✅ PHƯƠNG PHÁP HỌC TIẾNG ANH

Đánh giá bài viết post

✅ PHƯƠNG PHÁP LUYỆN NGHE

🔰 Hãy hình dung bạn xem một clip tiếng Anh, có nhiều từ mà bạn nghe không ra. Sau đó nhìn phụ đề hoặc ai đó chỉ cho thì bạn mới ngạc
nhiên, “Ô! Hóa ra là từ này à!”

🔰 Bạn có gặp tình trạng phổ biến đó không? Nguyên nhân đơn giản là bạn chưa dành thời gian đủ nhiều cho từ đó để có thể nhận ra ngay
trong lần nghe đầu tiên. Nếu bạn biết bí mật này, bạn sẽ thấy thật ra việc luyện nghe lại rất dễ, vì thứ bạn cần bỏ ra duy nhất là thời gian.

🔰 Song vấn đề là phải có chiến thuật đúng đắn để tiết kiệm thời gian. Vậy chúng ta sẽ hạ “kẻ địch” này như thế nào bằng phương pháp
“nghe du kích”?

🔰 “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng.” ~ Tôn Tử đã nói thế. Nên sau khi nghiên cứu “kẻ địch” này, tôi chia các từ tiếng Anh khi nghe ra
làm ba vùng như sau:

⭕ Quen thuộc (Q): là những từ đơn giản, thường gặp, nghe một cái là nhận ra ngay. Ví dụ: internet, mobile, family v.v…

⭕ Lạ mà quen (LQ): là những từ chắc chắn bạn đã từng thấy, từng biết. Nhưng vì ít gặp, ít dùng nên nghe không ra, khi được nhìn phụ
đề thì thấy quen lắm. Vd: testimonial, compile, decode…

⭕ Lạ hoắc (L): là những từ bạn có thể gặp lần đầu tiên. Vd: Hullaballoo, Poppycock, Lollygag…

🔰 Hãy lấy bất cứ một cuốn sách bằng tiếng Anh nào và bắt đầu đếm chữ. Nếu đủ kiên trì thì bạn sẽ thấy một sự thật: 80-90% các từ sẽ thuộc vùng
Q và LQ. 10- 20% còn lại sẽ thuộc vùng L, và tỉ lệ phụ thuộc vào thể loại sách mà bạn đang đọc, càng sách chuyên ngành càng sâu thì lượng thuộc vùng L sẽ càng nhiều.

🔰 Tương tự, hầu hết những từ bạn gặp trong cuộc sống, sách vở phổ thông, thường thuộc vùng Q và vùng LQ. Nhiều người nói tiếng Anh
có 3000 từ thông dụng, chỉ cần biết chúng là bạn sẽ giỏi. Không chỉ đơn giản như vậy, vấn đề ở đây là nhớ hoặc biết thôi đều chưa đủ,
bạn phải đảm bảo mình “quen tai” – tức là khi nghe, nhận ra chúng liền, bất kể chúng có trú ẩn ở bất cứ chỗ nào.

🔰 Vì trong một câu có 10 từ, mà bạn nhận ra được 9 từ thông dụng, thì cơ hội hiểu cả câu, hoặc tự đoán ra nghĩa của từ lạ hoắc còn lại sẽ cao
hơn nhiều so với một người hơn bạn ở chỗ biết được cái từ “lạ hoắc” kia, nhưng lại không nghe ra 9 từ thuộc vùng LQ.

🔰 Trăm hay không bằng “tai quen”, một người có thể biết sơ sơ 300,000 từ tiếng Anh, nhưng chưa chắc đã nghe tốt bằng một người
đã thành thục 3000 từ thông dụng và nhận ra được chúng ngay lần nghe đầu tiên. Do vậy, thay vì đi học thêm các từ mới lạ mà chẳng biết
bao giờ bạn sẽ dùng, hãy biến những từ ở vùng “lạ mà quen” trở thành “quen thuộc”. Làm sao để làm điều đó? Sưu tập đủ 800 giờ
nghe ư?

🔰 Cứ cho là trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi một tuần xem một bộ phim nước ngoài, mỗi bộ có thời lượng 100 phút đi. Vậy nhân ra
mỗi người sẽ có 100x10x52=52,000 phút nghe, tương đương với 52,000/60=867 giờ nghe. Theo lý thuyết đó chúng ta phải trở thành những cao thủ nghe tiếng Anh từ đời nào rồi chứ?

🔰 Vấn đề không phải ở số phút bạn xem phim mà là ở số phút bạn dành cho mỗi từ. Nếu mỗi bộ phim có 10,000 từ, vậy bạn sẽ dành 52,000
phút chia cho 10,000 từ là 5,2 phút cho một từ. Thực tế con số này còn nhỏ hơn, vì trên phim thì hầu hết đều là hình ảnh, các câu thoại
rất ngắn. Hơn nữa nội dung phim lại khác nhau nên tỷ lệ lặp lại của một từ nào đó thường sẽ không cao. Nếu tính chi li ra, thì hơn 10 năm
xem phim, bạn may ra chỉ dành 1 phút cho 1 từ là nhiều. Quá ít để có thể hình thành phản xạ trong não bộ.

