Đà Nẵng áp dụng Chỉ thị 16 tại 4 phường thuộc 3 quận
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khi số ca nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận tiếp tục tăng, chính quyền Đà Nẵng đã quyết định áp dụng Chỉ thị 16 tại 4 phường.
Ngày 16.7, sau khi ghi nhận thêm 40 ca mắc Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Đà Nẵng đã quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại 4 phường trên địa bàn TP từ 0 giờ ngày 17.7, gồm: Thạc Gián, An Khê (Q.Thanh Khê), Hòa An (Q.Cẩm Lệ) và Hòa Khánh Bắc (Q.Liên Chiểu).
Phát biểu tại cuộc họp khẩn vào sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp cần thiết khi áp dụng Chỉ thị 16. “Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm quyết định phong tỏa ở những khu vực có nguy cơ cao”, ông Quảng nói.
Theo Chỉ thị 16, việc cách ly theo nguyên tắc gia đình cách ly gia đình, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ kinh doanh trên địa bàn, trừ dịch vụ thiết yếu và người dân hạn chế ra ngoài khi không thực sự cần thiết.
Nhận định tình hình tại các khu công nghiệp vẫn còn phức tạp, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh đề nghị chính quyền các địa phương, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, chủ động theo dõi, nắm thông tin về nơi lưu trú của công nhân để kịp thời xử lý khi ghi nhận ca mắc hoặc chùm ca mắc mới.
Ông Chinh yêu cầu ngành y tế nhanh chóng tổ chức xét nghiệm trên toàn TP. Các quận, huyện tiếp tục rà soát để khoanh vùng kịp thời.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, đến sáng 16.7, ngành y tế ghi nhận thêm 40 ca mắc Covid-19, liên quan đến 9 chuỗi lây nhiễm trước đó.
Trong đó, Công ty TNHH điện tử Việt Hoa ghi nhận thêm 8 ca mắc mới, nâng số ca mắc tại công ty này lên 27 trường hợp.
Sau khi ghi nhận ca nhiễm, hơn 4.000 công nhân tại công ty này đã được cách ly được lấy mẫu xét nghiệm; hơn 300 F1 cách ly tập trung.
Liên quan đến chuỗi lây nhiễm bệnh nhân Covid-19 V.H.B (P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ), sáng 16.7, ngành y tế Đà Nẵng đã ghi nhận thêm 4 F1 nhiễm Covid-19; liên quan bệnh nhân P.Q (đường Tản Đà, P.Thạc Gián, Q.Thanh Khê) ghi nhận thêm 4 trường hợp mắc mới. Riêng chuỗi lây nhiễm tại chợ Hòa An (Q.Cẩm Lệ), sáng 16.7 ghi nhận 18 ca mắc mới.
Tây Ninh: Thêm 31 ca mắc Covid-19 cộng đồng, giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16
Tây Ninh ghi nhận thêm 31 ca mắc Covid-19 cộng đồng, tỉnh này áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 trên toàn tỉnh và Chỉ thị 16 trên toàn H.Dương Minh Châu và TX.Trảng Bàng cùng 5 địa phương của H.Bến Cầu.
Ngày 14.7, theo báo cáo của Sở Y tế, Tây Ninh ghi nhận thêm 31 ca mắc Covid-19 cộng đồng. Trong đó, H.Dương Minh Châu (17 ca), TX.Trảng Bàng (13 ca) và H.Bến Cầu (1 ca)
Trước tình hình trên, tại cuộc họp với các địa phương, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 trên toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 15.7 và Chỉ thị 16 áp dụng trên toàn H.Dương Minh Châu, toàn TX.Trảng Bàng cùng 5 địa phương ở H.Bến Cầu (TT.Bến Cầu và các xã: Lợi Thuận, An Thạnh, Tiên Thuận, Long Thuận).
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành GTVT kiểm tra, giám sát chặt chẽ người từ TP.HCM và các tỉnh, thành khác về tại các cửa ngõ, tại các địa phương nơi người dân về cư trú. Thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày đối với người về từ TP.HCM và người về từ các khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16… Kiểm soát 100% lái xe vào tỉnh phải có xét nghiệm âm tính và khai báo y tế trung thực.
Các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất. Doanh nghiệp bảo đảm các quy định phòng chống dịch mới được hoạt động, không bảo đảm buộc phải dừng. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải có phương án thực hiện 3 tại chỗ để vừa đảm bảo công tác chống dịch, vừa duy trì sản xuất.
Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng địa phương tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng chống dịch, vi phạm quy tắc 5K, không chấp hành quy định phong tỏa, giãn cách xẫ hội.
Liên quan đến các ca mắc Covid-19 cộng đồng vừa ghi nhận tại Tây Ninh, các đơn vị ngành y tế và các địa phương đang khẩn trương truy vết, khoanh vùng để ngăn chặn nguồn lây.
TP HCM lên ba kịch bản sau 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16
TP HCM có thể tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 sau 10 ngày tới, thậm chí tính tới kịch bản xấu nhất nếu chưa kiểm soát được Covid-19, theo Phó bí thư Thành uỷ.
Phó bí thư thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi đưa ra 3 phương án ngăn Covid-19 tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch, chiều 13/7, sau khi TP HCM hết 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Buổi họp diễn ra khi thành phố ở ngày thứ 5 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Phương án thứ nhất, thành phố kiểm soát và chặn được Covid-19, khi đó có thể sẽ xem xét áp dụng Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 19, hoặc biện pháp “Chỉ thị 16 trừ”.
Phương án thứ hai, TP HCM chưa kiểm soát được Covid-19, dịch vẫn gia tăng. Khi đó, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 một thời gian nữa.
Phương án thứ ba, tình huống xấu nhất, dịch bệnh gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát. Lúc này TP HCM tính các phương án, trong đó có phong toả mạnh mẽ hơn, thậm chí phải sử dụng thêm những biện pháp khác.
“Dù tình huống nào, việc ngăn chặn được dịch lúc này vẫn là thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của từng người dân, từng gia đình, khu dân cư, doanh nghiệp trong những ngày tới”, ông Mãi nói.
Phó bí thư Thành uỷ cho biết thêm trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đang tập trung có 3 tuyến công việc: tầm soát F0, có trọng tâm trọng điểm, tách khỏi cộng đồng nhanh nhất; cách ly, điều trị F0, đặc biệt chú trọng bệnh nhân nặng; tiêm vaccine cho người dân.
Trước thắc mắc dịch bệnh tại TP HCM đã đến đỉnh chưa, ông Mãi hẹn câu trả lời sau 2-3 ngày nữa, khi đã có đủ dữ liệu.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng xác định Chỉ thị 16 không phải là “giải pháp vàng, cứ giãn cách là dịch bệnh giảm”. Ngành y tế xem đây là môi trường thuận lợi để thực hiện các biện pháp quyết liệt.
Theo ông Hưng, TP HCM hiện còn 10 ngày giãn cách xã hội nữa, ngành y tế thành phố phải cật lực thực hiện các biện pháp chống dịch. Trong đó, nhiệm vụ lớn nhất là bóc tách các mầm bệnh đang ở cộng đồng, lọc F1, F2 để truy vết, không chỉ ở khu phong toả mà còn ở các khu trọng điểm.
Ngoài ra, thành phố cần tiếp tục tầm soát, xét nghiệm ở các khu phong toả, ổ dịch và các vùng ven. Việc lấy mẫu cần tầm soát diện rộng nhưng không phải là lấy cho đủ số lượng mà phải có trọng tâm, trọng điểm.
“Gần đây, số ca tăng lên là do tăng cường truy vết, xét nghiệm. Nếu chúng ta làm quyết liệt cùng với sự hợp tác của người dân, thời gian giãn cách xã hội này sẽ góp phần giải quyết tình hình hiện nay”, ông Hưng nói.
Tính đến tối nay, TP HCM ghi nhận tổng cộng 16.573 ca bệnh. Hiện, TP HCM có 10 khu cách ly cấp thành phố, quy mô 15.080 giường, đang cách ly 7.977 người. Ngoài ra, thành phố có 19 bệnh viện dã chiến, hiện lập thêm 5 bệnh viện, quy mô tổng cộng gần 50.000 giường.
TP Vũng Tàu áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 00 giờ ngày 14/7
– Sáng 13/7/2021, thông tin từ UBND TP Vũng Tàu cho biết, bắt đầu từ 00 giờ ngày 14/7 đến hết ngày 27/7, TP sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu Hoàng Vũ Thảnh cho biết, trước tình hình dịch bệnh còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Đảng bộ, chính quyền TP Vũng Tàu đã thống nhất chủ trương, đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận cho thực hiện giãn cách toàn xã hội trên toàn địa bàn TP Vũng Tàu theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 0h00 ngày 14/7/2021 đến hết ngày 27/7/2021.
