biết bơi. Đọc nhiều, kiến thức rộng, nói hay…không có ý nghĩa nhiều. Làm giỏi, có thành tựu mới là thành đạt. Chưa ai đọc sách làm giàu, học ĐH về kinh tế hay học các khóa làm giàu, nghe người khác kể chuyện khởi nghiệp mà tự mở doanh nghiệp thành công được cả.
3. Quốc tế hóa để tìm an bình
Bài toán lợi ích luôn là một bài toán khó. Nhưng với những cái đầu Do Thái thông minh, họ luôn có cách giải xuất sắc nhất. Với những vùng đất, biển đảo tranh chấp, … họ đều quốc tế hóa, thành lập một pháp nhân để quản lý, khai thác, cổ phần chia đều cho các cường quốc, Israel vẫn giữ một tỉ lệ nhỏ dưới danh nghĩa chủ nhà. Gidon bảo các thế kỉ trước, người Anh, người Pháp, người Bồ, người Hà Lan, … đi chiếm thuộc địa, mục đích duy nhất là đem của cải về mẫu quốc, chứ họ không di dân đến sống ở đó, người Tây phương không sống ở xứ nóng. Mày xem đấy, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Nam Phi,…đều là xứ lạnh cả. Sát cạnh đó là Mexico, Trung Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông, Trung Phi, … là xứ nóng, họ chỉ đến để khai thác lợi ích kinh tế. Chính sách nước nào cũng đều khuyến khích người phương Tây đến mua nhà, vì thật sự muốn làm ăn hay sinh sống lâu dài thì người phương Tây mới tính chuyện đó, không có khái niệm đầu cơ nhà cửa như dân châu Á. Nếu người Thụy Sĩ có nhà ở thành phố Jerusalem thì đại sứ quán Thụy Sĩ ở đó sẽ bảo vệ công dân họ. Nếu các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Nestlé, … mở nhà máy ở Haifa thì thành phố đó sẽ yên bình. Một quốc gia đứng trước một mối nguy từ láng giềng to lớn thì tốt nhất là cho các tập đoàn G20 thành lập các khu công nghiệp, càng nhiều càng tốt.
Tiếng Anh bắt buộc học từ lớp 1, PHẢI LÀ NGÔN NGỮ THỨ 2 (the second language) (chứ đừng xem là 1 ngoại ngữ (a foreign language), cái này quốc hội đã thông qua. Ngoại ngữ thì tiếng Pháp, Đức, Ý, Trung, Nhật, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…Tạo cơ hội cho người dân giao lưu với người nước ngoài, người dân ai cũng có bạn bè quốc tế. Càng nhiều người nước ngoài đến du lịch hay làm ăn, tiếng nói chính nghĩa của mình sẽ được rộng khắp.
Là một quốc gia nhỏ bé và ít dân, lại luôn rình rập bởi các nước Ả Rập xung quanh, người Israel giữ nước bằng cách cho các nước lớn có lợi ích trong mọi lĩnh vực. Gidon bảo ví dụ hãng hàng không ABC Airlines, nếu người Israel sở hữu 100% thì doanh số chỉ có 1 tỉ đô. Nhưng tụi tao chia 10 phần ra. Cho các cường quốc nắm giữ 80% thì doanh số lên tới 20 tỉ đô, dù tụi tao có 20% thôi nhưng số tuyệt đối là 2 tỉ. Mua máy bay Airbus của châu Âu hay Boeing của Mỹ đều được ưu tiên. Lúc hoạt đông, máy bay bay qua không phận nước nào, nước đó bảo vệ khí thế vì đó là tài sản của họ.
Mình bảo nhưng công sức mình khởi nghiệp đã đời mà tự nhiên đem bán, tiếc lắm. Gidon vừa uống cà phê vừa cười sặc sụa. “Do mày ít sáng tạo, lâu lâu nghĩ ra ý tưởng được một chút thì ráng giữ. Người giỏi rất khác. Dù có bị ai đó triển khai mất, họ lại có ý tưởng khởi nghiệp mới. Nên dù cho cái start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) đó có lợi nhuận khủng, các bạn trẻ Israel (làm chủ cái start-up đó) vẫn bán cho nước ngoài. Thậm chí nếu nước ngoài mua hết thì bán luôn, các bạn sẽ dùng tiền đó thành lập một start-up khác”-Gidon nói.
4. Luôn có một nơi gọi là tổ quốc
Gidon nói tụi tao khởi nghiệp không chỉ vì bản thân và gia đình mình, mà còn vì tổ quốc. Chiến tranh liên miên ngàn năm, được miếng đất cắm dùi rồi, tụi tao phải ra sức xây dựng. Israel không có những thung lũng hoa hồng mọc tự nhiên, tụi tao sẽ đem hạt giống về trồng, chắn nắng, che mưa, che bom đạn, … để thành những thung lũng hoa hồng xanh mát. Quê hương sỏi đá, mày có thể lựa chọn, hoặc bỏ đi đến chỗ tốt tươi hơn, hoặc chung tay xây dựng nó. Sinh ra trong một gia đình nghèo thì mày có thể bỏ lên thành phố phồn hoa hoặc ở lại và cải tạo ngôi nhà đó thành nơi đáng sống. Tao có thể xin quốc tịch Mỹ, nhưng tao đã từ chối. Với người Israel, chỉ có một quê hương…
Gidon liếc nhìn đồng hồ rồi xin phép về trước. Mình đứng dậy siết chặt tay bạn, hẹn gặp lại tại Việt Nam. Bạn nói nếu nước mày muốn phát triển, hãy nhờ đến người Israel tư vấn. Hãy gửi thật nhiều bạn trẻ đến Israel học tập. Giáo dục, nông nghiệp, quân sự, y khoa, start-up về công nghệ là 5 lĩnh vực người Israel giữ vị trí số 1 thế giới hiện nay. Tụi tao đã đào tạo nhân lực trong 5 lĩnh vực trên cho Hàn Quốc, sau đó là Singapore và thứ 3 có thể là Việt Nam, quốc gia mà người Israel có thiện cảm đặc biệt. Nếu nhân dân hai nước giao lưu thân mật, đường bay trực tiếp được thiết lập, Việt Nam hoàn toàn có thể nối tiếp Israel trở thành một quốc gia khởi nghiệp mới.
Bạn về, mình vẫn còn ngồi lại. Ngoài cửa sổ quán cà phê Manon, đèn đường đã bật sáng, tuyết bắt đầu rơi dày. Nhìn dòng người đủ màu da, chủng tộc vừa tan sở, bước ra khỏi các tòa nhà cao ốc tài chính và vội vã đi trên phố, trong lòng họ nặng trĩu nhớ về một nơi gọi là Tổ quốc.
TnBS
Thông báo Dừng viết

Sau một thời gian viết lách mệt quá nên Tony xin thông báo với độc giả xa gần là Tony dừng viết. Viết ớn quá rồi, khi nào hết ớn thì viết lại.
Các bài viết đã được in thành sách Cà Phê cùng Tony và Trên Đường Băng, các bạn mua về đọc lại. Mỗi buổi sáng 1 bài, tối 1 bài, đừng đọc nhiều quá không ngấm hết. Ban ngày nên rời xa laptop/ipad/smartphone…ở mức nhiều nhất có thể được. Mình tự cảm nhận nội dung bài viết đó trên FB của mình. Bây giờ là thời điểm cho các bạn viết. Và hành động, thay đổi bản thân mình sao cho tốt đẹp hơn. Không đắm chìm trong laptop, trong ipad, trong facebook từ sáng đến tối nữa, dù lý do tốt đẹp nào đi nữa cũng không nên vì đó chỉ là thế giới ảo. Chúng ta cần sống trong đời thật.
Lưu ý với các bạn là ở phần đầu sách cũng như trên nội quy fanpage này có ghi rõ. Mọi thông tin trên các bài viết, trong sách đều là hư cấu tưởng tượng. Các nhân vật A,B, C, Y, Z…đều là các nhân vật văn học, không có trong đời thường. Mọi cá nhân nói rằng mình quen biết với Tony Buổi Sáng đều là không thật. Có nhiều admin nên người mà các bạn biết, hoặc gặp, hoặc nghe nói ai đó quen…chỉ là 1 trong số các admin viết nên trang này mà thôi.
Đại nhân thì để ý đại cục. Đọc tác phẩm và nắm đại ý, thấy hay thì nghe theo, không thấy phù hợp thì thôi. Tiểu nhân thì suy nghĩ tiểu nông. Hành vi ra bên ngoài gọi là tiểu xảo. Đọc cái gì, chơi với ai, đánh giá mọi vấn đề chỉ xoay quanh mấy cái râu ria tiểu tiết. Làm cái gì cũng nhỏ nhỏ, không dám làm lớn, ước mơ lớn, buôn bán cũng chỉ tiểu thương, cây xăng cục gạch nhà mặt tiền.
Nói chung trừ 2 cái tiểu bắt buộc (tiểu tiện và tiểu học), mấy cái tiểu khác chúng ta nên vứt bỏ để trở nên phóng khoáng hơn. Tiểu nhân thì đời nhỏ, tiếc lắm các bạn.
Các bạn nên đọc những tác phẩm mà Tony đã khuyến cáo. Đọc sách, làm lao động chân tay, tập thể dục thể thao, làm việc, làm từ thiện, giúp đỡ người khác, suy nghĩ tích cực văn minh, luôn hướng đến thành tựu. Và phải suy nghĩ thật nhiều để tạo ra nhận thức trưởng thành. “Công thành thì thân thoái”, các bạn cũng đừng ngạc nhiên quá mần chi. Tony sẽ trở lại các bạn rất sớm (sau ít phút quảng cáo kiểu trên tivi kkk).
Chào thân mến tất cả. Tạm biệt!
TnBS
Một ngày không laptop và internet

Một bạn con dượng đã hì hục đóng cái kệ sách cho riêng mình từ những miếng gỗ pallet vứt ngoài đường. Bạn mua giấy nhám về chà, đinh, ốc vít….về đóng làm cái tủ sách của riêng bạn. Lần đầu tiên làm mộc, bạn mày mò mãi nhưng cuối cùng cũng có thành quả.
Một ngày, bạn quyết tâm tắt điện thoại, laptop 1h để đọc sách.
Đàn ông con trai phải như vậy, các bạn gái phải lựa đứa biết làm như thế này để kết bạn, thành thân. Thể loại bủng beo, cái gì cũng không động chân tay vô làm thì tránh thât xa.
Một ngày không laptop và internet các bạn nhé (sau khi đọc stt này).
Một bạn con dượng đã hì hục đóng cái kệ sách cho riêng mình từ những miếng gỗ pallet vứt ngoài đường. Bạn mua giấy nhám về chà, đinh, ốc vít….về đóng làm cái tủ sách của riêng bạn. Lần đầu tiên làm mộc, bạn mày mò mãi nhưng cuối cùng cũng có thành quả.
Một ngày, bạn quyết tâm tắt điện thoại, laptop 1h để đọc sách.
Đàn ông con trai phải như vậy, các bạn gái phải lựa đứa biết làm như thế này để kết bạn, thành thân. Thể loại bủng beo, cái gì cũng không động chân tay vô làm thì tránh thât xa.
Một ngày không laptop và internet các bạn nhé (sau khi đọc stt này).
Em muốn sang trang, em muốn xuống dòng