🔰 Nhưng nếu bạn xem một clip dài 1 phút với 100 từ, xem đi xem lại 100 lần thì sẽ rất khác. Sau một phép tính nhỏ, bạn sẽ thấy chúng ta
chỉ cần mất 100 phút, đã có ngay thành tựu 1 phút/từ của người xem phim 10 năm bên trên. Do vậy, một khẩu quyết rất quan trọng khi tập
nghe là: Thà xem 100 lần clip 1 phút, còn hơn xem 1 lần clip 100 phút!

🔰 Có thể bạn nói việc xem đi xem lại 100 lần clip 1 phút nào đó, có thể sẽ gây nhàm chán. Nhưng hãy nhớ, nhàm chán là một dấu hiệu cho thấy
những từ đó đã trở nên vô cùng quen thuộc! Và đó mới là mục tiêu thực sự của chúng ta.

🔰 Tất nhiên, nếu biết cách chọn clip thì sẽ không nhàm đâu. 1 phút chỉ là tượng trưng, tôi thường chọn clip thuyết trình của các diễn giả
nước ngoài với độ dài 5-7 phút, và nghe đều đặn trong 2 tuần. Tôi làm vậy vì những diễn giả chuyên nghiệp thường sử dụng từ ngữ khá
chuẩn để đảm bảo công chúng đều hiểu. Hơn nữa, nó cũng giúp ích cho công việc của tôi. Đôi khi thuyết trình, tôi thấy có những câu mình nói đầy cảm hứng y như họ!

🔰 Để có thể tìm được những clip như thế, bạn có thể lên TED.com hoặc search google từ khóa “Toastmaster World Champion” và quan trọng
là tìm cách download (hoặc mua) chúng về. Một mẹo nhỏ là bạn nên chuyển định dạng thành file mp3, rồi chép vào trong điện thoại để có
thể nghe bất cứ lúc nào, còn clip chỉ là để xem những lần đầu thôi.

🔰 Lưu ý là trong những lần đầu nghe, hãy cứ xem phụ đề tiếng Anh (hoặc tiếng Việt). Điều này để đảm bảo bạn hiểu và hình dung được
những gì người ta nói trước khi nghe. Điều này rất quan trọng, vì nó sẽ giúp liên kết những ý tưởng trong đầu bạn với ngôn từ trong clip.

🔰 Nếu bạn không hiểu những gì mình nghe, không hình dung ra được, thì một là sẽ bị khó chịu, hai là những ngôn từ đó sẽ chẳng liên kết
vào đâu cả.

🔰 Một chú ý khác là thời điểm nghe cũng khá quan trọng. Để nghe thường xuyên, hãy liên kết với một thói quen nào đó sẵn có. Tôi hay
nghe trước lúc đi ngủ, vì nó sẽ gây ấn tượng mạnh hơn với não bộ.

🔰 Hơn nữa, sau một ngày vất vả, thì một clip truyền cảm hứng giống như là một món ăn nhẹ, làm tinh thần tươi mới.

🔰 Ngoài ra, nếu bạn muốn ngủ ngon hơn, đồng thời tăng trình tiếng Anh ngay khi tỉnh dậy. Bạn có thể Google từ khóa “guided sleeping
audio” – bạn sẽ tìm thấy những audio hướng dẫn cách thư giãn để chìm vào giấc ngủ bằng tiếng Anh. Một địa chỉ tin cậy của tôi là “Paul
Santisi” – ông này có rất nhiều audio free trên youtube mà hay – tôi thích nhất audio ông ấy dành tặng cho bạn hàng ngàn lời khen, với
công nghệ âm thanh 3D rất chân thực.

🔰 Một lần nữa, trăm hay không bằng tai quen, hãy dành tối thiểu 2 tuần để nghe đi nghe lại một clip rồi mới chuyển qua clip tiếp theo. Rồi
bạn sẽ thấy rất khác biệt, rồi bạn sẽ thấy việc nghe tiếng Anh thật ra đơn giản hơn bạn nghĩ rất nhiều.

✅ PHƯƠNG PHÁP LUYỆN NÓI TIẾNG ANH

💐 Bạn còn nhớ đứa bé cất tiếng “ppaaa pppbbaa” chứ? Giả sử bố nó nói, “sai rồi con, papa.” Đứa bé sẽ làm gì? Nó sẽ nghĩ, “Ôi! mình thật là kém cỏi!” và câm nín suốt phần đời còn lại? Không, Đứa bé sẽ nhìn miệng bố nó và nói tiếp “paaaa ppbaa”, “paa pbaa”… cho tới khi có từ “papa” chuẩn bật ra từ mồm nó.

💐 Nếu coi mỗi một lần sai là một lần vấp ngã và kêu đau (Ouch), bạn sẽ thấy những đứa trẻ không ngại những cái Ouch và đứng dậy nhanh
chóng.

💐 “Vấp ngã không đáng sợ, vì sau khi ngã bạn sẽ tiến lên phía trước!”

💐 Một sự thật hiển nhiên, chúng ta đều từng là những đứa trẻ, chúng ta không sợ ngã, không sợ những cái Ouch. Bởi vì thế mà chúng ta liên
tục trưởng thành và tiến bộ… cho tới một ngày, chúng ta bắt đầu sợ ngã. “Tôi nói không tốt lắm”, “Thôi để lần khác cũng được…”

💐 Nếu như cần 800 giờ nghe để bộ não bắt đầu quen với tiếng Anh, thì cần gấp đôi, tức 1600 nói để thành thục. Vậy nếu như bạn
còn sợ sai, và không bắt đầu nói từ ngay hôm nay, thì bao giờ mới đủ số giờ? Do vậy, hãy trở thành OuchMaster (bậc thầy Ouch), hãy đơn
giản là cứ nói trước, rồi sửa sau.

