✅ 4 mùa cuộc sống ⭐️⭐️⭐️⭐️⭐️

5/5 - (1 bình chọn)

Bốn mùa cuộc sống – JIM ROHN

Review Sách Bốn Mùa Cuộc Sống – Những Quy Luật Thành Công Trong Bản Giao Hưởng Cuộc Đời

Bốn mùa cuộc sống (The Seasons Of Life) là cuốn sách đầu tiên của Jim Rohn, được xuất bản năm 1981 và đã nhanh chóng trở thành một kiệt tác của nhân loại. Sách không chỉ viết về những ý tưởng trong việc phát triển bản thân đơn thuần mà còn là những chiêm nghiệm về cuộc sống, văn chương, triết học, kinh doanh,  kinh tế. Càng đơn giản càng thấm thía, đó là những gì người đọc có thể cảm nhận được khi đọc xong cuốn Bốn Mùa Cuộc Sống của Jim Rohn.

Giới thiệu tác giả sách Bốn mùa cuộc sống

Không chỉ truyền cảm hứng cho người đọc qua những tác phẩm của mình, bản thân Jim Rohn và cuộc đời của ông cũng đã truyền động lực và là một bức minh họa rất đời cho những ai đang tìm kiếm niềm tin vào cuộc sống. Jim Rohn lớn lên ở một vùng nông thôn với nền tảng gia đình không có gì nổi bật. Sau khi học năm đầu tiên đại học thì ông quyết định nghỉ học và khởi nghiệp chỉ với tấm bằng trung học trong tay.

Bước ngoặt đến với ông thì Jim gặp được người thầy vĩ đại của mình là Earl Shoaff. Được truyền cảm hứng từ người thầy, ông đã quyết định sứ mệnh cả cuộc đời mình sẽ là truyền giảng về sự khai sáng. Kết quả, ông đã trở thành nhà văn, doanh nhân, diễn giả thành công và có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Những tác phẩm vô cùng quen thuộc với bạn đọc Việt Nam có thể kể đến như Bốn mùa cuộc sống, Những mảnh ghép cuộc đời, 7 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc, Triết lý cuộc đời hay Châm ngôn ngày mới,…

Thông tin cơ bản của cuốn sách Bốn mùa cuộc sống

Công ty phát hànhThái Hà
Ngày xuất bản05-2018
Kích thước13 x 19 cm
Dịch GiảNguyễn Thanh Huyền
Loại bìaBìa mềm
Số trang164

Nội dung sách Bốn mùa cuộc sống

Sách Bốn mùa cuộc sống của Jim Rohn có thể miêu tả là đơn giản như cuộc sống nhưng cũng thấm thía như cuộc sống. Thông qua cuốn sách của mình, tác giả chỉ ra điểm tương đồng trùng khớp giữa sự thay đổi của cuộc sống với sự chuyển mình của bốn mùa. Chỉ khi hiểu được quy luật này, con người mới có thể vững vàng trước những sóng gió của cuộc sống. Đơn giản vì, đó đã là quy luật rồi.

Về cơ bản, nếu coi cuộc đời con người là 4 mùa trong năm thì chúng ta nên sẵn sàng đối diện với 4 giai đoạn trong đời, tương đương với Bốn mùa cuộc sống.

Mùa đông

Mùa Đông lạnh lẽo sẽ là khởi điểm của những cô đơn, thất vọng, nghèo khó và đôi lần gục ngã. Mùa đông chắc chắn sẽ đến, đó đã là quy luật tất yếu của vũ trụ. Việc chúng ta cần làm không phải là căm ghét, chạy trốn khỏi mùa đông mà hãy chuẩn bị tâm lý, kiên nhẫn với nó và trang bị tâm thế sẵn sàng rèn luyện bản thân để vươn mình mạnh mẽ khi mùa xuân sắp tới.

Mùa xuân

Mùa đông đã qua đi thì Mùa Xuân sẽ đến. Mùa xuân là thời điểm vạn vật vươn mình mạnh mẽ, cây cối đua nở sau một mùa đông dài ấp ủ. Với Bốn mùa cuộc sống của đời người thì đây là lúc cơ hội đã đến, hãy nhanh chóng nắm bắt và tận dụng. Vì mùa xuân chỉ đến một lần trong năm, cơ hội sẽ không đến nhiều lần trong đời. Hãy bắt lấy trước khi nó vội qua đi.

“Mỗi ngày được ban cho chúng ta như một mùa xuân mới. Những suy nghĩ, hành động, mơ ước và nỗ lực của hôm nay sẽ mang lại mùa gặt ngày mai.”