Tình cờ đọc được câu này của anh James
“Thế giới là một cuốn sách.
Người không đi đâu thì chỉ đọc có 1 trang” bèn suy luận:
1. Thế giới có hơn 200 quốc gia, tức cuốn sách đó có hơn 200 trang
5 châu lục, tức 5 chương.
Đọc chương 1 trước, chương châu Á. Lật giùm các trang kế bên như Lào, Cambodia, Myanmar, Trung Quốc, Philippines… Rồi tới chương châu Âu, châu Mỹ….
Lẽ nào từ bé đến giờ có 1 trang đọc miết? Hay cả năm nay cứ dừng lại ở 1 trang?
2. Nước mình 63 tỉnh, tức 63 dòng. Mình đã đọc được mấy dòng?
Đi nhiều đầu óc mới phóng khoáng, tư tưởng mới thoáng đạt, về làm việc hay học tập mới có năng suất được. Đi phải quan sát, hoà mình văn hoá bản địa…chứ không phải đi xem và chụp hình, hoặc nhu cầu khoe trên FB. Mình âm thầm đi, không ồn ào làm gì.
Lao động cật lực hết quỹ thời gian còn trống của mình. Đừng để bất cứ khoảng thời gian chết nào trong tuần cả (trừ 1 ngày chủ nhật nghỉ ngơi).
Nhưng lưu ý đi chơi phải từ tiền mình làm ra. Phải thấy xấu hổ nhục nhã khi cầm tiền của người khác cho (kể cả từ cha mẹ) mới thành công dân toàn cầu được.
Cứ có tiền là mình đi. Tích luỹ làm gì với mấy chục triệu, mấy trăm triệu con con ấy. Đầu óc mình lớn, sẽ làm bạc tỷ tỷ về sau. Đợi đủ mới đi, thì không bao giờ vì “đủ” là khái niệm không có thật.
=>Tự hỏi mình: Trang sách 63 dòng ấy? Cuốn sách hơn 200 trang ấy, bạn đã đọc được mấy dòng mấy trang?
A. 1 dòng 1 trang
B. 2 dòng 1 trang
C….
D…
E….
P/S: Giờ rủ nhau đi du lịch trong nước thì nói “xuống dòng với tao hem”, còn rủ đi nước ngoài, giả bộ nói “sang trang khác với tao hem” cho nó dễ thương nhé. Hay từ trang 1 mình mở luôn chương 4 trang 79 dòng 15, châu Đại Dương, Úc, Sydney.
Lên đại sứ quán Úc làm visa đi chơi liền. Hỏi lý do đi Úc, mình học thuộc câu của James rồi nói “em đi đọc sách”. Học thuộc câu của James rồi đọc rào rào cho nó sợ.
Các bạn đừng comment nhé. Hiện có nhiều trang bán hàng online nhập sách giả và bán tràn lan, nên NXB lưu ý các bạn mua sách đúng ở đây nhé: https://bit.ly/2WZyM2N
Dễ thương để kiếm tiền nhiều

(các bạn làm ngành du lịch nên đọc)
Có lần Tony đi cùng với một đoàn du lịch nọ, có ông giám đốc công ty du lịch đó theo, vì là tour mới, ổng đi khảo sát. Cứ thấy trái ý là ổng mắng sa sả đứa hướng dẫn và cô trưởng đoàn, mặt mũi lúc nào cũng chằm dằm, cau có làm chuyến đi của Tony không thú vị gì cả. Cứ sáng vừa lên xe là ổng chửi hướng dẫn, 1-2 còn bỏ qua. Tới lần thứ 3 ổng lại cầm micro mắng nhân viên trên xe nữa, Tony tức quá nên mới lên mượn micro nói chú ơi, đây chú đi với tư cách là khách du lịch thì phải ứng xử phù hợp. Chú không enjoy thì để người khác enjoy chứ, mới sáng sớm mà đã vậy rồi, cháu không đồng ý với thái độ này, người làm du lịch phải vui vẻ dễ thương, mặt mũi phải dễ coi, tính tình phải hào sảng phóng khoáng. Cái ổng im lặng không nói gì. Tony thấy ai không dễ thương là xin phép góp ý ngay. Hôm trước lên máy bay cũng có 1 cô tiếp viên cau có nhăn nhó, Tony mới nói xin lỗi xong, hỏi bạn ơi mình có chút xíu góp ý được không. Cổ nói dạ được, cái mình nói “theo mình thì bạn nên dễ thương hơn. Bạn có gương mặt rất đẹp, chỉ cần tính tính vui vẻ xởi lởi thì sẽ có duyên hơn. Với phụ nữ, cái duyên nó quan trọng hơn cả nhan sắc”. Cái cổ tái mặt, nói cám ơn và từ đó, thái độ phục vụ thay đổi hẳn. Nói để biết, làm dịch vụ, tính tính mình phải vô cùng dễ thương mới kiếm tiền được.
Hiện nay nước ta nhận khoảng 7 triệu du khách quốc tế/năm, chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, Malaysia, Singapore…Du lịch inbound là một mỏ vàng cho chúng ta vì tên gọi Việt Nam rất nổi tiếng, VN và Mỹ là 2 nhân vật xuất hiện dày đặc trên truyền hình/báo chí trong suốt thập niên 60-70 khi chiến tranh chưa kết thúc. Các bạn coi phim Mỹ sẽ thấy nhắc đến Việt Nam rất nhiều, và người đặc biệt Mourinho thì luôn nhắc đến Việt Nam.
Hôm trước, cả thế giới sửng sốt với chương trình Good Morning America với cảnh quay trực tiếp từ hang Sơn Đòong, hang động lớn nhất thế giới ở Quảng Bình. Và lập tức, tên hang này xuất hiện trên từ khóa tìm kiếm google như là một hiện tượng, từ việc search hang Sơn Đòong, các thông tin khác về du lịch Việt Nam cũng được hiện ra trên màn hình, và rất nhiều người quyết định đến VN cho chuyến du lịch hàng năm của họ. Do tour tham quan hang này rất đắt và đã đặt kín chỗ đến mấy năm sau, nên khách chuyển hướng đi coi Phong Nha, Hạ Long, Bạch Mã…và các nơi khác.
Các công ty du lịch nên “swim with the tide”, tức nhân cơ hội này mà nhận thêm khách. Các fanpage bằng tiếng Anh kiểu “visit Vietnam”, Ha Long Bay, Hue, Nha Trang….nên được thành lập, với đội ngũ tiếng Anh hùng hậu, biên tập thâu đêm suốt sáng các tư liệu này cũng như du lịch VN, cập nhật, chạy facebook ad, google ad (quảng cáo) trên mọi FB của mấy thằng Tây. Ví dụ như mình làm fanpage “Visit Tony Morning’s hometown” chẳng hạn, thì về Cần Thơ chụp hình phong cảnh, update thông tin tour, khách sạn, giá vé, đời sống văn hoa địa phương…rồi chạy facebook ad qua các công ty digital marketing, nói đối tượng là khách Canada, mình muốn nhận khách nước này. Công ty Quảng cáo online này sẽ giúp mình, cứ 5 phút 1 lần, trang Visit Tony Morning ‘s hometown sẽ hiện lên FB của người Canada ở Canada. Họ bấm like rồi đọc, rồi đặt tour với mình.
Đừng có giảm giá tour, Tây đẳng cấp nó không thích đâu, đừng cạnh tranh về giá mà hạ chất lượng xuống. Nên giữ giá cao, nhưng phục vụ nhiệt tình. Tây thích giá rẻ thì nó tự đi rồi, không mua tour đâu, đừng có phé gié (giọng Bình Định ý nói phá giá), cũng đừng có phóa gióa (giọng Quảng Ngãi).
Các quản lý công ty du lịch nên tập huấn anh em để chộp lấy cơ hội này, rèn ngoại ngữ, lòng tự hào dân tộc, nụ cười, ánh mắt, dáng đi…sao cho lấy tiền Tây đợt này cho được nhé. Chậm phút giây nào mất cơ hội ráng chịu.
Cách đây mấy tháng, Tony có đi Hồng Công công tác. Ở đó có những văn phòng sáng đèn ban đêm của các công ty du lịch Trung Quốc sang thuê. Tony ở lại coi thử nó làm cái gì. Thấy một văn phòng khoảng chục bạn, toàn dân đại lục, tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ hay du lịch gì đó, trẻ măng, lanh lợi ghê lắm. Tony vô hỏi thì thấy các bạn đang quảng bá các fanpage, các website du lịch của Trung Quốc trên google, youtube, facebook. Do ở Trung Quốc, việc truy cập 3 mạng này hầu như không được, trong khi Tây thì sử dụng phổ biến, nên họ sang Hồng Công để quảng cáo. Thấy họ chạy website và fanpage tiếng Ả Rập, tiếng Bồ, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Đức….đủ cả. Người Ả Rập vừa search google “honeymoon trip” là ra cả chục trang chào mời đi Trung Quốc. Hoặc facebook của người Đức cứ hiện lên new feeds của họ thông tin về du lịch Trung Quốc bằng tiếng Đức, cái họ tò mò bấm vô coi, rồi mê mẩn bấm nút đặt tour luôn. Thấy cứ tích tắc mấy giây là một email gửi đến đặt khách, họ xử lý xác nhận với khách. Sáng hôm sau, ở Thượng Hải Bắc Kinh là hàng trăm email từ Hồng Công gửi đến, soạn thảo HĐ, lên kế hoạch đón khách.
Du lịch là mỏ vàng cho chúng ta, cần nhiều nhân tài vô hoạt động. Cần được đào tạo, các bạn trẻ đam mê phục vụ người khác nên theo học ở các trường cao đẳng du lịch các tỉnh. Điều kiện là phải ngon lành tướng tá, ví dụ làm hướng dẫn viên du lịch mà lùn quá, thì coi chừng nó mắng công ty du lịch sử dụng lao động trẻ em. Hoặc sức khoẻ không có, thở hồng hộc thì leo núi và phục vụ cho khách cái nỗi gì, lo bản thân không xong. Hoặc tính tình quen thói chiều chuộng, lúc nào cũng cáu gắt, cái gì cũng không ăn, trái ý là khó chịu….thì thôi, ở nhà cho cha mẹ chiều, đừng ra đường, du khách về nó gửi thư complaint mệt lắm…
Đời không đẹp như mơ