💐 Và tin vui là bạn không cần phải phát âm chuẩn hết cả 1600 giờ đó, nhưng bạn cần những hình mẫu chuẩn. Giống như đứa bé tập nói, nó
cần có bố mẹ là hình mẫu để bắt chước. Bạn cũng vậy, bạn cần một môi trường để nói tiếng Anh, có người nước ngoài thì càng tốt.

💐 Nhưng vấn đề là không dễ để làm điều này khi chúng ta đã lớn (hãy hình dung cảnh bạn tới gặp một người bản ngữ và cất tiếng “Papa!”).

💐 Vậy phải làm sao?

💐 Tạo một thói quen là hễ cứ nghe tiếng Anh là nhại lại trong đầu. Cho tới một ngày, tôi nhận ra việc nói tiếng Anh cũng không khó như mình tưởng!

💐 Sau khi đã nghe clip vài lần hoặc bắt đầu cảm thấy nhàm, hãy làm mới bằng cách nhại lại y hệt những gì bạn nghe được: Từ tốc độ, giọng điệu cho tới cách nhấn nhá. Nếu xung quanh không có ai, bạn có thể nói to, còn không thì nói thầm cũng được, miễn là bạn phải nói!

💐 Có thể ban đầu bạn sẽ không bắt kịp tốc độ, hoặc không hiểu… hãy cứ kệ. Vì điều quan trọng nhất khi bạn tập nói là gì? Không phải là nói
sao?

💐 Vậy thì đừng có nghĩ gì cả, hãy cứ nói, nói, nói… nói sai cũng không sao, vì tới những lần nhại tiếp theo, bạn sẽ tự sửa và làm tốt
hơn.

💐 Mấu chốt ở đây là nghe, và bắt chước, thật nhanh, thật nhiều cho tới khi bạn cảm thấy thật giống thì thôi.

💐 Đến một thời điểm, bạn sẽ bắt đầu nhận ra nếu như bản chất của việc nghe tốt là biến các từ “lạ và quen” thành “quen thuộc”, thì bản chất của việc nói tốt là bạn dùng thành thạo các mẫu câu. Và điều này không phụ thuộc vào việc bạn đi học thêm ở lớp tiếng Anh, hay tự học.

💐 Tôi không phủ nhận việc bạn tới các lớp giao tiếp tiếng Anh, chúng có lợi ích riêng. Nhưng với thời lượng 2 tiếng, cứ cho là giáo viên cho
bạn luyện nói 20 mẫu câu khác nhau, thì bạn chỉ dành khoảng 6 phút cho một mẫu câu.

💐 Thực tế chắc chắn ít hơn, vì lớp còn nhiều hoạt động khác, mà bạn cũng đâu thể nói liên tục, nên nhiều lắm cũng chỉ 2 phút/mẫu câu. Quá ít để thành phản xạ. Điều này giải thích tại sao nhiều người mãi mà không nói được tốt tiếng Anh.

💐 Lợi thế của cách học du kích này là bạn có thể thực hiện liên tục, mọi lúc, mọi nơi, chỉ với một cái di động nghe được MP3. Tốc độ nói của
các diễn giả khoảng 100 từ/phút. Nếu một mẫu câu có 10 từ, thì 1 phút bạn sẽ nghe 10 mẫu câu. Vậy nếu bạn dành 100 phút để nghe và nhại theo một clip 1 phút, thì bạn đã dành 100/10 = 10 phút để luyện một mẫu câu. Gấp 5 lần so với tính toán khi học ở lớp giao tiếp bên trên.

💐 Nếu áp dụng cách này cho các clip bạn yêu thích, nó sẽ giúp bạn gia tăng sự tự tin khi nói chuyện về các chủ đề đó. Còn nếu bạn muốn giao tiếp tốt, hãy Google từ khóa “1000 common English phrases” – bạn sẽ có trong tay 1000 câu tiếng Anh thông dụng, hoàn toàn FREE!

💐 Tóm lại, hãy như những đứa bé. Nghe thật nhiều, bắt chước thật nhiều, nói thật nhiều. Đừng sợ sai, hãy biến lỗi sai thành người thầy
của bạn, và trở thành một OuchMaster. Đọc tới đây, có thể bạn đã tự tin hơn với việc nghe và nói rồi.

✅ PHƯƠNG PHÁP LUYỆN ĐỌC TIẾNG ANH

📗 Sự thật là trí nhớ gắn liền với cảm xúc. Thứ gì bạn thích, bạn sẽ tự động nhớ. Và ngược lại, thứ gì không thích thì sẽ tự động quên. Vậy
tại sao không học tiếng Anh bằng cuốn sách từng làm bạn say mê?

📗 Đơn giản là tìm phiên bản tiếng Anh của nó và bắt đầu đọc. Một cuốn sách nhỏ cũng có ít nhất 20.000 – 30.000 chữ, một cuốn tiểu thuyết
nhỏ khoảng 30.000 – 50.000 chữ. Nếu làm chủ được chúng thì bạn thừa đủ vốn từ để dùng cả đời!

