
Mục Lục
Sách về trẻ tự kỷ
Những năm gần đây tỉ lệ trẻ em Việt Nam có rối loạn phổ tự kỷ được phát hiện ngày càng tăng.
Mặc dù đa số trẻ có thể hòa nhập và có một cuộc sống tương đối bình thường nếu được phát hiện và can thiệp sớm, nhưng ở nước ta rất nhiều trẻ còn được can thiệp muộn hoặc thậm chí không được can thiệp, đặc biệt là trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi.
Đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên về lĩnh vực giáo dục can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ còn rất ít.
Các cơ sở giáo dục chuyên biệt hầu như chỉ có ở các thành phố. Bố, mẹ và gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục can thiệp cho trẻ nhưng đa số các phụ huynh rất lúng túng vì thiếu kiến thức.
Tài liệu hướng dẫn can thiệp giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam, đặc biệt là những tài liệu hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” không nhiều.
Sách nhằm cung cấp cho các bậc cha mẹ, ông bà và người chăm sóc trẻ những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất, thực tế nhất, dễ áp dụng nhất để có thể hướng dẫn, giáo dục can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ tại nhà.
Sách của các tác giả nước ngoài – những chuyên gia, huấn luyện viên có chứng chỉ quốc tế về can thiệp và chăm sóc trẻ tự kỷ – được dịch sang tiếng Việt.
Trẻ em chính là quà tặng của Thượng Đế, hay như dân gian vẫn gọi “con cái là lộc trời cho”, là những mầm sống chứa đựng biết bao ước mơ và hy vọng của ba mẹ chúng.
Chăm sóc những em bé bình thường vốn đã không đơn giản. Nuôi dưỡng những em bé đặc biệt có lẽ là một “sứ mệnh” mà khó có ngôn từ nào diễn tả được hết ý nghĩa thiêng liêng của nhiệm vụ ấy.
Như chính tác giả Cara Kosscinski – chuyên gia trị liệu hoạt động đồng thời là mẹ của hai người con tự kỷ – tâm sự: “Khi mới bắt đầu sự nghiệp trị liệu hoạt động, tôi không ngờ rằng tôi sẽ trải qua câu chuyện của chính mình.
Chứng kiến con mình lớn lên, tôi nhận ra con có những dấu hiệu rõ ràng và trầm trọng trong việc chậm phát triển kỹ năng xã hội và xúc cảm.
Cậu bé dần dần bỏ lỡ tất cả các mốc phát triển của một em bé bình thường, có những cơn giận dỗi kinh hoàng và càng ngày càng xa cách.
Bất lực và đầy lo lắng, tôi đem những câu hỏi của mình đi khắp nơi nhưng không nhận được câu trả lời. Khi đứa thứ hai ra đời, tôi biết cả hai con đều khác với các trẻ em cùng trang lứa. Không lâu sau, cả hai đều được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn cảm giác, bệnh lý ti thể, rối loạn nhai nuốt.
Những năm tháng sau đó là chuỗi ngày sống chung với lịch trình trị liệu mệt nhoài, xen lẫn là những cảm xúc vui buồn. Tôi đã biết thế nào là cuộc sống cùng những đứa trẻ gặp khó khăn với những công việc tưởng chừng như đơn giản thường ngày.
Tôi đã thực sự trải qua cảm giác hạnh phúc khi con chạm tới một dấu mốc nhỏ xíu và tan nát khi con từ chối hoặc chống cự. KHÔNG dễ dàng, nhưng có ai đó nắm lấy tay bạn, dẫn lối cho bạn đi là vô cùng quan trọng”.
Giống như những bàn tay dẫn lối, Series sách cho trẻ tự kỷ này chắc chắn sẽ là những cuốn “cẩm nang” bổ ích cho nhiều gia đình, nhất là các gia đình ở các vùng nông thôn ít có điều kiện tiếp xúc với Internet, những vùng chưa có các trung tâm giáo dục chuyên biệt cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ.
Đồng thời những cuốn sách này cũng là những nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các cán bộ mới bắt đầu bước vào lĩnh vực can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ.
Thúc đẩy giao tiếp – 300 trò chơi và các hoạt động cho trẻ tự kỷ