“Con là sinh viên năm cuối 1 ĐH ngành kỹ thuật ở Hà Nội. Nhờ chăm chỉ đọc các bài viết của Dượng mỗi sáng trong 2 năm qua mà bây giờ con thấy mình sống văn minh và đẳng cấp nhiều hơn ngày xưa, con luôn mỉm cười trước khi ngủ vì một ngày trôi qua đầy ý nghĩa.
Trước khi chưa đọc những bài của Dượng, con cũng là con ngoan, trò giỏi. Con chăm chỉ học hành, kì nào cũng đứng nhất lớp. Nhưng bây giờ, con đã thay đổi tư duy. Có đứng đầu lớp đi nữa thì cũng chỉ là đứng đầu 100 bạn, tập hợp này quá bé so với 7 tỷ người ngoài kia. Con chỉ tốt hơn con ngày hôm qua thật nhiều, tiến bộ mình tự nhận thấy rõ, là được.
Con bắt đầu đi tình nguyện, tổ chức các chương trình thiện nguyện lên các bản vùng cao, đi đến những nơi có người nghèo, để sống cùng và giúp họ. Con biết nghĩ cho người khác nhiều hơn Dượng ạ, bây giờ con không muốn chỉ dành thời gian cho những thú vui của bản thân nữa. Những giây phút làm mình sung sướng trước đây như nhu cầu ăn ngủ x,y…chỉ khiến mình sướng có vài giây, trong khi giúp đỡ người khác khiến mình cứ vui miết, sướng miết…
Con cũng không suốt ngày nghĩ đến việc làm giàu như hồi trước nữa, mà rèn luyện chuyên môn, rèn thể lực (con học võ và vẫn sinh hoạt đều đặn ở võ đường). Con muốn mình giỏi tiếng Anh, Nhật vì là dân kỹ thuật, tiếng Anh-Nhật là 2 công cụ để con có thể tiếp cận 2 nền sản xuất hàng đầu thế giới.
Con còn mở 1 trung tâm với mô hình các bạn năm cuối dạy lại cho các bạn sinh viên năm 2, 3 trường con. Rồi con xin cho các bạn đi thực tập, quan sát thực tế rồi về hướng dẫn lại các bạn khác. Bây giờ nhóm bọn con đã có 20 người, ai cũng giỏi chuyên môn và đang học tập ngoại ngữ điên cuồng dượng ạ (con đang học tiếng Nhật, và đi dạy tiếng Anh cho các bạn khác). Các môn bọn con dạy là Tiếng Anh, tiếng Nhật, Dự Toán công Trình, Bóc Tách khối lượng, Autocad (toàn là các kĩ năng phục vụ cho kĩ sư). Nhóm con bây giờ đứa nào cũng lưu loát 2 sinh ngữ, cao ráo khỏe khoắn, gương mặt ai cũng hào sảng tự tin, luôn miệng nói cám ơn xin lỗi, luôn nhường nhịn và giúp đỡ người khác, giúp xong là quay đi ngay không đợi người ta cám ơn. Cho và lập tức quên. Nhận thì nhớ miết, cám ơn và báo đáp lại cho bằng được.
Con sắp sang Nhật làm việc do trúng tuyển vào 1 công ty xây dựng ở Hokkaido, nhưng trước khi đi, con rất muốn được gặp Dượng. Con vẫn nằm mơ thấy dượng là một ông già quắc thước, tóc bạc trắng phơ phơ trong bộ áo bà ba Nam Bộ nước mình. Dượng đang ngồi trên ghế mây đọc sách thánh hiền, ngoài vườn thì xanh mướt cỏ cây và líu lo chim hót.
Con viết hơi dài, con chúc Dượng có 1 ngày thú vị ạ!”
Dượng: Đọc xong thư con, dượng bèn đi ra nhà may làm liền mấy chiếc áo bà ba. Rồi dượng sẽ không hớt đầu đinh nữa mà sẽ để tóc dài và búi lên thật cao. Dượng sẽ không mua ghế mây vì bị thoát vị đĩa đệm mà, ngồi ghế mây sao được. Thay vào đó dượng sẽ mua tấm ván (tấm phản) gỗ mun. Cứ sáng sáng dượng tới cái ván ngồi xuống, 2 bàn chân vỗ vào nhau cho rớt bớt đất cát, rồi ngồi xếp bằng, ăn na ăn mãng cầu nhả hột đầy nhà, la mắng mấy gia nhân đang lui cui dọn dẹp…
Đừng có mơ dượng giống ông hiền triết nào đó bên Tàu. Hồi đó dượng học bên Tây, mấy thầy đặt tên Tony cho dễ gọi chứ bản chất vẫn là nông dân miệt vườn rặt. Miền vườn nhưng sính ngoại lắm, chỉ dùng cái gì có chữ Tây trong đó như khoai tây, gà tây, hành tây (trên mặc áo bà ba chứ ở dưới cũng diện quần tây), uống rượu Tây, thậm chí cái gì không thể Tây được thì phải có yếu tố nước ngoài như dừa xiêm, lê-ki-ma, kiwi…Đứa nào đem ổi đem mít tới là dượng đuổi đi liền. Cà phê phải là Starbucks, Davidoff, RedCup… mới uống. Nhà cấp 4 xập xệ chứ cũng phải gọi là villa de Tony. Đến con Lu cũng biết nói tiếng ngoại quốc. Khách tới nhà là nó kêu go go go…
Chuyện lúc 21h45 phút

Ghé tầng 16 trong một toà cao ốc ở quận 1 có việc, thấy có 3 công ty giờ này còn sáng đèn. Cả 3 đểu là công ty Singapore.
Đứng đợi thang máy, có một cậu nhân viên người Sing cũng đang đứng đợi, Tony bèn hỏi sao tụi mày làm việc kinh thế, tiền bạc đâu có mua được hạnh phúc, theo cách nói an ủi của mình xưa nay khi thấy ai ham làm. Cái nó cười nói “nhưng tiền thì mua được điều kiện để có hạnh phúc, còn hạnh phúc hay không thì tuỳ mày cảm nhận. Với tụi tao, tiền mua được các gói chăm sóc y tế tốt nhất, các chương trình giáo dục tiên tiến nhất, đi được nhiều nơi trên trái đất nhất, ăn những gì ngon nhất, mặc những gì đẹp nhất, giúp đỡ những nước nghèo nhiều nhất…và về già thì không phải lo nghĩ gì về mưu sinh nữa”.
Tony bước ra ngoài toà nhà mà cảm thấy thẩu thẩng quay thung (nhức đầu đau bụng) vì nó nói tiếng Anh cứ lơ lớ tiếng Hoa. Có mấy phút đứng đợi thang máy mà bị nó “thuốc” nên giờ quay lại công ty làm nốt cái báo cáo thị trường mà chiều nay bỏ dở đi nhậu.
P/S: Người Singapore chỉ có 5.5 triệu người, nhưng đã làm ra của cải có giá trị tới 300 tỷ đô la trên cái đảo nhỏ xíu so với hơn 100 triệu người Philippines chỉ tạo được 200 tỷ đô cho đất nước họ (tổng tài sản quốc dân GDP). Điều kiện quốc đảo, được phương tây hỗ trợ mọi mặt, tiếng Anh thành thạo lưu loát như nhau…nhưng một bên nghĩ lớn, làm chủ, làm việc điên cuồng, chỉ nghĩ đến công việc và đầu tư; còn một bên nghĩ nhỏ, ưa đi làm thuê, an phận thủ thường, ăn uống hát hò suốt trên truyền hình, quán bar. Và kết quả những người già Singapore, Hàn, Nhật, Đài, Trung, châu Âu…tới tuổi hưu thì lập hội nhóm để cùng nhau đi du lịch, phong lưu sung sướng. Còn những người già Ấn, Phi, Indo, và các nước khác thì hem thấy…
Tuổi trẻ không biết làm nhiều, không nghĩ lớn để làm lớn thì tuổi già sẽ khổ, chứ trách ai bây giờ.
Như vậy, chìa khoá mấu chốt của mỗi cá nhân thành đạt, mỗi gia đình sung túc, mỗi xã hội phồn vinh chính là mỗi cá nhân làm việc hết sức mình, làm thêm, nghĩ lớn.
Hôm nay, bạn sẽ dành mấy tiếng đồng hồ cho công việc?
Chứng chỉ nghề

Ngày xưa, lúc vừa ra trường, trong thời gian đi làm việc ở tập đoàn Nhật, Tony có tranh thủ đi học rất nhiều chứng chỉ nghề (học vào cuối tuần, thậm chí lấy hết phép năm để đi học). Vì yêu thích ngành ăn uống nên Tony có tham dự 2 khóa, một đào tạo Barista (nhân viên pha chế cà phê), và đào tạo phụ bếp Âu. Với chứng chỉ này và tiếng Anh tốt, mình có thể đi làm thêm ở bất cứ thành phố lớn nào. Chỉ cần có 1 trường nào đó cho mình 1/2 học phí là tự tin lên đường. Nhưng sau đó thì phải khởi nghiệp nên giấc mơ du học đành gác lại mãi đến 2008 mới thực hiện.
Tuy nhiên, có 3 bạn trong nhà trọ cũng bắt chước Tony đi học nghề, sau đó đi du học với số tiền tích lũy vài chục triệu sau 2 năm đi làm (đủ để học phí 1 kỳ, qua đó xin làm thêm). Cả 3 đều đã trở về nước sau khi có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và 1 bạn khởi nghiệp với doanh nghiệp cơ khí, 2 bạn đi dạy trong trường ĐH. Họ lâu lâu vẫn cám ơn Tony với quyết định học nghề ngày xưa.
Các trường nghề nên mở lớp dạy pha chế cà phê/nấu ăn vào buổi trưa cho nhân viên công sở. Và thêm vài lớp cuối tuần hay buổi tối nữa.
Phải có một cái nghề, chứ quản trị kinh doanh thì khó xin việc lắm (trừ một số ít có tố chất đặc biệt). Mới 18 tuổi biết gì mà quản người khác, trị người khác. Bản thân mình chưa quản chưa trị được nữa là. Còn ngửa tay xin tiền cha mẹ mà ở đó tư vấn tư duy chiến lược, sắp xếp nguồn nhân lực, phong cách lãnh đạo, tầm nhìn, giá trị cốt trị lõi, lưu vốn lưu kim,…Học không hiểu gì cả đâu. Quản trị kinh doanh chỉ hiểu được khi có kinh nghiệm, nên MBA nước ngoài nó bắt phải 2 năm đi làm là vì vậy, và nhận tốt nghiệp bất cứ ngành nào, chỉ cần bổ sung vài môn. Trở thành nhà kỹ trị là điều tuyệt vời nhất (tức 18 tuổi học kỹ thuật, học những cái gì khó), 22-23 tuổi học quản lý. Hiếm ai tốt nghiệp quản trị kinh doanh xong đi học kỹ sư được.
Nên có một cái nghề trong tay, càng kỹ thuật càng tốt. Lỡ học cái quản trị kinh doanh mơ hồ thì phải đi học thêm 1 cái nghề nào đó để có thể tự sinh sống được, để bớt lý thuyết và ảo tưởng.
Bạn bè mình chỉ học để trở thành CEO chỉ tay 5 ngón cho sướng thì mình cứ đi học thêm nghề pha cà phê, lăn lộn làm thêm. Rồi chục năm nữa, các ứng viên CEO đó sẽ đến chuỗi cà phê do mình làm chủ nộp hồ sơ xin việc. Mình có việc thì cho, không thì mời họ ly cà phê chứ cũng tội nghiệp.
Tủ sách, tủ rượu và tủ lạnh