📗 Thay vì đọc cả cuốn sách tiếng Anh, bạn đọc từng đoạn của bản tiếng Việt trước, hình dung rõ ràng trong đầu, sau đó mới đọc đoạn
tiếng Anh tương ứng. Cảm giác đọc tới đâu, hiểu thấu tới đó mà không cần từ điển, thật là sung sướng! Cho nên khi bạn đọc song ngữ
để học tiếng Anh. Hãy nhớ trong đầu ba bước kỳ diệu sau:

  1. Đọc 2-3 câu tiếng Việt
  2. Hình dung rõ ràng trong đầu
  3. Đọc đoạn tiếng Anh tương ứng

📗 Trong quá trình đọc, hãy ghi từ mới tiếng Anh vào ngay phiên bản tiếng Việt (như thế này chẳng hạn). Việc này không chỉ giúp tăng khả
năng ghi nhớ, mà còn bổ trợ cho khả năng viết. Hoặc nếu bạn lười, thì đơn giản là cứ đọc, rồi tự nhiên bạn sẽ thuộc những từ được lặp
lại nhiều nhất.

📗 Khi đã tự tin, bạn có thể thử thách với nhiều câu hơn hoặc cả đoạn, nhưng không nên quá 5-7 dòng. Trừ khi bạn có trí tưởng tượng siêu
phàm, vì mấu chốt của cách này là bạn phải hình dung ra được đoạn vừa đọc trong đầu thật rõ nét, sau đó đọc đoạn tiếng Anh tương ứng
để tạo sự liên kết trực tiếp giữa ý tưởng – ngôn từ.

📗 Có thể bạn sẽ cảm thấy mọi thứ sẽ đơn giản và thú vị hơn khi bạn bắt đầu từ Đô-rê-mon hoặc 7 viên ngọc rồng thay vì những cuốn sách dày cộp. Song hãy cẩn thận. Vì sẽ rất dễ bị sa đà vào việc giải trí, mà quên đi mục đích ban đầu. Hơn nữa, cũng giống như phim, truyện tranh
chủ yếu là hình ảnh và để tránh nhàm chán, tác giả sẽ không dùng quá nhiều từ lặp lại. Trong khi đó, để học tiếng Anh tốt, bạn cần sự lặp đi
lặp lại… cho tới khi nhàm để thành phản xạ.
📗 Do vậy nếu sử dụng truyện tranh, hãy đảm bảo là truyện đó bạn đã từng đọc ngày xưa rồi để không bị cám dỗ bởi việc giải trí. Nếu được,
hãy chọn ra một tập bạn thích nhất, và đọc đi đọc lại cho tới khi nhắm mắt lại cũng có thể biết trang đó nhân vật nói câu gì bằng tiếng Anh.

📗 Còn tốt nhất là nên đọc sách kỹ năng, để áp dụng vào cuộc sống. Hoặc đọc tiểu thuyết, vì tôi cũng đã nghiên cứu và viết tiểu thuyết, tôi biết
để một tác phẩm ra lò không đơn giản, tác giả thường phải dành vài năm để nghiên cứu và chọn lọc câu cú, chưa kể là để xuất bản thì còn
phải qua phòng biên tập chuyên nghiệp, nên độ chuẩn sẽ rất cao.

📗 Tóm lại, những thứ đã từng làm bạn thích, thì cũng có thể làm bạn thích hơn nữa khi biến chúng thành một thứ bổ ích. Hãy đọc song
ngữ cuốn sách, cuốn truyện bạn yêu thích theo từng đoạn một, bạn sẽ thấy vô cùng cảm hứng và khác biệt!

✅ PHƯƠNG PHÁP LUYỆN VIẾT TIẾNG ANH

✏️ Trong các kỹ năng, tôi đánh giá viết là khó nhất. Bởi vì đơn giản là ngay tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ – nhiều người cũng chẳng viết được ra
hồn, huống chi là tiếng Anh? Nhưng ít người biết, viết lại là kỹ năng có thể giúp bạn giỏi tất cả các kỹ năng khác, bao gồm cả nói.

✏️ Nói nhiều chưa chắc đã viết tốt, nhưng viết tốt, rồi sẽ nói tốt. Đây là kinh nghiệm tôi rút ra từ trải nghiệm của chính bản thân mình. Để có
thể thuyết trình được tự tin như bây giờ, tôi bắt đầu từ tập viết, đơn giản là viết ra những gì mình định nói, và tôi thấy mình nói ngày càng tốt hơn. Mà nếu để ý, bạn sẽ thấy khi viết thì chúng ta đang nói chuyện. Nếu không là chính mình, thì cũng là với độc giả tương lai.

✏️ Hơn nữa, có một thực tế là phải dùng nhiều thì mới quen, phải làm nhiều thì mới giỏi. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện tiếp xúc
với tiếng Anh thường xuyên, mà nếu có làm việc trong môi trường nước ngoài thì nhiều khi cũng chỉ là trao đổi xã giao, rồi giải quyết
công việc. Chứ khó mà có chuyện trình độ tiếng Anh tăng lên đột phá.