Thể loại: Khoa học đời sống
Số trang: 212
Khổ: 13,5×20,5cm
Tác giả: Simone Griffin – Dianne Sandler
Người dịch và hiệu đính: Trần Bích Phượng, Nguyễn Kim Diệu
Giá bìa: 79.000đ
ISBN: 978-604-56-6078-2
Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành trên toàn quốc tháng 4 năm 2018
Thúc đẩy giao tiếp là một công cụ hoàn hảo để hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc và các chuyên gia trong việc thúc đẩy và phát triển các kỹ năng giao tiếp của trẻ em có rối loạn ở tất cả phổ tự kỷ.
Đây là một cuốn sách chứa đựng đầy các ý tưởng thực tế và thú vị cùng với các hướng dẫn thực hiện tạo động lực cho trẻ em tự kỷ và trẻ em có các khó khăn trong giao tiếp. Cách thức trình bày rõ ràng, thân thiện tạo điều kiện cho người đọc tiếp cận nhanh với 300 trò chơi và các hoạt động thực hành rất thú vị để phát triển các kỹ năng giao tiếp của con bạn
Cuốn sách gợi ý những cách sáng tạo để sử dụng đồ chơi và các đồ vật hằng ngày. Ví dụ, nếu con bạn thích thổi bong bóng, có thể con cũng muốn đếm bóng, dùng cây đũa bắt bong bóng, giẫm bong bóng bằng chân hoặc thậm chí chơi bóng chuyền bong bóng! Những ý tưởng sáng tạo trong cuốn sách này đã được phát triển qua hơn 40 năm kinh nghiệm lâm sàng và giáo dục, và được thiết kế để cho cả người lớn và trẻ em cùng vui chơi. Tất cả các tài nguyên được đề cập trong cuốn sách này đều có sẵn và có thể được sử dụng để nâng cao kỹ năng giao tiếp ở tất cả các cấp, từ tiếp cận với một vật dụng, đến mở rộng giao tiếp bằng lời nói.
Tác giả:
Simone Griffinlà một chuyên gia âm ngữ trị liệu đã có mười năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em mắc hội chứng tự kỷ tại Úc, Vương quốc Anh và Canada;
Dianne Sandler hiện làm giáo viên chuyên biệt tại Anh. Cô đã làm việc với trẻ tự kỷ ở mọi lứa tuổi và những người có nhu cầu phức tạp trong 30 năm qua. Dianne cũng đã thiết kế một số đồ chơi hiện đang được bán trên thị trường cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt.
“Trẻ mắc chứng tự kỷ thường có xu hướng sống trong thế giới của riêng mình, không có động lực nhiều như những đứa trẻ khác trong việc giao tiếp và nói. Tuy nhiên, có một số các hoạt động có thể làm tăng động lực giao tiếp và hỗ trợ trẻ tham gia các trò chơi tập thể.
Cuốn sách tuyệt vời này có 300 trò chơi và các hoạt động rất vui cho trẻ và cả người lớn. Cha mẹ, thầy cô và các nhà trị liệu sẽ thường xuyên xem quyển sách này để có được những lời khuyên có giá trị và các ý tưởng sáng tạo.
Nếu như bạn không chắc trò chơi nào để chơi với trẻ tự kỷ, cuốn sách này sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều các ý tưởng thực hiện và các lời khuyên có giá trị”.
- Tony Attwood, tác giả cuốn Hướng dẫn toàn diện đối với hội chứng Asperger.
“Chơi là một công cụ thành công nhất trong việc dạy trẻ em có khó khăn trong giao tiếp phát triển các kỹ năng giao tiếp một cách hiệu quả. Cuốn Thúc đẩy giao tiếp là một tập hợp các trò chơi và hoạt động dễ thực hiện mà thông qua việc thực hiện nó một cách vui thích, các thành viên tham gia nắm bắt được các cơ hội học qua thực tế, qua các tình huống cũng như với các đồ vật hàng ngày. Tuyệt vời!”
- Linda Hodgdon, M.Ed, CC-SLP, chuyên gia tư vấn về tự kỷ và nghiên cứu về âm ngữ
“Một cuốn sách tuyệt diệu, gồm các lời khuyên thực tế được dựa trên các bằng chứng tốt nhất hiện có. Được viết theo cách thức rõ ràng, dễ hiểu và tươi mới là cách thức cuốn sách tiếp cận vấn đề trẻ em với hội chứng rối loạn phổ tự kỷ và liệu pháp chữa trị. Tôi tin chắc rằng cuốn sách sẽ trở thành một tài liệu tham chiếu chuẩn cho cha mẹ và đội ngũ y tế”.
- Peter Szatmari, giáo sư về bệnh học tâm thần ở trẻ em, Đại học McMaster, Canada.
“Simone Griffin đã tập hợp một cách hệ thống các tài liệu và các chiến lược dạy trẻ tự kỷ trong cuốn Thúc đẩy giao tiếp! Các bậc cha mẹ và các nhà chuyên môn sẽ tìm thấy một loạt các đồ vật thông thường nhưng rất thú vị được sử dụng theo các cách sáng tạo để khích lệ chức năng giao tiếp ở trẻ em mắc hội chứng tự kỷ và có các khuyết tật liên quan. Cuốn sách được sắp xếp khoa học và sẽ giúp cho người đọc tìm thấy nhiều các gợi ý làm thế nào để thiết kế các bài học nhằm khích lệ kỹ năng giao tiếp ban đầu cũng như phát triển chúng. Việc xây dựng các hoạt động thành các trò vui được tác giả hết sức quan tâm – một điểm quan trọng trong việc củng cố giao tiếp trong các hoạt động tập thể đang xảy ra ngày càng nhiều”
- Dr. Andy Bondy, Chủ tịch và đồng sáng lập công ty Pyramid Educational Consultants, Inc.
Can thiệp phổ tự kỷ hằng ngày – Kết hợp giáo dục trong những hoạt động hằng ngày cho trẻ và gia đình