Năm ngoái có một bạn mua cuốn sách Cà Phê cùng Tony về, ngồi đánh máy lại mất mấy ngày, làm ebook rao bán. Bán mãi không được, hoá ra các bài đều có trên fb, bạn tưởng như sách khác. Bạn gửi mail cho Tony, mail đầu nói sao anh ngu thế, đăng hết lên mạng thì in sách ai mua? Mấy ngày sau, nhận thức thay đổi, lại gửi mail xin lỗi nói em đọc xong, thấy xấu hổ quá, từ nay xin chừa, thôi không khôn nữa.
Hôm đứng trong cửa hàng photocopy trước cổng trường 1 ĐH lớn, Tony thấy các bạn nói nhau “một đứa mua sách của thầy thôi, đem ra photocopy cho cả nhóm, tiết kiệm cả 8 nghìn đồng/cuốn”. Tony nhìn thấy thấy chữ nhoè nhoẹt nhưng mặc kệ, lãi 8000 đồng tức 40 cents vẫn làm. Nhiều thầy cô xuất bản giáo trình, phải in 1000 cuốn mức tối thiểu của Nxb nhưng chỉ bán được có vài ba cuốn gọi là, vì có một số sinh viên mang tiếng là đại học nhưng luôn có ý nghĩ “ngu gì mua sách bản quyền”, bất chấp tình cảm và đạo đức. Rồi lại thấy một số bạn vô photocopy thành những tờ be bé nhằm quay bài, trí tuệ mắt mũi chân tay huy động để đối phó với giám thị. Năng lực không có nên mọi giá phải có tấm bằng để có thể sinh sống được. Nhìn gương mặt cả chục đứa khôn quắt queo trên con đường trở thành trí thức, thấy ớn quá chừng.
Các bạn trẻ tập thói quen hào sảng bằng cách mua sách giấy có bản quyền, không “khôn vặt tiểu nông”, tìm cách bẻ khoá lấy ebook ra đọc. Cái gì miễn phí là bu lại, giành giật thì mình tránh xa. Họ không khả năng kiếm tiền mới bu vô chỗ miễn phí ấy. Mình muốn sở hữu cái gì thì bỏ tiền ra, của cho là của nợ. Có năng lực là tự làm. Tự học. Tự lập. Tự kiến lập sự nghiệp và nhân cách.
Đừng lấy không của người khác, trừ khi mình là thiếu nhi, người già, người tàn tật, được phép. Tư tưởng “yêu thích miễn phí, nếu không miễn phí thì âm thầm ăn cắp” làm mình nhỏ bé tiểu nông mãi. Mình mua bản gốc như là một cách tri ân trí tuệ công sức của tác giả. Không photo giáo trình nữa, công thầy cô biên soạn, công nhà in và đơn vị phát hành. Mua sách giấy còn để lưu trữ mai sau, tạo thành tủ sách của gia đình. Con cái lớn lên, qua nhà bạn bè chơi, về hỏi ủa sao ba mẹ cũng biết chữ không đọc sách? Sao nhà mình không có tủ sách mà chỉ có tủ quần áo, tủ rượu và tủ lạnh? Sao nhà mình chỉ có phòng ăn, phòng ngủ, phòng tắm mà không có phòng đọc sách? Sao nhà mình mọi hoạt động cứ xoay quanh các nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ rồi tắm?
Dù ở phòng trọ, cũng tự tạo 1 góc văn hoá đọc cho chính mình.
Hãy tạo một ngôi nhà đúng nghĩa. With a home library, một thư viện gia đình.
P/S:.Bạn có bắt tay vào làm ngay hay cũng “bữa nào sẽ làm” rồi quên mất như hàng trăm dự định mãi mãi là dang dở?
Hôm nay mẹ lên nương

Các bạn trẻ Hà Nội hoặc Thái Nguyên từ nay có một sự lựa chọn mới trong di chuyển giữa hai thành phố, đó là tàu hoả.
Đường sắt Việt Nam vừa mở 2 chuyến tàu khách nối giữa hai thành phố, có chuyến sáng sớm và chuyến chiều. Bạn có thể đi từ ga Long Biên lúc 8h15 sáng để đến Thái Nguyên chơi, sáng hôm sau về lại chuyến QT2 có mặt lại ở Hà Nội lúc 7h45 để đi làm. Hoặc thong thả hơn thì về chuyến QT4 lúc 2h chiều. Chỉ gần 2h là chúng ta xong cuộc hành trình. Cha mẹ ở Hà Nội hay Thái Nguyên có con nhỏ cũng nên dắt chúng nó đi để có trải nghiệm xe lửa. Đó sẽ là những kỷ niệm không thể quên trong ký ức bọn trẻ.
Thái Nguyên là thành phố trung du Bắc Bộ, từng là 3 thành phố lớn của miền Bắc được người Pháp quy hoạch từ rất sớm. Chỉ cách Hà Nội 80km nhưng cảnh sắc ở đây hoàn toàn khác. Qua cửa sổ tàu hoả, chúng ta sẽ nhìn thấy những đồi chè xanh ngắt, những cánh đồng và những ngôi làng trung du điển hình. Hình ảnh những em bé đi học dưới những cây cọ y chang sách tập đọc lớp 2 vẽ hồi xưa, minh hoạ cho bài thơ Đi Học
“Hôm nay mẹ lên nương
một mình em tới lớp
chim đùa reo trong lá
cá dưới khe thì thầm
……
hương rừng thơm đồi vắng
nước suối trong thầm thì
cọ xoè ô che nắng
râm mát đường em đi…”
Bạn không cần tưởng tượng nữa. Hãy gõ vetau.com.vn, chọn ga đi, ga đến và lên đường. Tuổi trẻ cần đi nhiều, đi nhiều ở mức bạn có thể đi. Đừng đi xe máy nguy hiểm, hãy đi tàu để tự enjoy khung cảnh qua ô cửa sổ, với lý cà phê mát lạnh trên tay, bạn sẽ thấy không thể có sự thú, vị hơn thế. Mình mạnh dạn tạo cuộc đời thú và vị. Cũng có mấy đứa chẳng đi đâu, cứ quanh quẩn ở nhà, chơi mấy trò rất thú và rất dị.
Bạn bè rủ không đi thì đi một mình. Đi một mình có cái thú vị riêng là sẽ dành thời gian cho mình, sẽ nhìn phong cảnh nhiều hơn là nói chuyện với bạn bè. Nhiều nhóm đi chơi chứ chủ yếu thời gian là trò chuyện, đánh bài, chụp hình….sẽ không có thời gian lắng với thiên nhiên. Chưa kể là mình thích cái góc đó, cái chỗ đó nhưng tụi bạn thì không, nên mình không thể dừng lại enjoy cho đã mắt được. Tuy nhiên, có bầu bạn bên cạnh thì vẫn vui hơn. Mình có thể tự tìm bạn, làm quen với người lạ trên cung đường mình đi.
Giả bộ hôm nay mẹ lên nương đi, tự mình đi học xem sao.
Thái Nguyên vẫy gọi…
Tỏi

Cách đuổi kiến, rắn lục đuôi đỏ, ốc sên, các côn trùng ra khỏi nhà
Có nhiều bạn khởi nghiệp làm nông nghiệp và các bạn nói rất đau đầu vì kiến cứ tha hết hạt giống của các bạn đang gieo, mà trị gì cũng không hết. Thêm ốc sên nữa. Hai đối tượng này khó trị lắm nhé các bạn, các bạn phun thuốc hóa học không hiệu quả đâu.
Tony thì mặc dù là kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và phân bón nhưng chỉ khuyến khích sử dụng thuốc sinh học hàng Ấn Độ (trên nhãn có ghi xuất xứ Ấn Độ). Hàng Trung Quốc mang tiếng thuốc sinh học nhưng họ hay thêm chất ẩn này chất ẩn kia vào để tăng hiệu lực, mình không biết là gì, nên tốt nhất là không xài, đặc biệt là các bạn sản xuất nông sản để xuất khẩu. Nông sản rất dễ tồn dư lượng…dẫn đến bị trả hàng về rất tốn tiền và danh tiếng. Nếu các bạn buộc phải sử dụng thì tuyệt đối tuân thủ thời gian cách ly tức chỉ số PHI ghi trên nhãn thuốc.
Có một cách rất dễ làm để các bạn đuổi kiến hay ốc sên ra khỏi vườn là vỏ trứng. Trứng gà hay trứng vịt, các bạn dùng xong thì phơi thật khô, rồi giã mịn (xay trong cối xay tiêu là tốt nhất, càng mịn càng tốt), sau đó rải đều trên bề mặt đất trồng, hoặc gốc cây thì sẽ hạn chế kiến đỏ bu lên (kiến đỏ thì phá cây, kiến vàng thì bảo vệ cây, kiến vàng thì chỉ ở trên cao nên không phản ứng với vỏ trứng). Các bạn có thể rải vô góc nhà, quanh tường nhà bếp, phòng khách để kiến không vào nhà.
Còn bạn hỏi cách đuổi rắn lục đuôi đỏ, nhất là nhà gần sông, gần công viên, bụi rậm, ở nông thôn…Các bạn nên mua bột tỏi, hàng công nghiệp có bán ở các chợ lớn, về rải trên đất quanh nhà. Rắn kỵ mùi tỏi sẽ không đến.
Các bạn cũng có thể trồng họ hành, tỏi, nén, hẹ…cũng khiến rắn tránh xa. Nên vùi vài củ hành, tỏi, gốc hẹ..vào nơi có đất ẩm, hoặc trồng trên chậu thấp cũng được.
Chúc các bạn làm vườn vui vẻ
Chuyện ở Ceylon