✏️ Do vậy, viết lách là công cụ hữu hiệu để rèn luyện. Song viết như thế nào? Viết status Facebook bằng tiếng Anh? Viết nhật ký bằng tiếng
Anh? Đó đều là những ý tưởng không tồi. Chỉ có vấn đề duy nhất giống như việc nghe và nói, bạn cần một hình mẫu, bạn cần ai đó sửa
cho bạn, thì mới tiến bộ được.

✏️ Bạn nhớ hồi bé chúng ta tập chép thế nào chứ? Đơn giản là cô đọc thếnào thì trò chép thế thôi. Lúc này, lời cô giáo là hình mẫu của bạn. Tôi
thấy người ta hay chỉ trích việc sao chép, và khuyến khích sự sáng tạo. Tiếng Việt thì tôi đồng ý, nhưng với tiếng Anh, khi bạn nghe nói còn
chưa thành thục thì sao đòi viết tốt được? Người ta nói hãy tập đi trước khi tập chạy, tôi khuyên bạn hãy tập chép trước khi tập viết.

✏️ Nhưng chép thế nào cho hiệu quả? Bạn đăng ký trên website của các diễn giả nước ngoài để được gửi bài viết vào email. Khi đọc thấy có câu nào đó hay hay, anh ấy đánh lại nguyên xi và post lên facebook. Một công đôi việc, vừa có “thầy dạy” miễn phí, còn bạn bè thì tò mò thán phục không biết đồng chí này học ở đâu mà viết lách như gió!

✏️ Bạn có thể bắt đầu subscibe một vài trang có tiếng như: www.lifehack.org; www.earlytorise.com; www. briantracy.com; v.v… để nhận các tin tức
hay về phát triển bản thân. Nếu bạn quan tâm tới thuyết trình, hãy lên trang www.52speakingtips.com và để lại email. Hằng tuần, Craig Valentine – nhà vô địch diễn thuyết thế giới 1999 này sẽ gửi cho bạn một mẹo thuyết trình cực độc, điều hay ho là có cả audio lẫn file pdf. Tôi đã tiến bộ rất nhiều từ 52 mẹo này!

✏️ Mấu chốt của vũ khí du kích này, là bạn phải tự tay viết (hoặc tự đánh máy lại) những gì bạn đọc được, chứ đừng copy paste (vì thế mà tôi
dùng là copy-write chứ không phải là copy-paste). Sau khi bạn tập chép đủ nhiều (ví dụ như chép lại cả một cuốn sách dày mà bạn yêu thích chẳng hạn), tôi tin là bạn đã sẵn sàng tập viết.

❓ Vấn đề lúc này là viết gì?

✏️ Hãy tập đi trước khi tập chạy, song người ta quên mất một bước: tập đi nhanh trước khi tập chạy. Hãy tập đặt câu. Bạn có thể lấy những mẩu giấy nhỏ, ghi những từ vựng mình học được lên đó. Rồi mỗi ngày bốc một vài từ tập đặt câu cho chúng.

✏️ Bí mật ở đây là hãy đặt ra những câu mang cảm xúc để gia tăng khả năng ghi nhớ. Giả sử bạn bốc được từ “ngôi nhà – house”, thay vì đặt câu vu vơ “Đó là ngôi nhà thật bự!” thì hãy đặt “Ngôi nhà tương lai của tôi có hẳn sân đậu máy bay trực thăng!”. Nghe sung sướng hơn hẳn!

✏️ Một cách khác thú vị là bạn có thể bốc thăm mỗi lần 7-10 từ trở lên, sau đó chế ra một câu chuyện thật hài hước và ngô nghê. Cách này không những giúp phát triển khả năng sáng tạo, mà con giúp bạn ghi nhớ cả một loạt từ luôn. Để biết thêm về cách nhớ thú vị này, bạn có thể tham khảo cuốn sách Numagician – Những con số ảo thuật.

✏️ Cách cuối cùng là trả lời những câu hỏi ngẫu nhiên. Bạn có thể ghé thăm trang web phut59.com và tìm mục “hỏi một câu”. Trang web sẽ đưa ra các câu hỏi thú vị, vừa giúp bạn đặt câu, vừa giúp bạn khám phá và tìm hiểu bản thân. Bạn cũng có thể đóng góp câu hỏi của bạn và xem mọi người trả lời như thế nào.

✏️ Vậy là bạn đã trải qua những “vũ khí hạng nhẹ” để học tiếng Anh du kích. Ba mẹo tiếp theo, là những “vũ khí hạng nặng” sẽ giúp bạn phát triển không chỉ là tiếng Anh, mà còn là cải thiện cuộc sống.

💎 Thật khờ dại khi cứ làm đi làm lại cách cũ, mà đòi kết quả mới. Albert Einstein

✏️ Tôi để ý mọi người học ngữ pháp, từ vựng khá rời rạc, dường như chúng không có sự kết nối nào cả. Trong khi đó, những đứa trẻ lớn lên, chúng học tiếng mẹ đẻ thông qua các “câu nói” của mọi người xung quanh, trong những tình huống cụ thể. Chứ ít khi học từng từ hay ngữ pháp riêng lẻ. Nên nó khiến tôi tự hỏi, liệu có cách nào đó học tốt cả ngữ pháp lẫn từ vựng đồng thời không?