Mùa hè

Mùa Hè đến là lúc cây cối tốt tươi nhưng cũng cần được chăm sóc và bảo vệ. Chúng ta cần liên tục nỗ lực để chống lại lũ côn trùng và cỏ dại. Những vật cản đó chính là sự xao lãng trong tâm trí khi chúng ta đã có một chút thành quả trong đời và bắt đầu chững bước lại. Đó là lúc cái tôi bị thử thách, có đi đến đỉnh cao của thành công hay không, phần quyết định nằm ở mùa hè này.

Mùa thu

Gieo nhân nào gặt quả ấy – một điều tất lẽ dĩ ngẫu chẳng sai bao giờ. Gieo đi hạt sồi nhỏ, ta sẽ nhận cả cây sồi to. Con người chẳng thể nào nằm ngoài quy luật tự nhiên này. Người khác thành công bởi vì họ đã vất vả gieo trồng trên cánh đồng của họ và kiên trì chống lại lũ sâu bọ suốt từ xuân, hạ, sang thu. Mùa Thu chính là mùa gặt quả, nhưng thành quả hay hậu quả thì còn phụ thuộc vào sự cố gắng của mỗi người.

Bài học trong Bốn mùa cuộc sống

Vô cùng đơn giản, vô cùng tự nhiên, đó là những nhận định đầu tiên sau khi tôi đọc xong Bốn Mùa Cuộc Sống. Ít ai có thể ngờ một cuốn sách bé nhỏ lại hàm chứa nhiều triết lý sâu sắc về cuộc sống đến như vậy. Với kinh nghiệm, sự từng trải trong cuộc đời làm kinh doanh, Jim Rohn đã để lại một kho tàng tinh thần vô giá cho người đọc.

Dù có ở thời đại nào, những triết lý trong Bốn mùa cuộc sống vẫn giữ nguyên giá trị bất biến của mình. Liệu chúng ta có thể nào chỉ cố gắng trong một mùa và dừng lại ở những mùa sau đó. Không! Cây cối mùa thu có tốt tươi đến mấy nhưng bị bỏ mặc với sâu bọ và thời tiết khắc nghiệt của mùa hè thì cũng chẳng thể kết trái đơm hoa.

Người ta nói, bạn sẽ thấm thía nhất triết lý trong cuốn sách khi đã có những trải nghiệm và những vấp ngã trong cuộc đời. Jim đã nói đúng đến từng từ một. Hãy đọc sách Bốn mùa cuộc sống và suy ngẫm với nó với một thái độ bình tĩnh để nhận biết được bản thân mình đang ở đâu.

Thất bại không phải là điều xấu vì mỗi giai đoạn trong cuộc đời bạn đều có ý nghĩa và hãy tận dụng nó. Mỗi giai đoạn đều là bước đệm cho những bất ngờ không thể đoán trước trong những năm tháng về sau.

“Đừng đi trước tôi, có khi tôi sẽ chẳng theo sau,
 Đừng đi sau lưng tôi, có lẽ tôi sẽ không dẫn dắt,
 Hãy đi bên cạnh tôi, và làm bạn cùng tôi.”

Jim Rohn (1930 – 2009)

Cuộc đời Jim Rohn là câu chuyện về thành công từ tay trắng. Sinh ra trong một gia đình nông dân, bỏ học đại học chỉ sau một năm, khánh kiệt năm 25 tuổi, nhưng nhờ gặp được một người thầy tốt, ông đã trở thành triệu phú ở tuổi 31. Ông được mời chia sẻ câu chuyện thành công của mình ở khắp nơi, từ trường cấp ba, đại học, cho đến các bữa tiệc rồi các buổi hội thảo. Dần dần, ông trở thành diễn giả có ảnh hưởng nhất thế giới.

Ông là thầy của Mark R. Hughes (nhà sáng lập Herbalife) và diễn giả Anthony Robbins, đồng thời có ảnh hưởng sâu sắc đến Brian TracyJack Canfield, và T. Harv Eker.

Quyển sách “Bốn mùa cuộc sống” phù hợp với những ai?

Quyển sách phù hợp với đa số bạn đọc, với nội dung nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, đi theo hướng đánh thức những điều từ trong sâu thẳm mỗi con người. Quyển sách không chỉ giúp chúng ta trong việc phát triển bản thân mà còn là văn chương, kinh tế, triết học…được trình bày vô cùng gần gũi. Cuộc đời, xã hội, kinh tế được tác giả ví như bốn mùa với chu kỳ mà nếu con người có thể nắm bắt được sẽ tránh được rất nhiều va vấp, thất bại trong cuộc sống. Đồng thời, khi đã hiểu ra, chúng ta sẽ mặc nhiên chấp nhận rằng, thất bại là một phần không thể thiếu trong cuộc sống này, giống như mùa đông là nền cho mùa xuân, thất bại là bước đệm cho những cơ hội mà chúng ta sẽ có trong chính cuộc đời mình.