Tony đến thủ đô Colombo của Sri lanka vào một ngày nắng đẹp. Đảo quốc nhỏ, đẹp bình yên như hình bản đồ là một giọt nước trên Ấn Độ Dương.
Đường bay từ Việt Nam đi Sri Lanka có thể qua ngõ Băng Cốc, Singapore hay Kuala Lumpur, Air Asia hay Thai Airways có giá khá mềm. Visa xin rất dễ, có thể xin ở đại sứ quán hay vào visa online Sri Lanka để nộp tiền qua thẻ tín dụng, nhận được approval letter và mình in ra, đến sân bay Colombo cho hải quan họ đóng dấu vô, gọi là visa on arrival hay landing visa cũng được. Chỉ mất vài tiếng là chúng ta đặt chân đến vùng đất đẹp lạ đẹp kỳ này
Sri Lanka trước đây gọi là xứ Tích Lan, hay Ceylon. Ngoài thủ đô Colombo, chúng ta nên đi xem người Srilanka câu cá, gọi là stilt fishing. Họ đóng mấy cây cọc tuốt ngoài biển, rồi ngồi vắt vẻo trên đó câu. Tony cũng được bạn đưa tới thành phố Matara để trèo lên ngồi, cười như Liên Xô được mùa để chụp hình, nhưng không câu được con cá nào. Vì chóng mặt quá, thấy sóng biển cứ đánh vô bờ, mình có cảm giác là càng trôi ra biển nên một lúc là khóc lóc vang dội, đòi bạn bế xuống.
Chúng ta còn có thể lên thăm cao nguyên, vùng trồng chè nổi tiếng ở đây. Với độ cao trung bình 1800m so với Đà Lạt là 1500m, cao nguyên của Sri Lanka có khí hậu lạnh hơn, ban đêm nhiệt độ xuống dưới 12-15 độ, ban ngày cao nhất 23 độ C. Con đường lên thành phố này uốn lượn qua mấy đồi chè bạt ngàn. Ông vua trà thế giới, ngài Thomas Lipton, với việc lấy tên của mình gắn với thương hiệu trà Lipton nổi tiếng, cũng từng đến đây là lập đồn điền, sản xuất trà đen, tra vàng, trà xanh…cung cấp cho toàn bộ hoàng gia Anh và các hoàng gia châu Âu khác. Tony mò mẫm tìm hiểu trà Dilmah, vì đây là thương hiệu lớn của Srilanka, hy vọng là hướng dẫn các bạn trẻ ở các vùng trà Việt Nam như Thái Nguyên, Bảo Lộc…học hỏi bắt chước mà sau này vươn ra tầm thế giới. Nên mới ngồi ê mông mấy tiếng bay qua. Uống thôi là uống, sáng trà tối trà nên hẻm ngủ nghê gì được. Hỏi thăm phỏng vấn năn nỉ đủ cả, cuối cùng cũng giật được bí kíp mang về. Đang tìm kiếm bạn trẻ VN nào đam mê đến mức sống chết với ngành trà để trao lại chứ Tony chỉ yêu thích phân bón. (Nói giỡn chứ Tony qua đó bán phân bán thuốc, tháng nào cũng cả chục container mấy loại phân bón và thuốc trừ bọ trĩ hại trà. Vì mấy dòng phân thuốc này là thuốc sinh học chiết xuất từ hạt quả na nên không độc, đạt Global GAP nên họ mới xài. Nông dân trồng trà Việt Nam thì chê, nói hiệu lực diệt chậm quá, họ muốn thuốc gì xịt cái sâu bọ chết liền mà Tony thì hẻm có loại có tính độc cao ấy nên trong nước bán hẻm được nhiều, trừ một số nông trường trà buộc phải mua để không có dư lượng mới xuất khẩu được. Khổ quá, Tony phải lăn lê sang tận xứ người bán).
Người sáng lập trà Dilmah là ông Merill Fernando. Sinh năm 1930, lúc 20 tuổi, Fernando xác định sứ mạng cuộc đời mình là ngành trà. Nên ông cống hiến hết sức lực để ngày đêm nghiên cứu nó, theo khẩu vị của các nước nhập khẩu. Ông đi lang thang khắp nơi để xem người ta chế biến, uống trà ra sao, giống trà gì…từ đó ông về Sri Lanka trồng cho đúng, sản xuất cho đúng gu của người ta. Ròng rã gần 40 năm, tức năm 1988, ông lập hãng trà Dilmah, lấy chữ đầu tên của 2 thằng con trai, thằng Dilhan và thằng Malik.
(thui bùn ngủ òi, sáng mai nếu dậy sớm mà hẻm đau lưng sẽ kể tiếp).
Một lá thư từ miền gió Lào

“Gửi Dượng Tony
Con là sinh viên năm cuối một đại học miền Trung. Mấy hôm nay đọc báo con thấy tin nguồn máu suy kiệt, trên FB nhiều bạn đã đăng các status người thân của các bạn đã ra đi vì thiếu máu truyền.
Bốn năm đại học, nhiều lần con thấy trường tổ chức hiến máu tập thể, nhưng con chưa lần nào đi, con nghĩ đó là chuyện của ai đó. Con luôn tìm lý do như bận học, đang ốm,…để khỏi áy náy lương tâm. Thực ra vì con sợ. Con sợ mũi kim đâm vào tay, sợ nhìn dòng máu đỏ thẫm của mình chảy ra, và hơn hết vì con chưa dám cho đi.
Rồi con đọc được bài dượng kêu gọi hiến máu kèm theo link địa chỉ. Con click và thấy ở Hà Nội. Nếu là trước đây, con sẽ tặc lưỡi bảo xa vầy có muốn cũng lực bất tòng tâm. Nhưng giờ đây con thấy mình bị thôi thúc bởi cái gì đó. Con im lặng tìm thông tin về nơi hiến máu ở thành phố con đang học. May mắn con có kết bạn fb với một anh làm bên chương trình tuyên truyền hiến máu, con hỏi anh ấy và biết được địa chỉ, giấy tờ cần thiết. Con chia sẻ với vài người về việc con muốn một mình đi hiến máu tự nguyện, và họ đều nói con bị điên. Cũng là một may mắn của con khi con còn một người bạn. Con nghĩ nếu nói ra nhất định bạn ấy sẽ ủng hộ. Và đúng như vậy, bạn ấy chỉ giận vì con không nói sớm. Thế rồi hai đứa cùng nhau đi.
Dượng biết không miền Trung những ngày này nắng nóng đỉnh điểm, đường nhựa bốc hơi hầm hập và gió Lào quạt khô rát cả mặt. Buổi sáng hôm ấy, nắng khá gay gắt, lòng vòng mãi mà không thấy Trung tâm huyết học như trong địa chỉ đã được hướng dẫn, con nghĩ rằng phải chăng ông trời muốn thử thách độ chân thành của con. Con vào fb lần tìm lại sđt của anh trong clb tình nguyện con đã nhắc ở trên, anh ấy chỉ cho con ở một địa chỉ khác cách đó hơn 1km, có lẽ lúc trước anh ấy nhầm. Nhưng thật lạ, con lại rất vui vẻ nói “không sao anh à, em sẽ đi tìm chỗ mới” rồi chạy xe đi tìm chứ không cáu bẳn như ngày xưa. Sau khi làm thủ tục, chị y tá bắt đầu lấy mẫu máu của con để xét nghiệm. Dù đã tiêm phòng nhiều nhưng con vẫn căng thẳng và ngoảnh mặt đi nơi khác. Lúc chị ấy lấy máu xong, con mới thấy mình nhát gan dễ sợ, chứ có chi ghê gớm đâu. Lần đầu tiên hiến máu nên con lóng ngóng trong thao tác ngồi, duỗi tay. Chị y tá bảo con một câu khiến con rất xấu hổ: “Sinh viên mà bây giờ mới hiến máu lần đầu à”. Đúng vậy, xung quanh con có rất nhiều bạn học chung trường với con đang hiến máu, gương mặt bừng lên nét hào sảng văn minh của người trẻ nước Việt mình.
Hiến xong, con chẳng cảm thấy choáng váng như con vẫn tưởng tượng. Tính đến giờ, con đã hiến máu được một ngày, chỗ mũi kim lấy máu hơi bị tím lại nhưng con thấy chẳng có hề gì. Con đã đọc bài dượng viết hôm qua, dượng viết rất đúng tâm trạng của con khi việc làm của con bị xem là ngu ngốc và điên rồ. Con cảm thấy được an ủi nhiều. Mẹ con khi nhìn thấy vết kim tiêm nơi hai cánh tay con, có lẽ mẹ đã đoán được, mẹ nhìn nhìn rồi khẽ thở dài, mắt có chút nước mắt xúc động. Chắc mẹ mừng vì con đã lớn, đã khôn.
Dượng à từ nay con có thể hất mặt lên trời được rồi. Con cảm ơn dượng đã giúp con sống tốt hơn với cuộc đời này. Lúc trưa xem chương trình Việc tử tế, con thấy mỗi việc tốt ta làm dù chỉ nhỏ nhoi như một hạt cát, nhưng nhiều hạt cát sẽ thành bãi biển. Con thấy cuộc đời này thật đẹp biết bao.
Giờ đây con mới thực sự hiểu câu “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại “. Con thấy vui vì ở đâu đó trên đất nước Việt Nam này, có một người nhận máu của con và tiếp tục có một ngày đáng sống. Như con vậy.
Con T.
05/07/2015
Tiễn bạn lên đường