Thể loại: Khoa học đời sống
Số trang: 276
Khổ: 15,5×23,5cm
Tác giả: Merle J. Crawford,
Barbara Weber
Người dịch: Hoàng Quốc Chính,
Nguyễn Hồng Thanh,
Lương Hoàng Long,
Hiệu đính: Nguyễn Thanh Liêm,
Hoàng Thu Trang
Giá bìa: 85.000đ
ISBN: 978-604-56-5837-6
Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành trên toàn quốc tháng 4 năm 2018.
Mục tiêu của cuốn sách này là cung cấp cho nhà trị liệu can thiệp sớm những chiến lược và phương tiện họ có thể dùng để huấn luyện phụ huynh và người chăm sóc nhằm khuyến khích sự phát triển những kỹ năng quan trọng và quản lý những hành vi khó, tập trung vào những kỹ năng thực tế và thách thức đối với trẻ tự kỷ. Những kỹ năng này cung cấp nền tảng cho việc học cách tương tác, giao tiếp, và tham gia vào các hoạt động ở nhà, ở trường, và ở nơi công cộng, thông qua những hoạt động hằng ngày của trẻ và gia đình.
Có rất nhiều sách viết về phổ tự kỷ, và có một số tập trung vào trẻ nhỏ tuổi. Cuốn sách này độc đáo ở chỗ nó kết hợp nghiên cứu, phương thức huấn luyện, những chiến lược dựa trên bằng chứng khoa học, và cách giải quyết vấn đề dựa trên những tổng kết mà các tác giả có được sau nhiều năm làm việc để giúp đỡ nhà trị liệu và sau cùng chủ yếu là phụ huynh và trẻ. Thêm vào đó, cuốn sách còn có những lời khuyên từ phía cha mẹ có con tự kỷ và từ người trưởng thành với phổ tự kỷ về những vấn đề quan trọng mà nhà trị liệu can thiệp sớm cần biết. Đây thực sự là tài liệu hữu ích giúp nhà trị liệu, gia đình, và những người chăm sóc và làm việc cùng trẻ tự kỷ hoặc trẻ với những thách thức về hành vi và/hoặc học tập nhận ra tầm quan trọng của phân tích hành vi cũng như cung cấp những chiến lược giáo dục đặc biệt để giúp trẻ tối đa hóa tiềm năng của mình.
Tác giả:
- Merle J. Crawford, M.S., OTR/L, BCBA, CIMI là một chuyên gia trị liệu hoạt động sở hữu một trung tâm trị liệu ở trung tâm bang Pennsylvania. Bà có bằng cử nhân khoa học về giáo dục đặc biệt và giáo dục tiểu học và bằng thạc sĩ trị liệu hoạt động. Bên cạnh đó bà còn có các chứng chỉ sau đại học về phân tích hành vi ứng dụng và phổ tự kỷ. Bà được huấn luyện bài bản về can thiệp dựa trên mối quan hệ, có chứng nhận của Hội đồng chuyên khoa về phân tích hành vi và huấn luyện xoa bóp trẻ sơ sinh. Crawford làm việc chủ yếu với trẻ sơ sinh và mẫu giáo bé trong can thiệp sớm, và kết hợp những chiến lược từ những khóa đào tạo khác nhau khi huấn luyện gia đình và làm việc với trẻ.
- Barbara Weber, M.S., CCC-SLP, BCBA là nhà bệnh học về ngôn ngữ và sở hữu một trung tâm trị liệu ở trung tâm bang Pennsylvania. Bà có bằng cử nhân và thạc sĩ về khiếm khuyết giao tiếp và chứng chỉ sau đại học về phân tích hành vi ứng dụng. Bà đồng thời có chứng chỉ năng lực lâm sàng từ Hiệp hội Nghe – Ngôn ngữ – Nói Hoa Kỳ cũng như chứng nhận của Hội đồng chuyên khoa về phân tích hành vi. Hơn 30 năm qua bà đã làm việc với nhiều trẻ và người trưởng thành với nhiều loại khiếm khuyết khác nhau tại trường học, trung tâm y tế, và nhà riêng. Weber tập trung thực hành lâm sàng với trẻ sơ sinh và mẫu giáo bé, cũng như các quá trình hợp tác để giúp các gia đình kết hợp những chiến lược can thiệp dựa trên hoạt động hằng ngày.
Hướng dẫn cha mẹ thực hành trị liệu hoạt động cho trẻ tự kỷ – Thực hành kỹ năng vận động, phối hợp cảm giác, tự đi vệ sinh…

Thể loại: Khoa học đời sống
Số trang: 196Khổ: 13,5×20,5cm
Tác giả: Cara Koscinski
Người dịch: Trần Thị Bích Ngọc, Đỗ Tiến Sơn
Người hiệu đính: Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Đình Dũng
Giá bìa: 73.000đISBN: 978-604-56-6079-9
Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành trên toàn quốc tháng 4 năm 2018.
Cuốn sách này sẽ không có các thuật ngữ hay những từ chuyên môn phức tạp, mỗi câu hỏi đều được giải đáp với những từ dễ hiểu và thông dụng. Nó sẽ cung cấp toàn diện những khó khăn thường gặp ở nhóm trẻ giáo dục đặc biệt. Cha mẹ của những trẻ bình thường cũng có thể tìm hiểu để xây dựng hành vi, cảm giác và xúc giác của con em mình.Với chủ đề đa dạng, từ tiến trình xử lí cảm giác đến kĩ năng viết, kĩ năng đi vệ sinh… cuốn sách này thực sự là một cuốn cẩm nang bỏ túi dành cho các bậc phụ huynh. Mỗi phần đều là những câu hỏi mà tác giả – một nhà trị liệu nhi khoa – được hỏi nhiều nhất. Cuối mỗi câu hỏi là phần “Hoạt động thực tế” mà các bậc phụ huynh có thể làm cùng con để cùng đạt đích. Có rất nhiều hoạt động và cũng rất dễ áp dụng ở tại nhà.
Tác giả
Cara Koscinski vừa là mẹ của hai trẻ tự kỉ, vừa là một chuyên gia trị liệu, đã tham gia rất nhiều khóa học, vì thế, bà có được kinh nghiệm đa chiều và đa dạng. Nếu một kĩ thuật nào đó không hiệu quả với con của bà hoặc bệnh nhân của bà, bà sẽ không đề cập trong cuốn sách này. Mọi hoạt động trị liệu được nhắc đến, đều đã được bà thử, đã thành công với bệnh nhân và với chính những đứa con của mình.
Nuôi dạy trẻ có rối loạn phổ tự kỷ trong môi trường gia đình