“Việc áp dụng Chỉ thị 16 nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân và chấp nhận đánh đổi những thiệt hại về kinh tế của TP Vũng Tàu”, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu Hoàng Vũ Thảnh cho biết.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền TP Vũng Tàu, Chủ tịch UBND TP Hoàng Vũ Thảnh gửi lời kêu gọi đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân TP nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về giãn cách xã hội: Không tụ tập đông người; không đi lại nếu không thực sự cần thiết; thực hiện nghiêm quy định 5K trong phòng chống dịch; không gieo tin đồn thất thiệt về dịch bệnh gây hoang mang trong dư luận.
Đặc biệt cần bình tĩnh và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền TP trong công tác ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh. Đảng bộ và chính quyền TP cũng kêu gọi người dân không nên tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm, dễ tạo cơ hội cho hành vi đầu cơ trục lợi, đồng thời mỗi người dân cần đề cao tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cơn đại dịch…
Chỉ thị 16

Sự khác biệt giữa Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 10 của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh
Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 10 của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh là những chỉ đạo về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như việc tập trung đông người, khoảng cách an toàn tối thiểu, hoạt động của các cơ sở kinh doanh, vận tải… Hãy cùng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố nhìn lại sự khác biệt giữa Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 10 của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh được thể hiện ở những nội dung dưới đây nhé.

GIÃN CÁCH XÃ HỘI THEO CHỈ THỊ 15 LÀ GÌ? KHÁC BIỆT VỚI CHỈ THỊ 16?
Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, người dân chuẩn bị tâm lý để thích ứng với quy định giãn cách xã hội. Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 là như thế nào? Nội dung giãn cách theo Chỉ thị 15 và có gì khác so với Chỉ thị 16?
Giãn cách xã hội là gì?
Giãn cách xã hội là phương pháp cách ly địa lý, giữ không gian an toàn giữa người với người, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Khoảng cách an toàn trong giãn cách xã hội được quy định là khoảng 2 mét (tương đương với 2 sải cánh tay) ở cả không gian trong và ngoài trời.
Giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 là gì?
Quyết liệt thực hiện cấp bách các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang lây lan nhanh trong cộng đồng, ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hạn chế tụ tập đông người để kiềm chế, kiểm soát hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó dịch bệnh trên toàn quốc, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe và tính mạng của người dân.
Nội dung quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 quy định các địa phương không được phép tổ chức hoạt động, các sự kiện tập trung từ 20 người trong một phòng; đối với các khu vực bên ngoài công sở, trường học, bệnh viện, không tập trung từ 10 người trở lên; tại các địa điểm công cộng người dân được yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.
Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được yêu cầu ngưng tổ chức các nghi lễ, hoạt động tập trung từ 20 người trở; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Chỉ thị 15 về giãn cách xã hội của chính phủ khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch (vùng dịch) đến các địa phương khác. Ngoài ra, các hoạt động giao thông công cộng được tạm dừng, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa để tránh tập trung đông người. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm đình chỉ hoạt động, chỉ có cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa để phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Quy định thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 bao nhiêu ngày và như thế nào?
Ngày 30/5/2021, cuộc họp về COVID-19 của TP.HCM diễn ra trong bối cảnh TP.HCM có 379 ca nhiễm gồm 177 ca trong cộng đồng, trong đó 16/22 quận huyện có số ca nhiễm liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Từ 0h ngày 31-5, toàn địa bàn TP.HCM thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 15 và 16 (quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12) trong vòng 15 ngày cho đến khi có thông báo mới.

Để bảo vệ sức khỏe gia đình và an toàn cộng đồng, trong thời gian thực hiện chỉ thị 15 giãn cách xã hội, người dân cần thực hiện các quy định của UBND TPHCM về triển khai và hướng dẫn các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội và phòng chống dịch COVID-19 như sau:
- Giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp.
- Người dân cần thực hiện nghiêm túc yêu cầu 5K: đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế, hợp tác với chính quyền thành phố thực hiện theo các yêu cầu, các biện pháp phòng dịch.
- Không tập trung quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
- Khi có nhu cầu di chuyển từ các địa bàn khác qua quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), người dân tìm hiểu về các tuyến đường bị cấm hoặc hạn chế phương tiện để thực hiện theo đúng quy định được hướng dẫn.