Hôm nay, villa de Tony tiễn 3 gia nhân sang Israel thực tập sinh nông nghiệp. Đó là bạn T-admin nhóm Chăn nuôi, bạn V-nhóm giải cứu nông sản và bạn H-nhóm Áo ấm mùa đông Sìn Hồ.
Các bạn nên nhớ, mình đi là để Học Hỏi, không phải để Kiếm Tiền. Tháng dư 1000 usd, 1500 usd…không nghĩa lý gì. Các bạn đều có trình độ ĐH và phải làm tiền lớn hơn nữa.
Các bạn nên quan sát và quan sát. Óc quan sát là phải có, nếu không, các bạn muôn đời làm người sai vặt. Óc quan sát là điều duy nhất Tony chúc các bạn có được sau 10 tháng ở đó. Đừng có nghĩ tìm cách lách luật mang thêm vài cây thuốc lá, vài bộ đồ để bán,…kiếm vài ba trăm đô chẳng là bao, người ta phát hiện ra thì các lứa sinh viên sau đi thực tập sẽ khó hơn. Nông nghiệp Israel là đỉnh cao trong thế giới hiện đại chúng ta đang sống. Tận dụng từng giây phút trong 10 tháng ở đó mà quan sát.
Nên quan sát từng mm cách họ sắp xếp, quản lý từ sân bay đến đường sá, nhà cửa, nông trại, họ trồng cây gì, luôn đặt câu hỏi Vì Sao. Nhà máy chế biến cách bao xa, cửa-tường-sân rộng cao bao nhiêu m, các xưởng bên trong có những gì, máy móc gì…cách những ông chủ Israel biến những sa mạc thành các nông trại trù phú như thế nào. Không phải “lương mày hơn tao 200 usd” hay ngủ gục trong lớp, điểm danh mới học. Học để làm thì thái độ phải khác.
Họ dạy tới 15 môn, nhiều môn cực hay, như môn sinh lý thực vật, luân canh (different crops), hay môn entrepreunership là môn doanh chủ học, tức tinh thần làm chủ DN. Tony xem qua mà ngồi thèm muốn chết, ước gì mình được trẻ lại để sang ngồi chăm chú nghe giảng những môn học tuyệt vời như thế này. Rồi mình sẵn sàng lăn lê ra nông trường lái máy cày hái nho hái chà là, vô những nhà máy phân loại đóng gói…Học để biết mà hướng dẫn công nhân, quản lý của mình về sau. Nhất định mình phải sở hữu những nông trại và nhà máy như thế.
Rất tiếc là đợt trước, nhiều bạn học xong về chỉ khoe với nhau để dành được trăm triệu, mua được chiếc xe SH, chả nhớ đã học cái gì hay chỉ muốn “làm công ăn lương” mãi mãi. Rồi nhạt nhoà, không có dấu ấn gì. Rất uổng vì tâm thế các bạn đi là để kiếm tiền, chỉ là xuất khẩu lao động chứ không phải thực tập sinh.
Muốn khởi nghiệp, thiên tài sẽ tự nghĩ ra cái hoàn toàn mới để làm. Người thường thì học lóm, học nghề rồi mở. Phần lớn chúng ta theo cách 2. Học nghề từ người nước ngoài là cách tốt nhất để khởi nghiệp, hướng đến thị trường có 7 tỷ người của hơn 200 quốc gia. Chỉ khoảng 30 quốc gia là sản xuất mọi thứ cho 170 quốc gia còn lại nhập khẩu.
Nên thị trường còn mênh mông, mênh mông….
Chúc các bạn lên đường mạnh khoẻ.
Tản mạn về cà phê quốc tế

Người Mỹ xuất khẩu văn hóa Cà phê đi khắp thế giới dù không trồng được cây này. Starbucks, The coffee Bean, DD (Dunkin’ and Donut), Mc Café (nằm chung cửa hàng Mc Donald)….là những thương hiệu hốt bạc, dù họ không trồng được cà phê hay cacao. Cà phê Arabica có vị chua thanh nhẹ của trái cây và độ caffine rất thấp, uống chỉ hưng phấn một chút rồi hết. Người Mỹ đến 6 quốc gia để thu mua, rồi đem cà phê nhân về Mỹ, rang trong lò hơi (hot air roasting) để không bị cháy khét, không bỏ bơ hay bất cứ phụ gia gì, rồi đóng gói, bán đi khắp thế giới theo hệ thống các quán được nhượng quyền của họ.
Nông dân 6 nước cung cấp cà phê chủ lực, tức dạng commodity cho hệ thống Starbucks là Brazil, Colombia, Indonesia, Kenya, Rwanda, Guatemala vốn chỉ biết cắm mặt vào đất trồng và bán lại hạt cho người Mỹ, nhận lương. Họ không hề biết 1 kg của họ đang bán ở New York có giá gấp 200 lần. Nhưng đầu óc của họ chỉ thế, chỉ biết ngày mai lại cắm cúi nhổ cỏ, bón phân, tỉa cành….Họ cũng có làm thương hiệu riêng. Nhưng không bán được vì marketing kém cỏi.
Người Úc có thương hiệu The Gloria Jean. Người Hàn có Bene, Hollys. Năm 2008, hệ thống cà phê Bene (Bene tiếng Ý nghĩa là tốt, ngon, khoẻ) mới ra đời, giống cà phê Mỹ, châu Âu, nhưng thêm các món trà, kem, bingsu..của người Hàn. Những sinh viên Hàn Quốc du học về, giỏi tiếng Anh được nhận vô phát triển hệ thống, tỏa đi khắp các nước trồng cà phê nói trên để lập đồn điền, hoặc kiểm soát chặt chẽ từng hạt cà phê của nông dân các vùng này từ lúc ra hoa đến thu hoạch. Họ kiểm soát chất lượng y chang người Mỹ, người Úc, người Nhật. Tại New York, ngày quảng trường thời đại (Times square), chi phí mặt bằng vô cùng lớn, toàn tên tuổi lớn nhưng Bene vẫn tự tin mở quán đầu tiên. Chỉ sau 4 năm, 650 quán cà phê Bene đã được mở. Quán nào cũng đông nghẹt. Thị trường Mỹ với các thành phố lớn như Chicago, LA,…họ đều có mặt. Quán Bene New York 1 ngày nhận trung bình 1500 khách. Một con số khổng lồ. Vì khẩu vị họ y chang như Starbucks, The Coffee Bean, cà phê chua chua thơm thơm không có vị khét. Sinh viên Hàn Quốc du học ở Mỹ, mỗi khi tụ tập bạn bè thì hay rủ vào Bene/Hollys Coffee. Họ nói đó là cách ủng hộ quê hương.
Các bạn có ý mở quán cà phê nên đến các quán cà phê quốc tế kể trên để thử mọi loại thức uống của họ. Quan sát từng ngóc ngách, từng cái ly cái tách, cái bình, cái gói, những sản phẩm có ghi Whole Bean, 100% Arabia, air roasting, original…để mở trong nước rồi vài bữa Franchise qua Lào, Cambodia, Myanmar…hay chơi luôn London Paris Bắc Kinh. Sợ gì. Có trí tuệ là chinh phục được hết.
Nước mình trồng được cà phê Arabica nhé, ở những bình nguyên cao trên 1000m là trồng được. Chất lượng cũng thơm ngon nhưng mình không biết chế biến, cứ rang trong chảo khét lẹt, rồi bỏ bơ vô, hạt bóng lưỡng vì mỡ. Rồi có chỗ thêm nước mắm này nọ để được sóng sánh đặc sệt…và nói như vậy là ngon. Nhưng Tây, Hàn, Nhật, Thái, Trung, Ấn….họ không uống, không xuất khẩu được. Các bạn trẻ Việt Nam thế hệ bây giờ cũng ít uống cafe kiểu cũ vì nặng, ép tim, mất ngủ, nóng nổi mụn.
Nên mình đón đầu, phải áp dụng chuẩn quốc tế. Mở quán là phải thu tiền trước, ghi Menu/Drink List ở trên tường phía sau người phục vụ. Không cần in ra đưa từng khách mắc công. Pha bằng máy chứ pha bằng phin thì đến bao giờ mới xong, còn lo làm lo học nữa, đâu rảnh rỗi mà “từng giọt sầu rơi lặng lẽ”. Mở quán kiểu ngồi cả buổi mới trả tiền, phục vụ cứ đi qua đi lại châm nước trà đá, canh chừng nó vọt mất không trả tiền, mệt lắm. Nước đá, đường, ống hút, khăn giấy…có sẵn trong góc, muốn thì tự phục vụ hết, mấy quán này nhân sự ít mà hiệu quả. Chỉ có điểm trừ là khách uống xong đứng dậy did, ít ai biết bỏ ly giấy, khăn giấy, ống hút vô thùng rác. Thôi kệ, mới ra quốc tế mà, chưa quen “clean up after use”.
Để các bạn vô mấy quán quốc tế không bỡ ngỡ, Tony giới thiệu 1 số loại cà phê quốc tế thông dụng để các bạn vô hất mặt lên gọi, giả bộ như mình ở New York mới về nhé.
1. Espresso: đậm đặc. Có 1 shot hay double shot (nhiều hay ít cà phê). Rất đắng, rất ít. Thường là món rẻ nhất ở đây. Như ở Mc Café trong Mc Donald giá chỉ có 25,000 đồng/ly 1 shot. Hồi Tony còn nhỏ, thử vô quán Starbucks ở Hồng Công, thấy món này rẻ nhất nên gọi, nó đưa cho đâu có chút xíu, hớp 1 cái hết trơn. Tiếc tiền ngồi khóc vang dội.
2. Americano: Lấy cái espresso đó, pha thêm nước nóng khoảng gấp 3-4 lần dung tích nữa. Rồi uống nóng hay thêm đá uống lạnh khi mùa hè (món ưa thích của Tony, vị loãng dễ chịu, uống lúc 10 đêm thì 11h vẫn ngủ được, miệng lúc ngủ vẫn thơm).
3. Cappuccino: Lấy Espresso + sữa nóng + bọt sữa, tỷ lệ 1:1:1. Rồi vẽ trên nền ly cà phê hình trái tim hay cây cọ.
4. Latte: cũng giống Cappuccino nhưng sữa ít nóng hơn và ít bọt hơn.
5. Machiato: giống Cappuccino nhưng không có sữa nóng, chỉ có bọt ở trên cà phê ở dưới.
6. Mocha: Lấy espresso bỏ vô thêm siro sô-cô-la rồi quánh lên. Bỏ đá xay hoặc đá viên.
….
Rồi sau này có nhiều món nữa, vô hỏi người phục vụ chứ Tony cũng hết biết.
HỌC ĐI RỒI MỞ HỆ THỐNG TÈO CAFE, TÍ CAFE, NA, ỔI COFFEE, BƯỞI COFFEE…KHẮP THẾ GIỚI CHO TỤI TÂY SAY MÊ CHƠI.
Hệ thống quán cà phê quốc tế sắp mở của Tony sẽ có tên “NGUYỄN TUÂN HOÀNH QUỲNH HUỆ UYÊN THỤY COFFEE”. Tụi Tây đọc được tên quán mà miệng không méo qua 1 bên thì cho uống miễn phí
Học sinh Hàn Quốc, Nhật Bản, phương Tây…vẫn tập thể dục, lao động


Học sinh Hàn Quốc, Nhật Bản, phương Tây…vẫn tập thể dục, lao động dưới trời tuyết âm cả chục độ hay đi trên sa mạc nóng 45 độ để quan sát sinh vật, rèn luyện khả năng thích nghi hay lao động sau này. Hình ảnh các bạn sinh viên đầu trần, mặt đỏ au cầm chai nước lang thang ở các viện bảo tàng, các địa điểm lịch sử dưới trời nắng gắt…rất bình thường ở mọi quốc gia trên thế giới. Thanh niên phải là như vậy, có sức khoẻ và sự chịu đựng với mọi điều kiện thời tiết mới có thể làm việc bền bỉ được.
Các sân bay ở Trung Đông đang xây dựng, nhiệt độ có khi lên tới 48 độ C, vẫn có hàng ngàn công nhân Ấn Độ làm việc, vẫn 8h/ngày. Các công trình xây dựng ở Singapore, Malaysia… vẫn phải thuê lao động phổ thông từ Trung Quốc sang vì họ khoẻ gấp 3 lần lao động phổ thông Đông Nam Á.
Các trường quốc tế ở Tp HCM vẫn tổ chức farm trip tức thực địa ở cánh đồng cho học sinh trong những ngày nắng nóng nhất, và phần lớn học sinh người Việt không đi do cha mẹ nghĩ là nắng nóng sẽ bệnh, trường gì ngu thế, gửi thư góp ý …nhưng nhà trường bảo là chuyện thời tiết, một sinh vật trên trái đất phải thích nghi với mọi điều kiện khí hậu ở cực cao nhất, cực thấp nhất để có thể tồn tại, không có chuyện tránh nắng, tránh rét…để khi thay đổi thời tiết là nhức đầu sổ mũi, đi học đi làm cứ nghỉ ốm suốt. Vì sau này, lao động quốc tế, đang họp ở New Zealand âm 10 độ, bay sang Ấn Độ nóng 42 độ thì không làm việc được. Công việc ngoài phòng máy điều hoà cũng phải ra thực tế quan sát ghi chép, báo cáo…
Đề thi tuyển sinh môn Văn của Trung Quốc