Nội dung thứ 1 của sách: Các chu kỳ và các mùa

Quyển sách này, theo tác giả là một tuyển tập súc tích những suy nghĩ và quan sát trong bốn thập kỷ của ông. Đây không phải là cuốn sách hướng dẫn cách đạt được thành công hay làm thế nào để tránh khỏi thất bại, mục tiêu của quyển sách là khơi lại nguồn cảm hứng và đánh thức những câu trả lời còn đang say ngủ trong trái tim và tâm hồn của mỗi chúng ta.

Dù giàu hay nghèo, già hay trẻ, có giáo dục hay không thì mỗi ý nghĩ mà chúng ta từng ấp ủ đều có tác động lên con người chúng ta hiện tại. Mọi cung bậc cảm xúc, nỗi thất vọng, niềm hân hoan, những hoài nghi, giấc mơ và tình yêu đều có tác động đến con người hôm nay của chúng ta. Những gì chúng ta đang làm và những gì chúng ta đang có đều do chúng ta tự mình dần dần tạo dựng nên.

Giá trị lớn nhất của quá khứ là chúng ta đầu tư quá khứ ấy khôn ngoan như thế nào vào tương lai. Quá khứ là bề tôi cho quá trình biến tương lai trở nên tốt đẹp hơn. Nói khác đi quá khứ là nền tảng cho tương lai, để chúng ta phát triển những điều tốt đẹp. Quá khứ không phải để làm trì trệ, để chúng ta đắm vào với những tiếc nuối nay hối hận. Đôi khi chúng ta gom góp một tập hợp những con người và môi trường sống mà nếu không được thay đổi thì tương lai của chúng ta sẽ luôn giống hệt như quá khứ. Một điều hiển nhiên mà ta phải chấp nhận là sự tiến bộ tích cực của con người luôn có cái giá của nó, mỗi thành quả đều tự động tạo ra một sự mất mát hoặc hy sinh mà dù muốn hay không mỗi người cũng đều phải chấp nhận.

Để cải thiện, chúng ta chỉ có một cách duy nhất là phải khép mình vào những kỷ luật, những quy tắc cho riêng mình……

Một điều chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống là đa số những người đã vượt được lên trên đám đông gần như lúc nào cũng mong muốn giữ mối quan hệ tốt với những bạn bè trước đây và bao bọc họ trong tình bằng hữu và yêu thương, nhưng thật sự rất khó để làm được vì lòng đố kỵ của những người bị tụt lại phía sau, những kẻ này có xu hướng xa lánh và bài trừ người thành công hơn mình nhưng sẽ đổ lỗi cho người thành công rằng anh ta đã khác đi, đã xa lánh họ. Sống trên đời, tình bạn quả thực đáng được trân trọng nhưng thật dại dột khi không phát triển hết được tiềm năng của mình vì sợ phải trở nên xa cách với một người bạn tốt.

Chúng ta thường có xu hướng tích luỹ và bám víu vào những suy nghĩ làm giới hạn sự tiến bộ của mình. Đó là những mối quan hệ bạn bè không đâu vào đâu, những lần kết giao người quen dù cho nói chuyện cùng những người đó gây ảnh hưởng hoặc hủy hoại thái độ của chúng ta với cuộc sống hay con người xung quanh ta; đó là mối quan hệ với các đối tác kinh doanh dạy cho chúng ta những thủ đoạn vô đạo đức, trái pháp luật … Đa số mỗi chúng ta trong cuộc sống cho phép mọi người, thái độ và suy nghĩ của họ định hình nên tính cách của chúng ta – những người mà thái độ và suy nghĩ của họ mang lại cho chính họ rất ít sự tiến bộ, hiệu quả hay hạnh phúc.