Thể loại: khoa học đời sống
Số trang: 228
Khổ: 13,5×20,5cm
Tác giả/ Chủ biên: GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm; Đồng chủ biên: ThS Hồ Thị Huyền Thương; TS.BS Nguyễn Thị Thanh Mai; ThS. BS Quách Thúy Minh
Giá bìa: 78.000đ
ISBN: 978-604-56-6135-2
Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành trên toàn quốc tháng 3 năm 2018.
Nuôi dạy trẻ có rối loạn phổ tự kỷ trong môi trường gia đình được tập thể các các tác giả Việt Nam biên soạn nhằm cung cấp cho bố mẹ, ông bà của trẻ tự kỷ những kiến thức cơ bản nhất, thực tế nhất, dễ áp dụng nhất để có thể hướng dẫn, giáo dục can thiệp trẻ tại nhà.
Xuất thân là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân y khoa, chuyên gia tâm lý, chuyên viên trị liệu âm nhạc, chuyên viên trị liệu ngữ âm, thiền và yoga, chuyên viên giáo dục đặc biệt… các tác giả đã có một quá trình dày công nghiên cứu và thực hành trị liệu, can thiệp với trẻ có rối loạn phổ tự kỷ nên họ thực sự thấu hiểu những khó khăn mà những bậc cha mẹ hay người chăm sóc trẻ thường gặp phải, đồng thời họ cũng phần nào “đọc” được những đứa trẻ đặc biệt thật sự muốn gì, cần gì… Bởi vậy, đây chắc chắn sẽ là cuốn “cẩm nang” bổ ích cho nhiều gia đình nhất là các gia đình ở các vùng nông thôn ít có điều kiện tiếp xúc với internet, những vùng chưa có các trung tâm giáo dục chuyên biệt cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Cuốn sách cũng là một tài liệu hữu ích cho các cán bộ mới bắt đầu bước vào lĩnh vực can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ.
Những đứa trẻ mộng mơ

Thể loại: khoa học đời sống
Số trang:156
Khổ: 13,5×20,5cm
Tác giả: Nhiều tác giả
Chủ biên: GS.TS Nguyễn Thanh Liêm đồng chủ biên: ThS Nguyễn Vân Hà
Giá bìa: 100.000đ
ISBN: 978-604-56-6077-5
Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành trên toàn quốc tháng 4 năm 2018.
Những đứa trẻ mộng mơ là 30 câu chuyện xúc động động về hành trình tiến bộ, hòa nhập của 30 trẻ có rối loạn tự kỷ điển hình được can thiệp điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc tại Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec – Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec. 30 đứa trẻ đến từ những vùng miền khác nhau, với 30 hoàn cảnh gia đình khác nhau cùng 30 tình trạng bệnh lý không giống nhau đã được trị liệu can thiệp và có những tiến bộ, chuyển biến đáng kể so với trước đó. Không chỉ là những chia sẻ chân tình, cuốn sách này còn có thể mang đến những tia hi vọng cho nhiều gia đình có trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ.
Thấu Hiểu Và Hỗ Trợ Trẻ Tự Kỷ

Cuốn sách gồm 5 phần chính: Phần 1: Tổng quan về bệnh tự kỷ; Phần 2: Chuẩn đoán và phân loại bệnh tự kỷ; Phần 3: Giải mã để thấu hiểu trẻ tự kỷ; Phần 4: Các quan niệm và kỹ thuật điều trị bệnh tự kỷ và Phần 5: Thực hành điều trị bệnh tự kỷ.
Trong đó, phần quan trọng và cũng là phần được mong đợi nhất chính là Phần 5 – Thực hành điều trị bệnh tự kỷ. Trong phần này, không chỉ có các kỹ thuật điều trị, kỹ thuật huấn luyện trẻ tự kỷ về khả năng chú ý, về ngôn ngữ, về động cơ phát triển… mà những người thực hiện cuốn sách còn đưa ra những thông tin và hướng dẫn về người điều trị trực tiếp cho trẻ là cha mẹ hay người chăm sóc, bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhà tư vấn tâm lý, các thầy cô giáo… Bởi vì việc có một thái độ đúng đắn với trẻ tự kỷ bao giờ cũng là điều vô cùng quan trọng.
Nuôi dạy trẻ là một công việc vô cùng khó khăn, nuôi dạy trẻ tự kỷ lại càng khó khăn gấp bội và cần rất nhiều tình yêu thương, sự kiên nhẫn dành cho trẻ. Hy vọng, với Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ – được xem là cuốn cẩm nang đầu tiên dành cho các cha mẹ có con bị tự kỷ cũng như tất cả những ai quan tâm đến căn bệnh này, sẽ tìm thấy được những kiến thức bổ ích, để có thể điều trị kịp thời và góp phần nuôi dạy con em mình tốt hơn.
Hỗ Trợ Trẻ Tự Kỷ

Quyển sách này có thể áp dụng cho tất cả phụ huynh, các nhà trị liệu, giáo viên hay thành viên trong gia đình, những người yêu quý đứa con mắc chứng tự kỷ. Quyển sách này có thể áp dụng khi phương thức điều trị căn bản của con là ABA, Floortime, RDI, Hành vi nói (Verbal behavior), Handel, Liệu pháp trò chơi chuyên sâu hay bất kì liệu pháp nào khác.
Quyển sách này thực sự dành cho bất kì ai cần được giúp đỡ về những vấn đề sau:
Đánh răng
Cắt tóc
Mặc đồ
Các khó khăn về giấc ngủ
Hành vi đánh người
Cơn bùng nổ
Hướng dẫn đi vệ sinh
Làm quen với thức ăn mới.
Hầu hết những điều trên xuất hiện ngoài thời gian trị liệu. Những điều này diễn ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng; Quyển sách này được viết ra nhằm giúp đối phó với những tình huống trên và những khó khăn mỗi ngày. Có nhiều sách trên thị trường nói về những chủ đề trên cho những đứa con bình thường, nhưng không phải dành cho những đứa con trong phổ tự kỷ. Bạn có thể cảm thấy rằng mình bị mất phương hướng khi phải xoay xở với con ngoài các giờ trị liệu hoặc thời gian ở trường; trong việc tạo nên một trải nghiệm hài hòa giữa bạn, con và các thành viên trong gia đình.
Tôi Dạy Con Tự Kỷ Như Thế