Ở Trung Quốc, thời điểm này cũng là thời điểm cuộc thi “cao khảo” diễn ra để tuyển sinh đại học. Họ tổ chức thi theo cụm, căn cứ vào trình độ phát triển của từng tỉnh mà gom lại. Ví dụ khu vực Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân…thi riêng một đề, các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam…thi chung một đề, để tuyển vào các ĐH trên địa bàn đó. Sĩ tử tuỳ chọn nơi thi, có khi cách xa hàng nghin km, sĩ tử ví dụ ở Bắc Kinh nhắm khả năng của mình chỉ đỗ được ĐH ở Cam Túc thì phải lên đó. Và ngược lại, thí sinh Cam Túc quá giỏi thì có thể xuống Bắc Kinh thi để vào ĐH Thanh Hoa.
Mời các bạn đọc thử một số đề thi tuyển sinh môn Văn của Trung Quốc
“Đọc tài liệu sau đây rồi làm bài:
Ngày 29 tháng 4, ông Thượng bỏ quên chiếc điện thoại di động trên xe tắc-xi. Ông liền gọi điện theo số máy của mình, đối phương vừa nghe xong liền cúp máy luôn. Một lát sau, ông Thượng gửi tin nhắn bày tỏ, muốn “mua lại” chiếc máy của mình với giá 2000 NDT. Một tiếng đồng hồ sau, ông Thượng nhận được tin phản hồi rằng, sẽ trả lại chiếc điện thoại di động cho ông. Sau khi gặp mặt mới biết người nhặt được chiếc máy điện thoại di động của ông lại là một chàng thanh niên. Khi ông Thượng trả tiền để cảm ơn anh ấy, thì anh ấy đưa lại máy cho ông xong quay lưng đi luôn.
Nghe ông Thượng kể lại, phóng viên gọi điện cho anh thanh niên đó, thì nhận được câu trả lời như sau: “Lẽ ra tôi không có ý định trả lại điện thoại đâu, nhưng sau khi xem các tấm ảnh và nội dung tin nhắn trong máy, phát hiện chủ máy di động này vừa quyên góp một khoản tiền lớn cho khu vực động đất Lư Sơn, tôi rất cảm động. Tôi không thể thấy lợi mà quên nghĩa, không thể đối xử với tình thương bằng lòng tham của mình. Tôi cũng phải có lòng chân thành và tình thương nhiều như ông Thượng vậy”.
Yêu cầu: Tự chọn góc độ, xác định lập ý và thể loại, tự đặt tiêu đề; không được thoát ly phạm vi nội dung và nội hàm của tài liệu cho sẵn, không được rập khuôn, không được sao chép. Bài làm trên 800 chữ”. (Đề thi khu vực Quảng Tây, 2013).
Một lá thư Sóc Trăng
“Chào dượng,
Con là T, hiện đang là giáo viên dạy Hóa tại một trường THCS-THPT a ở Sóc Trăng. Con vừa được một học bổng toàn phần, ngắn hạn 5 ngày đi tham quan trung tâm Vũ Trụ ở Mỹ. Con được tài trợ toàn bộ vé máy bay khứ hồi, chi phí ăn, ở, tài liệu học tập.
Để tham gia chương trình, mình chỉ cần có thể giao tiếp Tiếng Anh cơ bản để điền form online và để phục vụ quá trình học tập. Con chỉ là giáo viên dạy ở trường làng, tiếng Anh cũng chỉ ở mức nghe nói cơ bản, nhưng năm 2015 vừa rồi, con đã được chọn. Con nghĩ còn nhiều giáo viên khác Tiếng Anh giỏi hơn con, mong rằng chương trình này sẽ được các bạn biết đến và nắm bắt cơ hội trong năm tới, mong dượng chia sẻ học bổng này. Con thấy năm nay Trung Quốc, Indonesia, Malaysia họ có tới 5 hoặc 7 giáo viên tham gia. Con hi vọng năm sau sẽ có nhiều giáo viên Việt Nam mình tham gia chương trình hơn .
Điều kiện là:
-Đang là giáo viên giảng dạy bộ môn Toán hoặc Khoa học (Hóa, Lý, Sinh) tại các trường Tiểu học, THCS, hoặc THCS_THPT
-Có thể giao tiếp bằng Tiếng Anh
Chương trình năm sau sẽ diễn ra vào tháng 06/2016, đơn online sẽ được mở vào tháng 09/2015, các thầy cô vào trang này để hoàn thành đơn online https://educators.honeywell.com/application
Khi có kết quả, họ sẽ gửi email kèm theo thư mời cho mình để mình làm Visa, khi xong xuôi, mình scan hộ chiếu và Visa qua cho họ để học đặt vé máy bay cho mình, và chờ ngày lên đường. Các bạn có thể ôn tập lại tiếng Anh hoặc nhờ giáo viên tiếng Anh trong trường giúp mình ôn lại căn bản, vài tháng là đủ rồi đó.
P/S: Cám ơn dượng đã giới thiệu quyển sách “Nhà giả kim”, nó đã tiếp thêm động lực cho con rất nhiều trong quá trình vươn ra biển lớn, giúp con vững tin hơn khi làm những điều mà trước đây mình chưa dám làm. Con nghĩ trong đời ai chưa đọc “Nhà Giả Kim” sẽ là một thiệt thòi vô cùng lớn.
Con T. Giáo viên bộ môn Hóa Học, Trường THCS X, Vĩnh Châu, Sóc Trăng”
Tony: Đọc từ trên xuống dưới hẻm thấy cảm ơn tui vụ PR hành tím Vĩnh Châu gì hết trơn hết trọi cà? Tui cũng ngồi lột hành chảy nước mắt chứ bộ?
Chọn bạn trai thế nào?

Đây là sản phẩm phải có ở mọi ngôi nhà có đàn ông con trai.
Một bộ máy khoan cầm tay 100 phụ kiện, hãng nào cũng được (cả chục hãng sản xuất, mua theo túi tiền). Không có bộ này thì trong nhà mình phải có đầy đủ búa, cơ lê mỏ lết, đinh, tắc kê, ron cao su, cưa tay, máy khoan tay, ốc vít…đủ các cỡ. Phải mua về và tập con trai làm, từ lớp 10 trở lên là phải biết bắt bóng điện, sửa ống nước, treo bức tranh lên tường, cưa một khúc gỗ, tra dầu mỡ bản lề, bắt lại sên xe đạp, đóng đinh treo xoong nồi, cầm cái bay trét lại mảng tường bị bong, sơn lại nhà khi tết đến, biết cầm cái xẻng xúc đất trồng 1 cây, biết khiêng một chậu hoa về đặt ở ban công…
Các bạn gái CHỈ được chọn người yêu hoặc chồng biết làm các việc như thế này (điều kiện cần). Các cậu khác (chỉ có biết học và học, ham lý luận, triết lý ba xu, không động tay chân bao giờ) thì nên từ chối. Đừng có bí quá mà gật đầu đồng ý. Cũng đừng vì sợ ma mà lấy 1 người về cho có tiếng động trong nhà.
Lấy về sẽ khổ cả đời, nó sẽ nói toàn chuyện đao to búa lớn mà không làm ra tiền. Trí nhớ tốt nên chuyện thời sự, chuyện tranh cãi trên mạng hay đời tư ca sĩ diễn viên gì cũng biết. Nó sẽ tranh giành váy áo và giũa móng tay với mình cứ như hai chị em gái thân thiết.
Thể loại ôm ipad laptop suốt ngày thì TUYỆT ĐỐI không giao du, họ thích thế giới ảo hơn mình, sẽ không quan tâm chăm sóc mình đâu. Người ít vận động thì dễ mắc bệnh, lấy về nuôi bệnh mệt lắm. Kiểu mặt mũi bủng beo, bụng to hơn ngực, cả ngày chả ra giọt mồ hôi nào thì thôi, tránh xa. Nhà có đàn ông mà treo bức tranh cũng gọi thợ đến thì coi chừng vợ nó yêu thằng thợ. Con trai mà không biết cầm và không thích cầm cái máy khoan thì có ngày bị thằng khác nó khoan cho. Đàn ông con trai, phải giương buồm ra khơi, đánh đông dẹp bắc, lên lưng ngựa đi khắp bốn phương. Lâu lâu tạt về thăm nhà, cởi trần, mặc quần đùi, hùng hục lau chùi tủ lạnh, ti vi, quạt trần, quạt máy, đóng kệ sách, tủ bàn, thay bóng điện hỏng, dọn dẹp nhà cửa, trồng thêm cây cối nếu nhà có vườn, tắm chó tắm mèo. Đàn ông mà không nhễ nhại mồ hôi thì là đàn ông vứt. Không có tuổi trẻ nhễ nhại mồ hôi thì đừng mơ kinh bang tế thế sau này. Chỉ là mấy ông thị dân bủng beo, ngồi ăn phở uống cà phê, ăn tục nói phét thì đời vô danh, 100 năm sau, 1000 năm sau chả ai nhắc đến 1 dòng trong lịch sử. Rác đầy nhà mà ngồi đó nói chuyện thế giới với vĩ mô.
Chỉ quen và lấy con trai biết làm việc nhà để cuộc đời mình hạnh phúc. Càng tháo vát càng tuyệt. Đừng chơi với mấy ông cả ngày ôm điện thoại, ôm laptop và triết lý ba xu “đời là, thành công là, bạn phải dám cái này cái kia, tư duy thế nọ thế kia…”. Nói theo mấy cuốn sách self-help hay mấy diễn giả hay mấy bài trên mạng. 100% nó chẳng hiểu gì đâu, nếu hiểu, nó đã bắt tay vô làm rồi.
Cha mẹ cứ kêu con ngồi học, giành làm hết việc nhà thì là phá hoại cuộc đời con. Không cho nó làm việc nhà, thì sẽ tạo thành đứa lười biếng. Không động tay chân, khi làm một chút sẽ mỏi, sẽ mệt, sẽ khó chịu, sẽ không muốn làm nữa. Và đời nó vô dụng như 1 con mèo lười. Những bạn trẻ nhất định phải làm khác, đừng ngồi giải toán lý hoá cả ngày nữa. Phải lao động thay vì tập thể thao, vừa đổ mồ hôi vừa có thành tựu.
Nay cuối tuần, hãy đóng những kệ sách, bồn hoa, cọ toilet, sửa bóng đèn…thay vì ra ngồi quán cà phê như mấy ông thị dân bủng beo, ra hồ bơi hay bãi biển, nhìn body chảy xệ của mấy ổng là cả hồ bơi phát ói. Đàn ông gì lạ.
Thank you letter