Để cải thiện, chúng ta chỉ có một cách duy nhất là phải khép mình vào những kỷ luật, những quy tắc cho riêng mình.  Ăn một mình tốt hơn là đàn đúm với những người toàn nói những chuyện tiêu cực. Hủy hẹn tốt hơn là giữ một cuộc hẹn với những người làm phí hoài thời gian của chúng ta. Thay đổi chủ đề trò chuyện tốt hơn là kéo dài một cuộc trò chuyện vô nghĩa, nói ra toàn bộ sự thật cay đắng tốt hơn là sự thật nửa vời hoặc những điều tốt đẹp giả dối chỉ để hình ảnh chúng ta tốt đẹp hơn trong mắt người khác, những người thậm chí chẳng có tác động tích cực gì lên cuộc sống của mình. Nói “không” tốt hơn là nói “có” với một điều ta không muốn làm, hoặc với người ta không muốn gặp gỡ. Nếu muốn cải thiện hoàn cảnh cá nhân, chúng ta phải học cách làm những điều mà những người thất bại không chịu làm. Có nhiều người bạn không thích hợp không bằng có một vài người bạn thích hợp. Có vài người bạn không thích hợp không bằng không có bạn bè nào cả!

Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải biết lựa chọn, đào thải, xem xét và thay đổi. Mỗi người bước vào cuộc đời chúng ta đều mang theo sự đóng góp hoặc sự hủy hoại. Điều quan trọng là chúng ta phải học được nghệ thuật canh gác ở ngay ngưỡng cửa tâm trí mình. Cẩn thận kiểm tra tư cách và độ tin cậy của những người muốn được bước chân vào nơi mà các thái độ của bạn được hình thành.

Nội dung thứ 2 của quyển sách: Tác động của môi trường lên hoàn cảnh

Quãng đời của chúng ta trên tinh cầu này chỉ đơn giản là một bậc thang trong một kế hoạch phát triển trường cửu được tính toán kỹ lưỡng nào đó, ở đó, chúng ta có thể trở nên vượt trội hơn người hoặc lùi lại và chứng kiến những người ta yêu thương tiến lên, vượt trội hơn chúng ta về phía một nhận thức mới, một sự hiểu biết sâu hơn. Số phận của mỗi người chúng ta là trưởng thành, thành công, thịnh vượng và tìm kiếm hạnh phúc khi chúng ta còn sống trên đời.

Ở một đất nước ngập tràn cơ hội, việc tìm được sự giác ngộ về điều tốt đẹp nhất trong đời người là điều nằm trong tầm tay. Ngược lại, nghèo đói đè nén cá nhân, hoặc nhóm các cá nhân tài năng. Con người chúng ta được ban cho những nguyên liệu cần thiết để tiến bộ như trí tưởng tượng, ý tưởng, cảm hứng và năng lực trí tuệ chưa được khai thác… và năng lực đó không có giới hạn. Vấn đề duy nhất được đặt ra cho những khả năng của chúng ta là sự bất lực trong việc nhận ra bản chất vô hạn của mình.

Chúng ta cần phải nỗ lực để nhận biết được những khả năng vô biên và đáng kinh ngạc của chúng ta. Cần phải có nỗ lực để trở nên hăng say với một lý tưởng và một công việc và luôn luôn cố gắng mà không bao giờ dễ dàng thỏa mãn với những kết quả mình đạt được. Cần phải có nỗ lực để cảm nhận đúng về những điều đã và đang xảy ra, với những  niềm vui cũng như nỗi buồn trong đời. Và cũng cần phải có nỗ lực để học yêu bản thân hơn tất cả, nhất là khi chúng ta nhận thức quá tỉnh táo về những thất bại, tâm lý ngần ngại và bi kịch của bản thân.

Tính liên tục và có thể dự đoán của dạng thức thay đổi

Tuy nhiên, thất bại thì không cần phải nỗ lực. Một trong số ít những điều ở cuộc đời này mà chúng ta có toàn quyền kiểm soát chính là thái độ của chúng ta, nhưng hầu hết chúng ta sống cả đời và hành xử như thể chúng ta không hề có chút quyền kiểm soát nào. Bằng thái độ của mình, chúng ta quyết định liệu ta yêu hay ghét, nói thật hay nói dối, hành động hay trì hoãn, tiến bộ hay thụt lùi, bằng thái độ của chính mình, chỉ chúng ta mới có khả năng thực sự quyết định thành công hay thất bại. Trong những chu kỳ và mùa của cuộc sống, thái độ là tất cả!

Nội dung thứ 3 của quyển sách: Tính liên tục và có thể dự đoán của dạng thức thay đổi

Cũng giống như những quy luật tự nhiên: mặt trời mọc, tỏa sáng rồi cũng bị thay thế bằng bóng đêm vô tận. Hạn hán khiến cho người nông dân khổ sở nhưng mưa đến ngập lụt cũng chẳng làm họ hạnh phúc hơn. Ngày hôm nay nắng cháy da nhưng chẳng mấy chốc cơn gió lạnh thấu xương của mùa đông cũng đến. Cuộc sống này cũng như những quy luật tự nhiên vậy. Sự thịnh vượng mang tới vô vàn cơ hội và phần thưởng, nhưng sẽ thu hồi lại vào lúc nào đó trong tương lai, khi tình hình kinh doanh sa sút. Nụ cười nhường chỗ cho nước mắt, niềm vui nhường chỗ cho nỗi buồn, niềm hân hoan nhường chỗ cho những bi kịch. Bạn bè thân thiết biến thành kẻ thù. Trong chiến tranh, sau súng đạn và đổ máu là sự bình lặng của một nền hoà bình tạm thời.