Cuốn sách Tôi dạy con tự kỷ như thế đã được đúc kết sau bao nhiêu năm chị dạy con. Đó vừa là kinh nghiệm thực tế, vừa là những kỹ năng chị học hỏi từ nước ngoài và đem về truyền thụ cho con. Cuốn sách không chỉ là lý thuyết sáo rỗng mà còn rất nhiều bài tập về ngôn ngữ, toán hay đơn giản chỉ là kỹ năng hàng ngày… đã được tác giả truyền đạt trong cuốn sách.
“Là cha mẹ ai cũng mong muốn cho những đứa con của mình những điều tốt đẹp nhất, nhưng nếu con không được như chúng ta mong muốn thì động lực giúp con có được tương lai tốt đẹp còn tăng lên gấp trăm nghìn lần! Bởi tình yêu thương của cha mẹ với con, cũng bởi mình thương cho chính mình. Tương lai của những đứa trẻ tự kỷ đó ra sao khi xã hội chưa quan tâm nhiều đến nó? Phụ thuộc? Gánh nặng? Áp lực? Tuyệt vọng? Chán nản?… Để điều đó không xảy ra trong tương lai gần với con cái của chúng ta, những người làm cha làm mẹ kém may mắn hãy tự cứu lấy con mình, cứu lấy chính gia đình nhỏ bé của mình bằng những hành động thiết thực: Hãy là cô giáo, thầy giáo của con mọi lúc, mọi nơi. Cuốn Tôi dạy con tự kỷ như thế! sẽ cuốn cẩm nang giúp cho các bậc phụ huynh có được những kinh nghiệm trong quá trình can thiệp cho con tự kỷ từ đó áp dụng một cách phù hợp cho con của mình. Hy vọng với tất cả tâm huyết của mình sẽ truyền lửa cho các bậc phụ huynh có thêm lòng tin, sự nhiệt tình với tình yêu con vô bờ bến để tuyên chiến với tự kỷ và chiến thắng nó!”
Vượt Qua Hội Chứng Tự Kỷ Với The Son – Rise Program

Trong Vượt Qua Hội Chứng Tự Kỷ, Raun trình bày những nguyên tắc mang tính đột phá đằng sau chương trình đã giúp cho ông và hàng ngàn các gia đình của những trẻ em đặc biệt trên thế giới. Tự kỷ, theo như Raun giải thích, là thường xuyên bị hiểu lầm như một dạng rối loạn hành vi, trong khi trên thực tế nó là một rối loạn về quan hệ xã hội. Raun giải thích được tự kỷ từ bên trong sẽ cảm thấy như thế nào và ông cho thấy lí do và cách thức mà chương The Son-Rise Program hoạt động.
Từng bước hướng dẫn rõ ràng cùng những chiến lược thực hành giúp cho người đọc có thể áp dụng ngay – trong một số trường hợp, phụ huynh có thể thấy được những thay đổi của con họ từng chút một mỗi ngày – Vượt Qua Hội Chứng Tự Kỷ cho phép những trẻ em đặc biệt này thách thức và vượt qua những tiên đoán ban đầu, mà cũng thường là rất hạn chế về khả năng của mình. Các bậc phụ huynh cũng như các giáo viên sẽ biết được cách làm thế nào giúp cho trẻ có được những mối quan hệ thực sự có ý nghĩa, mở rộng không giới hạn khả năng giao tiếp của trẻ và tham gia vào cuộc sống xã hội một cách thành công nhất.
Vì Sao Mình Nhảy Nhót – Hé Lộ Về Thế Giới Trẻ Tự Kỷ

Tác giả là một cậu bé mắc bệnh tự kỷ, cậu nói về thế giới và cảm nhận của người tự kỷ thông qua hình thức hỏi đáp. Những câu trả lời của cậu giúp người đọc hiểu thêm về những người mang bệnh này để cùng đồng hành và yêu thương.
Trái Tim Người Cha – Niềm Tin Vững Vàng Cho Trẻ Tự Kỷ

Là cuốn sách thứ hai viết về đề tài tự kỷ của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, “Trái tim người cha” được kể bằng giọng văn đầy xúc cảm. Tám năm cho một hành trình đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và yêu thương được chị khắc họa trung thực, cảm động và đầy thấu hiểu! Cuối cùng thì đi qua giông tố, qua hết mọi bi quan, sợ hãi, hạt giống gieo trồng trên sa mạc đã nảy mầm. Và cái ngày sa mạc nở hoa thật sự chẳng còn xa… Bởi vì với trái tim người cha, không gì là không thể!
Những trò chơi can thiệp sớm