- Trong thời gian cả thành phố áp dụng lệnh giãn cách xã hội kéo dài 2 tuần, các thành viên trong gia đình nên hạn chế ra ngoài nếu không thật sự cần thiết.
- Người trên 60 tuổi không nên ra khỏi nhà và hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết;
- Khi có triệu chứng liên quan đến dịch bệnh COVID-19 như sốt, kho khan, mệt mỏi, tiêu chảy, cần đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được kiểm tra theo quy định; khai báo y tế tự nguyện và trung thực về tình trạng bệnh của mình, tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch.
- Cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được mở cửa nhưng chỉ phục vụ hình thức bán hàng mang về.
- Các cơ sở chế biến thức ăn như cửa hàng, quầy hàng kinh doanh, cơ sở chế biến suất ăn sẵn… được hoạt động nhưng phải tuân thủ theo hướng dẫn cụ thể của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.
- Các cửa hàng tiện ích, nhà hàng trong khách sạn được phép hoạt động để phục vụ khách nhưng phải bố trí chỗ ngồi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách từ 2 mét trở lên giữa 2 người, không phục vụ quá 10 người cùng một thời điểm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của cơ quan y tế.
- Dừng tiếp nhận khách đến đăng ký lưu trú tại các cơ sở kinh doanh theo mô hình homestay, AirBnb.
Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với các trung tâm thương mại; siêu thị điện máy; các điểm trò chơi điện tử và casino trên địa bàn thành phố; các bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa có dịch vụ thẩm mỹ phải tạm ngưng hoạt động.
Ngoài ra, nội dung chỉ thị 15 giãn cách xã hội yêu cầu ngừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội. Tạm dừng kế hoạch nhận đăng ký thủ tục cấp căn cước công dân trên địa bàn toàn thành phố, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông cũng được yêu cầu hoãn thực hiện cho đến khi có thông báo mới.
Cập nhật tình hình cách ly xã hội theo chỉ định số 15 của chính phủ tại TP.HCM
Chỉ sau vài giờ có thông tin TP.HCM thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 15, từ chiều 30/5/2021, nhiều người dân đã tranh thủ đến các siêu thị, cửa hàng để mua thực phẩm tích trữ. Tại cửa hàng thực phẩm tươi sống, siêu thị nằm trong khu dân cư bị quá tải phục vụ khách đến mua hàng quá đông. Nhiều gian hàng nhanh chóng hết sạch hàng hóa ngay trong tối cùng ngày. Các nền tảng bán hàng online cũng chứng kiến lượng đơn hàng tăng đột biến, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, dầu ăn, gạo, mì gói, nước mắm,…
Tuy nhiên, theo Chỉ thị số 15, các siêu thị, cửa hàng… vẫn mở cửa hoạt động bình thường với nguồn hàng dồi dào, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân, do đó người dân không cần lo lắng đổ xô tích trữ thực phẩm, không đảm bảo yêu cầu chống dịch.
Theo ước tính mỗi ngày có khoảng 8.000 tấn rau củ quả được nhập và tiêu thụ tại ba chợ đầu mối, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp phân phối lớn đảm nhiệm 30% còn lại. Trung bình mỗi đêm có khoảng 700 tấn thịt heo, 250.000 con gia cầm cùng nhiều mặt hàng thiết yếu khác về thành phố, được duy trì để người dân an tâm cùng chính quyền đả báo thực hiện chỉ thị 15 giãn cách xã hội.
Điểm khác biệt giữa chỉ thị số 15 và 16?
UBND TP.HCM đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên toàn địa bàn thành phố, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 31/5. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 và 16 được áp dụng trong những thời điểm khác nhau. Trong đó, việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được thực hiện ở mức cao hơn, thể hiện sự quyết liệt nhất với biện pháp “cách ly toàn xã hội”.
Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly với phường; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Bảng so sánh sự giữa Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ:
Chỉ thị 15 Ngày 27/3/2020 | Chỉ thị 16 Ngày 31/3/2020 | |
Tập trung đông người | Dừng các sự kiện tập trung trên 20 người 01 phòng. | Cách ly toàn xã hội, mọi người dân phải ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. |
Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện. | Không tụ tập quá 02 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện. | |
Khoảng cách an toàn tối thiểu | 02m | 02m |
Các cơ sở kinh doanh | – Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ.– Chỉ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa. | – Tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ.– Chỉ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa. |
Hoạt động vận tải | – Hạn chế di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác– Hạn chế vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP. HCM đến nơi khác | – Dừng di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác– Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng |
Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Chính phủ giúp hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng. Cùng với kế hoạch quyết liệt hành động của Chính phủ, mỗi người dân cần đề cao chiến lược 5K, chủ động nâng cao thức cộng đồng để đẩy lùi dịch bệnh và sớm ổn định cuộc sống.