Với mỗi người sống trên trái đất này, theo thời gian, sự tự tin bị thay thế bởi sự ngờ vực; kiên nhẫn bị căng thẳng thế chỗ; buồn nản thế chỗ cho kỳ vọng; và vỡ mộng thay cho thành tựu. Khi bánh xe cuộc đời tiếp tục vòng quay bất tận của mình, tất cả những cảm xúc của con người xuất hiện, biến mất, rồi xuất hiện trở lại.

Với tất cả chúng ta, yếu tố bất biến duy nhất trong đời là cảm xúc và thái độ của chúng ta với cuộc đời. Một thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt là học cách trải nghiệm sự thay đổi của các chu kỳ cuộc đời mà không bị chúng tác động đến, làm ta phải thay đổi. Để thực hiện được một nỗ lực không ngừng và tỉnh thức nhằm cải thiện bản thân trong môi trường hoàn cảnh liên tục thay đổi đồng nghĩa với việc phải luôn sẵn sàng chống chọi qua những mùa đông của các sự kiện cuộc đời, và cho phép bản thân tận hưởng trọn vẹn trái ngọt từ vụ thu hoạch của cuộc đời khi mùa thu tới.

Nội dung thứ 4 của quyển sách: Mùa xuân

Sau sự hỗn loạn của mùa đông là mùa xuân, mùa của hành động và cơ hội. Đó là mùa để gieo những hạt giống, kiến thức, sự quyết tâm, cần mẫn xuống những mảnh ruộng màu mỡ của cuộc đời. Đó không con là lúc để chần chừ hay băn khoăn về khả năng thành bại. Việc đắm chìm vào thành quả hoặc thất bại của “vụ mua” trước thật sự là điều ngu ngốc. Bản chất của mùa xuân là rất ngắn ngủi.

Mùa xuân không quan tâm bạn gieo hạt hay say ngủ, nó cũng chẳng bận tâm nếu bạn gieo trồng một cách dư thừa hay thiếu hụt. Nó không quan tâm bạn trồng xuống với trí thông minh, sự khôn ngoan và tự do lựa chọn mà chúng ta được ban cho khi là một con người, hãy tiến hành kỷ luật trồng trọt bất chấp sỏi đá, cỏ dại, hay những chướng ngại khác trước mặt chúng ta.

Để tận dụng triệt để mùa xuân, hãy loại bỏ sỏi đá và cỏ dại trên đất của bạn, chính là những thứ đội lốt ý kiến của những người xung quanh bạn như lo lắng, hoài nghi hoặc bi quan. Loại phân bón làm từ lòng tin và nhiệt huyết sẽ vượt qua được những loại sâu bọ và cỏ dại tồi tệ nhất. Đừng nghe những người nói những lời lẽ khiến bạn nản lòng – những người dùng cả mùa xuân tươi đẹp nhất của cuộc đời chỉ để nghỉ ngơi và muốn kéo ta vào dòng chảy lan man của họ. Họ sẽ phải chịu đói khát khi mùa thu và mùa đông tới, hoặc phải cầu xin từ những người nhận ra rằng mùa xuân là một cơ hội ngắn ngủi để làm việc, và để việc chơi bời lại cho một mùa khác.

Mùa xuân là không khí trong lành của cơ hội mới, giữa những đám mây đang tan dần của mùa đông. Ngay bây giờ, hãy tăng cường nỗ lực của bạn, đừng phàn nàn, đừng nghi ngại, đừng bi quan, và đừng thương thân vì sự khốn khó trong mùa đông cuộc đời.

Hãy chọn hành động, đừng chọn nghỉ ngơi. Có thể những gì chúng ta đã gieo mầm vào mùa xuân này không mang đến một vụ mùa bội thu, nhưng nếu chúng ta không gieo một hạt giống nào, sẽ không có gì vào mùa thu để chúng ta có thể thu hoạch.