✏️ Câu trả lời đã tới. Đơn giản là bạn sưu tầm các châm ngôn hay, rồi mỗi ngày thuộc lòng một câu là đủ. Vừa cảm hứng, lại vừa dễ nhớ hơn là học 10 từ vựng khô khan và không liên quan. Bạn có thể tham khảo trang www.brainyquote.com – đó là một kho châm ngôn khổng lồ được sắp xếp theo chủ đề cũng như tên tác giả, cho bạn tha hồ lựa chọn.

✏️ Ngoài ra, không chỉ là châm ngôn, bạn cũng có thể sưu tầm những lời khẳng định tích cực. Đây cũng là cách giúp tự tin hơn mà tôi thấy không diễn giả nào không đề cập tới. Bạn thử đọc những câu sau nhé!

♥ Tôi là một đứa trẻ độc đáo của trái đất này.

♥ I am a unique child of this world.

♥ Tôi tha lỗi cho bản thân cũng như mọi lỗi lầm của mình.

♥ I forgive myself for all the mistakes I have made.

♥ Hôm nay sẽ là một ngày tuyệt vời và đáng nhớ.

♥ Today will be a gorgeous day to remember.

✏️ Chỉ cần google từ khóa “100 affirmations” là bạn sẽ tìm ra vô số những lời khẳng định mang đầy tính khích lệ như vậy. Ngày xưa khi biết tới tuyệt chiêu này, tôi đã in ra và đọc thật to chúng trên sân thượng (thi thoảng trong phòng vệ sinh) trong 6 tháng liền. Hiệu quả thật bất ngờ.

✏️ Tóm lại, thay vì học từ vựng hay ngữ pháp riêng lẻ. Hãy học những mẫu câu hoàn chỉnh. Và nhớ rằng bạn sẽ trở thành những gì bạn suốt ngày nghĩ về nó, do đó hãy lựa chọn những câu tích cực để học thuộc lòng nhé bạn!

✅ WIT LÀ GÌ VẬY ?

⛅ Nếu tra từ điển Anh-Việt, bạn sẽ thấy nghĩa của nó là sự thông tuệ. Nếu tra từ điển Fususu, thì đây đơn giản là viết tắt của “What Is This”. Một cách mở rộng vốn từ hiệu quả nhất mà tôi từng biết!

⛅ “Đây là gì?” – Một câu hỏi đơn giản, một vũ khí tuyệt vời đã giúp cho không biết bao nhiêu thế hệ trẻ em thành thục tiếng mẹ đẻ.

⛅ Ngay bây giờ, hãy thử nhìn những đồ vật xung quanh bạn… Bạn có chắc mình biết hết tên tiếng Anh của chúng không? Nếu không, có lẽ những từ bạn đang học hơi xa rời thực tiễn.

⛅ Hãy tập thói quen nhỏ là mỗi lần bạn bước vào phòng, chọn một đồ vật bất kỳ rồi tự hỏi “What is this?” Nếu bạn bật ra câu trả lời mau chóng, thì tốt. Nếu chưa có câu trả lời, thì bạn biết cần làm gì rồi đấy. Hãy tra từ điển ngay!

⛅ Cách làm này tuy đơn giản, song rất hiệu quả. Vì thứ nhất, bạn là người chủ động tìm kiếm từ đó. Thứ hai, chúng sẽ là những từ rất gần gũi với nên chắc chắn sẽ hữu ích, bạn sẽ dùng nó trong tương lai. Chẳng hạn khi có một người nước ngoài tới tham quan chẳng hạn.

⛅ Khi đồ đạc xung quanh và câu hỏi “What Is This” không còn là thử thách với bạn, hãy tăng độ khó lên bằng các câu hỏi cao cấp hơn như:

🌳 Ngay khi thức dậy hỏi “What is the most important thing to do today?” (Hôm nay có điều gì quan trọng nhất phải làm?) Đây là câu hỏi không thể thiếu của những nhà quản lý thời gian hiệu quả.

🌳 Thi thoảng trong ngày tự hỏi “What am I doing?” (Mình đang làm gì nhỉ?) Câu hỏi này sẽ giúp bạn ý thức về thực tại, và thi thoảng có thể giúp bạn tách ra khỏi những cám dỗ như: chơi games, xem TV…

🌳 Khi gặp ai đó “What is he/she doing?” (Anh ta/cô ta đang làm gì thế?) hoặc đi trên đường thấy điều gì đó “What is happening?” (Chuyện gì xảy ra vậy?) Câu hỏi này giúp bạn rèn luyện khả năng quan sát, và mô tả được những hiện tượng xung quanh mình.

🌳 Trước khi ngủ đặt câu hỏi “What makes me proud today?” (Điều gì làm mình tự hào hôm nay?) Câu hỏi này giúp bạn gia tăng lòng tự trọng, rèn luyện tư duy tích cực và ngủ ngon hơn.

⛅ Bạn có thể tự soạn hoặc Google từ khóa “100 important questions” bạn sẽ có được những câu hỏi vô cùng thú vị. Nhưng hãy nhớ câu hỏi quan trọng nhất để mở rộng vốn từ vẫn là “What Is This?” nhé!