Tác giả: Barbara Sher
Số trang: 250
Phát hành: Nhà Xuất Bản Thế Giới
Năm: 2018
Giá bìa: 120.000
Không ai có thể phủ nhận được vai trò của VUI CHƠI chơi đối với sự phát triển của TRẺ: Chơi giúp trẻ tăng cường thể chất và giác quan, phát triển cảm xúc và tư duy, thúc đẩy ngôn ngữ phát triển một cách tự nhiên trong bối cảnh xã hội. Chơi cần thiết cho mọi trẻ, đặc biệt đối với trẻ rối loạn phát triển.
Trong khi việc mua đồ và dạy trẻ đặc biệt chơi đồ chơi cũng được cha mẹ khá chú ý, nhưng không có gì tốt hơn chính các ba mẹ tham gia chơi đùa với trẻ. Nhưng làm thế nào để trẻ có thể chơi đùa hòa cùng chúng ta, chia sẻ niềm vui và nụ cười xã hội trong khi chơi?
Chúng ta cần phải hiểu mỗi trẻ đặc biệt là một cá thể duy biệt, có những sở thích và điểm mạnh riêng, cùng với những hạn chế và nỗi sợ riêng, vì thế cách thức lựa chọn và tổ chức trò chơi cũng phải phù hợp với đặc điểm riêng của từng trẻ. Và trên tất cả, thông qua trò chơi, chúng ta cần truyền tải thông điệp cơ bản tới trẻ: VUI CHƠI với mọi người thật là THÚ VỊ.
Thật cảm ơn tác giả Barbara Sher – tác giả của CUỐN NHỮNG TRÒ CHƠI CAN THIỆP SỚM được ra mắt độc giả Việt Nam đúng ngày 2/4 – Ngày nhận thức về tự kỷ. Thông qua cuốn sách, tác giả đã giúp chúng ta – những bậc cha mẹ, những nhà chuyên môn hiểu rõ tầm quan trọng của Chơi đối với trẻ đặc biệt, và các cách vui nhộn để thúc đẩy khả năng chơi của trẻ, từ đó cải thiện kỹ năng vận động – cảm giác và kỹ năng xã hội của trẻ đặc biệt.
Thạc sỹ, Chuyên gia trị liệu Barbara Sher, đã có hơn 35 năm kinh nghiệm dạy học và trị liệu chức năng (OT), làm việc chủ yếu với trẻ đặc biệt. Bà đã viết gần 10 tựa sách về trò chơi dành cho trẻ đặc biệt, và được mệnh danh là “Quý bà trò chơi”. Các sách của bà đã được dịch sang 12 thứ tiếng.
Cuốn Những trò chơi can thiệp sớm gồm 5 chương, với lối viết vô cùng đơn giản, dễ hiểu và chi tiết. Cách truyền tải kiến thức của bà qua những trang sách cũng hết sức nhẹ nhàng và lôgic, từ từ dẫn dắt các cha mẹ hiểu biết rõ những điểm mạnh và khó khăn của trẻ, những kỹ năng của trẻ cần thúc đẩy cũng như các cách để thúc đẩy kỹ năng đó. Trò chơi phân loại dựa trên kỹ năng xã hội và cảm giác cần cải thiện của trẻ. Do đó, khi cha mẹ đã nắm bắt được mức độ kỹ năng hiện tại của trẻ thì có thể hòa chơi cùng với trẻ những trò đơn giản, vui nhộn. Trong cuốn sách, bà cũng hướng dẫn cách cha mẹ làm các đồ chơi sử dụng nguyên liệu tái chế, do đó chi phí để tổ chức trò chơi vô cùng tiết kiệm.
Sách gồm 5 chương, dày 250 trang:
Chương 1: Hiểu rõ các vấn đề về xử lý cảm giác
Tác giả là một chuyên gia trị liệu chức năng với hơn 35 năm kinh nghiệm nên bà viết khá cô đọng , xúc tích và dễ hiểu về các vấn đề xử lý cảm giác của trẻ tự kỷ & trẻ rối loạn cảm giác.
Chương 2: Hiểu rõ trò chơi giúp xử lý các vấn đề cảm giác
Nếu các cha mẹ, giáo viên đồng hành lâu dài cùng các con trong các hoạt động vận động cảm giác thì sẽ hiểu rõ vấn đề này.
Chương 3-5: gồm hơn 80 trò chơi xã hội vận động thô, vận động tinh và trò chơi với nước.
Phụ lục: nguồn tham khảo dồi dào về trò chơi và cảm giác
Ido ở xứ sở tự kỷ
Trong tự truyện của mình, tôi sẽ giải thích về tự kỷ từ bên trong. Tôi mơ ước rằng quyển sách của tôi sẽ giúp cho bạn bè tôi và rất nhiều những người tự kỷ không có ngôn ngữ khác được giải phóng giống như tôi vậy. Tôi muốn có phương pháp, tôi muốn có giao tiếp ngay bây giờ cho tất cả những ai còn bị kẹt trong câm lặng. Xin cảm ơn bạn đã lắng nghe một cậu bé câm lặng, không hơn.”

“Tự kỷ là gì? Là một loạt vấn đề hành vi hay thêm gì nữa? Các chuyên gia nhìn vào những khiếm khuyết bên ngoài của tôi – như kém giao tiếp mắt, vẫy tay và chậm giao tiếp xã hội – và họ kết luận luôn là bên trong tôi cũng khiếm khuyết tương tự. Họ cho rằng tôi không hiểu ngôn ngữ, không nhận biết được cha mẹ mình và không có suy nghĩ hơn được một đứa trẻ.
Họ nghĩ rằng bộ não tôi có thể được đúc to lên bằng cách luyện tập cho tôi phát âm các tên và danh từ cơ bản, hoặc bằng cách bảo tôi nhảy, hoặc ngồi, hoặc sờ mũi mình ngày này qua ngày khác. Tôi đã lớn lên trong mô hình giáo dục đó. Giờ tôi nói với bạn điều tôi đã không thể nói cho các chuyên gia đó biết khi tôi vẫn còn bị mắc trong nhà tù câm lặng của mình trong bao nhiêu năm qua: đó là mọi người đã sai rồi.
Thậm chí tệ hơn là mọi người đã tìm cách xử lý các triệu chứng sai. Trong tự truyện của mình, tôi sẽ giải thích về tự kỷ từ bên trong. Tôi mơ ước rằng quyển sách của tôi sẽ giúp cho bạn bè tôi và rất nhiều những người tự kỷ không có ngôn ngữ khác được giải phóng giống như tôi vậy. Tôi muốn có phương pháp, tôi muốn có giao tiếp ngay bây giờ cho tất cả những ai còn bị kẹt trong câm lặng. Xin cảm ơn bạn đã lắng nghe một cậu bé câm lặng, không hơn.”
- Ido Kedar, viết năm 13 tuổi
10 điều mà mọi đứa trẻ tự kỷ mong bạn biết