Mỗi sống và tận dụng mỗi ngày như một mùa xuân mới. Những suy nghĩ, hành động, mơ ước và nỗ lực của hôm nay sẽ mang lại mùa gặt ngày mai. Sao lãng cơ hội được trao cho chúng ta ngày hôm nay là trì hoãn tương lai tốt đẹp hơn của chúng ta. Sự chần chừ hôm nay sẽ dẫn đến sự hối tiếc ngày mai. Và nếu mãi chần chừ chúng ta có thể vĩnh viễn đứng trong vòng tròn của sự tiếc nuối.

Mùa xuân sẽ chỉ xuất hiện, nhưng nó sẽ không chờ đợi, nó cũng chẳng biến đổi và hóa thành mùa gặt. Luôn luôn là như vậy, hạt giống cũng như nhu cầu của chúng ta phải chờ đợi mùa màng biến đổi.

Cuối cùng, chúng ta nên đủ sáng suốt để nhận ra ánh sáng le lói đang lụi dần của mùa xuân cuộc đời, trân trọng những gì mình đang có, tình yêu, người thân, những trái ngọt của cuộc đời. Cuộc sống thực chất là một sự bắt đầu liên tục, một cơ hội không ngừng, một mùa xuân bất tận. Chúng ta chỉ cần học cách nhìn lại cuộc sống của mình để cho sự hào hứng và tò mò trao cho chúng ta một lý do để nhìn lại, thay vì coi đó là điều đương nhiên. Sự hoà trộn độc đáo của mặt trời, đất và hạt giống vào mùa xuân sẽ đem lại những kết quả màu nhiệm có thể đoán trước cho những người học được cách tận dụng trọn vẹn và triệt để lợi thế của mùa xuân.

Nội dung thứ 5 của quyển sách: Mùa hạ

Thành công đối với cuộc đời mỗi người là một đích đến nhưng không bao giờ dễ dàng. Tiến bộ và hạnh phúc hay thành công ở bất cứ dạng nào cũng đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ vì luôn có những khó khăn làm nản lòng những không đủ quyết tâm và quá yếu đuối.

Như mặc định, mỗi người để đạt được thành công trong cuộc sống này là phải bất chấp nghịch cảnh, chứ không phải không có nghịch cảnh vì không có nghịch cảnh thì cũng không có thành công. Những hạt giống vẫn len qua từng ngách đá để vươn mình đón lấy ánh nắng mặt trời. Sẽ chẳng còn có cuộc đời đáng giá nào trên trái đất nếu tất cả đều đầu hàng ngay lần đầu tiên chạm trán với khó khăn.

Mùa hè cuộc đời là khoảng thời gian bảo vệ, đó là lúc cần nỗ lực liên tục hàng ngày để canh gác chống lại lũ côn trùng và cỏ dại độc hại. Mùa xuân đã tạo ra những điều có giá trị và những điều ấy cần có mùa hè để phát triển và bồi dưỡng giúp chúng đạt được kết quả khi mùa thu tới. Khi nỗ lực cạn dần, khi sự sao lãng giăng đầy trong tâm trí, sự phát triển dần nhường chỗ cho trì trệ và bại hoại. Sâu bọ và cỏ dại của cuộc đời tồn tại là để thử thách ý chí thành công của con người và sự xứng đáng của con người đối với những phần thưởng hậu hĩnh mà cuộc đời dành cho chúng.

Lúc này, chúng ta hãy cố gắng thấu hiểu và nhận thức được rằng tất cả những gì tốt đẹp đều sẽ bị tấn công. Đó là cách thức của tự nhiên để đánh giá ai là người xứng đáng có được thành công, có được thành quả tốt đẹp nhất. Cỏ dại của cuộc đời là để biến tự tin thành nghi ngại, tin tưởng thành ngờ vực, kiên nhẫn thành nóng vội, nỗ lực thành ngần ngại, lo âu và cuối cùng dẫn đến thất bại.

Dù muốn dù không, chúng ta cần phải học cách chấp nhận sự tồn tại vĩnh viễn của những điều tiêu cực và đồng thời hiểu rằng sự tiêu cực luôn bị đánh bại bởi những nỗ lực bền bỉ kết hợp với niềm tin và thái độ không ngừng lớn lên của con người. Tất cả mọi thứ, kể cả nghịch cảnh đều đáng được ta coi trọng.

Một điều vô cùng quan trọng là chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ bản thân, vì ở đâu có nghi ngại thì không thể có sự tự tin. Đừng sao lãng bản thân vì đi kèm với sao lãng là thua cuộc. Đừng đánh giá bản thân thấp hơn con người bạn, hay tốt hơn con người bạn, mà hãy luôn tìm cách để trở thành con người mà bạn có thể. Đừng cho phép bản thân trở nên ngạo mạn hay khiếm nhã, đừng dành thời gian nuối tiếc quá khứ mà hãy đầu tư thời gian đó một cách khôn ngoan bằng cách chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn.