🍀 Chú ý: Mục đích của chúng ta là mở rộng vốn từ, nên khi trả lời bằng tiếng Anh, bạn không nhất thiết đảm bảo đúng ngữ pháp 100%. Chỉ cần bật ra trong đầu một vài từ khóa quan trọng là được, và nếu không biết từ đó là gì, hãy tra từ điển. Do đó, hãy luôn mang từ điển Việt-Anh bạn nhé, hoặc cài vào SmartPhone là đơn giản nhất.

✅ THÁI ĐỘ HỌC QUAN TRỌNG HƠN TẤT CẢ

😀 Hãy nhớ rằng thái độ học ngoại ngữ mới là điều quan trọng nhất.

😀 Khi bạn có một thái độ học đúng đắn như sự tập trung, sự yêu thích, sự vui vẻ, sự độc lập thì bạn đã thành công phần lớn rồi.

✅ Học ngôn ngữ không liên quan đến tài năng bẩm sinh

🌈 Trên thế giới có khoảng 1.000.000.000 người sử dụng được tiếng anh thành thạo. Vậy tất cả họ đều có tài năng bẩm sinh sao. Tất nhiên là không
rồi.

🌈 Học ngôn ngữ hoàn toàn không liên quan đến tài năng bẩm sinh. Tất cả là do sự luyện tập mà thành công.

✅ Càng tự do càng tốt

💐 Tự do ở đây có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Người học phải nỗ lực để trở nên càng độc lập càng tốt, để không bị phụ thuộc vào những lời giải thích của giáo viên, độc lập khỏi những bài khoá trong sách giáo khoa, độc lập khỏi lớp học ngoại ngữ.

💐 Đương nhiên thì giáo viên là người có vai trò dẫn dắt, giải đáp thắc mắc, khuyến khích động viên chúng ta và thi thoảng giải thích thêm về thứ tiếng chúng ta đang học.

💐 Nhưng vai trò đó càng bé nhỏ bao nhiêu càng tốt, người học phải là trọng tâm!

💐 Người học nên tự do chọn lựa mình muốn học tài liệu nào, chọn từ hay cụm từ nào để học, hay tự chọn hoạt động học mà phù hợp với tâm trạng của mình và đa dạng hoá các hình thức học theo ý muốn của mình.

✅ Luôn luôn có thời gian để học tiếng Anh

🌸 Mỗi người học phải chủ động sắp xếp thời gian để dành cho việc học tiếng Anh.

🌸 Bạn tập trung nhiều thời gian vào việc gì thì việc đó đơm hoa kết trái, đó là quy luật của tự nhiên.

🌸 Bạn không thể trồng cây đào nhưng mong nó ra quả táo hay quả cam được. Nhưng thực tế nhiều người vẫn đang làm vậy, họ dành nhiều thời gian cho facebook, bạn bè, đi chơi, họ lấy lí do “bận công việc”, ….

🌸 Tất cả chỉ là sự biện minh cho một mong muốn không rõ ràng của bạn.

🌸 Mỗi ngày con số ước lượng trung bình để bạn đạt được mục tiêu là bạn sẽ phải dành 2h học. Hoặc học xen kẽ mỗi ngày một ít, 1 tuần hoặc 1 tháng học cao độ trong nhiều tiếng.

🌸 Nói cách khác, tiếng Anh trong một khoảng thời gian nào đó phải là mục tiêu ưu tiên trong tất cả mọi việc bạn làm, có như vậy thì kết quả đạt được mới tương xứng với mong muốn của bạn.

✅ Chấp nhận sự không chắc chắn

🌹 Để trở thành người học ngoại ngữ hiệu quả bạn phải biết chấp nhận sự “không chắc chắn”.

🌹 Bạn phải chấp nhận sự thật rằng sẽ luôn luôn có vài từ bạn không hiểu hết, và có thể có những từ bạn phát âm sai hay một vài chỗ ngữ pháp khó hiểu.

🌹 Sẽ có lúc bạn không diễn đạt được hết ý mình, hoặc không diễn đạt được rõ ràng và tinh tế theo cách mà bạn muốn.

🌹 Chính vì thế bạn phải luôn tâm niệm rằng đừng mong chờ sự hoàn hảo từ bản thân bạn, nhưng luôn luôn nỗ lực học hàng ngày để cải thiện.

🌹 Học cách chấp nhận sự “không chắc chắn” chính là một trong những nét hấp dẫn của việc học ngôn ngữ.

✅ Tiếng Anh phải là ưu tiên số 1

🌺 Để nói được hay sử dụng được tiếng Anh theo cách bạn mong muốn, điều đầu tiên cần làm đó là đặt Tiếng Anh làm ưu tiên SỐ MỘT trong tất cả các mục tiêu trong cuộc sống của bạn.

🌺 Quy luật để đạt được một thứ gì đó thực ra rất đơn giản, đó là TẬP TRUNG. Có nghĩa là bạn phải dồn toàn bộ sức lực, thời gian, mọi thứ cho
tiếng Anh, đến khi bạn đạt mục tiêu mới thôi.

✅ “Cảm âm” trước khi bạn tập phát âm

🌼 “Cảm âm là gì?”. Đây là một khái niệm tôi đưa ra để phá bỏ cái suy nghĩ sai lầm của nhiều bạn là học phát âm thì phải cố luyện từng âm đơn lẻ.

🌼 Cảm âm là khả năng nhận thức rõ được các âm nào đang được phát lên trong cả một câu nói.