TP.HCM giãn cách toàn thành phố theo chỉ thị 16 trong 15 ngày từ 0h 9-7
TP.HCM sẽ áp dụng chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0h ngày 9-7, thời gian áp dụng 15 ngày. Người dân vẫn có thể ra khỏi nhà trong trường hợp cần thiết: mua thực phẩm, thuốc men, thực hiện công vụ.

Chiều tối 7-7, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp công bố một số nội dung chỉ đạo quan trọng về công tác chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố đã vào cuộc quyết liệt và triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, chủ động để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại thành phố và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng virus Delta có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin.
Theo đó, khi một người mắc bệnh chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2-4 người; chủng biến thể Alpha có thể lây cho 7 người khác, thì chủng biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%.
Chính vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thành phố xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch.
Do đó áp dụng chỉ thị số 16 của Thủ tướng 15 ngày trên địa bàn thành phố từ 0h ngày 9-7-2021.
Ông cũng chỉ đạo các sở ngành chỉ đạo tạm ngưng hoạt động các loại hình vận tải công cộng, xe hai bánh kết nối công nghệ với hành khách, xe ôm.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện nay số ca nhiễm COVID-19 tại thành phố tăng nhanh, tuy nhiên nguồn lực của thành phố vẫn đảm bảo, vì vậy thành phố đề nghị người dân không cần tích trữ hàng hóa, không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống.
Người dân thành phố hãy tin tưởng, chung sức cùng lãnh đạo thành phố trong thời gian 15 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Phát huy tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch. Đồng thời ủng hộ, cảm thông khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội.
Ông Phong chia sẻ với những biện pháp được đưa ra trong chỉ thị 10, tiếp đây áp dụng biện pháp theo chỉ thị 16, nếu được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc thì ông tin rằng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.

UBND thành phố giao Sở Y tế chuẩn bị kế hoạch tổ chức để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian thực hiện chỉ thị 16. Trong đó, tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch theo quy trình 5 bước của thành phố (xác định các mốc dịch tễ; bộ phận điều phối truy vết; triển khai truy vết F1; rà soát và hoàn tất danh sách F1; tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm).
Thành lập 22 đội truy vết dịch bệnh, mỗi đội từ 10-30 người tùy theo mức nguy cơ của từng địa phương và giao quyền chỉ đạo đội truy vết này cho các địa phương.
Tăng cường năng lực xét nghiệm, hoàn thành chỉ tiêu lấy 5 triệu mẫu toàn thành phố. Phát huy hiệu quả Trung tâm Điều phối xét nghiệm của thành phố và Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch.
Đồng thời, thẩm định xong và tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với 56.000 lao động vừa cách ly, vừa sản xuất.
Bên cạnh đó, UBND thành phố yêu cầu triển khai kế hoạch điều trị 10.000-20.000 ca nhiễm, theo đó phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế (cấp không triệu chứng, cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình và cấp điều trị bệnh nhân nặng).
Triển khai các giải pháp khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR hỗ trợ công tác truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng, chính xác khi phát hiện trường hợp nhiễm.
Về hàng hóa, hiện nay thành phố đã tạm ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) và một số chợ truyền thống để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố vẫn được duy trì ổn định.
Thành phố giao Sở Công thương đẩy mạnh tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh…), gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Riêng Saigon Co.op đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng…
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, từ ngày 27-4 đến 18h ngày 6-7, thành phố ghi nhận 7.385 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố, trong đó có 45 bệnh nhân tử vong.
Từ 6h ngày 6-7 đến 6h ngày 7-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố ghi nhận 1.693 trường hợp nhiễm, phần lớn là ở khu vực cách ly, khu phong tỏa, có 212 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 682 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.
Hiện đang điều trị 7.118 bệnh nhân dương tính mới. Có 335 bệnh nhân nặng tại 11 bệnh viện, trong đó có 8 trường hợp cần can thiệp ECMO.
Để lại một phản hồi