Nội dung thứ 6 của quyển sách: Mùa Thu

Mùa thu của cuộc đời là lúc để chúng ta hân hoan và cũng là lúc để tìm kiếm sự khoan dung. Với những người đã gieo trồng dư dả vào mùa xuân, và những người chống lại sâu bọ, cỏ dại, cùng thời tiết của mùa hè, mùa thu có thể đem lại những phần thưởng cho phép chúng ta vui mừng.

Đây là lúc chúng ta thụ hưởng thành quả của những gì mình đã bỏ ra trước đó. Với những người chỉ đứng ngắm mùa xuân đến rồi đi, bỏ ra rất ít nỗ lực để tận dụng quãng thời gian ngắn ngủi của nó, mùa thu có thể là thời điểm hỗn loạn, lo lâu, hối hận ngập tràn. Mùa thu chính là lúc chúng ta nhận ra mùa đông sẽ dài hay ngắn. Mùa thu nói cho chúng ta biết liệu chúng ta có thực sự đã làm những điều cần làm hay chưa.

Đó là: “Gieo nhân nào gặt quả ấy”. Trong tất cả những lĩnh vực của đời sống nhân loại, chúng ta phải nhận thức rằng những gì ta đưa vào thế giới, chúng ta sẽ nhận lại từ nó. Đó là quy luật của tự nhiên, và con người không thể nào năm ngoài quy luật đó. Cả suy nghĩ lẫn hành động đều quyết định kết quả, lối sống và thái độ của con người. Dối trá, sớm hay muộn, cũng sẽ nhận lãnh một sự dối trá tương ứng. Tìm một lối đi dễ dàng hơn mà đánh đổi bằng chất lượng hiển nhiên sẽ dẫn đến thiệt hại do giảm sút lợi nhuận và những đêm thức trắng.

Thiên hướng của con người là hay nhìn nhận những người đang được hưởng thành công là những người trước đây vốn may mắn hoặc kém trung thực. Những người trắng tay sẽ luôn khinh miệt những người giàu có. Những người chê trách người khác vì vận may hoặc sự thiếu trung thực không hề biết về cái giá thường phải trả cho thành công. Họ không nhìn thấy những nỗi thất vọng to lớn, những niềm hy vọng hay những giấc mơ tan vỡ. Họ không hiểu những rủi ro phát sinh trong cả quá trình huy động lẫn đầu tư vốn cho một ý tưởng hãy còn chưa được chứng minh, những vấn đề liên quan tới pháp luật, gánh nặng thuế, những thách thức về lao động, hay những quy định ràng buộc của chính phủ…

Những người chê trách chỉ nhìn thấy và coi thường kết quả mà người khác đạt được nhưng không bao giờ cố gắng để hiểu người khác đã bỏ ra bao nhiêu chi phí, nổ lực, nỗi đau và nước mắt- cũng như nguyên nhân đã tạo ra sự thành công ấy. Chừng nào những kẻ ích kỷ của thế giới còn đay nghiến những người thành công thì những kẻ đó sẽ còn tiếp tục sống trong thất bại.

Vào mùa thu, chúng ta tận hưởng hoặc là dằn vặt tiếc nuối rồi cố gắng biện hộ cho mùa thu ảm đảm của cuộc đời mình.  Đôi khi, để cải thiện kết quả, chúng ta phải cay đắng thừa nhận rằng cánh đồng hiện tại của chúng ta quá nhiều sỏi đá, quá khô cằn, thiếu màu mỡ. Và dù cho việc đổi từ cánh đồng này sang cánh đồng khác màu mỡ hơn là vô cùng khó khăn, thì khó khăn ấy cũng chẳng là gì so với khó khăn tột cùng do không thay đổi.

Nội dung thứ 7 của quyển sách: Mùa đông

Giống như mùa xuân, mùa đông là mùa có thể thoáng xuất hiện nhanh chóng trong bất cứ mùa nào. Giữa mùa hè, khi chúng ta chú ý chăm sóc vụ mùa đã được trồng cấy cẩn thận, mùa đông có thể chớp nhoáng ập xuống đầu chúng ta như thể doạ cướp đi những trái ngọt của nỗ lực. Mùa đông cũng có thể xuất hiện ngay vào mùa của cơ hội (mùa xuân) – và nếu chúng ta không nhanh chóng phản ứng để xoá bỏ ảnh hưởng tiềm tàng từ tính tàn phá của nó, mùa của hy vọng sẽ bị cơn bão cuộc đời tước đi khỏi chúng ta, khiến chúng ta phải chờ đợi thêm một năm nữa. Mùa đông có thể đến sớm trong mùa thu hoạch – mùa thu – ngay khi chúng ta đang chuẩn bị gặt những phần thưởng cho những nỗ lực đã bỏ ra và khiến vụ mùa còn rất ít giá trị.