🌼 Hệ thống âm thanh trong tiếng Việt và tiếng Anh khác nhau cũng tương đối, có những từ trong tiếng Anh bạn không biết cách đọc nhưng lại lấy âm tiếng Việt ra để đọc thay là hoàn toàn sai lầm.

🌼 Âm điệu trong hai thứ tiếng này cũng rất khác nhau.

🌼 Một từ tiếng Anh có trọng âm, nghĩa là âm được đọc to và nhấn mạnh hơn so với những âm còn lại.

🌼 Một từ tiếng Anh có thể có 2 âm tiết (English), 3 âm tiết (banana), 4 hay thậm chí 5 âm tiết (pronunciation).

🌼 Tiếng Anh giống như âm nhạc, khi một câu tiếng Anh vang lên thì nó giống như một câu hát vang lên vậy, có âm trầm âm bổng, luyến láy.

🌼 Ví dụ: “I really want to master English pronunciation” (14 âm tiết).

🌼 Âm điệu và cách nói trong thực tế còn có sự thay đổi do có sự biến âm (đọc không giống từ điển), nuốt âm (bị mất âm tiết), chưa kể đến tốc độ nói trong thực tế của người bản xứ cũng là một rào cản khiến bạn thấy rằng “toàn từ học rồi mà vẫn không hiểu người ta nói gì”.

🌼 Chính vì vậy, bạn cần phải bắt đầu nghe thật nhiều để “quen tai” trước khi bắt tay vào học.

✅ Bắt đầu từ đâu, nghe như thế nào? Nghe trong bao lâu là đủ?

🌴 VOA English là một kênh khá hữu dụng để luyện chép chính tả vì người phát thanh viên nói ở tốc độ chậm và đồng thời có text chạy ngay ở
bên dưới.

🌴 Hoặc bạn cũng có thể tìm bất cứ audio nào có text đi kèm, mở lên hết 1 câu rồi ghi lại câu bạn nghe được xuống dưới, nghe tối đa 3 lần.

🌴 Sau đó kiểm tra lại với bản gốc. Tiếp tục nghe bài đó ít nhất 50 lần (học trong vòng 1 tuần), sau đó chép chính tả lại 1 lần nữa.

🌴 Cứ làm như vậy khoảng từ 20 – 30 bài thì trình độ nghe chi tiết của bạn sẽ tốt lên rất nhiều.

🌴 Làm tự nhiên như vậy, tự động điểm TOEIC sẽ tăng. (vì phần thi TOEIC có nghe chi tiết).

Xem thêm bài viết :

Gia sư Toeic

✅ Yếu tố then chốt của học nói Tiếng Anh

🌵 Then chốt của việc học nói nằm ở UNDERSTANDABLE, INTERESTING AND REPETITIVE INPUT (tài liệu học hiểu được, thú vị
và lặp đi lặp lại).

🌵 Cần hội tụ cả ba yếu tố này. Nếu bạn nghe cái gì đó quá khó, bạn không hiểu được thì bạn cũng không học được gì cả.

🌵 Đó là lí do vì sao bạn xem phim hoài, nghe TV shows hoài mà vẫn không khá lên được, bởi vì chúng quá nhanh và quá khó so với trình độ của bạn.

🌵 Bạn cần nghe chủ yếu là các tài liệu dễ (hiểu được trên 95%) thì khả năng nói sẽ tiến bộ nhanh hơn rất nhiều.

🌵 Thường thì chúng ta học một bài chưa đủ sâu, nghĩa là chưa đủ số lần lặp lại. Bạn cần nghe tần suất xuất hiện nhiều lần của một từ và một cấu trúc ngữ pháp trước khi bạn có thể hiểu chúng ngay tức thì.

🌵 Lặp lại bao nhiêu thì là đủ, đương nhiên là càng nhiều càng tốt.

🌵 Hầu hết người ta nghe một từ 30 lần thì mới nhớ được từ đó, còn để hiểu ngay lập tức và có thể sử dụng được, bạn cần nghe từ đó từ 50-100 lần, thậm chí nhiều hơn như vậy.

🌵 Đó là lí do vì sao bạn cần quan tâm tới CHẤT LƯỢNG bài học, học đã đủ kĩ hay chưa, chứ không phải là mình đã học được bao nhiêu bài (số lượng).

🌵 Bạn có thể đa dạng hoá hoạt động học như nghe phim có phụ đề tiếng Anh, nghe truyện thiếu nhi bằng tiếng Anh, đọc tiểu thuyết tiếng Anh, nghe những đoạn hội thoại dễ, nhưng hãy chọn ra một bài hoặc một đoạn phim học ít nhất trong vòng 14 ngày, đến lúc bạn có thể nói lại mà không cần nhìn hoặc cố nhớ thì có nghĩa là bạn đã đạt tiêu chí học đủ sâu để có thể DÙNG được tiếng Anh!

🌵 Để nói được tiếng Anh, bạn cần lặp lại đủ số lần các cấu trúc câu đơn giản, phổ biến và tài liệu học phải sinh động thú vị.

🌵 Nếu các bạn luyện nghe hời hợt, hôm nay học bài 1 mai chuyển ngay sang bài 2 thì khả năng bạn nói được tiếng Anh là còn rất lâu nữa.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*