Một buổi sáng nọ, bạn ngơ ngác khi nhận được một “thank you letter” từ sếp, thì bạn hãy tự vấn mình có bị nằm trong 1 trong 8 dạng dưới đây không.
Hoặc nếu là một quản lý, nếu nhân viên nằm trong 1 trong 8 dạng dưới đây, mọi đào tạo hay kỳ vọng…nên chấm dứt vì họ sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Nên có một back-up plan, tức kế hoạch thay thế nếu họ là người quan trọng trong công ty. Còn nếu không quan trọng mấy, thì “thank-you letter” cho xong
Tổng kết của việc sa thải trong ngành HR (Human Resources, tức ngành nhân sự) trên toàn thế giới suốt mấy trăm năm gói gọn trong bài báo này
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/8-kieu-nhan-vien-cong-ty-ban-nen-sa-thai-nhanh-chong-235115.html
Những tháng ngày du hạc
Đợt 1 (2008, Há Vợt)

Năm 2007. Mục tiêu hạc xong ĐH, thạc sĩ, mở công ty, mở nhà máy, mở trang trại, cất nhà mua xe, gia đình lớn gia đình nhỏ gì cũng đều đã hoàn thành, chỉ còn giấc mơ du hạc là dở dang. Nên khi thấy kinh tế suy thoái, nhắm làm ăn hơi khó là Tony đi du hạc, dù ngắn hạn 6 tháng 1 năm cũng xách cặp đi, kể cả mấy khoá ở New Zealand, Hồng Công, Singapore, Nhật, châu Âu…chỉ có vài tuần cũng đi tuốt. Lúc ở nhà làm chủ nhà máy thì nhìn Tony bận áo công nhân lấm lem dầu mỡ, dù lúc làm chủ trang trại trồng nấm trồng rau thì Tony đen thui với chân đất và cái nón lá trên đầu, tuy nhiên khi bước vào giảng đường là Tony bận áo sơ mi trắng quần jean, tóc hớt cao, đeo ba lô như sinh viên ngay, nhìn dễ thương lắm.
Cứ ước mơ là phải thực hiện cho được. Bạn bè đi hạc xong về hết rồi, giờ mình mới vác mẹt đi, có sao. Đời phải 1 lần du hạc để sau này có cái kể con cháu nghe chứ. Còn mấy ngày nữa lên đường, tự nhiên thấy trong người như đang ở Mỹ. Sáng nào ngủ dậy Tony cũng cảm thấy bị jetlag ( tình trạng say máy bay và chênh lệch múi giờ), dù đang ở Sài Gòn mới lạ.
Hôm lên Củ Chi thăm nhà máy, cậu tài xế mở radio, ca sĩ ca bài Quê hương là chùm khế ngọt, Tony ngồi nghe mà khóc rấm rứt, bứt tóc bứt tai vì nhớ Việt Nam. Tụi Singapore ngồi cùng xe ( tụi nó qua góp vốn lòm en với Toni) ngạc nhiên, hỏi ủa tại sao em khóc ? (giống Mr Bụt hỏi Ms Broken Rice). Toni sẵn tiện dịch luôn nội dung bài hát ( hometown is a bunch of sweet star fruit- Tony giỏi quá cái chi cũng dịch được). Tụi nó nghe xong thích thú, bắt ghé chợ mua ‘trái quê hương’ để ăn cho biết. Hẻm cho nó ăn nhiều, sợ bị Tào Tháo rượt ( nói vậy chứ anh Tào anh hùng nổi tiếng trong thiên hạ, đi rượt đuổi mấy đứa ỉa chảy làm chi).
Sang Hoa Kì lần này, hành trang Tony mang theo chẳng có gì ngoài cái camera cả chục chấm, cứ thấy bãi cỏ là nằm sõng xoài xuống đưa cuốn vở lên cằm rồi nhờ ai đó chụp. Tốt nghiệp xong, kiến thức sách vở đâu không thấy chỉ thấy mang về nước mấy vali toàn Album và Album hình ảnh. Các chủ đề “toni và bạn hữu, toni và giáo sư, toni và thư viện, toni và căng tin, toni và đường phố, toni và x xì, tony và y cà rốt” …đều được bọc giấy kính cẩn thận, ghi rõ thời gian địa điểm chụp để không có đứa nào cãi được là dùng phô tô xốp. Sợ tụi nó không tin là sụ lo lắng nhất của Tony trong suốt thời gian du hạc.
Còn phải mang theo tiền nữa chớ. Ở bên này ai xin cũng không cho, ki bo keo kiệt, qua bên kia, mỗi lần nghe ‘chùm khế ngọt”, Toni lập tức đến Western Union thực hiện hành vi kiều hói. Cố tình sai chữ “hói” cho nó ra Việt kiều. Đúng là khả năng hòa nhập nhanh dễ sợ.
Rồi đang search thử NASA hay Boeing ở bang nào nữa chớ, ở bển đi làm thêm cắt cỏ hay làm móng mệt thấy bà, về nước phải nổ, lúc rảnh rỗi, ngoài giờ lên lớp, Tony có đi làm phi hành gia NASA. Tối thứ 6 bay ra không gian rồi tối chủ nhật bay về trái đất, sáng thứ 2 đi hạc.
Nhà giàu đứt tay

Chúng ta thường nghe câu “nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột”, ý nói là với nhà giàu, việc nhỏ xíu như đứt tay cũng là một cái gì đó ghê gớm, như việc đổ ruột của người ăn mày. Có một lần trò chuyện với 1 bác sĩ làm ở tổ chức Y tế thế giới trên một chuyến bay, Tony mới biết rằng việc “đứt tay” thỉnh thoảng vẫn là một cơ hội tốt để thay máu. Việc thỉnh thoảng bị ra chút máu rất tốt cho cơ thể, vì máu cũ, máu đã ít năng lượng cần PHẢI loại bỏ, để cơ thể bổ sung một lượng máu mới, fresh blood. Lượng máu mới này giúp cơ thể đẹp đẽ hơn, tráng kiện hơn, vận chuyển tốt hơn oxygen đến mọi cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não. Nên nhân viên ở những hãng công nghệ lớn như ở Silicon Valley, ở Boeing, Airbus, NASA hay sinh viên West Point, Yale, Harvard, Oxford…nhà trường thường xuyên tổ chức hiến máu cho các trường Y trực thuộc, cũng là một hình thức thay máu cho sinh viên, giúp họ khỏe mạnh hơn, học hành giỏi giang hơn. Vì hiến máu chỉ dành cho các bạn từ 18 đến 60 tuổi nên nhiều bạn trẻ kỷ niệm sự trưởng thành hoặc tốt nghiệp ĐH bằng cách hiến máu nhân đạo như là một khoảnh khắc khó quên trong đời. Máu cũ của mình chứ vô cơ thể mới, cơ thể mới lại tiếp nhận và xem là máu mới, tự động welcome chảy rần rật, giúp người mới mất máu do phẫu thuật nhanh chóng khỏe mạnh.
Trong thế giới tự nhiên, muôn loài lâu lâu lại choảng nhau để được “đứt tay”, được thay máu. Y khoa phương Đông 5000 năm cũng có lý khi họ thỉnh thoảng cắt bỏ máu dưới khu vực bị đau. Việc loại bỏ chút máu là vô cùng cần thiết cho cơ thể để tái tạo cái mới. Phụ nữ họ dễ thương hơn là do họ tháng nào cũng 1 lần thay máu hết đó. He he…
Có một số bạn ích kỷ cho rằng mình đi hiến máu, chỉ được hộp sữa cân đường, trong khi bệnh viện bán máu cho bệnh nhân thu tiền, ngu gì hiến? Nhưng đó là cách nghĩ sai, chi phí xét nghiệm, trữ lạnh bảo quản…rất lớn nên phải bù lại. Cả thế giới họ đều làm như thế cả, máu có thể tài trợ cho các chương trình mổ nhân đạo, vùng sâu vùng xa…Đừng có “ngu gì x, ngu gì y…” nữa nhé, suy nghĩ tiểu nông hẹp hòi nghe mệt quá.
Còn gì ngại ngần nữa bạn ơi. Hãy thay máu 1 lần trong đời để có máu tươi trong cơ thể, giúp mình thông minh hơn, thanh tú hơn. Và chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi biết rằng máu mình đang lưu thông trong trái tim người khác. Đi đường nhìn ai sao cũng đẹp đẽ giống mình, nói “không chừng trong cơ thể bạn có máu của tui đó”.
Máu của người hào sảng, nghĩa tình nhân hậu sẽ chan chứa trong bao nhiêu cơ thể sống khác, giúp họ hào sảng, nhân hậu, nghĩa tình, văn minh giống mình. Các bạn có thể đăng ký trực tiếp với Viện huyết học hay với đoàn trường mình đang học nhé.
Tony cũng hay đi hiến máu lắm, vì mục tiêu duy nhất là share bớt sự hào sảng và thanh tú chứ quá trời quá đất ai chịu nổi? Máu mới nên sáng tạo miết, độc giả theo dõi Tony mà không có nhàm chán là nhờ não được cung cấp máu mới liên tục.
Nếu mình ở các tỉnh thì liên hệ hội chữ thập đỏ hoặc bệnh viện tỉnh/thành phố. Đẹp trai đẹp gái quá thì chia bớt cho người ta. Còn mình lâu quá không nghĩ ra cái gì mới cũng đi thay máu cho não nhé. Liên hệ làm phát “đứt tay” cho nó tự nhiên nào: http://www.nihbt.org.vn/
P/S: Theo thông tin của 1 bạn “Máu lấy được từ người hiến mới chỉ là nguyên liệu thô của toàn bộ một quy trình tách lọc, xử lý hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt và khoa học mới có máu thành phẩm (các loại chế phẩm máu) để truyền cho người bệnh. Quy trình này cũng rất tốn kém, để có một đơn vị máu phải mất khoảng 1,1-1,2 triệu đồng. Và hiện nay, theo qui định BV chỉ được thu 447.000 đồng cho một đơn vị máu toàn phần hoặc cho một đơn vị khối hồng cầu loại 250ml”.
Để lại một phản hồi