Cuốn sách của tác giả Ellen Notbohm sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về thế giới của hội chứng tự kỷ qua góc nhìn của trẻ. “10 điều mà mọi đứa trẻ tự kỷ mong bạn biết” đã gây được tiếng vang lớn trên thế giới khi xuất bản. Điều thu hút nhất ở cuốn sách này là nó này đã cất lên tiếng nói của của một đứa trẻ tự kỷ. Nội dung trong cuốn sách là những lời mà mọi người thường không nghe thấy được do sự ồn ào, náo động ngày càng tăng nặng ở trẻ do hội chứng tự kỷ.
Qua cuốn sách này, cha mẹ sẽ nhìn nhận về hội chứng tự kỷ ở một góc độ khác mà bạn chưa từng biết tới. Một số điều mà chúng ta nói có thể gây cản trở cho sự phát triển của trẻ tự kỷ. Cuốn sách này sẽ mở ra cánh cửa để cho bạn có thể nhìn nhận và hiểu sâu hơn về thế giới của trẻ tự kỷ.
Cuốn “10 điều trẻ tự kỷ mong muốn bạn biết” bản tiếng Việt do dịch giả Thuỳ Trang chuyển ngữ. Nội dung cuốn sách gồm các phần như: Con là một đứa trẻ toàn vẹn, Các giác quan của con bị rối loạn, Hãy lắng nghe khi con cố gắng giao tiếp, Tập trung phát triển dựa trên những gì con có thể làm thay vì những gì con không thể.
Giải thích chứng tự kỷ cho cha mẹ

Giải thích chứng tự kỷ cho cha mẹ là cuốn sách của tác giả Jean-Noel Christine. Ông là một nhà tâm lý học trong lĩnh vực tự kỷ và hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Để giúp cha mẹ có thể nhìn thấy một bức tranh đầy đủ nhất về hội chứng tự kỷ, tác giả Jean-Noel Christine đã mô tả đầy đủ những đặc điểm về bệnh lý, tiêu chí chẩn đoán, cách phân loại hội chứng…
Nội dung của cuốn sách bao gồm:
I – Ngày nay chúng ta có biết tự kỷ là gì không?
II – Ngày nay, chúng ta có biết nguyên nhân chính xác của tự kỷ không?
III – Những nét đặc thù của tự kỷ là gì?
IV – Bàn luận xung quanh một số câu hỏi lớn:
Số lượng trẻ tự kỷ có gia tăng không?
Tự kỷ (số ít) hay tự kỷ (số nhiều)?
Chúng ta có chữa khỏi bệnh tự kỷ được không?
Đồng hành nào cho trẻ tự kỷ?
Qua cuốn sách này cha mẹ sẽ hiểu sâu hơn về hội chứng mà con mắc phải, đồng thời cũng tìm thấy cho mình những câu trả lời và hành động phù hợp nhất trong hành trình giúp con vượt qua chứng tự kỷ.
Đi cùng ánh sáng

Đi cùng ánh sáng là tập truyện tranh đã gây được tiếng vang lớn khi lần đầu tiên xuất bản tại Nhật Bản. Đây là tác phẩm của tác giả Keiko Tobe kể về cuộc sống của gia đình bé Hikaru.
Giống như những đứa trẻ khác, Hikaru được sinh ra trong tình yêu thương và niềm hy vọng của cha mẹ. Nhưng ngay từ khi còn bé, Hikaru đã có những biểu hiện bất thường như không muốn được âu yếm, quấy khóc liên tục, rối loạn giấc ngủ… Sau khi nghe bác sĩ chẩn đoán con trai mình mắc chứng tự kỷ. thế giới xung quanh mẹ của Hikaru như sụp đổ. Nhưng chính tình yêu thương con vô bờ bến là động lực để ba mẹ của Hikaru quyết tâm cùng con đấu tranh lại hội chứng tự kỷ và mở ra hành trình hòa nhập với cộng đồng.
Bằng cách tiếp cận chân thực, gần gũi về hiện thực cuộc sống, tác giả Keiko Tobe đã cho người đọc một hình dung cụ thể về một gia đình Nhật Bản đương đại và soi mình vào mỗi trang sách, mỗi khung thoại. Cùng với đó, những kiến thức về tự kỷ được lồng ghép khéo léo trong mỗi bước đường của Hikaru sẽ là những gợi ý cho các gia đình có con em mắc chứng tự kỷ.
425 Bài Tập Ở Nhà Và Trường Mầm Non Cho Trẻ Tự K