Bài học lớn đầu tiên của cuộc đời là mùa đông sẽ luôn tới. Không chỉ là mùa đông của giá lạnh, gió rét, và băng tuyết, mà cả mùa đông của con người với tuyệt vọng, cô đơn thất vọng và bi kịch. Khi mùa đông xuất hiện, chúng ta rơi vào một trong hai trạng thái: có chuẩn bị, hoặc không chuẩn bị. Với những người có chuẩn bị, họ đã trồng dư dật trong mùa xuân, canh chừng cây trồng cẩn thận trong mùa hè, và thu hoạch thật nhiều trong mùa thu, mùa đông lại có thể là một mùa cơ hội khác. Đó có thể chúng ta nghỉ dưỡng, bồi bổ cho tâm hồn và thể xác, chuẩn bị đối mặt với một vụ mùa mới.

Có thể nói rằng, mùa đông là quả đắng hay trái ngọt hoàn toàn phụ thuộc vào Xuân, Hạ và Thu. Yên ấm hay lạnh giá với những lo toan, khổ sở thì cũng chính là chúng ta nhận lấy kết quả của chính những hành động hoặc nổ lực, hoặc buông xuôi của chính mình.

Nhưng dù có nếm trái ngọt hay trái đắng thì chúng ta vẫn phải chuẩn bị cho một mùa xuân mới. Và đây là lúc để chúng ta vạch định kế hoạch cho những thay đồi, chuẩn bị bắt đầu cho vụ mùa tiếp theo.

Nội dung thứ 8 của quyển sách: Thất bại-Khởi đầu tuyệt vời nhất

Hầu như tất cả những người từng đứng trên đài cao danh vọng đều đã trải qua những ngày khổ sở, kiệt quệ cả về tinh thần lẫn tài chính.  Trong điều kiện ấy, con người thường trở nên cực kỳ day dứt và quay trở lại thật sâu bên trong mình nhằm gợi lên những tài năng, khả năng, khao khát và lòng quyết tâm, từ đó sẽ thay đổi tương lai để tạo nên những điều tốt đẹp hơn cho bản thân mình. Thời điểm đối mặt với nghịch cảnh chính là lúc mọi thứ bắt đầu thay đổi và bắt đầu từ chính sự thay đổi ở cá nhân con người. Đó là lúc một con người cảm thấy đủ day dứt, khát khao và quyết tâm thay đổi cuộc đời mình.

Điều đáng tiếc là đa số mọi người lại không thay đổi, họ đợi cho hoàn cảnh thay đổi hoặc đổ lỗi cho người khác, hoặc đổ lỗi cho các tình huống. Họ chấp nhận thất bại như thể đắm mình trong thất bại và tự ti như là điều hiển nhiên vậy. Tuy nhiên, nếu ta không đứng dậy chỉ vì một va vấp nhỏ mà để mình tụt mãi lại phía sau nhìn những người khác tiến về phía trước.

Hãy xem thất bại như một bài học cho chính mình, làm nền tảng vững chắc nhất cho thành công của ngày mai.

Đánh giá của người viết về quyển sách: 

Bằng những triết lý gần gũi mà sâu sắc, tác giả cho chúng ta nhìn thấu từng khía cạnh của bốn mùa trong cuộc sống này. Cũng giống như tự nhiên, cuộc đời chúng ta cũng là một vòng tuần hoàn với bốn mùa chứa đủ những cung bậc cảm xúc. Người ta đi qua mùa xuân, gieo mầm cho những hy vọng, che chở cho ước mơ ấy khỏi những rắc rối xảy ra ở mùa hè; đến mùa thu, người ta thu hoạch những trái ngọt và mùa đông, họ sẽ có cơ hội được nghỉ ngơi, hưởng thụ những thành quả mà mình đã tạo ra.

Tuy nhiên, những điều này chỉ đạt được khi chúng ta thật sự trân trọng mùa xuân ngắn ngủi, nổ lực, cần mẫn ở mùa hè. Mọi sự trên đời đều có cái giá của nó. Nếu chúng ta nắm bắt được những quy luật này, những bước chân trên đường đời sẽ ít trắc trở hơn rất nhiều.

Sách ⭐️⭐️⭐️⭐️⭐

Học làm người ⭐️⭐️⭐️⭐️⭐️

Đọc sách thuê

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*