“425 bài tập ở nhà và trường mầm non cho trẻ tự kỷ” đã lựa chọn các nội dung của cuốn “chương trình Giáo dục mầm non” (Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành kèm theo thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT) để xây dựng thành các hoạt động phù hợp hơn cho trẻ Tự Kỷ, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, nhận thức… giúp cha mẹ trẻ dễ dàng bám sát chương trình Giáo Dục mầm non để hỗ trợ trẻ theo kịp các bạn cùng độ tuổi; đồng thời giúp cho giáo viên mầm non dễ dàng hỗ trợ trẻ Tự kỷ học hòa nhập trong trường mầm non.
Tác phẩm bao gồm 425 bài tập để giáo viên và phụ huynh có thể dạy trẻ ở trường hoặc ở nhà. Với hơn 100 hình ảnh màu rất thiết thực và cụ thể nên có thể áp dụng dễ dàng.
Bạn tìm thấy gì trong “425 bài tập ở nhà và ở trường mầm non cho trẻ Tự kỷ“?
Là bộ bài tập tham khảo dành cho cha mẹ và giáo viên mầm non, giáo viên hỗ trợ.
Được đúc rút từ kết quả tư vấn, hỗ trợ cho cha mẹ dạy con ở nhà.
Bám sát với mục tiêu cuối độ tuổi của chương trình GDMN của Bộ GD và ĐT.
Các hoạt động học là các trò chơi gần gũi với trẻ.
Dễ dàng cho cha mẹ và GV thực hiện bởi sự chi tiết, rõ ràng, cụ thể…
Có thể thực hiện ở nhà và ở trường mầm non.
Chú trọng đến hình thành kỹ năng cho trẻ như: kỹ năng quan sát, chú ý, bắt chước…
Các Hoạt động được sắp xếp từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, theo quy trình: Chú trọng phát triển kỹ năng- Phát triển kỹ năng nghe hiểu- Tăng cường khả năng nhận thức- Phát âm- Phát triển ngôn ngữ: câu đơn, ghép, câu hỏi, diễn tả… ứng dụng ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày cho trẻ.
Có thể áp dụng và xây dựng chương trình can thiệp, hỗ trợ cho bất cứ trẻ nào ở độ tuổi Mầm non.
“Dù con bạn như thế nào, thì việc xây dựng và thực hiện chương trình can thiệp hỗ trợ cho con ở nhà mới thực sự đem lại hiệu quả. Bởi nó giúp bạn nhìn thấy sự phát triển của con, giúp bạn có nhiều cơ hội chơi cùng con, và hơn nữa nó giúp bạn tiết kiệm được thời gian và tiền bạc… bởi con đường hành trình cùng con còn dài…..”
Hỗ Trợ Kiến Thức Về Chăm Sóc Và Giáo Dục Trẻ Mắc Hội Chứng Tự Kỷ

Hỗ Trợ Kiến Thức Về Chăm Sóc Và Giáo Dục Trẻ Mắc Hội Chứng Tự Kỷ (Dành Cho Giáo Viên)
Kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Chăm sóc trẻ em cho thấy vấn đề giáo viên dạy trẻ tự kỉ hiện nay quan tâm nhiều nhất là việc lựa chọn được một quy trình chuẩn trong đánh giá, dạy và trị liệu cho trẻ tự kỉ. Mong muốn này xuất phát từ thực tế là hầu hết giáo viên dạy trẻ tự kỉ hiện nay chủ yếu là cán bộ tâm lí tốt nghiệp Đại học Sư phạm và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, giáo viên mầm non, giáo viên giáo dục đặc biệt. Họ đều chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về lĩnh vực dạy trẻ tự kỉ mà những kiến thức chủ yếu họ có được do tự học hoặc qua các lớp tập huấn ngắn ngày về trẻ tự kỉ. Vì vậy, nếu có được một quy trình chuẩn trong đánh giá, dạy và trị liệu cho trẻ tự kỉ thì hiệu quả dạy học của giáo viên sẽ được nâng cao hon, qua đó tạo niềm tin cho các bậc cha mẹ có con mắc hội chứng tự kỉ vào các biện pháp chăm chữa mà giáo viên đó sử dụng.
Kế Hoạch Dạy Trẻ Tự Kỷ

Tại sao Quyển sách ra đời?
Sau khi cô Nhung chia sẻ những nội dung bài dạy của học sinh mình về chương trình cá nhân và chương trình nhóm lớp trên các trang mạng xã hội, thì có rất nhiều Phụ Huynh cũng như Thầy cô giáo inbox cho cô Nhung hỏi chi tiết về các chương trình này như thế nào, dạy làm ựa trên những yêu cầu trên, cô đã tổng hợp lại trong quyển sách KẾ HOẠCH DẠY TRẺ TỰ KỶ với đầy đủ những chương trình mà ba mẹ và thầy cô đang cần.
Quyển sách sẽ giúp được gì cho ba mẹ và thầy cô giáo?
- Đối với ba mẹ có con chậm nói, tự kỷ:
- Hổ trợ ba mẹ biết bắt đầu từ đâu và định hướng tiếp theo như thế nào?
- Hổ trợ ba mẹ có thể tự can thiệp cho con tại nhà bằng các kế hoạch và giáo án mẫu
- Hổ trợ ba mẹ tiết kiệm được thời gian trong việc tìm phương hướng dạy con của mình.
- Đối với các Thầy cô giáo:
- Hổ trợ giáo viên có cái nhìn tổng quan về chương trình học cá nhân cho trẻ ở từng giai đoạn.
- Có chương trình nhóm lớp cụ thể rõ ràng
- Giúp các cho sinh viên mới ra trường nắm bắt nhanh các chương trình can thiệp cho con.
Con người vô song một cách nhìn khác về tự kỷ

Tự kỷ không phải là bệnh,tự kỷ chỉ là cách sống khác mà thôi.Trẻ em và người lớn mắc hội chứng tự kỷ đều trải qua những giai đoạn được phát triển như chúng ta.Để giúp đỡ họ,chúng ta không cần phải “chữa” họ mà cần hiểu họ và thay đổi chính mình – Thay đổi niềm tin,thái độ và hành động.
Đây là triết lý của tác giả,và CON NGƯỜI VÔ SONG là thành quả cả cuộc đời nghiên cứu của ông.Suốt hơn bốn thập kỷ ,ông đã giúp hàng ngàn gia đình nhìn nhận lại những trải nghiệm của mình,đồng thời giúp nhiều chuyên gia có cái nhìn sâu sắc và hiệu quả hơn.Thông qua những ví dụ tuyệt vời mà ông rút ra từ quá trình làm việc của mình với lòng nhiệt tâm,cuốn sách này đã đưa ra rất nhiều những phương thức và đề xuất,bao gồm :
- Hãy hỏi ” Tại Sao?”
- Dạy Thấu Cảm
- Hãy Khuyến Khích Niềm Đam Mê
- Tìm Kiếm “Sự Thấu Hiểu”
Để lại một phản hồi